Author Topic: Túc cầu dưới mặt trời và trong bóng tối  (Read 1155 times)

Description:

Offline Thiết Mộc Chân

  • *
  • Promising Youngster
  • Posts: 85
  • Joined: Nov 2013
  • Thanked: 63
  • Thanks: 90
  • Gender: Male
  • Street football is the greatest thing in the world
« on: October 17, 2014, 07:55 AM »
Logged
Nguồn: Tiền Vệ (tienve.org)


LỜI TRẦN TÌNH CỦA TÁC GIẢ

Giống như tất cả những đứa trẻ ở xứ Uruguay, hồi còn bé tôi đã ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Tôi chơi rất khá, phải nói là tuyệt vời, nhưng chỉ vào ban đêm khi tôi đang say ngủ. Vào ban ngày thì tôi là cái cẳng gỗ duy nhất chạy trên những sân bóng đá ở xứ tôi.

Như một kẻ mê xem bóng đá, tôi cũng có rất nhiều điều mơ ước. Hồi ấy Juan Alberto Schiaffino và Julio César Abbadie chơi cho đội Peñarol, đội của phe địch. Tôi là một fan trung thành của đội Nacional và tôi đã tìm mọi cách để thù ghét họ. Nhưng với những cú giao bóng bậc thầy, el Pepe Schiaffino đã dàn trận cho những cuộc chơi của đội Peñarol như thể ông đang theo dõi họ từ toà tháp cao nhất của sân vận động, và el Pardo Abbadie, chạy bằng đôi hia bảy dặm, đã dẫn bóng xuống tận lằn vạch trắng ở cuối sân, mặc sức tung hoành mà chẳng thèm nhìn vào trái bóng, chẳng thèm ngó các đối thủ. Tôi không thể nào mà không ngưỡng mộ họ, và thậm chí tôi còn muốn reo lên để tán thưởng họ.

Nhiều năm đã trôi qua và cuối cùng tôi đã biết chấp nhận mình như là chính mình: một kẻ hành khất cầu xin được xem các trận đấu bóng hay. Tôi đi lang thang trên thế giới, chìa bàn tay ra, và trong các sân vận động tôi van vỉ:

— Xin Trời ban cho một cuộc chơi đẹp mắt!

Và khi một trận bóng tuyệt vời diễn ra, tôi cảm ơn phép lạ và tôi chẳng cần biết đội nào hay nước nào chơi trong trận ấy.


BÓNG ĐÁ

Lịch sử của bóng đá là một hành trình đi từ cái đẹp đến nhiệm vụ được giao phó. Khi môn thể thao này đã biến thành kỹ nghệ, thì cái đẹp sinh ra từ niềm vui của cuộc chơi đã bị nhổ tróc rễ. Trong cái thế giới cuối thế kỷ hai mươi này, môn bóng đá chuyên nghiệp đã chê trách tất cả những gì vô dụng, và vô dụng có nghĩa là không sinh ra lợi nhuận. Chẳng có ai kiếm chác được gì từ cái cảm giác điên rồ đã biến một người đàn ông thành một đứa trẻ chơi với trái bóng, như một con mèo chơi với một cuộn chỉ; một vũ công ballet nhảy múa với một khối cầu nhẹ như quả bong bóng hay một cuộn len; chơi mà thậm chí không biết mình đang chơi, chơi không cần mục đích, không cần đồng hồ, không cần trọng tài.

Cuộc chơi trở thành ngoạn mục, với một vài người đóng vai chính và nhiều người dự khán. Bóng đá là để cho người ta nhìn ngắm. Và sự ngoạn mục ấy đã trở thành một trong những thương vụ sinh ra lợi nhuận nhiều nhất trên thế giới. Vì thế nó được tổ chức không để chơi cho vui, nhưng để xoá bỏ cái tâm lý chơi cho vui. Tính kỹ trị của thể thao chuyên nghiệp đã tạo ra một kiểu bóng đá với tốc độ chóng mặt và sức mạnh dã man, một kiểu chơi đầy tính toán, phủ định niềm hoan lạc, giết chết óc lộng tưởng và gạt bỏ sự liều lĩnh.

May thay, trên sân bóng, bạn vẫn còn thấy, dù chỉ thỉnh thoảng, một vài kẻ táo tợn ngông cuồng dám bất chấp sách vở, một mình dẫn quả bóng xuyên qua cả trận đồ của đối phương, làm sửng sốt cả trọng tài và đám đông trên khán đài, tất cả chỉ vì niềm hoan lạc dấn thân vào cuộc phiêu lưu bị cấm đoán, để đạt đến sự tự do.

Offline Thiết Mộc Chân

  • *
  • Promising Youngster
  • Posts: 85
  • Joined: Nov 2013
  • Thanked: 63
  • Thanks: 90
  • Gender: Male
  • Street football is the greatest thing in the world
« Reply #1 on: October 17, 2014, 08:05 AM »
Logged

NGƯỜI CHƠI BÓNG
Thở hổn hển, chàng chạy như bay. Một bên là những thiên đường vinh quang đang chờ đợi chàng; bên kia là hố thẳm của sự thất bại.

Chàng là mối ghen tỵ của xóm giềng: gã lực sĩ chuyên nghiệp này đã thoát ra khỏi thân phận một công nhân nhà máy hay thư ký văn phòng, và được trả tiền để chơi với quả bóng. Chàng đã trúng số độc đắc. Và ngay cả mặc dù chàng phải đổ mồ hôi đầm đìa mà không được quyền mệt mỏi hay thất bại, chàng lại được xuất hiện trên báo chí và các đài truyền hình, tên chàng được các đài phát thanh đọc suốt ngày, đàn bà ngất xỉu khi trông thấy chàng, và bọn trẻ con khao khát được giống như chàng. Hồi còn bé, chàng đã bắt đầu chơi đùa với quả bóng trên những con đường dơ bẩn của những khu phố chen chúc nghèo nàn, và giờ đây chàng chơi vì nhiệm vụ được giao phó trên những sân vận động nơi chàng không có cách chọn lựa nào khác ngoài việc phải giành lấy chiến thắng và chiến thắng.

Các doanh gia mua chàng, bán chàng, cho mượn chàng; và chàng chấp nhận tất cả những điều đó xảy ra để đổi lại sự hứa hẹn rằng chàng sẽ nổi danh hơn nữa và giàu có hơn nữa. Càng thành công chừng nào và càng được thêm nhiều tiền bạc chừng nào, thì chàng càng trở thành một tù nhân chừng ấy. Bị bắt buộc phải sống với kỷ luật như trong quân đội, chàng chịu đựng sự luyện tập khổ nhọc hàng ngày và phải uống hàng đống thuốc trấn thống để quên đi sự đau nhức và đánh lừa cơ thể của mình. Và trước ngày chơi bóng, họ nhốt chàng vào một trại tập trung nơi chàng phải lao động khổ sai, ăn những món vô vị, nhậu bằng nước lọc, và ngủ một mình.

Trong những ngành nghề khác của con người, sự sút giảm năng lực đi kèm với tuổi tác, nhưng một người chơi bóng đá có thể già ở tuổi ba mươi. Các bắp thịt chẳng mấy chốc trở nên mệt mỏi:

— Gã ấy không đá nổi quả bóng vào lưới nếu sân bóng không nghiêng xuống phía bên kia.

— Gã ấy hả? Ngay cả có trói tay thằng thủ môn lại thì gã ấy cũng chẳng làm nên trò trống gì nữa.


Có khi trước tuổi ba mươi chàng đã về vườn, nếu quả bóng nện chàng té nhào, hay chẳng may một bắp thịt bị rách, hay một cú đá làm gãy xương không chữa lành được. Và một ngày tệ hại nào đó, chàng cầu thủ phát hiện rằng mình đã đánh cược cả đời mình vào chỉ một lá bài, và tất cả tiền bạc của chàng đều hết sạch, và danh tiếng của chàng cũng tiêu tan. Danh tiếng, cái ả phù du ấy, ra đi, thậm chí không để lại cho chàng một lá thư an ủi.


THỦ MÔN
Họ cũng gọi chàng là người gác cổng, người thủ thành, người giữ gôn, người bảo vệ khung thành hay người trông lưới, nhưng chàng cũng có thể được gọi là kẻ tuẫn đạo, diệu thủ, nhà khổ hạnh hay cái bao ăn đấm. Họ nói nơi nào chàng bước lên thì cỏ không bao giờ mọc nổi.

Chàng cô đơn, chịu phận đứng đàng xa để nhìn cuộc chơi. Không bao giờ rời khung thành, chàng chỉ có hai cái trụ đứng và một cái trụ ngang để làm bạn, và chàng chờ đợi cuộc tử hình của chính mình trước đội hành quyết. Trước kia, chàng thường mặc đồ đen, giống như ông trọng tài. Bây giờ thì ông trọng tài cũng không phải mặc đồ như con quạ, và chàng thủ môn có thể làm nhộn nhịp cõi cô đơn của mình bằng những màu mè sặc sỡ.

Chàng không đá quả bóng vào lưới. Chàng đứng đó để ngăn quả bóng khỏi lọt vào lưới. Khung thành là lễ hội của cầu thủ: người tiền đạo đá những cú nháng lửa, và người thủ môn, như một tấm mền ướt, dập tắt ngấm hết thảy.

Chàng mang số 1 sau lưng áo. Là kẻ đầu tiên được lãnh tiền thưởng chăng? Không, là kẻ đầu tiên phải trả nợ. Mọi thất bại đều do người thủ môn. Và nếu đó không phải là lỗi của chàng, chàng vẫn phải chịu bị khiển trách. Khi bất cứ cầu thủ nào sơ suất, thì chàng là kẻ chịu tội: họ để chàng đứng tồng ngồng ở đó giữa cõi bao la của tấm lưới trống rỗng, để mặc cho chàng lãnh bản án tử hình một mình. Và khi đội bóng trải qua một buổi chiều thảm hại, chàng là kẻ duy nhất phải chịu trận, gánh lấy tội trạng cho cả đội dưới một cơn mưa của những quả bóng bay ào ào vào lưới.

Những thành viên khác của đội bóng có thể thỉnh thoảng đá hỏng một quả, hay đá hỏng thường xuyên, rồi tự chuộc tội bằng một màn nhồi bóng ngoạn mục, một cú giao bóng bậc thầy, một cú đá bổng chính xác. Nhưng chàng thì khác. Đám đông không bao giờ tha thứ cho người thủ môn. Chàng bị đánh lừa bởi một động tác giả ư? Lạng quạng như một thằng ngố ư? Quả bóng vuột khỏi tay ư? Những ngón tay thép bị nhũn đi như lụa ư? Chỉ một chút sơ sẩy, người thủ môn có thể làm hỏng cả cuộc đấu, hay làm mất giải vô địch, và giới hâm mộ thình lình quên tất cả những thành tích đẹp đẽ của chàng, và họ trút lên chàng một nỗi ô nhục dài đến thiên thu. Lời buộc tội sẽ bám theo chàng suốt cả cuộc đời còn lại.

Offline Thiết Mộc Chân

  • *
  • Promising Youngster
  • Posts: 85
  • Joined: Nov 2013
  • Thanked: 63
  • Thanks: 90
  • Gender: Male
  • Street football is the greatest thing in the world
« Reply #2 on: October 17, 2014, 08:09 AM »
Logged

THẦN TƯỢNG

Vào một ngày đẹp trời, nữ thần của gió hôn lên bàn chân một người đàn ông — bàn chân từng bị bạc đãi, khinh rẻ — và từ nụ hôn ấy một thần tượng túc cầu ra đời. Chàng sinh ra trên một chiếc giường rơm trong một căn nhà mái tôn tồi tàn, và chàng ôm quả bóng, bước vào thế giới.

Từ giây phút chàng bắt đầu tập đi, chàng đã biết chơi bóng. Ở tuổi thiếu nhi, chàng mang niềm vui đến những bãi cát, chơi như điên trong những ngõ hẻm của khu ổ chuột cho đến khi trời tối mịt, không ai còn thấy quả bóng nữa; và ở tuổi thanh niên chàng bay lên, và các vận động trường cùng bay lên với chàng. Nghệ thuật nhào lộn của chàng thu hút những đám đông, hết Chủ nhật này đến Chủ nhật khác, hết chiến thắng này đến chiến thắng khác, hết đợt vỗ tay này đến đợt vỗ tay khác.

Quả bóng tìm đến với chàng, biết chàng, cần chàng. Nàng nghỉ ngơi và nhảy múa trên mu bàn chân của chàng. Chàng mơn trớn nàng và làm cho nàng nói, và trong cuộc gặp gỡ đó hàng triệu cuộc đối thoại im lặng diễn ra. Những kẻ bị quên lãng, những kẻ chịu số phận mãi mãi bị quên lãng, cảm thấy mình trở nên lừng lẫy trong chốc lát khi chứng kiến những màn chuyền bóng, những pha vờn bóng thành hình chữ Z trên sân cỏ, những cú đá bóng vào lưới bằng gót chân hay hất bóng bằng đầu tuyệt mỹ của chàng. Khi chàng chơi, đội bóng có mười hai người:

— Sao lại mười hai? Mười lăm chứ! Hai mươi người chứ!

Quả bóng cười vang, chói lọi, bay trong không gian. Chàng mang nàng xuống, dỗ cho nàng ngủ, khen ngợi nàng, khiêu vũ với nàng; và những người hâm mộ chàng, khi được chứng kiến những màn ngoạn mục chưa từng có ấy, cảm thấy thương hại cho những đứa cháu nội ngoại chưa ra đời vì chúng sẽ không bao giờ được dịp mục kích những điều như thế.

Nhưng thần tượng chỉ là thần tượng trong một khoảnh khắc, một thoáng vĩnh cửu của đời người, một chớp mắt phù du; và đến lúc đôi chân vàng trở thành một con vịt què, ngôi sao sẽ hoàn tất hành trình của mình từ chốn sáng ngời đến cõi mịt mù. Thân xác của chàng có nhiều vết khâu vá hơn bộ y phục của một thằng hề, và giờ đây người làm xiếc nhào lộn trở thành một người què, người nghệ sĩ trở thành một gánh nặng đau đớn:

— Đừng vác cặp chân què vào đây!

Dòng suối lao xao của những lời ca tụng giờ đây trở thành một cái búa thiên lôi của những lời chua chát:

— Cái xác ướp!

Đôi khi thần tượng không sụp đổ hoàn toàn. Và thỉnh thoảng khi chàng nứt gãy, thiên hạ xúm vào ăn ngấu nghiến những mảnh vỡ.


Offline Thiết Mộc Chân

  • *
  • Promising Youngster
  • Posts: 85
  • Joined: Nov 2013
  • Thanked: 63
  • Thanks: 90
  • Gender: Male
  • Street football is the greatest thing in the world
« Reply #3 on: October 17, 2014, 08:10 AM »
Logged
KẺ HÂM MỘ

Mỗi tuần một lần, kẻ hâm mộ chuồn ra khỏi nhà và đi đến vận động trường.

Những tấm biểu ngữ tung bay và không gian vang vọng thứ âm thanh náo động của kèn, pháo tép và trống, tràn ngập những chuỗi giấy màu và confetti. Thành phố biến mất, những sinh hoạt thường ngày của nó bị quên lãng, chỉ còn hiện hữu một ngôi đền. Trong chốn thiêng liêng này, một tôn giáo đang trưng bày những vị thần của nó trước mắt công chúng — đó là thứ tôn giáo duy nhất không có những kẻ ngoại đạo. Mặc dù kẻ hâm mộ có thể ngồi trước máy truyền hình để chiêm bái phép lạ một cách thoải mái hơn, hắn vẫn thích theo đoàn hành hương đến chốn này để có thể nhìn thấy các thiên thần bằng xương bằng thịt đang chiến đấu với bầy quỷ sứ hôm đó.

Tại đây, kẻ hâm mộ vung vẩy khăn mù-soa, sặc nước miếng, nuốt mật đắng, nhai vành mũ, nói thầm những lời cầu nguyện và nguyền rủa, rồi thình lình gào lên, nhảy dựng như một con bọ chét, ôm chầm lấy người lạ mặt bên cạnh, reo mừng với quả banh lọt lưới. Trong khi cuộc tế lễ đa thần đang diễn ra, kẻ hâm mộ trở thành một với đám đông. Cùng với hàng ngàn tín đồ khác, hắn chia sẻ niềm tin rằng chúng ta là vô địch, rằng tất cả các trọng tài đều lưu manh, rằng tất cả phe đối thủ đều gian lận.

Hiếm khi kẻ hâm mộ nói: “Hôm nay câu-lạc-bộ của tôi chơi.” Hắn thích nói: “Hôm nay chúng ta chơi.” Hắn biết rằng cầu thủ số mười hai mới là kẻ làm bừng lên những cơn gió cuồng nhiệt khiến cho quả bóng bay vun vút chứ không lăn đờ đẫn, cũng như mười một người cầu thủ kia đều biết rằng chơi mà thiếu những kẻ hâm mộ thì giống như nhảy múa mà thiếu âm nhạc.

Khi cuộc chơi đã kết thúc, kẻ hâm mộ không vội rời khỏi khán đài, mà lần khân ở đó để tán dương cái chiến công của hắn: “Thật là một cú tung lưới tuyệt mỹ!”, “Chúng ta đã nện cho bọn họ một trận nên thân”, hay hắn than van về sự thất bại của hắn: “Bọn họ lại chơi gian lận”, “Trọng tài là một thằng ăn cướp.”

Và mặt trời chìm xuống, kẻ hâm mộ cũng ra đi. Những mảng bóng tối rơi trên vận động trường vắng vẻ. Trên những bậc tam cấp đúc bê-tông, đây đó chỉ còn vài tàn lửa lập loè trong lúc ánh sáng tắt đi và những tiếng nói chìm dần vào xa xôi. Vận động trường nằm trơ trọi và kẻ hâm mộ trở về với sự cô đơn của mình, trở về với cái tôi đã từng là chúng ta: kẻ hâm mộ ra đi, đám đông vỡ vụn và tan biến, và Chủ Nhật trở nên buồn bã như ngày Thứ Tư Lễ Tro sau khi hội vui đã tàn.

Offline Thiết Mộc Chân

  • *
  • Promising Youngster
  • Posts: 85
  • Joined: Nov 2013
  • Thanked: 63
  • Thanks: 90
  • Gender: Male
  • Street football is the greatest thing in the world
« Reply #4 on: October 17, 2014, 08:17 AM »
Logged
QUẢ BÓNG VÔ LƯỚI

Quả bóng vô lưới là cơn cực khoái của túc cầu. Và giống như những cơn cực khoái khác, những quả bóng vô lưới đã càng ngày càng ít xảy ra trong cuộc sống đương đại.

Cách đây nửa thế kỷ, rất hiếm khi một cuộc chơi kết thúc mà không có quả bóng nào vô lưới: 0-0, hai cái miệng mở, hai cái ngáp dài. Bây giờ, mười một cầu thủ cứ loay hoay gần khung thành suốt cả cuộc chơi, cố gắng giữ cho bóng khỏi lọt vô lưới mình, và không còn thì giờ để đá quả bóng vô lưới đối phương.

Cơn phấn khích chực rộ lên bất cứ khi nào một đầu đạn màu trắng bay sướt qua làm tấm lưới rung rinh. Điều này có vẻ gì bí ẩn hay điên khùng, nhưng nên nhớ rằng phép lạ không xảy ra thường xuyên. Quả bóng vô lưới, ngay cả khi nó chỉ chạm nhẹ vào lưới, thì luôn luôn có một chữ dzzôôôôôôôôôôôôôôôôôôôô to tướng thốt ra từ cổ họng của những người tường thuật trận đấu qua đài phát thanh, một nốt “đô” chói lói khiến cho danh ca Caruso(*) cũng phải chết khiếp, và đám đông phát cuồng lên và cái khán đài quên rằng nó được đúc bằng bê-tông, chồm lên khỏi mặt đất và bay bổng lên bầu trời.

 

_________________________
(*) Enrico Caruso (1873-1921) là ca sĩ opera người Ý, lừng danh thế giới vì có tài hát những nốt nhạc cao vút, được xem là ca sĩ giọng tenor vô địch của thời đầu thế kỷ 20. [Chú thích của người dịch].


TRỌNG TÀI

“Trọng tài” [tiếng Tây-ban-nha gọi là “el árbitro”] nghĩa là độc đoán [“arbitrario”]. Đó là một bạo chúa đáng ghét ngự trị trên một chế độ độc tài không có đối lập, một đao phủ thủ vênh váo thực hiện cái quyền lực tuyệt đối của hắn với một phong thái đại nhạc kịch. Môi ngậm còi, hắn thổi những cơn gió của định mệnh bất di bất dịch để thừa nhận hay phủ quyết một quả bóng vô lưới. Tay cầm thẻ, hắn giơ lên những màu đáng sợ: màu vàng để trừng phạt kẻ phạm tội và bắt buộc y phải sám hối, và mảu đỏ để cưỡng bách y vào cuộc lưu đày.

Những giám thị đường biên, tức là những người phụ tá chứ không thống trị, thì canh gác từ bên lề. Chỉ có trọng tài mới giẫm chân lên sân bóng, và hắn làm dấu thánh giá khi hắn vừa xuất hiện trước đám đông đang gào rống. Hành động này tuyệt đối đúng đắn vì công việc của hắn là làm cho chính bản thân hắn bị thù ghét. Cảm tưởng duy nhất phổ quát trong trò chơi bóng đá là mọi người đều thù ghét hắn. Hắn luôn luôn nhận lãnh những tiếng la ó nhiếc móc, và không bao giờ hưởng những tràng vỗ tay.

Không ai chạy nhiều bằng hắn. Hắn là kẻ duy nhất phải chạy từ đầu đến cuối. Chạy từ đầu đến cuối, vất vả như một con ngựa, kẻ phá đám này thở hổn hển không ngừng giữa hai mươi hai cầu thủ. Và để tưởng thưởng cho sự cực nhọc của hắn, đám đông gào lên đòi chặt đầu hắn. Từ đầu đến cuối cuộc chơi, mồ hôi tuôn đầm đìa như biển, trọng tài phải đuổi theo quả bóng trắng bay tới bay lui giữa những bàn chân của những kẻ khác. Dĩ nhiên hắn thích đá bóng, nhưng không bao giờ hắn được cái ân huệ đó. Khi quả bóng, một cách rủi ro, chạm vào thân thể hắn, cả đám đông chửi bới cả mẹ hắn. Thế nhưng, chỉ để hiện diện ở đó trong cái không gian màu xanh cỏ thiêng liêng nơi quả bóng lăn lóc và bay lượn, hắn sẵn sàng chịu đựng bị thoá mạ, nhiếc móc, ném đá và nguyền rủa.

Đôi khi, thật hiếm hoi, sự phán quyết của hắn trùng hợp với nguyện vọng của đám đông, nhưng ngay cả lúc ấy hắn cũng không thể chứng tỏ sự vô tư của hắn. Những kẻ thất bại thì đã thua cuộc vì hắn, và những kẻ chiến thắng thì đã thắng lợi bất cần hắn. Là vật tế thần cho mọi lỗi lầm, là nguyên nhân của mọi rủi ro, nếu hắn không hiện hữu thì những kẻ hâm mộ bóng đá cũng phải phát minh ra hắn. Họ thù ghét hắn chừng nào, thì họ lại cần có hắn chừng ấy.

Suốt hơn một thế kỷ, trọng tài đã mặc một bộ đồ đen tang tóc. Hắn để tang cho ai? Cho chính hắn. Giờ đây hắn mặc những màu sắc rực rỡ để che đậy những cảm nghĩ của hắn.

------------
Dịch từ nguyên tác “El ídolo”, trong Eduardo Galeano, El fútbol a sol y sombra (Segunda Edición, Siglo Veintiuno Editores, México, 1995)

Tác giả: EDUARDO GALEANO (1940)

Chắc hẳn trong giới văn chương có nhiều người mê bóng đá, nhưng có lẽ nhà văn Eduardo Galeano là một trong những “fan” nổi danh nhất. Bên cạnh những tác phẩm văn chương lừng lẫy, ông đã viết cuốn El fútbol a sol y sombra [“Túc cầu dưới mặt trời và trong bóng tối”], một cuốn sách diễn tả niềm say mê của ông đối với môn bóng đá, ghi lại những cảm nghĩ và kinh nghiệm của ông từ vị trí của một khán giả đã theo dõi môn chơi này suốt cả cuộc đời.
 
Mở đầu cuốn sách, Eduardo Galeano viết:
 
Những trang sách này xin tặng cho những đứa trẻ — những người, cách đây nhiều năm, tôi đã từng gặp ở Calella de la Costa. Họ đã chơi bóng đá và đã hát rằng:
 
Thắng, hay thua,
đều sướng như vua...
 
Trong không khí nhộn nhịp của Giải Bóng Đá Thế Giới 2010, người dịch xin gửi đến độc giả một số chương trích từ cuốn sách kỳ thú của Eduardo Galeano. Sách dày hơn 250 trang, gồm những chương ngắn gọn nhưng đầy thi vị.




0 Members and 1 Guest are viewing this topic.