Author Topic: Nước Ý địa ngục và thiên đường  (Read 611 times)

Description:

Offline Thiết Mộc Chân

  • *
  • Promising Youngster
  • Posts: 85
  • Joined: Nov 2013
  • Thanked: 63
  • Thanks: 90
  • Gender: Male
  • Street football is the greatest thing in the world
« on: November 18, 2014, 10:10 AM »
Logged


Một topic trên diễn đàn devilsmania ngày 7/10/2005 viết:

“tới từ Chelsea

chơi 10 trận cho Milan ghi được 9 bàn, nhậu nhẹt mỗi tối và không muốn tập luyện gì nhiều, sau bị trả về Anh.”

Người được nhắc đến là Jimmy Greaves, như một comment ngay bên dưới - một cỗ máy săn bàn đáng sợ. Ông đã đến Ý, đá được (chính xác ) 14 trận trong màu áo AC Milan, ghi 9 bàn thắng trước khi tìm đường về Anh sau 4 tháng. Lí do không hẳn vì nhậu nhẹt. Chuyện về Greaves trước, trong khoảng thời gian trên đất Ý là một câu chuyện dài và thú vị.

***
Bản đầy đủ: http://chuyencalcio.tumblr.com/post/102919364025/nuoc-y-ia-nguc-va-thien-uong
***

Greaves bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1957 tại sân Stamford Bridge khi mới 17 tuổi, lập tức nổ súng trong trận ra mắt tại sân White Hart Lane, Chelsea hòa Tottenham Hotspur 1-1.

Từ ngày đó, thác lũ tràn về với 124 bàn sau 4 mùa giải từ năm 1957 đến năm 1961, 157 trận đấu và 6 hat-trick trong mùa giải cuối cùng 1960-1961, mùa giải Jimmy Greaves đã ghi được 41 bàn thắng để giữ kỷ lục về số bàn trong một mùa cho Chelsea đến tận hôm nay. Trong sự nghiệp của mình, Greaves có 2 cúp FA, 1 Siêu cúp Anh cùng Tottenham sau này, 7 chiếc giày vàng tính đến thời điểm nghiện rượu năm 1970, không có một chức vô địch quốc gia nào nhưng đã cùng tuyển Anh lên ngôi thế giới vào năm 1966.

Greaves là một người gặp khá nhiều chuyện không may trong cuộc sống. Những ngày này, ông đang phải bán chiếc huy chương vàng World Cup vì khó khăn kinh tế. Chính chiếc huy chương này cũng là một kỷ niệm không vui: Greaves không đàng hoàng nhận nó trên bục trao giải và không được nâng cao cúp vàng thế giới gần 50 năm trước vì chỉ những cầu thủ đá trận chung kết mới được nhận thưởng, chấn thương đã ngăn cản ông ngày đó. Mãi đến năm 2009, chiến dịch “Những người hùng bị bỏ quên” mới vận động thành công và thủ tướng Gordon Brown đã trao lại phần thưởng vinh danh cho những người xứng đáng. “Chúng tôi là một phần của lịch sử World Cup,” Greaves béo phệ tươi cười.

Trở lại quá khứ, đó là thời điểm Greaves đang cực kỳ chán nản vì bị lãng quên và cái chết của đứa con trai 4 tuổi Jimmy Junior do viêm phổi. Greaves tìm đến ma men và rượu phá nát sự nghiệp của ông vào năm 1970 (khi chỉ mới 25 tuổi) như đã nói, kẹp giữa hai cột mốc đó là chuyện ông ở Milan.

Danh tiếng của Greaves ở Chelsea đã nhanh chóng lan đến Ý, nơi AC Milan đang tìm một chân sút có khả năng khoan thủng những bức tường phòng ngự đang mọc lên đầy rẫy tại Serie A. Cần phải nói, những năm tháng nửa sau thế kỷ 20, bóng đá vẫn còn rất nặng tính cục bộ địa phương và các cầu thủ Anh rất ít khi ra nước ngoài thi đấu. Xét đến giai đoạn 1986-1990 cũng chỉ có một nhóm nhỏ các cầu thủ Anh đến đá tại Tây Ban Nha, Ý và Pháp, một số ít can đảm hơn chỉ đi đến Glasgow Rangers. Greaves là một trong những cái tên lớn và xuất ngoại sớm.

Tháng 6/1961, HLV Giuseppe Viani đề nghị với Chelsea bản hợp đồng trị giá 80,000 bảng và cho Greaves mức lương 140 bảng một tuần. Đó như những món tiền trong mơ vào thời điểm luật lương tối đa ở Anh vẫn còn hiệu lực, cầu thủ thi đấu tại xứ sương mù chỉ được nhận lương tối đa 20 bảng một tuần. Đề nghị của Milan còn như một giải thoát cho khủng hoảng sau nỗi đau mất con của chàng trai trẻ.

Toàn bộ thủ tục giấy tờ đã được ký kết xong và chỉ có một rắc rối nho nhỏ ngăn cản Greaves khám phá vùng đất mới: ông phải chờ đến ngày FIGC hủy luật cấm cầu thủ nước ngoài ở giải vô địch Ý. Trong thời gian chờ đợi ấy, biến cố bất ngờ xảy ra khi luật lương tối đa ở Anh bị gỡ bỏ, Greaves điên cuồng tìm cách ở lại Anh nhưng mọi chuyện đã rồi và Greaves đến Ý.

Cánh cổng tưởng mở một nơi đầy ánh sáng và tiền bạc đã dẫn đến những tháng ngày tựa như địa ngục. Đến Milan là cuộc chuyển nhượng tồi tệ nhất mà Greaves từng thực hiện, ông bị phạt vì vi phạm những nguyên tắc của CLB và thiếu tự do. Lí do chính không phải rượu chè, mối quan hệ không lành của ông với HLV Nereo Rocco mới là vấn đề quyết định.

“Bây giờ, người ta nói Rocco ghét người Anh. Tôi thì không rõ về điều đó nhưng chắc chắn ông ấy đã ghét tôi.”

Rocco là người đã cải cách Milan và phát minh ra chiến thuật phòng ngự đổ bê tông, nổi tiếng kỷ luật và chửi mắng rất nặng các cầu thủ khi tập luyện. Ông có ác cảm với Greaves từ đầu khi cầu thủ người Anh không phải là bản hợp đồng ông muốn đưa về. Viani là người đã mua Greaves nhưng liền sau đó ông phải nghỉ vì một cơn đau tim, Rocco lên thay và Greaves bị đối xử nặng nề hơn các cầu thủ bình thường.

Trong một trận đấu với Sampdoria, Greaves phạm lỗi với một cầu thủ Doria trước đó đã nhổ nước bọt vào mặt ông. Sampdoria cân bằng tỉ số từ quả đá phạt trực tiếp và Rocco đổ hết mọi tội lỗi lên đầu Greaves mặc dù chính ông là tác giả của bàn mở tỉ số và bàn thắng thứ hai của Milan. Một lần khác, Rocco tiếp tục chỉ trích Greaves khắc nghiệt:

“Bạn không thể để anh ta đá cánh vì đó không phải sở trường của anh ta, và thậm chí không chỉ ở vị trí đó, mỗi lần anh ta phải đuổi bóng và áp sát đối phương, anh ta đều tỏ ra mệt lử. Bạn nói xem, tôi nên làm gì với anh ta đây?”

Greaves đã chơi không hề tệ mỗi khi được ra sân. Ông ghi bàn thắng trong trận ra mắt, có một bàn trong trận derby và tổng cộng 9 bàn sau 14 trận. Những con số không hề tồi với một tiền đạo mới nhưng Rocco là nguyên nhân cơ bản và Greaves dần ghét tất cả mọi thứ về sau.

“Lão ta hung hăng, giáo điều và nếu bạn nghĩ tôi và lão chưa đánh nhau bao giờ thì bạn đi chết là vừa.”

Dưới sự quản lý của Rocco, Greaves phải ăn những gì được cho phép và bị quan sát khi ăn. Ông không được hút nhiều hơn hai điếu thuốc một ngày và bị phạt nếu đi ra ngoài thành phố.

Greaves ghét huấn luyện viên, ghét sự hà khắc trong tập luyện, ông ghét những ‘ritiro’ (trại tập huấn trước các trận cầu quan trọng) nơi cả đội phải ở tập thể dài ngày để tập luyện và không được phép nghỉ, Greaves đã nhiều lần tìm cách trốn ra ngoài trong những lần tập trung như vậy. Một lần Rocco thậm chí nhốt Greaves lại trong phòng nhưng cầu thủ người Anh vẫn thoát. Ông “nhảy ra ngoài cửa sổ, trèo qua bờ tường, trèo lại vào cửa sổ ở tiền sảnh và thoát ra bằng cửa chính.”

Cùng năm 1961, Denis Law cũng đến Ý chơi cho Torino. Law đã gặp Jimmy Greaves trên một chuyến tàu và nói: "Tôi cá là tôi sẽ về Anh trước lúc anh về." Ông sai, Greaves về trước, chỉ bốn tháng sau ngày đặt chân đến, đền hợp đồng và quay về khoác áo Tottenham – một câu chuyện khác với 321 trận và 220 bàn, những ngày thăng hoa nhất trước khi chìm vào bóng tối.

Nhưng chuyện chưa dừng lại. Trong bốn tháng Greaves-Milan-và-nước-Ý không chỉ có Rocco. Greaves có những trải nghiệm thú vị mà ông chia sẻ với Forza Italian Football vào năm 2011:

“Tôi đặc biệt nhớ Omar Sivori, một tiền đạo người Argentina nhập tịch Italia và là người bạn lớn của John Charles ở Juventus. Hắn có thủ thuật trỏ hai ngón tay vào mắt và tạm thời làm mù mắt bạn. Khi tôi đá cho Milan, những thủ thuật đen tối (dark arts) được mọi hậu vệ biết rành - đá vào mắt cá, đá vào gối từ sau và tắc bóng không nhân nhượng. Bạn không bao giờ lấy được bóng mà không nhận trước những tác động từ người kèm bạn.

Dù chỉ chơi tại Italia vài tháng, nhưng tôi luôn thấy như mình đã đến Milan như một cậu nhóc và lúc trở về là một gã đàn ông nhờ vào tất cả những vết thương đã chịu đựng từ những hậu vệ của họ.”

Ngày 14/2/2010, một tuần trước trận đấu ở Champions League giữa AC Milan và Manchester United tại San Siro (nơi David Beckham có lần gặp lại Man United), Greaves đã có một bài chia sẻ trên tờ Mirror về khoảng thời gian ngày xưa của mình tại Ý:

“Sau một vài tháng, tôi trở về nhà nhưng không phải tôi không thích giải đấu có tính cạnh tranh cao nhất trên thế giới (thời điểm đó), ở đất nước xinh đẹp nhất trái đất này và gặp gỡ những con người cuồng tính nhất hành tinh.

Những ngày này, người Anh chúng ta nghĩ mình bị ám ảnh bởi bóng đá, nhưng tôi nghĩ chúng ta không bao giờ bị hoàn toàn ám ảnh bởi bóng đá. Chúng ta không bao giờ đam mê bằng người Ý.”

Greaves không bao giờ quên chuyến làm khách đầu tiên của ông đến Venice. Không phải vì Quảng trường St Mark, không phải vì cầu Bridge of Sighs hay những khúc serenade được tấu lên bởi người cầm lái. Đó là khi AC Milan đến sân đấu trong chuyến làm khách của Venezia bằng thuyền, Greaves đã cố tìm chỗ để ngắm cảnh trên boong nhưng các đồng đội bảo ông rằng tốt nhất hãy ở lại bên trong. Họ nhận thức trước rằng vào mỗi cây cầu lịch sử mình đi qua, thuyền Milan sẽ bị ném cà chua thối.

“Nếu bạn là người Milan, bạn đã bị ghét bởi nhiều vùng khác trên nước Ý. Trận derby với Inter thành ra lại là trận khoan thai nhất. “
“Trận Palermo tại Sicily còn thảm hơn. Hàng rào ngăn cao tới 40ft nhưng vẫn có hàng trăm cổ động viên (đội nhà) trèo lên chúng để ném lén chúng tôi.

Sau trận đấu, tôi ngồi sau HLV (trên xe của đội) và Giovanni Trappattoni nói liền: ‘Jim, không, không phải chỗ này’ và kéo tôi lên ngồi đằng trước HLV, ngay trước khi cửa sổ đằng sau xe bị ném gạch.

Họ gọi các hooligan là những thằng Anh bệnh. Chúng ta đã phải chịu những điều khủng khiếp trong những năm về sau nhưng chính người Ý chắc chắn đã phải chịu những khổ đau này trước chúng ta.”

Ngày chưa đến Milan, Greaves cùng đội tuyển Anh giành chiến thắng 3-2 trước Italia ngay tại Olimpico năm 1961. Các ultras đốt lửa các bậc cầu thang và ném vật thể lạ vào đội tuyển Anh và Greaves đột nhiên nghĩ “làm thế quái nào mình đã đồng ý đến đá ở đây?”
Sau tất cả những gì ông đã trải qua, kết thúc bài viết trên Mirror, Greaves nói:

“Tôi tiếc mình đã không chơi cho Milan vào cuối sự nghiệp giống như anh ta (Beckham) mà vào lúc 21 tuổi mắc bệnh nhớ nhà.

AC Milan là một CLB tuyệt, San Siro là nơi tuyệt vời để chơi bóng đá và khi bạn đã đá cho một CLB lớn như vậy - tuy chỉ trong một thời gian ngắn - nó sẽ ở trong bạn suốt đời.”

Nước Ý và văn hóa bóng đá Ý hiện lên qua 4 tháng trong câu chuyện của Greaves là sự thù ghét từ HLV, những cổ động viên quá khích. Bóng đá ấy của địa ngục xấu xí, bóng đá không đẹp, bóng đá đầy mánh khóe và bạo lực.

Nhưng bóng đá sặc sụa nổ giòn như quả pháo giao thừa, bóng đá bốc cháy còn người vỡ òa sau bàn thắng, người chảy nước mắt và trải qua những cảm xúc mãnh liệt nhất. Bóng đá ấy là nơi của máu ăn thua và nơi có những người chịu làm những gì điên rồ nhất để bảo vệ màu cờ.

Bóng đá ấy không phải thiên đường sao?

Follow members gave a thank you for this useful post:

0 Members and 1 Guest are viewing this topic.