Author Topic: Góp ý về thơ vần  (Read 1037 times)

Description:

Offline Pinturicchio

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,108
  • Joined: Nov 2004
  • Thanked: 5
  • Thanks: 4
« on: November 20, 2005, 08:47 PM »
Logged
Góp ý về Thơ Vần

 
qua cuộc phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Hoàng Nam và tạp chí Thơ
(Thơ số mùa đông 1996)

Theo tôi thiển nghĩ, thơ, về mặt âm thanh mà xét, khởi đi từ ý muốn thuận tai. Riêng với thơ vần, những âm thanh của những từ vần được quan niệm như những âm thanh dội trả, đáp ứng. Do đó, nhạc điệu của thơ vần mang tính chất cuộn tròn trong từng đoạn, như hình ảnh con rắn cắn lấy cái đuôi mình tượng trưng cho một ‘vicious circle’ đặc biệt, với những ngôn ngữ độc âm, quan niệm này được đẩy xa hơn trong những đối chát chẳng những của âm từmà cả nghĩa chữ. Ta không quên là lý thuyết văn học cổ điển xây dựng trên những tiêu chuẩn cân xứng, hài hòa và nhất quán. Tinh thần nhất quán được phát biểu rõ nhất ở kịch cổ điển và chẳng phải chỉ áp dụng riêng cho kịch, phần nào cũng được hiểu như là một tinh thần tập trung và tự chế, nhằm tạo hữu hiệu một cường độ cần yếu cho tác phẩm.Một đoạn thơ vần, cả trong phần nhạc lẫn phần tứ, không muốn mở ra xa. Những quặt rẽ, những ‘digressions’ (vốn là mặt mạnh, đồng thời cũng là mặt yếu của chủ nghĩa lãng mạn) thường không tìm thấy trong thơ vần cổ điển, nói chung trong văn học cổ điển.

Tôi cũng nhận thấy thêm là một bài thơ dài thành công, tức không bị sa lầy vào sự phân giải lắm lời, phải là một bài thơ mà mỗi đoạn ngắn của nó, nếu như được tách riêng ra, đã có đầy đủ cường độ của một bài thơ hoàn chỉnh. Nghĩ xa hơn một chút, tôi có cảm tưởng là giọng của thơ vần vốn là giọng ‘kể’, hiểu tho nghĩa ‘kể lể’cũng được, và giọng của thơ không vần là giọng ‘nói’, giọng ‘nói thường’. Sự phân biệt về mặt nội dung của hai loại thơ vần và thơ không vần, xét chung, dường như cũng quanh quất trong tinh thần đó. Một cách khái quát, ở thơ vần, thông thường, những tình ý được diễn đạt nối tiếp theo một liên lạc ‘logic’hiển lộ, trong khi ở thơ không vần, những chuyển mạch giữa những tình ý phần nhiều bị nhận lớp hoặc bao che, người đọc phải tự lần phăng lấy. Nhận định như vậy, có lẽ từ trong căn bản, tôi cổ điển chăng ?

Thi ca và âm nhạc là hai loại hình nghệ thuật của ký ức. Cũng như âm nhạc, thơ là để trình diễn, được đọc lên thành tiếng, dù đọc thầm cho mỗi mình nghe thôi cũng vẫn là đọc thành tiếng trong đầu mình. Thơ mang tính chất truyền khẩu, nhiều hơn văn. Hiểu như vậy để thấy là thơ vẫn bắt nguồn từ ý muốn dễ nhớ. Vần điệu là những tiêu chuẩn là những tiêu điểm cắm sẵn giúp cho sự lần mò được thuận tiện hơn. Do đó, nhạc tính trong thơ vần (kể cả trong thơ mới tiền chiến tức loại thơ tám chữ phỏng theo thể ‘alexandrine’, cũng như loại thơkhông đều chân nhưng vẫn có vần) phải cam phận đơn điệu, nhàm thuộc, tù túng, và khả năng khai triển nhạc tính của thơ vần bằng những cách phá nhịp, phá luật phần lớn bị giới hạn. Ngoài ra, nhìn xa hơn, ta cũng nhận thấy thêm là sự giới hạn của nhạc tính đương nhiên bao gồm cả sự giới hạn của tứ thơ. Thơ vần, nói chung, kiêng kỵ những bức phá. Trước đây vài thập niên, một số không nhỏ những người đọc thơ đã rất ngần ngại tiếp nhận thơ tự do, phần lớn chẳng phải nhạc tính xa lạ, trúc trắc, khổ độc của thơ tự do, như họ thường bày tỏ, mà có lẽ, theo thiển nghĩ của tôi, là do tinh thần của thơ tự do còn quá xa lạ đối với họ, điều mà gần như họ chẳng muốn thú nhận. Thơ tự do,cũng như thơ mới trước kia, ra đời vì sự thay đổi của hồn thơ, chớ không phải đơn thuần là sự thay đổi của luật thơ

Luật thơ như mọi thứ luật khác bao giờ cũng phải trải qua bao nhiêu là dò dẫm dãi dầu trong thực tế, rồi mới trở thành luật được. Nhưng thực tế của luật thơ là những thực tế có tính thói quen của một ngôn ngữ. Boileau của Atr Poétique xuất hiện sau khi đã có những tác phẩm cổ điển tiêu biểu, chớ Boileau tuyệt chẳng phải là người đã áp định những nguyên tắc của chủ nghĩa cổ điển. Những bài thơ trước đời đường, thậm chí cả trong thời Sơ đường, đơn cử bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu chẳng hạn, hay những bài thơ có dáng dấp đường thi của Nguyễn trải rõ ràng không theo đúng niêm luật chặt chẽ về sau của đường thi, nhưng chẳng phải vì vậy mà không phải là những bài thơ mà giá trị gần như mẫu mực. Nói cách khác, luật mô phỏng thực tế, chớ thực tế không mô phỏng luật bao giờ. Do đó, nếu đã chẳng thể coi niêm luật thơ như một thuận tiện có sẵn giúp cho người làm thơ (và hẳn nhiên cả người đọc thơ) được dễ dàng trong việc tìm gặp những thói quen nào đó của một ngôn ngữ thì lại không nhất thiết phải coi niêm luật thơ là khuôn vàng thước ngọc, để khỏi tự trói buộc chết cứng vào niêm luật thơ. Luật nào cũng vậy đã cấu thành được thì cũng hủy bỏ được. Một cách tự nhiên, thi hứng đưa đẩy tới những phá cách cần thiết. Thông thường, một bài thơ vần phá cách thể hiện cùng lúc hai khung hướng đối nghịch nhau là muốn thoát ly khỏi tính đơn điệu, nhưng lại vẫn muốn còn nương tựa vào tính thói quen.Hẳn nhiên, dụng ý chính trong bài thơ vần phá cách vẫn là dụng ý mở rộng, mở rộng từ nhịp điệu đến thi tứ. Thí dụ những bài ‘đồng Cốc Thất ca’, ‘Hiểu Phát Công An’của đỗ Phủ hay ‘Tống Biệt Hành’ của Thâm Tâm. điều đơn giản hiển nhiên là nhịp điệu của một bài thơ không hẳn chỉ là nhịp điệu của ngôn từ, mà phải còn là nhịp điệu phát sinh từ những tứ được diễn đạt, nhịp điệu diễn đạt những thi tứ.Chọn thơ vần, thơ vần phá cách, thơ không vần, thực tế chỉ là chọn một thể thức nào thích nghi nhất để diễn đạt ưng ý nhất những gì mình mưu định diễn đạt. Tôi không nghĩ rằng người tacó thể chuyển bài ‘Prufrock’ hay ‘The Waste Land’của T.S. Eliot chẳng hạn , ra lục bát hay song thất lục bát, nói chung ra thơ vần, mà nghe được. Việc phân biệt hình thức với nội dung của một tác phẩm chỉ là một phương cách cho dễ nói thôi, chớ thực tế làm sao có thể có một sự tách rời như thế được. Với nghệ thuật, không hề có hình thức ý niệm, mà chỉ có hình thức của nội dung. Riêng tôi, tôi đến với thể thơ vần khi nào tôi cảm thấy không nhất thiết phải đẩy những tình ý muốn thể hiện trong bài thơ ra quá xa. Tùy hứng, thi sĩ chọn thể thơ cho từng bài thơ. Trong thế giới riêng của một thi sĩ, mỗi bài thơ còn là một thế giới riêng nữa.

Tôi quan niệm là nếu làm thơ vần mà cảm thấy mình bị khó khăn trở ngại vì vần thì chưa thể làm thơ vần được, nếu không nói hơn là chưa thể làm thơ được. Thơ vần có một điều thoạt nghe nghịch lý là người làm thơ phải công tìm vần, nhưng vì việc tìm vần bao giờ cũng diễn tiến song song với việc tìm tứ, nên thơ vần gần như đã rải sẵn những chỉ dấu u hiển để cho người làm thơ nương lần theo và dễ có cơ may tìm ra những chữ, những tứ tuyệt vời, nhiều khi không thể ngờ trước được. Thực tế mà nói, thông thường, vần điệu đưa tay dẫn dắt, và than ôi ! cũng kềm chế thi hứng. Một cách tiên thiên, bản thân nghệ thuật bao giờ cũng phải chấp nhận những bó buộc nào đó. Tôi vẫn không quên một lời nói của André Gide : ‘Nghệ thuật sống nhờ luật tắc, và chết vì buông thả’ Tôi tin chắc rằng ngay cả thơ tự do, tiến gọi là tự do đi nữa, cũng phải tuân thủ những luật tắc nào đó, những luật tắc nội tại của nghệ thuật.

Có những thể thơ, như song thất lục bát chẳng hạn, không còn hợp thời nữa, nhưng chẳng phải vì vậy mà có thể quả quyết một loại thơ nào đó đã được khai thác đến cùng kiệt, không còn gì để vét múc nữa. Vấn đề chính yếu ở đây, có lẽ không phải là làm mới thơ vần, mà làm mới hồn thơ. Một thời đại không nhất thiết chỉ có độc mỗi thể thơ. Và tôi cũng không tin rằng có thể có một thiên tài thơ không vần nào mà trước đó chẳng làm nổi ít ra hai câu lục bát hay bốn câu thất ngôn ra hồn. Rõ ràng là trước khi vẽ theo lối lập thể, Picasso đã là một tay nghề tuyệt diệu của hội hoạ truyền thống. Trong nghệ thuật, việc đi tới phải là một nhu cầu thời thế, chớ không chỉ là ý muốn suông trơn. Hơn nữa, trong nghệ thuật, không hề có lối đi tắt.

Tô Thùy Yên
Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí,
Nhân bất phong sương vị lão tài.

0 Members and 1 Guest are viewing this topic.