Author Topic: Khách trên đất nhà và một câu chuyện khác về bóng đá  (Read 768 times)

Description:

Offline Thiết Mộc Chân

  • *
  • Promising Youngster
  • Posts: 85
  • Joined: Nov 2013
  • Thanked: 63
  • Thanks: 90
  • Gender: Male
  • Street football is the greatest thing in the world
« on: October 09, 2014, 01:47 AM »
Logged
Thiên San (Tian Shan) hay Thiên Sơn là rặng núi hùng vĩ nằm về Trung Á. Nằm dựa rặng Thiên San là thành phố cổ Urümqi, nay là thủ phủ Tân Cương, 1200 năm trước là đô thị sầm uất của vương quốc Uyghur nằm trên con đường tơ lụa, vùng đất của người Uyghur, âm Hán Việt là Duy Ngô Nhĩ.

1. Gobi, Taklimakan. Sa mạc gió cát kỳ bí và man rợ là nhà của người Duy Ngô Nhĩ, nơi vó ngựa Duy Ngô Nhĩ tung hoành.

Trên con đường huyết mạch đi từ Trung Hoa đến địa trung hải, ở vùng đất vinh dự chứng kiến hai màu da trắng-vàng hợp chủng và trong ánh mắt cùng dã tâm xâm chiếm của nhiều thế lực, điều kiện tự nhiên đã quyết định một sắc dân kiêu dũng, mạnh mẽ, quật cường và đương nhiên, thạo việc chiến đấu.



Kỵ binh Duy Ngô Nhĩ đặc biệt thiện chiến và thống trị trên con đường tơ lụa, nơi con dao Duy Ngô Nhĩ vung lên là có người phải chết (với một phần sau này tuyên thệ trung thành với Đại hãn, trở thành một bộ phận quan trọng của Đại đế quốc Mông Cổ).

Người Duy Ngô Nhĩ yêu tự do theo những chuẩn mực của riêng họ, với những bài ca phóng khoáng, kiêu ngạo bay trên sa mạc, đức tin vào Hồi giáo và ánh mắt quyết liệt trên lưng ngựa. Trên vùng đất khắc nghiệt, dân tộc Duy Ngô Nhĩ xây dựng  một quốc gia phồn thịnh đầy tự hào với nền văn minh Tây Vực tiếp nhận những tinh hoa rạng rỡ nhất của nhân loại trên điểm nối dài hai con đường tơ lụa và bạch ngọc. Tất cả đã là quá khứ.

Tiềm lực của người Duy Ngô Nhĩ không đủ mạnh để làm đối thủ của đế chế Trung Hoa. Khi dã tâm bành trướng nổi lên, người Trung Hoa đã tạo ra những cuộc thảm sát để thôn tính mảnh đất này. Từ thời Thanh triều, ba lần vua Càn Long đem quân diệt chủng và ra sức xóa sổ văn hóa Duy Ngô Nhĩ. Những người sống sót được chia ra rải đều trên đất nước Trung Hoa rộng lớn. Họ đưa quan lại nhà Thanh đến cai trị, đưa người Hán lên Tân Cương.



Văn học Trung Quốc từ xưa gọi dân Tây Vực là những người độc ác, man rợ và kỳ bí. Cái nhận thức ấy tạo tâm lý phải giết bỏ dân tộc Duy Ngô Nhĩ và họ đã thành công – bằng những cách chẳng kém gì giống người họ đã miêu tả trong văn học. Văn hóa và quyền lực bị mất, đất nhà bị mất, bị thảm sát và coi khinh, người Duy Ngô Nhĩ nhiều lần đứng lên quật khởi.

Quote
Vào quãng những năm sáu mươi bẩy mươi của thế kỷ XIX, Tân Cương độc lập có đến mấy chục ngàn lính trang bị toàn bằng súng trường, họ cũng có đại bác mua từ Nga và Thổ. Nhưng năm 1876 thì Tả Tông Đường kéo binh lên bình định người Duy Ngô Nhĩ lại chịu thêm họa nạn.

Sau năm 1949, những thủ lãnh của người Hồi trên chuyến về Bắc Kinh hòa đàm với Trung Hoa Cộng Sản bỗng bị tai nạn máy bay chết sạch cả. Hồng quân nhân đó nhập Tây Cương,Mao Trạch Đông thực hiện Hán Hóa. Qua mấy chục năm, người Hán ở Tân Cương từ 6% đã lên tới con số trên 40%.

Người Duy Ngô Nhĩ thành ra thứ công dân hạng hai ở một xứ “tự trị”, bao nhiêu nguồn lợi ở Tân Cương đều về tay người Hán cả. Trong cuộc đua liệt cường, Bắc Kinh từng đem bom nguyên tử lên đây thử, rồi đó các nguồn lợi về sa khoáng, dầu mỏ đều rơi vào tay những công ty của người Hán. Trên chính đất quê hương của mình, người Duy Ngô Nhĩ trở thành một thứ khách lạ, nghèo túng và bị coi rẻ.

Số liệu chính thức là tỉ lệ dân số Duy Ngô Nhĩ đã giảm từ 80% tổng dân năm 1941-1946 còn 46% năm 2010.

Từ một dân tộc kiêu hùng ngày trước bỗng trở thành một thứ mạc khách trên chính đất nhà mình, những con người Duy Ngô Nhĩ thiện chiến trong phút tàn sinh, trong cảnh sống câm phẫn chẳng khác bị cầm tù đã nhiều lần dấy lên những hành động cực đoan mà mỗi lần như vậy giết chết cả trăm người Hán. Thế giới khó xử trong khi Trung Quốc tiếp tục lí do để đàn áp.

Coi rẻ cái chết, “bướng bỉnh như một con ngựa Tây Vực, mà lòng trung với chủ cũ là một thách đố với bất cứ ai muốn ghìm cương, đó là lý do Duy Ngô Nhĩ hứng chịu đòn thù.”



Quote
Này người Uyghur khốn khổ, thức dậy đi cơn ngủ đã dài
Người còn gì đâu ngoài mạng sống mỏng manh
Nếu không tự cứu khỏi cái chết
Phút tàn sinh sẽ chẳng được bao lâu
Hãy mở to mắt nhìn quanh,
Tương lai sẽ ra sao
Nếu lỡ dịp may này vuột khỏi tầm tay
Mai này sẽ chỉ là một nỗi ăn năn vô tận

Abduhalik Oyghan (Wake Up, Hãy Thức Dậy)
- Trần Thị Vĩnh Tường dịch

Sau những cuộc chiến tranh đẫm máu, danh xưng cuối cùng (Đông Turkestan) của mảnh đất nhà Duy Ngô Nhĩ bị xóa sổ và sát nhập vào Trung Quốc năm 1884 với cái tên mà ngày nay nó được gọi: Xinjiang (Tân Cương). Từ tháng 10/1955 khi chính thức được chỉ định thành một khu “tự trị” đến nay đã 60 năm bị cầm quyền. Tiến trình hiện đại hóa của chính quyền Trung Quốc đưa tiếng Trung vào thay thế tiếng Duy Ngô Nhĩ trong trường học, đưa những đứa bé Duy Ngô Nhĩ vào thị trường lao động Trung Quốc, đẩy người Duy Ngô Nhĩ vào tình trạng thất nghiệp qua phân biệt đối xử.

Quote
Chính trường có vẻ ít tàn nhẫn hơn chiến trường nhờ tấm màn che phủ sự thật. Nhưng có khi đựơc vén lên thì định mệnh của cả một dân tộc đã tiêu tùng, và những nhân vật được tô tượng hay tặng giải Nobel hoà bình, không chừng là sát nhân giết người hàng loạt.

Bị hạn chế theo Hồi giáo, bị phá dỡ những tòa nhà truyền thống đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, bị độc chiếm tài nguyên, các nguồn lợi kinh doanh và bị đẩy lùi văn hóa, ý chí dân tộc Duy Ngô Nhĩ –  trong một thời điểm cực kỳ quan trọng trong việc duy trì bản sắc – đang bị thách thức thực sự.

2. Định hướng tương lai trong đầu óc của người Duy Ngô Nhĩ không chỉ diễn ra trong lớp học hay nhà thờ, với những cuộc đào tẩu vượt biên, trên mặt báo đưa tin những cuộc xung đột với lính biên phòng Việt Nam mà còn dành một góc hoàn toàn nghiêm túc – một phần quan trọng trong cuộc chiến giải phóng dân tộc trên sân cỏ, trên khán đài và những trận đấu bóng đá trực tiếp truyền hình.

Người Duy Ngô Nhĩ có một câu chuyện khác về môn thể thao vua.

Quote
Vào khoảng thập niên 20 của thế kỷ XX, các học sinh từ một ngôi làng nhỏ ở Artush nay thuộc về phía tây Trung Quốc đã đá một trận bóng với đội lãnh sự quán Anh trên đất Kashgar. Vào thời điểm đó, Kashgar là một yếu điểm chiến lược quan trọng giữa Anh, Nga và Trung Quốc ở vùng Trung Á. Trên một mặt sân khó chơi và bụi bặm, các học sinh dân tộc Duy Ngô Nhĩ đã dễ dàng chiến thắng với hai bàn thắng nã vào lưới đối phương. Còi tan cuộc, lãnh sự Anh ra về với cái mặt hầm hầm và lờ đi lời hứa một con ngựa và yên cương cho người chiến thắng. Vị lãnh sự Nga, cái ông đã thưởng thức trận đấu từng phút một, bước vào và ban cho lũ trẻ một trái bóng để đền bù.

Trong một xã hội đàn áp chính trị, mọi chính kiến bất đồng chống lại Chính phủ chỉ nên được thể hiện một cách gián tiếp mà thể thao là một trong những kênh hiệu quả nhất.

Bóng đá trước hết là một niềm đam mê của người Duy Ngô Nhĩ, một môn thể thao gắn liền với đời sống và văn hóa đại chúng, với điệu cổ vũ “Hurra, Hurra” đã được sử dụng vào một bản rap của Six City, với 29 ngàn người kéo đến xem một trận đấu của Tân Cương Haitang vào năm 2012 và cả mùa là 45 ngàn người. Đó là những thống kê thực sự đáng kinh ngạc vì Tân Cương Haitang chỉ chơi ở giải hạng ba Trung Quốc, nơi số khán giả trong một trận đấu chỉ từ trăm người đổ lại. Ở Super League, chỉ Bắc Kinh Quốc An và Quý Châu Renhe có lượng khán giả cao hơn lượng khán giả lớn nhất của Tân Cương năm 2012. Thượng Hải Shenhua hồi còn Didier Drogba và Nicolas Anelka thường xuyên đá sân nhà với 16 ngàn khán giả.

Vào giữa những năm 1990 ở Ghuljia, thành phố nằm về phía tây cạnh biên giới Kazakhstan, thanh niên Duy Ngô Nhĩ ngập trong rượu mà ma túy. Để chống tệ nạn, người Duy Ngô Nhĩ  quyết định khôi phục những meshrep truyền thống (một nhà tròn để vui chơi, để thảo luận và giải quyết các vấn đề của cộng đồng). Ý tưởng đã hết sức thành công cho đến một ngày tháng 7/1995, chính quyền Trung Quốc ra quyết định dẹp bỏ. Không đầy một tháng sau, người đứng đầu meshrep, ông Abdulhelil và những người khác đã đứng ra tổ chức một giải đấu bóng đá 16 đội để thay thế nhằm kéo thanh thiếu niên Duy Ngô Nhĩ ra khỏi vũng lầy.

Khi giải đấu đã chuẩn bị khởi tranh, vào ngày 12/8/1995, chính quyền địa phương hủy tất cả trận đấu và đậu xe tăng lên sân bóng. Họ nói cần không gian để diễn tập quân sự, họ gỡ bỏ tất cả cột gôn khỏi các sân bóng địa phương và thông báo lên đài phát thanh là bất kỳ trận đấu bóng đá nào cũng được coi là “tụ tập bất hợp pháp”. Salam Kari, một trong những nhà tổ chức giải đã tham gia vào một cuộc biểu tình đẫm máu vào tháng 2/1997 và bị bắt cùng thời điểm, ông chết vài ngày sau đó. Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, cơ thể của Salam có dấu hiệu bị tra tấn mặc dù cảnh sát kết luận nguyên nhân cái chết là tự sát.

Quote
Đàn cào cào đã mò tới.

Người Trung Quốc hẳn là biết người Duy Ngô Nhĩ mê bóng đá và họ đủ thâm để khắc chế đối phương trên mặt trận này.

Người hâm mộ Tân Cương Haitang cũng là sự kết hợp giữa hai dân tộc. Nhưng khi lượng người Duy Ngô Nhĩ ngày càng tập trung đông hơn trên những diễn đàn của đội và từ khi bùng nổ tình trạng bất ổn giữa những người Duy Ngô Nhĩ và cộng đồng Trung Quốc tại Ürümqi hồi 2009, các trường đại học tại địa phương đã cấm sinh viên Duy Ngô Nhĩ đến sân.

3. Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA) không giống đa số các liên đoàn trên thế giới. Họ không hoạt động tách bạch khỏi Chính Phủ và thực tế là FIFA đã vui lòng bỏ qua vấn đề này. CFA thường xuyên bị chỉ trích vì không quan tâm mấy đến bóng đá trẻ, nhưng hình như  hơi bị sốt sắng trong khu vực của người Duy Ngô Nhĩ.

Chính quyền địa phương với sự giúp đỡ của CFA và quỹ Song Ching Ling đã hoạt động tích cực trong việc thúc đẩy đào tạo của thủ trẻ người Duy Ngô Nhĩ. Năm 2002, quỹ trên cấp 7.9 triệu đô-la Mỹ (kết hợp với nguồn vốn 15,9 triệu từ thành phố) để xây một học viện tại Ürümqi. Năm 2008, chính quyền Tân Cương xây một khu sân tập mới và năm 2010 đặt nền móng mở rộng học viện. Vốn Nhà Nước cũng được sử dụng để phát triển bóng đá trong các trường phổ thông và đại học. Tháng 2/2012, Liên đoàn bóng đá Tân Cương công bố kế hoạch cho giải bóng đá U12 và khởi tranh vào đầu mùa giải vừa qua.

Điều gì tự nhiên tạo ra sự sốt sắng bất thường đó? Là cái mục đích người Trung Quốc muốn đạt sau cùng: chiến thắng cả trái tim và lý trí của người Duy Ngô Nhĩ.

Tại lễ phát động Quỹ phát triển bóng đá trẻ ở học viện Ürümqi, chủ  tịch CFA Wei Di nói rằng ngoài việc đào tạo bóng đá, học viên mới cũng sẽ học được cách “làm thế nào để trở thành… một công dân tốt”.

Tại President’s Cup tại Astana, Kazakhstanăm năm 2010, cầu thủ Duy Ngô Nhĩ sinh ra tại Kashkarh – Hirali đã đá cho đội tuyển U15 Trung Quốc. Sau khi ghi bàn tại giải đấu, Hirali nói:

Quote
Một số người Trung Quốc đã vẫy cờ quốc gia và ăn mừng bàn thắng của tôi, một khoảnh khắc tuyệt vời.

Hirali sau này chọn chơi cho U17 Trung Quốc.

Hai học viên nổi tiếng nhất tốt nghiệp từ Ürümqi là Bali Maimaitiyili và Mirahmetijan Muzepepez cũng là những thành viên đội Trung Quốc dự vòng loại Olympic. Năm 2010, Muzepper trở thành cầu thủ Duy Ngô Nhĩ đầu tiên được gọi vào đội tuyển quốc gia sau quyết định triệu tập của HLV trưởng Gao Hongo cho đợt tập huấn chuẩn bị cho giải vô địch Đông Á. Muzepper thoạt nhiên trở thành ví dụ cho một đội tuyển quốc gia Trung Quốc đa văn hóa và là “biểu tượng cho thành công của người Duy Ngô Nhĩ trong xã hội Trung Quốc.”

4. Nhưng người Duy Ngô Nhĩ không chịu thua, ít nhất là trong bóng đá. World Cup 2002 – kỳ World Cup đầu tiên tổ chức tại châu Á và cũng là lần đầu tiên đội tuyển Trung Quốc giành quyền tham dự. Họ nằm chung bảng với Thổ Nhĩ Kỳ, những người anh em ruột thịt và là nơi đầu não của người lưu vong Duy Ngô Nhĩ.

Trận đấu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc được tổ chức tại Seoul vào ngày 13/6/2002 và trên sóng trực tiếp đi toàn thế giới ngày hôm ấy, trên khán đài sân vận động Sangam sau mỗi bàn thắng là lá cờ xanh trắng với ngôi sao và trăng lưỡi liềm tung bay – là cờ Đông Turkestan – là cờ bị cấm ở Trung Quốc – là cờ của Duy Ngô Nhĩ.



Quote
Chúng tôi biết TV sẽ trực tiếp trận Trung Quốc và khi chúng tôi giơ cao cờ Turkestan, CCTV sẽ không thể che giấu nó trên màn hình. Hành động của chúng tôi khiến cho người Trung Quốc biết rằng tinh thần Duy Ngô Nhĩ vẫn sống. Những gì họ đã thực sự xem là lá cờ quốc gia của chúng tôi!

- Enver Tohti, nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ từ London.

Kết quả trận đấu: Thổ Nhĩ Kỳ 3-0 Trung Quốc.

Trong The Uyghurs: Strangers in Their Own Land, Gardner Bovingdon có nói một chút về lá cờ này. Một người bạn đã kể lại cho Bovingdon nghe rằng ông đã xem trận đấu đó cùng một số người Duy Ngô Nhĩ và cả người Hán. “Những người Duy Ngô Nhĩ vui mừng sau mỗi bàn thắng của Thổ và những người Hán thì ngày càng giận dữ.”  Một thằng người Hán đã nổi sùng trừng phạt những người Duy Ngô Nhĩ trong phòng và nói:

Quote
Một khi tụi mày còn công dân Trung Quốc thì mày phải cổ vũ đất nước này. Tụi mày phản bội Trung Quốc hả?

Tất nhiên?

Trận đấu trên thực sự đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng với một số người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc. Theo một báo cáo chưa xác nhận, 20 sinh viên Duy Ngô Nhĩ tại đại học Tân Cương đã bị bắt vì tội “thúc đẩy tinh thần li khai” vì ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ. Một báo cáo nữa nói rằng ba sinh viên khác cũng bị bắt vì tội tương tự. Như đã nói, trong xã hội đàn áp chính trị, sẽ không khôn ngoan khi trực tiếp thể hiện chính kiến bất đồng chống lại Chính phủ.

Những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong sẽ tự do hơn, hẳn rồi, dù đương nhiên cũng sẽ chịu những khó khăn thường thấy của những cộng đồng người xa xứ, nhưng chính họ sẽ và đang là đầu tàu trong cuộc chiến kéo dài buộc phải chiến thắng này.

5. Với sự phát triển của cộng đồng lưu vong, người Duy Ngô Nhĩ đã dùng bóng đá như một phương tiện gắn kết dân tộc cho cộng đồng địa phương, cộng đồng người trong nước trên cơ sở xuyên quốc gia. Các tổ chức bóng đá Duy Ngô Nhĩ lưu vong có ở  Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Mỹ, Đức, Canada, Ai Cập, Kazakhstan, Thỗ Nhĩ Kỳ và Úc – cũng là ví dụ cho thấy người Duy Ngô Nhĩ ở khắp nơi trên thế giới.

Uyghur United, một bóng có trụ sở tại Fairfax, Virginia, Hoa Kì là một ví dụ tốt về mô hình đó. Uyghur United thành lập vào năm 2002 để tập hợp người Duy Ngô Nhĩ quanh khu vực Wasington D.C. Từ năm 2004, CLB tham gia vào giải địa phương, đối thủ chủ yếu của họ là các đội bóng đại diện cho những cộng đồng người di dân khác, như FC Kurdistan, như những đội đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ Latin, Afghanistan và cộng đồng người Việt. CLB là nơi để thệ trẻ Duy Ngô Nhĩ tại Mỹ duy trì bản sắc. Các thành viên được khuyến khích nói chuyện bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ. Họ tụ tập xem bóng đá cùng nhau, đi chơi cùng nhau, những việc tuy đơn giản có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Một CLB khác tại Úc tên Đông Turkestan (!) đã đứng ra huy động những người Duy Ngô Nhĩ lại và tổ chức một giải đấu quy tụ các đội Duy Ngô Nhĩ khắp nước Úc. Giải đấu mang tên Thefifth edition of the East Turkistan Football Tournament đã được tổ chức vào tháng 12/2011 và mời được các đội từ Adelaide, Sydney, Melbourne và Perth.

Trong lễ khai mạc, ông Phó Chủ tịch Hiệp hội Duy Ngô Nhĩ Melbourne đã nói trên đài Á Châu Tự Do rằng:

Quote
Lý do chúng tôi đến Adelaide không chỉ là bóng đá. Con cháu Đông Turkestans tụ họp về đây… vì tuổi trẻ của chúng ta, vì thế hệ tương lai của Đông Turkestan, học về lịch sử vĩ đại của người Duy Ngô Nhĩ, cùng thảo luận những vấn đề hiện tại và tìm ra hướng giải quyết. Chúng tôi hi vọng trong tương lai giải đấu sẽ thu hút nhiều người, thậm chí từ nước ngoài và sẽ trở thành một địa điểm tổ chức giáo dục bảo vệ bản sắc Duy Ngô Nhĩ.

Giấc mơ cho một giải đấu xuyên quốc gia cuối cùng đã thành hiện thực, giải đấu mang tên International Uyghur Youth Freedom Cup được tổ chức trong ba ngày tại Hà Lan vào tháng 7/2011 (và lần hai vừa được tổ chức vào ngày 14/6/2014) bao gồm các đội Duy Ngô Nhĩ lưu vong đến từ Đức, Bỉ, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Pháp và Mỹ với tổng số 500 cầu thủ (các đội Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ,Úc và Canada được mời nhưng không thể tham dự vì hạn chế kinh phí).

Gheyyur Qurban, trưởng BTC giải thích động cơ đằng sau quyết định tổ chức giải đấu này đến từ cái cảm giác thế hệ Duy Ngô Nhĩ lưu vong về sau đã không còn tham gia hoạt động chính trị như những đàn anh đi trước, vấn đề mà ông cho là “gia tăng nguy hiểm cho phong trào Duy Ngô Nhĩ”, Qurban tiếp tục:

Quote
Các thế hệ từ những năm 90 trở đi đã được đào tạo ở Trung Quốc và có thể chúng không biết được lịch sử Duy Ngô Nhĩ. Nhưng đến với nhau như con người, không chỉ từ một cộng đồng nhỏ tại quê hương, trong bối cảnh toàn cầu, chúng ta có thể xây dựng một nền tảng hướng đến việc đảm bảo một tương lai vững chắc cho bản sắc Duy Ngô Nhĩ. Bóng đá là con đường xích mọi người lại gần nhau và dạy rằng họ là một quốc gia.

Phát hiện và đào tạo những người trẻ xuất sắc nhất, hướng họ vào con đường chính trị giải phóng tự do cho người Duy Ngô Nhĩ.

Tại địa điểm tổ chức ở Hà Lan, cạnh những khẩu hiệu chính trị là những biểu tượng dân tộc, là lá cờ Đông Turkestan được treo ở nơi được trân trọng nhất và bài quốc ca Duy Ngô Nhĩ được các cầu thủ cất lên trước mỗi khi vào trận.

Trong một phần của lễ khai mạc, từ một thông điệp gửi từ nhà hoạt động đấu tranh vì quyền con người nổi tiếng Rebiya Kadeer:

Quote
Cho mọi người cảm giác chúng ta là người Duy Ngô Nhĩ, chúng ta mạnh mẽ.

Từ cầu thủ đội đến từ Mỹ, Rouzi:

Quote
Quốc ca cất lên xúc động và tự hào, tôi thấy đó là lần đầu tiên tự do trong cuộc đời, thứ không bao giờ có khi ở Trung Quốc. Với tôi, nó như cảm giác chiến thắng những bất công. Giải đấu dạy tôi tầm quan trọng của đoàn kết và bóng đá giúp tôi hiểu được vai trò lãnh đạo, tuyên truyền và trách nhiệm.

Từ một HLV:

Điều lớn nhất chúng tôi đạt được không phải là tham gia giải và chiến thắng các trận đấu, đó là việc xây dựng được một tập thể thống nhất và cho thấy sức mạnh của nó.

6. Bóng đá, bằng những cách thức khác nhau có thể từ trò chơi thành đam mê lớn, từ niềm vui thuở nhỏ thành khát vọng đổi đời và từ một môn thể thao trở thành công cụ chính trị. Người này có thể dùng để đàn áp người khác, người khác có thể dùng để vùng dậy, lấy lại tiếng nói của mình.

Với dân tộc Duy Ngô Nhĩ, sau những câu chuyện kể trên, giấc mơ to lớn hơn được đặt ra là tổ chức được một đội tuyển quốc gia lưu vong – là lưu vong, là không được công nhận – như những gì Tây Tạng đã làm, như Bắc Síp, như Kurdistan, như Somaliland, như Tây Papua và Darfur.

Vậy sao không mơ xa hơn? Để một ngày chúng ta có thể bật sopcast và coi một đội tuyển quốc gia Đông Turkestan đàng hoàng đứng trên đất ông cha, cờ trắng xanh trên ngực áo và hát bài Quốc ca của chính mình?

Cứ mơ. Giấc mơ như bài ca bay trên sa mạc.

Bài viết gốc đăng tải tại tạp chí 4231.vn

Thiết Mộc Chân
Follow members gave a thank you for this useful post:
Duong Qua, Pavelvnr, souslevent, madkiller_2008

0 Members and 1 Guest are viewing this topic.