Author Topic: Calcio: Phượng hoàng tái sinh  (Read 1174 times)

Description:

Offline souslevent

  • *
  • Moderator
  • Posts: 6,530
  • Joined: Oct 2006
  • Thanked: 167
  • Thanks: 791
  • Gender: Male
  • No war, no victory
« on: May 28, 2015, 07:35 PM »
Logged
Trong truyết thuyết phương Tây, Phượng Hoàng là một giống chim lửa linh thiêng và thần thánh. Hơn nữa, nó còn là một giống loài "bất tử". Khi chuẩn bị "chết", nó thường xây cho mình một chiếc tổ rất đẹp bằng những cọng quế và sau đó tự bốc cháy. Cả chim và tổ đều cháy dữ dội và biến thành than để sau đó chỉ còn là một nắm tro tàn. Để rồi từ nắm tro ấy, một chú phượng hoàng con lại ra đời. Giờ thì người Italia đang mơ về sự tái sinh của con phượng hoàng mang tên: Calcio (tên gọi cũ của Serie A)

Trong quá khứ, bóng đá Italia đã có thời kỳ toả sáng và chói loà vào năm 2006 với chức vô địch thế giới, nhưng đó lại là giờ phút cuối cùng của một chu kỳ. Calciopoli đến như con bão lửa kéo đi tất cả, không chỉ Juventus mà cả niềm tin vào một nền bóng đá có quá nhiều vấn đề nội tại. Cho dù bóng đá Italia cũng kịp có 2 chức vô địch C1 sau đấy, nhưng cả hai đều không mang lại nhiều dấu hiệu tích cực cho cả nền bóng đá Italia. Họ bị mất mặt tại Euro 2008, WC 2010. Họ mất luôn vị trí trong TOP 4 các giải đấu hàng đầu Châu Âu đồng nghĩa với 1 chiếc vé dự Champions League. Nhưng giờ đây thì bóng đá Italia có quyền nói đến hai chữ hồi sinh. Các đội bóng Italia đã có một mùa giải tuyệt vời tại đấu trường Châu lục. Juve vào CK Champions League, Napoli và Fiorentia dừng chân tại BK Europa League. Theo hệ số tính điểm của UEFA thì Serie A chỉ xếp sau mỗi Liga. Mùa giải tới, thành tích của mùa giải 2010/2011 sẽ bị loại ra khỏi công thức tính điểm, bởi vì hệ số của UEFA chỉ dựa trên 5 mùa giải gần nhất. Điều đó có nghĩa là Serie A chỉ cách giải đấu thứ 4 (Premier League) khoảng 3 điểm. Nói một cách đơn giản, nếu mùa giải năm tới vẫn diễn ra như mùa giải năm nay, nghĩa là các đội bóng Italia vẫn thăng hoa, các đội bóng Anh quốc vẫn biến mất khỏi các vòng knock-out, Serie A sẽ có cơ hội san bằng tỉ số, thậm chí vượt lên dẫn trước để dành lại chiếc vé thứ 4 dự Champions League của mùa giải sau đó.

Ảo vọng
"Với một chữ nếu, người ta có thể nhét cả Paris vào một cái chai”, như cách người Pháp vẫn thường nói. Thực tế bao giờ cũng khác xa và khắc nghiệt hơn rất nhiều những gì người ta tưởng tượng. Trước khi bàn về ước vọng hồi sinh của Calcio, hãy làm rõ một khái niệm, một định mức nào đó để có thể nói rằng Calcio đã/đang hồi sinh. Sức mạnh của nền bóng đá được thể hiện ở trên hai khía cạnh: sức hấp dẫn của giải đấu và sự cạnh tranh của ĐTQG. Tây Ban Nha là một ví dụ, họ từng có danh hiệu: "Vua vòng loại". Khi đó, TBN có những cầu thủ rất tốt nhưng không bao giờ đạt được thành công. Các cầu thủ Tây Ban Nha cũng không có vị trí bên ngoài mảnh đất của bán đảo Iberia, cho dù Barca, Valencia hay Real đều là những đội bóng hàng đầu Châu Âu. Tất cả đều thay đổi khi người Tây Ban Nha chiến thắng, đó là chiến thắng của một thế hệ, một mô hình, một thương hiệu. Lối chơi tiki-taka có ảnh hưởng lớn lao đến cách xây dựng đội bóng, đến ĐTQG Việt Nam còn nói đến Tiki-taka thì hiểu độ phủ sóng của triết lý này lớn đến mức nào. Các cầu thủ Tây Ban Nha có vai trò và vị thế hoàn toàn mới trên bản đồ bóng đá. Họ đã có tiếng nói quyết định ở các CLB nước ngoài, như Cesc Fabregas, như Mata, như Silva... Liga đã hồi sinh khi họ tìm thấy bản lĩnh.

Một ví dụ khác là người Đức và Bundesliga, họ không có vấn đề về cầu thủ, thương hiệu, chiến thuật như người Tây Ban Nha, nhưng họ lại có vấn đề về sự kế thừa. Có điểm gì đặc biệt ở ĐTQG Đức khi họ đoạt chức VĐTG ở Brazil 2014? Rất trẻ, rất kinh nghiệm, rất gắn bó. Phần lớn bộ khung ấy đã được phát hiện và lắp ghép khéo léo từ WC 2006. Người Đức đã sớm nhận ra vấn đề của họ từ thất bại tại EURO 2004 và tiến hành cải cách để vượt qua trở lực. Họ đã thành công. Không chỉ ĐT Đức có những thành công, Bundesliga cũng rất nổi bật với những SVD sạch sẽ, luôn đầy ắp khán giả, "Bayern và đồng bọn" luôn có mặt đúng hẹn tại các vòng knock-out tại các cúp Châu Âu. Bundesliga đã hồi sinh sau cơn cúm nhẹ.

Vậy thì Calcio thiếu gì để hồi sinh? Tất cả. Những sân vận động cũ kỹ được xây từ WC 1990 không bao giờ là điểm đến hấp dẫn cuối tuần khi sự lạc hậu, thiếu án toàn luôn bủa vây họ. Những vị khán giả khó tính mang tên ultras luôn biến những sân vận động thành những võ đài hay những chảo lửa với những bandrole tục tĩu, những bài hát khó chịu. Những thất bại kinh niên khiến họ luôn giận dữ và dễ kích động. Nói một cách đơn giản, Calcio cần một sân chơi mới sạch sẽ hơn, văn minh hơn. Đó sẽ là mảnh đất tốt để những con người trở nên dễ chịu và hiền hoà hơn. Sau Juventus Stadium & Mappei Stadium, Calcio cần thêm những sân khấu mới. Roma, Milan, Inter, Napoli đã bắt đầu khởi động. Sớm muộn thì điều đó sẽ không còn là ảo vọng, nó sẽ là hy vọng của sự hồi sinh.

Ngoài sân vận động, Calcio cần một cách vận hành mới, hiện đại hơn, linh hoạt hơn và công bằng hơn. Bóng đá Italia luôn bủa vây với những scandal dàn xếp tỉ số, những phiên toà trái ngược, những vụ đi đêm. Nói như chủ tịch Juve, Andrea Agnelli, "Ở Italia có hai hệ thống toà án. Một nhanh chóng đưa ra những phán quyết, một chậm rãi gỡ bỏ những quyết định đó". Sự nhập nhằng trong hệ thống kỷ luật mang đậm tính dân chủ của Italia đang khiến họ rơi vào các vòng xoay bất tận trong khi vấn đề chính thì không giải quyết được. Thủ tưởng Italia, Renzi, trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây trên sóng radio của RTL đã phải thốt lên: "Chúng ta đã phải hứng chịu quá đủ những scandal, những rắc rối trong thế giới bóng đá rồi. Hãy trả quả bóng về đúng vai trò của nó, tôi sẽ kiến nghị trực tiếp với liên đoàn bóng đá Italia. Đến lúc phải thay đổi. Tôi phán ngán rồi bởi vì bóng đá là giá trị gia tăng đối với đất nước này". Sau sự thất bại của Albertini và những người cải cách, người ta biết rằng không dễ để vực dậy Serie A. Đằng sau nó là những mối quan hệ chằng chịt, những hợp đồng mờ ám, những tầm ảnh hưởng không dễ thoát khỏi. Tavecchio được bầu là chủ tịch liên đoàn (FIGC) thay cho Abete. Nhưng ai cũng biết ai mới là người đứng sau toàn bộ hoạt động của nền bóng đá Italia. Có lạ không khi Tavecchio phong cho Lolito (chủ tịch Lazio) một chức danh về phụ trách cải tổ Serie A để rồi ông này xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và ngay cả trong phòng thay đồ của ĐTQG? Có lạ không khi các hợp đồng về bản quyền truyền hình của Serie A, B trong nhiều năm liên tiếp, và vừa được gia hạn thêm 3 năm từ 2015-2018, với cùng một công ty, Infront, được điều khiển bởi Philippe Blatter (cháu của chủ tịch Fifa Sepp Blatter) và Marco Bogarelli, đồng minh thân cận của Lolito & Tavecchio. Những chiến lược cải cách sâu rộng mà "nhóm nổi loạn" do Juve, Roma và Inter dẫn đầu đã thúc thủ trong hiệp đấu đầu tiên. Liệu Serie A có thể hổi sinh với phong cách cũ, quản lý cũ và định hướng cũ? Một sự ổn định đến ngạt thở.



Một trở lực khác là chiến lược của các đội bóng, nó thật sự rất thiếu tính ổn định. Những thất bại liên tiếp khiến các đội bóng Italia trở nên nóng vội, càng nóng vội họ càng lún sâu vào vòng xoay: đập, xây, xây, đập. Milan và Inter vẫn chưa thể tìm được con đường đi đúng đắn sau những năm tháng vinh quang. Con đường của họ còn rất dài vì họ vẫn chưa được một công thức hợp lý. Juve và Roma có thể đã đi trước một bước nhưng họ sẽ phải bắt đầu một vòng quay mới khi những biểu tượng chiến thắng của họ đã bắt đầu run rẩy trước sức ép của thời gian. Roma sẽ phải giải bài toán Totti & De Rossi, trong khi Juve sẽ phải tìm một công thức chiến thắng mới mà không có Pirlo. Napoli và Fiorentina là hai đại diện của Italia tại BK Europa League nhưng sau mùa giải này chắc chắn họ sẽ thay đổi rất nhiều. Benitez và cả Bigon (GDKT) sẽ rời Napoli. Montella cũng nhiều khả năng chia tay đội bóng thành Firenze để tìm một thử thách ở mức độ cao hơn.

Khi nói về sức mạnh của một nền bóng đá, không thể bỏ qua ĐTQG. Không nên lấy bóng đá Anh là một dẫn chứng, bởi đơn giản họ đang thành công trên phương diện giải trí và tranh thủ sự yếu kém về mặt kinh tế của các nước trong khối EU để vượt lên mà thôi. Bóng đá Italia đã phải đối mặt với những khoảng trống mênh mang về mặt thế hệ khi những đứa con ưu tú của "Đêm Berlin huyền ảo" treo giày. Conte đã phải sử dụng không ít những cầu thủ tuổi băm (Pelle) hay nhưng oriundi (nhập tịch) tầm trung (Vazquez, Eder) làm dấy lên những tranh cãi. Không phải bóng đá Italia không sản sinh ra những người kế thừa, vấn đề là những đứa trẻ không được trao cơ hội để phát triển hoặc không có những dẫn dắt của những người đi trước. Milan có thể là một ví dụ điển hình về vấn đề này. Nói như Paolo Maldini: "Họ đã từng bước vứt đi những gì quý giá nhất. Những cầu thủ trẻ, những người mới đến không hiểu được giá trị truyền thống của màu áo mà họ đang mang. Hãy nhìn xem, những người đã tạo nên Grande Milan một thời, giờ họ ở đâu? Tôi biêt rằng chỉ có Baresi vẫn còn hợp tác với Milan nhưng vai trò của anh ấy rất hạn chế". Hay như cách mà Sacchi nói một cách cay đắng: "Bóng đá trẻ Italia giờ toàn người da màu". Nếu bỏ qua khía cạnh đạo đức thì có thể thấy thực tại phũ phàng của bóng đá Ý. Họ sẵn sàng tạo cơ hội cho những đứa con ngoại quốc mà hắt hủi những đứa trẻ do họ tạo ra, như cách các chú chim chích bị đám tu hú lừa đảo. Tất nhiên là họ không ngu, những đứa trẻ ngoại quốc ăn ít, bán được giá hơn nhiều những đứa trẻ Italia hay đòi hỏi và ít được giới con buôn nước ngoài yêu thích. Những tài năng nước Ý đã hùng hổ ra đi rồi lại lủi thủi ra về như Cassano, G. Rossi, Balotelli, Borini và giờ là Immobile, Cerci. Họ không có một bệ phóng cần thiết để tham gia vào Thế giới phẳng.

Hy vọng

Con phượng hoàng cho dù tái sinh thì cũng cần thời gian để quay lại vị thế cũ. Tất cả những gì bóng đá Italia cần là một lời cảnh tỉnh và một bàn tay. Parma đã cho họ một lời cảnh tỉnh, Milan đã nhắc cho họ nhớ một vấn đề, không có gì là mãi mãi. Nhưng Juve, Udinese, Sassuolo đã đưa cho họ một bàn tay.

Thành công của Juve trong giai đoạn khó khăn của bóng đá Italia còn hơn một liều thuốc thần. Điều mà Andrea Agnelli muốn chỉ cho những vị chủ tịch già của bóng đá Italia thấy những người trẻ đôi khi có lý của họ. Juventus Stadium đã trở thành điểm tựa về tài chính, chuyên môn cho sự hồi sinh của Juve. Trên sân cỏ Juventus Stadium, Juve có một thành tích gần như hoàn hảo, mới chỉ vài ba đội đến đây và ra về với chiến thắng (Inter, Sampdoria, Fiorentina, Bayern Munich). Trên khán đài Juventus Stadium, tỉ lệ lấp đầy luôn xấp xỉ 97-98% với doanh thu tăng gấp 3,4 lần.

Allegri đến và cùng Juve kéo bóng đá Italia ra khỏi sự tự ti kinh niên. Một HLV bách chiến bách thắng trên mảnh đất Italia như Conte lại cay đắng mà thừa nhận rằng: "Trong 5 năm tới, khó mà hy vọng một đội bóng Italia nào có mặt trong trận CK Champions League. Với 10€ bạn không thể vào một nhà hàng 100€". Về cơ bản, đó không phải là điều vô lý, nhưng đó không phải là chân lý. Atletico, Dortmund đã làm được thì tại sao bóng đá Italia không làm được? Juve đã có mặt ở trận CK, điều đó sẽ cho họ sự tự tin và giúp các đội bóng Italia hiểu rằng: Nothing is impossible (Không gì là không thể)

Nếu Juve là một bài học dành cho những kẻ nhiều tiền thì Sassuolo và Udinese là tấm gương mẫu mực cho những kẻ ít tiền. Gia đình Pozzo đã đưa ra một mô hình kinh tế mới với những đội bóng vệ tinh ở TBN (Granada) và Anh (Watford), giúp họ vận hành dễ dàng hơn lò ươm tài năng. Những cầu thủ trẻ (cả ngoại quốc và italia) có cơ hội cọ sát ở các giải đấu khác nhau, nhờ thế mà tích luỹ được kinh nghiệm cứng (chuyên môn) và kinh nghiệm mềm (kỹ năng sống) và giúp CLB chào hàng dễ dàng hơn với các đại gia. Trong khi, Sassuolo lại trung thành với triết lý "Made in Italy". Có những thời điểm Sassuolo có thể đưa ra một đội hình 100% người Ý và 100% bàn thắng "Made in Italy". Những tài năng trẻ như Zaza, Berardi, Sansone đã trưởng thành ở môi trường tuyệt vời ấy và đã sẵn sàng tiếp bước các đàn anh ở ĐTQG.

Điều đáng hy vọng nhất không phải là ở việc người Ý đã hiểu ra vấn đề mà họ đã bắt tay vào sửa chữa. Nhưng dự án tuyệt vời như sân vận động mới của Roma, của Milan, của Napoli, Udinese (nâng cấp) nếu đi vào hoạt động sẽ đưa bóng đá Italia quay lại gần hơn với khán giả và những đồng tiền của họ. Đó sẽ là liều thuốc kháng sinh giúp họ vượt qua cơn bênh này.

Còn quá sớm để nói rằng bóng đá Italia hồi sinh. Họ còn cần một vài năm như thế này nữa để có thể sánh vai cùng với các cường quốc Châu Âu. Nhưng không quá muộn để nói rằng bóng đá Itali đã có hy vọng hồi sinh với những cầu thủ trẻ như Perin, Sturaro, Rugani, Berardi, Zaza, Romagnoli, Florenzi, De Siglio, El Shaarawy... Con phượng hoàng sẽ rũ bụi tro tàn để ngạo nghễ quay lại nơi nó thuộc về, như cách mà Juve đã quay về từ địa ngục Calciopoli.
« Last Edit: May 29, 2015, 07:59 PM by souslevent »
Follow members gave a thank you for this useful post:

Offline Duong Qua

  • Bàn tay xiết chặt bàn tay...
  • *
  • JFC Hero
  • Posts: 3,805
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 931
  • Thanks: 528
  • Gender: Male
« Reply #1 on: June 03, 2015, 12:39 PM »
Logged
Mùa tới Premier League đứng thứ ba còn Serie A đứng thứ tư mà. Chỉ TOP 3 mới có 4 đội dự Champions League thôi.
Con phượng hoàng này bị bắn giãy đành đạch rồi lăn ra chết nên chắc không kịp hồi sinh đâu :))
Diều hâu tuy nhỏ nhưng hung dữ, bay cao và rất xa

Y!M: tddhduongqua

Offline souslevent

  • *
  • Moderator
  • Posts: 6,530
  • Joined: Oct 2006
  • Thanked: 167
  • Thanks: 791
  • Gender: Male
  • No war, no victory
« Reply #2 on: June 03, 2015, 04:00 PM »
Logged
Mùa sau Serie A sẽ vứt được mùa giải 2011-2012 khỏi bảng tổng sắp nên cũng nhẹ gánh nhiều. Nhưng còn lâu mới có chuyện EPL nó bết như mùa này. Tốt nhất mùa sau Lazio & Roma rủ nhau tranh Europa League có khi lại lên nhanh hơn, chuyện C1 cứ để anh cả ra tay :))

Offline souslevent

  • *
  • Moderator
  • Posts: 6,530
  • Joined: Oct 2006
  • Thanked: 167
  • Thanks: 791
  • Gender: Male
  • No war, no victory
« Reply #3 on: June 11, 2015, 11:34 PM »
Logged
Cái này viết lâu lâu rồi nhưng dăm năm nữa vẫn đúng  :m1205:

0 Members and 1 Guest are viewing this topic.