Juventus Fan Club in Vietnam - Bảo tàng JFC

.: Online :. => KHU VỰC MỞ CỬA TỰ DO => : Pavelvnr February 18, 2011, 02:15 AM

: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr February 18, 2011, 02:15 AM
Thư ngỏ:

Dù bạn đang đứng ở nơi đâu, rất gần bên dòng sông Po chảy qua thành phố cổ Torino hay lặng lẽ ở một nơi nào đó cách xa hàng vạn ngàn cọc mốc chỉ giới của con đường, chỉ cần bạn tìm hiểu về Juventus, nghĩa là bạn đã chạm vào cả nền văn hóa, bóng đá Italia. Câu chuyện dài từ hơn 100 năm trước đi qua những chiều chủ nhật, những đêm thứ tư của bao nhiêu trận đấu đang được kể, mang trong nó bóng hình Juventus và Italia. Là một bóng hình giản dị nhưng không hề giản đơn, bình dị nhưng không hề bình thường. Là cuội nguồn của vẻ đẹp thanh xuân chỉ với hai màu đen-trắng, mẹ của vạn ngàn màu sắc.

Bằng những suy nghĩ ấy của nhóm biên tập, những bài viết và hình ảnh này không phải là một tập từ điển của những sự kiện và con số khô khan, không có những từ ngữ hào nhoáng bôi màu lên giá trị giản dị mà chân thực của Juventus. Đó đơn giản chỉ là một tập sách nhỏ của những câu chuyện kể, những dòng cảm giác của những người kể chuyện đã từ bao giờ coi Juventus và bóng đá Italia là niềm say mê của mình. Ai đó, như bạn, như chúng tôi, cũng sẽ cảm thấy gần gũi hơn, chân thực hơn khi đến với Juventus, để chạm vào bóng đá và một nét văn hóa Italia theo dòng chảy của thể thao, của cuộc sống diệu kỳ và cả cái chết…


Góp ý của các bạn xin được gửi vào topic này hoặc email [email protected]
-----
Bình minh trên dãy Alpi

Hơn một trăm năm lịch sử đã qua, Juventus ghi dấu trong lòng hàng nghìn hàng triệu tifosi trên khắp đất nước Italia, vượt qua cả đường biên giới nữa. Họ là đại diện cho nền văn hóa Italia và hơn bao giờ hết, đó là đội bóng của những học sinh, người lao động lớn lên trong nhà máy, xí nghiệp; của những nhà thơ, nghị sĩ và có thể cả cha xứ cùng những gã lưu manh. Có nghĩa rằng, Juventus đã là cái tên được lưu giữ trong lòng tất thảy mọi tầng lớp xã hội ở Italia, trở thành một hình ảnh của đất nước Italia. Tất cả bắt đầu từ một chiều đầu đông Torino năm 1897.

Thời ấy bóng đá hiện đại gần như lan tràn khắp châu Âu theo dấu chân của những người Anh hoặc đã từng có những năm tháng đi qua nước Anh. Trong khi ấy ở Torino, cũng là lúc những câu lạc bộ thể thao sinh ra như nấm muốt sau cơn mưa xuân. Edoardo Bosio là một tay lái buôn gốc gác Thụy Sĩ, sinh ra ở Torino và là con nuôi của một lái buôn kính kiêm thợ chụp ảnh người Torino. Khi lớn lên gã có dịp bôn ba Thụy Sĩ và London để làm việc cho những nhà máy dệt của người Anh. Chính những nơi ấy, gã đã được chơi những trận bóng đá đầu tiên và hiểu được luật bóng đá cũng như có quan hệ với những đội bóng bản xứ. Ai đặt mình vào cuộc đời Edoardo Bosio hẳn đều nghĩ ngay rằng mình sẽ rủ mọi người cùng chơi khi trở về thành phố quê hương. Thế là Bosio cũng mang theo về những quả bóng da năm 1887 và thành lập nên đội Torino Foot-ball and Cricket Club. Theo nhiều người kể lại, cùng năm đó, một đội mang tên Nobili Torino (những Quý tộc Torino) cũng ra đời dưới sự bảo trợ của Hoàng tử trẻ tuổi Luigi Amedeo và Alfonso Ferrero di Ventimiglia (người sau này có lúc trở thành chủ tịch liên đoàn bóng đá Italia). Không ai biết đội của Hoàng tử người Tây Ban Nha Luigi Amedeo, Duca degli Abruzzi, người sau này được phong đất ở mãi tận Abruzzi-Somali đã chơi những môn thể thao nào. Không ai biết chàng, người đam mê khám phá và chinh phục những miền đất mới, có chơi trận đấu bóng nào hay không bởi thời gian tuổi trẻ của chàng hoàn toàn là những cuộc leo lúi và đi biển quên tháng ngày đến dãy Alpi, Saint Elias (Canada), Cực Bắc, sau đó là châu Phi (Uganda), K2 của Himalaya (Pakistan). Cuối cùng, không ai biết tại sao một đội của tay lái buôn như Edoardo Bosio lại hợp với câu lạc bộ quý tộc Nobili Torino của Duca degli Abruzzi.

Chỉ có thể hiểu rằng bóng đá bản thân nó lúc vừa mới ra đời đã phá bỏ mọi rào cản của giai cấp và định kiến để rồi Internazionale Foot-ball Club Torino ra đời năm 1891 bởi sự hợp nhất ấy. Đây mới chính là một câu lạc bộ chỉ chuyên bóng đá đầu tiên ở Torino và Italia chứ không bao gồm cả cricket, đá cầu, bắn cung bắn nỏ như hàng chục câu lạc bộ khác. Hoàng tử Luigi Amedeo mang đến danh tiếng, tiền bạc cho đội bóng, có lẽ thế, còn Edoardo Bosio với quan hệ và lòng say mê của mình mang đến những cầu thủ giỏi cho đội bóng cũ. Bằng cách nào đó, Edoardo Bosio lôi kéo được cả từ đội bóng Anh Saint Andrews anh chàng rất tài Herbert Kilpin sang Torino. Sau này Hertbert Kilpin còn là thành viên lập ra Milan Cricke & Foot-ball Club danh tiếng năm 1899, là cầu thủ ngôi sao đầu tiên, đội trưởng đầu tiên và huấn luyện viên đầu tiên của đội bóng này. Nhưng đấy là chuyện của những người Milano, chúng ta chỉ cần thích thú nhớ rằng, có lẽ, Herbert Kilpin từ Saint Andrews đến Internazionale Torino năm 1891 là cuộc chuyển nhượng tự do đầu tiên đến Torino.

Bốn năm sau, 1894, có một cái tên nữa ra đời, Foot-ball Club Torinese. Torinese, như ý nghĩa cái tên của nó, chỉ những gì thuộc về Torino, một cách giản dị, không đặc biệt. Nhưng chính Torinese lại song hành, đan xen rất phức tạp với những ngày sơ khai của bóng đá Torino, hay nói rộng ra là bóng đá Italia, bởi vì thuở ban đầu ấy, Torino cùng với vùng cảng tây bắc của Genova là cái nôi của bóng đá Italia. Sau này, 1900, Torinese hợp với Internazionale Torino để thành một đội Torinese mới vẫn dưới sự bảo trợ của ông hoàng xứ Abruzzi, Luigi Amedeo. Đến năm 1906, Torinese mới lại mở tay chào đón những cầu thủ li khai của Juventus và lập nên Foot-ball Club Torino danh tiếng và tồn tại cho đến tận bây giờ. Đối với những cổ động viên của AC Torino ngày nay, đội bóng của họ được sinh ra từ 1894 chứ không phải 1906, tự hào chưa (!). Thôi gượm đã, hãy để Foot-ball Club Torino và những câu chuyện tự hào của nó sang một bên để quay lại cái những ngày 1897 sôi nổi ấy.

Năm đó ở thành Torino còn một đội bóng nữa ra đời, Ginnastica Torino. Dù chậm hơn Internazionale đến cả 10 năm nhưng thực ra, Ginnastica là đội sớm và nổi tiếng hơn bất cứ đội nào ở Torino. Ginnastica Torino đơn giản là đội chuyên về bóng đá của Reale Società Ginnastica Torino (Đội Thể thao Hoàng gia Torino) vốn được lập từ ngày 17 tháng 3 năm 1844. Reale Società Ginnastica Torino được bảo trợ bởi dòng họ cai trị Vương quốc Piemonte-Sardegna và đặc biệt sau này là dòng họ vua Carlo Alberto xứ Savoia. Đó như một ngôi trường thể thao để cho những sinh viên của học viên quân sự tập luyện với nhiều môn thể thao khác nhau, trong đó có cả bóng đá, dĩ nhiên. Cho đến 1897, đội bóng Ginnastica Torino mới được cho một cái tên riêng. Thế là ở Torino đã có 3 đội bóng là Internazionale, Torinese cũ và Ginnastisca. Đủ để thành lập một liên đoàn bóng đá.

Câu chuyện của bóng đá Torino và Italia bắt đầu trong buổi bình minh như thế, cũng bắt đầu trong cái buổi bình minh tự do của đất nước. Italia thống nhất phần phía bắc năm 1861 sau những cuộc chiến tranh liên miên của những người ủng hộ Hoàng gia xứ Savoia với các vương quốc nhỏ, đánh tan cát cứ quân Áo. Torino trở thành thủ đô đầu tiên của đất nước tự do từ năm 1861. Nhưng lúc đó Italia không còn gì ngoài những ngôi nhà đền thờ, những công trình kiến trúc, ngoài nghèo đói và xác xơ. Hàng trăm nghìn người Italia đã phải di cư đi đến khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất ở châu Âu và châu Mỹ để bây giờ con cháu của họ được gọi là những oriundi. Người Torino cũng ra đi dù ít hơn những nơi khác bởi Torino là kinh đô đầu tiên của đất nước Italia thống nhất ấy. Nó trở thành nơi hiếm hoi hội tụ những gì tinh túy của Italia và châu Âu lân cận. Như lúc đó, người ta có thể nói vui pha chút tự hào, ‘Torino capiatale di tutto anche nel calcio’, Torino, thủ đô của mọi thứ, kể cả bóng đá.

Tháng 3, 1898 những con người gắn bó với nhau để chơi bóng ấy gặp mặt tại chính Torino để ra đời một liên đoàn bóng đá Italia, Federazione Italiana del Foot-ball (FIF). Ba đội bóng Torino xứ Piemonte là Internazionale Torino, Torinese, Ginnastica cùng với Genoa Cricket & Football Club xứ Liguria, Unione Pro Sport Alessandria đến từ thành phố Alessandria cùng trong xứ Piemonte tụ hội lại. Và bắt đầu một giải đấu mà cho đến bây giờ chúng ta gọi là Calcio Serie A chỉ mấy chục ngày sau, tháng 5 năm 1898. Ông vua đầu tiên của bóng đá Italia gọi tên Genoa Cricket & Foot-ball Club sau 4 trận đấu của toàn giải.

Federazione Italiana del Football (FIF), sau đổi thành Federazione Italiana Giuoco Calcio (FIGC) năm 1909, không phải là liên đoàn duy nhất ở Italia trong buổi bình minh của nền bóng đá Italia. Một vài đội bóng ở các thành phố hay xứ khác có lựa chọn khác đi, họ không tham gia vào các giải đấu của FIF mà đăng ký với một liên đoàn mạnh hơn là Federazione Ginnastica Nazionale Italiana (FGNI). Đây là một liên đoàn của các đội thể thao Ginnastica tổng hợp, rất phổ biến trước khi bóng đá chiếm thế cao hơn. Nó được thành lập từ tháng 12 năm 1887 bởi sự hợp nhất của Federazione Ginnastica Italiana (FGI) phía nam của miền bắc Italia (nơi có thành phố Bologna) và Federazione delle Società Ginnastiche Italiane (FSGI) phía đông bắc (nơi có các thành phố Udine, Venezia và Venora).

Như thế miền bắc Italia cũng đã chia làm 3 vùng với 3 liên đoàn và những đội bóng tên tuổi của nó còn thi đấu đến tận bây giờ. Một vài đội bóng còn đăng kí chơi cả hai giải đấu mà FIF và FGNI tổ chức, vì họ không xếp đá cùng mùa trong năm. Đó quả là những ngày tháng sôi nổi. Khắp ngõ ngách, đường phố, quảng trường, nhà thờ, công viên và cả vườn rau, luống nho, người ta nói về những trận đấu bóng đá.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr February 18, 2011, 01:16 PM
Những anh chàng sinh viên ở công viên Valentino

Enrico Canfani viết trong cuốn sách Storia del Foot-ball Club Juventus di Torino (câu chuyện về câu lạc bộ bóng đá Juventus ở Torino, xuất bản năm 1915, một năm sau khi Enrico Canfani chết trong cuộc chiến tranh giữa quân đội Italia và liên quân Áo-Hungaria):
 
“Trong năm 1896, một nhóm sinh viên của trường trung học Liceo d'Azeglio sau khi kết thúc tiết học buổi chiều thường đến đại lộ Duca di Genova, rồi đặt những cuốn sách xuống ghế băng và chơi ‘barra’. Sau đó họ bắt đầu với trái bóng: một vài cư dân nước ngoài sống ở Torino chơi bóng đá đầu tiên trong sân Valentino (ở công viên Parco del Valentino bên bờ sông Po - www.badamgia.com) có mái che dùng cho môn hockey trên băng và trượt băng, sau đó là quảng trường Piazza d’Armi. Họ đã lập nên FC Internazionale mà sau này mang tên Torinese.  Với nhiều đội bóng đầu tiên đã được lập ra, chúng tôi cũng cần phải có một đội bóng và những sinh viên đã quyết định lập ra nó vào mùa thu năm 1897. Đó là những chuyện thật về sự bắt đầu của Juventus.”

Liceo d’Azeglio là một trường trung học Torino mang tên nhà quý tộc uyên bác của thành phố Torino, Massimo d’Azeglio, nơi giảng dạy cho sinh viên ngôn ngữ, triết học cùng văn học cổ Latin và Hy Lạp. Những sinh viên như Enrico Canfani sẽ học ở đây trong 5 năm cuối cùng của các cấp học ở Italia hồi ấy. Nghĩa là họ chỉ từ 14 đến 18 tuổi, những thanh niên rất trẻ mà với lòng nhiệt tình của mình có thể làm mọi thứ. Không ai biết trước bóng đá, họ đã chơi ‘barra’ là cái gì trên đời này, có thể là một từ tiếng lóng ở Torino cuối thế kỉ 19, để chỉ một môn thể thao nào đó, cũng có thể là ‘bóng đá ma’ chẳng hạn. Và ngày 1 tháng 11 năm 1897, sẽ là một ngày bình thường nếu như Enrico Canfani và những anh bạn thanh niên không tụ tập như mọi khi và quyết định lập ra một đội bóng. Họ gồm có Eugenio Canfari, Enrico Canfari, Gioacchino Armano I, Alfredo Armano,  Luigi Gibezzi, Umberto Malvano, Vittorio Varetti,  Umberto Savoia, Domenico Donna, Carlo Ferrero,  Francesco Daprà, Luigi Forlano, Enrico Piero Molinatti. Tất cả đều là những sinh viên người Italia và đều say mê bóng đá.

Nhưng đội bóng cũng cần có một nơi để gặp mặt tụ hội mà không phải trong công viên hay ngoài đường. Rất may, gia đình anh em Enrico và Eugenio Canfani có một cái xưởng xe đạp ở số 42 Corso Re Umberto và sẵn sàng dành nó cho những người anh em. Không còn gì tuyệt vời hơn cho dù căn phòng thật ra không được tiện nghi nhiều lắm. Nó tối lờ mờ vì thiếu ánh sáng và chỉ có mỗi chiếc ghế băng dài là chỉnh tề. Và trên chiếc băng ghế dài ngày ấy, bây giờ được giữ làm một vật kỷ niệm đáng được trân trọng tại khuôn viên trụ sở Juventus, diễn ra một cuộc tranh cãi sôi nổi khác: đặt tên. Dĩ nhiên là một đội bóng thì cần có một cái tên và mỗi người lại có một ý tưởng khác nhau. Sau một cuộc tranh cãi quyết liệt rồi mất vài vòng bỏ phiếu, ba cái tên sau được đưa vào vòng bỏ phiếu cuối cùng: Società Via Fort, Società Sportiva Massimo d’Azeglio và Sport Club Juventus.

Trong ba cái tên này, có lẽ Sport Club Juventus là cái tên kém hấp dẫn hơn cả. Nó được ghép từ một nửa tiếng Anh (Sport Club) và một nửa có nguồn gốc Latin (Juventus). Vẫn theo lời kể của Enrico Canfari thì “Cái tên cuối cùng này thì ít người thích, vì nó nghe như được gán ghép một cách áp đặt. Tôi cũng thuộc nhóm phản đối cái tên này, vì đối với tôi, có vẻ cái tên Juventus không phù hợp với những người lớn. Nhưng tôi đã nhầm, Juventus (theo tiếng Latin là ‘thanh xuân’, ‘tuổi trẻ’ – www.badamgia.com) không phải có ý nghĩa là chưa lớn mà đã trưởng thành rồi. Vì thế quyết định cuối cùng mọi người lấy cái tên Sport Club Juventus”.

Ai là người đã thuyết phục tất cả những sinh viên ngôn ngữ và lịch sử Latin chọn cái tên Juventus bằng giải thích về ý nghĩa của từ đó, nếu không phải là Enrico, trong khi những tư liệu bây giờ đều cho thấy Sport Club Juventus là cái tên ít người thích thú nhất? Cũng không ai biết được, mà cuối cùng tất cả phải đồng ý một điều như Enrico đã viết sau này, Juventus trở thành một tài sản đáng giá. Như một sự bắt đầu khá lờ mờ đúng nghĩa đen, chắc họ cũng khó nghĩ rằng việc đó sau này trở thành một sự kiện đáng đáng nhớ. Đối với những thanh niên ấy, thành lập một đội bóng chỉ để chơi và được thi đấu.
--------------------
Vì một nguyên nhân nào đó, Sport Club Juventus đã không có mặt trong cuộc họp thành lập liên đoàn bóng đá Italia FIF vào tháng 3 năm 1898 mà chỉ có 5 đội bóng khác ở Torino, Alessandria và Genova. Đương nhiên, 2 tháng sau đó đội bóng non trẻ này cũng không có mặt trong giải vô địch đầu tiên tổ chức bởi FIF. Nhưng không vì thế mà Sport Club Juventus không phát triển mạnh. Từ ngày được lập ra, Juventus liên tục tăng nhanh quân số và được nhắc đến ở Torino một cách coi trọng và thu hút sự chú ý từ các đội bóng khác. Cũng bởi vì số lượng thành viên tăng nhanh, cái xưởng xe đạp tối om của anh em nhà Canfani không còn đủ rộng rãi nữa. Tìm được một cái nhà mới ra dáng một trụ sở rõ ràng là một việc đau đầu đối với những sinh viên ở bất cứ thời đại nào mà không trừ Torino những năm cuối thế kỷ 19. Enrico Canfari gọi đó là “ác mộng ban đêm trong đầu những chàng trai trẻ”.

May mắn cuối cùng anh em Canfari cũng tìm được một nơi khác, với 4 phòng, một sân nhỏ, một mái hiên, một gác xép và được uống nước miễn phí từ vòi rửa. Căn nhà ấy ở số 4 Via Piazzi, quận Crocetta. Trong khoảng một năm kể từ khi ra đời, sân bóng chủ yếu của đội là ở công viên Parco Valentino mà con đường Duca di Genova chạy dọc bên cạnh, ngay gần trường Liceo d’Azeglio. Năm 1899, AC Milan ra đời với người đội trưởng sinh ra tại thành phố Nottingham, Herbert Kilpin, nhưng với các Juventini, năm đó được ghi nhớ là lần đâu tiên Sport Club Juventus đổi tên. Không phải đổi cái tên Juventus mà đổi Sport Club thành Foot-ball Club. Như Canfari kể lại vẫn trong cuốn Storia del Foot-ball Club Juventus di Torino, “kể từ lúc này chỉ có bóng đá chiếm hết thời gian hoạt động của chúng tôi. Một đều dễ hiểu để đổi cái tên ban đầu bằng cái tên như hôm nay (tức là năm 1914 - www.badamgia.com) Foot-ball Club Juventus hoặc đơn giản là Juventus. Tên này bây giờ, thực sự là một tài sản đáng giá bởi lẽ như các bạn thấy trong các đội thể thao, việc trùng tên thì rất nhiều, nhưng Juventus chính thức thì chỉ có một mà thôi: là của chúng tôi”.

Đổi tên không chỉ đơn giản là cái tên, nó khẳng định thương hiệu của một đội bóng, thời gian này cũng chính là lúc Juventus được nhận được nhiều lời mời gọi từ Alessandria, Milano và Genoa. Các cầu thủ trường trung học không chơi ở công viên Parco Valentino nữa mà chuyển đến sân bóng ở quảng trường Piazza d’Armi, nơi mà FC Internazionale Torino, Ginnastica vẫn thường thi đấu. Có thể tạm hiểu rằng Juventus đã đạt đến cùng trình độ như Genoa, Ginnastica hay Internazionale Torino. Thậm chí Juventus còn là đội đầu tiên tiếp một đội nước ngoài ở Torino, đó là Montriond di Losanna đến từ Thụy Sỹ.

Thuở bình minh của Juventus đã mở ra trước mắt chúng ta cái tên đầu tiên, sân bóng đầu tiên, nơi hội họp đâu tiên và những đối thủ đầu tiên. Vậy còn màu áo? Nhiều tài liệu ngày nay cho rằng màu áo đầu tiên của Juventus là màu áo hồng nhưng không hẳn là như thế. Để đến lúc cả đội khoác lên mình một bộ đồng phục là cả một quãng thời gian kha khá. Ban đầu dĩ nhiên là họ chỉ chơi bóng với những chiếc áo trắng sinh viên. Cho đến lúc Juventus nhận được lời mời của Foot-ball Club Torinese. Các cầu thủ Juventus gần như không tin rằng mình có thể chơi được với những cầu thủ bóng đá thực thụ này, thậm chí nghĩ đội Torinese dường như to và khỏe hơn. Lo lắng, bởi vì qua những trận đấu đầu tiên của Juventus, họ thua liên tục. Nhưng với mỗi cầu thủ lại tập luyện hăng say hơn và tạo dấu ấn tinh thần rất tốt. Juventus chấp nhận thử thách chơi với Torinese với đội hình 11 người. Họ cần một bộ áo đồng phục cho trận đấu này, là gì được đây? Cottone, vải bóng flanella, hay là áo len? Cuối cùng, Juventus chọn vải lanh cottone mỏng màu hồng, quần thụng màu đen. Đó là những chiếc áo mà họ mặc mãi đến năm 1902. Thế nên biệt danh đầu tiên của những anh chàng sinh viên Juventus là rosaneri như đội U.S Città di Palermo ngày nay.

Rosaneri, màu hồng đen, không rõ có hợp với chữ thanh xuân Juventus hay không (có lẽ là không) nhưng hình như người Torino không thích cái màu này. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay được sắp đặt, cả hai đội ra đời sớm nhất Torino là FC Nazionale Torino và Torinese đều mang áo sọc đen trắng, bianconeri. Chuyện nhiều người kể rằng những chiếc áo dài tay màu hồng này là do cha của một cầu thủ trong đội may và cấp cho đội. Những chiếc áo này có một vấn đề nho nhỏ, mà nghĩ lại là cả vấn đề lớn với những chàng sinh viên: phai màu. Cứ chơi một thời gian thì chúng lại phai màu sau mỗi lần giặt rồi chuyển sang màu trắng. Những chàng sinh viên không thể có tiền để may áo liên tục như thế, họ nghĩ đến cách đặt những chiếc áo chất lượng hơn, rắn rỏi hơn và cậy nhờ đến anh bạn John Savage, có người nói là một lái buôn vải dệt, làm việc cho một nhà máy sợi ở Torino.

John lúc này là một thành viên trong đội nhưng anh ta là người Anh và có quen biết với một số bạn bè ở Nottingham. Mọi người đồng ý đổi một loại áo mới và anh chuyển lời đề nghị đến một người bạn ở Nottingham cùng với yêu cầu về những chiếc áo trắng viền đỏ như của đội Nottingham Forest. Nhưng bạn anh là một cổ động viên của Notts County, đội bóng lâu đời nhất ở giải vô địch Anh, vô tình hay cố ý đã gửi nhầm gói hàng có mang những chiếc áo của kình địch Nottingham Forest là Notts County đến Torino.

Ở Torino, khi mở gói hàng ra, các cầu thủ Juventus mới thấy mười lăm bộ có cổ với hai màu đen-trắng Notts County, tất cả cùng một size như nhau và không như dự định. Vậy mà giải vô địch đã đến cận kề rồi, không có những chiếc áo dự trữ, họ chấp nhận mặc những bộ áo mới, cùng với quần, tất, đều cùng một cỡ ấy. Đó là những ngày mùa xuân trước giải vô địch năm 1903. Kể từ lúc đó màu áo sọc đen-trắng trở thành màu áo chính thức của Juventus với tên gọi bianconeri. Những trận thắng cũng đến liên tiếp, nên họ nói rằng màu áo đó mang đến may mắn, và coi đó là màu áo của khí thế hung hãn và sức mạnh tràn đầy. Như một sự sắp đặt của tạo hóa, màu áo của Juventus quay trở về đen-trắng giống như những đội bóng ở Torino khác là Internazionale và Torinese.

Có một câu chuyện vui giữ mối liên hệ giữa Juventus và Notts County hôm nay, cứ mỗi lần các cầu thủ Notts County chơi hay, trên khán đài, những cổ động viên của họ lại cùng nhau hát vang điệp khúc tiếng Anh ‘it's just like watching Juve, it's just like watching Juve’ (cứ như là đang xem Juve, cứ như là đang xem Juve) theo điệu... blue moon. Just like watching Juve, đấy cũng là cái tiêu đề ưa thích của các nhà báo Anh viết bài tường thuật mỗi khi Notts County chiến thắng. Cảm ơn Notts County, giống như cách họ tự hào kể về nguồn gốc màu áo Juventus trên website chính thức của họ, và chúc họ may mắn để trở lại những năm 1900 rất oai ấy.

-------------

 
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr February 19, 2011, 03:52 PM
Những người Anh và ba lần thách đấu

Sport Club Juventus đã không có mặt trong giải vô địch đâu tiên do FIF tổ chức tháng 5 năm 1898. Ông anh Eugenio Canfari giờ đây cũng không còn hứng thú với bóng đá nữa. Nhường lại vai trò dẫn dắt Juventus cho em trai Enrico, Eugenio đem lòng mình đi yêu những chiếc xe thể thao và trở thành một tay đua thực thụ cùng với việc lập ra nhà máy ô-tô Taurinia trong cái năm 1902 đầy sôi động của làng xe hơi Italia. Lần thứ 2 của giải vô địch của FIF, tháng 4 năm 1899 vẫn vắng bóng Juventus. Nhưng đến lần thứ 3 thì không thể nào vắng mặt. Foot-ball Club Juventus, như cái tên lúc này, đã lớn lên rất nhanh và đạt đến trình độ cũng như tổ chức rất tốt so với các đàn anh Torinese, Ginnastica.  Enrico Canfari dần dần thay thế người anh trong vai trò người dìu dắt Juventus, đưa đội gia nhập FIF năm 1890 và tham dự giải vô địch ngay trong tháng 4 năm đó. Lúc này thành phố Torino chỉ còn 3 đội bóng bởi vì Internazionale Torino đã nhập với Torinese dưới cái tên Torinese. Dĩ nhiên Torinese là đội mạnh nhất, yếu nhất lại là Ginnastica chứ không phải Juventus. Bằng chứng là tại vòng bảng khu vực Piemonte, thi đấu vòng tròn hai lượt, Juventus chỉ thua sát nút Torinese 2 trận với tỉ số 0-1 và 1-2, còn lại thắng Ginnastica cả hai trận với tỉ số 2-0. Giải vô địch đầu tiên của Juventus với FIF dừng lại ở vòng bảng của thành phố Torino, chí có Torinese được chơi tiếp. Nhưng như thế cũng là đủ để ghi một dấu ấn quan trọng rồi.

Năm sau xứ Piemonte có thêm Audace Torino, mới thành lập được mấy ngày những đã được một suất đá vòng bảng. Vậy là thành phố Torino có 4 đội trong xứ Piemonte là Torinese, Juventus, Ginnastica và Audace thi đấu bảng vòng tròn một lượt. Vẫn là Torinese chiến thắng, nhưng vất vả hơn nhiều vì phải chơi thêm một trận play-off với Juventus do hai đội cùng được 5 điểm sau 3 vòng đấu. Bấy giờ, Juventus quy tụ được rất nhiều những sinh viên đại học đăng ký tham gia đội bóng. Ở vòng bảng hai đội đã hòa 1-1, còn play-off Torinese thắng 4-1. Hòa 1-1 với Torinese dĩ nhiên là một tiến bộ vượt bậc, mà dẫu sao, Juventus vẫn chưa khẳng định thành đối thủ số 1 tại thành phố Torino, cho đến khi họ mang màu áo mới, bianconeri.

--------

Thực ra thì Foot-ball Club Juventus và Enrico Canfari không phải đợi lâu đến thế để chiến thắng ở một giải đấu nào đó. Giải vô địch của FIF là giải quan trọng nhất trong năm nhưng nó chỉ diễn ra trong vỏn vẹn vài ngày. Gần một năm trời còn lại tất nhiên là họ không ngồi chơi hoặc loanh quanh chơi bóng trong công viên mà tham gia vào nhiều giải đấu phong trào khác. Điển hình nhất là giải đấu giành cho các trường trung học giữa hai xứ Piemonte và Liguria mà chủ yếu là của hai thành phố Torino và Genoa. Ở giải đấu này, ngay từ đầu Juventus đã ba lần liên tiếp lên ngôi đầu từ 1899 đến 1902.

Nhưng khoảng cách giữa giải đấu của các trường trung học và giải vô địch của FIF là một đỉnh cao vời vợi. Juventus, mà nền tảng ban đầu chỉ là những sinh viên trẻ, phải trải qua một quá trình vài ba năm tập luyện và xây dựng nên một đội bóng được coi như một câu lạc bộ có tổ chức đúng nghĩa. Lúc ấy chúng ta mới nói đến những chiến thắng. Cũng có một sự trùng hợp hay một điềm lành nào đó của đất trời, khi Juventus một cách tự nhiên rời xa chiếc áo màu hồng để khoác lên mình hai màu đen-trắng từ 1903. Khi các sinh viên trẻ đã trưởng thành, đội bóng cũng tuyển chọn rất nhiều thành viên là những công dân nước ngoài hoặc làm việc ở Torino. Đó cũng là lúc Giacomo Parvopassu, vốn đã nổi tiếng ở Torino là một luật sư giỏi, trở thành chủ tịch Juventus. Chính Giacomo Parvopassu là người đã giúp những cầu thủ Juventus trong nhiều trường hợp rắc rối với bộ máy quan liêu của xã hội. Nó có thể là bất cứ thứ gì đối với những anh chàng bắt đầu bước vào đội tuổi lao động như những cầu thủ trẻ của chúng ta. Còn chính màu áo đen-trắng là trở thành sức mạnh thực sự. Ngày 1 tháng 3 năm 1903 là một dấu mốc đáng nhớ, Juventus trong màu áo mới đã thắng đội bóng đầu tiên và mạnh nhất Torino, Torinese 5-0!

Giải vô địch của FIF lần thứ 6 có 6 đội được quyền tham gia, gồm Genoa, đương kim vô địch (xứ Liguria), Milan (xứ Lombardia), Andrea Doria (tức Samdoria hôm nay, xứ Liguria). Còn lại là 3 đội bóng của Piemonte: Torinese, Juventus và đội bóng non trẻ Audace. Các trận đấu được sắp đặt theo luật đấu cờ vua hay đấm bốc kiểu cổ. Có nghĩa là đội ĐKVĐ chỉ cần đá đúng một trận chung kết duy nhất để bảo vệ danh hiệu. Các đội khác, phải đá loại trực tiếp để giành lấy vị trí thách đấu với ĐKVĐ Genoa. Milan là đội bóng giải nhì năm trước cũng chỉ phải đấu trận tranh quyền thách đấu.
Kết quả bốc thăm như sau:
 
- Vòng 1: Xứ Piemonte có 3 đội, Torinese, Juventus, Audace. Torinese và Juventus bốc thăm phải phiếu loại nhau vòng đầu tiên. Audace được vào thẳng.
- Vòng 2: Đội thắng trận Torinese – Juventus sẽ gặp Audace ở vòng 2 để chọn đại diện duy nhất của Piemonte.
- Vòng 3: Đại diện duy nhất của Piemonte gặp đại diện Liguria (tức là Andrea Dorina).
- Bán kết: Đội thắng trận vòng 3 gặp đại diện Lombardia, Milan (giải nhì năm 1902).
- Chung kết: Đội thắng bán kết thách đấu với ĐKVĐ Genoa.

Chúng tôi phải kể ra cả chặng đường mà Juventus đã đi qua của năm 1903, chỉ để hiểu, cái từ mà Enrico Canfari, những cổ động viên Notts County và tất cả sau này vẫn nhắc đến mỗi khi nói về Juventus, hung hãn và mạnh mẽ (aggressivi e forti). Một năm sau 2 trận hòa 1-1 và thua 1-4, Juventus đả bại Torinese 5-0. Ai có thể nghĩ rằng đội bóng mạnh nhất Torino lại phơi áo nặng nề đến như thế trước những cầu thủ như Canfari, Durante, Goccione, Armano... ngay tại sân quảng trường Piazza d’Armi, vốn coi như lãnh địa của họ, ngay trong trận đấu khai mạc. Nhưng đó là sự thật. Khó tin nổi, nhưng đó là sự thật, Juventus đã lớn lên không ngờ thành đội bóng mạnh nhất ở Torino. Cuộc càn quét ở giải FIF chưa dừng lại, vòng 2 Juventus vượt qua nốt đội bóng được vào thẳng Audace với tỉ số 2-1 dù đã bị dẫn bàn trước. Vòng 3, vẫn những chàng trai ấy buộc đội đàn anh Andrea Doria nhận thất bại 1-7 bằng một hattrick của Umberto Malvano trên sân nhà thứ hai Velodromo Umberto I.

Cái cách mà Juventus trở thành đối thủ thách đấu của ĐKVĐ Genoa không dễ thuyết phục hơn, vì ở bán kết, họ tiếp tục hạ á quân AC Milan 2-0 ngay tại Campo dell'Acquabella, sân nhà của AC Milan. Milan với thành phần chủ yếu là những người Anh của huấn luyện viên kiêm cầu thủ ngôi sao từ Nottingham, Herbert Kilpin đấy, đội bóng đã chấm dứt 3 năm liên tiếp vô địch của Genoa năm 1901. Nhưng Juve đã chơi liền 4 trận thắng, ghi 16 bàn và chỉ thủng lưới 2 để giành quyền thách đấu. Dĩ nhiên, đối với bóng đá cổ điển, số lượng bàn thắng nhiều không phản ánh rõ lối chơi hủy diệt, nhưng với những gì các cầu thủ Juventus đã làm, hình bóng hung hãn aggressivi của họ đã bắt đầu.

Nhưng lúc ấy, Genoa, đội bóng thành phố cảng tây bắc Italia mạnh hơn so với phần còn lại của Italia, kể cả AC Milan của Herbert Kilpin. Bởi vì thực ra, Genoa Cricket & Foot-ball Club có thể coi là một đội bóng Anh ở nước ngoài. Họ được sinh ra bởi những người Anh giỏi bóng đá ở thành phố Genova cùng thời điểm với Juventus. Nhưng trình độ của những người Anh thời bóng đá hiện đại sơ khai đã giúp họ càn quét chức vô địch FIF liên tiếp 6 lần trong 7 mùa giải đầu tiên, trừ 1 lần duy nhất phải nhường cho một đội bóng của người Anh khác là AC Milan và chỉ chịu dừng lại ở mãi năm 1905.

Sau khi đả bại Milan 2-0, các cầu thủ Juventus tiếp tục hành trình đến Genova. Trên sân Campo di Ponte Carrega, những người Anh ở Genova đã không chịu cúi đầu như những người Anh ở Milano. Thủ môn kiêm huấn luyện viên người quận Stoke Newington-London, James Spensley, đã không cho những cầu thủ tấn công ngôi sao của Juventus như Umberto Malvano một cơ hội nào. Và Juventus kết thúc hành trình thách đấu người Anh ở Genova bằng trận thua 0-3, kết thúc trận thách đấu đầu tiên giữa họ trong ba lần liên tiếp.

Trở về từ thành phố cảng Genova, các cầu thủ Juventus dường như hiểu rằng, trận thua ở đó lại đem lại bao nhiêu kinh nghiệm quý báu về kỹ thuật và chiến thuật của bóng đá hiện đại. Sức mạnh, forti, của Juventus lớn thêm khiến họ không có đối thủ cùng tầm vóc ở Torino nữa. Tháng 11 năm đó, dịp sinh nhật lần thứ 6, Juventus được mời tham gia giải đấu cup ở Vercelli. Dù tung ra sân đội hình toàn những cầu thủ mới tuyển mộ, nhưng Juventus vẫn dễ dàng đoạt cúp tam hùng Torneo di Trino Vercellese sau khi ghi đến 15 bàn thắng và không thủng lưới lần nào. Một tháng sau cúp tam hùng, Juventus trở về với cúp thành phố Torino (Coppa Città di Torino) cùng với Audace, Andrea Doria và Milan. Kết quả đá loại trực tiếp Juventus tiếp tục thắng Audace 2-0 và Milan 1-0 trong trận chung kết để đoạt cúp này.

Đấy là ba giải đấu ấn tượng đầu tiên của những người đen-trắng bianconeri từ tháng 3 đến tháng 12. Tất cả đều nhận ra một sự khác biệt rõ ràng như khi ta nhìn sự tương phản màu sắc khi những tia nắng bắt đầu đổ tràn lên dãy Alpi vào tháng ba. Nó có màu trắng của băng tuyết, màu đen xanh thẫm của núi và sự đổi thay của Juventus. Khi họ mặc áo hồng-đen, rosaneri, đội còn non trẻ và thường thua tan tác. Nhưng khi khoác lên mình chiếc áo trắng-đen bianconeri, trở về với nguyên gốc của vạn ngàn màu sắc, Juventus có trưởng thành, sức mạnh và những trận thắng mà thường không bị thủng lưới. Điều này có vẻ như một sự lạ lẫm trong những ngày sơ khai của bóng đá hiện đại, lúc mà những trận đấu lần nào cũng ngập tràn bàn thắng. Nhưng ở Italia và Juventus, điều đó dường như không đúng. Nơi đây họ cố gắng ngăn chặn số bàn thua thấp nhất có thể, họ tạo ra một sự khác biệt ngay trong những năm tháng đầu tiên chơi bóng chứ không phải đợi đến khi chiến thuật catenaccio ra đời.

Juventus, một đội bóng được sinh ra trong lòng Torino bởi những người Italia đã dần hình thành nên bản sắc của chính mình và chính bóng đá Italia. Dĩ nhiên họ phải là những người đầu tiên nhận lấy một việc như là được số phận sắp đặt để giương lên cao lá cờ của bán đảo Italia, đạp đổ cái bóng của người Anh ở Milano và Genova. Vì giữa họ và những người Anh còn có lời hẹn thách đấu nữa.
------------
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr February 21, 2011, 12:05 AM
Sang mùa xuân năm 1904, khí thế của Juventus đã lên rất cao và có sức hút lan tỏa ra khắp khu vực dãy Alpi. Đội bóng của thành phố Torino thu hút thêm rất nhiều cầu thủ từ nước ngoài là công nhân, nhân viên, nhưng người đang sống và làm việc ở các nhà máy dệt, nhà máy xe ô-tô ở ngoại ô Torino. Đặc biệt là những người đến từ Thụy Sỹ. Những thành viên mới mang thêm nhiều sức mạnh và cả tiền bạc nữa cho hoạt động của đội. Nhưng tất nhiên, những người lập ra đội bóng hầu hết vẫn theo chân và là dẫn dắt tinh thần cả đội. Danh tiếng của Juventus bay xa cùng với việc chuyển sân nhà từ Piazza d'Armi sang Velodrome Umberto I.

Sau khi trở thành đội đầu tiên tiếp một đội nước ngoài, Juventus lại mở đường cho các đội bóng Italia đi theo chiều ngược lại. Họ được mời đến Losanna (Thụy Sỹ) đại diện cho bóng đá Italia tham gia một giải đấu giao hữu. Cuối năm này, tiếng tăm của đội áo đen-trắng tiến về nước Pháp. Ở sân nhà mới Velodrome Umberto I, khi tổ chức giải đấu giữa các trường đại học với Coppa Universitaria, các cầu thủ Juventus đã nã vào khung thành Olympique Lyonnais của Pháp 9 bàn thắng. Olympique Lyonnais là ai, hẳn nhiều người bây giờ đang yêu mến, đội bóng ấy ra đời sau Juventus 2 năm ở thành phố dệt Lione.

Nhưng năm 1904 tiếp tục chỉ là bản lề cho một cú đạp làm đổ sập bóng dáng của người Anh, những người mà với họ Milian và Genoa đang nghạo nghễ lắm. Vẫn mùa xuân của một năm sau khi thua Genoa 0-3 trong trận trung kết giải vô địch quốc gia, Genoa lại ngồi thảnh thơi đợi Juventus lần lượt vượt qua Torinese (1-0), Milan (1-1, đá lại 3-0) để giành quyền thách đấu theo luật đấu cờ vua. Và lần này, Juventus vẫn chỉ vượt được qua Milan của huấn luyện viên Herbert Kilpin ở bán kết còn Genoa của James Spensley lên ngôi lần thứ 6 trong 7 lần. Tỉ số của trận chung kết không còn chênh lệch là 3-0 nữa, mà chỉ là 1-0. Hai tỉ số cũng giống như một bức tranh vẽ cảnh thủ môn gần 40 tuổi Spensley và đội bóng người Anh của anh khó khăn nhường nào để giữ được chức vô địch trước những chàng trai đầy khát vọng Italia của Juventus. Hay chí ít, đấy không phải là khát vọng của người Anh. Người ghi bàn thắng chọc thủng khung thành thủ môn Luigi Durante, để nứu giữ ngôi vị cho Genoa là một anh chàng hậu vệ Thụy Sĩ có tên là Etienne Bugnion mãi ở giữa hiệp 2. Còn sau này những người góp phần chọc thủng khung thành James Spensley trong cuộc thách đấu lần thứ 3 lại ghi đậm dấu ấn của sinh viên trường trung học Liceo d'Azeglio.

Alfredo Dick là một thương gia Thụy Sĩ có một nhà máy ở khu công nghiệp sợi dệt Torino. Có thể do mỗi quan hệ với những cầu thủ đang là công nhân ở các nhà máy dệt ở đó, Alfredo Dick đã tiếp cận và trở thành nhà bảo trợ đúng nghĩa đầu tiên của Juventus, thay thế cho luật sư Giacomo Parvopassu. Tiền bạc đã nhiều hơn, hợp đồng thuê sân Velodromo di Corso Re Umberto được kí dài hạn, trụ sở được chuyển về nơi khang trang hơn ở số 1 đường Via Donati, lực lượng cũng mạnh hơn. Một vài cầu thủ tài và đã có kinh nghiệm chơi bóng nhiều năm, là người Scozia, Anh, Thụy Sĩ và cả... con trai Alfredo Dick cùng những người làm trong nhà máy dệt của Dick, được tuyển về đội. Đó là Frédéric Dick (con trai Alfredo), Paul Arnold Walty, Ludwig Weber, Jack Diment, Helscot, James Squire và Goodley. Sự thật là nhờ có Alfredo Dick, đội bóng đã được đầu tư đáng kể. Cũng vì thế, dưới sự can thiệp của Alfredo, ít nhất 3 vị trí trong đội hình chính thức đã được thay thế bằng những người của ông mang về (Paul Walty, Diment, Squire). Umberto Malvano đã đào tẩu sang Milan. Dẫu sao họ đã kết hợp với những người giờ đã là cựu sinh viên trường Liceo d'Azeglio để trở thành một đối thủ gây ra cảm giác sợ hãi hơn cho Genoa.

Giải vô địch của FIF mùa xuân năm 1905, Genoa không còn được thảnh thơi ngồi đợi trận chung kết nữa. Luật đấu thay đổi, ba xứ Piemonte, Lombardia và Liguria phải đá vòng loại trước, chọn ra 3 đội đá vòng tròn 2 lượt để tính điểm. Kết quả, ở xứ Lombardia, AC Milan của huấn luyện viên Herbert Kilpin thua bất ngờ đàn em mới nổi Unione Sportiva Milanese tổng tỉ số 9-10 sau 2 trận đi-về. Xứ Liguria, Genoa nhọc nhằn vượt qua đội người Italia cùng thành phố Andrea Doria 1-0 ở lượt về sau khi bị cầm hòa 0-0 ở lượt đi. Còn ở xứ Piemonte, Juventus nhẹ nhàng hơn nhiều, trước giải đấu vài ngày, đối thủ Torinese tuyên bố bỏ cuộc và Juventus được xử thắng cả 2 trận đi-về cùng với tỉ số 3-0.
Vậy là ba đội Juventus, Genoa và Milanese bước vào đấu vòng tròn hai lượt đi-về để giành cúp. Juventus và Genoa đã bất phân thắng bại (lần đầu tiên Juventus làm được trước Genoa) trong cả 2 lượt đi về với tỉ số 1-1 với màn trình diễn xuất sắc của thủ môn Luigi Durante và tiền đạo Luigi Forlano. Theo như những tài liệu sách báo ngày ấy, đội hình chính của Juventus gồm có Thủ môn thợ sơn Luigi Durante, Gioacchino Armano, Oreste Mazzia (sinh viên cao đẳng Politecnico), Paul Arnold Walty (công nhân Thụy Sĩ), Giovanni Goccione (đội trưởng), Jack Diment (công nhân Scozie), Alberto Barberis (sinh viên luật), Carlo Vittorio Varetti (sinh viên xây dựng), Luigi Forlano (sinh viên toán hình); James Squair (công nhân Anh), Domenico Donna (sinh viên luật, người được coi là kiêm hlv từ 1900).

Hầu hết những chàng sinh viên trên là cựu sinh viên trường Liceo d'Azeglio. Trong lúc cây làm bàn Umberto Malvano đã ra đi, anh sinh viên toán hình Luigi Forlano nã vào lưới Genoa mỗi trận một bàn, còn lại thành quả do thợ sơn tài năng Luigi Durante bảo vệ. Giải đấu tưởng như là một cuộc ganh đua quyết liệt giữa một bên là những người Italia của Juventus và một bên là những người Anh của Genoa. Nhưng dường như Genoa lại lo Juventus mà quên mất những anh chàng Milanese, đội đã giành mất quyền chơi của AC Milan. Trong khi Juventus hạ Milanese cả 2 trận (3-0 sân nhà, 4-1 sân khách) thì ở trận cuối cùng Genoa bị Milanese cầm hòa 2-2 ngay trên sân nhà ở Genova và đưa Juventus lên ngôi vô địch. Hôm đó là chiều chủ nhật ngày 9 tháng 4 năm 1905 như tường thuật của tờ La Stampa Sportiva, chưa ai trao một cái cúp và cũng chưa ai nhận cái khiên ba màu scudetto, thực ra ngày đó, người ta trao một chiếc đĩa bạc. Chức vô địch lần đầu tiên sau 8 năm ra đời của đội bóng những sinh viên trường Liceo d'Azeglio. Chiến tích lần đầu tiên sau ba lần hẹn thách đấu có sự đóng góp không nhỏ của ông bầu Alfredo Dick, những người công nhân, và cả US Milanese nữa!

Theo sau đàn anh, đội dự bị của Juventus cũng thắng nốt tại giải đấu lần đầu tiên được tổ chức của họ. Đội dự bị Juventus toàn thắng cả 4 trận trước dự bị Milan và Genoa mà không thủng lưới bàn nào. Quả là một năm toại nguyện. Rồi men say chiến thắng sinh ra những giấc mơ và cũng lại sinh ra những cơn mộng mị của nó. Trong mối quan hệ với những cầu thủ, người mới đến Alfredo Dick mang đến tiền bạc nhưng cũng mang đến những áp đặt quá đáng. Mâu thuẫn trong lòng Juventus bắt đầu nảy sinh từ lúc ấy.

---------
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr February 22, 2011, 11:02 PM
Biến cố và cuộc chia li hằn thù

Bóng đá thành phố Torino chỉ còn lại Juventus phủ cái bóng của mình lên Torinese, Ginnastica và Audace. Ba đội xưa lần lượt tan rã và mờ nhạt có thể do không còn được bảo trợ của các nhà quý tộc khiến giải vô địch năm 1906 chỉ còn duy nhất một đội Torino. Luật thi đấu vẫn như năm 1905, và lần này Milan đã loại được Milanese ở xứ Lombardia để tụ hội với Genoa và Juventus. Thất bại của anh bạn (mới quen) Milanese ở vòng loại hay sự vắng mặt của Luigi Forlano (thay thế bằng một cầu thủ Thụy Sỹ tên Walter J. Streule) như là một điềm báo một năm đầy biến cố của Juventus. Trận đấu mở màn Juventus lại hòa Genoa 1-1 ở Genova, nhưng ở lượt về tại Torino, trận đấu đã phải hủy bỏ giữa chừng khi Juventus đang dẫn 1-0 vì cổ động viên của Genoa tràn vào sân. Ban tổ chức quyết định rời trận lượt về sang sân trung lập ở Milano và Juventus thắng 2-0.

Cuối cùng thì Milan mới là đội khát khao trả nợ Juventus hơn là Genoa. Trong hai trận gặp Milan, Juventus chỉ thắng được một (2-1) và thua một (0-1). Tổng kết quả sau hai lượt đi-về Juve và Milan cùng được 5 điểm (thắng 2, hòa 1, thua 1). Ngày ấy chưa có một luật phức tạp là tính chỉ số phụ, btc quyết định sắp xếp thêm một trận chung kết trên sân Velodromo Umberto I. Oái oăm thay, đến cả trận chung kết này, hai đội lại hòa nhau 0-0. Ban tổ chức lại phải sắp xếp một trận đấu nữa, trên sân trung lập. Nhưng vấn đề là sân nào?

Khi FIF quyết định rằng, đó là Campo di Via Comasia, sân nhà của Milanese ở thành phố Milano, thì Juventus đã phản đối quyết liệt bằng một tuyên bố gửi đến FIF với nội dung:
- Ban lãnh đạo Juventus rất phản đối việc lựa chọn sân của Milanese là sân trung lập. Bởi vì một sân được coi là trung lập không chỉ là thuộc đội bóng khác mà nó phải có các điểm trung lập khác nữa, như là cùng thuận lợi hay không thuận lợi với cả hai đội một cách thỏa đáng. Sân của Milanese đặc biệt không đạt được điều này bởi vì:
- Thứ nhất, Juventus phải chịu mệt mỏi vì di chuyển (không tiện lợi như ngày nay - www.badamgia.com) từ Torino đến Milan. Thứ hai, đội AC Milan quá hiểu rõ sân bóng của Milanese. Thứ ba, AC Milan được lợi bởi sự cổ vũ rất đông đảo của những người Milano.
- Vì những lý do đó, chủ tịch Juventus cho biết nếu liên đoàn không rút lại quyết định, Juventus sẽ rời khỏi giải đấu.


Nhưng FIF không thay đổi quyết định, Juventus không chơi lại trận chung kết, và Milan được xử thắng 2-0. AC Milan, đội bóng đã thua Juventus quá nhiều kể từ ngày hai đội gặp nhau, nhận được chiếc đĩa bạc chiến thắng, và người ta có thể cho rằng mối tình hận giữa Juventus và Milan bắt đầu từ ngày đó. Nhưng cũng có thể sớm hơn, từ những trận thua liên tiếp của Milan trước đây, và cũng có thể từ năm 1902, tại giải Coppa Città di Torino cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 1902. Lần đó đội khách mời Milan vào tới chung kết gặp Juventus ngày 2 tháng 11 trên sân Velodromo Umberto I. Sau thời gian 90’ chính thức, hai đội hòa 2-2. Đá thêm hiệp phụ, lại hòa 3-3. Trọng tài quyết định gọi hai đội chơi tiếp theo một luật tựa như bàn thắng vàng. Nhưng các cầu thủ Milan đã phản đối không hiểu vì lí do nào đó, rời khỏi sân bóng và chiến thắng được dành cho Juventus. Kịch bản trớ trêu dường như lặp lại, nhưng dĩ nhiên là quyết định không thi đấu và mất đĩa bạc ở giải vô địch của FIF còn tiếc nuối hơn nhiều so với Coppa città di Torino.

Ngay từ giải đấu đầu xuân, Juventus đã gặp khá nhiều vấn đề như thế. Rạn nứt trong lòng đội bóng bắt đầu lớn dần lên khi những thành viên là sinh viên lập ra đội bóng đặt dấu hỏi về vai trò của Alfredo Dick, nhất là sau lần phá ngang giải vô địch của FIF. Alfredo Dick bị kết tội là độc đoán chuyên quyền. Sau giải đấu ấy, đối với đội bóng, việc Alfredo cho mình quyền được sắp xếp đội hình thi đấu (vốn thuộc về Domenico Donna), đưa vào đội chính nhiều người làm của ông ta, thậm chí cả con trai Frédéric Dick, là điều khó chấp nhận. Alfredo Dick bị đẩy vào nhóm thiếu số, điều này đã làm Alfredo cảm thấy tức giận. Mùa thu năm ấy, tháng 11, đội Juventus vô địch năm 1905 chơi những trận đấu cuối cùng với nhau tại Coppa Luigi Bozino với Torinese và AC Milan. Có thể chính trong giải đấu này (Juventus thắng Torinese 8-0 và AC 1-0), quan hệ giữa những sinh viên cũ và Alfredo Dick từ dạn nứt chuyển sang đổ vỡ tan tàn.

Sau nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa, cha con Dick đã rời bỏ Juventus. Sau này, nhiều người nói rằng, nguyên nhân chính của đổ vỡ trên là việc một nhóm người muốn chuyển Juventus ra khỏi thành phố Torino. Đối với những người ủng hộ Dick, nhóm đó là những sinh viên. Với những người còn lại, chính Dick mới là người muốn mang đội bóng ra khỏi Torino và thậm chí đổi cả tên khác. Hoặc giả đó chỉ là câu chuyện bịa đặt sau này để họ bôi nhọ lẫn nhau và lừa phỉnh cổ động viên ở Torino. Chỉ có một điều là sự thật, để trả thù, Alfredo Dick đã thành lập nên Foot-ball Club Torino ngay sau đó, ngày 3 tháng 12 năm 1906.

Alfredo Dick rời đi kéo theo tất cả những gì ông mang đến. Tiền bạc, các cầu thủ công nhân, trụ sở câu lạc bộ và không lâu sau, cả hợp đồng thuê sân Velodromo Umberto I dài hạn cũng chấm dứt. Với tất cả những thứ đó (trừ Jack Diment và James Squair vẫn ở lại Torino), chiêu nạp thêm một số cầu thủ của Torinese vừa tan rã cùng vài người khác, thế là Foot-ball Club Torino ra đời. Lật lại câu chuyện của dăm cổ động viên AC Torino hôm nay, họ tự hào rằng Torino ra đời cả chục năm trước Juventus (vì có đóng góp của Torinese). Thật là một điều tự hào có thuyết phục nhỏ nhoi. Nhưng thôi, hãy kệ Alfredo Dick và những người AC Torino, hãy coi đó như một cuộc chia li. Sau này, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, những con người ấy lại hợp sức với nhau là năm 1909, dưới cái tên Torino XI và thi đấu ở giải Trofeo sir Thomas Lipton cùng các đội bóng Đức, Anh, Thụy Sỹ. Giải đấu đó Torino XI không vào đến chung kết, dĩ nhiên rồi, những người đã chia tay nhau, khi cùng diễn lại một vở kịch, có bao giờ là kịch hay... Chỉ có những cuộc đối đầu giữa họ, giờ gọi là Derby della Mole (theo tên ngọn tháp gạch Mole trong thành phố) của tình thù là ấn tượng.

 
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr February 24, 2011, 10:12 PM
Sân bóng cũ, nhà hàng Della Pace và anh kỹ sư Carlo

Đội bóng Juventus trở về với sân Piazaa d’Armi vào năm 1907. Cái điều phá ngang của những người ra đi thực tế đã giáng một đòn rất mạnh vào đội bóng. Tất cả những gì xây dựng trong 2 năm 1905, 1906 không còn nữa, có thể hiểu là đội bóng đã đứng im hoặc thụt lùi so với cả năm 1904. Từ đống đổ vỡ ấy, Carlo Vittorio Varetti, sinh viên xây dựng, người đã theo đội bóng từ lúc còn học ở Liceo d'Azeglio, có lẽ lúc đó đã trở thành kỹ sư, được bầu làm chủ tịch mới để gây dựng một hình ảnh Juventus mạnh mẽ trở lại. Nhưng không phải dễ dàng cho Carlo Varetti.

Phải mất đúng một năm, đội bóng mới có lại được hình ảnh chiến thắng (dù khó khăn) của mình. Carlo Vittorio Varetti làm không ngần ngại làm bất cứ điều gì kể cả điên rồ để tìm kiếm nguồn tài chính giúp duy trì hoạt động của đội, như là việc bán vé vào sân, một điều chưa từng có tiền lệ. Cũng có thể cho rằng, giai đoạn khó khăn của Juventus mới chỉ bắt đầu, gắn liền với giai đoạn khủng hoảng của bóng đá Italia mà chúng ta sẽ nói đến sau đây. Ở giải vô địch của FIF năm 1907 (AC Milan vô địch) chứng kiến hai trận tình thù derby della Mole đầu tiên ở vòng loại xứ Piemonte. Torino thắng cả hai trận với tỉ số 2-1 và 4-1 và á quân Juventus dừng bước ở ngay vòng đấu loại xứ Piemonte.

Những những sự kiện nóng bỏng chưa dừng lại, cuối năm 1907, liên đoàn bóng đá FIF có một cuộc họp. Trước thực tế 9/10 chức vô địch đầu tiên thuộc về Milan (3) và Genoa (6), người ta cho rằng sự xuất hiện ngày càng nhiều của các cầu thủ người nước ngoài trong giải vô địch Italia là không có lợi và đưa ra quyết định, giải vô địch năm 1908 sẽ chỉ có toàn cầu thủ Italia. Bức xúc vì ý tưởng đó, một loạt đại diện từ Torino, Genova, Milano và Napoli, Libertas phản đối bằng cách bỏ ra về. Để giảng hòa và xoa dịu các bên, FIF lại đề xuất nhân đôi giải vô địch này, một giải mở rộng cho cầu thủ nước ngoài tham gia (gọi là Campionato Federale FIF, không có tiền thưởng), và một giải chỉ các đội bóng có toàn cầu thủ Italia (gọi là Campionato Italiano, hay Coppa Romolo Buni). Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất của đối đầu giữa người Italia và người nước ngoài này không có nhiều tích cực. Các đội bóng lớn do người nước ngoài lãnh đạo vẫn từ bỏ giải vô địch quốc gia (AC Milan, Genoa, Torino), không tham gia các giải đấu chính thức và hạn chế cả việc tham gia các giải giao hữu có tiền thưởng. Cả hai giải Campionato Federale FIF (chỉ có Juventus và Andrea Doria) và Campionato Italiano (chỉ có Juventus, Pro Vercelli, Andrea Doria và US Milanese) trở nên hoang vắng. Không những thế, giải Campionato Federale FIF còn bị hiểu lầm và coi rẻ từ báo chí và FIF.

Quyết định của FIF lần này có thể gọi đã gây ra cuộc chiến trên giấy đầu tiên giữa liên đoàn bóng đá với những cầu thủ nước ngoài ở Italia, điều mà mãi cho đến hôm nay, nó vẫn tồn tại, cả ở Italia và tất cả mọi nơi khác trên thế giới. Nó cũng có thể coi là nguyên nhân gián tiếp khiến AC Milan bị chia rẽ làm 2 (tháng 3 năm 1908), và biến Pro Vercelli ở thành phố Vercelli xứ Piemtonte trở thành một đội vô địch tuyệt đối ở Italia.

Cuối tháng 1 năm 1908, giải Campionato Federale FIF chỉ có Juventus và Andrea Doria bắt đầu. Lượt đi ở Genova, Juventus thắng 3-0. Không suôn sẻ thế, lượt về tháng 2, Andrea thắng lại 1-0 ngay tại Torino. Hai đội phải bước vào trận play-off, khi Juventus đang dẫn 2-1 thì một cầu thủ Andrea gỡ hòa 2-2 nhưng trận đấu bị hủy bỏ vì trọng tài đã mắc sai lầm (!?). Trong khi chờ đợi tiếp một trận đấu lại, hoặc một quyết định, thì Juventus bị đội mới nổi Pro Vercelli loại ngay từ vòng loại xứ Piemonte của giải Campionato Italiano. Trong nỗi thất vọng vì bị Pro Vercelli đánh bại, các cầu thủ Juventus đã tham gia vào một cuộc biểu tình trước văn phòng liên đoàn. Đứng trước tình huống ấy, FIF cũng đánh chìm luôn giải Campionato Federale FIF.

Theo những thông tin ít ỏi còn lại hôm nay, trận đấu lại với Andrea Doria vẫn được tiến hành hai tháng sau đó (ngày 15 tháng 5) trên sân Sebastopoli, sân nhà suốt những năm sau này, và Juventus thắng 5-1 bằng các bàn thắng của Ernesto Borel (cũng là cha của những cầu thủ nổi tiếng Juventus sau này). Thật ra những thông tin này cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi, cũng có thể không còn ai quan tâm nữa, nhất là Liên đoàn bóng đá Italia. Năm 2003, có trong tay các tài liệu và chứng cứ, tờ Tuttosport đã đề nghị FIGC công nhận giải đấu này (đồng nghĩa với công nhận chức vô địch cho Juventus). Nhưng lời đề nghị của Tuttosport không bao giờ được đoái hoài.

Dầu sao việc đó đến giờ cũng không còn quan trọng nữa. Dẹp qua những chuyện bung xung, tháng 11 năm ấy Juventus thắng 2 trận tại giải đấu quanh năm mang tên người cha huyền thoại của bóng đá thế giới Henry Dapples, Palle d'Argento Henry Dapples. Juventus đánh bại Pro Vercelli cả hai lần đấy, thế là quá đủ vui để tổ chức một bữa tiệc mừng giản dị mà vui vẻ 10 tuổi cùng những cổ động viên tại nhà hàng Ristorante della Pace. Liên đoàn bóng đá Italia rồi cũng phải nhượng bộ những đội bóng nước ngoài ngay năm sau đó khi nới lỏng luật ngăn chặn cầu thủ nước ngoài, những người vốn là xương sống của đội tuyển Italia. Genoa, Milan, Inter, Torino quay trở lại giải vô địch quốc gia Campionato Italiano năm 1909. Nhưng thời của họ đã qua mất rồi, Pro Vercelli vô địch lần nữa khi đánh bại cả Torino lẫn Genoa. Màu sắc Italia ngự trị, Juventus mới chuyển về sân bóng mới Corso Sebastopoli cũng giành được trận thắng đầu tiên ở derby della Mole với ngôi sao Ernesto Borel dù vẫn bị Torino loại sau trận play-off. Còn tại giải Campionato Federale FIF (lần này có Juventus, Vercelli, Piemonte lính mới và Milanese), Juventus chiến thắng một lần nữa, và sau này vẫn không được FIGC công nhận chính thức. Thế hệ của những người như Luigi Durante, Domenico Donna, Luigi Forlano, Umberto Malvano, Carlo Vittorio Varetti qua đi...
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr February 25, 2011, 10:52 PM
Trong đêm tối trước chiến tranh

FIF (Federazione Italiana del Foot-ball) đổi tên thành FIGC (Federazione Italiana Gioco Calcio) cuối năm 1909 sau một cuộc bầu chọn qua... thư vì cuộc họp hồi tháng 8 có quá ít đội bóng tham gia. Rồi bắt đầu những ngày mới gọi là một cuộc cách mạng của FIGC. Trong khi nới lỏng vòng cương tỏa đối với những cầu thủ nước ngoài, mà chủ yếu là từ Anh và Thụy Sĩ, FIGC tiếp tục học tập theo người Anh để tổ chức một giải vô địch theo kiểu chạy đua marathon gối từ mùa thu năm 1909 sang hè 1910 như Serie A ngày nay. Tất cả các đội sẽ thi đấu vòng tròn hai lượt tính điểm.

Với Juventus, những cầu thủ một thời quần thảo cùng nhau, đã cùng xây dựng nên đội bóng chiến thắng Juventus giờ cũng đã lần lượt không chơi bóng nữa còn giải Campionato Federale FIF không còn lí do gì để tồn tại mãi. Tám đội bóng cùng với Juventus chơi vòng tròn 2 lượt, và chủ tịch Carlo Vittorio Varetti đưa họ lên vị trí thứ 3 dưới Pro Vercelli và Inter Milan (đội vô địch) sau 16 trận đấu. Ngôi sao gần như duy nhất là Ernesto Borel. Rồi kỹ sư Carlo Vittorio Varetti, sau 4 năm chèo lái, như là một người truyền trưởng, người cuối cùng rời con tàu Juventus để lại những năm tháng tiếp theo chìm đắm trong nuỗi buồn, những năm tháng có cả mất mát, có cả thất bại và có cả những cái chết vì chiến tranh. Carlo Varetti, Giovanni Goccione và Ernesto Borel đã rời đi một nơi nào đó, để lại Juventus cho Attilio Ubertalli, một người bạn của các cầu thủ. Đến năm 1913, Attilio Ubertalli lại nhường vị trí chủ tịch cho Giuseppe Hess, lúc đó đã là cựu cầu thủ một thời gắn bó rất lâu với đội.

Attilio Ubertalli và Giuseppe Hess hẳn là đã có những trải nghiệm không thể nào nguôi ngoai trong đời mình. Mùa giải 1910/11, lần đầu tiên người ta mở rộng giải vô địch với các đội bóng đông bắc xứ Veneto (có Verona, Venezia, Vicenza) và xuôi xuống phía nam xứ Emilia (có Bologna). Những đội bóng này trước đây đã thi đấu ở những giải của liên đoàn FGNI như chúng tôi đã từng nhắc đến. Với giải vô địch lần này, có rất ít cầu thủ đăng ký, lực lượng quá mỏng khiến sau 16 trận Juventus chỉ thắng được 3, hòa 4 và đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng 9 đội, dưới cả ba đội khác của xứ Piemonte là Pro Vercelli, Piemonte, Torino. Quả là đáng buồn, nhưng chưa có luật xuống hạng nên Juventus vẫn có mặt ở giải vô địch năm 1911/12. Vẫn với những cầu thủ ít ỏi trong tay như thế bước vào mùa giải mới, sau 18 vòng của mùa 1911/12, đội vô địch lại gọi tên Pro Vercelli còn Juventus còn được ít điểm hơn, chỉ thắng được 3, hòa 3 và đứng thứ 8/10 đội. Juventus của Attilio Ubertalli đứng trên bờ vực của sự tan rã, phai nhạt màu áo và bị lãng quên.

Giải bóng đá của FIGC tổ chức cũng bị xáo lên trộn xuống, sau 3 mùa giải áp dụng theo kiểu marathon nước Anh, hệ thống thi đấu của FIGC sụp đổ vì có quá nhiều đội đăng ký, mở rộng xuống cả miền trung xứ Toscana, Lazio và miền nam xứ Campania. Các bảng đấu của từng xứ được lập lại. Luật xuống hạng được áp dụng. Và tại xứ Piemonte, 6 đội tham gia đấu loại gồm có Pro Vercelli, Casale, Torino, Piemonte, Novara và Juventus (Novara đã thắng  sơ loại trước Vigor Torino để được quyền vào vòng này). Sau 10 trận đá vòng tròn 2 lượt Juventus chịu những thất bại lao đao khi giáp mặt Torino của huấn luyện viên huyền thoại Vittorio Pozzo (0-8 và 8-6), nhà vô địch Pro Vercelli (0-4 và 0-3), đội mởi nổi Piemonte (1-2 và 1-3). Cuối cùng Juve chỉ hòa 1 và thắng 1 trước đội lần đầu tiên chơi giải vô địch và phải đá sơ loại Novara (hòa 3-3, thắng 3-0). Nhưng dù thắng Novara được một trận, Juventus (3 điểm) vẫn xếp bét bảng và dưới cả Novara (4 điểm). Sự thật là Juventus phải đối mặt với lần đầu tiên xuống hạng ngay từ năm đầu tiên áp dụng luật! Mùa giải năm sau 1913/14 vẫn chưa có một giải B hay là Serie B của FIGC. Điều đó có nghĩa là, nếu đội bóng nào đứng bét bảng vào năm trước như Juventus, hầu như chắc chắn đội bóng ấy sẽ không được tham gia bất cứ một trận đấu nào trong giải năm sau.  

‘Bino’ Giuseppe Hess đã có mặt trong đội hình Juventus vô địch vào cái năm không thể nào quên 1905, nhưng là vô địch với đội... dự bị. Đến nay Giuseppe Hess đã có gần mười năm chơi với đội một, đã trở thành luật sư và đã đến lúc thay Attilio Ubertalli để trở thành chủ tịch trong hoàn cảnh ấy. Rõ ràng là Bino phải làm một điều gì đó để Juventus, đã bị coi là hạng hai ở Piemonte so với Pro Vercelli và Casale, không thể chết chìm. Mọi quyết định của FIGC sau này đều có tác động không nhỏ của Giuseppe Hess, cùng với cựu ngôi sao Juventus khác là kỹ sư Umberto Malvano (đã trở thành người quản lí) vốn có quan hệ rất thân với những người Milan và cả chủ tịch FIGC ở xứ Lombardia, luật sư nổi tiếng và quyền lực Giovanni Mauro, (bạn hãy nhớ Umberto Malvano đã rời Juventus năm 1904 để sang AC Milan). Nhưng cũng phải nói rằng, khi Serie B chưa ra đời, FIGC đã lâm vào áp lực ghê gớm bởi sự xuất hiện của ngày càng nhiều các đội bóng ở Italia, tất cả đều muốn tham dự giải vô địch.

Mùa hè năm 1913, một cuộc biểu tình lớn diễn ra tại trụ sở liên đoàn, tham gia hầu hết là các đội bóng nhỏ, những đội mới thành lập và cả những đội bị xuống hạng năm trước. Lực lượng cảnh sát địa phương (Regi Carabinieri) đã phải ra tay để giải tán đám đông. FIGC đã đưa ra quyết định điên rồ khiến cho giải vô địch 1913/14 bùng nổ về số lượng. Các đội đã bị xuống hạng (Modena, Racing Libertas, Alba Roma, Pisa, Juventus) vẫn được tham gia, một loạt các đội mới cũng được góp phần. Xứ Liguria (chỉ có Genoa và Andrea Doria) vốn đấu chung với Lombardia trong cùng một bảng vòng loại khu vực, nay chuyển sang đấu chung với Piemonte. Juventus ở xứ Piemonte được đi sang xứ khác, cụ thể là Lombardia. Brescia của xứ Lombardia phải sang xứ Veneto để nhường chỗ cho Juventus. Tổng cộng 45 đội đã tham gia giải vô địch 1913/14. Đó quả là những quyết định rối ren và mang đậm dấu ấn cá nhân, dẫu sao nó đã diễn ra.
Juventus đã được giải thoát, một loạt cầu thủ mới ra mắt và một thời kì mới lại bắt đầu. Tại vòng loại xứ Lombardia, Juventus trở lại một cách điên cuồng với hàng loạt trận thắng từ tỉ sổ 9-0 đến 5-0. Sau 18 trận đấu, các cầu thủ Juventus đã nã vào khung thành các đội 67 lần, 7 trận thắng cách biệt 5 bàn trở lên. Inter Milan đứng đầu bảng còn Juventus thứ nhì, Juventus quá mạnh trên sân nhà khi thắng Inter Milan 7-2, còn Inter Milan cũng quá mạnh trên sân nhà khi thắng lại Juventus 6-1, trận đấu được gọi là derby d’Italia sau này cũng có những ngày mở đầu kỳ lạ của nó như thế. Juventus và Inter Milan bỏ lại AC Milan đằng sau để dắt tay nhau vào vòng chung kết các xứ, ở đó cả hai kết thúc mùa giải với vị trí thứ 3 và 4. Lên ngôi vô địch là một đội Piemonte, Casale. Nhưng như thế cũng là quá đủ cho sự hồi sinh của Juventus rồi.

Tuy nhiên đá hồi sinh của bianconeri nhánh chóng bị vùi lấp bởi cảm giác run rẩy. Mùa giải 1914/15 chuẩn bị diễn ra trong sự hỗn loạn và sợ hãi khủng khiếp. Chiến tranh có thể đến bất cứ lúc nào, ở đâu, và với ai. Giải vô địch cũng có vô vàn các sự kiện loạn lạc của nó, các bảng đấu được sắp xếp chồng chéo, các xứ bị chia ra và di chuyển lung tung bởi quá nhiều đội bóng tham dự. Juventus trở về với bảng đấu chính của xứ Piemonte rồi dừng lại ở vòng bảng bán kết giữa các xứ tiếp theo. Những tháng ngày của luật sư Giuseppe Hess chấm dứt trong chia li và loạn lạc binh đao. Khi giải vô địch đang diễn ra và còn hai trận Genoa – Torino, Inter Milan – AC Milan vào ngày chủ nhật 23 tháng 5 năm 1915 thì đã phải dừng lại vì chuyện xảy ra trước đó chỉ ba ngày: Thứ 5, ngày 20 tháng 5, nghị viện Italia đã thông qua bỏ phiếu đưa quân đội tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Thứ bày, 22 tháng 5, tổng động viên quân đội. Chủ nhật, ngày 23 tháng 5, thay vì tổ chức vòng đấu cuối cùng quyết định chức vô địch, Italia tuyên chiến với liên minh Áo - Hung.

Những người Juventus lao vào cuộc chiến tranh như tất cả những người Italia khác. Trong đội hình 1915 ấy, 6 vào lính chiến còn 18 trở thành cứu thương hoặc một việc gì đó liên quan đến chiến tranh. Đến năm 1916, có khoảng 160 người từng là cầu thủ cũng như quản lí liên quan đến Juventus có mặt trong tấn bi kịch của lịch sử hiện đại này. Nhiều người đã không trở về. Nhiều người không còn trên đời để biết 5 năm sau, chức vô địch năm ấy được trao cho Genoa.
Không thể để li tán cắt đứt mọi sợi dây liên kết giữa những người anh em với nhau, Juventus thành lập nên một ban liên lạc chiến tranh, đứng đầu là Gioacchino Armano, Fernando Nizza, Sandro Zimbelli. Ba người sau này được coi là chủ tịch Juventus thời chiến tranh đã tìm nhiều cách để giữ thông tin của những thành viên của đội. Với sáng kiến của nhà thơ, nhà văn Corrado Corradini, tạp chí Hurrà Juventus ra đời và xuất bản số đầu tiên ngày 10 tháng 6 năm 1915. Hurrà Juventus như một tạp chí của những người yêu Juventus, kể chuyện cho nhau nghe, giữ liên lạc với nhau để đi qua cuộc chiến tranh này. Đến hôm nay, Hurrà Juventus vẫn tồn tại, cùng với kênh tv Juventus Channel và website www.Juventus.com trở thành ba ấn phẩm báo chí quan trọng nhất giữ liên lạc giữa Juventus và những người hâm mộ. Ngay từ tháng cuối năm 1915, Hurrà Juventus đã in loạt bài chép tay của Enrico Canfari rồi Giuseppe Hess về những năm tháng đầu tiên của Juventus. Và Cựu chủ tịch Enrico Canfari cũng là một trong những người đầu tiên ngã xuống trong cuộc chiến giữa Italia và liên minh Áo-Hung năm 1915 ấy.

Thực ra bóng đá không chết hẳn, trong mùa giải 1915/16, FIGC vãn tổ chức một giải vô địch ở miền bắc từ xứ Piemonte đến Emilia (không có các đội miền trung và miền nam) là Coppa Federale hay còn gọi Giải vô địch thời chiến. Dù bị mất nhiều cầu thủ tham gia vào cuộc chiến, nhưng hầu hết các đội ở miền bắc vẫn gom được lực lượng và hoàn thành giải đấu này vào cuối tháng 4 năm 1916. AC Milan lên ngôi và Juventus xếp thứ 2 trong bảng đấu chung kết gồm AC Milan, Juventus, Modena, Genoa, Casale. Nhưng về sau này, mặc cho sự phản đối từ phía AC Milan và các nhà báo, FIGC cũng không công nhận đây là một giải vô địch quốc gia, giống như cái cách họ chưa bao giờ công nhận 2 chức vô địch của Juventus ở giải Campionato Federale như chúng tôi đã kể ở trên. Đó là những trận đấu cuối cùng trước khi tất cả đều phải dừng lại vì chiến tranh leo thang.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr February 28, 2011, 12:22 AM
Từ những hạt mưa xuân diệu kỳ

Tháng 10 năm 1918, đề chế Áo-Hung chịu thất bại quyết định ở phòng tuyến Vittorio Veneto, ba trăm nghìn lính đầu hàng. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc với người dân Italia kèm theo 650,000 người mất mạng và gấp đôi con số ấy bị thương. Bảng tổng kết chiến tranh không chỉ đơn giản như thế, nó còn nhiều cảnh hoang tàn khác, như là những thành phố đổ nát bởi một trong những chiến trường ác liệt nhất chính là đất nước Italia. Phải một năm sau bóng đá mới hồi sinh tựa như một trong những cành cây khô cháy đầu tiên đâm chồi trở lại. Những con người lành lặn của Juventus cũng trở về, trụ sở chuyển đến số 43 đường Carlo Alberto, còn anh nhà thơ Corrado Corradini được bầu làm chủ tịch mới.

Trong số những Juventini trở lại, Giovanni Giacone là thủ môn, là cầu thủ Juventus đầu tiên thi đấu cho đội tuyển Italia, mở ra một truyền thống đáng được ngợi ca đối với các thủ môn Juventus. Giovanni Giacone và các đồng đội đã đưa Juventus bước vào giải vô địch năm 1919/20 đông đảo và rối ren chưa từng có của FIGC. Một lí do đơn giản, dẫu có rất nhiều đội không thể tập hợp trở lại được đội hình vì mất mát, giải vô địch lần này vẫn thu hút đến gần 70 đội bóng tham gia. Thời gian chuẩn bị một năm sinh ra một lịch thi đấu đồ sộ với hàng loạt bảng đấu loại, đấu bán kết, chung kết các vùng các xứ. Riêng xứ Piemonte đã có 2 bảng đấu loại, còn Lombardia có hẳn những 3 bảng! Juventus của Giovanni Giacone lần lượt đứng thứ 2 bảng đấu ở Piemonte (sau Pro Vercelli) và đứng đầu bảng vòng bán kết để cùng với Genoa và Inter (ở 2 bảng bán kết khác) là ba đội vào chơi chung kết miền bắc, chọn ra đội duy nhất đá với đội vô địch bảng miền trung-nam tranh chức vô địch. Tuy nhiên, Juventus đã không vượt qua được Inter Milan và dừng lại ở đó. Nhưng thành tích này cũng đủ để Giovanni Giacone chiếm vị trí trong khung thành của đội tuyển Italia. Anh trở thành cầu thủ Juventus đầu tiên làm được điều ấy trong lúc mà những cầu thủ Pro Vercelli hay vô số người nước ngoài hiện diện trong đội quân màu áo thiên thanh.

Không có một sự cải cách nào đáng kể trong hệ thống giải vô địch của FIGC, giải đấu tiếp tục bùng nổ về số lượng với hơn 100 đội tham gia của tất cả các xứ từ miền bắc đến nam. Mùa giải 1920/21 đi đến độ không thể kiểm soát nổi về thể thức thi đấu. Mỗi xứ có một thể thức đá vòng loại khác nhau để tranh suất đến vòng bảng quốc gia, đội bóng nhỏ hay lớn đều có cơ hội như nhau. Trong hoàn cảnh ấy, với chủ tịch mới là luật sư đầy tham vọng, Gino Olivetti, Juventus bị loại ngay từ vòng bảng xứ Piemonte bởi các đội bóng nhỏ hơn là Novara và US Torinese. Juventus chịu thiệt thòi. Điều đó cũng có thể coi là mâu thuẫn điển hình giữa các đội bóng mạnh và FIGC. Liên đoàn đã rơi vào trạng thái lúng túng không biết làm thế nào. Và sự lúng túng của FIGC đã đến giới hạn tan vỡ của nó.

Mùa giải 1921/22 huấn luyện viên Vittorio Pozzo của Torino đứng đầu nhóm các đội bóng lớn li khai khỏi FIGC. Một liên đoàn mới được thành lập, mang tên La Confederazione Calcistica Italiana (CCI). Họ nhận tổ chức một giải đấu riêng gồm toàn các đội bóng lớn khiến FIGC phải nhượng bộ đồng ý, nhận về mình giải đấu với toàn các đội tép riu. Juventus cũng theo CCI từ 1921/22 đến 1925/26, cho đến khi FIGC và CCI lại hợp với nhau năm 1926. Mùa giải 1921/22 Juventus chỉ đứng thứ 6 trong bảng đấu loại của CCI và mùa 1922/23 chỉ thêm được một bậc lên thứ 5. Tuy thành quả chỉ tàm tạm là thế mà trong suốt những ngày lịch sử của Juventus, hai năm này lại gợi nên những dấu mốc quan trọng còn đậm nét hơn cả cái năm 1904 sôi động ngày trước bằng việc xuất hiện của ba cái tên đặc biệt.

Mỗi một vị luật sư, bạn của hầu hết các cầu thủ thời còn đi học, đến với Juventus và đều để lại những dấu ấn không thể nào quên. Giacomo Parvopassu, Giuseppe Hess, rồi Gino Olivetti, tất cả đều có những ảnh hưởng tích cực đến thành công của đội. Như Gino, Olivetti, bạn có thể đánh giá chỉ bằng một từ, ‘tham vọng’. Ví dụ như hôm nay Juventus đang xây riêng cho mình Delle Alpi mới, để thành đội đầu tiên ở Italia sở hữu một sân bóng mà không phải thuê lại của hội đồng thành phố hay chung đụng với bất cứ câu lạc bộ nào khác nhưng trước đó 90 năm, ngày 19 tháng 10 năm 1922, Olivetti cùng ban lãnh đạo Juventus đã khánh thành sân Stadio di Corso Marsiglia (sử dụng từ 1922 đến 1933), 15,000 chỗ ngồi. Đây mới chính là sân bóng đầu tiên được gia cố bằng bê tông - cốt thép và thuộc sở hữu của một đội bóng mà cho đến giờ đây vẫn được coi là một trong những biểu tượng của kỹ thuật xây dựng Italia! Trụ sở của đội cũng được rời từ số 16 đường Via Botero về gần sân, trên đại lộ Corso Marsiglia.

Trước ngày khánh thành sân vận động khoảng vài tháng còn có một việc còn được coi là sánh ngang tầm vóc. Lúc đó Guido Marchi II, người vẫn còn tung hoành trong đội năm cuối cùng trước khi phải từ giã và trở thành quản lí vì lí do liên quan đến sức khỏe lúc mới 26 tuổi (có lẽ là do chấn thương), đi xem một trận đấu của các cầu thủ trẻ. Anh dường như không tin vào mắt mình khi nhìn thấy thủ thành trẻ tuổi có cái tên Giampiero Combi, mới chưa đến 18. Và mọi chuyện sau đó như một điều đã được tạo hóa sắp đặt, Giampiero Combi được mang về Juventus và lập tức chiếm vị trí trong đội một, phá bay mọi cú sút giúp Juventus vô địch 5 lần, giữ vị trí số 1 trong đội tuyển Italia liên tục hơn 10 năm và vô địch thế giới. Sau Luigi Durante và Giovanni Giacone, khung thành Juventus gọi tên Giampiero Combi.

Cuối cùng, dấu mốc thứ ba, mang tên Edoardo Agnelli, con trai thượng nghị sĩ Giovanni Agnelli, vào mùa hè năm 1923. Đây có vẻ như cũng là một câu chuyện xoay tròn, Eugenio Canfari được coi là chủ tịch đầu tiên của Juventus, đã rời bỏ niềm yêu thích trái bóng tròn để đến với đường đua của những chiếc xe hơi, xây nên nhà máy Taurinia của riêng mình. Để rồi hơn hai mươi năm sau, Edoardo Agnelli, một người đã có những nhà máy, những chiếc xe hơi, khu trượt tuyết nghỉ mát, lại yêu thích trái bóng và đến với Juventus. Lúc ấy Edoardo Agnelli 31 tuổi, là phó chủ tịch FIAT, phó chủ tịch Hội đồng kinh tế vùng Piemonte, chủ tịch hội đồng quản trị tờ báo La Stampa và thú vị là chính ông cũng đã tốt nghiệp ngành luật và từng là sỹ quan kỵ binh trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Có thể lấy nhiều lời hào hoa để nói về Edoardo Agnelli, như Hurrà Juventus viết trong tháng 7 năm 1923: “Với lòng hăng hái và hòa nhã tuyệt vời, ông có vốn kinh nghiệm phong phú, của thế giới, cuộc sống, của công việc, điều khiến ông đã thành công trong việc giúp sức một cách thực tế để điều hành những công ty lớn cho cha mình, thượng nghị sĩ Giovanni Agnelli; ông là người đam mê tất cả các môn thể thao, một tay lái cừ khôi, chủ tịch liên đoàn đua ngựa Torino, chủ tịch danh dự của Gruppo Sportivo Fiat; ông đã mang đến cho đội của chúng ta, cùng với đạo đức quý giá của mình, một cái tên thắp sáng một trong những môn thể thao danh tiếng nhất Italia, một trong những sáng tạo tuyệt vời nhất trong lao động của con người, danh tiếng của thể thao, vinh quang của lao động".

Nhưng thực tế không cần phải có những lời lẽ bóng bẩy ấy. Người cha đáng kính Giovanni Agnelli của ông là một người cha nghiêm khắc, luôn cư xử với các con của mình qua công việc chứ không phải tình cảm. Ở FIAT, Edoardo còn được cha trao ít quyền hạn hơn một người tài năng nhưng ngoài dòng họ Vittorio Valletta. Bản thân Edoardo Agnelli, lúc được bầu làm chủ tịch Juventus, chỉ đơn giản bày tỏ: “Các bạn thân mến, tôi biết ơn các bạn vì đã chấp nhận tôi như là một vinh dự, nhưng tôi hi vọng các bạn sẽ không giận, nếu tôi thú thật rằng, tôi không có quan tâm làm chủ tịch chỉ vì vinh dự.... Chúng ta phải cố gắng làm tốt công việc, nhưng cũng phải nhớ rằng, một điều đã làm được tốt, có thể làm được tốt hơn nữa”.

Ngày Edoardo Agnelli nhận chức chủ tịch Juventus và nói những điều giản dị ấy là ngày 24 tháng 7 năm 1923 và những gì Edoardo Agneli nói được tờ Gazzetta Dello Sport kể lại sau này. Thực tế Edoardo Agnelli mang đến cho Juventus ngoài tiềm lực tài chính để lập tức tăng cường đội ngũ, còn là tổ chức đội bóng quy củ, đầy đủ theo tư duy của một nhà công nghiệp quý tộc và có bàn đạp vững chắc. Bắt đầu từ đây, bằng sự kết hợp với dòng họ Agnelli và đế chế Fiat, hình ảnh của Juventus được người ta nhớ đến với những bản sắc không pha lẫn với đội nào: Sự sang trọng, tinh thần chuyên nghiệp và phong thái chiến thắng (eleganza, professionalità e mentalità vincente), một phong thái đặc sắc giống như lúc Juventus khoác lên mình chiếc áo đen-trắng năm 1903, aggressivi e forti. Gino Olivetti, thủ môn Giampiero Combi và chủ tịch Edoardo Agnelli chẳng khác nào ba giọt mưa xuân diệu kỳ đã khơi dậy nên sức sống mãnh liệt của bianconeri.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr March 02, 2011, 12:04 AM
Đến món tiền to của Virginio

Sự xuất hiện của Edoardo Agnelli cũng giống như sự xuất hiện của Alfredo Dick trước đây, nhưng ở một cấp độ cao hơn. Edoardo có một cách tiếp cận nền tảng hơn là Alfredo, bóng đá Italia năm 1923 cũng khác năm 1904 nên mọi thành công của Juventus dưới thời Edoardo đến một cách chậm dãi và vững vàng. Chậm dãi, nhưng không phải là không có một cuộc bùng nổ về chất lượng đội hình. Có thể nói thời gian đó Juventus đã gây nên cơn giông bão mạnh mẽ thổi thêm vào nền bóng đá vốn đang phát triển theo chiều hướng không thể kiểm soát nổi ở Italia.

Một chiến dịch chiêu mộ nhân tài rầm rộ. Lần đầu tiên Juventus có một huấn luyện viên đúng nghĩa, là người nổi tiếng Jenő Károly vốn có mặt trong đội hình Hungaria tham dự Olimpiadi di Stoccolma năm 1912. Tài chính không còn là vấn đề nữa, Jenő Károly nhận mức lương đáng mơ ước 2,500 lira một tháng và 10,000 lira tiền thưởng nếu vô địch.

Juventus bước vào mùa giải mới 1923/24 với tinh thần dào dạt. Sức hấp dẫn của họ còn thu hút ngôi sao hậu vệ Virginio Rosetta từ Pro Vercelli. Anh trở thành cầu thủ Italia đầu tiên được trả lương với mức 6,000 lira một tháng (chỉ) để chơi bóng. Virginio Rossetta được gọi là cầu thủ chuyên nghiệp đầu tiên trong lịch sử bóng đá Italia đồng thời gây ra tranh cãi lớn. Điều đặc biệt là cuộc tranh cãi này trở nên ồn ào chỉ ngay khi Virginio Rosetta chơi 2 trận đầu tiên cho Juventus, vòng đấu thứ 8 và 9 bảng A trong vòng loại trước Modena và Genoa. Đội châm ngòi đầu tiên lại không phải là đội đã bị giành mất ngôi sao Pro Vercelli mà là từ Genoa. Genoa chính đội bóng đang bị Juventus đe dọa vị trí đương kim vô địch lại vừa đứt mạch kỷ lục 30 trận liên tiếp không thua bằng… 3 trận thua liên tiếp (một trước Juventus). Và đó là nguyên nhân. Lí lẽ mà những người Genova đưa ra là Juventus đã phạm luật khi… trả lương cho Virginio Rosetta vì thời điểm này các đội bóng đều là nghiệp dư tinh khôi và thường không trả lương cho cầu thủ.

Thực ra trước đó, biết được ngôi sao Virginio Rossetta đang bị loại khỏi đội hình Pro Vercelli vì kỷ luật, Juventus đã kéo anh về Torino và hỏi chủ tịch Pro Vercelli, Luigi Bozino, đồng ý cho phép Rossetta thi đấu. Nhưng thời điểm năm 1923, quy chế của liên đoàn vẫn cấm cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp mặc dù việc trả lương chui lủi ngày càng trở nên phổ biến. Luigi Bozino, lúc đó cũng là chủ tịch FIGC, người vẫn ủng hộ quan điểm này, đã ra làm chứng không có lợi cho Virginio Rossetta. Kết quả là FIGC đã ra phán quyết xử Juventus thua 0-2 ba trận liên tiếp đầu tiên có Virginio Rossetta góp mặt (một với Genoa). Đây là lí do chính khiến Juventus bị đánh bật khỏi cuộc chiến với Genoa. Juventus cũng gây ra áp lực ngược lại để cuối cùng Pro Vercelli chịu nhận 50,000 lira tiền đền bù còn Virginio Rossetta được chơi tiếp sau đó, thậm chí được nhận lương, tuy rằng khoản tiền ấy không được gọi là lương mà ngụy trang là một chi phí nào đó. Nhưng dù sao thì 3 trận bị xử thua liên tiếp của Juventus thì vẫn giữ nguyên. Cuối mùa bóng này, Genoa lên ngôi một lần nữa, còn Juventus chỉ đứng thứ 5.

 ‘Vụ Rossetta’ như báo chí Italia ngày ấy gọi trở thành một dấu ấn nổi bật trong thời gian mới hình thành và gặp đủ rắc rối vì định kiến của bóng đá chuyên nghiệp Italia.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr March 03, 2011, 10:11 PM
21 năm chờ đợi và những cơn đau quỷ dữ

Sau mùa giải 1923/24, đội hình vẫn tiếp tục được cải thiện, đội bóng mạnh dần lên, thần chiến thắng đã đến rất gần, còn những con quỷ rắc rối, bi kịch cũng lởn vởn quanh sân Stadio di Corso Marsiglia. Số phận Juventus gắn với hình ảnh dòng họ Agnelli bắt đầu pha trộn trong lòng nó những vẻ đẹp lịch thiệp và cả những cơn đau quỷ dữ.

Dưới sự dẫn dắt của Edoardo Agnelli, Juventus được sắp xếp lại một cách có tổ chức, từng người quản lí được chia các nhiệm vụ riêng rẽ. József Viola từ Hungaria và tiền đạo tài năng Pietro Pastore (sau trở thành một diễn viên), cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử Juventus tiếp tục được chiêu mộ. Juventus bước vào mùa 1924/25 với 10 trận đầu tiên không thua, nhưng mọi chuyện trở nên tồi tệ bởi cái chết của tiền vệ Giuseppe Monticone vì chứng phình động mạch. Kể từ trận đấu cuối cùng của Giuseppe Monticone, ngày 21 tháng 12 năm 1924, Juventus thua 4 trận khi đối đầu với các đội cạnh tranh trực tiếp và kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 2 với 2 điểm ít hơn đội đầu bảng Bologna. Mất mát mang tên Giuseppe Monticone phủ nỗi đau lên cả đội và ước mong lên ngôi gác lại một lần nữa.

Rồi nỗi đau cũng dần qua đi, huấn luyện viên Jenő Károly lại tiếp tục xây nên một đội hình mạnh hơn cho mùa 1925/26. FIGC lại mở cửa rộng hơn đối với những người nước ngoài, đưa tiền đạo Ferenc Hirzer, một người Hungaria khác đến với Juventus. Không còn gì ngăn cản được nữa, Juventus tiến thẳng đến vị trí đầu bảng vòng loại miền bắc với 17 trận thắng, 3 hòa và chỉ thua duy nhất 2 trong tổng số 22 trận. Trong 17 trận thắng ấy, có 9 trận liên tiếp từ vòng 10 đến 17. Thủ môn Giampiero Combi phá tung mọi cú sút của đối phương và chỉ chịu nhặt bóng 14 lần, lập kỷ lục 934 phút liên tiếp giữ trắng gôn mà không một thủ môn nào sau này lập lại được. Ở trên kia, Ferenc Hirzer và các bạn của anh nã vào khung thành đối thủ 68 lần (riêng Ferenc Hirzer một nửa). Vượt qua bảng đấu loại, Juventus gặp lại đối thủ đương kim vô địch Bologna trong trận chung kết miền bắc.

Trận chung kết miền bắc lượt đi, Ferenc Hirzer ghi 2 bàn khiến Bologna chịu hòa 2-2 trên sân nhà. Lượt về, hai đội tiếp tục hòa 0-0 đầy kích động trên sân Stadio di Corso Marsiglia ngày 25 tháng 7. Chưa có luật bàn thắng trên sân khách, hai đội phải chờ một trận play-off tiếp theo ở sân trung gian của thành phố Milano. Trong lúc chờ đợi với căng thẳng ghê gớm ấy, huấn luyện viên Jenő Károly gục ngã ở tuổi 40 bởi một cơn đau tim vào ngày 28 tháng 7. Hai năm liên tiếp, Juventus đột ngột mất đi hai thành viên giỏi nhất của mình. Quỷ dữ lại khóc than ở Stadio di Corso Marsiglia, tưới lên sân cỏ những giọt nước mắt tang tóc mà không ai có thể hiểu được.

Bốn ngày sau, những cầu thù Juventus mất thầy, ngổn ngang trong lòng đã vượt qua nỗi đau để thắng Bologna 2-1. Tuần sau nữa là trận chung kết quốc gia, mọi tình cảm dành cho Jenő Károly biến thành những bàn thắng. Juventus nã vào khung thành Alba Roma (vô địch miền nam) 12 bàn sau 2 trận đi về và lên ngôi trong những nỗi niềm cảm xúc lẫn lộn vào ngày 22 tháng 8 năm 1926. Ferenc Hirzer giành ngôi vua phá lưới, kỷ lục 35 quả của anh đứng mãi cho đến hôm nay như 934 phút của Giampiero Combi. Pietro Pastore xếp thứ ba trong danh sách những người ghi bàn nhiều nhất. Sau 21 năm, Juventus lại lên ngôi vô địch Italia một lần nữa. Lần đầu tiên họ được in lên áo hình chiếc khiên ba màu tượng trưng cho chức vô địch gọi là scudetto. Nó có giá của nhiều thế hệ, của biết bao ngày vất vả chờ đợi, của chiến tranh, những cơn đau tim và của những cái chết để mãi về sau này, người ta có thể nói đó là định mệnh của Juventus.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr March 05, 2011, 03:06 PM
Liều thuốc mê của chính quyền phát-xít

Từ những năm 1927, bóng đá Italia chịu sức ép không nhỏ của chính quyền phát xít. Cuộc sống trở nên ngột ngạt hơn, nhất là đối với những cầu thủ nước ngoài. Liên đoàn bóng đá lại một lần nữa thay đổi luật, xây nên một rào cản giữa những cầu thủ nước ngoài và sân bóng chiều chủ nhật. Mỗi đội chỉ được phép đưa ra sân 1 cầu thủ nước ngoài. Đó là lí do hai ngôi sao Hungaria của Juventus là hậu vệ József Viola và tiền đạo Ferenc Hirzer không bao giờ được ra sân cùng nhau trong mùa giải 1926/27. Mất đi huấn luyện viên Jenő Károly đã tổn hại không nhỏ. József Viola được đưa lên làm huấn luyện viên kiêm cầu thủ. Nhưng việc József Viola và Ferenc Hirzer chia nhau thay phiên ra sân cũng khiến cho Juventus trở nên bối rối.

Giải vô địch năm 1926/1927 có một sự thay đổi nữa về thể thức, không còn đấu bảng khu vực. Tất cả 20 đội mạnh trong liên đoàn chia làm 2 bảng để chọn ra 6 đội vào chơi tiếp bảng chung kết chọn đội vô địch. Không quá khó để Juventus dẫn đầu bảng A để lọt vào vòng 6 đội cuối cùng. Thủ môn Giampiero Combi chỉ phải nhặt bóng 10 lần trong 18 trận vòng bảng đầu tiên. Nhưng đến đây, sức mạnh của Juventus đã không có cơ hội thể hiện. Ferenc Hirzer vắng mặt thường xuyên (chỉ được chơi 17/28 trận, ghi 15 bàn) khiến cho đội bóng của anh chỉ xếp thứ 3 ở cuối cùng. Thất bại này còn buồn hơn bởi chính một người của đội, hậu vệ Luigi Allemandi. Trước trận derby với Torino ngày 5 tháng 6 năm 1927, một người quản lí của Torino tên là Dr. Nani thông qua tay sinh viên Francesco Gaudioso sống cùng nhà khách trên đường Via Lagrange để mua chuộc anh chơi gian cho Torino thắng với giá 50,000 lira. Luigi Allemandi đồng ý và nhận trước 25,000 lira. Khi trận đấu diễn ra, thực tế Luigi Allemandi lại chơi rất tốt trong trận đấu đó như không hề để ý gì đến vụ mua bán này. Mặc dù vậy Juventus vẫn thua 1-2 và Torino lên ngôi vô địch.

Có vẻ Luigi Allemandi đã không phản bội Juventus và Dr. Nani từ chối trả nốt 25,000 lira. Những cuộc tranh cãi giữa Francesco Gaudioso và Luigi Allemandi cũng như Dr. Nani đã bị phóng viên Renato Farminelli của tờ báo bóng đá Tifone phát giác và tung lên mặt báo sau đó. Từ bài báo của Renato Farminelli, FIGC nhảy vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, có một điều đáng bàn là đại diện điều tra của FIGC là Leandro Arpinati, một lãnh đạo phát-xít của thành phố Bologna nên người ta luôn luôn nghi ngờ sự vô tư của kết quả điều tra của FIGC, Leandro Arponati và người phó của ông, Giuseppe Zanetti. Cuối cùng, phán quyết được đưa ra, Torino bị tước danh hiệu vô địch, Luigi Allemandi bị cấm thi đấu vĩnh viễn. Do lo ngại ảnh hưởng đến hình ảnh của chính quyền phát-xít ở Bologna, á quân Bologna cũng không được nhận danh hiệu này, Juventus cũng không. Scudetto 1926/27 vì thế bị treo vĩnh viễn cho đến ngày hôm nay.

Sự việc năm 1927 mãi đi vào bóng tối trong nỗi hồ nghi của tất cả các bên liên quan. Người ta không bao giờ quay trở lại điều tra nữa, dù phán quyết không trao quyền vô địch cho Bologna hay Juventus đi ngược với luật của ủy ban Olimpiadi quốc tế IOC, dù FIGC đã đôi lần hứa hẹn xem xét lại. Sau khi đoạt huy chương đồng bóng đá tại Olimpiadi năm 1928, Luigi Allemandi lúc đó đã phải khăn gói sang Inter Milan, cũng được xóa án.

Áp lực của chính quyền phát-xít ngày càng tăng trong liên đoàn bóng đá, logo của scudetto phải đặt thêm biểu tượng phát-xít ở hai bên, mùa giải 1927/28 cấm cửa hoàn toàn đối với các cầu thủ nước ngoài. Juventus mất nốt ngôi sao Ferenc Hirzer, anh buộc phải trở về Hungaria. Giờ đây tất cả đội hình chỉ còn lại huấn luyện viên kiêm cầu thủ (nhưng không được vào sân) József Viola là người nước ngoài và Juventus rơi vào trạng thái không thể bứt phá nổi, hay hôn mê trên cao. Ngày cả khi huấn luyện viên mới người Scozie, George Aitken về thay József Viola (sang Inter Milan 1 năm), mọi chuyện cũng không hề thay đổi. Tiếp hai năm nữa 1927/28, 1928/29, Juventus phải chịu đứng sau hoặc Bologna hoặc Torino. Một mình thủ môn Giampiero Combi và Virginio Rosetta chỉ có thể giúp đội bóng ít bị thủng lưới nhất chứ không đủ sức để vượt lên trên đối thủ.

Chủ tịch Edoardo Agnelli và những người quản lí phải làm một điều gì đó trước lệnh cấm của phát-xít để lôi đội bóng thoát khỏi mê cung á quân này và chính Olimpiadi năm 1928 ở Amsterdam là nơi mà Edoardo Agnelli để ý. Năm ấy đội tuyển Italia chỉ giành được huy chương đồng môn bóng đá, hai huy chương đẹp đẽ hơn về tay những người Nam Mỹ, Uruguay và Argentina. Trong đội tuyển Argentina không thiếu những oriundi, như tiền vệ chạy cánh Raimundo Orsi đã làm điên đảo ánh mắt của người xem. Chính ở Olimpiadi này, Edoardo Agnelli đã nhìn thấy con đường sáng trong, chính quyền phát-xít không thể nào cấm những người con Italia trở về quê nhà.

Mặc dù tất cả mọi người đều biết Raimundo Bibian Orsi giỏi như thế nào, nhưng chỉ vài người tin vào tai mình khi nghe tin rằng Juventus đề nghị một mức lương 8,000 lira cộng một chiếc xe Fiat cùng một lái xe cho ông sử dụng, một sự xa xỉ hiếm có để đổi lấy việc chơi trong màu áo đen-trắng. Đi cùng với Raimundo từ Argentina sang là một đồng đội oriundo khác, Renato Cesarini. Tất nhiên, Raimundo Orsi không cần suy nghĩ lâu về lời đề nghị của Edoardo Agnelli, anh lập tức kí hợp đồng vào mùa hè năm 1928. Nhưng phải đến mùa giải 1929/30, tất cả giấy tờ chứng minh Orsi và Cesarini là những oriundi mới hoàn tất, và họ bắt đầu mở ra làn sóng oriundi đầu tiên ở Serie A, trong cái năm mà giải vô địch Italia chính thức gọi là Serie A với thể thức vòng tròn hai lượt.

Thể thức với của giải vô địch được quyết định bởi chủ tịch liên đoàn phát-xít Leandro Arpinati, 18 đội Serie A bên cạnh 18 đội Serie B. Khi luật mới của chủ tịch Leandro Arpinati thổi vào bóng đá Italia một không khí nóng bỏng thì Raimundo Orsi và Renato Cesarini mang đến cho Juventus làn gió tươi mát. Sau Ferenc Hirzer, Juventus đã tìm được một người biết sinh ra những bàn thắng. Ba mươi tư trận đấu đầu của mùa giải đầu tiên ấy, Raimundo Orsi ghi 15 bàn, một thành tích đáng kể đối với một cầu thủ nước ngoài (sau này chỉ có Michel Platini và Zlatan Ibrahimovic có nhiều hơn, 16 bàn). Thế nhưng Juventus vẫn chưa thoát khỏi cảnh chết giấc ở vị trí thứ 3, đứng sau đội phát-xít vô địch Ambrosiana-Inter (do Internazionale Milano với US Milanese nhập làm một) và Genoa. Điều đó làm cho Edoardo Agnelli không hài lòng, huấn luyện viên George Aitken mất chức.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr March 06, 2011, 08:57 PM
Người tình của nước Ý, món quà cho Benito

Từ Alessandria, cựu huấn luyện viên đội tuyển Italia giàu kinh nghiệm Carlo Carcano cùng sơ đồ chiến thuật WW 2-3-2-3 được mời đến Torino. Theo đuôi thầy là tiền đạo Giovanni Ferrari, mảnh ghép cuối cùng của một đội Juventus vô địch hoàn thành. Trong tay Carlo Carcano đã có đội hình chính WW: Thủ môn Giampiero Combi; hậu vệ Virginio Rosetta - Umberto Caligaris; tiền vệ Oreste Barale - Mario Varglien - Federico Munerati - Renato Cesarini - Francesco Rier; tiền đạo Giovanni Vecchina -  Raimundo Orsi - Giovanni Ferrari. Không ai có thể cản được Juventus ở mùa giải 1930/31 nữa, kể cả những đội bóng được chính quyền phát-xít ủng hộ như là Bologna và Roma. Sau 5 năm lòng nhiệt tình của Edoardo Agnelli lại được đền đáp, bằng chức vô địch lần thứ 3 ngọt lịm.

Những trận đấu và chiến thắng của Juventus thu hút một lượng cổ động viên lớn, ở tất cả mọi tầng lớp xã hội Italia. Đặc biệt, những người công nhân miền trung và miền nam đang làm việc trong những nhà máy của Fiat đã trở thành những cổ động viên nhiệt thành nhất. Fiat cho họ một công việc, và Juventus mang đến những niềm vui. Đó là lí do đầu tiên, giải thích cho việc hiện tại Juventus đang có số cổ động viên nhiều nhất ở Italia, mà phần lớn lại đến từ miền nam. Đó là những tháng ngày đầu tiên, Juvenetus được gọi là La Fidazanta d’Italia (Người tình của nước Ý), một người tình quyến rũ không chỉ vì sắc đẹp, mà còn vì những gì mối quan hệ giữa Fiat và Juventus mang đến cho họ, ổ bánh mì của cuộc sống thường ngày và những tiếng cười vui sau giờ lao động mệt nhọc.

Khi người tình Juventus trở nên đẹp hoàn hảo với những món trang sức oriundi, không gì có thể đánh bại. Mùa bóng 1931/32, một oriundo Argentina nữa xuất hiện, là hậu vệ Luis Felipe Monti, người cũng sẽ chơi cho cả đội tuyển Argentina và Italia như Raimundo Orsi. Juventus lần thứ 4 lên ngôi trong lúc mà Bologna, Ambrosiana-Inter và Roma dù có những chân sút siêu hạng như Angelo Schiavio, Giuseppe Meazza, những người mỗi mùa có thể sút thủng khung thành của đối phương 30 lần cũng không giúp gì được cho đội bóng của họ ngoài việc tranh nhau vị trí thứ 2.

Ổn định là điều làm nên một serie thành công. Mùa bóng 1932/1933, huấn luyện viên Carlo Carcano bổ sung vào hàng tiền đạo của mình anh chàng mới 18 tuổi Felice Placido Borel mà người ta vẫn gọi là Borel II để phân biệt với cha anh, Ernesto Borel và anh trai anh, Giuseppe Aldo Borel. Ba người đàn ông của dòng họ Borel để lại những kỷ niệm không thể nào quên và trở thành những người hùng thực sự. Trong cái năm mà Juventus vô địch lần thứ 3 liên tiếp, lính mới Pelice Borel ghi 29 bàn thắng trong 28 trận, một kỷ lục về hiệu suất mà gần 70 năm sau, Christian Vieri mới phá nổi. Không giống cha anh đơn độc những năm 1910, Pelice Borel có những đồng đội tuyệt vời đẩy bánh xe bianconeri lăn bẹp tất cả. Trên sân vận động mới của hội đồng thành phố mang tên Stadio Comunale (thực ra lúc đó phải đặt tên là Benito Mussolini), trong mùa bóng 1933/34, Felice Borel 31 lần làm thủng khung thành đối thủ, vượt qua cả đàn anh Giuseppe Meazza và như thế Juventus có cầu thủ đầu tiên nhận danh hiệu vua phá lưới.

Benito Mussolini, một người phát-xít độc tài, hoặc là rất đam mê thể thao, hoặc là muốn dùng thể thao để đẩy hình ảnh và danh dự của người Italia lên cao. Dù cách này hay cách khác, dù hiểu như thế nào thì thể thao và bóng đá Italia vẫn có lợi. Ở Olimpiadi Amsterdam 1928, hẳn Benito Mussolini đã thất vọng khi đội thể thao Italia chỉ xếp thứ 7 trên bảng tổng sắp huy chương. Hai năm sau, đội tuyển bóng đá Italia vắng mặt ở mundial lần đầu tiên trên đất Uruguay vì lí do đường xa (để đến được Uruguay, các cầu thủ phải mất cả tháng đi tàu thủy). Tháng 10 năm 1932, tại Stokomla, Benito Mussolini đã thuyết phục được liên đoàn bóng đá thế giới trao quyền đăng cai World Cup 1934 cho Italia chứ không phải Thụy Điển, nước đồng đăng cai duy nhất.

World Cup 1934 đến Italia khi Juventus đang lao đi sầm sập, trầm mạnh như một con chiếc xe lửa chạy đầu máy hơi nước, nên không có lí do gì để huấn luyện viên đội tuyển Vittorio Pozzo từ chối một lô các cầu thủ của họ. Từ thành viên đầu tiên, thủ môn Giovanni Giacone năm 1920, số cầu thủ bianconeri có mặt trong đội tuyển quốc gia tăng dần lên thành 9 người năm 1934. Chín cầu thủ Juventus trên tổng số 22 người vào năm 1934 gồm có Luigi Bertolini, Felice Borel, Umberto Caligaris, Gianpiero Combi, Giovanni Ferrari, Luis Monti, Raimundo Orsi, Virginio Rosetta, Mario Varglien. Huấn luyện viên Carlo Carcano cũng bị (hay được) Vittorio Pozzo gọi nốt lên làm trợ lí. Báo chí và những người xem gọi đó là Đội tuyển quốc gia Juventus (La Nazionale Juventus).  

Vòng chung kết năm đó, Italia lên ngôi vô địch bởi áp lực của Benito Mussolini không thể phủ nhận. Khát khao của Benoti Mussolini đã đẩy các đội đối thủ vào một nỗi sợ hãi vô hình (như trước trận bán kết với Áo, huấn luyện viên Áo Hugo Meisl nói “chúng tôi rất sợ Italia, nhưng còn sợ trọng tài hơn”. Giờ đây áp lực của Benoti Mussolini góp phần vào chiến thắng của đội tuyển Italia như thế nào thì vẫn là điều gây tranh cãi, còn lại, công sức thuộc về Vittorio Pozzo và 9 cầu thủ Juventus. Trận mở màn với Mỹ, 6 cầu thủ Juventus góp mặt trong đội hình 11 người: Thủ môn Giampiero Combi, đội trưởng Virginio Rosetta, Luis Monti, Luigi Bertolini, Giovanni Ferrari và Raimundo Orsi. Trận cuối cùng, với Czechoslovakia, 5 Juventus góp mặt: Thủ môn đội trưởng Giampiero Combi, Luis Monti, Luigi Bertolini, Giovanni Ferrari, Raimundo Orsi. Đấy là cách mà đội tuyển Italia của Vittorio Pozzo chiến thắng, đấy là cách mà Juventus sơn hình bóng của mình vào màu áo thiên thanh, một màu sắc không bao giờ phai mờ mà ngày càng sâu đậm trong lịch sử của đội bóng.

: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr March 07, 2011, 09:42 PM
Bóng ma cùng chiến tranh lại trở về

Con tàu cứ thế lao đi, vùn vụt rọi đèn pha vào mọi ngóc ngách tối tăm nhất của đời sống những con người ở Torino, nhưng bóng hình của quỷ dữ lại dần bộc lộ sức mạnh đen tối của nó. Ngay cuối mùa bóng 1933/34, Giampiero Combi đã không còn đứng trong khung gỗ nữa sau 13 năm. Anh chơi cho đội tuyển thêm một năm nữa rồi đến với công việc nhẹ nhàng đằng sau đội bóng. Giampiero Combi đã dừng lại sau 5 lần giành scudetti và lời chia tay của anh như rung lên một bản nhạc chia li sầu thảm của Juventus.

Ngày 16 tháng 12 năm 1934, ngay trước trận vòng đấu thứ 9 Serie A, huấn luyện viên Carlo Carcano bị sa thải. Không phải vì đội bóng chơi kém. Không ai biết tại sao, chỉ có những lời đồn đoán. Đội bóng tuyên bố đó là vì lí do cá nhân, còn người ta kháo nhau rằng Carlo Carano bị phát hiện là dân đồng tính, một điều tồi tệ nếu bạn sống trong thế giới phát-xít. Có thể đó chỉ là những lời đùa cợt độc địa dành cho Carlo Carcano, nhưng dẫu sao ông cũng đã phải vùi mình trong bóng đêm 10 năm liền cho đến khi kết thúc chiến tranh, và không bao giờ quay trở về Torino nữa.

Mất đi hai trong số những cá nhân ưu tú nhất, nền tảng của Juventus vẫn đủ sức giành scudetto lần thứ 5 liên tiếp với hai đồng huấn luyện viên thay thế Carlo Bigatto - Benè Gola, 2 cựu cầu thủ của đội. Ngày 2 tháng 6 năm 1935, Juventus thắng trận cuối cùng 1-0 trên đất của Fiorentina, hơn Ambrosiana Inter chỉ 2 điểm. Năm lần liên tiếp vô địch Italia, kỷ lục này, là khúc vĩ thanh cuối cùng gắn với tên người xây nên tất cả những chiến thắng ấy, là chủ tịch Edoardo Agnelli. Ngày hè chủ nhật 14 tháng 7 năm 1935, Edoardo Agnelli ngồi trên chiếc thủy phi cơ Savoia-Marchetti S.80 của cha mình, chạy từ Forte dei Marmi (Toscana) về cảng Genova. Nó đã đâm vào một khúc gỗ trôi nổi trên biển, và liền sau đó, những điều tra cho thấy đầu của ông đã va vào cách quạt vẫn đang quay còn phi công của thời thế chiến I, Arturo Ferrarin thì bình an vô sự. Edoardo Agnelli vĩnh viên ra đi một cách bi thảm nhất khi mới 43 tuổi, mở ra bi kịch đầu tiên trong một chuỗi những bi kịch đau đớn của dòng họ Agnelli đến tận ngày hôm nay. Còn đối với Juventus, từ khi gắn với hình ảnh gia đình Agnelli, là định mệnh cũng sắp đặt như thế rồi, cái chết.  

Bảy người con của Edoardo Agnelli (trong đó có Giovanni AgnelliUmberto Agnelli) còn quá nhỏ để tiếp nối những gì cha mình đang làm hay đưa Juventus vượt qua được mất mát của nó. Cha của Edoardo Agnelli, người sáng lập Fiat, Giovanni Agnelli, đã già và không có quá nhiều quan tâm và thời gian dành cho đội bóng. Thực tế có lẽ ông cũng không thích bóng đá. Vị trí chủ tịch Juventus được đặt vào tay hai cựu cầu thủ Enrico CraveriGiovanni Mazzonis, những người đã từng thân cận và là cánh tay mặt của chủ tịch Edoardo Agnelli.

Hai oriundi Renato Cesarini và Raimundo Orsi trở về quê hương thứ 2 Argentina còn tiền đạo Giovanni Ferrari rũ bỏ chiếc áo trắng đen để đến với Inter Milan vì yêu cầu đòi tăng lương không được đáp ứng. Juventus chỉ có những bổ sung lực lượng mỏng manh, như là ông anh nhà Borel, Giuseppe Aldo Borel. Một thế hệ những người anh em lần lượt chia tay. Enrico Craveri và Giovanni Mazzonis có thể thay Edoardo Agnelli giữ cho đội bóng không chết theo ông nhưng để nó sống khỏe thì họ không thể với một tiềm lực tài chính không được ủng hộ nữa.
 
Trong mùa giải 1935/36, Virginio Rossetta trở thành huấn luyện viên kiêm cầu thủ và ĐKVĐ Juventus của anh cuối cùng chỉ đạt đến vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng, dẫu cho tiền đạo trẻ Guglielmo Gabetto ghi được hai mươi bàn thắng, dẫu cho anh em nhà Borel thường xuyên chơi cặp cùng nhau. Khó khăn mới chỉ bắt đầu, một lần nữa Juventus lại phải trải qua những ngày khốn khổ như trước đại chiến lần thứ nhất, như thể số phận của Juventus cứ gắn với số phận của bóng đá Italia và cả lịch sử của đất nước ấy.

Với huấn luyện viên Virginio Rossetta, đưa Juventus trở lại con đường chiến thắng là một nhiệm vụ quá khó khăn khi trong tay anh không có tất cả là những cầu thủ tài ba nữa. Đội bóng tiếp tục đứng thứ 5 một lần nữa vào mùa 1936/37. Khi Palacido Felice Borel liên tục bị chấn thương, Guglielmo Gabetto không còn ghi bàn đều đặn thì Juventus trở nên khó khăn hơn nữa. Hàng thủ vững chắc được dẫn dắt bởi ngôi sao mới Pietro Rava chỉ có thể cố gắng đưa Juventus lên vị trí thứ 2 vào mùa bóng 1937/38. Dù sao thì cũng có một niềm an ủi nhỏ, Juventus của Virginio Rossetta thắng Torino và giành được Coppa Italia trong năm đấy.

Lực lượng của Juventus suy giảm kéo theo ảnh hưởng của bianconeri ở đội quân áo thiên thanh giảm đi trông thấy. Trong năm 1938 World Cup đã bị bao phủ bởi mùi thuốc súng cùng cảm giác chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Và khi Benito Mussolini hạ lệnh ‘thắng hay là chết’ cho các cầu thủ thì Juventus chỉ còn 2 thành viên trong đội tuyển (là Alfredo Foni, Pietro Rava). Số còn lại phần lớn thuộc về những đội bóng thân phát-xít như Bologna, AS Roma và trên hết là Ambrosiana-Inter. Đó cũng là lần duy nhất Italia đoạt cúp mà sự hiện diện của Juventus lại nhạt nhòa. Coppa Italia năm 1937/38 và vị trí thứ 2 là lần chống đỡ cuối cùng của Juventus trước những ngày suy thoái hoàn toàn. Virginio Rossetta phải đầu hàng, đội bóng của ông tụt một mạch xuống thứ 8 ở mùa 1938/39. Chỉ vài ngày sau, đại chiến thế giới lần thứ 2 bắt đầu ở Ba Lan.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr March 09, 2011, 09:55 PM
Những bánh xe lăn qua thời bom đạn

Umberto Caligaris, đồng đội ngày nào của Virginio Rossetta thay thế cho anh, đưa Juventus đi qua những ngày bắt đầu chiến tranh gian khó. Việc của Umberto Caligaris không phải là dựng nên một đội bóng mới từ những ngôi sao mới, mà cũng giống như Virginio Rossetta, ông tiếp tục mới một đội hình khiêm tốn. Dù thế Umberto Caligaris cũng đã thành công, Juventus trở lại vị trí thứ 3 mùa bóng 1939/40. Ở đó một hậu vệ trẻ măng được phát hiện có tên là Carlo Parola, gần 18 tuổi. Nhưng sự nghiệp của Umberto Caligaris và cơ hội phục sinh của Juventus chấm dứt bằng một sự kiện bi thương cho ông, quỷ dữ lại trở về và lấy đi sinh mạng của ông ngay trên sân cỏ.

Ngày 20 tháng 10 năm 1940, một tuần trước khi Benito Mussolini xua quân đến Hy Lạp, chính thức tham chiến trên bộ, ở vòng đấu thứ 3 của mùa giải 1940/41 với Genoa, Umberto Caligaris ngục ngã bởi chứng phình động mạch như Giuseppe Monticone phải chịu đựng năm 1925. Ông ra đi như Jenő Károly đã mất năm 1926. Juventus lại chìm trong những ngày đau thương và kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 5. Mọi nỗ lực đưa Juventus trở lại với scudetto với chủ tịch quý tộc thân phát-xít Emilio De la Forest de Divonne trong nhiều năm đều thất bại. Cuối mùa bóng 1940/41, vị trí chủ tịch được nhường lại cho Piero Dusio, một tay chơi, một tay đua, một người thành đạt trong nghề kinh doanh xe hơi và cũng là cầu thủ Juventus trong những năm 1920. Và Piero Dusio đã cầm lái con tàu Juventus đi qua chiến tranh, với tất cả những gì ông có thể giúp cho con tàu ấy.

Giovanni Ferrari, sau một thời gian rũ áo ra đi và đã giành được scudetto thứ 8 (kỉ lục Italia cùng với 2 cầu thủ Juve khác là Giuseppe Furino và Ciro Ferrara), trở về làm huấn luyện viên kiêm cầu thủ lúc mà khắp châu Âu ám mùi khói bom. Nhưng Juventus cũng mất ngôi sao gần như duy nhất Guglielmo Gabetto và cả Felice Borel vào tay AC Torino. Dưới sức ép của chính quyền phát-xít, dần dần tất cả các đội bóng phải đổi tên, bỏ đi những từ có nguồn gốc ngoại bang, Foot-ball Club Juventus nay đã trở thành Juventus Cisitalia (Cisitalia là tên một nhà máy xe hơi của chủ tịch Piero Dusio). Foot-ball Club Torino sau khi phải đổi thành Associazione Calcio Torino (1936) lại đổi tiếp thành Torino Fiat - điều chúng tôi chưa biết lí do tại sao (www.badamgia.com). Ở Italia, chết chóc vì đạn pháo và súng máy chưa lan tỏa, Serie A vẫn khởi tranh rồi Juventus cũng chỉ đứng thứ 6. Nhưng trong những lúc nhạt nhòa như thế, vẫn có một niềm vui. Lần thứ 2 sau lần đầu tiên năm 1937/38, Juventus lại đoạt Coppa Italia, đá bại AC Milan 4-1 trong trận chung kết. Tuy thế đó chỉ là một niềm an ủi nho nhỏ. Chuyện đáng kể là chiếc cúp ấy không mang tên Giovanni Ferrari, vì ông đã lần thứ 2 ra đi từ giữa mùa móng, chỉ sau 17 trận (thua đến 6). Huấn luyện viên mang về Coppa Italia thứ 2 cho Juventus là Luis Monti, người trở lại Juventus chỉ trong thời gian ngắn ngủi cuối mùa bóng 1941/42 trước khi đến lượt Felice Borel quay về.

Serie A có mùa giải cuối cùng 1942/43 trước khi yên lặng. Juventus chào đón ngôi sao lớn của Serie A, Giuseppe Meazza đến chơi mùa bóng đầu tiên và cũng là duy nhất ở Torino. Mười bàn thắng của Giusseppe đã đưa Juventus lên vị trí thứ 3, trên đội 2 bóng cũ của anh là Ambrosiana Inter và AC Milan.

Đến tháng 7 năm 1943, quân đồng minh sau khi đánh Italia tơi tả trên khắp các chiến trường Địa trung hải, bắc Phi, Balkan và giành lại hầu hết thuộc địa, đã liên tiếp tổ chức các đợt tấn công đổ bộ vào Sicilia, Salerno, Taranto. Benito Mussolini bị hội đồng phát-xít phế truất và cầm tù. Serie A chấm dứt vì khắp từ Sicilia đến Roma trên đất Italia tràn ngập xe tăng và đạn pháo của quân Đức, Mỹ, Mỹ gốc Nhật, Mỹ gốc Phi, Ba Lan, Tiệp Khắc, Ấn Độ, New Zealand, Nam Phi, Pháp, Hy Lạp.

Nhưng giống như năm 1916, thật ra thì bóng đá cũng không lịm hẳn. Năm 1944, dù quân Italia đã thất bại thê thảm trên mọi mặt trận, quân đồng minh đổ vào miền nam nhưng miền bắc Italia vẫn được quân Đức bảo vệ từ phòng tuyến Gotica (Linea Gotica) cắt đôi đất nước. FIGC do đó cũng phải chia làm hai nửa để tồn tại. Phần phía bắc tổ chức giải đấu gọi tên Campionato Alta Italia 1944. Luật đấu như thời trước khi Serie A ra đời, nghĩa là chia từng bảng đấu. Ở phía nam chia thành các bảng nhỏ hơn về các xứ khác nhau bởi việc di chuyển từ xứ này sang xứ kia là không thể, bất cứ lúc nào cũng có thể dính đạn bom trên đường phố. Tuy thế giải đấu vẫn diễn ra trọn vẹn. Juventus chỉ vào được đến bán kết (vòng bảng thứ 2), chịu kém Torino giờ sắp trở thành grande Torino 1 điểm và dừng lại. Sau grande Torino cũng chịu thua đội lính cứu hỏa AC Spezia trong loạt chung kết toàn quốc (các đội dưới phòng tuyến Gotica không thể tham gia). AC Spezia, đội bóng có vẻ đã lợi dụng quyền hành của cảnh sát và quân đội thời chiến để gọi một loạt cầu thủ giỏi ở Serie A nhập ngũ rồi sung vào đội nên đã giành scudetto đầu tiên và duy nhất cho đến ngày hôm nay. Nhưng vì những tranh cãi quyết liệt được tung hứng bởi báo chí ngày ấy, phải 58 năm sau, FIGC mới công nhận đó là một scudetto nhằm vinh danh những con người đã không sợ đạn bom để đến với bóng đá.

Ngày 28 tháng 4 năm 1945, Benito Mussolini và người tình Clara Petacci bị lính cộng sản Italia bắt lại và giết chết bên hồ Como sau một thời gian vượt ngục. Ngày 29 tháng 4, xác hai người bị đưa về Milano vào treo cổ trên quảng trường Piazza Loreto. Ngày 2 tháng 5, quân Đức ở Italia đầu hàng đồng minh. Trục phát-xít sụp đổ, tiếng pháo thưa dần, khói súng đã tan, bóng đá lại trở về với niềm vui của nó. Một loạt các đội bóng lấy lại tên khai sinh của của mình. Juventus Cisitalia về với Juventus Foot-ball Club (‘Foot-ball Club’ chuyển đứng sau). Mùa bóng đầu tiên của họ sau chiến tranh, với chủ tịch Piero Dusio và huấn luyện viên kiêm cầu thủ Felice Borel, 1945/46 có một sức sống mới khi những bánh xe Juventus đã vượt qua bao khó khăn gian khổ.

Những người cũ vẫn còn đó, Giovanni Varglien, Carlo Parola, Pietro Rava, Felice Borel. Juventus cũng tìm kiếm thêm cho mình nhiều người mới từ nơi khác, chẳng hạn như ngôi sao tiền đạo lừng danh Silvio Piola hay tiền vệ Aristide Coscia. Những con người ấy đã đưa Juventus vượt qua vòng đấu bảng miền bắc (đứng thứ 3 sau AC Torino và Internazionale Milan). Vào đến vòng bảng chung kết quốc gia, Juventus vượt lên trên Internazionale Milan nhưng vẫn chịu đứng thứ 2 vì kém Grande Torino 1 điểm. Dù không giành được scudetto, đó vẫn là một mùa giải bắt đầu hồi sinh đáng nhớ, mở đầu bằng chiến thắng Torino 2-1 trong trận derby della Mole.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr March 14, 2011, 12:26 AM
Gianni Agnelli và biến cố dưới chân giáo đường

Chấn thương dai dẳng đeo bám Felice Borel. Y học thể thao chưa đủ khả năng để điều trị khiến anh ra sân được rất ít trận đấu trong suốt nhiều năm. Cơ hội của anh với đội tuyển Italia vì thế mà cũng thật ít ỏi. Và lúc này đây, kết thúc mùa giải 1945/46 cũng là lúc mà Felice Borel nói lời tạm biệt màu áo đen-trắng mà anh đã mặc suốt 13 năm qua. Vị trí huấn luyện viên của Felice Borel trao cho oriundo Renato Cesarini. Giống như Luis Monti, Renato Cesarini cũng có ngày tái hợp Juventus trên băng ghế huấn luyện, bắt đầu cho mùa bóng 1946/47, năm mà giải vô địch chính thức trở lại với thể thức Serie A.

Chủ tịch Piero Dusio có lẽ đã làm hết sức mình để đưa đội bóng trở lại với con đường chinh phục scudetto, biến những trận derby delle Mole trở nên kịch tính và cân bằng nhất trong lịch sử. Ông tiếp tục đưa về những cầu thủ mới, những người Balkan và nam Âu: Oscar Vicich (Croatia), Čestmír Vycpálek (Czechoslovakia), Július Korostelev (Czechoslovakia), Alceo Lipizer (Croatia). Cùng với họ là các cầu thủ trẻ Italia mà chúng ta không thể nào và không bao giờ có thể bỏ qua anh em nhà Sentimenti, Pietro Rava, Carlo Parola và Giampiero Boniperti. Nhưng Grande Torino đã tạo ra một khoảng cách quá lớn đối với phần còn lại của Serie A khiến cho một mình Juventus không thể làm gì được. Họ đang trên đường lập lại kỷ lục 5 lần liên tiếp vô địch của chính Juventus. Renato Cesarini và các cầu thủ của ông vẫn ngậm ngùi đứng thứ 2 Serie A 1946/47. Nhưng một hình bóng mới của nhà vô địch lại xuất hiện trong cái tên Giampiero Boniperti. Cũng mới 18 tuổi như Felice Borel khi trước, Giampiero đến từ thành phố Barengo chỉ được chơi 7 trận trong cả mùa giải, mà trong 6 trận sau cùng anh đã ghi 6 bàn. Felice Borel ra đi và người thay thế bấy lâu Juventus tìm kiếm đã xuất hiện, một cách bất ngờ như cái cách mà Felice Borel đã từng xuất hiện.

Với Giampiero Boniperti, mầm non của một scudetto mới đã nhú lên, nhưng dường như Piero Dusio hiểu rằng mình không thể thành công như cố chủ tịch Edoardo Agnelli và ông sẽ không bao giờ làm các cổ động viên quên đi được hình ảnh của con người đáng yêu ấy. Vì thế Piero Dusio, người dìu dắt Juventus đi qua những ngày chiến tranh, gõ cửa và thuyết phục Giovanni Agnelli, con trai của Edoardo Agnelli, người có cái tên đặt theo tên ông nội Giovanni Agnelli.  

Giovanni Agnelli mà mọi người thường gọi là Gianni Agnelli để không nhầm lẫn với ông nội của mình, thừa hưởng lối sống phong trần của cha mình, Edoardo, và phong cách làm việc của một nhà tư bản cổ điển của ông nội. Bởi chính vì điều đó, Gianni Agnelli có tình yêu đặc biệt dành cho Juventus. Không hẳn là vì anh cũng là cựu sinh viên trường trung học Liceo d’Azeglio. Không hẳn vì anh cũng theo học ngành luật sau đó như cha mình. Không hẳn vì từ nhỏ Gianni và em trai Umberto đã ham mê những bàn thắng của Raimundo Orsi và Felice Borel. Ngày Edoardo ra đi, anh em anh còn quá nhỏ để nhận lấy một vai trò lớn quá sức, nhưng mười hai năm sau, Gianni Agnelli bắt đầu bước tiếp con đường mà cha anh đã đi, là đưa Juventus đến với vinh quang. Đó mới là điều anh mong muốn. Sau mười hai năm, gia đình Agnelli lại trở về chỉ huy đoàn xe lửa Juventus, như một câu chuyện đã được sắp đặt nữa. Đó là ngày 22 tháng 7 năm 1947, Gianni Agnelli 26 tuổi.

 Công việc đầu tiên của chủ tịch trẻ tuổi Gianni Agnelli không phải là tìm kiếm những cầu thủ mới. Có lẽ Gianni cần một thời gian để làm quen và đội hình gần như được giữ nguyên vẹn cùng với cả huấn luyện viên Renato Cesarini cho mùa giải 1947/48. Tuy nhiên đội hình ấy không còn một loạt các cầu thủ nước ngoài nam Âu và Balkan, trở nên mất cân bằng và khó kiểm soát ghê gớm. Gianni Agnelli trải qua mùa bóng đầu tiên của mình bối rối như chính đội bóng của mình, có thể thắng rất đậm, có thể thua tan tác, ghi rất nhiều bàn thắng, có hôm chỉ 0-0. Giampiero Boniperti đoạt giải vua phá lưới bằng 27 quả. Nhưng một mình anh không thể so sánh với cả giàn tiền đạo của Torino ghi gấp đôi con số ấy (riêng cựu cầu thủ của chính Juventus, Guglielmo Gabetto, có 23 quả còn Valentino Mazzola 25). Juventus của Boniperti ghi được 78 bàn thắng sau 40 trận, rất nhiều, nhưng Torino còn khủng khiếp hơn, 125 bàn, lên ngôi vô địch và 6 điểm nhiều hơn Juventus (thứ 2).

 Những con số không chỉ chứng minh rằng Grande Torino là không thể cản nổi, mà còn diễn tả nỗi cô đơn của Giampiero Boniperti. Hoàn cảnh của anh lúc này không khác Ernesto Borel hồi năm 1909. Trong đoàn kịch Juventus, xung quanh anh không có những bạn diễn mà chỉ toàn những người làm nghề trang điểm. Gianni Agnelli và những người lãnh đạo nhận ra điều đó. Kết thúc mùa bóng Renato Cesarini phải nhường vị trí cho người Scozie thứ hai ở Torino sau George Aitken là William Chalmers. Để có bạn diễn cho Giampiero Boniperti, ba tiền đạo John Hansen, Johannes Pløger từ Đan Mạch và người Genova Emilio Caprile đáp tàu đến nơi, thêm tiền vệ người Anh William John Jordan vượt biển từ Tottenham Hotspur. Kết quả, mùa giải 1948/49, Juventus thua 12 trận, chỉ ghi được 64 bàn thắng và tụt luôn xuống thứ 4, nhìn Grande Torino đạp đổ kỷ lục 5 lần liên tiếp vô địch của mình ở trên cao vời vợi.

 Juventus thủng khung thành nhiều hơn, số bàn thắng của Giampiero Boniperti giảm một nửa. Con số mất đi ấy chia cho những người bạn diễn mới của anh. Hóa ra, phép cộng của những tiền đạo chưa đồng nghĩa với phép cộng của số bàn thắng, mà là một phép chia. Có nhiều nguyên nhân để kể rằng vì sao Juventus không giành được chiếc khiên ba màu trong cuộc đua dài đằng đẵng ấy. Vì Torino là bất khả bại trận. Vì huấn luyện viên William Chalmers không thể biến các cầu thủ giỏi thành một khối thăng hoa đồng điệu. Vì Gianni Agnelli quên mất rằng những công thần ở hàng thủ, những người đã cùng Juventus đi qua chiến tranh như anh em Lucidio Sentimenti và Vittorio Sentimenti, Pietro Rava, Teobaldo Depetrini giờ đây đã qua thời sung mãn nhất, còn đâu sức lực để chạy mệt nhoài theo quả bóng.

Dù là gì đi chăng nữa, tất cả những lí do ấy đều biến mất, bởi bàn tay của chủ tịch Gianni Agnelli và Chúa trời hay Quỷ dữ, chỉ trong hai chữ ‘định mệnh’. Ngày 4 tháng 5 năm 1949, Serie A 1948/49 còn 4 vòng đấu nữa mới kết thúc, nhưng Grande Torino bay sang tận Bồ Đào Nha để chơi một trận giao hữu vì tình hữu hảo với SL Benfica. Khi trở về, trong sấm chớp và giông bão, mây mù và tầm nhìn hạn chế, chiếc máy bay của hãng hàng không Italia (Avio Linee Italiane) đâm nhào vào chân một giáo đường trên đồi Superga, vì cố gắng hạ cánh xuống Torino. Cú đâm nhào trong giông bão mang theo sinh mạng của toàn bộ cầu thủ đội một Torino, huấn luyện viên, quản lí, đội bay và cả những nhà báo. Tổng cộng 31 người. Chiếc máy bay mang tên Fiat G212CP, sản phẩm làm từ một nhà máy của hãng Fiat bị Chúa trời hoặc Quỷ dữ mang đi, xóa sạch cả đội bóng đối thủ của Juventus. Từ đó thế giới không bao giờ còn thấy những ngôi sao như Guglielmo Gabetto và Valentino Mazzola đổ bóng trên sân cỏ vào những chiều chủ nhật nữa.

Bốn trận đấu cuối cùng, Torino vẫn tiếp tục chiến đấu bằng đội hình trẻ. Các đối thủ Fiorentina, Genoa, Sampdoria và Palermo cũng mang đội trẻ ra tiếp như một cách tỏ lòng tôn trọng những người đã ra đi. Vì thế mà đội trẻ Grande Torino thắng nốt 4 trận ấy và lên ngôi vô địch, nhưng đó cũng là chức vô địch buồn thảm nhất của calcio Serie A. Vĩnh viễn cho đến hôm nay, không bao giờ đội AC Torino lấy lại được bóng dáng xưa của mình. Nếu Juventus kết thúc chuỗi 5 lần vô địch bằng bị kịch trong một ngày nắng đẹp trên biển Genova thì Grande Torino cạn khô nước mắt bởi cơn giông trên đồi Superga. Phải chăng đó là một lời nguyền cho những ai đứng trên đỉnh cao chói lọi của chiến thắng? Không nhiều ai tin vào điều đó, mà tất cả đều hiểu với nhau rằng, cứ khi nào Juventus đứng trở mình trỗi dậy thì Torino lại chìm trong đêm tối và ngược lại. Hầu như chưa bao giờ họ cùng bước sóng đôi.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr March 17, 2011, 04:25 PM
Gianni ngủ quên trong vườn địa đàng

Bước vào mùa giải 1949/50, đối thủ lớn nhất trên con đường tìm lại scudetto của Juventus đã bị chọn để hiến tế, việc còn lại phụ thuộc vào Gianni Agnelli. Và anh đã làm. Sự nghiệp của huấn luyện viên William Chalmers với Juventus kết thúc chóng vánh hơn cả người Scozie trước là George Aitken. Một cựu cảnh sát người Liverpool có tên Jesse Carver vốn cũng là một cựu cầu thủ Newcastle United thành người tiếp theo vượt biển để nhận chiếc ghế của Chalmers. Đây là một người cách tân, với nhiều phương pháp huấn luyện lạ mắt: dùng nhiều bóng để tập chuyền ban chứ không chỉ bắt các cầu thủ chăm chăm chạy bộ. Hàng thủ già nua được Gianni Agnelli thay máu triệt để. Những người trên ba mươi tuổi như thủ môn Lucidio Sentimenti, hậu vệ Pietro Rava, tiền vệ Vittorio Sentimenti, Teobaldo Depetrini được thay bằng những chàng trai trẻ hơn rất nhiều: thủ môn Giovanni Viola, hậu vệ Alberto Bertuccelli, bốn tiền vệ mới toanh Giacomo Mari, Alberto Piccinini, Rinaldo Martino (Argentina) và đặc biệt là người Đan Mạch Karl Aage Præst. Dưới bàn tay can thiệp quyết liệt của chủ tịch Gianni Agnelli, chính những cầu thủ mới này và huấn luyện viên Jesse Carver đã xây nên một nền tảng vững chắc (chỉ thua 4/38 trận), một bệ phóng giúp cho hàng công bùng nổ (100 bàn thắng).

Trong mùa giải 1949/50 có một trận đấu đặc biệt. Chủ nhật ngày 5/2/1950, Juventus tiếp AC Milan trên sân nhà Comunale. Lúc đó trong đội hình AC Milan có những con người đang và sẽ trở thành huyền thoại như là bộ ba Thụy Điển Gunnar Nordahl, Nils Liedholm, Gunnar Gren, thủ môn Italia Lorenzo Buffon (anh em của ông nội Gianluigi Buffon) và huấn luyện viên Hungaria Lajos Czeizler. Có thể coi đó là cuộc đối đầu đầy xung khắc giữa những người Italia, giữa người Anh và Hungaria trên băng ghế huấn luyện, giữa bộ đôi Đan Mạch của Juventus và Thụy Điển của AC Milan. Kết quả, cuộc đối đầu giữa họ dựng lên mộc dấu mốc hận thù mới, AC Milan đả bại Juventus 7-1 ngay tại Comunale. Nhưng mặc kệ trận đấu tan nát ấy, cuối cùng Juventus vẫn là đội giành scudetto chứ không phải AC Milan. Mặc kệ cho Gunnar Nordahl ghi kỷ lục 35 quả để lên ngôi vua phá lưới, những cầu thủ Đan Mạch chứ không phải Thụy Điển mới là người chiến thắng cuối cùng. Lần thứ 8, đó là một trong những scudetto ngọt ngào nhất của Juventus. Lần đầu tiên cho Gianni Agnelli; lần đầu tiên, cuối cùng và cũng là duy nhất cho Pietro Rava. Mười lăm năm sau Edoardo Agnelli ra đi, ba năm sau khi tiếp quản đội bóng, Gianni Agnelli mới đưa được Juventus trở lại với dáng hình của La Fidanzata d’Italia của nó.

Mười lăm năm, khoảng thời gian chờ đợi đằng đẵng dài gấp 3 lần chiến tranh thế giới lần thứ 2, là khoảng đợi chờ đợi dài nhất cho một scudetto của Juventus cho đến ngày hôm nay. Chắc hẳn chiến thắng của mùa giải 1949/50 có những hương vị say mê đặc biệt. Cũng chính những hương vị ấy khiến những người Juventus thiếp quên đi trong cảm giác hạnh phúc.

Một trong bốn ngôi sao mới của hàng tiền vệ, Rinaldo Martino, quá nhớ quê hương, hoặc vì không thể thích nghi với cuộc sống ở Torino, đã trở về Nam Mỹ chỉ sau một năm, chỉ sau 33 trận và 18 bàn thắng. Pietro Rava chính thức chia tay đồng đội. Hạnh phúc với những người Đan Mạch, Juventus cuỗm mất của Atalanta tài năng Karl Aage Hansen để lấp khoảng trống mà Rinaldo Martino để lại. Không còn bất kỳ một tăng viện đáng kể nào nữa trong đội hình, dù là một hậu vệ kha khá. Đó có thể là phút vô thức thiếp quên đi của người đang trên đỉnh vinh quang, cũng có thể là sự chủ quan quá lớn vì những gì đang có trong tay. Juventus không biết rằng Gunnar Nordahl, Nils Liedholm, Gunnar Gren, Lorenzo Buffon và những người Milano vẫn bám đuổi sau lưng.

Mùa giải 1950/51, hai mươi ba bàn thắng của Karl Hansen lấp đầy kỉ niệm về người Argentina Rinaldo Martino. Dàn đồng ca tấn công gồm bộ ba Đan Mạch Karl Hansen, John Hansen, Carl Præst với Giampiero Boniperti và chàng lùn được nhớ mãi trong lịch sử chỉ bằng 11 năm làm tiền đạo dự bị Ermes Muccinelli. Tất cả đã nã vào khung thành đối phương vô khối bàn thắng (103 bàn). Nhưng vô khối bàn thắng của họ cũng không thể đổ đầy nên chiếc cup vô địch vì hàng thủ ở đáy đã thủng lỗ chỗ, không thể bịt lại mỗi khi thủ môn Giovanni Viola không thể thi đấu, hoặc có thi đấu cũng bất lực. Vô khối bàn thắng của họ cũng không vượt qua được khẩu súng máy Gunnar Nordahl và những người Milan trong cuộc đua này. Thất bại trong những cuộc đối đầu trực tiếp với AC Milan và Inter Milan đã đẩy Juventus xuống vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng cuối cùng, kém cả Inter Milan.

Ai là người ngủ quên, ai là người có lỗi? Với Juventus lúc này, không có chỗ cho những sai lầm, và nếu có ai đó sai lầm, thì người ấy không phải là Gianni Agnelli. Huấn luyện viên Jesse Carver mất việc ngay sau trận đấu cuối cùng của mùa giải. Và để trốn tránh nỗi buồn xâm chiếm, Juventus lên đường vượt Đại Tây Dương đến Rio de Janeiro và São Paulo tham gia vào giải đấu Taca de Rio với nhiều đội bóng châu Âu, Nam Mỹ tụ hội. Cũng giống như lần vượt dãy Alpi sang Thụy Sĩ khi xưa, Juventus lại mở đường cho các đội bóng Italia vượt đại dương mênh mông. Đối với các đội bóng như Juventus, Red Star Belgrade, Nice, Palmeiras, Austria Vienna, Nacional, Sporting Clube de Portugal, Vasco Da Gama, đây mới là giải vô địch các câu lạc bộ thế giới đầu tiên.

Dù đã hạ Palmeiras 4-0 ở vòng bảng nhưng vào chung kết Juventus lại thua chính đội này sau 2 trận (một ở São Paulo và một ở Rio de Janeiro trên sân khổng lồ mới Maracanã). Không sao, gần một tháng sôi động ở Brazil đã làm cho cả đội bóng trút bỏ mọi muộn phiền mà hít đầy vào lồng ngực cái thứ không khí sảng khoái. Trở về Italia, băng ghế huấn luyện được tạm thời dành cho Luigi Bertolini, người đã cùng Juventus đi qua thời gian hào quang nhất những năm thời Edoardo Agnelli lúc còn là cầu thủ. Và để chứng minh rằng chỉ có Jesse Carver mắc sai lầm, Juventus hầu như không có thêm một tăng viện nào nữa cho mùa giải mới ngoài hậu vệ trẻ Giuseppe Corradi từ Modena. Kết quả đúng là... Jesse Carver sai!

Mười trận đấu đầu tiên của mùa 1951/52 dưới tay Luigi Bertolini, Juventus thắng đến 8, hòa 1 và thua 1. Luigi Bertolini không ở lại lâu, sau trận thứ 10 đã nhường ghế cho người Hungaria danh tiếng György Sarosi. Huấn luyện viên có thay đổi, nhưng những trận đấu của Juventus thì không. Chỉ bằng việc xoay vòng hàng thủ và một vài vị trí khác, Juventus đã hạn chế tối đa bàn thua (chỉ bị 34 quả) trong lúc mà lượng bàn thắng vẫn giữ nguyên như cũ. Lần đầu tiên John Hansen đánh bại Gunnar Nordahl trong cuộc đua lên ngôi vua phá khung thành. Ngôi sao Istvan Nyers của Inter Milan cũng chịu đứng sau nốt. Ngay cả chàng lùn Ermes Muccinelli cũng kiếm được 17 quả cho riêng mình, còn Giampiero Boniperti lúc nào cũng ổn định ở mức trên thấp 20 quả.

Chiếm thế cao hơn trong các cuộc đối đầu với 2 đối thủ trực tiếp từ Milano khiến cho scudetto lần thứ 9 của Juventus trở nên thuyết phục. Juventus liền sau đó bay đến Paris và tham gia vào Latin Cup, tiền thân của các cup châu Âu ngày nay, và đoạt luôn ngôi thứ 3. Một mùa giải đáng để ngợi ca. Nhưng không phải lúc nào Gianni Agnelli cũng đúng. Khi bạn chủ quan và sao lãng chỉ trong phút giây, bạn đã phải trả giá đắt. Thế mà đây lại là cả một mùa giải Serie A khi đối thủ Inter Milan đã âm thầm chịu đựng bấy lâu dưới gót AC Milan và Juventus, giờ đang trỗi dậy thực sự. Một đội bóng chuyên nghiệp không thể thành công mãi với một đội hình giống nhau liền trong 3, 4 năm. Nó phải được thay đổi, được vun vén, được bồi đắp thêm những điều mới mẻ hơn, khỏe khoắn hơn.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr March 23, 2011, 11:59 PM
Gianni Agnelli và Juventus tiếp tục đặt niềm tin vào những gì mình có trong tay. Nhưng điều đó không còn đúng nữa. Serie A đã giảm từ 20 xuống còn 18 đội trong mùa giải 1952/53. Những đội bóng yếu nhất bị đẩy xuống Serie B khiến cho Serie A trở nên khắc nghiệt. Bàn thắng trở thành một của quý, còn đội nào phòng thủ tốt nhất sẽ giành chiến thắng. Trong hoàn cảnh ấy, chấn thương liên miên và sự sa sút ngạc nhiên của những trụ cột như Karl Hansen, Giampiero Boniperti cùng với cả chàng lùn Ermes Muccinelli khiến cho số bàn thắng của Juventus chỉ còn 73 (giảm 25 quả!). Hàng tiền vệ và hàng thủ không được tăng cường lại khiến số bàn thua tăng lên (thêm 6 quả).

Điều tất yếu là Juventus mất vị trí số một vào tay Inter Milan, một đội bóng khiêm tốn được dẫn dắt bởi chính một cựu ngôi sao của Juventus là Alfredo Foni. Khiêm tốn ở chỗ Inter chỉ ghi được 55 bàn thắng, nhưng thủ môn Giorgio Ghezzi đã bắt một giải điên rồ của anh, chỉ để lọt tay 24 quả sau 34 trận. Kể cả ở Serie A thế kỷ 21 thì con số đó vẫn đáng nể chứ không riêng gì thời đại của Giorgio Ghezzi. Sự thật là Inter Milan không quá mạnh, nhưng họ đã biết âm thầm chịu đựng trong nhiều năm để đạp đổ Juventus và AC Milan, hai đội bóng đã tự làm suy yếu chính mình. Hai điểm ít hơn Inter Milan khi khép lại mùa bóng, Juventus thấy mình trở nên yếu hơn.

Thời của những người Đan Mạch tung hoành rồi cũng phải qua đi, không ai thanh xuân mãi với đôi chân lành lặn để mà cùng nhau bắn phá sân cỏ Serie A. Người lãnh đạo trẻ tuổi Gianni Agnelli cũng đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, rằng những cầu thủ yêu mến của ông từ Giampiero Boniperti cho đến chàng lùn Ermes Muccinelli, từ Karl Hansen cho đến John Hansen không thể chạy nhiều hơn nữa. Nhưng sân cỏ cũng có những quy tắc riêng của nó. Khi bạn nhận ra sai lầm, thì hoặc là bạn đã đánh rơi mất tất cả những gì quý giá hoặc là quá khó giành lại nó một lần nữa.

Từ đầu mùa giải 1953/54, người Hungaria György Sarosi nhường lại vị trí cho một người Verona xa lạ, cựu huấn luyện viên Inter Milan, Aldo Olivieri.  Karl Hansen là cầu thủ đầu tiên trong bộ ba Đan Mạch rời Juventus, cùng với 4 tiền vệ Italia khác. Juventus ồ ạt thay máu hàng tiền vệ, còn lại hàng thủ và tấn công thì không. Dù đúng dù sai, điều đó cũng không mang đến nhiều hiệu quả, bởi đã muộn rồi. Khi một chiếc xe lửa khổng lồ ngừng chạy sau một thời gian dài xình xịch với nắng mưa và bão gió, nó không chỉ bị rỉ một cái đinh vít. Juventus cũng thế. Những người mới đến cũng không đủ phẩm chất để thay thế những người cũ, và Aldo Olivieri cũng chỉ có thể giúp Juventus vá lại được một chút ở hàng thủ, khiến cho đội không bị thủng khung thành nhiều. Còn hàng công của bộ ba Giampiero Boniperti - John Hansen - Ermes Muccinelli đã kiệt sức, số bàn thắng tiếp tục giảm gần 20 quả xuống còn 58. Không ghi được nhiều bàn thắng, Juventus hòa quá nhiều (11 trận). Inter Milan chỉ hơn một chút, nhưng một chút khá hơn Juventus ấy, chỉ bằng đúng một trận hòa, cũng đủ để lần thứ 2 liên tiếp lấy mất scudetto của Juventus.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr March 28, 2011, 12:03 AM
Những chai nước suối của Umberto Agnelli

Giống như tất cả các thành viên trong gia đình Agnelli khác, Gianni Agnelli không thể dành hết thời gian của mình cho Juventus. Fiat, cỗ máy khổng lồ lúc đó đang chiếm gần 5% tổng thu nhập của cả đất nước Italia, mới là thứ tiêu tốn thời gian và năng lượng của ông hơn cả. Vì trọng trách mà ông nội để lại đối với Fiat, tháng 9 năm 1954 Gianni Agnelli phải rời vị trí chủ tịch Juventus. Khi mà Juventus đang được tổ chức như một đội bóng đơn thuần thuộc sở hữu của gia đình Agnelli, chưa phải là một công ty, thì việc Gianni Agnelli rời vị trí đồng nghĩa với rời ra tất cả các công việc thường ngày đã giáng một đòn cực mạnh vào đội bóng. Trong lúc mà nhiều chiếc toa trong đoàn xe lửa Juventus vẫn chưa được đóng mới.

Lần thứ hai trong lịch sử Juventus có một nhóm 3 người đóng vai trò như chủ tịch mới. Enrico Craveri, Nino CravettoMarcello Giustiniani được chỉ định hoàn thành những công việc mà Gianni Agnelli để lại. Nhưng dù ba người họ có được tăng lên thành mười thì họ cũng không thay thế được Gianni, thì Juventus cũng không thể trở lại con đường chiến thắng. Đội bóng ấy không được đầu tư mạnh mẽ bằng những ngôi sao mới. John Hansen nối gót Karl Hansen thành người thứ hai trong bộ ba Đan Mạch ra đi. Juventus chỉ còn lại vài công thần đã qua thời đỉnh cao như Giampiero Boniperti, Ermes Muccinelli, Carl Præst cộng với hàng thủ tiêu điều đều đã trên dưới 30 tuổi và vài cầu thủ trẻ kém tiềm năng.

Điều gì sẽ đến cũng phải đến, Juventus tụt một mạch xuống vị trí thứ 7 Serie A trong mùa giải 1954/55. Trớ trêu thay, họ vẫn còn đứng trên đương kim vô địch Inter Milan đúng 1 bậc và 1 điểm nhiều hơn! Cuối mùa giải này một cuộc cách mạng nhân sự đã diễn ra. Em trai Gianni Agenelli là Umberto Agnelli mới có 21 tuổi lên thay bộ ba chủ tịch. Đi cùng với Umberto Agnelli là huấn luyện viên mới người Italia vừa trở về từ Barcelona, Sandro Puppo. Một loạt cận vệ già (có Ermes Muccinelli, Rino Ferrario, Sergio Manente) phải nhường vị trí cho những cầu thủ trẻ tuổi hoặc mới được chiêu nạp hoặc được đẩy lên từ tuyến dưới. Sai lầm nối tiếp sai lầm, với riêng Juventus lúc này đây, không thể lấy lại hình ảnh của một nhà vô địch bằng những cầu thủ vô danh, không thể đẩy con tàu đi bằng việc chỉ tiếp nhiên liệu là vài chai nước suối.

Những trải nghiệm đầu tiên của chủ tịch Umberto Agnelli trẻ măng cùng với huấn luyện viên Sandro Puppo đối với Juventus thật khủng khiếp. Sau này người ta cũng kể rằng Sandro Puppo là người ương ngạnh khi nhất quyết trẻ hóa triệt để đội hình bằng những cầu thủ còn vô danh của ông. Điều đó mang lại cho Sandro Puppo thành tích mà ông chỉ muốn xóa đi trong ký ức: huấn luyện viên tệ hại nhất trong lịch sử Juventus. Hai năm dưới tay Sandro Puppo, hai lần Juventus chết đuối dưới vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng, sau nhiều năm đã thua Torino trong trận derby và lập nên vô vàn kỷ lục buồn. Cuộc cách mạng trẻ của huấn luyện viên và chủ tịch mới khiến cho Juventus chết lịm.

Khi mà Umberto Agnelli tỉnh ngộ ra sai lầm của mình, khi mà lòng kiên nhẫn đối với huấn luyện viên thảm họa Sandro Puppo đã hết, thì người phải ra đi là Sandro Puppo chứ không phải Umberto Agnelli. Đển lúc một vài cầu thủ trẻ đã tích lũy được chút kinh nghiệm thì huấn luyện viên của họ, người đã ném họ vào sân chơi khắc nghiệt Serie A cũng không còn ở đó mà để được tận hưởng thành quả nữa. Cùng với việc sa thải Sandro Puppo đó, tiền lại đổ ra, Juventus cũng mang về những ngôi sao thực sự cho mùa giải 1957/58. Không tiếp nước suối nữa, Juventus nạp năng lượng tuyệt hảo. Sau hai năm ra đi, Rino Ferrario trở về chỉ huy hàng hậu vệ. Theo gợi ý của oriundo một thời Renato Cesarini, Juventus mang về người mà sau này được gọi là thằng lùn Argentina, Maradona của những năm 60, đứa con ngỗ ngược, xấc láo và xấu xí của bóng đá, Omar Enrique Sivori từ River Plate. Chưa hết, huấn luyện viên mới Ljubiša Broćić có lưng vốn 10 năm kinh nghiệm dắt hông còn mang theo về Torino thủ môn trẻ Carlo Mattrel. Juventus tiếp tục tấn công vào phiên chợ cầu thủ bằng việc tuyển mộ trung phong khổng lồ xứ Wales, William John Charles. Vụ chuyển nhượng anh chàng vạm vỡ 1m88 John Charles từ Leed United tốn kém 65,000 bảng, lập kỷ lục mới phí chuyển nhượng ở nước Anh.

Không có lí do gì để lún sâu trong cơn mê ngủ nữa. Khi Carl Præst, người cuối cùng của bộ ba Đan Mạch nói lời chia tay, một nhóm khác xuất hiện. Dù không hoàn toàn bịt được những lỗ thủng nơi đáy hàng thủ, thì hàng công với bộ ba ma thuật (trio magico) Boniperti-Sivori-Charles cũng khuynh đảo Serie A, đủ sức kéo Juventus một mạch từ thứ 9 mùa trước lên đỉnh Serie A. Trio magico còn được gọi là 'những thiên thần có khuôn mặt xấu xí', Angeli dalla faccia sporca, theo tên một bộ phim găng-tơ Mỹ sản xuất năm 1938 vốn rất nổi tiếng ở một đất nước yêu điện ảnh như Italia.

Đôi chân Omar Sivori lướt đi bên cánh như gió cuốn, để lại đằng sau đối phương xoay tít như lá rơi. Điều đó tạo cảm hứng cho cả đội bùng nổ. Riêng Omar Sivori ghi cho mình 22 bàn thắng, người khổng lồ John Charles còn nhiều hơn, 28 và cũng lên luôn ngôi vua phá khung thành. 1957/58 là scudetto thứ 10 trọn vẹn, Juventus trở thành đội bóng Italia đầu tiên giành được 10 scudetto. Sau 3 năm khổ ải, đúng bằng thời gian chờ đợi của cha và anh mình, Umberto Agnelli cũng giành được một scudetto. Quá vui mừng vì điều đó, Gianni Agnelli nghĩ đến ý tưởng mỗi đội bóng sẽ được gắn một ngôi sao trên áo, cho mỗi 10 scudetto.

Tuy thế, khi mà bóng hình Grande Torino chỉ còn trong ký ức thì Serie A vẫn không chỉ một mình Juventus, mà còn có cả AC Milan. Juventus có Maradona của những năm 60 Sivori, thì AC Milan có Mazzola của Brazil José Altafini. Cung cách so sánh cộc lệch ấy dù sao cũng đủ để nói rằng Juventus không cô đơn, không nên lơ là. Nhưng mà họ vẫn sao lãng, đó mới là điều đáng tiếc. Có điều gì đó trong con tàu Juventus đã không hoạt động ở mùa giải tiếp theo 1958/59. Vẫn những con người ấy, nhưng Omar Sivori lại đánh mất đi ở đây đó bước chạy quyến rũ của mình, bóng hình lực lưỡng của John Charles khó dọa nạt được ai. Juventus khởi đầu mùa giải không được tốt. Chuỗi trận thất thường của đội bóng được đánh dấu bằng trận thua 4-5 trước AC Milan ngay trên sân nhà ở vòng đấu thứ 8. Có thể nói AC Milan quá mạnh với Lorenzo Buffon, Cesare Maldini, Nils Liedholm, José Altafini và Juan Schiaffino nhưng đó không phải là lí do duy nhất để lí giải cho trận thua mất mặt của đội đương kim vô địch. Vì thế huấn luyện viên Ljubiša Broćić mất chức, một người Juventus cũ Teobaldo Depetrini được đưa lên thay thế.

Nhưng dù có đổi người lái, thì chiếc xe lửa Juventus cũng chỉ cứu vãn được phần nào đó một mùa giải thất bại. Số trận thắng của Juventus vẫn giảm đi, hòa nhiều hơn, cuối cùng mất scudetto vào tay José Altafini và các đồng đội. Lần đầu tiên góp mặt ở cúp C1 châu Âu ở mùa giải này, Juventus bị đội vô địch Áo Wiener SC hạ nhục 7-0(!) trên đất Áo và bị loại ngay từ vòng 1 mặc dù đã dẫn trước 3-1 ở lượt đi trên đất Italia. Cũng may là Teobaldo Depetrini đã đưa đội giành danh hiệu an ủi Coppa Italia lần thứ ba sau trận chung kết đánh bại Inter Milan 4-1 tại San Siro. Kết quả ấy đối với một người đóng thế như Teobaldo Depetrini cũng là tạm hài lòng. Sau trận tranh cúp, ông nhường lại vị trí cho một người quen, oriundo Renato Cesarini, lần thứ 2 trở lại băng ghế huấn luyện.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr March 31, 2011, 11:40 PM
Bài học thuộc lòng khó nhớ

Torino cuối cùng cũng phải xuống hạng dù đã phải kiên trì chống đỡ từng mùa một. Đến lúc này thì Serie A là cuộc chiến giữa AC Milan, Inter Milan và Juventus. Những trận đấu duyên nợ giữa AC Milan và Juventus đã có từ những ngày đầu tiên của bóng đá Italia và đến bây giờ thì cuộc đối đầu giữa Inter Milan và Juventus còn được đẩy lên một tầm cao hơn: Trận đấu của nợ nần và thù hận chồng chất. Đó cũng là lí do để trong mười năm tiếp theo cái cụm từ nghe rung động derby d’Italia mà các nhà báo gán cho trận đấu Juventus - Inter Milan ra đời. Mà thôi, ta cứ kệ những ngày bắt đầu để derby d’italia ra đời ở đó để nói về Umberto Agnelli. Khi anh đã mở ra một chu kỳ thành công mới của Juventus, không có lí do gì để dừng lại.

Renato Cesarini cũng không cần lần trở về này để đánh bóng thêm tên tuổi của mình nữa. Bởi từ lâu rồi ông đã xây nên hình ảnh không thể nào quên của mình trong suốt chiều dài lịch sử Juventus. Nhưng Juventus cần ông, cho một scudetto. Và ông mang đến không phải một chiếc cúp, mà là hai, thậm chí không phải hai, mà nhiều hơn nữa.

Trong mùa bóng 1959/60, Juventus không có bất kỳ một sự thay đổi lớn nào trong đội hình ngoại trừ vị trí huấn luyện viên. Thế nhưng trên sân nhà Comunale đội hình vô địch hai năm trước lấy lại được bóng dáng quyến rũ của mình trong đôi chân Omar Sivori và John Charles. Juventus vùi dập tất cả. Mười bảy trận đấu trên sân nhà, Juventus thắng 15, ghi vô vàn bàn thắng. Khi Omar Sivori và John Charles tìm lại phong độ của mình, không tiền đạo nào ở Serie A có thể theo kịp nữa, kể cả người đó là José Altafini hay là ngôi sao của Fiorentina Kurt Hamrin. Sau John Charles năm 1958, Omar Sivori lên ngôi vua phá lưới Serie A với 28 bàn thắng, John Charles cũng đứng thứ 3 trong danh sách với 23 bàn và đưa Juventus giành lấy scudetto lần thứ 11.

Đối với scudetto này, Juventus được ngợi ca không phải với hình ảnh aggressivi e forti như ngày xưa, mà mang đến cảm giác của một Juventus với những bước chạy lôi cuốn kỳ diệu của trio magico. Không dừng lại ở đó, Juventus còn tiến một mạch đến trận chung kết Coppa Italia, đánh bại chính á quân Fiorentina trên sân San Siro để giành cú đúp đầu tiên ở Italia. Chiến thắng này thuộc về Umberto Agnelli, Renato Cesarini và các cầu thủ. Nhưng trong men say chiến thắng ấy, cũng có những điều đáng lo ngại mà người ta không nhìn thấy hoặc những bài học từ quá khứ đã bị cố tình không ghi nhớ trong lòng.

Chiến thắng bao giờ cũng tạo ra ảo tưởng về sức mạnh của mình. Juventus cũng có lúc như thế. Bài học mà Gianni Agnelli đã trải qua vài năm trước không được Umberto Agnelli và chính Gianni Agnelli ghi nhớ. Nếu một ngày bộ ba ma thuật Giampiero Boniperti - Omar Sivori - John Charles ngừng chạy như những người Đan Mạch trước đây, điều gì sẽ đến? Không có gì cả ngoài nỗi buồn của nhiều mùa giải thua cuộc. Dù biết hay không biết điều đó, dù nhớ hay không nhớ điều đó, thì Umberto Agnelli và người anh mình, Gianni Agnelli (dù đã không còn về mặt lý thuyết đứng đầu Juventus nữa, nhưng vẫn có những ảnh hưởng quan trọng) cũng không có bất cứ một sự tăng cường lực lượng nào cho đội bóng vào mùa giải 1960/61, năm mà họ sẽ bảo vệ hai chiếc cúp trong nước và một lần nữa dấn thân vào đấu trường cúp C1 châu Âu.

Mối lo ngại ngày đã lập tức phát tác và suýt chút nữa khiến cho Juventus trắng tay ở mùa giải 1960/61. Ngay từ những vòng đầu tiên, Juventus đã mất phương hướng, thua hai trận liên tiếp trước Fiorentina (0-3) và AC Milan (3-4). Bại trận 3-4 ngay trên sân nhà trước AC Milan chẳng khác nào trận thua 4-5 ở mùa 1958/59 làm cho Ljubiša Broćić mất chức. Mỗi khi đội bóng thất bại thì người đầu tiên phải bước lên giá treo cổ là huấn luyện viên. Và ở Juventus lúc này, nếu có sai lầm, thì sai lầm không bao giờ thuộc về Gianni Agnelli và Umberto Agnelli. Còn lại, dù bạn là ai, bạn cũng chỉ có một lần cơ hội. Sai lầm, có nghĩa là sẽ không có lần thứ hai cho bạn sửa chữa. Đấy là nguyên tắc khắc nghiệt đi theo Juventus đến mãi về sau này.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr April 04, 2011, 11:08 PM
Derby, đôi giày và chiếc đi văng

Dưới áp lực kinh khủng của Juventus và cả những người hâm mộ khắp Italia của nó, Renato Cesarini phải từ chức chỉ sau 6 trận đấu, nhường ghế cho cựu hậu vệ tài năng ngày nào. Đó chính là cầu thủ hệ sau của Renato, Carlo Parola. May mắn là Juventus đã không chìm đi tiếp như mùa 1958/59 mà vực dậy được, hoặc là các đối thủ không đủ sức để trừng phạt họ. Carlo Parola đưa đội bóng đi dần về cuối mùa giải, cuối cùng cũng giành được scudetto lần thứ 2 liên tiếp. Nhưng đó chính là một trong những scudetto vất vả nhất trong lịch sử Juventus (thua 7 hòa 5 trong 34 trận). Ở Coppa Italia, họ thua chính Fiorentina ở bán kết và chỉ giành giải ba. Còn Cúp C1, một lần nữa Juventus thua thảm ngay từ vòng 1, lần này là 1-4 trên đất Bulgaria của CDNA Sofia dù đã thắng 2-0 lượt đi.

Chức vô địch Serie A của Juventus lần này còn được nhớ nhiều hơn bởi một trong những câu chuyện ghi dấu đậm nhất về mối căm thù giữa những người Juventus và Inter Milan. Ngày 16 tháng 4 năm 1961, Juventus tiếp nhà vô địch mùa đông Inter Milan ở vòng đấu thứ 28 của Serie A diễn ra trong cảnh Inter Milan đang trải qua 5 trận liên tiếp không thắng (4 thua), trong khi Juventus lại vừa thắng 4 trận liên tiếp (sau trận thua AC Milan 1-3 ở vòng 23) để vượt lên bỏ cách Inter Milan 4 điểm. Trên sân Comunale, Juventus thông báo bán được 61,000 vé vào cửa cho trận đấu mà các nhà báo gọi là ‘trận đấu của năm’. Nhưng thực ra con số có vẻ hơn rất nhiều, đến nỗi khoảng 5,000 cổ động viên đã tràn vào sát mép sân. Một cặp vợ chồng thậm chí còn nhảy cả vào băng ghế của đội Inter Milan để ngồi. Các cổ động viên chỉ ngồi cách đường biên một mét và gây ra áp lực đối với trọng tài Carlo Gambarotta. Phút thứ 31, Egidio Morbello sút bóng đập cột dọc Juventus, cả sân bóng như sấm dậy đã khiến Carlo Gambarotta hoảng hồn thổi còi chấm dứt trận đấu, dù sau này cầu thủ Inter Milan Aristide Guarneri nói rằng ‘có vẻ như không có gì thực sự nguy hiểm’. (Mùa 1958/59 trận Inter - Juventus cũng bị dừng giữa chừng, nhưng vì sương mù, trong lúc Inter đang dẫn 2-0, đá lại Juventus thắng 3-1!).

Theo như tiền lệ và cũng có thể đoán trước được, sau cuộc họp, ban tổ chức giải Serie A quyết định xử cho Inter Milan thắng 2-0, rút ngắn cách biệt với Juventus xuống còn 2 điểm (2 điểm cho 1 trận thắng). Nhưng Juventus, một đội bóng mà quyền lực đang bao trùm bóng đá Italia (Umberto Agnelli còn đang đứng đầu FIGC) không dễ dàng chấp nhận như thế, trận đấu được lôi ra tòa án thể thao. Tại đây, một ngày trước ngày cuối cùng trước mùa giải, tức là vòng 34, khi Inter Milan chuẩn bị tiếp Catania trên sân nhà San Siro, tòa án thể thao quyết định đá lại trận Juventus - Inter Milan.

Quyết định trên đã giáng một đòn tinh thần như búa nện xuống đầu các cầu thủ Inter Milan khiến cho đội này đá như mất hồn và chịu thua luôn Catania 0-2. Chưa hết, chủ tịch Inter Milan Angelo Moratti tức tối kêu lên FIGC, nhưng những gì ông ta nhận được chỉ là sự im lặng. Quá cay đắng bởi quyết định của tòa án, Angelo Moratti và huấn luyện viên Helenio Herrera cùng bảo nhau tung đội trẻ vào sân trong trận đá lại với Juventus.

Bước vào trận đá lại là lúc Juventus có thừa điểm để giành scudetto vì Inter đã mất 2 điểm lại thua Catania. Trong đội trẻ Inter Milan ấy có Sandro Mazzola, con trai của huyền thoại Valentino Mazzola, chơi trận ra mắt và đã gỡ lại một bàn danh dự cho Inter Milan. Nhưng những cậu nhóc ấy không thể chống đỡ được những người Juventus. Họ đã nã vào khung thành Inter Milan 9 lần, riêng Omar Sivori đã tự điền thêm 6 quả cho mình trong cuộc đua giành Quả bóng vàng châu Âu. 9-1 cho Juventus, mẹ của tất cả các trận derby d’Italia, và scudetto lần thứ 12. Đó là một scudetto có nhiều dư vị, những sai lầm (của nhiều người) được sửa chữa bằng sự ra đi (của một người - Renato Cesarini) hồi đầu mùa, có ám ảnh bởi quyền lực bao trùm của Juventus ở calcio Serie A (với Umberto Agnelli), có trận đấu của lòng thù hận (derby d’italia), có Quả bóng vàng châu Âu (Pallone d'oro) đầu tiên cho Juventus (của Omar Sivori), có sự xuất hiện của một tài năng mới (Sandro Mazzola) và có cả một lời từ giã.

Sau trận đấu, vào đến phòng thay đồ, Giampiero Boniperti ngồi xuống chiếc đi văng và gọi tay mát-xa của đội lại. Anh đưa cho gã ta đôi giày và bảo: ‘đây, cầm lấy, hãy mang nó đi đi, tôi không cần đến nó nữa’, như một lời chia tay. Giampiero Boniperti, 33 tuổi, khép lại cánh cửa của sự nghiệp cầu thủ 15 năm và kỷ lục 178 bàn thắng với Juventus.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: souslevent April 11, 2011, 04:47 PM
Bác Pavel tiếp đê, lâu lắm không thấy hàng về. Đang ngon lành mà đứt quãng thế
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex April 11, 2011, 06:21 PM
Chắc đang đưa vợ đi nghỉ mát, đợt này được nghỉ hơi bị nhiều.
@Sous: Làm tớ cứ tưởng có bài mới    
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr April 12, 2011, 12:41 AM
Cuộc phiêu lưu của viên phi công chiến tranh

Scudetto năm 1960/61 của Juventus giống như là giây phút gượng dậy lần cuối của một đấu thủ sắp bị hạ đo ván vì kiệt sức hoàn toàn. Umberto Agnelli và Gianni Agnelli không làm gì nhiều để tránh được giây phút ấy. Lối mòn mà Gianni Agnelli đã đi giờ đây được Umberto Agnelli lặp lại. Hai năm qua không có một cầu thủ tài năng nào cập bến Torino. Điều gì sẽ đến khi Giampiero Boniperti, Omar Sivori và John Charles không còn chạy nữa, như cái lúc mà bộ ba Đan Mạch ra đi?

Bảy năm cuối của sự cầu thủ với Juventus, không mùa nào Giampiero Boniperti ghi được đến 10 bàn thắng ở Serie A. Nhưng ảnh hưởng của ông đến đội bóng lớn hơn rất nhiều những bàn thắng. Khi Giampiero Boniperti nói ‘tôi không cần đến nó (những đôi giày) nữa’ thì Juventus chỉ còn lại những điều hụt hẫng. Tiếp theo Giampiero Boniperti, huấn luyện viên chữa cháy Carlo Parola cũng không dám tiếp tục ngồi trên ghế huấn luyện viên. Gianni Agnelli luôn quan tâm đến đội bóng của em mình, hàng ngày từ lúc rời vị trí chủ tịch. Nhưng chỉ quan tâm từ xa là không đủ, không bao giờ đủ cho một nhà vô địch.

Bước vào mùa bóng 1961/62, hai huấn luyện viên mới được chỉ định cùng lúc là cựu ngôi sao AC Milan Gunnar Gren và cựu cầu thủ Juventus Július Korostelev: Một người từng là thành viên của bộ ba Thụy Điển ở AC Milan, một người Cecoslovacchia đôi phần xa lạ. Thủ môn trẻ Roberto Anzolin 23 tuổi được gọi đến từ Palermo là bổ sung đáng chú ý nhất, nhưng rồi chính anh là vết son in dấu thảm họa của đội bóng.

Sau hai trận ra quân, ĐKVĐ Juventus hòa một thua một trước hai chú lùn Mantova và Padova. Không khí hoang mang bao trùm lên đội bóng, Gianni và Umberto Agnelli phải gấp rút gọi Carlo Parola quay trở lại, lần thứ 2 biến anh trở thành người chữa cháy. Nhưng người lính cứu hỏa Carlo Parola dù có dũng cảm đến đâu đi chăng nữa thì Juventus vẫn cứ chết ngạt. Trong tay anh không có nổi một bình bọt và dĩ nhiên là anh không thể cứu Juventus một lần nữa.

Mùa giải 1961/62 với ĐKVĐ Juventus là mùa bóng thảm họa nhất trong lịch sử. John Charles bị chấn thương liên miên và Omar Sivori xuống sức, không còn ai có thể kéo nổi Juventus dừng lại trong lúc nó trượt dài xuống vực. Sau 34 vòng đấu, Juventus hứng chịu 56 bàn thua (riêng thủ môn mới Roberto Anzolin chịu đựng 45 quả trong 30 trận bắt chính, một kỷ lục tồi tệ. Chưa hết, họ liên tiếp hứng chịu những trận thua tan tành (tổng cộng kỷ lục 15 trận thua, 9 hòa). Trong số ấy có những trận thảm bại ngay trên sân nhà Comunale trước 3 kình địch AC Milan, Inter Milan và AC Torino (đội mới trở lại Serie A) khiến cho Juventus lao một mạch xuống vị trí thứ 12 chung cuộc, vị trí thấp nhất trong lịch sử ở Serie A. Lần thứ ba góp mặt ở cup C1 châu Âu, Juventus của huấn luyện viên Carlo Parola có cải thiện được đôi chút thành tích nhưng cũng chỉ tiến được đến tứ kết rồi thua Real Madrid của tiền đạo Di Stéfano và mùa giải kết thúc mùa giải như một cơn ác mộng.

Juventus, La Fidanzata d’Italia - Người tình của nước Ý, trở thành La Vecchia Signora - Bà đầm già. Bây giờ thì cảm giác nào trong đầu của Gianni và Umberto Agnelli, tâm trạng nào trong lòng hàng trăm nghìn công nhân của đế chế Fiat, hàng triệu cổ động viên khắp miền nam Italia? Juventus những ngày mà Umberto Agnelli làm chủ tịch mở ra bằng 2 năm đầu mê man, tiếp theo là 2 năm mơ đẹp và năm cuối cùng ác mộng. Vì công việc bận rộn, hai anh em đang nỗ lực biến Fiat thành một đế chế công nghiệp khổng lồ Italia, cả ở Đông Âu lẫn Nam Mỹ, nên Umberto Agnelli đã rứt ra khỏi vị trí chủ tịch Juventus. Hoặc là vì sợ hãi trước sức ép không thể chịu nổi mà Umberto Agnelli phải trả lại chức danh ở đội bóng cho anh trai mình.

Dù là bất kỳ lí do gì, thì đứng ở vị trí tay lái chiếc hỏa xa Juventus không bao giờ có sự thanh thản dù chỉ là một chút. Mùa hè năm 1962, Gianni Agnelli chỉ định kỹ sư Vittore Catella, một người bạn thân, cựu phi công trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, vào chức chủ tịch. Đó là một con người đã vào sinh ra tử trong chiến tranh, cũng là bạn thân của viên phi công Pierluigi Meroni – người đã tử nạn trong sương mù trên đồi Superga cùng với cả đội bóng AC Torino năm 1949 trong khi Vittore Catella đang ngồi đợi anh hạ cánh ở sân bay với một ly café còn bay khói. Đối với Vittore Catella, đó là một trải nghiệm quá đớn đau trong đời. Còn bây giờ chức chủ tịch Juentus là một lần bổ nhiệm bất ngờ và đầy lo sợ. Từ đó chắc ông cũng hiểu rằng nỗi sợ hãi này chẳng kém là bao so với việc lái máy bay lao vào vùng trời mịt mù đạn pháo cao xạ.

Và đó là một mùa hè tấp nập kẻ đến người đi. Theo chân Umberto Agnelli, Carlo Parola, John Charles và đôi chân tập tễnh vì chấn thương cùng vài người nữa ra đi để lại thành phố Torino sau lưng. Lần đầu tiên ở Juventus xuất hiện những người Brazil. Đó phải nói là một cuộc cách mạng. Từ thành phố mang tên nhà đi biển huyền thoại Vasco da Gama, một người Brazil có cái tên xa lạ Paulo Amaral đến Torino và nhận chiếc ghế huấn luyện viên. Ông vốn là một trợ lí huấn luyện... thể lực cho đội tuyển Brazil vô địch thế giới 1958 và đã từng bôn ba khắp các thành phố lớn nhỏ ở Brazil. Trong cá tính của Paulo Amaral và chủ tịch cựu phi công Vittore Catella hẳn phải có chút gì của dòng máu ưa phiêu lưu mạo hiểm giống nhau.

Đi cùng huấn luyện viên từ Brazil là tiền đạo của Flamengo, Armando Miranda. Nhưng đầu tư đáng kể nhất phải nói đến ngôi sao người Tây Ban Nha Luis del Sol, người có mặt trong đội hình Real Madrid đánh bại Juventus ở cúp C1 mùa trước. Ngoài ra còn có hậu vệ mới Sandro Salvadore từ AC Milan và một vài cầu thủ khác. Juventus như có một cuộc lột xác của loài rắn, một chút gì Latin hóa với lối chơi tấn công cùng sơ đồ 4-2-4 sáng chế từ WM thông dụng. Và suýt chút nữa cuộc phiêu lưu ấy đã thành công...
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr April 12, 2011, 10:14 PM
Nét vẽ nhạt nhòa Brasiliani

Giữa mùa bóng 1962/63, Juventus đã chiến thắng đều đặn nhờ những bàn thắng của cặp tiền đạo Armando Miranda và Omar Sivori. Hàng thủ cũng thủng lưới ít hơn (chỉ bị 25 quả) bởi đã có Sandro Salvadore. Nhưng 12 trận cuối cùng của giải đấu, đội bóng bỗng nhiên đuối sức và chỉ thắng được 3 trận (5 trận hòa, 4 thua) rồi cuối cùng bị Inter Milan của Helenio Herrera vượt qua với cách biệt 4 điểm. Đó là một sự kết thúc không hoàn hảo, nhưng đối với một đội bóng vừa thay da đổi thịt, vừa từng tụt xuống thứ 12 Serie A thì cũng có thể coi là một thành công. Ít nhất, Juventus đã trở lại được vị trí thứ 2, đứng trên cả ĐKVĐ AC Milan.

Lúc này có một điều kỳ lạ đang diễn ra đối với bóng đá Italia. Khi Juventus giảm số bàn thua của mình từ 56 xuống còn 25 trong mùa bóng đầu tiên dưới thời một huấn luyện viên Brazil, thì Inter Milan với huấn luyện viên người Argentina Helenio Herrera thậm chí chỉ chịu vỡ khung thành 20 quả (sau 34 trận). Đây rõ ràng mà những con số phòng thủ cực kỳ ấn tượng mà ngay cả bóng đá hiện đại sau này cũng phải nể phục. Không chỉ có Inter Milan và Juventus, một loạt các đội bóng ở Serie A khác (điển hình là Bologna, AC Milan, Fiorentina) cũng chú tâm vào phòng thủ để làm sao không bị thủng lưới. Việc ghi bàn ở Serie A trở nên khó khăn bất chấp sự có mặt của hàng loạt các tên tuổi tiền đạo tài giỏi. Serie A cũng khắc nghiệt hơn bởi chỉ có 18 đội tham gia nhưng cuối mùa có đến 3 đội phải tụt xuống Serie B. Chính từ năm này, lối chơi catenaccio phát triển lên một tầm cao mới so với những năm 1940s, 1950s và được ưa chuộng khắp Italia. Nhưng cuộc cách mạng catenaccio cũng chỉ mang lại thành công cho một, hai đội bóng thôi chứ không phải tất cả. Bởi một lẽ đơn giản, có đội thắng thì phải có đội thua, mà trong một hai đội thắng đó không có tên Juventus.

Thành công bước đầu của Juventus ở Serie A với huấn luyện viên Paulo Amaral lan sang giải đấu cúp mùa hè Coppa delle Alpi lần đầu tiên giữa các đội bóng châu Âu nằm quanh dãy Alpi. Tháng 6 năm 1963, sau bốn trận đấu, Juventus đoạt Coppa delle Alpi, danh hiệu châu Âu đầu tiên của mình. Và lúc bấy giờ, xu hướng phiêu lưu Latin hóa với những người Brazil trở nên đậm nét hơn. Sau mùa hè năm 1963, vì lí do gì đó Armando Miranda ra đi (người ta nói rằng anh nhớ nhà) và một cầu thủ Brazil khác đến, có tên là Claudio Olinto de Carvalho hay thường gọi là Nené mới 21 tuổi. Ngoài ra còn có một người Brazil nữa là tiền vệ Dino Da Costa. Nhưng đó là một xu hướng dở dang mà huấn luyện viên Paulo Amaral không bao giờ có thể hoàn thành được. Mùa giải 1963/64 mới chỉ bắt đầu được 4 vòng đấu, Paulo Amaral bất ngờ phải rời khỏi Torino trở về Brazil và không bao giờ quay lại ghế huấn luyện viên Juventus nữa. Nhà vô địch thế giới 1934, 1938 khi xưa là Eraldo Monzeglio được gọi đến để thay thế. Lịch sử Juventus với những người Brazil dừng lại dang dở để rồi đến mấy chục năm sau dù có thêm nhiều người Brazil cũng đã đến Torino nhưng họ cũng không bao giờ viết nên được điều gì lớn lao ngoài những nét vẽ nhạt nhòa.
 
Khi mà bộ ba ma thuật Giampiero Boniperti - John Charles - Omar Sivori chỉ còn lại một mình Omar Sivori đã qua thời trai tráng nhất; khi mà Paulo Amaral đã trở về Brazil, những người mới như huấn luyện viên Eraldo Monzeglio, Luis del Sol, Sandro Salvadore hay Nené không thể thừa sức để kéo cả một đội hình không tốt đi lên. Juventus tụt xuống thứ 5 ở Serie A 1963/64. Scudetto về tay Bologna, đội bóng chơi phòng thủ còn kinh khủng hơn cả Inter Milan, vì họ chỉ chịu thua 18 bàn trong 34 trận. Ở Coppa delle Fiere, tiền thân của cúp C3 mùa bóng 1963/64 ấy, Juventus cũng chỉ vào được đến tứ kết trước khi bị đội vô địch Real Zaragoza đánh bại. Con tàu Juventus đã trật khỏi đường ray rồi, nó cần một cái đòn bẩy và lực đẩy khổng lồ để bẻ ghi cho trở lại đúng đường. Mặc dù Nené đã có những bàn thắng cho riêng mình, Omar Sivori vẫn cố gắng đều đặn ghi hơn 10 bàn thắng nhưng từng ấy khiêm nhường là không đủ để Juventus trở thành một đội bóng chiến thắng.

Mùa hè năm 1964, xu hướng Brazil hóa gần như lụi tàn. Nené chơi cùng vị trí với Omar Sivori nên dĩ nhiên là anh không có nhiều cơ hội trụ lại Juventus. Ông thầy Paulo Amaral không còn, Juventus bán Nené ra đảo Sardegna cho Cagliari. Số tiền chuyển nhượng lên đến 600 triệu lira và Juventus cho phép Cagliari... trả góp trong vòng 4 năm. Từ đây Nené trở thành huyền thoại ở ngoài đảo Sardegna còn mối quan hệ giữa Juventus và Cagliari bắt đầu có rất nhiều năm nồng ấm. Sau cuộc ra đi của Nené, là một huấn luyện viên mới đến. Một người nữa từ Nam Mỹ, lần này người Paraguay Heriberto Herrera đến đây khi mới 38 tuổi. Người ta gọi ông là HH2 để cho khỏi nhầm với huấn luyện viên của Inter Milan vốn đang rất nổi là Helenio Herrera. Theo sau HH2 là một tiền đạo Pháp sinh ra ở Argentina, Néstor Combín.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr April 18, 2011, 10:37 PM
Phía sau bức nhung yên lặng

Heriberto Herrera mang đến một phong cách tập luyện mới mẻ với những bài tập thể lực rất nặng, di chuyển liên tục với bóng và cả không bóng. Phương pháp này dần nâng cao thể lực của các cầu thủ. Tuy nhiên thì Néstor Combín chưa thể so với Nené và với những ngôi sao ít ỏi trong tay, Heriberto Herrera đã phải làm việc cật lực để có một mùa giải 1964/65 tạm hài lòng. Ở Serie A, giai đoạn lượt đi Juventus đã chơi tốt. Nhưng ở lượt về, dù hàng thủ mạnh mẽ mà lực lượng tấn công mỏng manh nên họ đã bị hụt hơi và cuối cùng chỉ có được vị trí thứ 4. Sáng sủa hơn là ở Coppa Italia, Juventus của HH2 tiến thẳng một mạch đến chung kết, đánh bại đội vô địch Serie A bằng chính tỉ số yêu thích của đội bóng này, 1-0 và đoạt Coppa Italia lần thứ 5. Ở cup C3 Coppa delle Fiere trên đấu trường châu Âu, cũng bẳng lối chơi phòng thủ khó chịu mà Juventus tiến đến trận chung kết cup châu Âu đầu tiên của mình. Tiếc nuối là ở đây họ chịu thua Ferencvárosi của Hungaria ngay tại sân nhà Comunale đúng 1 quả. Dù sao như thế cũng là một mùa giải thành công cho tất cả những người Juventus kể cả chủ tịch phi công Vittore Catella, trừ Omar Sivori. Suốt mùa bóng này Omar Sivori đã phải chống đỡ với rất nhiều chấn thương khiến cho số trận góp mặt của anh chỉ là 15 và kiếm được vỏn vẹn 3 bàn thắng. Những chấn thương khi xưa đã kéo Felice Borel, John Charles ra khỏi Juventus  và vinh quang, giờ đây đến lượt Omar Sivori.

Sang mùa giải 1965/66, Omar Sivori phải chia tay Juventus đến Napoli vừa chơi vừa giữ sức, nơi mà ông lăn lộn thêm 4 mùa giải nữa với số trận đấu và bàn thắng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quả bóng vàng châu Âu đầu tiên của Juventus, người cuối cùng trong trio magico, những thiên thần có khuôn mặt xấu xí (Angeli dalla faccia sporca - lấy theo tên một bộ phim găng-xtơ Mỹ năm 1938) hay 'Maradona của những năm 60' đã chia tay Juventus như thế sau 8 năm gắn bó. Có nhiều người nói rằng cuộc chia tay này của gã điên Omar Sivori không hề êm ả. Dường như đã có những mối bất hòa giữa thương binh Omar Sivori và ban lãnh đạo Juventus. Tính khí ngang tàn của anh một lần (cuối cùng) lại bộc lộ khi anh đối đầu với chính Juventus 4 năm sau đó tại San Paolo: anh phang vào chân Erminio Favalli một cú trời giáng, nhận thẻ đỏ, bị cấm thi đấu 6 trận và từ giã luôn sân cỏ Italia…

Tuy nhiên, sự ra đi của Omar Sivori đã không làm cho những người Juventus bận tâm, hoặc giả có bận tâm cũng không động đậy nhiều. Suốt mùa hè năm 1966, Juventus hầu như không có bất cứ một sự tăng viện nào đáng kể. Mức đầu tư nhỏ giọt chỉ mang lại về cho đội bóng nhưng cầu thủ trẻ tầm thường. Đó là một sự im lặng của Gianni và Umberto Agnelli khi mà Fiat bắt đầu xây dựng những nhà máy trên khắp châu Âu, Viễn Đông và Châu Mỹ, chiếm lĩnh thị trường ô tô, máy bay và những loại máy móc hạng nặng khác trên thế giới.

Sự im lặng nào rồi cũng lộ ra những ý nghĩa của nó. Dưới bàn tay của Heriberto Herrera, Juventus biến thành một đôi quân có tổ chức tốt. Nhưng một khi huấn luyện viên trở thành ngôi sao gần như duy nhất của đội bóng thì thành công cũng không bao giờ thèm gõ cửa đội bóng ấy. Khởi đầu mùa giải tốt lành bằng 12 trận đầu không thua, nhưng lực lượng mỏng manh lại khiến Juventus lụi đi ngay sau Giáng sinh để rồi kết thúc Serie A ở vị trí có thể nói là không thể chịu đựng được thêm nữa - thứ 5. Ở Coppa Italia, ĐKVĐ Juventus dừng lại ở bán kết, còn tại cúp C2 châu Âu Coppa delle Coppe, Juventus bị loại ngay từ vòng một bởi đội Á quân rất mạnh Liverpool. Cái vòng luẩn quẩn thứ 4 rồi lại thứ 5 đi theo Juventus suốt 3 năm qua bởi vì Juventus đã đi sai đường. Trào lưu Brazil đang rộn ràng của Serie A không thành công với Juventus. Dở dang ở hai mùa đầu tiên rồi thành im lặng ở mùa sau cùng. Thế là, ý nghĩa đầu tiên của sự im lặng này là thất bại.

Mùa hè năm 1966, đội tuyển Italia dự cúp Thế giới phần đông là những cầu thủ Inter Milan và Bologna (Juventus chỉ có 3 người là thủ môn Roberto Anzolin, hậu vệ Sandro Salvadore và tiền vệ Gianfranco Leoncini). Rồi Italia chịu thất bại đau đớn nhất trong lịch sử tham gia cúp Thế giới, thua đội nhược tiểu Bắc Triều Tiên 0-1 và trở về nước ngay sau vòng đấu bảng. Liên đoàn bóng đá Italia tức giận, người dân tức giận. Tất cả đổ lỗi cho những cầu thủ nước ngoài đã đến tràn lan rồi bóp chết tài năng bóng đá Italia (!). Dù đúng hay sai, sau sự kiện đáng buồn ấy, FIGC cũng ra điều luật hạn chế cầu thủ nước ngoài ở Serie A. Trong những ngày hè bối rối này, Juventus cũng có bước đi đột phá của riêng mình. Juventus Football Club đổi tên thành Juventus Football Club S.p.A. Gianni và Umberto Agnelli chính thức biến Juventus trở thành một công ty cổ phần. Từ đây vai trò của chủ tịch của Juventus chỉ còn đơn thuần về mặt chuyên môn. Như thế cũng là một điều hay đối với Vittore Catella.

Trong cái lúc mà bầu không khí Italia đang ngột ngạt thì những luồng gió mới liên tiếp thổi vào Juventus. Sau quyết định biến Juventus thành một công ty cổ phần, một vài cầu thủ thuộc loại khá cũng đến, như là tiền vệ Erminio Favalli, tiền đạo Virginio De Paoli và người Brazil duy nhất còn sót lại, chính là hậu vệ trẻ Sidney Cinesinho được đẩy lên đá chính. Juventus thay đổi. Và như thế im lặng cũng có nghĩa là dấu hiệu của những cơn bão đổi thay.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr April 19, 2011, 01:22 PM
Cuộc tiếm ngôi của huyền thoại catenaccio

Hàng thủ, dưới bàn tay của huấn luyện viên Heriberto Herrera đã trở nên chắc chắn lạ thường trong những năm mà ảnh hưởng của catennacio lan tỏa khắp Italia. Đó là lúc chiến thắng. Tuy thế mọi chuyện không phải là dễ dàng. Serie A mùa giải 1966/67 là năm bám đuổi quyết liệt và nghẹt thở chưa từng có giữa Juventus và Inter Milan. Nếu bạn nghi ngờ khi đội vô địch chỉ ghi được 44 bàn thắng (mà chỉ thủng khung thành 19 lần) sau tổng cộng 34 trận, còn cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho đội bóng ấy không vượt quá 11 quả? Thì bạn đã không hiểu tí nào rồi. Bởi vì đây là bóng đá phòng thủ Italia và đây là catennacio.

Kết thúc lượt đi Serie A mùa giải 1966/67, Inter Milan vẫn đứng đầu bảng nhưng chỉ hơn Juventus đúng một điểm. Tình hình của lượt về không hề thay đổi, kể cả có những lúc Inter Milan nới rộng khoảng cách thêm một hai điểm thì cuộc đua vẫn chưa bao giờ quyết liệt đến như vậy. Trước trận lượt về Juventus - Inter Milan tại vòng 31, Inter Milan đang dẫn trước Juventus 4 điểm vì chính đội bóng thành phố Torino vừa để thua 1-3 trên sân San Siro của AC Milan ở vòng 30. Juventus như là một con tàu đang chạy những km cuối cùng của đường đua trong trạng thái căng thẳng tột độ về những mất mát trên đường đi của mình. Ở đó có nỗi ám ảnh về một mùa giải trắng tay nữa: đã bị Dinamo Zagabria loại ở tứ kết cúp C3 Coppa delle Fiere và giờ đây Inter Milan đang bỏ xa họ bằng số điểm của 2 trận thắng (hay 4 trận hòa).

Rồi trong phút giây tăm tối tuyệt vọng ấy, Juventus tìm thấy ánh hào quang. Trên sân Stadio Comunale, bàn thắng duy nhất của tiền vệ Erminio Favalli đã hạ gục Inter Milan. Ngày 7 tháng 5 năm 1967, Heriberto Herrera đã đánh bại Helenio Herrera trong trận đấu mà nhà báo Giovanni Brera gọi là derby d’Italia. Khoảng cách chỉ còn 2 điểm, Juventus trở nên phấn khích bao nhiêu thì Inter Milan trở nên căng thẳng bấy nhiêu. Trong phút chốc, tâm lí của hai đội bóng truyền ngược sang cho nhau.

Vòng đấu thứ 32, Juventus hành quân đến Mantova cùng xứ Lombardia với Milano và giành được 1 điểm quý giá. Không phải 1 điểm này quý giá ở việc Juventus cả trên sân nhà lẫn sân khách đều không đánh bại được AC Mantova, đội bóng vốn chỉ đứng giữa bảng xếp hạng, mà ở chỗ cùng thời điểm đó Inter Milan cũng không khuất phục được SSC Napoli trên sân San Siro. Khoảng cách vẫn là 2 điểm. Vòng 33, Juventus tiếp tục làm khách trên sân của xứ Venoto còn Inter Milan vẫn ở nhà tiếp Fiorentina. Lúc mà Juventus đánh bại Vicenza 1-0 bằng bàn của tiền đạo Giampaolo Menichelli thì tinh thần sợ hãi đã khiến Inter Milan một lần nữa bị Fiorentina cầm hòa, hoàn toàn mất kiểm soát chính bản thân mình. Khoảng cách chỉ còn 1 điểm. Mọi lợi thế của Inter Milan dần dần biến mất. Ngày 25 tháng 5 năm 1967, Inter Milan hôn mê và thua Celtic Glasgow trong trận chung kết cúp C1 châu Âu.

Về Serie A, sau hai trận liên tiếp trên sân nhà, Helenio Herrera phải dẫn quân sang Mantova với những đôi chân không thể điều khiển được nữa, còn Juventus say máu trở về nhà tiếp đón Ss Lazio. Cuối cùng cơn hôn mê của Inter Milan cũng kết thúc bằng cái chết và… chết hẳn. AC Mantova không để lại cho Inter Milan (6 trận cuối cùng không thắng) 1 điểm như đã dành cho Juventus, mà lấy hết bằng chiến thắng 1-0. Cùng lúc đó Juventus vượt qua Ss Lazio 2-1 mà giành lấy scudetto ở vòng đấu cuối cùng. Cuộc đua scudetto ấy nghẹt thở nhất trong lịch sử cho đến lúc đó. Hàng nghìn công nhân Fiat và những cổ động viên khác đổ ra vây kín những quảng trường ở Torino ăn mừng scudetto lần thứ 13. Đó là ngày 1 tháng 6 năm 1967.

Ngày 7 tháng 6 năm 1967, Inter Milan chỉ còn là cái xác chết và bị Padova mang ra đánh đập bán kết ở Coppa Italia. Đế chế của Helenio Herrera lụi tàn khi mùa bóng kết thúc. Nhưng rồi Heriberto Herrera cũng chẳng thể tiếm ngôi mãi mãi. Hay nói đúng hơn, Juventus của ông không có những bổ sung chất lượng để lấp đầy khoảng trống quyền lực mà Inter Milan đánh mất. Những người đã giúp Juventus nhận ra điều đó là một đội quân ngáo ộp ở châu Âu (SL Benfica), một đội cựu thù (AC Torino), một cựu tiền đạo của chính Juventus (Néstor Combín) và cuối cùng là một cầu thủ sau này sẽ trở thành người hùng trong trí nhớ của những bianconeri (Pietro Anastasi). Tất cả những điểm nhấn ấy đến ngay mùa bóng sau đó, 1967/68, lúc mà FIGC khiến cho Serie A trở nên khốc liệt đỉnh điểm vì rút từ 18 xuống còn 16 đội tham dự mà vẫn giữ nguyên 3 đội sẽ bị giáng xuống hạng.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr May 03, 2011, 12:07 AM
Câu chuyện về ngôi sao cô đơn

Mùa giải 1967/68, Juventus khởi đầu sự trục trặc lạ lẫm của mình ở Serie A ngay từ vòng đấu thứ 5, trong trận derby della Mole với AC Torino. Lạ lẫm ở chỗ khi mà catennacio đang là trào lưu còn Juventus đang có một hàng phòng ngự chắc chắn nhất Serie A thì đội quân của Heriberto Herrera lại thảm bại 0-4 ngay trước mặt AC Torino. Ba bàn thua ngay trong phút chốc mười lăm phút đầu tiên và người ghi bàn cho AC Torino là một cái tên đã từng quen thuộc, Néstor Combín. Tiền đạo Argentina-Pháp đã từng giành Coppa Italia với Juventus trong mùa giải duy nhất mà anh gắn bó với họ năm 1965. Trận thua này đã đẩy Juventus đến một chuỗi các trận đấu nhạt nhòa với mọi đối thủ. Danh giới giữa chiến thắng, hòa và thua cuộc gần như bị xóa nhòa. Đó là dấu hiệu cho bạn biết rằng lúc này Juventus không có sức mạnh tuyệt đối ở Italia. Đội bóng cố gắng níu kéo vinh quang bằng những trận thắng đứt quãng và những trận hòa tai hại trên sân khách. Nhưng tất cả dường như vượt khỏi tầm kiểm soát của huấn luyện viên Heriberto Herrera khi Juventus hành quân sang thành phố bên cạnh Varese gặp AS Varese 1910 ngày 4 tháng 2 năm 1968.

Tại Varese, thủ môn Roberto Anzolin đã chịu đựng trận thua lớn hơn cả derby della Mole, lần này là 0-5. Người đã băm vằm hàng thủ của Juventus ngày hôm đó với một hat-trick là chàng trai mới 19 tuổi thấp đậm với khuôn mặt đáng yêu. Anh quê ở Catania và có tên là Pietro Anastasi. Sau này, nhiều người sẽ cảm ơn Pietro Anastasi vì những vinh quang mà anh mang đến cho La Vecchia Signora, nhưng lúc này, kỉ niệm đầu tiên với Juventus là chôn vùi giấc mơ bảo vệ scudetto của đương kim vô địch. Trên con đường chông gai của của giải 1967/68, Juventus còn thua tiếp SL Benfica của Eusébio tại bán kết cúp C1 châu Âu. Lần đầu tiên Juventus vào sâu đến thế trong cúp C1 và đó là tất cả những gì họ làm được.

Bừng tỉnh vào giai đoạn cuối của mùa giải, Juventus thắng liền 5 trong 6 trận còn lại ở Serie A (hòa trận duy nhất với Inter Milan). Nhưng chừng ấy chỉ đủ cho ĐKVĐ tiến lên thứ 3 trong bảng xếp hạng mà thôi. Hóa ra sau những năm ngự trị của Inter Milan, Juventus là kẻ đánh đổ nhưng không phải là người kế vị lâu. AC Milan mới là kẻ được lợi. Họ lên ngôi vô địch Serie A 1967/68 cùng vua phá lưới chỉ ghi được 15 bàn (Pierino Prati). Sau lúc đó AC Milan đoạt cúp C2 (Coppa delle Coppe) rồi sang năm sau đoạt nốt cúp C1.

Thành tích thắng 5 trong 6 trận cuối cùng của các cầu thủ Juventus giữ cho huấn luyện viên Heriberto Herrera tại vị. Người ta không thể mất lòng tin vào một người đã xây dựng đội bóng thành một lâu đài kha khá từ những vật liệu tầm thường. Và người ta phải tiếp tục giao vào tay ông những khối vậy liệu quý hiếm hơn để mơ tới một lâu đài nguy nga. Juventus mùa bóng 1968/69 thu nạp thêm vài ngôi sao mới ở cả ba tuyến. Ở đây phải kể đến tiền vệ dày dạn kinh nghiệm người Tây Đức Helmut Haller, người đã ghi bàn mở tỉ số trong trận chung kết mundial 1966. Tiếp theo là tiền vệ Romeo Benetti và hậu vệ Luigi Pasetti. Cả ba người trên đều là những cá nhân đã thể hiện được tương đối ở Serie A. Tuy thế, niềm hi vọng lớn nhất của Juventus lại là một cái tên bất ngờ, Pietro Anastasi 20 tuổi: Người ghi dấu ấn trong lòng bianconeri ngay từ khi còn chưa khoác áo bianconeri như chúng tôi đã kể ở trên, người vừa ghi bàn trong trận chung kết giúp đội tuyển Italia đoạt chức vô địch châu Âu mùa hè 1968!

Đó là một vụ tuyển mộ ầm ĩ nhất kể từ thời Enrique Omar Sivori. Lần thứ 2 trong lịch sử, Juventus phá kỷ lục phí chuyển nhượng quốc tế khi bỏ ra số tiền lira tương đương 5 trăm nghìn bảng Anh (6,5 triệu euro ngày nay). Với một cầu thủ 20 tuổi đó còn hơn cả một cú shock. Nhưng với Pietro Anastasi dường như không có chút áp lực nào anh ghi bàn đều đặn, 14 lần lập công ở Serie A trong mùa đầu tiên cho Juventus 1968/69. Lần đầu tiên sau nhiều năm, có một cầu thủ Juventus ghi được nhiều bàn thắng đến như thế, vậy mà dường như vẫn không đủ. Hay nói đúng hơn, Juventus vẫn thiếu sức bật để biến những trận hòa-thua trong danh giới mong manh của nó thành chiến thắng. Sự khốc liệt của Serie A khiến cho giải đấu rơi vào hội chứng hòa. Vô số trận hòa xuất hiện. Nếu bạn không tin, hãy xem đây, đây là dẫn chứng: sau 30 vòng đấu, cả ba đội đầu bảng đều cùng hòa đến 13 trận. Juventus cũng hòa đến 11 trận. Điều đó có nghĩa là đội nào hạn chết được số trận thua nhiều nhất sẽ là đội vô địch. Fiorentina chỉ thua 1 trận và lên ngôi còn Juventus không làm được điều ấy. Juventus thua 7 trận (2 trước chính Fiorentina) và ngậm ngùi đứng thứ 5.  

Một mình Pietro Anastasi cô đơn không thể thay thế được cả đội bóng. Nơi hàng thủ đã trở nên xuống sức. Sandro Salvadore, Ernesto Castano đã già còn hậu vệ mới Luigi Pasetti không đủ sức lấp đi khoảng trống rã rời này. Ở phía trên hàng tiền vệ Luis Del Sol đã muốn dừng lại. Và hơn tất cả, dường như huấn luyện viên Heriberto Herrera trở nên bất lực. Với ông, Juventus trong 5 năm và hơn 200 trận đấu là một con tàu khỏe khoắn nhưng chỉ đôi lần đủ sức lao đi vun vút. Và đã đến lúc ông phải ra đi để nhường chỗ cho những điều mới mẻ hơn: thay đầu máy và đóng mới nhiều toa tàu. Theo chân Heriberto Herrera ra đi khi mùa giải kết thúc còn có hai người vừa đến năm trước, hậu vệ Luigi Pasetti và tiền vệ Romeo Benetti. Chỉ có Pietro Anastasi và Helmut Haller trụ lại.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr May 06, 2011, 06:26 PM
Người nằm xuống trước lúc bình minh

Mùa hè năm 1969, huấn luyện viên Heriberto Herrera phải từ bỏ Juventus và sang... Inter Milan. Gianni, Umberto Agnelli và chủ tịch phi công Vittore Catella cùng ban lãnh đạo Juventus quyết định trao ghế huấn luyện vào tay một người Argentina kỳ cựu có hơn mười năm làm huấn luyện viên, là Luis Carniglia. Ông không phải là người lạ lẫm với bóng đá châu Âu bởi đã dọc ngang cựu lục địa từ khi còn làm cầu thủ, đã cầm quân dẫn dắt Real Madrid giành 2 cúp C1 liên tiếp từ 10 năm trước và đã qua cũng ngần ấy số câu lạc bộ. Nhưng sự xuất hiện của Luis Carniglia không thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết ở sân vận động Comunale. Nó chỉ chứng minh rằng, để thoát ra khỏi cái thung lũng ma trận có khi đội quân lâm nạn nào đó cần một gã chỉ huy trẻ tuổi với nhiều quyết định bất ngờ, sáng tạo và phiêu lưu mạo hiểm hơn là một gã già gân chậm rãi. Điều đó đúng với Juventus.

Có rất nhiều tài năng đến với Juventus trong mùa hè này, như là hậu vệ Antonello Cuccureddu, Giampietro Marchetti, tiền vệ Giuseppe Furino, Roberto Vieri, tiền đạo Lamberto Leonardi và cả thủ môn Roberto Tancredi. Thế mà Luis Carniglia và đội bóng của ông lại khởi đầu một cách tệ hại như chưa từng có. Sáu trận đấu đầu tiên, đội chỉ thắng được duy nhất 1 và có nguy cơ bị đánh bật khỏi đoàn đua từ rất sớm. Tất cả mọi dự định và hoài bão như đang sụp dần xuống chân, Juventus cần chuyển hướng, không chỉ ở đội bóng mà cả ban lãnh đạo. Những quyết định vội vã và liên tiếp được đưa ra. Đầu tiên là việc Giampiero Boniperti trở lại với vị trí mới, Tổng giám đốc. Giám đốc điều hành thuộc về Italo Allodi còn huấn luyện viên Luis Carniglia buộc phải nhường ghế cho Ercole Rabitti, một người Torino hầu như không có kinh nghiệm làm huấn luyện.

Dẫu sao sự thay đổi ào ạt của Juventus cũng mang đến những kết quả bước đầu có hi vọng. Ngay trong trận đầu tiên của Ercole Rabitti, Juventus đã thắng 2-1 trong trận derby d’Italia với Inter Milan ngay trước mặt người cũ Heriberto Herrera. Pietro Anastasi lại ghi rất nhiều bàn thắng, Juventus trở về với cuộc đua ngay khi lượt đi kết thúc bằng 8 trận thắng liên tiếp. Nhưng đến những trận đấu cuối cùng, Juventus lại hụt hơi và để Cagriali và người hùng Luigi Riva bỏ xa. Những trận thua và hòa ở hai đầu mùa giải khiến cho Juventus chôn chân ở vị trí thứ 3, dưới cả Inter Milan của HH2. Ở cúp C3 Coppa Città delle Fiere, Juventus còn thua Hertha Berlino từ tháng 11 của năm trước. Một mùa giải của quá nhiều đổi thay qua đi.

Và khi mà một mùa giải có nhiều đổi thay đã thất bại, nó lại kéo theo một mùa hè hừng hực khác. Một đội bóng như Cagliari chỉ cần một người hùng Luigi Riva và có thể chờ 50 năm để có được scudetto đầu tiên và duy nhất, nhưng bốn năm không scudetto đã là một khoảng thời gian dài như vô tận đối với những người Juventus. Họ không đứng yên. Họ phải tranh đấu. Họ phải đổi thay, đổi thay nhiều hơn nữa để đoạt lại scudetto. Mùa hè năm 1970 là một cuộc đóng mới rầm rộ hơn của con tàu Juventus. Tất cả các cầu thủ lớn tuổi nói lời tạm biệt. Họ gồm những người đã gắn bó rất lâu như  thủ môn Roberto Anzolin, hậu vệ Ernesto Castano, tiền vệ Luis Del Sol, Erminio Favalli, Gianfranco Leoncini, tiền đạo Gianfranco Zigoni hoặc cả những người vừa mới đến như tiền vệ Roberto Vieri và nhiều người khác. Hai cầu thủ lớn tuổi duy nhất được ở lại là hậu vệ Sandro Salvadore và tiền vệ Helmut Haller. Như thế, Juventus xây dựng đội hình trên một trục dọc những người ở lại bao gồm Sandro Salvadore-Helmut Haller/Giuseppe Furino-Pietro Anastasi. Xung quanh họ là hàng loạt anh chàng trẻ tuổi mới đến hoặc được gọi về từ sau thời gian cho mượn, những người mà sau này bạn sẽ mãi nhớ tên như là Luciano Spinosi (từ Roma), Francesco Morini (từ Sampdoria) Fabio Capello (từ Roma), Franco Causio (trở về từ Palermo), Roberto Bettega (trở về từ AS Verese, đội cũ của Pietro Anastasi).

Đội quân trẻ trung được trao vào tay một huấn luyện viên trẻ không kém là Armando Picchi mới 35 tuổi, một người Toscana từng là thành viên ngôi sao của Livorno và Inter Milan những năm huy hoàng 1950, 1960. Tất cả hợp thành một thế hệ tài năng, có thể coi là tài năng nhất trong suốt chiều dài lịch sử của Juventus. Vấn đề là, đội bóng trẻ trung của những người mới trên dưới hai mươi tuổi kia sẽ làm gì để chiến thắng. Sự non trẻ của kinh nghiệp thi đấu khiến cho huấn luyện viên Armado Picchi và đội bóng trở nên bối rối. Trong một nửa mùa giải 1970/71 ở Serie A, Juventus rơi vào trạng thái tâm lí nóng lạnh thất thường. Kết quả các trận đấu cứ đan xen giữa thắng và thua. Vừa thắng đấy, lại thua ngay, sân nhà vừa thắng, đến sân khách lại thua.

 Khi tiền đạo 20 tuổi Roberto Bettega trở về và ghi bàn liên tiếp, thì bỗng nhiên những bàn thắng của Pietro Anastasi biến mất. Vai trò của Pietro Anastasi bị che lấp bởi những người mới mà ngoài Roberto Bettega có cả Fabio Capello. Cái điều nóng lạnh thất thường và áp lực của Juventus có thể là một phần lí do khiến cho huấn luyện viên Armando Picchi phát mầm bệnh ung thư trong người. Sau trận thắng Hellas Verona 2-1 tại vòng 18 bằng 2 bàn thắng của Fabio Capello và Roberto Bettega, Armando Picchi không thể tiếp tục dẫn dắt Juventus được nữa. Tổng giám đốc Giampiero Boniperti tiến cử Čestmír Vycpálek người Cecoslovacchia cũng là một cựu cầu thủ Juventus cùng thời với ông. Lúc này Čestmír Vycpálek vừa được Giampiero Boniperti mời về  từ Sicilia dẫn dắt đội trẻ Juventus. Vậy là Armando Picchi phải dừng lại giữa đường và người mới phải tiếp tục bước đi.

Kể từ lúc này, Serie A 1970/71 trôi đi một cách buồn thương như chính Armando Picchi. Juventus gặp lại hội chứng hòa, lần này kinh khủng hơn: hòa 10 trong 12 trận còn lại của mùa giải. Với kết quả đó, đội bóng tụt xuống thứ 4 và nhìn Inter Milan cùng người cũ Heriberto Herrera đăng quang. Cũng còn may là ở cúp C3 Coppa Città delle Fiere, Juventus tiến một mạch đến trận chung kết, trận chung kết cup châu Âu thứ 2.

Ngày 23 tháng 5 năm 1971, đội bóng chơi trận cuối cùng của Serie A 1970/71. Ngày 27 tháng 5, Armando Picchi trút hơi thở cuối cùng. Một ngày sau đó, Juventus hòa Leeds United 2-2 trên sân nhà ở trận chung kết lượt đi Coppa Città delle Fiere bằng hai bàn thắng cũng của Fabio Capello và Roberto Bettega. Một tuần sau hai đội lại hòa ở Leeds, nhưng lần này là 1-1 và những người Torino lỡ mất cơ hội lần đầu tiên lên ngôi ở cúp châu Âu mà không thể giành lấy nó để gửi tặng cho linh hồn Armando Picchi. Một người nữa qua đời, một người nữa ra đi mãi mãi khi đang còn gắn bó với Juventus.

Dẫu sao việc vào đến trận chung kết cúp C3 cũng đã khiến cho niềm tin vào các cầu thủ trẻ được tiếp thêm sức mạnh. Čestmír Vycpálek cũng ở lại với đội vì quan hệ nồng ấm giữa ông và Giampiero Boniperti. Chỉ còn những thay đổi nhỏ, mà lại mang ý nghĩa quyết định. Vai trò của Tổng giám đốc Giampiero Boniperti ngày một lớn và đó là lúc một chủ tịch mới xuất hiện. Ngày 13 tháng 7 năm 1971, Juventus quyết định để Giampiero Boniperti lên thay chủ tịch phi công Vittore Catella. Từ đây, mười năm phiêu lưu thăng trầm của người cựu phi công chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, một thời đại mới của Juventus mở ra. Con tàu Juventus lao đi bằng tốc độ tên lửa và bỏ xa mọi đối thủ ở Italia, bắt kịp rồi cũng bỏ lại đằng sau vô số đội bóng châu Âu khác. Tất cả được xây nên từ những gì mà Armando Picchi để lại dẫu cho anh không thể có mặt để nhìn buổi bình minh mới ngập tràn sức sống ấy.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Il dIv0™ May 19, 2011, 03:26 PM
đang mạch viết bác Pavel lại dừng lại nhỉ  
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: anhquan87 May 20, 2011, 11:55 AM
Cám ơn bác Pavel, những thông tin thật sự quý giá với những Juventini đích thực
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Cold Blood May 20, 2011, 01:50 PM
Khi nào có đầy đủ các bài thì đóng thành sách luôn đi anh
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex May 20, 2011, 05:25 PM
: tqhoa
Khi nào có đầy đủ các bài thì đóng thành sách luôn đi anh
Trùng với ý tớ, và thực tế thì tớ đang làm việc đó rồi, chỉ chờ bác Pavel xuất chiêu hết là sẽ có sách, sẽ tặng lại chính khổ chủ 1 cuốn làm kỷ niệm    
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr May 23, 2011, 12:01 AM
Định mệnh trong đêm Belgrado

Người ta kể rằng Gianni Agnelli không bao giờ sao lãng đội bóng và ông cũng tin tưởng tuyệt đối vào Giampiero Boniperti, một người không chỉ có tài năng bóng đá mà còn có mối quan hệ thân thiết và lòng kính trọng của mọi cầu thủ. Sức lực và tinh thần của Gianni Agnelli gần như dành trọn cho Fiat. Nhưng cứ 6 giờ sáng hàng ngày, dù ở bất kỳ nơi đâu, dù đang làm bất cứ điều gì, ông đều gọi điện cho Giampiero Boniperti để nghe về Juventus và đưa ra những nhận xét của riêng mình. Với hai người lãnh đạo thương yêu đội bóng như đứa con của mình như thế, không có gì ngăn cản bước tiến của họ. Khi mà Gianni Agnelli tin tưởng tuyệt đối vào Giampiero Boniperti thì Giampiero Boniperti cũng trông chờ vào huấn luyện viên và những cầu thủ mà ông có trong tay.

Mùa giải 1971/72 có một thay đổi duy nhất trong đội hình: thủ môn Roberto Tancredi được thay bằng Pietro Carmignani từ As Varese. Lúc này, những cầu thủ trẻ như Roberto Bettega, Luciano Spinosi và Franco Causio đã có chút kinh nghiệm dắt lưng; Fabio Capello và Giuseppe Furino đã đến lúc tài năng chín đỏ; Pietro Anastasi lại biết phá khung thành. Có nghĩa là scudetto. Bỏ dở cúp C3 và Coppa Italia, Juventus gần như dồn toàn bộ sức lực vào cuộc đua quyết liệt ở Serie A với Ac Milan, Ac Torino, Cagliari và ĐKVĐ Inter Milan. Thế mà mọi chuyện tưởng như kết thúc tồi tệ với Juventus bởi vì mới đi qua được 14 vòng đấu thì chân sút chủ lực Roberto Bettega đã dính chấn thương nặng và phải nghỉ hết mùa bóng. Roberto Bettega đã ghi đến 10 bàn thắng trong 14 trận trước đó nên sự vắng mặt của anh gây ra nỗi lo ghê gớm. Rất may là đúng lúc đó Pietro Anastasi vừa chiếm lại được vị trí trung phong của mình đã ghi bàn đều đặn trở lại, Fabio Capello và Franco Causio cũng luôn sẵn sàng tiếp sức.

Sau trận đấu cuối cùng Juventus cũng hoàn thành một mùa giải căng thẳng, đoạt scudetto sau 5 năm với chỉ 1 điểm nhiều hơn AC Milan và AC Torino. Đây là scudetto lần thứ 14, lần đầu tiên của tất cả những cầu thủ góp mặt trong đội hình này. Trong số họ, người ta không thể quên Pietro Anastasi. Anh phải chờ 4 năm kể từ ngày đặt chân đến đây. Người ta không thể quên cả Armando Picchi nữa.

Mùa hè năm 1972, đội hình Juventus đã có sự góm mặt của rất đông các cầu thủ miền nam hoặc trưởng thành từ miền nam, nhất là Sicilia như là Luciano Spinosi, Franco Causio, Fabio Capello, Giuseppe Furino, Antonello Cuccureddu, Pietro Anastasi. Theo dòng chảy đó, chủ tịch Giampiero Boniperti tiếp tục mang về hai người nữa, những anh chàng đã thành ngôi sao sáng ở miền Nam, mà cụ thể là SS Napoli. Vấn đề là, họ không phải là những cầu thủ trẻ, mà đã 30 tuổi và còn cao hơn. Với uy tín của mình, chủ tịch đã thuyết phục được thủ môn đội tuyển Italia Dino Zoff rời Napoli về với Juventus. Theo sau Dino Zoff là ngôi sao thậm chí còn sáng hơn, José Altafini, người đã trở thành huyền thoại ở tất cả các câu lạc bộ mà ông đã đi qua, người được gọi là Mazzola của Brazil đã ghi hàng trăm bàn thắng ở Brazil và Italia từ chục năm trước. Khi đó Dino Zoff đã 30 tuổi, còn José Altafini 34!

Xu hướng trẻ hóa của Juventus kết thúc, giờ đây đội bóng là sự pha trộn giữa một loạt tài năng trẻ và những ngôi sao già dặn kinh nghiệm (Dino Zoff, Sandro Salvadore, Fabio Capello, Giuseppe Furino, Helmut Haller và José Altafini). Đó là một công thức chiến thắng. Tất nhiên không phải dễ dàng. Juventus bị khớp ngay từ đầu mùa giải 1972/73 bảo vệ scudetto. Khi mà Roberto Bettega chưa bình phục hoàn toàn chấn thương, José Altafini và Dino Zoff không còn trẻ và phải mất thời gian hòa hợp, thì Pietro Anastasi lại đánh mất bản lĩnh bắn phá khung thành. Đó là lí do tại sao sau trận ra quân thắng lợi, Juventus hòa liên tiếp 6 trận mà phần lớn dựa vào cố gắng của hàng tiền vệ, nhất là Franco Causio. Trận nào Dino Zoff cũng phải chịu thua ít nhất một quả và ĐKBĐ bị kéo tụt về phía sau.

May mắn thay, cuối cùng thì Dino Zoff bắt đầu cản phá vô số cú sút, José Altafini bắt đầu ghi những bàn thắng quan trọng và Roberto Bettega cùng Pietro Anastasi tìm cũng lại được vài quả. Đấy là lúc đội quân đen-trắng thắng liên tiếp trên cả ba giải đấu cúp C1 Coppa dei Campioni, Serie A và Coppa Italia. Vì những điểm số mất mát từ đầu mùa bóng, cuộc đua của Juventus căng thẳng chẳng kém gì so với năm trước, lần này đối thủ vẫn là Ac Milan (với ngôi sao Gianni Rivera) cộng thêm Ss Lazio. Mọi chuyện tưởng như lại chấm dứt đối với Juventus vì tại vòng thứ 24, đội đã thua Fiorentina 1-2 và bị AC Milan bỏ xa 5 điểm, Lazio bỏ xa 3 điểm. Nhưng từ đây, Juventus thắng liền 5 trận và rút ngắn cách biệt so với AC Milan còn 1 điểm, san bằng điểm với Lazio ở vòng 29. Kết quả sẽ được quyết định vào vòng đấu cuối cùng, cả ba đội đều phải chơi trên sân khách.

Vòng 30 ngày 20 tháng 5 năm 1973. Niềm hi vọng của Lazio tắt ngấm khi họ chịu thất bại 0-1 tại Napoli. Cùng lúc đó, vì chịu áp lực bởi hơi thở dồn dập của Juventus phía sau khiến Ac Milan bị cuốn vào một trận đấu tàn khốc ở Verona với Hellas Verona và thua 3-5! Còn tại Roma, một bàn của José Altafini trong hiệp một và một bàn vào những phút cuối cùng của Antonello Cuccureddu giúp Juventus đánh bại AS Roma 2-1. Scudetto lần thứ 15! Lần thứ 2 liên tiếp Juventus lên ngôi vô địch, lần thứ 2 liên tiếp Ac Milan ngậm đắng. Đối với Juventus, hẳn lần thứ 2 sẽ ngọt ngào hơn lần thứ nhất. Còn với Ac Milan, lần thứ 2 thì lại thật là đắng hơn nhiều lần.

Sáu chiến thắng liên tiếp của Juventus ở Serie A mùa giải này còn đáng kể hơn nữa, vì cùng lúc đó, lần đầu tiên sau nhiều năm đội quân của Čestmír Vycpálek vượt qua một nhà vô địch nước Anh, là Derby County ở bán kết cúp C1 Coppa dei Campioni. Đối thủ sắp tới là Ajax Amsterdam và trận chung kết cúp châu Âu lần thứ 3 của Juventus. Không còn nghi ngờ gì nữa, Juventus của Čestmír Vycpálek đang hướng đến một cú ăn ba, lần đầu tiên trong lịch sử Juventus tiến gần đến cả 3 chức vô địch cùng một lúc như thế.

Dẫu vậy, mười ngày sau khi bảo vệ thành công scudetto, người ta bắt đầu phải bắt đầu đặt một câu hỏi với định mệnh rằng, vì sao Juventus thua nhiều đến thế trong trận chung kết cúp châu Âu, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Ajax Amsterdam quả là mạnh mẽ bởi lối chơi tấn công vũ bão với những cầu thủ tài giỏi như là Krol, Haan, Cruijff, Keizer. Một năm trước ở Rotterdam, chính những người này đã đánh bại nhà vô địch Italia Inter Milan. Và bây giờ, trong đêm thành phố Belgrado, họ lại vượt qua một nhà vô địch Italia khác. Bằng một tỉ số tối thiểu, một pha đánh đầu đưa quả bóng đi khó không thể tin nổi của Johnny Rep, Ajax lại giành cúp C1 Châu Âu trước con mắt thèm muốn của những người Italia. Sau trận đấu ấy, cầu thủ hai đội đã trao đổi áo đấu cho nhau như một hành động fair play đầy tôn trọng. Những anh chàng như Cruijff, Haan, Krol, Johnny Rep cùng nâng cao chiếc cúp vinh quang khi đang mặc những chiếc áo màu đen-trắng. Và những người Juve, có lẽ, chỉ thấy mình vô địch châu Âu qua những bức ảnh trên báo. Ấy cũng là định mệnh.

Một tháng sau, tại Roma, Juventus thua tiếp Ac Milan sau loạt đá penalty tại Coppa Italia và khép lại một mùa giải với giấc mơ đoạt cả ba chiếc cúp cùng một lúc còn dang dở. Đó là một dấu lặng trong chuỗi ngày thăng hoa cùng người Cecoslovacchia Čestmír Vycpálek, một dấu lặng đưa Juventus đến những cảm xúc tiếc nuối khó tả, lan cả sang mùa giải 1973/74.

P/S: Cám ơn các bạn đã ủng hộ nhé
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: DelleAlpi10 May 23, 2011, 10:31 AM
Hay lắm, tiếp đi Pavel !!! Forum mình không có nút "thanks" nhỉ.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Hoài Diệt May 27, 2011, 04:52 PM
Tiếp nữa đi!!! Bis bis!!!
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr May 28, 2011, 12:04 AM
Ngài xe đạp đổ ngược lại ra đi

Mùa hè năm 1973. Lúc này mối quan hệ giữa Juventus và AS Varese trở nên bền chặt hơn bao giờ hết. Kết quả của mối quan hệ ấy là một người tuổi trẻ tài năng nữa từ AS Varese chuyển đến Torino, lần này là Claudio Gentile, hậu vệ cánh 20 tuổi. Nhưng có điều gì đó không ổn, giống như mùa giải 1958/59. Có điều gì đó diễn ra, có cái bánh xe nào đó của con tàu không lăn, có nhiều bánh xe không lăn cùng một vận tốc.

Juventus bị đội bóng Cộng hòa dân chủ Đức Dimano Dresda loại ngay từ vòng một Coppa dei Campioni. Thua sớm tại cúp C1 có lẽ đã gây ra trạng thái tâm lí không tốt khi trở lại Serie A. Ở đó, Juventus không thể hiện được sức mạnh tuyệt đối nữa, mà cuối cùng phải đánh rơi scudetto vào tay kẻ bám đuổi kiên trì Ss Lazio và ngôi sao Giorgio Chinaglia, đội đứng thứ ba mùa trước. Họ kết thúc với 2 điểm ít hơn Lazio. Trong mùa giải mà Pietro Anastasi và Antonello Cuccureddu bùng nổ rồi ghi được nhiều bàn thắng nhất từ ngày đặt chân đến Torino thì Franco Causio, Fabio Capello và cả Roberto Bettega lại biến mất. Đội bóng không thể trút hết gánh nặng lên vai Dino Zoff, không thể đợi chờ vào một người đã 35 tuổi như José Altafini, không thể chờ đợi vào Claudio Gentile mới chỉ là dự bị. Và đội bóng cần có những làn gió tươi mới, thổi cho những cái đầu sảng khoái trở lại.

Nhưng không phải, hóa ra lúc này con tàu Juventus không cần những làn gió mới, nó chỉ cần một thứ dầu nhờn bôi trơn các bánh xe, xiết chặt vài con bù-loong ốc vít. Bởi vì nó đã có đủ những gì cần thiết cho một nhà vô địch đường trường. Vào mùa hè năm 1974, huấn luyện viên Čestmír Vycpálek ra đi cùng Sandro Salvadore từ giã sân cỏ sau 12 năm ở Torino. Người lên thay Čestmír Vycpálek không phải là một gã trẻ trung, mà là Carlo Parola. Ông trở về Juventus sau 15 năm xa cách và đã 53 tuổi. Tiếp theo, Giampiero Boniperti tiếp tục chứng minh với mọi người rằng con mắt nhìn tài năng trẻ của mình là con mắt nhìn thấy những điều khác biệt. Từ Atalanta, ông mang về trung vệ Gaetano Scirea để thế vào khoảng trống mà Sandro Salvadore để lại và từ LR Vicenza là tiền đạo Giuseppe Damiani.

Serie A 1974/75. Đã có sự xuất hiện của Gaetano Scirea, Carlo Palora lại kéo Antonello Cuccureddu về phía sau làm cho Juventus một cách tự nhiên xuất hiện hàng thủ cực mạnh. Ở đó Dino Zoff chỉ chịu thua 19 quả cả mùa. Cùng lúc, tuyến trên được tiếp thêm Giuseppe Damiani trở thành một dàn đồng ca thay phiên nhau ghi bàn đều đặn. Chiến thắng cũng đến đều đặn và mang đến những chiến thắng rất đậm. Scudetto lần thứ 16 cũng đến một cách tự nhiên. Tại cúp C3, lúc này đã thành tên Coppa Uefa, đội bóng cũng tiến vào khá sâu. Tại vòng 2 Juventus trả nợ thành công Ajax Amterdam. Dù vậy thì đến bán kết, Juventus lại phải vay nợ một đội Hà Lan khác là FC Twente. Cánh cửa hi vọng về một chức vô địch châu Âu lại khép chặt. Cũng không sao, người ta nói rằng, vô địch Serie A còn hơn cả vô địch thế giới, châu Âu có xá chi đâu. Tất cả hài lòng, chí có một điều mà Carlo Parola không bao giờ ngờ tới...

Mùa giải này qua đi, mùa giải sau lại đến, Serie A cứ quay đều như một vòng tròn cuốn thời gian đi theo sau. Mà cái điều mà Carlo Parola không ngờ tới chẳng đi theo một quy luật như thế. Mùa hè năm 1975, Giampiero Boniperti tiếp tục mang về cho đội bóng một chàng trai 20 tuổi, là người Toscana có dáng hình như một lãng tử đào hoa, anh chàng Marco Tardelli từ đội Calcio Como. Theo sau Marco Tardelli là một cầu thủ già dặn hơn, Sergio Gori từ Cagliari. Chính vì sự xuất hiện của Sergio Gori và những mâu thuẫn trên hàng công nên Pietro Anastasi biến thành ngôi sao trên ghế dự bị khi mùa giải mới đi được quá nửa. Sự cô đơn của Pietro Anastasi quanh Fabio Capello, Roberto Bettega và cả huấn luyện viên Carlo Parola mang đến kết quả là sau 16 trận ít ỏi được góp mặt tại Serie A anh chỉ có được đúng một bàn thắng.

Nhiều bánh xe lại không lăn cùng một hướng, điều đó làm hại Juventus. Lượt đi kết thúc, Juventus giành được 26 điểm trong tổng số 30 điểm tối đa, một kỷ lục (mặc dù đã bị Borussia Mönchengladbach loại ngay từ vòng 2 Coppa dei Campioni). Lúc đó Juventus đã vượt đội thứ nhì Ac Torino 5 điểm. Đến lượt về, tất cả mọi thành quả của đội đã bị đổ xuống sông xuống bể. Carlo Parola không thể nào lái nổi Juventus, họ hòa nhiều hơn, thủng khung gỗ nhiều hơn, thua nhiều hơn và cuối cùng mất chức vô địch vào tay đối thủ Ac Torino. Kém hơn 2 điểm cuối cùng, Juventus nhìn Ac Torino lần đầu tiên trở thành nhà vô địch Serie A kể từ sau ngày giông bão trên đồi Superga năm 1949. Ac Torino xứng đáng bởi scudetto này là một cuộc hồi sinh và trường chinh tìm kiếm 27 năm trời. Còn Juventus đã tự làm yếu mình và đánh rơi tất cả.

Về sau người ta chỉ nói về chuyện đã xảy ra ở Juventus nửa cuối mùa bóng 1975/76 chỉ là những chuyện hiểu lầm (incomprensioni). Có lẽ đó là chuyện giữa Carlo Parola, Pietro Anastasi và những người còn lại. Nhưng dù là hiểu lầm nho nhỏ thì nó cũng cần được giải quyết và cần có người gỡ những mối tơ vò ấy. Người đó không phải là Carlo Parola, ngài ‘xe đạp đổ ngược’ (Signor Rovesciata - như những cú đá yêu thích và nổi tiếng thời trai trẻ của ông). Lần thứ 3 trong đời như bao nhiêu lần ông lại đứng ra bên lề đường ray của Juventus. Ông ra đi và từ đó Carlo Parola cũng không bao giờ trở lại làm huấn luyện viên nữa. Giampiero Boniperti đã chia tay một người bạn và chia tay cả nhiều tài năng mình đã mang về. Pietro Anastasi tạm biệt sau 8 năm, đến Inter Milan để đổi của Inter Milan một ngôi sao khác là Roberto Boninsegna - một vụ chuyển nhượng như một vụ bê bối ầm ĩ mà báo chí Italia đã nói suốt ngày trong một thời gian dài. José Altafini thì 38 tuổi rồi và ông đến Thụy Sỹ để vừa chơi bóng vừa đi du lịch - một cuộc chia tay lặng lẽ. Tiếp tục, Giuseppe Damiani cũng chào tạm biệt Torino. Fabio Capello cũng không được ở lại nữa, anh đến Ac Milan - một cuộc chia tay đầy duyên nợ.

Giampiero Boniperti cũng không quên như thường lệ mang về cho mình một ngôi sao trẻ nữa. Mùa hè năm 1976 ấy, họ tìm được anh chàng hậu vệ đẹp trai Antonio Cabrini mới 19 tuổi từ Atalanta. Tiếp theo, đội bóng phải mời lại tiền vệ giàu kinh nghiệm Romeo Benetti để thay cho Fabio Capello. Chính anh người đã không được trọng dụng ở Juventus gần mười năm trước dưới thời Heriberto Herrera. Ấy vậy mà từ lúc ra đi, cứ gặp lại Juventus là anh ghi bàn, và bây giờ anh trở về! Còn có một điều quan trọng hơn cả. Để Fabio Capello và Pietro Anastasi đến với hai đội bóng thành Milano có thể là sai lầm lớn nhất của Juventus, nếu như... Nếu như họ không giành lại hai người khác, từ chính thành phố Milano là Roberto Boninsegna và huấn luyện viên Giovanni Trapattoni. Không, không có chữ nếu ấy, Giampiero Boniperti và đội bóng quyết định đặt hi vọng của người kế nhiệm Signor Rovesciata Carlo Parola vào tay Giovanni Trapattoni. Lúc đó anh mới 37 tuổi và vỏn vẹn 2 năm kinh nghiệm làm huấn luyện viên cho Ac Milan. Cuối cùng niềm tin ấy mang về những tháng ngày ngập tràn hạnh phúc. Roberto Boninsegna với Giovanni Trapattoni trở thành hai bánh xe chủ lực đẩy Juventus đi tiếp những ngày tháng tươi đẹp nhất trong lịch sử của mình.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: souslevent May 28, 2011, 04:39 AM
Tiếp đi bác, có cần Redbull để tăng lực ko để em đi lệ quyên )
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Hoài Diệt May 28, 2011, 07:17 PM
Hay quá bạn ơi!! Đọc thấy "sướng" quá!!
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: giorgio chiellini June 02, 2011, 02:51 AM
 Tiếp đi anh An ạ. Em ko có thời gian mà lần nào vào cũng phải tìm xem những bài này trước , rất hay và ý nghĩa.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex June 14, 2011, 10:08 PM
Anh Pavel đâu rồi, sạc pin lâu thế
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr June 16, 2011, 09:57 PM
Các bác thông cảm, dạo này em lao lực quá. Hôm nay vừa phải nghỉ ốm xong. Đến cuối tháng 8 mới được giải lao.

Mình sẽ post dần khi có thời gian, chỉ cần đọc lại rồi sửa chữa chút xíu thôi. Các bác cứ bấm thanks + tín dụng jfclira (chưa có cái này nhỉ) cật lực cho em, không hay cũng bấm. :))
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Nguyen Hai Long June 16, 2011, 11:14 PM
Lại chém. Chỉ ko hay khi mà phải đợi dài cổ chờ anh post thôi
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr September 25, 2011, 11:37 AM
Màu áo thiên thanh trong đêm xứ Basque

Serie A mùa bóng 1976/77 đánh dấu cuộc bám đuổi không ngừng nghỉ giữa Juventus và ĐKVĐ Ac Torino. Ở đó khoảng cách giữa nửa Torino màu đỏ rượu vang và nửa đen-trắng gần như lúc nào cũng chỉ là 1 điểm. Trong khi phía nửa đỏ không chỉ có Paul Pulici biết ghi bàn mà đồng đội của anh là Francesco Graziani còn ghi được nhiều hơn nữa thì ở phía nửa đen-trắng, Roberto Bettega và Roberto Boninsegna lại tạo thành một cặp đôi ăn ý. Những anh chàng trẻ tuổi như Gaeteno Scirea, Claudio Gentile cũng đã lớn. Tất cả tạo nên một Juventus vững vàng và mạnh mẽ chưa từng thấy. Vòng đấu thứ 8, Ac Torino thắng trận derby della Mole rồi vượt lên Juventus 1 điểm nhưng đến vòng 12 Juventus lại vượt lên 1 điểm. Kể từ đó trở đi Ac Torino không bao giờ lấy lại được vị trí số một nữa cho dù khoảng cách đã có lúc lại được san bằng. Ac Torino sau 30 trận đã ghi được 51 bàn và chỉ chịu vỡ khung gỗ 14 lần (!), của Juventus là 50 và 20. Ac Torino đã thằng 1 hòa 1 trong 2 trận derby della Mole nhưng scudetto là của Juventus.
 
Sức mạnh của Juventus dưới tay Giovanni Trapattoni lan tỏa cả ra châu Âu. Ngay từ 2 vòng đầu tiên tại Coppa Uefa, Juventus đã loại bỏ hai đội bóng thành phố Manchester của nước Anh. Đội quân đen-trắng tiếp tục lao vút vào trận chung kết với Athletic Bilbao bằng những chiến thắng cách biệt 3 bàn trước các đối thủ còn lại. Đây là trận chung kết cúp châu Âu lần thứ 4 của Juventus và bây giờ không còn lí do gì để thất bại nữa. Ngày 4 tháng 5 năm 1977, chung kết lượt đi ở Torino, Marco Tardelli ghi bàn duy nhất cho Juventus chiến thắng. Hai tuần sau đó ở xứ Basque trên sân San Mamés của Athletic Bilbao là ngày 18 tháng 5 năm 1977. Những anh chàng đến từ Torino ra sân với màu áo thiên thanh. Họ mang cả con tim, cả đất nước, cả bóng hình Italia vào trận đấu và ghi dấu trong lòng cổ động viên của họ bởi màu áo ấy.
 
Ngay phút thứ 7, Roberto Bettega nhanh như một con sóc quyết tử đánh đầu tung lưới Athletic, đánh sập khung gỗ lịch sử và ghi dấu chiến thắng cho Bianconeri ở cái xứ Basque đầy lòng tự tôn dân tộc ấy. Athletic thắng lại 2-1 nhưng chừng đó không đủ để họ chiếm được chiếc cúp này. Bàn thằng mở tỉ số đã làm cho Athletic Bilbao không thể trở thành Leeds United năm 1971. Lúc ấy họ đã lấy mất Coppa Uefa của Juventus vì có lợi thế bàn thắng trên sân khách. Bây giờ đến lượt Juventus! Đây là thời của Juventus! Cuối cùng thì sau 18 năm bước ra châu Âu và 4 trận chung kết, đội bóng ấy cũng giành được cho mình một chiếc cúp đem về Torino mà không cần kể đến Coppa Delle Alpi năm 1963.
 
Bốn ngày sau khi mang Coppa Uefa từ Tây Ban Nha trở về, Juventus hoàn thành cú đúp bằng chiến thắng scudetto lần thứ 17 ở thành phố cảng Genova. Ở đó Juventus thắng Sampdoria 2-0 bằng hai bàn của Roberto Bettega và Roberto Boninsegna. Hai bàn thắng của hai cái tên giống như kỷ niệm ngọt ngào của đôi bánh xe mang tên Roberto. Dĩ nhiên là một đội bóng không chỉ có hai người, không chỉ có những tiền đạo và tiền vệ tấn công. Bạn hãy nhớ những cái tên này: Dino Zoff, Antonello Cuccureddu, Gaetano Scirea, Claudio Gentile, Francesco Morini, Antonio Cabrini và Luciano Spinosi. Bởi vì đó là những người đã xây nên một hàng phòng ngự chắc chắn bậc nhất ở Italia bất kể bạn mang họ đi so sánh với thời gian nào. Đó là chuyện của mùa giải 1976/77, Giovanni Trapattoni mới ba mươi tám tuổi.

Mùa hè năm 1977, Juventus chỉ đổ tiền bổ sung thêm ba cầu thủ trẻ là tiền đạo Pietro Virdis (từ Cagliari, giải nhì trong cuộc đua vua phá khung thành ở Serie B năm trước), tiền vệ Pietro Fanna (Atalanta) và Vinicio Verza (LR Vicenza). Cả ba đều là thành viên đội U-21 Italia. Trong số này nổi bật là Pietro Fanna. Tất nhiên năm đầu tiên ở Juventus cả ba cùng nhau ngồi chung ghế dự bị, bởi đội chính đã quá mạnh. Vì luật của FIGC vẫn xiết chặt đối với cầu thủ nước ngoài, nên cả đội Juventus toàn cầu thủ Italia và thường xuyên góp 8-9 cầu thủ cho đội tuyển quốc gia. Điều đó tạo nên dòng khác biệt lớn giữa Juventus và phần còn lại của Serie A 1977/78. Việc ghi bàn vào lưới của Juventus trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Dino Zoff và các đồng đội giữ trắng khung thành 18 lần sau 30 trận và chỉ để thủng 17 bàn cả mùa này! Mọi chuyện còn lại được cặp đôi tiền đạo cùng tên Roberto một già-một trẻ giải quyết. Và scudetto lần thứ 18 là một trong những scudetto dễ dàng nhất và chắc chắn nhất. Là scudetto thứ 5 trong vòng 7 mùa giải, là đà lao vùn vụt trong cuộc đua sưu tập scudetto mà phần còn lại của Serie A từ đó không bao giờ có thể đuổi kịp Juventus nữa. Lúc này, đội bóng chỉ có một nỗi niềm đáng tiếc nhất. Mặc dù đã đòi nợ được Ajax Amsterdam trên chấm 11m ở tứ kết cúp C1 Coppa dei Campioni, nhưng đội lại để thua Club Bruges của huấn luyện viên Ernst Happel (bạn cũng hãy nhớ cái tên này nữa!) ở bán kết trong hiệp phụ.

Hai năm đầu tiên dưới tay Giovanni Trapattoni, Juventus đã tiến bộ không ngừng nghỉ như thế. Sức mạnh ấy cuộn chảy như một bản nhạc rock dạt dào đầy hứng khởi. Tinh thần đội bóng còn trở nên hăng say không chỉ bởi vì những chiến thắng trên sân cỏ. Như từ đầu những năm 1970s, Juventus có một hoạt động đáng quý. Tất cả các cầu thủ hoặc những người làm việc cho Juventus đều được hối thúc hoàn thành chương trình học tập của mình. Với điều kiện đó, hầu hết các cầu thủ sẽ có cơ hội ở lại Juventus làm việc hoặc chuyển đến các nhà máy của Fiat sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu. Ý tưởng này được thực hiện và giờ đã có những kết quả đáng mừng. Đây là những bước đi tiên phong mà từ đó đến nay Juventus luôn quan tâm đến học tập của các thành viên đội bóng. Đó cũng là viên gạch đẹp đầu tiên cùng với sự trợ giúp của Đại học Torino để xây nên Đại học Juventus sau này, trường Đại học bóng đá đầu tiên trên thế giới. Trường học không chỉ có bóng đá ấy đã trở thành niềm tự hào cho hàng nghìn người từng gắn bó với cái tên Juventus dù là làm bất kỳ công việc gì. Cầu thủ hay là thợ cắt tóc, anh kế toán hay chị giặt là...
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr September 26, 2011, 12:06 PM
Không ai biết chiếc bẫy vô hình

Juventus không cần nhiều bàn thắng bởi vì đã có hàng thủ quá mạnh. Đó là lí do tại sao tổng số bàn thắng ở Serie A trong mùa giải 1977/78 của cặp tiền đạo Roberto (21 quả) còn không bằng một mình vua phá lưới trẻ tuổi của đội á quân LR Vicenza (24 quả). Chàng trai trẻ 22 tuổi ấy cũng đã ghi một bàn vào lưới Juventus trong trận đấu cuối cùng của mùa giải. Nhưng có thể đó cũng là lí do mà anh ta, Paolo Rossi, phải trở về Juventus! Thật ra không phải đến lúc ghi bàn vào khung thành bianconeri thì mọi con mắt mới đổ dồn về anh. Anh chàng người Toscana này là một cầu thủ trẻ của Juventus từ hồi năm 1973. Lúc này Paolo Rossi chơi tiền vệ cánh và chỉ được vào sân 3 trận ở Coppa Italia. Dĩ nhiên là lúc đó cậu không thể chen một chân vào đội hình chính, cái chân còn lại của cậu dính những chấn thương đầu gối nghiêm trọng. Năm 1975, Paolo Rossi được đẩy sang Como, Juventus cho mượn. Nhưng ngay cả tại đây anh cũng không để lại dấu ấn gì cho đến khi LR Vicenza mà đứng đầu là chủ tịch Giuseppe Farina hỏi mua một nửa với giá 100 triệu lira.

Tại Vicenza, Paolo Rossi được huấn luyện viên Giovanni Fabbri đẩy lên chơi tiền đạo rồi mọi chuyện khác hẳn. Tại Serie B mùa giải 1976/77 Paolo Rossi 21 tuổi đã ghi 21 bàn, đoạt ngôi vua phá khung thành và đưa LR Vicenza lên Serie A. Cùng lúc đó thì Pietro Virdis ghi 18 bàn, nhưng không đủ để đưa Cagliari của anh tiến lên giải đấu cao nhất. Đến khi kết thúc mùa giải, Juventus lại xuất hiện như một một con tàu nam châm khổng lồ hút hết các tài năng trẻ về mình. Đầu tiên, chủ tịch Giampaolo Boniperti chi ra số tiền khổng lồ 2 tỉ lira để có được toàn vẹn Pietro Vidis. Đó là vụ tuyển mộ ồn ào giống hệt như khi Juventus lập kỷ lục thế giới để mua được Pietro Anastasi. Pietro Virdis về ngay Juventus còn Paolo Rossi vẫn ở lại LR Vicenza. Và mùa bóng đầu tiên ở Serie A của Paolo Rossi giống như một giấc mơ, đội bóng của anh leo ngay lên thứ 2 sau Juventus còn bản thân anh trở thành một trong số rất ít các cầu thủ hai năm liên tiếp đoạn danh hiệu vua phá khung thành từ Serie B lên Serie A, 1977 và 1978.
 
Giải vô địch thế giới năm 1978 tại Argentina là một giải đấu đặc biệt đối với các cầu thủ Juventus. Ở đó, 9,5 cầu thủ Juventus góp mặt trong đội hình 22 người của huấn luyện viên Enzo Bearzot. Những người này tiếp tục thể hiện ảnh hưởng cực mạnh của Juventus lên đội tuyển Italia, biến Italia thành một cái gọi là ‘Blocco Juventus' (nghĩa là ‘khối Juventus’, không khác gì Đội tuyển quốc gia Juventus – ‘La Nazionale Juventus’ vào năm 1934): Dino Zoff, Antonio Cabrini, Antonello Cuccureddu, Claudio Gentile, Gaetano Scirea, Romeo Benetti, Marco Tardelli, Franco Causio, Roberto Bettega và một nửa Paolo Rossi. Tại đó Italia vào đến trận tranh huy chương đồng (thua Brazil). Riêng Paolo Rossi ghi được 3 bàn và có 4 đường chuyền quyết định.

Mọi chuyện trở nên rắc rối khi đội tuyển Italia trở về từ Argentina. Có một cuộc tranh cãi quyết liệt giữa chủ tịch Juventus Giampiero Boniperti và chủ tịch Vicenza Giuseppe Farina. Không hẳn vì giá trị của Paolo Rossi tăng lên quá nhanh mà vì Vicenza không muốn đánh mất viên ngọc của mình như Juventus đã dại dột bán đi một nửa hồi năm 1976. Vì lí do đó Giuseppe Farina đưa lên mặt bàn một cái giá điên rồ cho Juventus mua lại một nửa Paolo Rossi: 2 tỉ 612 triệu lira, một kỷ lục ở Italia! Rất rõ ràng, đây là lời thách giá quá đáng, vượt xa giá tiền lúc mua về của chủ tịch Vicenza. Nó gây nên một làn sóng tranh cãi lan tràn khắp Italia, đến cả Liên đoàn bóng đá Italia và Ủy ban Olimpic quốc gia cũng phải lên tiếng. Người ta nói đây là một thời kỳ bóng đá điên loạn khi mà họ định giá một cầu thủ những hơn 5 tỉ lira. Kết quả cuối cùng, Paolo Rossi không đến được Juventus mà vẫn ở lại Vicenza. Sự sụp đổ trong mối quan hệ tay ba giữa Juventus - Paolo Rossi - Vicenza là dấu ấn kể rằng cả ba cùng rơi vào những chiếc bẫy vô hình mà phải mất rất nhiều sức lực, cả danh dự và thời gian nữa để thoát ra ngoài. Nó bắt đầu ở mùa giải 1978/79.

Mùa hè năm 1978, yên tâm với hàng thủ nên Juventus chỉ gọi lại hậu vệ trẻ Brio Sergio đã cho Pistoiese mượn. Hai tiền vệ trẻ Piero Fanna và Vinicio Verza được chơi nhiều hơn. Nhưng trên hàng tiền đạo không có ai để thay cho Roberto Boninsegna cả. Anh đã 36 tuổi. Đương kim vô địch Serie A bước vào mùa giải 1978/79 chỉ với 3 tiền đạo là Roberto Bettega, Roberto Boninsegna và Pietro Virdis thì một đã không còn nhiều sức để chạy nữa. Roberto Boninsegna thì không đủ sức để chơi nhiều vì đã 36 tuổi, còn 9 người khác trở về từ Argentina đều mệt mỏi.

Sự mệt mỏi của Juventus đến ngay từ đầu mùa bóng, khởi đầu hơi tồi ở Serie A và bị Rangers Glasgow loại ngay từ vòng 1 Coppa dei Campioni. Cả đội không thể chơi bùng nổ và liên tục bị đối thủ Ac Milan bứt lên trên. Số lượng bàn thắng không nhiều bởi vì Pietro Virdis không thể thay thế được Roberto Boninsegna, Juventus tụt xuống thứ 3 sau cả đội gây bất ngờ Perugia. Cùng lúc ấy ở phía Vicenza, Paolo Rossi lại dính một trấn thương nghiêm trọng ngay trận đầu ở Coppa Uefa. Anh hồi phục trở lại nhưng dù ghi 15 bàn cũng không cứu nổi Vicenza tụt hạng một mạch từ vị trí á quân Serie A. LR Vicenza rơi vào tình trạng cạn kiệt tiền bạc rồi nợ nần chồng chất. Còn Juventus, nỗi lo về một mùa giải trắng tay đối với Juventus chỉ kết thúc một tháng sau đó. May mắn thay, vẫn chính những con người bianconeri ấy đã thắng Palermo trong trận chung kết Coppa Italia ngày 20 tháng 6 năm 1979, Coppa Italia lần thứ 6.

Mùa hè năm 1979, Roberto Boninsegna chuyển sang Hellas Verona để chơi mùa giải cuối cùng trong sự nghiệp của mình còn Paolo Rossi vẫn cách xa Juventus. Anh phải rời bỏ Vicenza đã xuống hạng theo một bản hợp đồng cho mượn với giá cao chót vót 700 triệu lira một mùa đến Perugia. Vẫn chưa có được Paolo Rossi, Juventus đẩy một cầu thủ trẻ lên thay thế Roberto Boninsegna, là Domenico Marocchino. Dĩ nhiên, chiến lược mỗi năm một (vài) ngôi sao trẻ không dừng lại, tăng cường đáng chú ý nhất của Juventus là ở hàng tiền vệ, đấy là vụ tuyển mộ Cesare Prandelli 22 tuổi từ Atalanta. Nhưng trong khi hàng thủ và tiền vệ không hề thay đổi, Cesare Prandelli thật ra chỉ đóng vai trò dự bị, thì ở hàng tiền đạo thực ra cũng không có nhiều lựa chọn. Huấn luyện viên Giovanni Trapattoni quyết định mạo hiểm, ông dùng một cầu thủ chưa từng chơi một phút nào ở Serie A như là Domenico Marocchio cùng với mũi nhọn có thể nói là duy nhất Roberto Bettega.

Và quyết định ấy trở thành một quyết định quá mạo hiểm. Bởi vì tiền đạo trẻ Domenico Marocchino chỉ ghi được duy nhất một bàn thắng trong suốt cả mùa giải 1979/80. Còn lại tất cả dồn lên đôi chân của Roberto Bettega. Trong cái năm mà Roberto Bettega lên ngôi vua phá khung thành ở Serie A với 16 bàn thắng thì đang tiếc đội bóng của anh lại bị Inter Milan qua mặt trong cuộc đua tranh scudetto. Inter Milan của ngôi sao mới Alexander Altobelli chỉ hơn Juventus 2 điểm và 2 bàn thắng. Juventus có tiếc không? có, vì lúc đó Paolo Rossi ghi được 13 bàn cho Perugia ngay trong mùa giải đầu tiên tại đây. Vicenza có tiếc không? có, vì lúc đó đội bóng không thể tìm đâu ra một người đưa họ trở lại Serie A. Paolo Rossi có tiếc không? Cũng có, vì sau trận đấu cuối cùng của mùa giải, một vụ scandalo lớn chưa từng có trong lịch sử Serie A bung ra, với cái tên của nhà cái Totonero. Và anh, Paolo Rossi, phải khóc.
 
Trong trận đấu cuối cùng của mùa giải 1979/80 ngày 11 tháng 5 năm 1980, Ss Lazio gặp AC Milan trên sân nhà. Lúc này Lazio đã chắc chắn trụ hạng, các quan chức và cầu thủ Lazio đã bắt liên lạc với nhà cái Totonero để dàn sếp tỉ số và... kiếm tiền. Đúng như dự định của họ, Lazio thua 0-2 rất nhẹ nhàng. Nhưng còn điều không đúng như dự định của họ, một tuần sau sự việc bị tố cáo bởi chính những người Lazio. Kết quả sau lời tố cáo của nhân viên kiểm toán Massimo Cruciani và anh đầu bếp Massimo Lashing là FIGC và cảnh sát mở cuộc điều tra rộng lớn. Không chỉ AC Milan và Lazio, một loạt đội bóng và cầu thủ khác có dính dáng đến nhà cái Totonero bị phanh phui. Phán quyết cuối cùng, AC Milan và Lazio bị giáng hạng, 5 đội bóng khác ở Serie A và B là Avellino, Bologna, Perugia, Palermo, Taranto bị trừ 5 điểm trên bảng xếp hạng mùa sau; hai quan chức bị xử phạt (riêng chủ tịch AC Milan Felice Clombo vào tù); mười chín cầu thủ liên quan bị cấm thi đấu với những thời gian khác nhau, trong đó có Paolo Rossi bị 3 năm, riêng thủ môn AC Milan Enrico Albertosi vào tù.

Sự nghiệp của Paolo Rossi dường như đã bị đóng đinh, lần này không phải vào cái đầu gối của anh, mà vào lời tuyên án của các thẩm phán trước tòa. Dẫu cho Paolo Rossi luôn cho rằng mình trong sạch và hẳn là anh đã bị vu khống, thì anh vẫn phải chịu án đến 2 năm (giảm 1 năm sau đó). Trong cuốn sách xuất bản sau này có tựa đề Ho fatto piangere il Brasile (Tôi đã làm Brazil phải khóc), một trong những người đã buộc tội anh trong năm này thừa nhận rằng những lời buộc tội anh chỉ là thứ bịa đặt. Nhưng lời thừa nhận ấy chẳng còn giá trị gì nữa. Phải mất đến ba năm sau, nỗi buồn của Paolo Rossi mới vơi đi.

Còn với riêng Juventus, niềm hối tiếc còn đến như thác lũ ở tất cả các giải đấu, không thể kìm hãm được. Ngày 30 tháng 3 năm 1980, Juventus vừa thắng Inter Milan lại thua Cagliari 1-2 và đánh mất 2 điểm quan trọng trong cuộc đua với Inter Milan ở Serie A. Dù thắng cả 5 trận còn lại Juventus vẫn kém họ 2 điểm. Ngày 23 tháng 4, cầu thủ trẻ Paul Vaessen vừa vào sân trong những phút cuối cùng đã ghi bàn giúp Arsenal đánh bại Juventus ngay tại sân Comunale ở bán kết cúp C2 Coppa delle Coppe. Lại một tuần sau, ngày 30 tháng 4, Juventus bị Torino loại ở bán kết Coppa Italia. Chỉ trong vòng 1 tháng, tất cả các mục tiêu của đội bóng biến mất. Một mùa giải của nhiều tiếc nuối trong cái năm mà Roberto Bettega lên ngôi vua phá lưới Serie A qua đi. Ấy là chiếc bẫy vô hình của số phận Paolo Rossi, của Vicenza và của Juventus.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr September 28, 2011, 04:42 PM
Sợi dây chằng của Roberto bị đứt!

Không còn Pietro Virdis nhưng đội bóng cũng không tìm người thay thế nên chí còn 2 tiền đạo chính là Roberto Bettega và Domenico Marocchino. Thay vào việc tìm một tiền đạo, Juventus quyết định tuyển một ngôi sao vừa nhìn thấy (trong một trận thua) với giá hơn 500 nghìn bảng Anh để thế chỗ Romeo Benetti. Người này là William Brady hay thường gọi là Liam Brady. Tiền vệ 25 tuổi người thủ đô Irlanda Dublino đã chơi hơn 300 trận cho Arsenal và có mặt trong đội hình Arsenal thắng Juventus tại Coppa delle Coppe ít ngày trước đó. Với quyết định này, huấn luyện viên Giovanni Trapattoni xây dựng nên một đội bóng cực kỳ chắc chắn với hàng tiền vệ rất dày: Thủ môn Dino Zoff; các hậu vệ Antonello Cuccureddu, Gaetano Scriea, Antonio Cabrini, Claudio Gentile; các tiền vệ thay nhau đá chính Piero Fanna, Liam Brady, Marco Tardelli, Franco Causio, Giuseppe Furino, Cesare Prandelli, Vinicio Verza; và chỉ hai tiền đạo Roberto Bettega, Domenico Marocchino. Còn lại là các cầu thủ trẻ chỉ được chơi một hai trận dự bị như là Giuseppe Galderisi và Sergio Brio.

Kế hoạch của Giovanni Trapattoni suýt chút nữa phá sản ngay từ đầu mùa bóng mới 1980/81. Juventus khởi đầu cực kỳ chậm chạm với một loạt trận hòa và thua nhẹ giai đoạn đầu bất chấp việc đã thắng ĐKVĐ Inter Milan tại vòng 8. Cùng lúc đó, Bianconeri bị đánh bật ngay từ vòng 1 của Coppa Uefa bởi đội bóng Ba Lan Widzew Łódź (bạn hãy nhớ đây là đội bóng của Zbigniew Boniek và Wlodzimierz Smolarek). Kết thúc lượt đi, Juventus đã tụt lại một khoảng khá xa với As Roma. Thế mà bỗng nhiên mọi chuyện thay đổi hoàn toàn khi lượt về bắt đầu.

Hàng thủ vốn còn rất mạnh nơi đó Gaeteno Scriea và Antonio Cabrini phát huy tối đa sức mạnh của mình. Họ chơi một trong những mùa bóng hay nhất trong đời mình. Hàng tiền vệ dày đặc được lĩnh xướng bởi Liam Brady và Marco Tardelli chia sẻ trách nhiệm ghi những bàn thắng quan trọng với hai tiền đạo. Lúc này Juventus biến thành một đội bóng chắc chắn và khó lường, bởi vì cả ba tuyến của đội bóng có khả năng tấn công và đều ghi được số bàn thắng xấp xỉ như nhau. Trong khi Dino Zoff rất hiếm khi để đối phương phá khung gỗ thì thậm chí hai hậu vệ Gaetano Scirea và Antonio Cabrini còn ghi được nhiều hơn số bàn thắng mà hai tền đạo Roberto Bettega và Domenico Marocchino cộng lại.

Cuối cùng điều chờ đợi bấy lâu cũng đến, Juventus đuổi kịp As Roma của Bruno Conti và Roberto Falcão ở những vòng đấu cuối cùng. Trong cuộc đua nước rút này còn xuất hiện cả Ss Napoli. Nhưng lúc này Juventus đã giành được ngôi đầu, họ không bỏ rơi nữa. Vòng 28, Juventus tiếp Roma trên sân nhà trong một trận đấu căng thẳng và nhiều tranh cãi. Tỉ số 0-0 giúp Juventus duy trì cách biệt 1 điểm. Vòng 29, Juventus hành quân đến cảng Napoli trong một trận sống còn khác mà đội bạn tự phá lưới nhà ghi bàn duy nhất cho đội quân vùng đồi Alpi. Vòng 30 Juventus trở về nhà và đăng quang, Antonio Cabrini đã ghi bàn duy nhất trong trận tiếp Fiorentina. Lúc ấy, Perugia của Paolo Rossi vốn bị trừ 5 điểm vì scandalo Totonero tụt xuống Serie B còn Vicenza nợ ngầm đầu xuống hẳn Serie C1.
Năm trận đấu cuối cùng ở Serie A 1980/81 này Juventus không để thủng khung gỗ một quả nào. Cả mùa Dino Zoff chỉ chịu thua đúng 15 lần. Nó có nghĩa là scudetto lần thứ 19 sau hai năm nghỉ ngơi đã đến, có nghĩa là một mùa phòng thủ hoàn hảo. Scudetto gọi tên Liam Brady và nó cũng gọi tên Antonello Cuccureddu và Franco Causio, hai người cùng 32 tuổi. Bởi vì đây là scudetto cuối của hai anh sau lần lượt 12 và 11 năm ở Torino với cùng chiến tích là 6 scudetti, 1 Coppa Italia, 1 Coppa Uefa. Mùa hè năm 1981 Antonello Cuccureddu đến xứ Toscana với Fiorentina và chơi những trận đấu cuối cùng trước khi từ giã sân cỏ rồi chuyển sang làm huấn luyện viên. Còn Franco Causio đến xứ Udine bên cạnh để chơi thêm 7 năm nữa ở những đội bóng nhỏ hơn.

Anh đến, anh cống hiến, anh chiến thắng rồi anh ra đi, những con người cứ thế nối tiếp nhau đẩy con tàu Juventus lăn bánh trên đường ray chiến thắng tưởng như dài vô tận tựa như những thành công của chủ tịch Giampiero Boniperti với đội bóng của mình. Thay thế cho Franco Causio là một người trẻ hơn anh 10 tuổi, cầu thủ người San Marino lúc này lại đang là thành viên của đội U-21 Italia Massimo Bonini từ đội bóng bé nhỏ Ac Cesena. Không có một ai đến để thay cho Antonello Cuccureddu còn trên hàng tiền đạo Pietro Virdis lại từ ngoài đảo Sardegna quay trở về dãy Alpi. Cộng cả tay trẻ tuổi Giuseppe Galderisi, số lượng tiền đạo của Juventus tăng lên con số 4.

Mùa bóng 1981/82 trái ngược hẳn với mùa bóng trước, Juventus khởi đầu không thể suôn sẻ nhiều hơn. Đội bóng thắng 6 trận liên tiếp đầu tiên ở Serie A, dễ dàng vượt qua Celtic Glasgow ở vòng 1 Coppa dei Campioni. Thành công ban đầu này đánh dấu sức mạnh ổn định của đội bóng cũng như sự trở lại của bản năng săn bàn trên đôi chân của Roberto Bettega. Thế mà tinh thần phấn khởi của Juventus lại bị đánh đổ chỉ trong vòng 2 tuần kinh khủng. Ngày 21 tháng 10 năm 1981, Juventus thất bại 1-3 trong trận lượt đi vòng 2 Coppa dei Campioni trên sân của đội bóng Bỉ Anderlecht. Ngày 1 tháng 11 Juventus thua AS Roma 0-1 ngay trên sân nhà tại vòng 7 Serie A. Và ngày đen tối nhất là 3 hôm sau đó, cũng tại Comunale, đội quân của Giovanni Trapattoni bị Anderlecht cầm hòa 1-1 trong trận lượt về Coppa dei Campioni. Giấc mơ về Coppa dei Campioni của Juventus với Giovanni Trapattoni gác lại một lần nữa.

Nhưng từng đó chưa thể gọi là đen tối, ngay phút thứ 27 của trận đấu Roberto Bettega đã va chạm cực mạnh với thủ môn Jacques Munaron. Kết quả của pha va chạm này là Roberto Bettega đứt dây chằng đầu gối và phải nghỉ luôn từ đó đến hết mùa. Trong phút chốc của đổi thay, giờ đây vị trí của tiền đạo số một đặt vào đôi chân của Domenico Marocchino và anh chàng chưa tròn 19 Giuseppe Galderisi. Còn lại tất cả phụ thuộc vào Pietro Virdis cùng sự giúp sức của tuyến dưới. Giai đoạn cuối của lượt đi trôi qua vất vả, Juventus bị Fiorentina bắt kịp và từ đấy là cuộc đua tay đôi. May mắn thay, Juventus vẫn có thừa những con người có khả năng tìm lại chiến thắng cho đội. Hàng thủ đã làm quá tốt trách nhiệm của mình. Lúc mà Dino Zoff chơi những trận đấu hay nhất trong đời thì Gaetano Scirea và Antonio Cabrini không chỉ biết phòng thủ mà vẫn đều đặn ghi bàn.  Liam Brady vẫn lĩnh xướng hàng tiền vệ trơn tru. Và ở trên kia, Pietro Virdis cùng với Giuseppe Galderisi có những bàn thắng cực kỳ quan trọng. Rồi nữa, ba trận cuối cùng của mùa giải, Juventus được khích lệ rất lớn bằng sự xuất hiện của Paolo Rossi sau hai năm rưỡi bị cấm thi đấu. Để chiến thắng đến nghẹt thở đã đến như rất nhiều mùa giải từng diễn ra.

Vòng 28, Fiorentina hòa, Juventus thắng và hơn 1 điểm. Vòng áp chót, Juventus bị Napoli cầm chân tại Comunale và Fiorentina thắng Udinese, hai đội bằng điểm. Đến vòng cuối cùng, một quả penalty thành công của Liam Brady giúp Juventus thắng Catanzaro ở mãi tận xứ Calabria miền nam. Cùng lúc ấy, Fiorentina của Antonello Cuccureddu bị cầm hòa 0-0 ngoài đảo Sardegna của Cagliari, chấm hết cho cuộc bám đuổi và scudetto lần thứ 20 cho Juventus. Hai ngôi sao Stella d'Oro al Merito Sportivo được gắn trên ngực áo màu đen-trắng. Nó ghi dấu ấn của những người đã nỗ lực hết mình. Như Dino Zoff và hàng thủ, họ chỉ để lọt lưới 14 bàn! Như Liam Brady, một chàng trai rất mực khiêm tốn và nhẹ nhàng. Như hai anh chàng đóng thế Pietro Virdis cùng với Giuseppe Galderisi và cả sự trở về muộn màng nhưng vui sướng của Paolo Rossi nữa.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr April 08, 2012, 06:42 PM
Lâu ngày không kiểm tra, giờ tui xem lại trong ổ dữ liệu mà không thấy tăm hơi cái draft file của cái công trình thế kỷ này đâu nữa. Tìm nửa ngày rồi tui vẫn không thấy. Anh em cho tui xin tí gì đi không là tui đi chết đây  ~X(
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex April 08, 2012, 08:05 PM
Gọi điện thoại  cho người thân...
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr September 02, 2012, 12:47 AM
Cơn mưa mát lành và Juve đẹp nhất

Cúp thế giới năm 1982 đến trong niềm vui và đợi chờ của hầu hết các cầu thủ Juventus, trừ Liam Brady, đội Irlanda của anh không vượt qua vòng loại. Roberto Bettega bị chấn thương, Franco Causio đã rời đi nên đội hình của Juventus tại Spagna 1982 chỉ còn 6 người so với 7 tại Euro 1980. Ý nghĩa về một Blocco-Juventus trong đội hình của huấn luyện viên Enzo Bearzot không hề thay đổi vì cả 6 người ấy đều đá chính: Thủ môn Dino Zoff; các hậu vệ Gaeteno Scriea, Antonio Cabrini, Claudio Gentile; tiền vệ Marco Tardelli; tiền đạo Paolo Rossi (người chỉ chơi 3 trận cuối cùng của mùa giải ở Serie A).
 
Sự có mặt của Paolo Rossi trong đội tuyển lúc đó thực sự là một điều gì đó rất khó tưởng tượng. Nếu như một cầu thủ vừa trở lại thi đấu sau 2 năm bị cấm vì nghi án bán độ được tham dự cúp thế giới thì đó là một scandalo! Giới lãnh đạo liên đoàn giật mình, nhà báo bất ngờ còn cổ động viên không thể nào hiểu nổi. Các tifosi, giống như giới truyền thông, đã rất hoài nghi, và thậm chí còn hoài nghi hơn thế nữa sau vòng đấu bảng thứ nhất. Đội tuyển Italia đánh mất khả năng ghi bàn, chỉ kiếm được ba trận hòa và một trận thắng thiếu thuyết phục cách biệt hai bàn. Paolo Rossi, người ra sân trong đội hình xuất phát ở cả ba trận, đã không để lại ấn tượng cho người xem.

Nhưng Paolo Rossi là một cậu bé vàng còn huấn luyện viên Enzo Bearzot đã thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối  vào tài năng và thể lực của chàng trai chỉ cao có 1m74 và nặng 66kg này. Ở vòng thi đấu thứ hai, Italia ở chung bảng với Brazil và Argentina. Rossi vẫn được ra sân trong trận với Argentina, trận đấu mà Italia thắng 2-1. Mặc dù hứng chịu sự chỉ trích của giới truyền thông, Bearzot vẫn quyết định cho chàng trai xứ Toscana một cơ hội cuối cùng...
(http://sportige.com/wp-content/uploads/2010/07/Paolo-Rossi.jpg)

Italia phải thắng được Brazil, trong khi đó đội quân Seleçao lại chỉ cần một kết quả hòa là đủ để đi tiếp. Azzurri bất ngờ nổi lên với một chiến thắng phi thường 3-2, nhưng chính "Pablito" mới là người được chú ý nhất với cú hat-trick lập theo phong cách của riêng mình. Một bàn đánh đầu và hai bàn độc diễn. “Cỗ máy ghi bàn Rossi” đã được kích hoạt và nó đánh dấu một bước dài trên con đường đến chung kết với Đương kim á quân Cộng hòa Liên bang Đức trên sân Santiago Bernabéu để rồi Italia lên ngôi vô địch thế giới sau khoảng thời gian 44 năm đằng đẵng. Khoảng buồn mênh mông ấy được những cầu thủ Juventus trong sắc áo thiên thanh hàn gắn lại một cách ngọt ngào, bằng tài năng, bằng khát khao cháy bỏng của cả một dân tộc khát khao. Italia đã thắng cộng hòa liên bang Đức tới 3-1 và Paolo Rossi mở tỉ số còn đồng đội Marco Tardeli thì để lại hình ảnh không thể nào quên. Những cảm xúc bộc lộ trên gương mặt của Marco Tardelli, ngay sau khi ghi bàn thắng thứ hai giúp đội tuyển Italia vượt lên 2-0, là một trong những hình ảnh không thể nào quên của giải đấu này – giống như hình ảnh chàng trai Pele 17 tuổi khóc khi giành chức vô địch năm 1958, hay như Cruyff năm 1974. Nó thể hiện niềm phấn khích, hân hoan không gì có thể sánh được của việc ghi được bàn thắng trong trận đấu lớn nhất...
http://www.youtube.com/watch?v=_8vrqAhJ7Wk

Vài giây sau khi chứng kiến cú sút từ khoảng cách hơn 20 yard của mình đánh bại thủ môn Harold Schumacher, Tardelli bật dậy, gật gật đầu chạy và giơ cao bàn tay nắm chặt rồi bật khóc khi anh nhào vào ôm chặt các đồng đội của mình ở phía băng ghế dự bị. Anh và Paolo Rossi, Gaeteno Scriea, Antonio Cabrini, Claudio Gentile, Dino Zoff là những người hùng Italia, những người đã làm dịu mát không khí đêm tháng bảy Madrid nghẹt thở, đã làm cơn mưa thỏa cơn khát những ngày đã qua lâu đến nỗi không thể đếm được nữa...

Sau Spagna 1982, chức vô địch thế giới đương nhiên cũng làm các cầu thủ Juventus tự mãn pha một chút mệt mỏi khi bắt đầu mùa giải mới. Giống như năm 1978. Người ít mệt mỏi nhất là Liam Brady, nhưng anh phải ra đi lặng lẽ. Có rất nhiều lí do khiến cho Liam Brady, một cầu thủ luôn tận tụy và hiền lành không còn đứng trong đội quân áo đen-trắng nữa. Giải vô địch thế giới năm đó, người ta chứng kiến những ngôi sao sáng nhất trong lịch sử bóng đá thế giới đua tranh với nhau. Ở đó, ngay trước và sau giải đấu, Gianni Agnelli cùng với chủ tịch Giampiero Boniperti đã chấm cho mình Zbigniew Boniek và Michel Platini. Tuy nhiên, nếu cả hai ngôi sao này cùng về Juventus, thì Liam Brady phải ra đi, vì theo luật của FIGC, không một đội bóng nào được đăng kí quá hai cầu thủ nước ngoài.

Những lời đồn đoán về tương lai ở Comunale bủa vây Liam Brady, rồi nó cũng thành sự thật. Tháng 8 năm 1982, Juventus đổ những khoản tiền khổng lồ để kéo Zbigniew Boniek và Michel Platini về từ Widzew Łódź và Saint-Étienne, những bản hợp đồng trị giá hàng trăm triệu lira cho cả đội bóng lẫn cầu thủ. Sự xuất hiện của hai ngôi sao lớn của bóng đá thế giới ở Torino cho thấy xu hướng hút các tài năng trẻ trong nước gần như đã kết thúc. Hay nói đúng hơn, nó kết thúc ngay từ lúc mà Liam Brady đặt chân đến Italia. Giờ đây, Juventus càng mạnh tay đổ tiền vào những cầu thủ đã thành danh. Ấy là lúc Juventus đẹp nhất trên đời...
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr September 20, 2012, 01:51 AM
Người cũ ra đi và người hùng mới xuất hiện
 
Có lẽ việc để Liam Brady đến với thành phố cảng Genova để thừa ra một chỗ cho người nước ngoài là quyết định luyến tiếc nhất mà Giampiero Boniperti đã từng thông báo. Bởi vì  Liam chính là người đóng góp sức đẩy ghê gớm giúp Juventus chiến thắng 2 scudetti liên tiếp. Đội bóng có lẽ càng luyến tiếc hơn vì họ khởi đầu rất tầm thường trong nửa mùa giải đầu tiên. Sức mạnh của ĐKVĐ Juventus, của 6 nhà vô địch thế giới, của 2 siêu sao mới không thể hiện sự vượt trội so với các đội bóng khác ở Serie A. Michel Platini chịu áp lực lớn và bị giới báo chí Italia chê bai gay gắt. Thậm chí có tin nói rằng anh đã gần như sẽ rời bỏ đội bóng ngay trong mùa đông năm 1982. May mắn thay, điều đó không diễn ra. Có một vài thay đổi trong chiến thuật làm cho cả Michel Platini và Zbigniew Boniek trở nên hòa hợp với cả đội và bắt đầu phát huy những phẩm chất tuyệt hảo của mình. Roberto Bettega, Paolo Rossi và Zbigniew Boniek trở thành những bánh xe phụ bên cạnh bánh chủ Michel Platini ở rất cao trong sơ đồ chiến thuật.
(http://www.tifobianconero.it/media/galeria/124/6/5/1/3/n_juventus_michel_platini-4823156.jpg)

Trong nửa cuối mùa giải, từ vị trí của một số 10, Michel Platini ghi bàn liên tiếp bằng bóng sống, bằng sút phạt qua hàng rào đẹp mắt, bằng những quả 11m với vận tốc lên đến hơn 100km/h. Chiến thắng đến nhiều hơn, đẹp hơn. Ở Coppa dei Campioni, Juventus vượt qua đội vô địch nước Anh Aston Villa trong cả hai lượt trận ở tứ kết. Vào bán kết, gặp lại Widzew Łódź nay đã không còn Zbigniew Boniek, Michel Platini và các đồng đội cũng dễ dàng vượt qua. Thế mà cuối cùng mùa giải lại kết thúc trong những cảm xúc lẫn lộn mà tiếc nuối nhiều hơn là niềm vui.

http://www.youtube.com/watch?v=66U1IojbO3Q
Vì phân tâm tại Coppa dei Campioni, Juventus liên tục bị As Roma của các ngôi sao Bruno Conti và Falcão bỏ xa tại Serie A bằng khoảng cách của hơn hai trận thắng. Hi vọng của Juventus còn nhen nhóm cho đến vòng 25 ngày 27 tháng 3 năm 1983. Đội trưởng Dino Zoff và các đàn em đã để AC Torino giành chiến thắng đáng nhớ 3-2 trong trận derby della Mole.  Hi vọng bám đuổi As Roma tắt hẳn ở vòng 28 khi Juventus bị xử thua Inter Milan 0-2  trong trận derby d’Italia dù hai đội đã hòa nhau 3-3 trong giờ thi đấu chính thức. Nguyên nhân được ban tổ chức viện vào là do một cuộc xô xát nghiêm trọng đã xảy ra trước trận đấu, bắt đầu từ phía các cổ động viên Juventus?

Ngày 15 tháng 5 năm 1983, trận cuối cùng ở Serie A diễn ra khi Juventus nhìn AS Roma đăng quang với những tài năng Pietro Vierchowod, Carlo Ancelotti, Paulo Falcão, Bruno Conti và huấn luyện viên lừng danh Nils Liedholm. Michel Platini ghi được 16 bàn thắng ở Serie A, đoạt ngôi vua phá khung gỗ, lập luôn kỷ lục cầu thủ nước ngoài ghi nhiều bàn thắng nhất ở Serie A trong năm đầu tiên chuyển đến Juventus. Kỷ lục ấy tồn tại cho đến hôm nay, nhưng lúc đó nó không đủ và quá muộn để Juventus bảo vệ được scudetto của mình.

http://www.youtube.com/watch?v=8nUtSXNYuOQ

Ngày 25 tháng 5 năm 1983, Juventus gặp Amburgo SV, nhà vô địch Đức, trong trận chung kết cup C1 Coppa dei Campioni ở Atene - Hy Lạp. Đó là trận chung kết Coppa dei Campioni lần thứ 2 trong lịch sử, lần đầu là năm 1973 mà Juventus đã thua Ajax Amsterdam. Mười năm sau, đối thủ Amburgo SV là một đội bóng hoàn toàn xa lạ, chỉ có duy nhất một người quen, là huấn luyện viên Ernst Happel, người đã dẫn dắt Club Bruges đánh bại chính đội quân của Giovanni Trapattoni tại bán kết cup này năm 1978. Tiếc nuối lặp lại, Juventus bị trừng phạt ngay từ đầu hiệp 1 bằng một cú sút từ ngoài vòng cấm của Felix Magath đưa bóng đi vòng cung mà Dino Zoff không thể bắt nổi. Thời gian còn lại Quả bóng vàng châu Âu (Pallone d'oro) Paolo Rossi nhạt nhòa, Michel Platini bị bóp nghẹt bởi những cầu thủ Đức lực lưỡng. Trong khi đó  thủ môn Amburgo là Ulrich Stein đẩy xa mọi cú sút khác, biến đêm Atene thành một đêm buồn cho Juventus, một nỗi buồn nhân được đôi chỉ sau 10 ngày.

Nó chỉ vơi đi một chút những ngày sau đó, Juventus, Paolo Rossi và Michel Platini gượng dậy để thắng liên tiếp AS Roma, Inter Milan và Hellas Verona  rồi giành Coppa Italia an ủi 1982/83, Coppa Italia lần thứ 7 cho Juventus, danh hiệu đầu tiên của Michel Platini và Zbigniew Boniek ở Italia. Đối với riêng Michel Platini, danh hiệu nhỏ bé này cũng giúp anh một phần trong cuộc đua giành Quả bóng vàng châu Âu do tạp chí France Football bầu chọn năm 1983. Anh trở thành cầu thủ Juventus thứ 3 đoạt được danh hiệu này sau Omar Sivori và Paolo Rossi. Và như thế, những người vô địch khởi đầu bằng Coppa Italia. Và như thế, thành phố Torino có một công dân danh dự mới, là Michel Platini.

 
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Nguyen Hai Long September 22, 2012, 10:14 AM
Sắp đến thời kì Juve-Marcelo roài  :x
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Nguyen Hai Long October 26, 2012, 04:27 PM
Tiếp đê anh An ơi :)
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex November 26, 2012, 08:49 PM
Tiếp đi anh Pavel, sao cứ nhỏ giọt thế
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr November 29, 2012, 10:47 AM
Tiếp đi anh Pavel, sao cứ nhỏ giọt thế
Anh đi làm cả ngày hơi mệt, tối về phải đi ngủ sớm, không được thức khuya để sửa bài như trước hồi bị bệnh nữa. Nhưng dần dần anh sẽ pozt hết, viết nháp xong rồi mà. Thông cảm tí nhé.
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex November 29, 2012, 11:52 AM
Quăng đây em biên tập cho  >:)
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: souslevent November 30, 2012, 08:29 PM
Sắp tới có khi phải xuất bản thôi bác Pavel ah. Các fan cuồng P(avel)POP gào thét ghê quá  >:) >:) >:)
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr December 15, 2012, 02:47 PM
Đằng sau mỗi chiếc cúp là một lời từ giã

Sau chiến tích Coppa Italia, Dino Zoff đã giải nghệ ở tuổi thứ 41 còn Roberto Bettega có một chuyến du lịch vượt Đại Tây Dương sang Canada. Juventus chia tay với hai trong số những ngôi sao lớn nhất của mình. Đợt cắt giảm quân số của Giovanni Trapattoni còn loại luôn hai tiền đạo dự bị Domenico Marocchino và Giuseppe Galderisi trong mùa hè 1983. Những cầu thủ bổ sung thì lại khiêm tốn nhất có thể, chỉ có tiền vệ U-21 Italia Beniamino Vignola từ đội Avellino, tiền đạo kinh nghiệm Domenico Penzo đã 30 tuổi từ Hellas Verona và tạm được nhất là thủ môn Stefano Tacconi cũng từ đội bóng phương nam Avellino cùng với Beniamino Vignola. Hết, Juventus không cần những ngôi sao sáng nữa, họ đã có quá nhiều, không cần một tiền đạo nữa, vì Michel Platini đã ghi rất nhiều bàn thắng. Vì Michel Platini đã đưa Juventus đi vào cung đường chiến thắng, và không có lí do gì để dừng lại nhánh chóng, chắc chắn là như vậy.

(http://www.aicfoto.com/ImageMedium.ashx?id=239187)
Stefano Tacconi ở Avellino

Sau kì nghỉ hè, Juventus trở lại với một khí thế hừng hực ở Serie A và cúp C2 Coppa delle Coppe. Tại Serie A, trận mở màn mùa giải 1983/84, Juventus vùi dập Ascoli 7-0. Vài ngày sau, tỉ số tương tự lặp lại cho Juventus ở vòng một Coppa delle Coppe, lần này nạn nhân là đội bóng Balan Lechia Danzica. Ở Serie A là cuộc đua giữa ĐKVĐ As Roma, còn ở cúp C2, đối thủ lần lượt là Paris Saint-Germain, Manchester United rồi Porto. Cả ba tuyến của Juventus đều còn rất mạnh, thủ môn Stefano Tacconi thay thế hoàn hảo Dino Zoff. Paolo Rossi và Michel Platini trở thành hai họng súng lớn nhất của Juventus, liên tục nhả đạn hạ các đối thủ. Thời gian cứ trôi đi, càng đi Juventus càng gần đến chiến thắng. Cuối cùng lợi thế nghiêng hẳn về Juventus so với As Roma và các đối thủ còn lại ở Serie A.


Juventus giật lại được scudetto lần thứ 21 từ tay As Roma, trước một vòng đấu. Michel Platini lần thứ 2 liên tiếp giành ngôi vua phá khung thành, anh có tận 20 bàn thắng. Thừa hẳn một vòng đấu để chuẩn bị cho trận chung kết Coppa delle Coppe tại sân vận động Saint Jakob Park - Basilea - Thụy Sỹ, ngày 16 tháng 5 năm 1984 nên Juventus tràn trề sinh lực. Còn trên khán đài Saint Jakob Park ngập tràn những lá cờ ba màu Italia và hai màu đen-trắng Juventus, pháo khói đốt lên nghi ngút. Nhưng các cầu thủ Juventus lại chạy ra sân khởi động trong màu áo... da cam trông cứ như đội tuyển quốc gia Hà Lan. Điều lạ lùng này có nét tương đồng với lúc mà Juventus giành chiếc cúp châu Âu lần đầu tiên năm 1977.

http://www.youtube.com/watch?v=xIoqr38on0g
Chung kết  Coppa delle Coppe Juventus - Porto


Lúc đó họ cũng không mặc áo đen-trắng, mà mặc quần áo thiên thanh nên thoạt nhìn tưởng như Italia đang chơi bóng! Giống như một cơn giận dữ, rất nhiều pháo khói từ trên khan đài đã bị ném xuống phía cầu môn của đội Porto khiến trận đấu bị tạm hoãn ít phút. Lực lượng cảnh sát đã phải làm việc cực kỳ vất cả cho trận đấu không bị hoãn lâu hơn nữa. Cuối cùng thì màn trình diễn lớn nhất mùa giải của Juventus cũng bắt đầu. Cựu tiền đạo U-21 Italia Beniamino Vignola ghi một bàn thắng đẹp như một giấc mơ châu Âu. Mọi nỗ lực của Porto để có bàn gỡ hòa rồi cũng bị đặt dấu chấm hết bởi cỗ gắng xông pha thành bàn tiếp theo của Zbigniew Boniek. 2-1 cho Juventus, chiếc cúp C2 lần đầu tiên đến với Juventus, cúp châu Âu thứ 2 sau 6 lần vào chung kết.

http://www.youtube.com/watch?v=WntR1wpIRQE
Chung kết  Coppa delle Coppe Juventus - Porto


Mùa hè năm 1984, vòng chung kết giải vô địch châu Âu diễn ra ở nước Pháp của Michel Platini. Nhưng ĐKVĐ thế giới Italia không được góp mặt. Một đội ngũ đã già và mệt mỏi sau năm 1982 huy hoàng đã không thể vượt qua được vòng loại! Vì thế, sự vắng mặt của những người Italia cũng phần nào đó làm nền cho Michel Platini để anh biến Euro 1984 thành sân khấu của riêng mình. Anh ghi đến 9 bàn thắng trong tổng số 14 bàn của đội Pháp, đoạt tiếp danh hiệu vua phá lưới và đội Pháp lên ngôi. Còn đối với những cầu thủ Italia và Juventus của năm 1982, cũng đã đến lúc những bánh xe lần lượt chạy chậm lại rồi dừng hẳn. Năm 1983, Dino Zoff và Roberto Bettega chia tay con tàu Juventus. Giờ đây đội trưởng Giuseppe Furino cũng từ giã sân cỏ sau 15 năm gắn bó với thành phố Torino và đã 38 tuổi. Chiếc máy chém Claudio Gentile chuyển về Fiorentina cho những mùa giải ít áp lực hơn. Những con người ấy, chính là những người đã giành được cho đội bóng nhiều vinh quang nhất.

Juventus cần phải có những dòng máu mới, Trapattoni cần những chàng trai mới để đưa đội bóng liên tục chiến thắng. Nhưng ông không có các siêu sao, chỉ có những cầu thủ bình thường, như tiền đạo 26 tuổi Massimo Briaschi từ Genoa để chơi cùng Paolo Rossi. Không có ai thay thế Giuseppe Furino ở hàng tiền vệ. Thay thế cho Gentile là hậu vệ 27 tuổi Luciano Favero từ Avellino, đội bóng cũ của thủ môn Stefano Tacconi và Beniamino Vignola. Cuối cùng, khiêm tốn hơn nữa là anh chàng hậu vệ 19 tuổi của đội U-21 Italia, Stefano Pioli, đến từ Parma. Không có ai trong số những người mới đến tạo ra niềm tin ban đầu cho những người bianconeri. Đáng lẽ, họ phải được nhìn thấy Michael Laudrup ở sân ga Comunale, người đã là thành viên của Juventus từ năm 1983 sau vụ chuyển nhượng có giá kỷ lục Đan Mạch (gần một triệu đồng bảng Anh) từ Brøndby. Nhưng vẫn theo luật của FIGC, chỉ có 2 cầu thủ nước ngoài được phép đăng ký, và dĩ nhiên là đứng trước Michel Platini và Zbigniew Boniek, sự nghiệp của anh chàng Michael Laudrup 20 tuổi cũng chẳng khác gì Liam Brady. Lúc đó Michael Laudrup bị mang cho Lazio mượn (đội này mới trở lại Serie A sau vụ Tottonero).

Không tìm kiếm được những cá nhân suất xắc nhất trong nước, lại bỏ phí mất tài năng của Michael Laudrup, trong khi người cũ lần lượt ra đi, hẳn nhiên Juventus của Trapattoni sẽ gặp những chướng ngại quá lớn trên con đường chiến thắng của mình. Bởi vì cùng lúc ấy, các đội bóng ở Serie A lần lượt đổ tiền chiêu mộ hàng loạt anh tài của bóng đá thế giới như Zico ở Udinese, Karl-Heinz Rummenigge ở Inter Milan, Diego Maradona ở Napoli, Hans-Peter Briegel ở Verona. Ngoài ra AC Milan và Sampdoria bắt đầu sở hữu một thế hệ cầu thủ tài năng bậc nhất Italia sau Spagna 1982. Tất cả đồn dập tấn công ĐKVĐ Serie A ngay từ vòng đấu đầu tiên đến cuối cùng của mùa giải 1984/1985.
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex December 15, 2012, 11:13 PM
Tiếp, tiếp đê anh  gold_cup
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr December 16, 2012, 01:11 AM
Những xác người trong chiều thảm kịch Heysel

Một mình Michael Platini kéo cả đoàn tàu Juventus tiến lên. Nhưng nó làm rơi vãi rất nhiều điểm số ở Serie A vì hàng thủ đã lỏng lẻo và không đủ sức chiến đấu. Tiền đạo mới Massimo Briaschi đã rất cố gắng cũng không bù được phần hao hụt mà Paolo Rossi đã đánh mất vì kém phong độ. Michael Platini lại ghi được đến 18 bàn ở Serie A, nhưng ở dưới kia, hậu vệ đã ghi rất nhiều bàn thắng quan trọng Antonio Cabrini sau nhiều năm đã im tiếng. Massimo Briaschi góp cho đội 12 bàn nhưng Paolo Rossi chỉ còn lại có 3! Sau nhiều năm Juventus lại thua AC Torino trong một trận derby della Mole. Cơ hội bảo vệ scudetto tắt đi rất nhanh dù cả đội đã được cổ vũ tinh thần rất lớn vào tháng 1 năm 1985. Lúc ấy Juventus đã thắng Liverpool (ĐKVĐ cúp C1 Coppa dei Campioni) trong trận siêu cúp châu Âu (Supercoppa Europea) với tỉ số 2-0, hai bàn thắng là của Zbigniew Boniek (người cũng đã ghi bàn quyết định trong trận chung kết cúp C2 cho Juventus). Trước đó một tháng, Michel Platini nhận danh hiệu quả bóng vàng châu Âu lần thứ 2 từ tạp chí France Football.

Nhưng siêu cúp châu Âu và cả quả bóng vàng châu Âu chỉ là vinh quang ở châu Âu mà thôi. Nó không đủ cứu Juventus ở Serie A, và đội bóng tụt liền 6 bậc trên bảng xếp hạng cuối cùng. Cả đội Juventus thất bại trừ Michael Platini, đoạt ngôi vua phá khung thành Serie A năm thứ 3 liên tiếp bằng 18 bàn thắng.
(http://www.soccerchampions.altervista.org/Images_Champions/Michel_Platini/Michel_Platini_with_golden_ball_24.jpg)

Quả bóng vàng cho Michel Platini

Nếu một người đã liên tiếp giành được ngôi vua phá khung thành ở tất cả các giải đấu quan trọng mà anh tham gia, giành hết các danh hiệu lớn của bóng đá thế giới liền trong 3 năm thì chẳng có lí do gì để anh thất bại ở cúp C1 châu Âu, đó là một điều may mắn cho Juventus. Những màn đi bóng một mình, những pha đá phạt vòng cung, những quả penalty, và dĩ nhiên là những bàn thắng, tất cả tạo nên thương hiệu riêng cho Michel Platini. Thương hiệu ấy giúp cho Juventus trút bỏ nỗi buồn ở Serie A vào việc vùi nát mọi vật cản trước mặt trên con đường chinh phục cúp C1 châu Âu bằng lối chơi tấn công đẹp mắt và hừng hực khí thế.

Tháng 10 năm 1984, Ilves Tampere của Phần Lan là nạn nhân đầu tiên của đội quân áo đen-trắng (tổng tỉ số 6-1). Tháng 11 năm 1984, tiếp theo là Grasshoppers của Thụy Sỹ (6-2). Tháng 3 năm 1985, Sparta Praga (3-1). Tháng 4 năm 1985, Bordeaux của Jean Tigana, Alain Giresse và Dieter Müller (3-2). Trong cả hai trận với Starta và Bordeaux, Juventus đều thắng trước 3-0 trên sân nhà. Điểm hẹn cuối cùng, ngày 29 tháng 5 là sân vận động Heysel ở Bruxelles, nước Bỉ. Đối thủ: Liverpool.

Nếu như Juventus có Michel Platini, thì Liverpool có Ian Rush, Juventus có Zbigniew Boniek luôn sáng láng ở các giải đấu cup thì Liverpool trình làng John Wark. Nếu Juventus có Paolo Rossi chợt bừng tỉnh ở châu Âu thay vì ủ rũ ở Serie A thì Liverpool có Kenny Dalglish. Hai đội bóng đi những hành trình đầy sức mạnh song song với nhau cho đến trận chung kết. Nếu Juventus thắng hàng loạt trận đấu với tỉ số cách biệt lớn lao thì Liverpool cũng không hề kém cạnh. Và Heysel, nơi đã diễn ra 4 trận chung kết cup châu Âu, đáng ra, như người ta hi vọng, sẽ là một sân khấu lớn, để trình diễn một thứ bóng đá hấp dẫn muôn phần, mà nó đã được khởi động bằng trận siêu cúp châu Âu từ bốn tháng trước.

(http://www.sport.it/fnts/sport/immagini/resized/j/u/juventus-heysel-1985_4965368_550x413.jpg)
Những xác người la liệt ở Heysel

Khán đài Heysel 55 tuổi già nua phía sau cầu môn được chia làm hai nửa. Một nửa ngập tràn màu cờ xanh-trắng-đỏ Italia, đen-trắng Juventus và pháo khói. Một nửa rực rỡ màu cờ trắng - đỏ nước Anh và Liverpool. Đó như là một giấc mơ, Heysel ầm ầm như tiếng cơn giông tố, bởi nó như giận dữ truyền đi nguy cơ về một thảm kịch. Những công ty tổ chức du lịch lữ hành quốc tế không biết điều đó, ban tổ chức không biết điều đó, lực lượng an ninh và cảnh sát kỵ binh không biết điều đó. Bên cạnh khu vực dành cho cổ động viên Liverpool phía sau cầu môn, là khu vực dành cho cổ động viên trung lập người Bỉ. Nó được ngăn cách đơn giản bởi hàng lưới B40 cũ nát. Nhưng khu vực cổ động viên trung lập thật ra không có nhiều người Bỉ. Các công ty du lịch lữ hành quốc tế đã bán đến cả nghìn chiếc vé cho những cổ động viên Juventus ở Bỉ, thậm chí cả các cổ động viên Juventus ở Italia, và cả cổ động viên của Liverpool.

Gần bảy giờ chiều ở Bruxelles, một giờ trước khi trận đấu diễn ra, trong khi các cầu thủ vẫn ở trong phòng thay đồ thì các khán đài đã chật cứng 60 nghìn người. Ban tổ chức có ý định hâm nóng các cổ động viên (?) bằng một trận đấu giữa các cầu thủ trẻ con. Hai đội thiếu niên mặc áo giống màu áo Liverpool và Juventus ra sân! Đối với các cổ động viên, thì đó là lúc trận đấu tranh cúp đã bắt đầu rồi, chứ không phải đợi đến lúc các cầu thủ lớn tuổi ra sân. Hiệp 1, đội thiếu niên trong màu áo Liverpool dẫn trước. Hiệp 2, đội mặc màu áo Juventus bắt đầu phản công và cổ động viên trên sân bắt đầu mạt sát lẫn nhau. Khoảng 7 giờ chiều, trận đấu của các cầu thủ thiếu niên phải dừng lại. Ở khán đài phía sau cầu môn, cổ động viên Liverpool bắt đầu tấn công những cổ động viên Juventus ở khán đài trung lập bằng gạch đá và vật cứng ném qua hàng rào kẽm B40. Những cổ động viên Juventus cũng đáp trả bằng chính những thứ được ném qua hàng rào. Cơn mưa gạch đá càng khủng khiếp hơn khi hàng trăm cổ động viên Liverpool tràn qua hàng rào sang khu vực cổ động viên Juventus. Lo sợ nên các cổ động viên Juventus đã rút lui, dồn về phía tường ngăn phía góc khán đài để tìm cách thoát thân. Rất nhiều người đã trèo qua tường ngăn và chạy thoát, nhưng cả nghìn người khác thì bị ngăn lại, xổ đẩy nhau ép chặt vào tường ngăn. Bức tường ấy đã 55 tuổi và sập xuống, kéo theo những người ở trên và đổ xuống đầu những người ở dưới, tạo ra một thảm kịch kinh hoàng nhất đối với Juventus và những cổ động viên của họ. Hàng loạt kênh truyền hình đã phải cắt bỏ chương trình trực tiếp của mình.
http://www.youtube.com/watch?v=Ic_XaAcKbbQ
Hooligan tấn công cổ động viên Juventus gây nên cảnh chen lấn xô đẩy kinh hoàng
http://www.youtube.com/watch?v=F3SEI07hHHw
Đoạn phim Hooligan Liverpool tấn công cổ động viên Juventus, dồn họ ép vào bức tường trước khi nó đổ sập


Trong xô đẩy, dẫm đạp, lèn lấn và tiếng ầm ầm khiếp sợ, hàng chục người đã chết tại chỗ. Hàng trăm người dập nát thân thể. Khi cảnh sát kỵ binh và máy bay trực thăng tiến vào sân bóng, mọi thứ đã quá muộn. Khắp các khán đài nổi loạn, cổ động viên Juventus từ phía những khán đài khác tập trung tấn công lại cổ động viên Anh, bị cảnh sát kỵ binh và an ninh ngăn lại, nên tấn công luôn cả lực lượng an ninh. Sân khấu Heysel biến thành một sân vận động điên loạn. Phía trong đường hầm, cầu thủ hai đội vẫn đang chuẩn bị trận đấu và không lường hết được những gì đang diễn ra trên sân, và hậu quả của nó. Đó là lúc tất cả phải đưa ra quyết định. Giovanni Trapattoni và Joseph Fagan, huấn luyện viên của hai đội muống hủy bỏ trận đấu, dù nó chưa bắt đầu một phút nào. Nhưng Uefa, ban tổ chức và các trọng tài nghĩ khác. Họ lo sợ rằng 60 nghìn người có mặt trên sân sẽ biến thành những cơn sóng bạo loạn khủng khiếp hơn nữa nếu họ không nhìn thấy những cầu thủ ra sân, bởi tất cả những gì đã xảy ra đối với họ là một thảm kịch. Và trọng tài chính người Thụy Sỹ, ông André Daina cùng hai đội trưởng Gaetano Scirea và Phil Neal dẫn hai đội ra sân.


Những gì xảy ra dĩ nhiên tạo ra áp lực lên trận đấu. Hai đội bóng có lối chơi tấn công mạnh mẽ nhất châu Âu đã không thể chơi bóng như những ngày bình thường được, bởi những đôi chân ghê sợ. Đó là một trong những trận chung kết cup C1 châu Âu nghèo nàn nhất trong lịch sử. Phút thứ 56, trận đấu một lần nữa biến thành một trò chơi ám ảnh, Gary Gillespie đốn ngã Zbigniew Boniek ngoài vòng 16m50 đến cả mét, nhưng trọng tài André Daina chỉ tay vào chấm phạt đền. Michel Platini bước lên và đá quả 11m nặng nề ấy. Ghi bàn. Anh ăn mừng, cùng các đồng đội cùng cổ động viên Juventus, rồi dừng lại... Trận đấu kết thúc với tỉ số 1-0 cho Juventus. Hầu hết các cầu thủ Juventus chạy về phía khán đài cổ động viên Juventus và ăn mừng với họ, hét lên những tiếng hét xua tan đi nỗi đau.

http://www.youtube.com/watch?v=BURxU8spu0k
http://www.youtube.com/watch?v=s8_QpNue5S8

Các cầu thủ Juventus và cổ động viên sau bàn thắng và tiếng còi mãn cuộc

Sau này nhiều người đã không đồng tình với Michel Platini và các đồng đội. Michel Platini nói rằng, anh thực sự không biết rằng thảm kịch xảy ra nặng nề đến vậy vì lúc đó cả đội đang trong phòng thay đồ. Còn nhiều người vẫn coi Heysel là một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Nhiều tháng sau, những cuộc điều tra về thảm kịch mới khép lại, rất nhiều bản án đã nêu ra, trong đó có cả việc cấm bóng đá Anh tại châu Âu vô thời hạn, cách chức hàng loạt thành viên liên đoàn bóng đá Bỉ và đội trưởng an ninh. Hoàn thành quả penalty đó, Michel Platini khép lại cúp C1 năm đó với vị trí vua phá lưới (7 bàn) cùng với Torbjörn Nilsson còn Juventus lần đầu tiên đoạt danh hiệu vô địch Coppa dei Campioni, và cũng là đội bóng đầu tiên thâu tóm cả ba chức vô địch châu Âu.

Nhưng đối với Michel Platini và nhiều người khác, danh hiệu ấy dường như không hề tồn tại. Bởi vì nó phải trả một cái giá quá lớn. Đó là hơn hai mươi năm đợi chờ, 39 người chết trong đó có 34 người Italia (cổ động viên Juventus), 4 người Bỉ, 2 người Pháp và một người Bắc Iranda. Sáu trăm người bị thương. Một lần nữa vinh quang của Juventus có ám ảnh của người còn sống với những người đã chết. Trở về từ Heysel với chiếc cúp C1, Juventus chỉ tung ra đội hình dự bị cho hai trận tứ kết Coppa Italia, và thua AC Milan 0-1 (bàn thua duy nhất do cựu tiền đạo Juventus, Pietro Virdis ghi) và khép lại mùa giải trong lặng lẽ, như chính cuộc sống của rất nhiều cầu thủ Juventus sau ngày ấy.
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr December 21, 2012, 02:43 PM
Khi nhà vua biết mình sắp phải nhường ngôi

(http://2.bp.blogspot.com/_z2bziRTdZaI/TUrRNkdxbaI/AAAAAAAADAA/OwGMcsx4hTc/s1600/a8eab0f71cca6d62b1920bf0519209d2.jpg)

Sau chiều Heysel ấy, Juventus có rất nhiều thay đổi. Những người hùng 1982 vẫn lần lượt ra đi. Sau Dino Zoff, Roberto Bettega, Giuseppe Furino và Claudio Gentile, giờ đây đến lượt Marco Tardelli, Zbigniew BoniekPaolo Rossi chia tay sân bóng Comunale. Marco Tardelli chuyển đến với đội bóng kình địch Inter Milan, trong khi Zbigniew Boniek sang As Roma để thay cho Falcão còn Paolo Rossi đến AC Milan. Ngay cả những cầu thủ dự bị cũng tìm đường rời khỏi Torino. Cesare Prandelli, sau 6 năm làm dự bị (và cũng có ngần ấy huy chương như các cầu thủ đá chính) quay lại với Atalanta cùng Bruno Limido; Beniamino Vignola về Empoli. Tất cả những người đã chia tay Juventus sau chiều Heysel ấy, dù đã thành công hay thất bại, thì vì ám ảnh Heysel, vì những lí do nào đó, mà mối quan hệ giữa họ với Juventus về sau này không còn sâu đậm nữa. Thậm chí có người còn dần trở thành kẻ thù của các cổ động viên như Zbigniew Boniek. Một mùa hè với 6 người ra đi, chỉ còn lại hàng hậu vệ nguyên vẹn cùng thủ môn Stefano Tacconi, chẳng khác gì một cuộc chia li lớn. Serie A cũng chứng kiến những vụ đổi người ồn ào nhất. Nó chia tay Falcão và Socrates và lại có thêm những niềm hi vọng mới, như Roberto Baggio.

Sự ra đi của Zbigniew Boniek mở đường cho Michael Laudrup trở về từ Lazio để sát cánh bên cạnh Michel Platini. Hết, Juventus không còn thêm một ngôi sao nào nữa. Những người mới đến chỉ là những tài năng ở mức trung bình, như là tiền vệ Massimo Mauro, cựu cầu thủ U-21 Italia từ Udinese; tiền vệ dày dặn Lionello Manfredonia từ Lazio; tiền vệ Gabriele Pin, một cựu cầu thủ trẻ vô danh của chính Juventus; cuối cùng là tiền đạo hạng trung Aldo Serena, người đã trải qua hàng loạt đội bóng khác trước khi đến Torino. Juventus không còn mạnh mẽ nữa, sự thật là nó chỉ còn lại một vài cá nhân có thể kéo cả đội đi lên. May mắn, Juventus có những bánh xe khỏe mạnh như thủ môn Stefano Tacconi, hậu vệ Antonio Cabrini, đội trưởng Gaetano Scirea, Michel Platini và Michael Laudrup. Trong cái năm mà Michel Platini lần thử 3 liên tiếp giành Quả bóng vàng châu Âu, huấn luyện viên Giovanni Trappattoni đã xây lên một đội Juventus khác đi rất nhiều cho mùa giải 1985/86.

Không còn lối chơi tấn công đẹp mắt nữa, Juventus quay về với hàng phòng ngự chắc chắn, một đội bóng của Michel Platini (đã bước sang tuổi 31) và những người còn lại. Sản phẩm của hàng phòng ngự chặt chẽ Juventus là một serie 8 trận thắng liên tiếp ngay lúc mở đầu Serie A mùa giải 1985/86. Loạt điểm đầu mùa này tạo ra cho Juventus một khoảng cách khá xa với các đội đứng sau là Inter Milan, AS Roma và SS Napoli. Nó tạo ra một sự hưng phấn trong lòng các cẩu thủ Juventus, nhất là những người mới đến như Michael Laudrup và Aldo Serena. Tháng 11 năm 1985, với tư cách là ĐKVĐ, Juventus đánh bại ĐKVĐ Serie A Hellas Verona tại vòng 1/8 Coppa dei Campioni bằng hai bàn của Michel Platini và Aldo Serena.

(http://storiedicalcio.altervista.org/images/Juventus_Argentinos_1985_Laudrup.jpg)

http://www.youtube.com/watch?v=Yg1xDQiCnEE
Coppa Intercontinentale tháng 12 năm 1985 - full match

Tháng 12 năm 1985, Juventus đến Tokyo để gặp đội vô địch Nam Mỹ Argentinos Juniors trong trận tranh cúp Liên lục địa Coppa Intercontinentale. Hai bàn thắng của Michel Platini và Michael Laudrup đã giúp Juventus cầm hòa đội bóng Argentina trong 2 hiệp chính. Sang loạt đá luân lưu 11m, lại chính Michel Platini đá quả cuối cùng giúp cho đoàn quân đen-trắng lần đầu tiên giành được danh hiệu Liên lục địa từ Tokyo. Chiếc cúp cho lần đầu tiên Juventus được coi là vô địch thế giới, tiếp thêm niềm tin mạnh mẽ về một mùa giải thành công nữa.

Nhưng nó cũng đánh lừa cảm giác của mỗi người. Juventus bắt đầu đánh mất một vài điểm số, thua một đôi trận đấu quan trọng. Tháng 3 năm 1986, đội bóng bị đánh bại bằng một bàn cách biệt tại tứ kết Coppa dei Campioni bởi những người đến từ thành phố Catalunya, Barcelona, nghĩa là cơ hội bảo vệ chức vô địch đã không còn. Ở Serie A, một cách rất chậm chạp, AS Roma dần dần cũng bắt kịp số điểm của Juventus ở vòng đấu thứ 28, lúc chỉ còn hai trận đấu nữa là kết thúc mùa giải. Suýt chút nữa cảm giác chiến thắng đã ru ngủ Juventus, nếu như không có cái tên Lecce xuất hiện. Vòng đấu 29 áp chót, trên sân Olimpico ở Roma, Lecce, đội bóng đã xuống hạng và chỉ thắng được đúng 4 trong tổng số 28 trận trước đó, đã bất ngờ quật ngã AS Roma. Cùng lúc đó, trên sân nhà Comunale, Michael Laudrup đã ghi bàn thắng ở phút thứ 89 giúp đội nhà đánh bại AC Milan của Paolo Rossi và những cầu thủ trẻ như Paolo Mandini, Franco Baresi lẫn tân chủ tịch Silvio Berlusconi. Cuộc đua giữa Juventus và AS Roma bất ngờ chấm dứt bởi một trận thua đau đớn của kẻ bám đuổi. Vòng đấu cuối cùng AS Roma tuyệt vọng thua nốt trên sân Como còn Juventus nhẹ nhàng vượt qua... Lecce cũng với tỉ số 3-2 trên sân Via del Mare.

Không ai biết trận thua của AS Roma trước Lecce có liên quan gì đến những cầu thủ cá độ trong vụ Totonero thứ 2 vỡ lở ngay trong tháng 5 năm 1986 hay không. Bởi vì người ta không điều tra trận đấu đó. Danh sách các quan chức và cầu thủ dính dáng đến cá độ dài đến cả trang giấy đã phải chịu án cấm hoạt động thể thao, nhưng không có ai là người của Lecce hay Roma cả. Và scudetto là của Juventus, lần thứ 22. Lần đầu tiên Michel Platini không giành được danh hiệu vua phá khung thành sau 3 lần liên tiếp. Nó thuộc về Roberto Pruzzo của AS Roma. Ở cái nơi mà bóng đá bắt đầu tràn ngập những anh tài trên khắp năm châu, Juventus vẫn đánh chiếm lại được scudetto. Có lẽ, scudetto này dành cho Michel Platini, bởi vì đó là lần cuối cùng của người hùng đến từ nước Pháp (nhưng anh thực ra là một oriundo). Có lẽ, scudetto này dành cho Michael Laudrup, bời vì đó là lần đầu tiên của niềm hi vọng tương lai đến từ Đan Mạch.

Cúp thế giới mùa hè năm 1986 đến trong lúc thoái trào của đội tuyển Italia và huấn luyện viên Enzo Bearzot. Cái gọi là blocco-Juve trong lòng đội quân áo thiên thanh gần như không còn nữa. Chỉ còn 3 cầu thủ Juventus góp mặt trong số 23 người là hậu vệ Antonio Cabrini, Gaetano Scirea và tiền đạo dự bị Aldo Serena trong khi Marco Tardelli và Paolo Rossi đã mang màu áo khác. Trong đội hình Italia trong buổi thoái trào ấy có đến 6 cầu thủ khoác áo Inter Milan, nhưng tài năng và nghị lực của họ không đủ để đưa Italia đi xa. Và, khi mà dấu ấn của Juventus ở đội tuyển quốc gia trở nên nhạt nhòa, thì có nghĩa là Italia không còn là chính mình nữa. Còn đội Pháp của Michel Platini, bộ tứ huyền ảo Michel Platini - Jean Tigana - Luis Fernández - Alain Giresse vẫn còn đó nhưng tất cả họ đã ở phía bên kia sườn dốc của dự nghiệp của mình, mà đỉnh cao là 2 năm trước với chức vô địch Euro 1984, bốn năm trước ở Spagna 1982. Họ không còn đủ sức nữa trong khi những tài năng như tiền đạo trẻ Jean-Pierre Papin (giống Gianluca Vialli của Italia) còn chưa bùng nổ. Italia cũng vậy. Đội bóng già nua, cả trong suy tính của ông Enzo Bearzot đôi chân của những người trên sân, ì ạch vào đến vòng hai và thua đội Pháp của Michel Platini 0-2. Rồi đội Pháp cũng thua người Đức ở bán kết trong trận đấu được coi vào loại hay nhất Mexico 1986, trong trận mà Michel Platini đã đá hỏng một quả 11m. Đó là màn trình diễn lớn cuối cùng của Michel Platini. Anh không còn là vua phá lưới ở tất cả các giải đấu mà anh tham gia nữa. Sức lực anh đã hao dần và quá khứ vinh quang mới ngày hôm qua đã bắt đầu lùi dần ra xa.

Cúp thế giới năm ấy chứng kiến một tài năng phi thường bùng nổ. Diego Maradona dẫn kéo cả đoàn quân Argentina giành lấy vinh quang cuối cùng. Con người ấy, có mặt ở Italia từ hai năm trước, 1984, khi anh rời xứ Catalunya và Barcelona đến Napoli. Mà trong hai năm ấy, chính anh, phải chịu khuất bóng dưới Michel Platini ở giải Serie A. Tài năng và niềm kiêu hãnh của Michel Platini khiến cho anh cảm thấy sợ. Sau này, nhiều lần anh vẫn nói, "Michel Platini, tôi không hiểu anh ấy, tôi chỉ thấy anh ấy là một người lạnh lùng, rất lạnh lùng trên sân cỏ". Michel Platini đã khiến cho Diego Maradona có cảm giác sợ hãi mỗi khi đối đầu với nhau, nhưng Mexico 1986 đã đẩy Diego Maradona lên một tầm cao mới, anh sẽ không còn sợ ai nữa. Giây phút Diego Maradona giương cao chiếc cup vô địch thế giới cũng là giây phút Michel Platini và calcio biết rằng Serie A sẽ có một nhà vua mới.
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr December 21, 2012, 05:47 PM
Calcio chỉ còn biết mỗi một mình Diego

Sau cúp thế giới 1986, Michel Platini chỉ gia hạn hợp đồng với Juventus thêm một mùa giải nữa. Anh đã quyết định treo giày khi mùa bóng 1986/87 khép lại. Dù thế thì Juventus vẫn có rất ít sự thay đổi. Chỉ duy nhất có 3 người mới và đều là những cầu thủ dự bị, là hậu vệ Roberto Soldá, tiền vệ Beniamino Vignola trở lại sau một năm đi cho mượn ở Hellas Verona và tiền đạo U-21 Italia mới 17 tuổi Renato Buso đến từ thành phố Montebelluna xứ Veneto. Người đến thì không có nhiều hi vọng, mà người đi lại tạo ra một nỗi hoang mang.

Sau đúng mười năm đến và giành lấy tất cả các danh hiệu mà một huấn luyện viên có thể giành được với một câu lạc bộ, Giovanni Trapattoni ra đi! Và ông trở thành huấn luyện viên thứ 2 của Juventus rời đội bóng sang thành phố Milano với Inter Milan sau người đầu tiên Heriberto Herrera hồi năm 1969. Có thể nói việc Giovanni Trapattoni ra đi là cú bắn phá mạnh nhất vào con tàu Juventus, trên cả sự già nua và mệt mỏi của những bánh xe chủ như Michel Platini, Antonio Cabrini hay Gaetano Scirea. Từ đây, Juventus chạy qua một đường hầm tăm tối dường như không biết bao giờ có thể thoát ra được.

(http://25.media.tumblr.com/tumblr_me803kShrI1rlkhduo1_1280.jpg)
Giovanni trapattoni trở thành huấn luyện viên thứ 2 sang Inter Milan sau Heriberto Herrera

Juventus mất phương hướng, chủ tịch Giampaolo Boniperti giới thiệu một người mới nhằm bẻ ghi cho Juventus tránh được đường hầm ấy. Người đó có tên là Rino Marchesi người Milano xứ Lombardia, lúc đó đã 60 tuổi. Ông là một cầu thủ hạng trung bình và một huấn luyện viên tầm thường ở Serie A đã mấy mươi năm, đã trả qua hàng chục đội bóng. Ông có kinh nghiệm, rất nhiều, nhưng không có đủ tài năng, và cả sức mạnh để cứu thoát Juventus khỏi một viễn cảnh mờ mịt đã nhìn thấy trước. Cả đội bắt đầu mùa giải mới chỉ được suôn sẻ cho đến cuối tháng mười. Trong quãng thời gian ấy, cả Michel Platini và Michael Laudrup không phải là ngôi sao dẫn dắt được hàng tấn công.

Họ chơi bóng không phụ thuộc vào Platini nữa mà đồng đội hơn, dựa nhiều vào hàng thủ hơn, nơi mà Antonio Cabrini, Geatano Scirea và Stefano Tacconi chấn giữ. Nhiều cầu thủ góp mặt trong danh sách ghi bàn hơn. Nhưng họ cũng chỉ chịu được hai tháng, cho đến cuối tháng 10, Juventus bị Real Madrid đánh bại 1-0 tại Santiado Bernabeu trong trận lượt đi vòng 1/16 Coppa dei Campioni ngày 22 tháng 10 năm 1986. Từ đó Juventus gục ngã rất nhiều lần trước các đối thủ quyết định trên đường đua của mình. Bị Inter Milan của Giovanni Trapattoni cầm hòa 1-1 ở sân Comunale ngày 26 tháng 10. Mười ngày sau, dù thắng lại Real Madrid của Hugo Sánchez 1-0 vẫn ở Comunale nhưng đội Juventus lại chịu thua 1-3 trong loạt đá 11m. Bốn ngày sau, Juventus tiếp SS Napoli trên sân nhà Comunale, ngày 9 tháng 11 năm 1986. Và đây là lúc người ta chính thức nói rằng, thời của Michel Platini đã hết. Đây là lúc người ta nói rằng, Napoli và Diego Maradona là vua mới ở Serie A, Ciro Ferrara (20 tuổi) sẽ là một hậu vệ đầy tương lai.

Dù Diego Maradona không ghi bàn, nhưng nhà vô địch thế giới mới đã dẫn dắt đội bóng của mình đánh bại ĐKVĐ Serie A 3-1 ngay tại sân chơi của họ. Trước ánh mắt hồi hộp và lo âu của ông Gianni Agnelli từ trên khán đài danh dự, Michel Platini tập tễnh bước đi trên sân cỏ. Thêm 2 tuần nữa để Juventus thua nốt As Roma của Zbigniew Boniek 0-3, thua Sampdoria của Roberto Mancini và Gianluca Vialli 1-4 và lụi tàn ước mong bảo vệ scudetto vừa lúc lượt đi còn chưa kết thúc. Aldo Serena đá rất lên chân, nhưng mọi cố gắng bám đuổi ở lượt về của Juventus đều thất bại, mà trực tiếp lại là 2 trận thua cùng với tỉ sổ 1-2 trước Inter Milan và SS Napoli ở San Siro và San Paolo.

http://www.youtube.com/watch?v=Gmi2HH66JNs

http://www.youtube.com/watch?v=XmgaZ-mnRb4

Hai trận thua của Michel Platini trước Diego Maradona trong mùa bóng 1986 - 1987

Huấn luyện viên nhiều kinh nghiệm, rất nhiều kinh nghiệm Rino Marchesi có thể làm gì? Ông không thể làm gì được. Vì Michel Platini đã cháy hết sức lực rồi (anh chỉ ghi được 2 bàn thắng), vì Micheal Laudrup (chỉ có 3 bàn) chưa tích lũy đủ sức nặng để đánh bại Diego Maradona, vì Gaetano Scirea (34 tuổi) đã già, vì Antonio Cabrini đã bị chấn thương hành hạ cả một mùa giải (chỉ chơi được 17 trận), vì Stefano Tacconi không thể chịu đựng được toàn bộ áp lực mà các đồng đội đẩy đến cho anh để rồi anh mắc những sai lầm ngỡ ngàng trong khung gỗ. Cuối cùng, ĐKVĐ Juventus tụt xuống thứ 2 trên bảng xếp hạng cuối cùng của Serie A, kém đội vô địch 3 điểm (2 điểm cho một trận thắng).

Thật kỳ lạ, trong cái mùa giải mà Michel Platini chỉ có được 2 bàn thắng ấy (vua phá lưới là Pietro Virdis có 17 bàn) thì Juventus lại là đội ghi nhiều bàn thắng nhất (42 lần bắn vỡ khung gỗ đối phương). Inter Milan lại là đội phòng thủ tốt nhất, chỉ chịu có 17 bàn thua. Nhưng Inter Milan cũng chỉ đứng thứ 3, còn SS Napoli mới là đội vô địch, vì họ có hiệu số bàn thắng-bàn thua cao nhất + 20, và vì, họ có Diego Maradona.

Mùa hè năm 1987, Michel Platini từ giã sân cỏ, chia tay Juventus, chia tay đội bóng anh đã mang đến mọi thứ và nhận được mọi thứ mà cuộc đời một cầu thủ chuyên nghiệp mơ ước. Anh, thần tượng của cả một thế hệ những cầu thủ như Alessandro Del Piero sau này, không còn xuất hiện thêm một lần nào nữa. Cũng giống như khi mà Dino Zoff treo găng, các cổ động viên chỉ còn lại hụt hẫng. Một cầu thủ nước ngoài khác sẽ được mang về để lấp vào chỗ của anh, lấp đầy nỗi nhớ những bàn thắng, những cú đá phạt, những quả penalty của anh. Nhưng không phải một người trẻ tuổi, mà là một ngôi sao thực sự, Ian Rush 26 tuổi, người vừa đoạt ngôi á quân vua phá khung thành tại giải vô địch Anh với tận 30 bàn thắng, đã từng gặp Juventus ở chiều Heysel hai năm trước trong màu áo Liverpool. Thực ra, Ian Rush đã là người của Juventus từ một năm trước. Ngay lúc mà Michel Platini quyết định rằng anh sẽ chỉ chơi thêm một mùa nữa rồi giải nghệ thì Ian Rush đã được mua với giá 3 triệu bảng và để lại cho Liverpool mượn 1 năm. Có vẻ như, những người Juventus đã tính toán kỹ càng, rằng khoảng trống mà Michel Platini để lại sau lưng sẽ không rộng mênh mông vì sự có mặt của cầu thủ người xứ Wales này và kỳ vọng anh sẽ là một John Charles, một người khổng lồ xứ Wales thứ hai.

Vụ chuyển nhượng Ian Rush cũng được hiểu như một nỗ lực dàn xếp để hàn gắn vết thương lòng giữa những người Juventus và Liverpool từ chiều Heysel ấy. Và hình ảnh Ian Rush vượt biển sang lục địa già cũng là hình ảnh tiêu biểu cho một dòng chảy những cầu thủ người Anh phiêu bạt sang lục địa già để được thi đấu ở cup châu Âu vì án cấm của Uefa đối với các đội bóng Anh chưa được gỡ bỏ. Cuộc chia tay của Michel Platini và sự xuất hiện của Ian Rush là minh chứng cho dòng chảy không ngừng nghỉ của bóng đá, của thể thao, của cuộc sống. Người ta không thể cứ mãi giữ lấy một hình ảnh từ năm này qua năm khác, bởi người ta già đi theo năm tháng, và Juventus cần phải đổi thay theo.

(http://lite.epaper.timesofindia.com/Repository/TOIA/2011/08/25/21/Img/Pc0210900.jpg)

Ian Rush - người hàn gắn vết thương Heysel

Nhưng Juventus đổi thay quá chậm so với các đối thủ, hoặc giả, thay đổi rất nhiều nhưng không đúng hướng. Lúc ấy, Serie A giữa những năm 1980s trở thành giải vô địch náo nhiệt nhất châu Âu. SS Napoli của chủ tịch Ferlaino như là đội bóng đi đầu trong phong trào đổ tiền mua danh hiệu, một cách chơi bóng đá điên rồ của những nhà tư bản kiểu mới, theo sau là Sampdoria của Mantovani, AC Milan của Berlusconi. Trong khi hàng loạt các ngôi sao tên tuổi như Careca, Van Basten, Ruud Gullit, Rudi Völler, Hans Briegel đến với những đội bóng kia, thì Juventus cũng có Ian Rush. Nhưng nếu các đối thủ tập hợp được trong lòng nó một khối Italia trẻ trung và mạnh mẽ, thì Juventus lại không có được điều đó. Geatano Scirea không còn đá chính nữa. Để bù đắp cho điều đó, gần như cả hàng hậu vệ thay đổi. Trong đó có ba cái tên mới (trừ Antonio Cabrini và đội phó Sergio Brio) là Luigi De AgostiniRoberto Tricella từ Hellas Verona; cộng với Pasquale Bruno từ Como và Nocolò Napoli từ Messina. Cả ba đều đang thời gian sung sức nhất cuộc đời bóng đá chuyên nghiệp của mình.

Trên hàng tiền vệ, tuyến quan trọng nhất của đội bóng, cầu thủ U-23 Italia Angelo Alessio được gọi về từ Bologna, thêm tân binh 29 tuổi Marino Magrin từ Atalanta. Còn lại, ở chiều kia, một cách đáng tiếng mà vì lí do nào đó, hai cá nhân nổi bật nhất của Juventus ở mùa giải trước ra đi. Lionello Manfredonia quay về thành phố Roma còn tiền đạo Aldo Serena quay về Inter Milan với Giovanni Trapattoni. Đó là một điều đáng tiếc, bởi vì dẫu có thay đổi quá nhiều, hi vọng rất nhiều thì nhưng con người mới cũng không thể nào khỏa lấp đi bóng dáng của những người đi trước, với cả huấn luyện viên Rino Marchesi cũng thế. Ngay từ đầu mùa giải Serie A 1987/88, Rino Marchesi đã phải chứng kiến đội bóng của mình biến thành một đội bóng trung bình và túng túng bằng những trận đấu xen kẽ, thắng đội nhỏ rồi thua đội lớn, liên tục cho đến lúc... thua cả các đội nhỏ.

Khi mà Ian Rush còn đang phải gồng mình lên để tìm lấy tiếng nói của mình trong phòng thay đồ và hòa nhập với lối sống của người Italia (như sau này anh kể trong cuốn sách ‘My Italian diary’ của mình), thì Michael Laudup cũng không thể làm cách nào để lĩnh xướng hàng tấn công, anh thậm chí còn không có nổi một bàn thắng. Khi mà Geatano Scirea không còn đá chính nữa, thì Stefano Tacconi chỉ còn biết đứng nhìn khung gỗ rộng mênh mông. Ở Coppa Uefa, bị Panathinaikos Atene đánh bại ngay ở vòng 2, trở về Serie A, Juventus chịu tụt xuống thứ 6, sau tất cả các đội bóng đối thủ lớn khác, và suýt cả đứng thứ 7 chung cuộc nếu không thắng đội cùng thành phố AC Torino trong trận play-off tranh vị trí cuối cùng dự Copa Uefa 1988/89. Vô địch Serie A mùa bóng 1987/88 là AC Milan của huấn luyện viên Arrigo Sacchi cùng dàn cầu thủ tài năng nhất mà họ từng có trong lịch sử, có phần còn hơn cả SS Napoli. Đó là những năm tháng mà bóng dáng con tàu Juventus mất tích vào một vùng hoang mạc nào đó. Thế giới calcio chỉ còn biết đến Napoli và AC Milan, chỉ biết mỗi Diego Maradona.
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Nguyen Hai Long December 21, 2012, 06:42 PM
Bay đâu cái nút thank rồi nhỉ?  :-/
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr December 22, 2012, 04:07 PM
Những số 10 trong tay áo của Zoff

Đến lúc này, cả chủ tịch Giampiero Boniperti cũng cảm thấy túng bấn. Khi bạn đã thay đổi, mà tình hình càng xấu đi, bạn lại càng thay đổi nhiều hơn nữa. Juventus cũng ở trong hoàn cảnh ấy. Huấn luyện viên Rino Marchesi không còn cơ hội nữa, ông phải ra đi. Nhưng người làm các cổ động viên thương mến chia tay nhất không phải là ông, mà là Gaetano Scirea. Cả mùa giải trước, anh chỉ chơi vỏn vẹn 11 trận ở tất cả các giải đấu, vị trí của anh đã thuộc về Luigi De Agostini. Và giờ đây, ở tuổi 35, người đội trưởng 14 năm trên sân cỏ với Juventus và 552 trận đấu mà phong thái lịch lãm để lại cho anh một hình ảnh tuyệt đẹp, chưa từng một lần bị treo giò hay phạt thẻ đỏ, người đội trưởng ấy từ giã sân cỏ để trở thành một trợ lí huấn luyện viên. Đó là một cuộc chia tay mà ta biết trước, có luyến tiếc nhưng hạnh phúc...

Nhưng còn có những cuộc chia tay khác, dang dở và không hề biết trước. Ian Rush trở lại Liverpool chỉ sau đúng một mùa vất vả với giá 2,5 triệu bảng Anh. Theo sau thất bại của Ian Rush là các tiền vệ Beniamino Vignola (sang Empoli), Massimo Bonini (sang Bologna) và Angelo Alessio (lại đi cho mượn ở Bologna).  Trong nỗ lực thay đổi, hàng tiền vệ của Juventus được bù lấp bởi một người khác trong vụ trao đổi với Bologna là tài năng trẻ Giancarlo Marocchi; Roberto Galia từ Hellas Verona. Thay cho Ian Rush là một ngôi sao những đã... 33 tuổi, tiền đạo Alessandro Altobelli từ Inter Milan. Không rõ vụ tuyển mộ này có liên quan đến việc Aldo Serena rời Juventus để quay về Inter Milan năm trước hay không nhưng đối với riêng Juventus thì Alessandro Altobelli, cái tên vốn đã nổi tiếng từ mười năm qua, cũng giống như José Altafini đến khi xưa, chỉ như một cái khoát tay chặc lưỡi của chủ tịch Giampiero Boniperti. Ông không thể tìm được ai khác.

(http://25.media.tumblr.com/tumblr_lw705q9spy1qfxktpo1_500.jpg)
Giá như Michael có thể làm ta quên đi Michel


Juventus cần một cái tên có thể thay thế được Michel Platini. Người đó đã không phải là Ian Rush và cũng không phải là Alessandro Altobelli. Mà bây giờ, có những hai số 10 khác chuyển đến cùng một lúc: Một anh chàng lùn Bồ Đào Nha có tên Rui Barros, 23 tuổi từ Benfica (học trò thân của thầy Henrique Calisto, một người sau này gắn bó thân thiết với bóng đá Vietnamita); thứ 2 là cầu thủ Sovietica đầu tiên chơi bóng ở Serie A, Aleksandr Zavarov 27 tuổi từ Dinamo Kiev (học trò của thầy Valery Lobanovski), người từng có mặt trong đội tuyển Sovietica ở cúp thế giới 1986 và Dinamo Kiev vô địch Coppa delle Coppe 1985/86. Alexander Zavarov là cầu thủ Sovietica đầu tiên chơi bóng ở Serie A. Chính vì quy định nới lỏng đối với cầu thủ nước ngoài, mỗi đội được tăng thêm 1 (Serie A tăng lên 18 đội), nên vị trí của Michael Laudrup không bị ảnh hưởng. Như vậy, mùa giải 1988/89 Juventus có đến 3 cầu thủ số 10 người nước ngoài mà để mà gửi gắm niềm hi vọng rằng họ sẽ thay thế được cái tên Michel Platini. Chỉ cần hiểu một cách đơn giản, nghĩa là giành lại được scudetto.

Juventus cũng cần có một cái tên có thể thay thế được Giovanni Trapattoni. Người  đó đã không phải là Rino Marchesi. Nên Dino Zoff trở về sau 5 năm xa cách. Ở tuổi 46, ông đã rút khỏi vị trí huấn luyện viên trưởng đội Olipmica Italia để bắt tay phục hưng Juventus, đội bóng mà đối với ông, thân thiết ân cần không gì có thể so sánh được. Có vẻ như Juventus chỉ còn cần một chút kết dính nữa, một chút may mắn nữa, một chút kiên nhẫn hoặc một chút liều lĩnh nữa để bẻ ghi con tàu của mình sang một cung đường chiến thắng. Thực tế thì Juventus đã bỏ Coppa Italia từ rất sớm để tập trung vào Serie A và đã không thua 5 vòng đầu tiên ở Serie A 1988/89 – Giải đấu bắt đầu đánh dấu sự khắc nghiệt ghê gớm của bóng đá Italia ở cấp câu lạc bộ khi áp dụng thể thức 18 đội đá vòng tròn mà 4 trong số đó sẽ phải xuống hạng!

Bộ ba Zavarov-Rui Barros-Laudrup có thể xuất phát cùng nhau, Alessandro Altobelli cũng đã đứng ở đầu mũi để tạo nên một hàng tất công rất khá. Tại Coppa Uefa, đội quân của Dino Zoff cũng nhanh chóng vượt qua 2 vòng đầu tiên với những chiến thắng rất đậm nhờ vào sự tỏa sáng của Michael Laudrup, Rui Barros và cả Alessandro Altobelli nữa. Nhưng đà hưng phấn của Juventus bị chặn lại trên mọi ngả đường bởi cái tên SS Napoli.

(http://curvafiladelfia.files.wordpress.com/2008/03/juventus-1989-03-01-juventus-napoli-coppa-uefa.jpg)

http://www.youtube.com/watch?v=RXpxqZwRRDs

Ba số 10 của Zoff không bằng một mình Diego

 
Serie A vòng đấu thứ 6 ngày 20 tháng 11 năm 1988, Juventus tiếp SS Napoli trên sân nhà Comunale. Như thường lệ, Gianni Agnelli ngồi trên khán đài danh dự còn các nhóm cổ động viên Viking, Drughi đốt cháy khán đài Filadelfia bằng pháo khói và lần này họ lại chứng kiến Juventus thảm bại trước những người phương Nam. Diego Maradona không cần ghi bàn, anh chỉ cần những đường chuyền cho Careca là đủ. Họ đã nã vào khung thành của thủ môn Stefano Tacconi 3 quả ngay trong hiệp 1 và kết thúc trận đấu là chiến thắng 5-3! Cả ba số 10 của Juventus cộng lại không bằng một mình Diego Maradona còn Alessandro Altobelli không thể ghi nổi một bàn trong khi Careca có tận hat-trick.

Kể từ đây Juventus hiểu rằng, Serie A 1988/89 không phải là mùa bóng mà họ có thể lấy lại thanh danh của mình. Một khi không đánh bại được SS Napoli, thì cũng chẳng có hi vọng nào đánh bại được Inter Milan Aldo Serena, Andreas Brehme và Lothar Matthäus đang đổi thay và trở nên mạnh mẽ trong năm thứ 3 mà huấn luyện viên Giovanni Trapattoni đến đó. Juventus cũng chẳng có hi vọng nào để đánh bại AC Milan của những người Hà Lan bay và gần một nửa đội hình đổi tuyển Italia. Dino Zoff và các học trò của ông cũng đã hòa quá nhiều, mất quá nhiều điểm trước các đội bóng nhỏ hơn và xa dần mục tiêu vô địch.


http://www.youtube.com/watch?v=p4gD8_XZFBE

http://www.youtube.com/watch?v=WcfvA-SwN0s

Zavarov đã dẫn đội thắng trước Napoli 2-0 nhưng thua lại 0-3

Tháng 3 năm 1989, trên ngả đường thứ 2 Coppa Uefa, Juventus lại đụng SS Napoli ở tứ kết. Tại đây, Juventus cũng chỉ giành được chiến thắng 2-0 ở lượt đi trước khi chịu thua lại 0-2 lượt về ở San Paolo và thua tiếp trong thời gian đá hiệp phụ. Xen kẽ giữa 2 trận đấu đi về đấy là trận thua ĐKVĐ AC Milan Serie A 0-4 ngay trên sân nhà. Mùa bóng chấm dứt sớm dù sau đó Juventus thắng lại được SS Napoli 4-2 ở trận lượt về Serie A, biến cuộc đối đầu Napoli – Juventus trở thành một trong những cuộc đối đầu nhiều cảm xúc nhất cacico, dĩ nhiên không phải cảm xúc vui cho những người bianconeri. Mười vòng cuối cùng của mùa giải 1988/89 ở Serie A Juventus không thua. Nhưng loạt trận cuối mùa không thua này chỉ giúp Juventus giành được vị trí thứ 4, cách quá xa đội vô địch Inter Milan. Đó là kết thúc của một mùa giải buồn cho Juventus. Bởi vì tất cả các đội bóng trong top 5 đều có một danh hiệu nào đó, trừ Juventus: Inter Milan với huấn luyện viên Giovanni Trapattoni và tiền đạo vua phá lưới Aldo Serena đoạt scudetto, Napoli đoạt Coppa Uefa, AC Milan đoạt Coppa dei Campioni, Sampdoria đoạt Coppa Italia. Chỉ có mình Juventus trắng tay.

----------
P/s: có post  nhanh quá không các cụ :P


: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex December 22, 2012, 10:04 PM
Không hề, tiếp đê anh  >:D<
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Nguyen Hai Long December 23, 2012, 01:36 AM
Tiếp nào tiếp nào  :x
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 01, 2013, 11:44 PM
Thảm kịch của đội trưởng và hai chiếc cúp cho anh

Sau khi nước Anh bị cấm thi đấu ở châu Âu, bóng đá Italia đã nổi lên để giật lấy địa vị thống trị của mình bằng danh hiệu châu Âu mà 2 đội bóng tiên phong SS Napoli và AC Milan. Giải đấu Serie A cũng trở nên vô cùng hấp dẫn và khắc nghiệt. Nó biến Italia thành một thiên đường đồng lira thu hút tất cả những ngôi sao sáng giá nhất của bóng đá thể giới. Từ Sampdoria đến Napoli, từ Inter Milan đến AC Milan, tiền đổ ra và cầu thủ sáng giá chảy về. Hẳn nhiên Juventus không muốn đứng ngoài, và cũng không thể đứng mãi ngoài dòng chảy ấy. Nhưng làm thế nào? Chỉ có cách lại phải thay đổi.
(http://3.bp.blogspot.com/-agGjEFwudq8/TmO-HP-81eI/AAAAAAAAAtY/aVIUlGiwvr0/s1600/juve89-90.jpg)
Juventus năm 1990

Mùa hè năm 1989, thành phố Torino chia tay người cuối cùng của thế hệ Spagna 1982. Hậu vệ cánh Antonio Cabrini khép lại quá khứ vinh quang của một lớp thế hệ những người hùng trong sắc áo đen-trắng bằng việc chuyển đến Bologna cho 2 năm cuối cùng sự nghiệp  cầu thủ của mình. Cùng với anh, Michael Laudrup cũng phải tìm cho mình một chân trời mới. Sau 6 năm mòn mỏi chờ đợi và hi vọng, Michael Laudrup vẫn chỉ là một con số 0 trong lịch sử Juventus. Ấn tượng về anh của các cổ động viên Juventus cũng ít ỏi như số bàn thắng của anh dành cho họ. Micheal Laudrup lặng lẽ rời đến Catalunya. Đội hình Juventus cũng không còn hai tiền đạo Renato Buso và Alessandro Altobelli nữa. Tất cả những người ra đi, hoặc đã già hoặc không thể nào ở lại thêm được nữa.

Mùa bóng thứ 2 của Dino Zoff sinh ra một đội bóng ít danh tiếng hơn (không còn Cabrini, Laudrup và Altobelli) mà giản dị hơn, trẻ trung hơn. Giản dị như đội trưởng Sergio Brio và trẻ trung hơn như hai tiền đạo mới: Salvatore Schillaci 25 tuổi từ Messina và Pierluigi Casiraghi mới 20 tuổi từ Monza. Vị trí của Antonio Cabrini được thay bởi Dario Bonetti, lại một cầu thủ từ Hellas Verona và Daniele Fortunato từ Atalanta. Trên hàng tiền vệ, Angelo Alessio được gọi trở về từ Bologna. Thêm một người Sovietica nữa xuất hiện là cầu thủ 28 tuổi Sergeij Alejnikov từ đội bóng nước cộng hòa Bielorussia, Dimano Minsk. Chính anh, Alejnikov là cầu thủ xuất sắc nhất của Bielorussia đã từng có mặt trong trận chung kết Euro 1988, nhưng dĩ nhiên, anh vẫn là cái tên giản dị ở Italia. Nói tóm lại, đã có quá nhiều thay đổi ở Juventus trong mùa hè 1989. Bởi vì đội bóng phải xây dựng một đội bóng mới cho một tham vọng cũ, là scudetto. Áp lực đặt lên đôi vai của huấn luyện viên Dino Zoff và các trợ lí của ông, lên đôi vai của chủ tịch Giampiero Boniperti và lên chính đôi chân của các cầu thủ trẻ của Juventus. Serie A 1989/90 bắt đầu ngày 27 tháng 8 năm 1989 và Coppa Uefa sẽ bắt đầu vào ngày 12 tháng 9 năm 1989 với đối thủ miền Nam Ba Lan, Górnik Zabrze.

Juventus đi bước đầu tiên đã bị khớp bằng trận hòa Bologna, đội bóng mới của Antonio Cabrini, 1-1 vào ngày 27 tháng 8 năm 1989. Cùng lúc đó, trợ lí Gaetano Scirea lên đường sang Ba Lan để do thám Górnik Zabre và tìm kiếm thông tin về đối thủ đầu tiên ở Coppa Uefa cho huấn luyện viên Dino Zoff. Một tuần sau, chiều ngày 3 tháng 9 năm 1989, các cầu thủ Juventus ra sân ở Comunale và đánh bại Fiorentina của Roberto Baggio 3-1 trong trận đấu vòng 3 Serie A mà không biết rằng, chỉ sau đó một giờ, chiếc xe chở Gaetano Scirea trên đường quay về thủ đô Varsavia bốc cháy. Chiếc xe Polski Fiat 125p chở trên đó 4 người gồm lái xe, một phiên dịch viên, một người dẫn đường ở Górnik và Gaetano Scirea đang trên đường quay lại Varsavia để cho Gaenato Scirea bay về Torino. Nhưng nó không bao giờ đến được Varsavia.

(http://desk.unita.it/cgi-bin/showimg2.cgi?file=F_SPR_L1_0017/00000050/0000661F.ba5a46ba.jpg&t=big)
(http://desk.unita.it/cgi-bin/showimg2.cgi?file=F_SPR_L1_0017/00000050/0000663F.2f6c40f2.jpg&t=big[img][img]http://desk.unita.it/cgi-bin/showimg2.cgi?file=F_SPR_L1_0017/00000050/0000665F.1db82f46.jpg&t=big)
(http://desk.unita.it/cgi-bin/showimg2.cgi?file=F_SPR_L1_0017/00000050/0000665F.1db82f46.jpg&t=big)
Chiếc Polski Fiat 125 và đám tang đội trưởng

Khi đến gần làng Babsk, chiếc Fiat đã đâm sầm vào một chiếc xe tải. Cú đâm mạnh nhưng không đến mức chết người ngay lập tức. Nhưng những điều tra sau đó từ hiện trường và kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy chiếc xe Polski Fiat đã bắt lửa và nổ tung ngay sau đó. Nguyên nhân xuất phát từ bốn thùng xăng dự trữ phía sau xe. Đây là cách dự trữ xăng dầu đi đương phổ biến ở Ba lan trong những năm tháng khan hiếm nhiên liệu hồi 1980s. Lái xe, người phiên dịch và Gaenato Scirea đã chết. Chỉ có người dẫn đường may mắn mở được cửa thoát ra ngoài được vì anh ngồi ở ghế trên bên cạnh lái xe. Lúc đó cựu đội trưởng Gaetano Scirea mới 36 tuổi, vợ Mariella và con trai Riccardo của anh đang ở nhà.

Tin tức từ Ba Lan bay về biến đêm 3 tháng 9 năm 1989 thành một trong những đêm đau buồn nhất trong lịch sử của Juventus. Đêm ấy nhắc nhở những người Juventus rằng, quỷ dữ và chúa trời vẫn không quên lấy đi của họ những thành viên ưu tú nhất như đã làm suốt 100 năm qua. Cứ một vài mùa bóng qua đi, một hay nhiều người Juventus lại phải từ bỏ cuộc sống của mình, chết như chịu hiến tế. Hiến tế cho ai? Thần linh hay quỷ giữ; hiến tế vì cái gì gì? Vinh quang hay tủi nhục; không ai biết. Chỉ có nỗi đau về sự mất mát thì còn mãi. Cái chết của đội trưởng một thời Gaetano Scirea khiến cho tinh thần cả đội bóng bị đóng băng và như một chuyện đã biết trước, Juventus của Dino Zoff cho thấy nỗi buồn và hạn chế của mình ở ngay vòng đấu thứ 5 Serie A bằng thất bại 1-2 trước Inter Milan của bộ khung người Đức, (lúc này có thêm Jürgen Klinsmann). Từ đó trở đi họ gặp rất nhiều khó khăn trước các đội bóng cùng đẳng cấp (thua tiếp AC Milan và Roma, hòa Napoli và chỉ thắng được Sampdoria) khi lượt đi kết thúc. 

Trong mùa giải mà vị trí bị đẩy lùi ra phía sau, Rui Barros chỉ còn là cái bóng của mình. Sergeij Alejnikov và Aleksandr Zavarov cũng không thể hiện được nhiều điều. Nên coi như scudetto không nằm trong tầm tay với của đội áo trắng-đen, dù ở lượt về đội đã vượt qua cả Inter Milan, AC Milan trước khi chịu thua SS Napoli trên sân San Paolo và đánh mất hoàn toàn hi vọng. Cũng may là Juventus còn có những bàn thắng của Salvadore Schillaci. Mười lăm bàn thắng của anh ở Serie A giúp cho Juventus trụ lại ở vị trí thứ 3 (sau SS Napoli và AC Milan, bằng điểm với Inter Milan). Cũng được an ủi là Juventus còn có Coppa Italia, nơi mà họ đánh bại Sampdoria, As Roma và AC Milan để giành lấy được chiếc cúp quý giá này vào ngày 25 tháng 4 năm 1990 trên sân San Siro. Coppa Italia lần thứ 8 là danh hiệu đầu tiên của Juventus sau 4 năm chờ đợi.
Tiếp theo là Coppa Uefa.Ở giải đấu mà vì nó Gaetano Scirea đã chết, Juventus cũng chơi tốt và lần lượt vượt qua đội miền Nam Ba Lan Górnik Zabrze ở vòng 1, Paris Saint-Germain ở vòng 2 rồi liên tiếp 3 đội bóng Đức (Karl Marx Stadt, Amburgo SV, Colonia (Colonia của Bodo Illgner, Thomas Hässler và Pierre Littbarski) để vào đến trận chung kết.

Sự có mặt của Juventus ở trận đấu cuối cùng khẳng định sự thống trị thực sự của bóng đá Italia trên đất châu Âu: AC Milan vào chung kết cúp C1 Coppa dei Campioni gặp Benfica; Sampdoria vào chung kết cúp C2 Coppa delle Coppe gặp Anderlecht; còn Juventus và Fiorentina gặp nhau trong trận chung kết cúp C3 Coppa Uefa. Lúc đó trong đội hình của Fiorentina có những cầu thủ rất giỏi như tiền vệ Carlos Dunga, Luboš Kubík, Alberto Di Chiara và đặc biệt là tài năng Roberto Baggio. Chính họ đã loại một đội bóng Đức khác ở bán kết là Werder Bremen.
http://www.youtube.com/watch?v=1zyd6JcUNHc
http://www.youtube.com/watch?v=FYdB8DagHz4

chung kết Coppa Uefa 1989-1990

Lúc đó trong đội hình của Fiorentina có những cầu thủ rất giỏi như tiền vệ Carlos Dunga, Luboš Kubík, Alberto Di Chiara và đặc biệt là tài năng Roberto Baggio. Chính họ đã loại một đội bóng Đức khác ở bán kết là Werder Bremen. Tuy nhiên trong trận chung kết lượt đi, thủ môn Stefano Tacconi đã thi đấu rất tỉnh táo để không cho Roberto Baggio biến rất nhiều cơ hội của đội mình thành hơn 1 bàn thắng. Khi ấy Roberto đã ra sân trong một tâm trạng bồn chồn lo lắng không thể tả mà các bạn sẽ biết lí do ngay sau đây. Chính tâm trạng ấy đã níu giữ không cho đôi chân tài hoa của Roberto tỏa sáng và Fiorentina thất bại.

Kết quả thắng 3-1 đủ để cho Juventus thực hiện chiến thuật phòng thủ ở trận lượt về (hoà 0-0) trên đất Firenze và giành chiếc cúp C3 lần thứ 2 trong lịch sử vào ngày16 tháng 5 năm 1990. Bốn năm sau ngày huấn luyện viên Giovanni Trapattoni ra đi, ba năm sau ngày Michel Platini từ giã sân cỏ, Juventus mới lại có được một danh hiệu vô địch châu Âu. Nhưng chiếc cúp C3 này không phải để dành cho họ, có lẽ thế. Nó nên được dành để tưởng nhớ đến đội trưởng Gaetano Scirea.


Trước khi Juventus lên ngôi tại cúp C3 một tuần, Sampdoria đánh bại Anderlecht để dành cúp C2. Và sau đó một tuần, AC Milan hoàn thành nốt nấc thang thống trị của bóng đá Italia trước ngày khởi tranh vòng chung kết cúp thế giới Italia 1990 bằng cách đánh bại Benfica và đoạt cúp C1. Ba đội bóng Italia giành ba cúp châu Âu trong một năm, đó kỷ lục, là đỉnh cao hưng vượng của bóng đá Italia. Tuy vậy, có một sự thật trêu ngươi rằng, ngay tại trong lòng đất nước Italia và giải vô địch quốc gia của nó, giải vô địch hay nhất thế giới, thì những người vô địch thực sự lại không phải là người Italia. Người đoạt giải vua phá khung gỗ Serie A 1989/90 là một người nước ngoài, Marco van Basten. Còn người truyền vào cho SS Napoli cảm hứng bất tận để chiến đấu và đoạt lấy scudetto cũng là một người nước ngoài, Diego Maradona.

Không ai băn khoăn về điều đó khi giải vô địch thế giới bắt đầu trong mùa hè sôi động và đẹp nhất trên đất nước Italia. Đối với riêng đội tuyển Italia, huấn luyện viên mới Azeglio Vicini đã biến nó thành một trong những đội tuyển sung sức và cân bằng nhất xét trên bình diện đóng góp của các đội bóng lớn trong giải vô địch Serie A. Đội hình ấy có 5 cầu thủ Inter Milan, 4 Juventus (Stefano Tacconi, Luigi De Agostini, Giancarlo Marocchi, Salvatore Schillaci), 4 AC Milan, 4 Sampdoria, 3 Napoli, 1 Fiorentina và 1 As Roma. Trong số 4 cầu thủ Juventus được góp cho đội tuyển Italia, chỉ có Luigi De Agostini và Salvadore Schillaci được đá chính. Coi như ảnh hưởng của Juventus trong lòng đội tuyển Italia trở nên mờ nhạt. Tuy thế, trong cái mờ nhạt ấy, Luigi De Agostini vẫn chứng tỏ được giá trị nơi hàng thủ vững chắc bên cạnh Walter Zenga, Giuseppe Bergomi, Franco Baresi và Paolo Maldini. Họ chỉ để thủng khung thành đúng 2 lần trong suốt 7 trận đấu. Ở phía trên, Salvadore Schillaci quê mùa và giản dị bỗng vụt sáng thành ngôi sao lớn nhất chứ không phải Roberto Baggio, Gianluca Vialli hay Roberto Mancini. Anh đã ghi 6 trong tổng số 10 bàn thắng cho cả đội.
 
Nhưng chừng ấy không đủ để đội tuyển áo thiên thanh vượt qua được Argentina của Diego Maradona và Claudio Caniggia ở bán kết. Đội tuyển Italia thua chính con người đã xây dựng nên hình ảnh tuyệt đẹp của mình trên đất Italia, ở sân vận động San Paolo, nơi mà các cổ động viên Italia đã bao lần gọi vang tên anh. Trên đất nước Italia, Argentina gặp CHLB Đức ở trận chung kết, và đó là trận chung kết của Serie A. Bởi vì Argentina có Diego Maradona, Claudio Caniggia và 5 người khác trong khi CHLB Đức cũng có đến 5 người đang chơi ở đó. Có lẽ đây là niềm tự hào, là đỉnh cao hưng vượng của Serie A mà không hoàn toàn là của bóng đá Italia ở một góc nhìn nào đó. Chỉ có việc Salvadore Schillaci vụt cháy sáng lên để đoạt cả giải vua phá khung thành lẫn cầu thủ xuất sắc nhất mới miêu tả hoàn toàn giá trị của bóng đá Italia. Hẳn nhiên, anh giữ cho ngọn lửa Juventus trong lòng đội tuyển áo thiên thanh không bao giờ tắt.


-----

P/S: Mãi đến hôm nay check lại mình mới hiểu rõ ràng tại sao chiếc xe bốc cháy :(
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: r0xehnb January 02, 2013, 01:31 AM
Hay lắm bạn ơi gold_cup.
Sắp đến đoạn mua baggio rồi, tiếp đê tiếp đê ~^o^~
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex January 02, 2013, 07:45 AM
Bắt lỗi lão Ven cho vui: "chiếc xe trở Gaetano Scirea trên đường quay về thủ đô Varsavia bốc cháy"  B-)
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Dkv January 02, 2013, 08:24 AM
Sự ra đi của Zbigniew Boniek mở đường cho Michael Laudrup trở về từ Lazio để sát cánh bên cạnh Michel Platini. Hết, Juventus không còn thêm một ngôi sao nào nữa. Những người mới đến chỉ là những tài năng ở mức chung bình, như là tiền vệ Massimo Mauro, cựu cầu thủ U-21 Italia từ Udinese;
Lỗi thì nhiều lắm...:D nhưng phải thông cảm tác giả, viết dài thế có nỗi là bình thường. Mình viết 1 đoạn ngắn có khi câu nào cũng nỗi ấy chứ. :D
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex January 02, 2013, 08:55 AM
Chắc tại mùa đông, chăn ấm vợ đẹp nên lão sinh ẩu  :D
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Nguyen Hai Long January 02, 2013, 09:48 AM
TIẾP NÀO  =))
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 02, 2013, 11:19 AM
Ấm áp gì, 12h đêm vẫn lọ mọ. Mình bị tật thường sai chính tả khi đánh máy, còn viết tay thì không bao giờ, gặp từ nào khó phân biệt đúng sai quá thì quay qua dùng từ khác, trừ phi gặp từ rất hay thì phải chịu tìm hiểu lại. cám ơn các bác đã check giúp. :D
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 02, 2013, 04:07 PM
Mình sửa bài trên, thêm vài đoạn từ chỗ đá chung kết cúp Uefa nhé >:)
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 02, 2013, 05:37 PM
Cuộc bạo loạn ở thành phố Firenze

Giống như mỗi mùa bóng sau cúp thế giới những năm 1978, 1982, 1986 và bây giờ là 1990, những cầu thủ trở về với đôi chân mệt mỏi. Những người Juventus nhanh chóng quên đi giây phút Salvadore Schillaci nhận huy chương đồng, mà họ bắt đầu đếm. Nếu không giành scudetto, Serie A 1990/91 sẽ là mùa giải thứ 5 liên tiếp đội bóng lớn nhất Italia thất bại. Điều đó có nghĩa là con tàu Juventus, thế này hay thế khác, đang đâm vào một vùng u tối chẳng khác gì quãng thời gian sau khi chủ tịch Alfredo Dick bỏ đi năm 1905 hoặc khi chủ tịch Edoardo Agnelli tử nạn năm 1935 và thời đen tối đầu những năm 1960. Áp lực của scudetto, cái chết của đội trưởng Gaetano Scirea khiến cho nhiều người không chịu đựng nổi nữa trong mùa hè sau cúp thế giới. Nói đúng ra, những năm trước Juventus đã thay đổi mà vẫn chưa tìm lại được hình bóng của mình một cách hoàn hảo, thì bây giờ họ không thay đổi nữa mà... làm một cuộc cách mạng.

(http://fiorentina.theoffside.com/files/2012/09/1502278-archivio6.jpeg)
Chúng ta đã mua mất viên ngọc của họ

Rất nhiều điều đã thay đổi trong lòng Juventus. Đầu tiên là đội bóng rời bỏ sân bóng Stadio Comunale sau 57 năm lịch sử gắn bó để chuyển ra với sân bóng mới Delle Alpi thuê lại từ hội đồng thành phố. Delle Alpi xa nội thành hơn một chút nhưng là sân bóng lớn thứ 3 ở Italia được xây dựng hiện đại để phục vụ cho Italia 1990. Từ đây, một giai đoạn quá khứ rất dài của Juventus gắn với hình ảnh Comunale khép lại. Nhiều người cũng dừng lại theo Comunale. Đó là chủ tịch Giampiero Boniperti. Người đàn ông 62 tuổi ấy không còn giữ chức chủ tịch nữa. Khi ông còn thi đấu, ông mang đến cho đội những bàn thắng. Khi làm chủ tịch, ông mang về những tài năng trẻ. Và bây giờ ông dừng lại. Vị trí của ông được Vittorio Chiusano, người phó, người bạn lâu năm thay thế. Còn một người quan trọng khác, thành viên cũ của Fiat có tên Luca Cordero di Montezemolo. Ông, người con của một dòng họ quý tộc ở miền bắc Italia, vốn nổi tiếng với tài năng quản lí thể thao ở giải đua xe F1 và Italia ’90, được bổ nhiệm vào vị trí phó Chủ tịch hội đồng quản trị. Từ những thay đổi thượng tầng đó, hàng loạt sự kiện nối tiếp nhau diễn ra.

Huấn luyện viên Dino Zoff không thể chịu thêm một ngày áp lực nào nữa. Một lần nữa ông chia tay Juventus khi mà mục tiêu còn đang dang dở. Và Juventus cần có một cuộc cách tân sâu nhất, rộng nhất. Nên người thay thế phải là một người trẻ tuổi có phong cách mới, và Luigi Maifredi, một người Bresia vẫn còn tay trắng được chọn khi ấy mới 42 tuổi. Ở Serie A, Luigi Maifredi, Giovanni Galeone và Arrigo Sacchi vừa nổi lên và đại diện cho một phong cách bóng đá trẻ, mới mẻ và hiện đại: phòng thủ khu vực, bẫy việt vị và tấn công trung lộ. Thứ bóng đá ấy khiến cho đối thủ sợ. Thứ bóng đá ấy giúp cho Bologna của Luigi Maifredi vươn lên đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng chung cuộc Serie A 1989/90 và cũng khiến Luca Montezemolo đủ hài lòng (!).

Có thể, sự xuất hiện của huấn luyện viên mới đã được sắp đặt từ rất lâu trước đó. Ông Gianni Agnelli có thể đã bày lên bàn một cuộc cải tổ từ rất sớm. Bằng chứng là, sự kiện gây chấn động nhất, xuất hiện từ trước khi Italia ’90 khai mạc. Nó mang tên Roberto Baggio. Từ tháng 2 năm 1990, những tin đồn về việc Roberto Baggio, tài năng trẻ được coi là xuất sắc nhất của đất nước Fiorentina và Italia lúc bấy giờ, sẽ thành người của Juventus lan ra. Có thông tin còn cho rằng, ông Gianni Agnelli đã đoạt được thỏa thuận với Fiorentina từ mùa hè năm 1989. Khi chủ tịch AC Milan Silvio Berlusconi đánh tiếng muốn có Roberto Baggio thì Gianni Agneli tuyên bố ‘Roberto Baggio đã thuộc về Juventus rồi.’ Đối với Roberto Baggio, không có lý do gì để anh chuyển đi nơi khác. Anh vừa mua một ngôi nhà ở Firenze, đã sắm sửa nhiều đồ đạc và đã chuẩn bị cho một cuộc sống dài ngày tại Firenze bằng cách gia hạn hợp đồng đến tháng 6 năm 1991. Anh yêu nơi này, các cổ động viên yêu anh, thì lý do gì anh phải ra đi?
 
Sự thật là ông Ranieri Pontello, chủ tịch Fiorentina, đã đi ngược lại ý muốn của các cổ động viên ở thành phố Firenze (và có thể cả ý muốn của Roberto Baggio nữa). Ông đã tính đến việc bán đi ngôi sao sáng nhất của mình trước khi bán nốt cả quyền sở hữu đội bóng cho Mario Cecchi Gori. Biết được thông tin này, Roberto Baggio đã đến gặp Ranieri Pontello và bảo: ’Ngay cả khi bị giảm lương, tôi vẫn muốn ở lại Firenze.’ Nhưng Ranieri Pontello đã quyết định rồi, ông ta nói: ’Nếu anh ở lại thì Fiorentina xuống hạng mất.’ Biết rằng không thể thuyết phục được Ranieri Pontello, tháng 2 năm 1990, Roberto Baggio bí mật đi Roma để gặp ông chủ tương lai của Fiorentina là Cecchi Gori và quả quyết nếu Cecchi Gori mua được Fiorentina thì anh có thể ở Firenze suốt đời. Cecchi hứa sẽ giải quyết việc này với Ranieri Pontello nhưng ở lần gặp gỡ bí mật sau đó, Cecchi Gori bảo không còn hi vọng nào cả vì Ranieri Pontello chỉ đồng ý bán Fiorentina nếu Roberto Baggio ra đi. Nếu anh không đi, ông ấy cũng sẽ ở lại và Fiorentina sẽ xuống hạng. Roberto Baggio mang tâm trạng bồn chồn ấy vào trận chung kết Coppa Uefa với Juventus và đó là một trong những nguyên nhân khiến họ thất bại.

Chưa có luật Bosman như ngày nay, mọi cánh cửa ở Firenze bị đóng sập trước mắt Roberto Baggio và anh hiểu mình phải ra đi. Và khi đã phải ra đi, anh thấy nên chọn cho mình một bến đỗ cảm thấy yên tâm về tài chính, và anh đồng ý với Juventus.
 
Ngày 18 tháng 5 năm 1990, hai ngày sau trận chung kết cúp Uefa, những cổ đông viên ở Firenze được thông báo rằng tiền đạo 23 tuổi Roberto Baggio đã được bán sang Juventus với giá trị kỷ lục thế giới 25 tỉ lira (khoảng 12.5 triệu euro bây giờ) và mức lương cao gấp 3 lần ở Firenze. Tin này làm các cổ động viên Firenze nổi loạn, hàng trăm người đã gây bạo loạn trên đường phố và trước trụ sở câu lạc bộ đội bóng liền trong vòng nhiều ngày khiến cho 50 người bị thương. Họ phỉ báng chủ tịch Ranieri Pontello và cả Roberto Baggio nữa và cho họ là những kẻ hám tiền. Họ đâu có biết nỗi lòng Roberto Baggio. Báo chí gọi Roberto là Ngài 25 tỉ lire. Anh đang khóc khi nhìn những hình ảnh bạo loạn qua tường thuật trên tivi trong lúc vợ anh đang mang thai và cúp Thế giới đang đến gần.
(http://i56.tinypic.com/2cwndpg.jpg)
(http://i54.tinypic.com/f5a7md.jpg)
(http://download.kataweb.it/mediaweb/image/brand_repfirenze/2008/02/04/1202147343203_01.jpg)

Roberto ở lại với chúng tôi, Pontello biến sang Juventus!


Nhưng Roberto Baggio và các cổ động viên không thay đổi được điều gì. Sau đó Ranieri Pontello bán nốt đội bóng cho Cecchi Gori còn Roberto Baggio bắt đầu hành trình mới, ở đội bóng mà anh sẽ tạo ra những cuộc tranh luận không bao giờ dứt về vai trò của mình trong mùa hè bạo loạn ấy. Kể từ ngày ấy, mối hằn thù giữa những người Firenze đối với Juventus được đẩy lên đến cao ngất và không bao giờ vơi đi.
 
Sự xuất hiện của anh đặt dấu chấm hết cho những người khác như Sergeij Alejnikov (sang Lecce), cả số 10 Aleksandr Zavarov (sang Nancy) lẫn Rui Barros (sang Monaco). Ở hàng hậu vệ cũng có hàng loạt thay đổi. Chỉ còn có ngôi sao Luigi De Agostini và Daniele Fortunato được trọng dụng. Pasquale Bruno, Roberto Tricella phải ra đi, đội trưởng Sergio Brio giải nghệ để nhường chỗ cho một hậu vệ da màu người Brasil tên là Júlio César (Montpellier), bộ đôi Gianluca Luppi, Marco De Marchi (Bologna). Hàng tiền vệ xuất hiện Thomas Hässler từ đội bóng vừa gặp Juventus ở cúp Uefa là Amburgo SV và hai cầu thủ Italia Paolo Di Canio ( từ SS Lazio) và Eugenio Corini ( từ Brescia). Tất cả, từ Roberto Baggio 23 tuổi đến Eugenio Corini 20 tuổi, từ Thomas Hässler 24 tuổi đến Di Canio 22 tuổi đều rất giỏi và sung sức. Có thể nói đây là thế hệ trẻ mà tài năng trẻ bậc nhất trong lịch sử mà Juventus tập hợp được. Họ phù hợp với cuộc cách mạng mà hai ông Gianni Agnelli và Luca Montezemolo đang làm, phù hợp với chiến thuật mới mẻ mà huấn luyện viên Luigi Maifredi đang gây dựng. Và Roberto Baggio có thể trở thành một người kế vị hoàn hảo của Michel Platini và chiếc áo số 10. Họ, chỉ thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh của những nhà vô địch...

Cuộc cách tân của Luigi Maifredi không chết ngay từ trong trứng nước như Sandro Puppo hồi năm 1956 mà nó chọn cho mình cái chết từ từ rất day dứt như thời Paulo Amaral năm 1963. Đầu tiên, đội quân của ông nếm phải một liều độc dược khi phơi áo 1-5 trước SS Napoli trong trận siêu cúp Italia đầu mùa giải. Hồi tỉnh, Juventus khởi đầu mùa giải 1990/91 rất hứng khởi bằng những chiến thắng quyến rũ 4-2 và 5-0 trước Inter Milan và As Roma, sau đó là 2-1 trước đội bóng cũ của Roberto Baggio. Tiền đạo trẻ Pierluigi Casiraghi đang tiến bộ khá nhanh bên cạnh Di Canio và cả Eugenio Corini trong lúc Roberto Baggio mới là ngôi sao tỏa sáng nhất. Hết lượt đi, họ chỉ chịu thua 3 trận (trước AC Milan, Bari, Genoa), đứng đầu bảng xếp hạng cùng với Inter Milan. Nhưng bắt đầu từ trận thua Genoa 0-1 ở vòng 17 và bắt đầu lượt về, đội bóng của Luigi Maifredi bắt đầu mất tinh thần và trải qua một serie những trận đấu thất bại. Những trận thắng đan xen với những trận thua khi đi xa Delle Alpi, tinh thần xuống dốc kéo đội bóng tụt liên tục về phía sau mà huấn luyện viên không có cách nào vực dậy được.
 
Ngày 6 tháng 4 năm 1991, Roberto Baggio gặp lại Fiorentina trên sân Artemio Franchi trong trận đấu ở vòng 28. Anh từ chối đá một quả 11m cho Juventus mà để Luigi De Agostini thực hiện. Bàn thắng không được ghi và Juventus thua 0-1. Khi được thay ra ở giữa hiệp hai, Roberto Baggio vô thức nhặt một chiếc khăn của Fiorentina từ khán đài ném xuống, có người bảo anh còn đưa lên môi hôn. Dù Roberto Baggio có giải thích rằng, anh không đá quả 11m đó vì thủ môn Gian Matteo Mareggini đã quá hiểu anh, rằng anh chỉ nhặt lá cờ lên một cách vô thức khi nó rơi xuống trước mặt anh. Dù thế nào, thì Juventus vẫn thua và người ta cũng hiểu tình cảm mà số 10 dành cho thành phố Firenze như thế nào.
 
Bốn ngày sau, 10 tháng 4, Juventus có mặt ở Catalunya rồi thất bại 1-3 trước Barcelona mà lúc đó Michael Laudrup đang tỏa sáng với đội hình trong mơ của Johannes Cruijff. Bốn ngày nữa, 14 tháng 4, Juventus thua trận derby della Mole ở vòng 29 Serie A. Mười ngày sau nữa, 24 tháng 4, Roberto Baggio ghi bàn duy nhất trong trận lượt về nhưng không đủ để Juventus khỏi bị Barcelona loại khỏi bán kết cúp C2 Coppa delle Coppe. Mười ngày sau nữa, 5 tháng 5, Juventus thua đậm Ac Milan 0-3 trên sân nhà ở vòng 31 Serie A. Cuối cùng, cơn ác một của Juventus cũng kết thúc với trận thua Genoa 0-2 ngày 26 tháng 5.

http://www.youtube.com/watch?v=1sYIAwd22Ko
Bán kết Coppa delle Coppe 1991

Nếu như năm trước đó, sự tỏa sáng của Salvatore Schillaci đẩy Rui Barros vào bóng tối thì giờ đây đến lượt Roberto Baggio cháy lên còn chính bản thân Salvatore Schillaci lại tắt lịm. Anh trở về với vẻ quê mùa cục mịch của mình. Vấn đề của Juventus là vấn đề của một đội bóng trẻ. Họ quá yếu bóng vía trên sân khách (thua 7 trận) và các cầu thủ không thể cùng lúc tỏa sáng. Có nghĩa là, khi những chiếc bánh không lăn cùng một vận tốc, con tàu không thể đi xa. Roberto Baggio ghi được tổng cộng 27 bàn thắng trong mùa giải đầu tiên ở Torino nhưng đội của anh tụt xuống thứ 7 ở Serie A (Sampdoria của cặp đôi khét tiếng Gianluca Vialli - Roberto Mancini chiến thắng). Vị trí thứ 7 buộc Juventus vắng mặt ở cúp châu Âu, một điều tưởng chừng như chưa bao giờ xảy ra. Nhưng đó là sự thật, sự thật là Gianni Agnelli và Luca Montezemolo đã thua rỗng túi trong cuộc cách mạng của mình. Phải rồi, nếu người thay đổi chỉ một chút thôi, thì kết quả cũng chỉ khác một chút; nhưng nếu họ làm cả một cuộc cách mạng, thì chỉ có hoặc họ thành công rực rỡ, hoặc thất bại đau khổ mà thôi. Giờ thì Luigi Maifredi lại giống cả Sando Puppo lẫn Paulo Amaral. Ông mất việc.
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 03, 2013, 11:15 AM
Bạn có biết Juventus từng bao nhiêu lần phá kỷ lục thế giới phí chuyển nhượng cầu thủ? ;;)
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: akazzurri January 03, 2013, 11:37 AM
Bạn có biết Juventus từng bao nhiêu lần phá kỷ lục thế giới phí chuyển nhượng cầu thủ? ;;)
Anh hỏi mua hay bán, hay cả hai  >:)
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex January 03, 2013, 12:08 PM
Nhớ là có Gigi kỷ lục chuyển nhượng cho TM và Zizou ở thời điểm đó. Còn lại để check đã
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex January 03, 2013, 12:51 PM
Ờ, có cả Baggio  :D
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 07, 2013, 05:35 PM
Roberto Baggio đã cho Ottmar Hitzfeld vay nợ như thế nào

Luca Montezemolo cũng mất việc, còn Gianni Agnelli cần có những quyết định quan trọng mới trong mùa hè 1991. Lại thay đổi, nhưng lần này là những cuộc trở lại. Giampiero Boniperti bất ngờ trở lại với vị trí Chủ tịch danh dự. Sau 5 năm và những thành công nhất định ở Inter Milan, Giovanni Trapattoni cũng quay về. Đi theo sau huấn luyện viên là những hậu vệ giỏi. Bởi vì Giovanni Trapattoni đang ưa thích những cầu thủ người Đức nên ông muốn xây dựng Juventus theo cái cách mà ông đã thành công ở Inter Milan. Trung vệ Jürgen Kohler và tiền vệ Stefan Reuter được mua về từ Bayern Monaco trong khi đó Thomas Hässler phải bán sang AS Roma vì hết hạn cầu thủ nước ngoài. Juventus còn gia cố thêm hàng thủ bằng hậu vệ Massimo Carrera từ Bari. Hai cầu thủ trẻ khác xuất hiện có tên Antonio Conte tiền vệ (22 tuổi từ Lecce) và Angelo Peruzzi (thủ môn 21 tuổi). Angelo Peruzzi là một trường hợp đặc biệt vì anh vừa mới hết hạn treo giò 12 tháng từ lúc còn khoác áo As Roma vì bị phát hiện dương tính với fentermina – một chất có trong danh mục cấm, có khả năng làm giảm cân. Mười năm sau khi cứu vớt sự nghiệp của tiền đạo Paolo Rossi, tài năng suýt lụi tàn vì doping, Juventus lại đặt niềm tin vào Angelo Peruzzi.
(http://mediadb.kicker.de/news/1000/1020/1100/3000/slideshow/760825/image_slshow_einzel_0_1.jpg)

Stefan Reuter - chất Đức một thời được ưa chuộng ở Italia
 
Tất cả những bổ sung này đều tỏ ra hợp lí. Với họ Juventus củng cố lại được hàng phòng ngự, tăng thêm chất thép cho tuyến tiền vệ và tiếp tục nuôi dưỡng những tài năng non tuổi cho tương lai. Thực tế là Giovanni Trapattoni đã làm rất tốt công việc của mình. Khi hàng phòng thủ được xiết lại Juventus có có thừa khả năng chiến thắng các đội kình địch mạnh mẽ khác như AC Milan, Inter Milan, Sampdoria và Napoli bởi vì ở trên họ đã sở hữu Roberto Baggio là một thứ vũ khí nguy hiểm nhất ở Italia. Nếu ở vào một giai đoạn khác, có thể Giovanni Trapattoni đã ngay lập tức đưa Juventus đoạt lấy scudetto. Chỉ có điều bây giờ là năm 1991 và 1991/92 không phải là thời của họ. Trong lúc mà SS Napoli tự loại mình ra khỏi cuộc đua vì Diego Maradona bị cấm thi đấu 15 tháng do sử dụng chất gây nghiện, ĐKVĐ Sampdoria mất quá nhiều sức vào cúp C1, Inter Milan mất người cầm lái, thì AC Milan của huấn luyện viên Fabio Capello mới là đội bộc lộ sức mạnh hủy diệt. Dù không thể đánh bại được Juventus cả 2 lượt trận đi về, nhưng AC Milan đã đạt đến độ hoàn hảo với những trụ cột của đội tuyển Italia kết hợp với đội bay Hà Lan: Không thua một trận nào trong cả mùa giải. Đó là một điều đáng tiếc cho Juventus, đáng tiếc vì đối thủ của họ quá mạnh.

Đứng thứ 2 chung cuộc Serie A 1991/92 cũng là một thành công đối với Juventus nếu nhớ rằng mùa trước họ còn tụt xuống thứ 7. Chí có một chút đáng tiếc là đội bóng đã không đủ sức mạnh để thắng mà đã hòa 5 trong 6 trận cuối cùng. Xen kẽ với 5 trận hòa ấy là hai trận đấu với đội bóng mới nổi AC Parma ở chung kết Coppa Italia. Parma đã thắng lại 2-0 trên sân nhà sau khi thua 0-1 ở Delle Alpi. Trận trên sân Delle Alpi ấy, Roberto Baggio ghi bàn. Kỳ lạ, năm trước hồi đầu mùa giải anh cũng ghi bàn duy nhất trong trận thua SS Napoli 1-5 ở siêu cúp, ghi bàn duy nhất trong trận thắng Barcelona 1-0 mà vẫn bị loại ở bán kết Uefa Cup.

Roberto Baggio ghi được tổng cộng 22 bàn thắng mùa này (18 ở Serie A), mà cả anh và Juventus vẫn trắng tay. Scudetto thuộc về AC Milan, Coppa Italia thuộc về AC Parma, Van Basten giành giải vua phá khung thành. Thế là hết. Cũng có thể nói, từ khi đến Juventus, Roberto Baggio vô tình đã biến họ thành đội bóng một người. Có nghĩa là trong tập thể ấy, chỉ có một mình anh tỏa sáng. Khi anh xuất hiện, đặt bên cạnh tài năng của anh, tất cả các cầu thủ khác bị chìm lấp, bị mờ đi bất chấp việc họ có phải là một tài năng hay không. Dường như đó là định mệnh, anh không phải là ngôi sao làm cho những ngôi sao xung quanh anh phát sáng theo. Có lẽ, nhìn từ góc độ này, anh chỉ hợp với nơi nào không có quá nhiều tranh đấu, nơi anh mặc nhiên được coi là ngôi sao duy nhất, như ở các đội bóng trung bình. Hay bóng đá chỉ dành cho anh và Juventus một vài điều giản dị nếu họ gắn bó với nhau…?

--------
Serie A bùng nổ về chất lượng. Bóng đá Italia đang sở hữu một tài sản tuyệt vời là cả một thế hệ cầu thủ tài năng bậc nhất thế giới không thua kém gì thế hệ đã chiến thắng tại Spagna 1982. Sau SS Napoli và Sampdoria, đến lượt AC Parma, SS Lazio, As Roma và Fiorentina nhanh chóng nổi lên sau những khoản đầu tư lớn của các nhà tư bản kiểu mới. Quy định nới lỏng đối với các cầu thủ nước ngoài cộng với túi tiền lớn biến Serie A thành sân chơi thu hút hàng loạt ngôi sao ngoại quốc từ khắp châu Âu và Nam Mỹ.
 
Juventus không, và cũng không thể nằm ngoài dòng chảy ấy. Thêm một mùa bóng, là thêm một lần đếm số năm Juventus đã thất hẹn với scudetto, nên hơn bất kỳ đội bóng nào khác, Juventus tích cực đổi thay nhiều hơn trong mùa hè năm 1992. Đội trưởng Stefano Tacconi chia tay đồng đội ở tuổi 35 và nhường vị trí trong khung gỗ cho người thừa kế 22 tuổi Angelo Peruzzi (dự bị là Michelangelo Rampulla). Luigi De Agostini, hậu vệ xuất sắc nhất của Juventus, chuyển đến Inter Milan ở tuổi 31. Người thay thế anh là Moreno Torricelli, một anh chàng vô danh mới 22 tuổi từ đội bóng cũng vô danh Caratese. Trên hàng tiền vệ, Stefan Reuter trở về khoác áo Borussia Dortmund. Suất nước ngoài của anh trao cho một người CHLB Đức khác là ngôi sao Andreas Möller từ đội Eintracht Francoforte. Chưa dừng hết, hàng tiền vệ của Juventus được tăng cường sức mạnh tối đa bằng hai cái tên ấn tượng nữa là Dino Baggio mới 21 tuổi từ đội bóng kình địch AC Torino và ngôi sao nước Anh David Platt từ đội AS Bari.

(http://25.media.tumblr.com/tumblr_lqhifmncJB1qfxktpo1_1280.jpg)

Bộ đôi khét tiếng đã chia hai ngả, một đến Delle Alpi

Tham vọng đổi mới của Juventus dường như không có điểm dừng trong mùa hè năm 1992. Đội bóng thành phố Torino thâu tóm thêm ngôi sao trung phong Gianluca Vialli từ Sampdoria. Cái giá mà Juventus phải bỏ ra cho anh không hề nhỏ: 4 tỉ lire cộng với 4 cầu thủ khác, trong đó có hai tài năng trẻ Eugenio Corini và Michele Serena. Tổng giá trị vụ chuyển nhượng này vượt qua kỷ lục mà Juventus bỏ ra để lôi kéo được Roberto Baggio. Theo sau Gianluca Vialli là tiền đạo trẻ hơn những cũng giỏi không kém là Fabrizio Ravanelli từ đội hạng B Reggiana. Chính sự xuất hiện của hai trung phong trên đã đẩy Salvadore Schillaci sang Inter Milan để rồi anh tắt lịm trong làng bóng đá Italia. Họ còn biến tiền đạo trẻ Pierluigi Casiraghi thành người thừa. Rõ ràng là Juventus đang đổ tiền ra nhằm đánh đổ sức mạnh của AC Milan, vốn cũng được xây nên bằng tiền. Nhưng nếu sức mạnh hiện tại của AC Milan dưới thời ông Fabio Capello có thể nhìn thấy được thì dường như những người Juventus lại không nhận ra được điểm yếu của mình, hoặc không khắc phục một cách triệt để.

Mùa bóng 1991/92, huấn luyện viên Giovanni Trapatotoni đã xiết lại hàng thủ của mình và đã thành công nhất định. Họ chỉ bị thua 22 quả so với 32 quả vào mùa 199/91. Nhưng đến mùa 1992/93, họ mất đi hai mắt xích quan trọng là thủ môn Stefano Tacconi và hậu vệ Luigi De Agostini mà lại chỉ có một sự bổ xung duy nhất đáng kể là Moreno Torricelli. Đó là sai sót mà bất chấp họ có nhận ra hay không, họ đều phải chịu lấy kết quả của nó. Giờ đây Roberto Baggio được giao chiếc băng đội trưởng. Mái tóc anh đã cột lại thành chiếc đuôi ngựa đáng yêu mà không còn lòa xòa nữa. Anh đã được các cổ động viên gọi là Il Divin Codino, được ông Gianni Agnelli gọi là họa sỹ Tintoretto. Anh đã có những đồng đội mà tài năng và cả lòng khát khao của họ không không hề thua kém anh. Thậm chí họ còn có nhiều kinh nghiệm hơn và thành danh hơn, như Gianluca Vialli, Andreas Möller và David Platt.

Không có lí do gì để Juventus không phô diễn lối chơi tấn công của mình. Nhưng họ mất cân bằng nghiêm trọng giữa tấn công và phòng thủ. Thủ môn trẻ Angelo Peruzzi không thể trong một ngày lập tức xóa đi vai trò của Stefano Tacconi. Moreno Torricelli chưa đủ bản lĩnh để mà lĩnh xướng cả hàng hậu vệ còn Antonio Conte làm sao có thể cáng đáng được toàn bộ trách nhiệm bọc lót cho các cầu thủ tấn công. Không phải do yếu kém, mà lực lượng phòng thủ mỏng manh đã ___ chết tham vọng của Juventus. Đội bóng có những chiến thắng đạm đà ấn tượng và thủng lưới rất nhiều. Roberto Baggio tiếp tục tỏa sáng, Andreas Möller cũng tỏa sáng, nhưng Juventus cũng liên tục thua rất nhiều trong khoảng từ cuối mùa thu 1992 đến mùa xuân 1993, giữa hai lần thua chính Inter Milan của Salvatore Schillaci và Luigi De Agostini.

Ở coppa Italia, Juventus chấp nhận thua AC Torino ở bán kết vì thủng khung gỗ nhiều hơn 1 bàn trên sân nhà. Bị chọc thủng khung gỗ dường như đã trở thành căn bệnh khó chữa đối với Juventus. May mắn thay, nó không lan sang cúp C3, nơi mà các trận đấu dễ thở hơn rất nhiều so với Serie A. Ở đó, Roberto Baggio và những ngôi sao mới có dịp hài lòng với thành tích của mình. Những bàn thắng của họ kéo Juventus chạy thẳng một mạch đến trận chung kết dễ dàng (Trên đường đi vượt qua Befica của Paulo Sousa ở tứ kết, Paris Saint Germain của George Weah ở bán kết). Trận cuối cùng, họ gặp đội bóng có đầy những mối quan hệ thân thiết bạn bè và đối thủ: Borussia Dortmund. Ở đó, Stefan Reuter có dịp gặp lại Jürgen Kohler và đội bóng cũ của mình, còn Juventus cũng sẽ gặp thủ môn Stefan Klos, Stéphane Chapuisat, Michael Rummenigge và huấn luyện viên Ottmar Hitzfeld - người sẽ còn để lại nhiều dư vị với họ nữa về sau này.

http://www.youtube.com/watch?v=BCJaPr8U-VE

http://www.youtube.com/watch?v=42p_GZ7KPew

Chung kết Coppa Uefa 1992/1993

Ngày 5 tháng 5 năm 1993, Giovanni Trapattoni dẫn học trò đến sân Westfalen ở vùng Ruhr. Sai lầm của hàng thủ Juventus giúp cho Michael Rummenigge vuốt bóng ghi bàn ngay phút thứ 2. Nhưng hàng tấn công của đội quân trắng đen bù đắp tất cả cho sai lầm ấy. Dino Baggio ghi bàn gỡ hòa còn Roberto Baggio ghi thêm 2 bàn nữa mang về chiến thắng 3-1 cho Juventus. Thế là nhiều. Ottmar Hitzfeld vay của Juventus món nợ đầu tiên. Nửa tháng sau, ngày 19 tháng 5 năm 1993, đến lượt Ottmar Hitzfeld kéo quân sang chân núi Alpi. Vẫn là người Đức ghi bàn mở tỉ số, nhưng lần này là Andreas Möller của Juventus chứ không phải một học trò của ông. Các cổ động viên chào đón Brussia Dortmund bằng những tấm banderole, pháo khói và vẫn một Baggio ghi thêm 2 bàn nữa, lần này là Dino Baggio. Roberto Baggio không cần phải ghi bàn, anh chỉ cần truyền vào các đồng đội niềm cảm hứng vô tận. 3-0. Thế là quá nhiều. Ottmar Hitzfeld vay thêm của Juventus một món nữa thay vì trả nợ.

Ngày hôm đó Juventus có chiếc cúp C3 lần thứ 3, chiếc cúp châu Âu thứ 5 sau 9 lần chơi trận chung kết. Chiếc cúp ấy là niềm khích lệ cho một thế hệ Juventus trẻ trung và tài năng, vừa lãng mạn như những chàng nghệ sĩ vừa ngông cuồng ngờ nghệch như những tay hiệp sĩ mới nổi. Và nó cũng rất yếu đuối, dễ bị kích động. Đó là Juventus của Roberto Baggio, đó là chiến tích đầu tiên của Roberto Baggio. Màn trình diễn ở Coppa Uefa góp phần giúp anh điền tên vào danh sách những cầu thủ đoạt quả bóng vàng châu Âu vào cuối năm 1993. Anh là cầu thủ thứ 4 của đội bóng thành Torino đoạt được danh hiệu này sau Omar Sivori (1961), Paolo Rossi (1982), Michel Platini (1983, 1984, 1985). Với anh, Juventus đã sở hữu đến 6 danh hiệu quả bóng vàng. Với anh, người ta biết rằng các tifosi đã chính thức tìm được cho mình một thần tượng mới trong trái tim để thay thế bóng dáng Michel Platini. Nhưng người ta cũng có thể không nhớ, rằng Michel Platini đã có rất nhiều scudetto, vinh quang mà Giovanni Trapatotti chưa mang lại được sau 2 năm trở về, Roberto Baggio chưa có được sau 3 năm đặt chân đến đây.
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Nguyen Hai Long January 08, 2013, 12:22 AM
1993 rồi  :juve8:
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Dkv January 08, 2013, 02:12 AM
Tiếp đến là gì?
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex January 08, 2013, 08:17 AM
R. Baggio đúng là hung thần của Dortmund khi nã đến 4 bàn vào lưới Dortmund chỉ trong vòng 2 năm. Giờ em mới biết Stefan Reuter cũng là 1 cựu Juventus, tay này cũng có mặt trong trận CK CL năm 97 ấy trong màu áo Dortmund, hic. Mà tại sao Bayer Munich lại được gọi là Bayer Monaco nhỉ? Em thấy trên 1 số website cũng viết thế mà không biết tại sao?
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: akazzurri January 08, 2013, 08:34 AM
R. Baggio đúng là hung thần của Dortmund khi nã đến 4 bàn vào lưới Dortmund chỉ trong vòng 2 năm. Giờ em mới biết Stefan Reuter cũng là 1 cựu Juventus, tay này cũng có mặt trong trận CK CL năm 97 ấy trong màu áo Dortmund, hic. Mà tại sao Bayer Munich lại được gọi là Bayer Monaco nhỉ? Em thấy trên 1 số website cũng viết thế mà không biết tại sao?
Bayern Monaco là tên gọi theo tiếng Italia nhé   :gift:
Mà sao em thấy càng gần thời hiện tại truyện kể càng nhanh vậy anh An  :chatterbox:
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex January 08, 2013, 08:42 AM
Bayern Monaco là tên gọi theo tiếng Italia nhé   :gift:
Mà sao em thấy càng gần thời hiện tại truyện kể càng nhanh vậy anh An  :chatterbox:
Càng gần về sau này, lão càng sống gấp mà  :m1205:
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 08, 2013, 04:48 PM
R. Baggio đúng là hung thần của Dortmund khi nã đến 4 bàn vào lưới Dortmund chỉ trong vòng 2 năm. Giờ em mới biết Stefan Reuter cũng là 1 cựu Juventus, tay này cũng có mặt trong trận CK CL năm 97 ấy trong màu áo Dortmund, hic. Mà tại sao Bayer Munich lại được gọi là Bayer Monaco nhỉ? Em thấy trên 1 số website cũng viết thế mà không biết tại sao?

Em không để ý đấy thôi, tất cả tên riêng từ đầu đến giờ anh đều cố gắng viết bằng cách gọi của tiếng Italia, hầu hết không có cách gọi của tiếng Anh, tàu hay Đức :catch:

Bayern Monaco là tên gọi theo tiếng Italia nhé   :gift:
Mà sao em thấy càng gần thời hiện tại truyện kể càng nhanh vậy anh An  :chatterbox:

Nhanh nghĩa là post nhanh hay viết nhanh cho xong năm này qua năm khác?

: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 08, 2013, 04:55 PM
1993 rồi  :juve8:
Tiếp đến là gì?

Đến một năm nào đó thì anh không viết tiếp, các bạn chuẩn bị làm phần hậu storia nhé. :m1205:
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex January 08, 2013, 08:41 PM
Em không để ý đấy thôi, tất cả tên riêng từ đầu đến giờ anh đều cố gắng viết bằng cách gọi của tiếng Italia, hầu hết không có cách gọi của tiếng Anh, tàu hay Đức :catch:

Nhanh nghĩa là post nhanh hay viết nhanh cho xong năm này qua năm khác?

Nhớ rồi, hôm trước anh viết tên của Johan Cruyff em đã thấy lạ nhưng lại tưởng bác viết theo tiếng...Hà Lan  :))
Đúng là dòng chảy của câu chuyện có hơi nhanh hơn trước thật bác ạ. Bác cố gắng cho nó chậm lại chút, chí ít thì cũng câu thêm được vài bài trước khi kết thúc  :tv: :tv:
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: akazzurri January 08, 2013, 10:07 PM
Em không để ý đấy thôi, tất cả tên riêng từ đầu đến giờ anh đều cố gắng viết bằng cách gọi của tiếng Italia, hầu hết không có cách gọi của tiếng Anh, tàu hay Đức :catch:

Nhanh nghĩa là post nhanh hay viết nhanh cho xong năm này qua năm khác?


ý thứ 2 đấy anh à :))
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Nguyen Hai Long January 18, 2013, 02:05 PM
Ơ thế chậm lại thật à @@
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 29, 2013, 01:22 AM
Chỉ còn anh, khung thành và bầu trời xanh Los Angeles

Serie A 1993/94 sẽ là mùa giải thứ 4 của Roberto Baggio, sẽ là mùa giải thứ 8 không scudetto với Juventus. Khao khát đối với Juventus và những cổ động viên của nó đã đẩy lên đến độ khắc khoải. Nhưng đội bóng không còn vung tiền để mua về những ngôi sao sáng giá nhất của làng bóng đá thế giới như một loạt các đội bóng ở Serie A đang làm. Bộ khung của đội bóng được giữ gần như nguyên vẹn. Chỉ có một vài cuộc chia tay đáng chú ý như của David Platt (sang Sampdoria), tài năng Paolo Di Canio (xuống miền Nam với Napoli) và Pierluigi Casiraghi (xuống miền trung với Lazio). Sự ra đi của David Platt là một điều dễ hiểu vì anh chỉ đóng vai phụ trong cả mùa giải trước đó còn với Paolo Di Canio và Pierluigi Casiraghi, có vẻ là một cuộc chia tay đáng tiếc. Nhưng có lẽ chỉ đáng tiếc cho các cầu thủ, Juventus thì không. Bởi vì đội bóng đã có những thay thế tuyệt vời.

David Platt và Paolo Di Canio ra đi, người thay thế là cầu thủ xấu xí có bước chạy cà nhắc với đôi chân như làm từ hai khúc gỗ, Angelo Di Livio, 27 tuổi, từ đội bóng nhỏ Padova. Angelo di Livio là một cầu thủ tương đối vô danh. Anh đến với Juventus một cách bất ngờ bởi trước nay chỉ chơi ở các đội cấp thấp như Reggiana, Nocerina, Perugia và Padova, hầu như không có biểu hiện gì của một tài năng. Nhưng sau này có Juventus đã phát hiện ra trong vẻ khổ sở của Di Livio cái khí chất chuyên cần và đa năng rất hữu dụng.


 Hàng hậu vệ được gia cố dù muộn màng (việc làm mà đáng ra họ phải làm từ 1 năm trước) bằng trung vệ 25 tuổi Sergio Porrini từ Atalanta. Juventus cũng không quên trẻ hóa. Trong những tháng ngày cuối cùng đảm nhận vai trò Chủ tịch danh dự của đội bóng, Giampiero Boniperti để lại dấu ấn không nhỏ mà chúng được nhắc đến không gì khác là những tài năng trẻ dành cho Juventus. Một hậu vệ cánh đầy tài năng mới của bóng đá Italia có tên Andrea Fortunato mới 22 tuổi người Salerno xứ Campagnia được mua về từ Genoa. Anh là hiện thân của một Antonio Cabrini mới và chính anh mặc áo số 3 của Antonio Cabrini ngày nào.

(http://24.media.tumblr.com/tumblr_lk76gdlwZE1qd0ffdo1_500.jpg)

Andrea Fortunato đã là một Juventino

Không dừng lại ở Andrea Portunato, mùa hè năm 1993 ghi một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Juventus vì đó là lúc mà một cầu thủ tiền đạo trẻ 18 tuổi có dáng lỏng khỏng tên Alessandro Del Piero gia nhập đội bóng cũng từ đội của Angelo Di Livio là Padova ở Serie B. Sau gần 3 năm ký hợp đồng với Juventus và cuộc tranh giành quyết liệt giữa Juventus và AC Milan, Del Piero chính thức có mặt ở Torino để thế chân cùng một lúc 2 tiền đạo Pierluigi Casiraghi và Paolo Di Canio. Tất cả đều biết, anh là một cầu thủ đầy hứa hẹn, tuy thế dường như lúc đó không ai nghĩ rằng cả một giai đoạn lịch sử của Juventus sau này sẽ gắn với tên tuổi của chàng trai đã có mặt trong đội hình từ U-17 đến U-21 Italia ấy. Nhưng hãy gượm chuyện đó sang một bên đã, bởi vì thời gian đầu ở Juventus của Del Piero là ở đội trẻ với huấn luyện viên Antonello Cuccureddu và các đồng đội như là Jonathan Binotto, Christian Manfredini chứ không phải ở đội một với huấn luyện viên Giovanni Trapattoni.

Giovanni Trapattoni đang có trong tay mình số 10 sáng giá nhất của bóng đá châu Âu, bộ đôi tiền đạo Gianluca Vialli – Fabrizio Ravanelli được hỗ trợ bởi Andreas Möller ở bên cánh. Nên không có lí do gì để ông phải quá bận tâm vào một cầu thủ mới 18 tuổi như Del Piero, việc của cậu là ngồi xem, tập luyện và tham gia thi đấu ở giải tranh scudetto trẻ cũng như Viareggio Cup. Điều quan trọng nhất đối với đội bóng là họ đã gia cố vững chắc hàng phòng ngự của mình bằng Andrea Fortunato và Sergio Porrini. AC Milan của Fabio Capello đã suy yếu sau khi những người Hà Lan lần lượt ra đi và không còn bất khả chiến bại nữa. Đó là tín hiệu tốt cho Juventus và những đội còn lại của Serie A. Và thực tế là Juventus đã thủng lưới ít đi, thắng được nhiều hơn còn AC Milan đã thua và hòa nhiều hơn. Sự cân bằng này giúp cho Juventus bám đuổi rất gần AC Milan trong suốt cả mùa giải. Alessandro Del Piero cũng được Giovanni Trapattoni cất nhắc trong một số trận đấu thay cho Gianluca Vialli và Fabrizio Ravanelli. Anh cũng có những bàn thắng đầu tiên ở Serie A và để lại những ấn tượng sâu đậm.

Chỉ có một điều đáng tiếc, là Juventus đã thua mất 3 trận ở lượt đi, trước các đối thủ không phải là Inter Milan hay AC Milan mà đó là As Roma (của Thomas Hässler, Abel Balbo và Siniša Mihajlović), AC Parma (của Antonio Benarrivo, Zanfranco Zola và Faustino Asprilla) và Lazio (của Alen Bokšić, Giuseppe Signori, Pierluigi Casiraghi). Dẫu sao thì Juventus nhờ những bàn thắng của Roberto Baggio, Fabrizio Ravanelli và Adreas Möller mà Juventus vẫn rất cận kề vị trí số 1 cho đến trận tiếp AC Milan trên sân nhà Delle Alpi ở lượt về, vòng 26 ngày 6 tháng 3 năm 1994. Lúc đó, Juventus tiếp AC Milan khi thiếu vằng một vài vị trí chính thức. Alessandro Del Piero chơi cặp cùng Roberto Baggio trên hàng công không có Andreas Möller, Fabrizio Ravanelli lẫn Gianluca Vialli. Roberto Baggio và Del Piero đã không thể làm gì được trước hàng phòng ngự trứ danh của AC Milan gồm thủ môn Sebastiano Rossi, bộ tứ hậu vệ Mauro Tassotti - Paolo Maldini – Franco Baresi – Alessandro Costacurta và Juventus chịu thua 0-1 bởi bàn thắng của một cầu thủ kém nổi tiếng nhất trong 11 cầu thủ AC Milan trên sân. Anh ta có tên là Stefano Eranio.

Một trận đấu ấy có thể miêu tả tất cả những gì đã diễn ra ở Serie A mùa giải 1993/94. Juventus trẻ trung và tài năng nhưng AC Milan có quá nhiều kinh nghiệm. Khi những người Hà Lan không còn ở Milano, họ trình diễn một thứ bóng đá xấu xí nhất bằng những chiến thắng 1-0 tối thiểu. Sản phẩm của Fabio Capello làm ra là kỷ lục 929 phút liên tiếp trắng lưới của thủ môn Sebastiano Rossi; cả một mùa giải AC Milan chỉ ghi được 36 bàn thắng, mà cũng chỉ bị vỡ khung gỗ vỏn vẹn 15 lần. Thua một đối thủ như thế trong trận đối đầu trực tiếp thì Juventus không có cơ hội nữa dù sau đó họ không thua thêm trận nào ở Serie A mà còn thắng lại AC Parma 4-0 (Del Piero lập hatrick đầu tiên), Lazio 6-1, rồi Inter Milan 1-0. Kết thúc mùa giải ở vòng thứ 34, Juventus chỉ chạm đích ở vị trí thứ 2 với 3 điểm ít hơn đội bóng từ thành phố Milano (đội còn đoạt nốt cả Coppa dei Campioni). Trận thua AC Milan đến vào một thời điểm quyết định đã phá hỏng niềm hi vọng của Juventus, phá đi những giấc mơ mà Roberto Baggio nuôi nấng từ rất lâu.

Năm ngày trước đó, 1 tháng 3, Juventus cũng đã thua Cagliari 0-1 tại sân Sant'Elía ở trận lượt đi tứ kết Uefa Cup. Mười ngày sau đó, 15 tháng 3, Juventus thua tiếp 1-2 trong trận lượt về và ĐKVĐ phải tạm biệt Uefa Cup. Ba trận thua trong một đợt khủng hoảng ngắn bày ra trước mắt một mùa giải trắng tay. Họ đã bỏ Coppa Italia ngay từ vòng một. Năm thứ tư ở Delle Alpi, Roberto Baggio vẫn ghi rất nhiều bàn thắng (17 quả ở Serie A, 22 quả ở tất cả các giải) và Juventus vẫn lỗi hẹn với scudetto. Có điều gì đó tiếc nuối dành cho anh và Giovanni Trapattoni. Hoặc là Juventus chưa đủ bản lĩnh để đạp ngã AC Milan, hoặc là rốt cuộc họ chỉ là một đội bóng của những anh chàng lãng mạn đẹp trai, hơi ngồng nghênh một tí điên rồ mà thiếu đi cái vẻ lạnh nhạt của một kẻ đánh đổ. Bốn năm mới chỉ có một chiếc cúp C3 không kể danh hiệu quả bóng vàng châu Âu đối với anh có lẽ là quá khiêm tốn, đối với Juventus lại càng luyến tiếc hơn. Nhưng anh cũng không có nhiều thời gian để mà luyến tiếc, khi cúp thế giới 1994 tại châu Mỹ lại đang đến rất gần.

Italia gần như tái hiện lại sức mạnh tuyệt vời của mình trước khi cúp thế giới bắt đầu như hồi năm 1990. Hồi đó 3 đội bóng Italia giành 3 chiếc cúp châu Âu. Năm 1994, họ suýt thành công một lần nữa khi AC Milan đã đoạt cúp C1 Coppa dei Campioni, Inter Milan đoạt cúp C3 Coppa Uefa còn AC Parma lại thua mất Arsenal trong trận chung kết cúp C2 Coppa delle Coppe. Và cũng giống như tại Italia 1990, hình ảnh về một blocco-Juventus ở đội tuyển Italia không hề tồn tại. Lần này đội tuyển của huấn luyện viên Arrigo Sacchi, một cựu huấn luyện viên AC Milan. Đội tuyển được đắp đầy bằng 7 cầu thủ AC Milan, 5 AC Parma. Số còn lại được chia đều cho các đội bóng mạnh khác, Juventus cũng chỉ có 3 cầu thủ được góp mặt là Antonio Conte, Dino Baggio và Roberto Baggio. Vậy nhưng một nhóm ít ỏi cầu thủ của đội bóng Turin ấy cũng đủ tạo nên những cung bậc cảm xúc không thể nào quên đối với đất nước Italia. Nếu như năm 1990, Salvatore Schillaci quê mùa và cục mịch đã nuôi hi vọng cho cả đội tuyển bằng những bàn thắng quý giá của mình, thì nay Dino Baggio và Roberto Baggio truyền vào đội bóng ấy cảm hứng bất tận để vượt qua những thời khắc khó khăn và áp lực bủn rủn chân tay từ vòng bảng cho đến trận chung kết trên sân Rose Bowl. Đội tuyển Italia nào có tài năng và gợi tình nhất trong lịch sử? Có lẽ là đội hình tham dự cúp Thế giới năm 1994 ấy. Tuy nhiên, cái tài năng và gợi tình ấy kèm theo là số phận nghiệt ngã bi tráng nhất. Trong cái nắng thiêu đốt của mùa hè nước Mỹ, các trận đấu thường được xếp lịch đá vào giữa trưa để phục vụ truyền hình trực tiếp và sau mỗi trận đấu họ có thể bị sụt đến 7kg vì mất nước.

(http://24.media.tumblr.com/tumblr_lth2qjcmt31qfxktpo1_500.jpg)
Juventus có Dino và Roberto

Đây là cúp Thế giới lần đầu áp dụng luật thủ môn không được bắt bóng bằng tay khi đồng đội chuyền về bằng chân. Ở vòng bảng Đệ tam anh hào Italia cùng bảng với Mexico, Ireland và Na Uy và ngay trận đầu ra quân, đội quân thiện chiến áo thiên thanh đã thua shock đội tiểu tốt Ireland 0-1. Cả Italia bàng hoàng không hiểu chuyện gì xảy ra. Cả Roberto Baggio và Dino Baggio im tiếng, Antonio Conte còn chưa được ra sân một phút nào và cúp Thế giới đối với họ có lẽ sẽ kết thúc trong thất vọng não nề. Việc các câu lạc bộ Italia thống trị ba cúp châu Âu giờ đây dường như chỉ như một trò lố. Mọi chuyện suýt trở nên mất kiểm soát khi tinh thần hăng máu rửa nhục của các chàng trai gợi tình của Arrigo Sacchi dội một xô nước đá. Ngay phút thứ 21 trong trận thứ 2 vòng bảng với Na-uy, thủ môn số một Gianluca Pagliuca bị trọng tài người Hà Lan Van der Ende đuổi ra khỏi sân vì lỗi truy cản tiền đạo Nauy ngoài vòng cấm trong một pha phản công nhanh của đối thủ. Pha bóng quá nhanh, hăng máu bị dập quá nhanh và đến cả thủ môn Gianluca Pagliuca cũng không hiểu chuyện gì xảy ra với anh. Huấn luyện viên Arrigo Sacchi phải hi sinh Roberto Baggio để lấy chỗ cho thủ môn dự bị Luca Marchegiani. Quyết định quá nhanh và Roberto Baggio cũng không hiểu điều quái quỷ gì xảy ra với mình. Nếu thua nữa Italia sẽ về nước ê chề không khác gì năm 1966...
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 29, 2013, 01:23 AM
http://www.youtube.com/watch?v=mvFtAfUjiUA

Gianluca Pagliuca là thủ môn đầu tiên bị đuổi trong một kỳ cúp Thế giới

Nhưng trong lúc thật là gay go này, may thay vẫn còn một người Juventus nữa trong đội hình, may thay vẫn còn Dino Baggio. Thủ môn dự bị và hàng thủ trứ danh Italia cầm cự đến giữa hiệp 2 thì Arrigo Sacchi quyết định gửi niềm tin vào một tiền đạo AC Milan là Daniel Massaro… Chỉ một phút sau khi niềm hi vọng Daniel Massaro vào sân thay cho Pierluigi Casiraghi…, Dino Baggio đánh đầu tung lưới Na Uy sau cú câu bóng của Giuseppe Signori. Người Juventus cuối cùng trong đội hình lên tiếng. Italia thắng 1-0 với những cảm xúc khó tả nổi. Và họ bắt đầu viết nên một câu chuyện rất lạ trong lịch sử đội tuyển áo thiên thanh năm 1994 khi họ luôn đặt người hâm mộ trên lằn gianh giữa tuyệt vọng và phấn khích tột cùng.

Đến trận cuối cùng vòng bảng thì Daniel Massaro mới ghi bàn và Italia thở phào nhẹ nhõm khi cầm hòa Mexico 1-1. Họ giành được vé vào vòng sau một cách kỳ cục nhất có thể: Cả 4 đội trong bảng đều cùng thắng 1 – hòa 1 – thua 1 và được 4 điểm cả thảy với hiệu số bàn thắng – bàn thua đều là 0. Mexico có hiệu số 3-3, đứng số 1; Ireland có hiệu số 2-2, đứng thứ 2; Italia cũng có hiệu số 2-2 nhưng lại thua Ireland đối đầu nên bị xếp thứ 3; cuối cùng đen đủi nhất là Na Uy có hiệu số 1-1 xếp bét nên bị loại luôn. Với vị trí thứ 3, Italia được xét vớt vào vòng 16 đội cùng nhóm đứng thứ 3 có thành tích tốt nhất. Quả là quá mỏi.

Đội tuyển Italia lọt vào vòng 16 đội với tấm vé xét vớt, chẳng khác gì chuyện thượng đế đã trao cho họ món quà là một cơ hội nữa để chứng minh với cả thế giới hiểu rằng bóng đá Italia đang chinh phục cả châu Âu và bây giờ họ muốn chinh phục cả thế giới. Roberto Baggio vẫn chưa có một bàn thắng, nhưng anh đã được trao thêm một cơ hội nữa để viết nên câu chuyện rằng lúc nào đội quân thiên thanh cũng khởi đầu đầy gian nan vất vả nhưng rồi càng đi sâu thì bản lĩnh và tài năng mới càng bộc lộ.

Trưa hè trên thành phố biển Boston ngày 5 tháng 7 năm 1994, Italia phải đối mặt với Nigeria. Đó là đại diện duy nhất của châu Phi có mặt ở vòng 16 đội trong cái mùa cúp Thế giới mà tất cả đều nghĩ châu Phi sẽ là thế lực thứ 3 của bóng đá. Họ được gọi là những chú đại bàng xanh đại diện cho một hình ảnh châu Phi đang trỗi dậy phá bỏ thế độc tôn của Cựu lục địa và Mỹ Latinh. Họ đã xuất sắc đứng đầu bảng đấu có cả Argentina của Diego Maradona và Bulgaria của Hristo Stoichkov. Họ có trong tay một dàn cầu thủ vừa trẻ trung tài năng như Finidi George, Rasheed Yekini, Emmanuel Amunike, Daniel Amokachi, Jay Jay Okocha và Sunday Oliseh. Họ mang khát vọng của cả châu Phi vào trận đấu. Khát vọng ấy suýt nữa đã ___ chết được cơ hội thứ hai của Roberto Baggio cùng các đồng đội.

Italia bị bao vây bị cọ xát trong một cuộc đấu sức đến phát điên với những tay da đen cắt đầu cua  giống nhau nhìn kỳ khôi. Italia bối rối, mất thăng bằng đến mức không thể kiểm soát được thế trận và bất thình lình chịu bàn thua ngẩn ngơ sau một quả phạt góc ở phút thứ 25. Emmanuel Amunike đã khiến cho con tim những người Italia thắt lại và kể từ phút ấy trận đấu là của những cuộc tranh chấp tay đôi không khoan nhượng với hàng tá thẻ vàng, của cảm giác căng thẳng tột độ đối với những cổ động viên Italia và của trọng tài người Mexico Arturo Carter.

http://www.youtube.com/watch?v=7iEngRuAgpM

Câu chuyện của anh em sinh đôi bắt đầu


Hiệp hai trôi qua hơn 15 phút mà vẫn bế tắc, Roberto Baggio bị phong tỏa, Giuseppe Signori bất lực khiến cho huấn luyện viên Arrigo Sacchi phải tìm kiếm một giải pháp phiêu lưu, đặt cược vào tài năng trẻ tuổi Gianfranco Zola, anh được tung vào sân thay cho Giuseppe Signori. Thế nhưng đúng cái lúc mà cả Italia và Arrigo Sacchi trông đợi vào anh nhất thì… trọng tài Arturo Carter phá hỏng tất cả. Chỉ 10 phút sau khi Gianfranco Zola vào sân, Arturo Carter rút thẻ đỏ thẳng tay đuổi anh ra khỏi sân vì anh đã xuất sắc đoạt được bóng trong chân hậu vệ Nigeria trong khu vực 16m50 của họ. Quyết định quá nhanh và quá ngu ngốc của Arturo Carter khiến tất cả bất ngờ. Đến lượt anh chàng trẻ tuổi thẫn thờ rồi điên tiết không hiểu chuyện quái quỷ gì vừa diễn ra? Gianfranco Zola bị đuổi ra khỏi sân vì lúc đó trọng tài mới nhận ra là Gianfranco Zola ngã vờ trong vòng cấm Nigeria trước đó?

Có lẽ chính Arturo Carter cũng không hiểu mình đã làm gì. Đó là một trải nghiệm không thể nào nuốt trôi nhiều năm sau đó của một cầu thủ mới 22 tuổi như Zanfranco Zola. Lần thứ hai trên đất Mỹ Italia mất người khi đang bị dẫn trước mà lần này còn cam go hơn bội phần lúc đối đầu với Nauy ở vòng bảng. Kể từ lúc ấy con tim của các cổ động viên Italia như bị bóp nghẹt, bị nén chặt chỉ chực bật tung ra khỏi lồng ngực vì hồi hộp và lo lắng. Trận đấu cứ thế trôi đi qua những đợt tấn công của Italia bị cản bước vì lối đá quyết liệt Nigeria. Dino Baggio cùng đồng đội còn phải dăm lần thót tim với những đợt phản công rất mãnh liệt. Cho đến lúc giật mình nhìn lại đồng hồ thì đã sắp hết giờ. Có lẽ trận đấu nghẹt thở đến mức các cầu thủ lẫn cổ động viên đều quên cả thời gian. Cho đến lúc con tim các cổ động viên run rẩy không thể chịu đựng được nữa thì Roberto Mussi xuất hiện bằng pha phối hợp đầy bất ngờ xuyên qua hàng thủ Nigeria rồi chuyền cho Roberto Baggio đã đứng tựu bao giờ trong vòng cấm. Roberto Baggio lên tiếng, quả bóng vàng của đất nước Italia lên tiếng khi những đôi chân Italia sắp khụy xuống vì kiệt sức. Không bút nào có thể tả xiết giây phút phấn khích ấy. Robero Baggio và Italia đã không bỏ lỡ cơ hội thứ hai mà thượng đế đã trao vào tay họ.

Cú hích tinh thần từ bàn thắng quý hơn tất thay mọi thứ trên đời ấy giúp Italia có thêm sức mạnh phi thường. Dẫu cho hết người nọ đến người kia ngã xuống sân vì chuột rút và mất nước cũng không thành vấn đề, 10 chống 11 cũng không thành vấn đề. Phút thứ 102 trong hiệp phụ, Antonio Benarrivo phối hợp với Dino Baggio rồi ngã trong vòng cấm và trọng tài Arturo Carter chỉ tay vào chấm phạt đền Nigeria. Tất cả hiểu rằng Italia đã hồi sinh từ cõi chết, có thể nói như vậy. Còn chỉ có Arturo Carter mới hiểu có phải ông thổi quá phạt đền ấy để bù cho Italia vì những cực khổ mà họ đã phải chịu từ lúc Zanfranco Zola bị thẻ đỏ hay không.

Roberto Baggio bước lên chấm phạt đền và Italia chiến thắng. Anh đã dập tắt niềm hi vọng cuối cùng của châu Phi. Anh đã trở là người hùng của đất nước Italia chứ không phải của riêng thành phố Firenze hay Torino từ ngày hôm ấy. Đối với nhiều cổ động viên Italia, đây mới là trận đấu khinh khủng nhất, hay nhất của đội tuyển tại cúp Thế giới 1994, đây mới là lúc bộ đôi Dino Baggio - Robero Baggio được nhớ đến như là bộ đôi đặc biệt của bóng đá Italia chứ không phải chờ đến trận đối đầu với Tây Ban Nha tại tứ kết vẫn trên thành phố cảng Boston này vào ngày 9 tháng 7 năm 1994.

Hôm đó cả ba cầu thủ Juventus ra sân ngay từ đầu. Bộ đôi Dino Baggio – Roberto Baggio xuất phát cùng với Antonio Conte chơi trận đầu tiên thay chỗ cho Nicola Berti. Đây là trận đấu đầu tiên ở cúp Thế giới của Antonio Conte và anh đã cần mẫn làm việc để cho Dino cùng Roberto Baggio tỏa sáng. Dino Baggio mở tỉ số bằng một cú nã đại bác từ tầm xa ở ngay giữa hiệp một. Tây Ban Nha cũng có hảo thủ của mình như Luis Enrique, Luis CAminero đã gỡ hòa trong hiệp 2 nhưng chừng đó không đủ để cản bước tiến Italia, không thể cản được Roberto Baggio. Anh lại ghi một bàn thắng ở phút 88 tiễn chân tây Ban Nha về nước. Địa Trung Hải chỉ còn biết đến hai người Dino và Roberto Baggio mà nhiều người cứ ngỡ là hai chàng sinh đôi dù không có họ hàng gì. Cũng đúng, họ là hai anh em sinh đôi cừ khôi của đội tuyển Italia.

http://www.youtube.com/watch?v=r7pSKVTAOSw

Địa trung hải chỉ còn biét tên hai người

Bốn ngày sau Arrigo Sachi dẫn các càng trai của mình xuống New Jersey để cống hiến cho 80 nghìn khán giả đang có mặt trên sân bóng và khắp thế giới những phút giây than phục bởi tinh hoa chiến thuật và tài năng Italia.

http://www.youtube.com/watch?v=v8kw7hSSEBk

Hristo Stoichkov về nước còn Roberto Baggio đi về phía tây
 
Bulgaria của thế hệ tài năng nhất trong lịch sử đất nước mình với những cái tên đáng nể như Zlatko Yankov, Emil Kostadinov, Iordan Letchkov, Krassimir Balakov và đặc biệt là Hristo Stoichkov đã bị dồn ép nhay từ những phút đầu tiên bởi chiến thuật tinh vi của đội tuyển Italia. Mới qua phút thứ 20, Roberto Baggio đã ghi liền hai bàn thắng và khép lại trận đấu ngay trong hiệp 1 bất chấp Hristo Stoichkov có bàn thắng thứ 6, Roberto Baggio có bàn thắng thứ 5 trên đất Mỹ. Hôm ấy Roberto Baggio đi tiếp vào chung kết còn Hristo Stoichkov đi về nhà. Nhưng hôm ấy Dino Baggio và Roberto Baggio có dấu hiệu quá tải và chấn thương...

Đoàn quân áo thiên thanh bay ngang qua bầu trời nước Mỹ từ miền Đông Boston sang miền Tây Los Angeles California để chơi trận chung kết. Nơi ấy Brazil đang chờ sẵn. Họ là đội ngoài châu Âu duy nhất có mặt ở tứ kết và đối thủ cuối cùng là Roberto Baggio, là Italia. Nơi ấy cú đá 11m cuối cùng của từ đôi chân đau đớn của Roberto Baggio bay thẳng lên bầu trời xanh Los Angeles, ghim sâu vào lòng anh, ghim sâu vào ký ức của các tifosi một điều luyến tiếc khôn nguôi trong suốt cuộc đời, và cũng giải thoát cho tất cả khỏi cảm giác sợ hãi run rẩy mà trào nước mắt ra để khóc. Sau cú sút ấy chỉ còn anh, bầu trời xanh và khung thành bỏ trống cô đơn.

(http://sportige.com/wp-content/uploads/2010/04/Roberto-Baggio.jpg)

Chỉ còn anh và bầu trời xanh Los Angeles

Cúp thế giới năm ấy Hristo Stoichkov chia nửa chiếc giày vàng với Oleg Salenko. Romário giành giải cầu thủ xuất sắc nhất. Đến cuối năm Hristo Stoichkov giành Quả bóng vàng của France Football. Người chiến thắng lấy đi tất cả. Bỏ lại đằng sau hình ảnh khung gỗ trống trải và bầu trời xanh Los Angeles ấy, Roberto Baggio và hai người Juventus trở về Torino, để lại lăn theo những bánh xe đổi thay, nơi con tàu Juventus đang chờ đợi mùa giải thứ 9 không có scudetto. Trong lòng nó, là một cuộc cách mạng ngầm và những nỗi đau âm ỉ cháy.
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Dkv January 29, 2013, 01:40 AM
Và rồi Dino Baggio ghi bàn, giúp Italia chiến thắng. Đó cũng là lần đầu tiên mình chú ý đến Italia và cầu thủ đầu tiên chú ý đến là Dino chứ ko phải Roberto.:D
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 29, 2013, 02:17 PM
Khải hoàn không ở lại với chúng ta

Vào cuối mùa đông đầu mùa xuân năm 1994, trước khi cúp Thế giới diễn ra, sức khỏe và tâm lí của hậu vệ trẻ Andrea Portunato bắt đầu đi xuống trong một thời gian dài mà không thể nào giải thích nổi. Anh đã chơi nhiều trận trong mùa giải đầu tiên với đội bóng cố đô và bắt đầu chinh phục tình cảm của các cổ động viên bằng tài năng thực sự của mình trên sân cỏ và phong thái đẹp đẽ bên ngoài đường pit. Người ta gọi anh là một khải hoàn của bóng đá Italia (‘una delle rivelazioni del calcio Italiano’) và Arrigo Sacchi gọi khải hoàn ấy và đội tuyển áo thiên thanh ngay từ đầu mùa bóng và trao cho anh cơ hội ra mắt ngay trong tháng 9 năm 1993 vào đúng vị trí của Paolo Maldini. Nhưng đến nửa cuối mùa bóng 1993-94, người ta không hiểu điều quái quỷ gì diễn ra khi Andrea Fortunato bắt đầu yếu đi, mất phong độ và không được Arrigo Sacchi gọi nữa. Một vài nhóm ultras thậm chí còn buộc tội anh là thiếu tinh thần cống hiến đối với đội bóng. Tình trạng của Andrea Portunato kéo dài trong hai ba tháng như thế cho đến cuối tháng 5. Bệnh viện Molinette ở Torino cho biết có thể anh bị máu trắng. Tất cả như không tin vào điều mình nghe thấy. Các đồng đội và cổ động viên đã đến quanh anh, những nhóm ultras đã buộc tội anh bây giờ ngỏ lời xin lỗi. Nhưng cũng không có ai có thể biết điều gì sẽ đến, Andrea Fortunato được chuyển đến bệnh viện ở Perugia để chạy chữa hóa trị liệu và sau đó là ghép tủy sống. Juventus cần tìm một hậu vệ khác cho mùa giải mới…

Đó không phải là điều duy nhất biến đổi ở Torino. Có nhiều cuộc bổ nhiệm quyết định diễn ra dưới tay của ông Umberto Agnelli. Ba cái tên sau đây xuất hiện gần như cùng một lúc: Cựu tiền đạo Roberto Bettega chính thức trở về nhận chức phó Chủ tịch dưới quyền Chủ tịch Vittorio Chiusano; Antonio Giraudo, một chuyên viên tài chính của tập đoàn IFIL được đưa sang phụ trách mảng tài chính cho đội bóng; Luciano Moggi, một người hoạt động bóng đá nhiều kinh nghiệm ở AC Torino, Napoli và As Roma nhận chức Tổng giám đốc. Từ đây Juventus có một bộ ba giàu quyền lực nhất bóng đá Italia. Chính họ, với những chiến lược và tham vọng lớn đã làm thay đổi toàn diện Juventus ngay từ mùa hè đầu tiên này. Thông qua sự kiểm soát của IFIL, giờ đây Juventus cũng hoàn toàn độc lập về tài chính và tự cân đối ngân sách của mình. Còn khi mà Giovanni Trapattoni đã cạn kiệt sức lực và sáng tạo, ông phải nhường lại vị trí của mình cho một người trẻ hơn. Không phải người đã thành danh mà đó là một huấn luyện viên nhiều triển vọng người Toscana có tên là Marcello Lippi. Lúc đó, Marcello Lippi 46 tuổi và đang làm huấn luyện cho SS Napoli. Đi theo Marcello Lippi đến Torino là trung vệ xuất sắc Ciro Ferrara.

Sau những cuộc thương thảo của Luciano Moggi và Roberto Bettega, một loạt gương mặt xuất sắc khác xuất hiện biến mùa hè năm 1994 có thể nói là mùa hè tấp nập nhất trong lịch sử Juventus. Ở hàng thủ, sau Ciro Ferrara, hàng thủ của Juventus còn được tăng cường thêm tài năng người Nam Tư Robert Jarni và Luca Fusi từ đội kình địch AC Torino, Alessandro Orlando từ AC Milan. Trên hàng tiền vệ, Paulo Sousa, người đứng trong đội hình SL Benfica chạm mặt Juventus trong trận tứ kết Coppa Uefa năm trước đã đến. Thêm một tài năng trẻ từ lò đào tạo nổi tiếng Atalanta có mặt, tên là Alessio Tacchinardi lúc đó mới 19 tuổi. Cuối cùng là bản hợp đồng quan trọng từ nước Pháp, tiền vệ trung tâm 25 tuổi Didier Deschamps từ đội vô địch cúp C1 Olympique Marsiglia. Có người đến thì cũng có người phải ra đi. Trung vệ người Brasil Júlio César được đẩy sang Borussia Dortmund cùng với tiền vệ cánh Andreas Möller. Tiền vệ trẻ 23 tuổi Dino Baggio bất ngờ bị bán sang AC Parma với giá 14 tỉ lire. Vụ chuyển nhượng này gây nên nhiều mối hoài nghi về quan hệ giữa Luciano Moggi, Dino Baggio và cả Del Piero. Theo giới thạo tin, ban đầu Del Piero mới là người người suýt chút nữa đã đến Parma chứ không phải là Dino Baggio. Sau mùa hè cúp Thế giới năm 1994, AC Parma muốn chiêu mộ Dino Baggio. Juventus đồng ý, nhưng Dino Baggio lắc đầu, anh muốn ở lại Torino. Luciano Moggi liền mời Parma một anh khác trẻ hơn, là Alessandro Del Piero thay vì Dino Baggio. AC Parma đồng ý. Nhưng lúc này Dino Baggio đổi ý, anh lại muốn đến vùng Emilia-Romagna với AC Parma, thế là Del Piero ở lại.

(http://24.media.tumblr.com/tumblr_m1a2rhkizM1qfxktpo1_500.jpg)

Người đầu tiên phải ra đi này đã bị chối bỏ

Kể từ đó, giữa Juventus và Dino Baggio không còn tình cảm tốt đẹp nữa. Và mỗi lần gặp lại Juventus sau này là một lần Dino Baggio sôi lên giận dữ trong lòng. Và mỗi lần gặp lại Dino Baggio để mỗi lần Juventus phải cảm thấy hối tiếc. Khi anh đến Juventus năm 1991, các cổ động viên Bianconeri đã phản đối dữ dội vì anh đã là người của AC Torino, thế rồi sau khi chơi hai năm tuyệt hay, sau khi đã la một phần rất đỗi quan trọng của đội bóng, sau khi đã chiếm được tình cảm của đám cổ động viên thì anh bị bán sang AC Parma. Thật khó mà hiểu nổi lúc đó đã xảy ra chuyện quái quỷ gì giữa Luciano Moggi, AC Parma, Dino Baggio và Del Piero mùa hè năm ấy. Bắt đầu từ đó người ta thấy một chính sách chuyển nhượng khét tiếng ở Torino.
 
Theo sau Dino Baggio, tiền vệ kỳ cựu 31 tuổi Roberto Galìa chia tay đội bóng để đến với Ascoli Calcio trước khi từ giã sân cỏ. Hàng tấn công là nơi không có sự thay đổi nào khi Del Piero ở lại và Roberto Baggio vẫn là đội trưởng, vẫn là niềm cảm hứng lãng mạn bất tận của đội bóng. Nhưng theo một chiều hướng nào đó, rõ ràng là Juventus của huấn luyện viên Marcello Lippi bắt đầu lột bỏ bóng dáng của nghệ sỹ và ngôi sao của những anh chàng như Andrea Portunato, Dino Baggio, Andreas Möller và Roberto Baggio. Nó trở nên cơ bắp cục mịch. Nó sắp biến thành bóng công nhân của những anh chàng như Angelo Peruzzi, Massimo Carrera, Moreno Torricelli, Angelo Di Livio, Ciro Ferrara, Paulo Sousa, Antonio Conte, Giancarlo Marocchi, Didier Deschamps, Fabrizio Ravanelli và Gianluca Vialli. Nhưng đó là một đội bóng biết cách giành lấy chiến thắng đến phút cuối cùng.

(http://24.media.tumblr.com/tumblr_m39c7541081qfxktpo1_500.jpg)

Didier Deschamps đến trước và Juventus một thời thuộc về những người như anh

Serie A 1994/95. Bóng đá Italia đang ở trên đỉnh cao của châu Âu với 7 hoặc 8 đội bóng sẵn sàng cạnh tranh chức vô địch. Serie A từ lâu đã là giải đấu khắc nghiệt nhất, thu hút vô khối tài năng từ bất kỳ ngóc ngách nào của thế giới. Nó trở nên khắc nghiệt hơn nữa khi vẫn sẽ có 4 đội phải xuống hạng trong tổng số 18 đội và luật mới áp dụng cách tính 3 điểm cho một trận thắng. Đấy là luật mới nhằm làm cho ý nghĩa của một trận thắng cao hơn và khích lệ bóng đá tấn công. Và Juventus cũng không lo lắng về hàng công của mình khi Marcello Lippi thường xuyên xuất quân với đinh ba Roberto Baggio – Gianluca Vialli – Fabrizio Ravanelli. Dự bị là Alessandro Del Piero. Tuy nhiên, điều khác biệt ở một huấn luyện viên mới như Marcello Lippi không chưa hẳn ở chỗ ông sử dụng hàng tấn công như thế nào, mà là cách ông truyền vào đội bóng một tinh thần chiến đấu, một phong thái làm việc cần cù và lao lực như những người công nhân thực thụ, thực dụng và lạnh nhạt. Đó là chìa khóa của thành công.

Khi mà AC Milan dưới thời huấn luyện viên Fabio Capello đã bị vắt kiệt sức trong cúp thế giới ở châu Mỹ hồi mùa hè và đã bắt đầu một quá trình lao dốc không thể hãm phanh như một quy luật, thì không còn cơ hội nào tốt hơn cho Juventus là lúc này. Bằng một tinh thần như thế, trên mọi giải đấu Juventus đều tiến những bước đầy sức nặng và bản lĩnh của một con tàu trầm trọng cho dù có không ít vật cản. Vật cản đầu tiên từ chính lực lượng của đội. Ngôi sao mới Didier Deschamps làm người ta nhớ lại những ngày tháng khó khăn trên đất Italia của Michel Platini. Chỉ có điều không phải là anh khó hòa nhập cùng các đồng đội mới như Michel Platini mà gặp rủi ro với chấn thương nghiêm trọng ngay từ đợt tập luyện đầu mùa bóng. Nó khiến anh vắng mặt toàn bộ lượt đi và suýt tiêu tan luôn sự nghiệp của mình. Chấn thương cũng bắt đầu hành hạ Roberto Baggio sau nhiều năm chơi bóng đỉnh cao. Nó khiến anh liên tục vắng mặt và phá vỡ kết cấu của hàng tấn công Juventus. May mắn, Juventus đã có những người thay thế xuất sắc và trẻ tuổi như Alessio Tacchinardi và Del Piero trong một loạt các trận đấu quan trọng.

Như ngày 4 tháng 12 năm 1994, Juventus tiếp Fiorentina trên sân Delle Alpi ở vòng thứ 12 Serie A mùa giải 1994/95. Roberto Baggio không có cơ hội gặp lại đội bóng cũ một lần nữa vì anh bị chấn thương và Del Piero được lựa chọn. Người Firenze cũng không còn nhớ Roberto Baggio da diết nữa, vì từ lâu họ đã có một thần tượng mới, người mà họ gọi là vua sư tử với kiểu ăn mừng bàn thắng lia sung máy Gabriel Batistuta và những ngôi sao mới Rui Costa hay Francesco Toldo. Huấn luyện viên của họ hôm ấy là Claudio Ranieri. Chính những con người ấy đã dội vào tham vọng của Juventus một thùng nước đá khi dẫn trước 2-0 ngay trong hiệp một. Nhưng Juventus không bỏ cuộc.
(https://encrypted-tbn2.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcTsSjoBpdWUEMkooF5OJiqQl0q6DdXG9gj2CtzGb8Fl1LfU1kb7)

http://www.youtube.com/watch?v=yhMj1ZxINQs

Phút xuất thần của Alessandro

Trong hiệp 2, Gianluca Vialli đã cùng các đồng đội lăn xả để có được 2 bàn thắng san bằng tỉ số. Đến phút thứ 89, sau đường chuyển bổng, sâu của đồng đội từ giữa sân, ở góc ô 16m50 Del Piero kẹp giữa hai hậu vệ vẫn tung được một cú vuốt bóng bằng má ngoài chân phải đưa bóng đi cầu vồng vào góc cao khung thành thủ môn Francesco Toldo. 3-2 cho Juventus. Bàn thắng ấy sau này được bình chọn là một trong những bàn thắng đẹp nhất trong lịch sử Serie A và khoảnh khắc ấy là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất. Nhưng đó là chuyện sau này, còn lúc ấy, nó có ý nghĩa lớn lao về một đội bóng Juventus khát khao scudetto cháy bỏng. Bàn thắng ấy phá tan rào cản trên con đường chinh phục scudetto của Juventus. Sau đội bóng áo tím, Juventus còn chiến thắng tất cả các đội bóng mạnh khác chỉ trừ có mỗi Inter Milan (hòa cả hai trận 0-0).
 
Những tin tức tốt đẹp cũng bay về từ thành phố Perugia. Tại đó, những đợt điều trị hóa trị liệu và ghép tủy của Andrea Fortunato đang có những tín hiệu tích cực. Sau hai lần phẫu thuật ghép tủy sống với chị gái và cha mình, tình trạng sức khỏe của anh đã khá lên. Huấn luyện viên Marcello Lippi đã nghĩ dự định gọi anh trở lại trong trận đấu với Sampdoria ngày 26 tháng 2 năm 1995. Vậy mà, điều đó chẳng bao giờ xảy ra hoặc Marcello Lippi không thể quyết định được, vì chỉ có chúa trời hay quỷ giữ mới có quyền cho ai sống để chiến đấu, mang ai đi để hiến tế, hay là cho ai sinh lực để chạy theo quả bóng tròn. Sức khỏe của Andrea Fortunato lại bất ngờ xấu đi, không phải vì những lần phẫu thuật ghép tủy không thành công, mà vì viêm phổi. Trong giai đoạn phục hồi này, bệnh viêm phổi bất ngờ xuất hiện và làm suy giảm hệ miễn dịch khiến cơ thể của anh không thể chống cự được…

Ở giải Coppa Italia, đến tháng 4, Juventus cũng đã hoàn thành xong trận bán kết bằng cách loại Lazio của Alen Bokšić để gặp AC Parma trong 2 lượt trận chung kết vào tháng 6. Tại Uefa Cup, mọi chuyện đơn giản hơn với đội quân của Marcello Lippi và mối lương duyên với những người Đức. Tháng 3, họ đánh bại Eintracht Francoforte của thủ môn Andreas Köpke và huấn luyện viên Jupp Heynckes ở tứ kết. Tháng 4, Juventus gặp lại Borissia Dortmund ở bán kết Coppa Uefa cùng với rất nhiều những người quen cũ như là hậu vệ  Júlio César, Stefan Klos, Stefan Reuter, Andreas Möller và cả huấn luyện viên Ottmar Hitzfeld. Ottmar Hitzfeld và Borussia Dortmund còn món nợ với Juventus chưa trả, lần này ông lại vay thêm bởi đã thua 1-2 ngay tại vùng Ruhr nên đành nhìn đội bóng Italia vào chung kết toàn Italia với AC Parma, lại là AC Parma.

Thực tế, đối thủ của Juventus lúc đó không phải là AC Milan của Fabio Capello mà là AC Parma của Nevio Scala. Ông ta, Nevio Scala, một người Padova, đã biến tiền của chủ tịch triệu phú ngành thực phẩm Calisto Tanzi thành phép màu biến đổi AC Parma từ một đội bóng mới lên hạng trở thành một thế lực đáng kiêng nể ở Serie A. Vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 là thời điểm mà Juventus phải chịu những áp lực nặng nề từ phía AC Parma và từ chính nỗi đau của mình. Khi đang tiếng băng băng về đích, đội quân màu áo đen-trắng rơi vào một đợt khủng hoảng ngắn hạn nhưng đau đớn và nghiêm trọng. Ngày 23 tháng 4 năm 1995, Juventus thua trận thứ 2 liên tiếp trên sân nhà trước Padova.

(http://24.media.tumblr.com/tumblr_m31eohXlUo1r30r4xo1_250.gif) (http://25.media.tumblr.com/tumblr_m31eohXlUo1r30r4xo2_250.gif)
(http://25.media.tumblr.com/tumblr_m31eohXlUo1r30r4xo3_500.gif)
(http://24.media.tumblr.com/tumblr_m31eohXlUo1r30r4xo4_250.gif) (http://25.media.tumblr.com/tumblr_m31eohXlUo1r30r4xo5_250.gif)

Khải hoàn không ở lại với chúng ta

Ngày 24 tháng 4, tin từ Perugia đưa về cho hay chàng trai có khuôn mặt hiền dịu Andrea Fortunato đã từ giã cuộc đời lúc chưa tròn 24 tuổi vì không thể chống cự được với bệnh viêm phổi nữa. Sáu năm sau Gaetano Scirea, một Juventino nữa vĩnh viễn ra đi và để lại trong lòng những người Juventus cảm giác thương xót không thể diễn tả nổi bằng lời nói. Khải hoàn không ở lại.
 
http://www.youtube.com/watch?v=3uK6oMBdaYg

Juventus đã thắng Fiorentina 4-1 tại Firenze ở vòng 29
Ngày 3 tháng 5, Juventus đến làm khách trên sân Parma ở trận chung kết lượt đi Uefa Cup sau khi vừa mệt mỏi trở về từ Firenze, nơi họ đá vòng 29 Serie A, vòng đấu mà tất cả các đội bóng để băng đen mà một phút tưởng nhớ đến Andrea Fortunato. Ở sân bóng Ennio Tardini tối hôm ấy, một người cũ của Juventus cứa thêm vào trái tim họ một vết xước: Dino Baggio, cầu thủ đã được Luciano Moggi bán sang Parma hồi mùa hè, đã ghi bàn duy nhất vào lưới thủ môn dự bị Michelagelo Rampulla hôm đó bắt thay Agnelo Peruzzi chấn thương, để đánh bại đội bóng cũ 1-0. Ngày 7 tháng 5, Juventus trở về Delle Alpi trong cảm giác thất thần và để thua Lazio của Alessandro Nesta, Diego Fuser, Giuseppe Signori và huấn luyện viên Zdeněk Zeman đến 0-3. Zdeněk Zeman là cháu của Čestmír Vycpálek, nhưng ông đã cho Juventus ngậm trái đắng. Thua Lazio, Juventus thua trận thứ 3 liên tiếp trên sân nhà ở Serie A và bị AC Parma tiến sát sau lưng. Ghi bàn vào lưới Michelangelo Rampulla có tên một người sẽ không xa lạ, là Alen Bokšić người vùng Balkan.

Một vài cầu thủ Juventus đã nói sau này, là lúc ấy họ quá vội vã nhằm có được một cú ăn ba hoàn hào. Cái vội vã của một đội bóng khao khát đến cháy lòng có khi lại là vật cản vô hình khiến cho họ vấp ngã. Rồi cái chết của Andrea Fortunato làm cho tinh thần cả đội trở nên rối bời. Ngày 13 tháng 5, Juventus đến Genova ở trận đấu vòng 31 Serie A, 4 ngày trước trận lượt về ở Coppa Uefa với AC Parma. Roberto Baggio cùng với các đồng đội đã nã vào khung gỗ của Genoa 4 quả trong trận đấu mà trọng tài đầu trọc Pierluigi Collina đã rút ra 2 thẻ đỏ phạt các cầu thủ đội chủ nhà. Chiến thắng ấy đẩy tinh thần của đội bóng lên cao, lại càng làm cho Juventus trở nên hồi hộp.
(http://1.bp.blogspot.com/-ydA5NI4uY0M/TmHdbOOJdNI/AAAAAAAARt4/7G7cGPcW8BI/s1600/Juve+Parma-----014+%2528+1+%2529.jpg)

http://www.youtube.com/watch?v=1kuA4TbaH_Y

http://www.youtube.com/watch?v=5cZaoTeK77E

Dino Baggio đã cứa vào trái tim Juventini như thế nào

Ngày 17 tháng 5 năm 1995, Juventus tiếp AC Parma trong trận lượt về chung kết Coppa Uefa trên sân Giuseppe Meazza sau khi đã để thua 0-1 ở lượt đi. Các cầu thủ đã chiến đấu hết mình, Gianluca Vialli đã sút một quả búa bổ ghi dấu một trong những bàn thắng đẹp nhất của đời mình sau đường chuyền bổng dài đến 40m từ sân nhà giúp Juventus dẫn trước 1-0. Nhưng Dino Baggio lại gieo vào lòng những người vội vã một nỗi buồn nữa, anh ghi bàn gỡ hòa và AC Parma giành Coppa Uefa năm ấy ngay trên sân bóng Delle Alpi, trong trận chung kết cup châu Âu lần thứ 10 của Juventus. Bốn ngày sau, vẫn tại Delle Alpi, vẫn những con người ấy gặp lại nhau ở vòng 32 Serie A. Lần này Juventus trả nợ những người Parma vẫn còn đang ngất ngư với men say thắng lợi bằng 4 bàn trằng và chính thức lên ngôi vô địch Serie A sớm 2 vòng đấu.

Scudetto lần thứ 23 và kết thúc 9 năm chờ đợi dài dằng dặc. Có quá nhiều thứ đã đổi thay, nhiều người đã đến và đi giữa khoảng cách của 2 lần đoạt scudetto, và nhiều điều để nói về mật ngọt của scudetto lần thứ 23. Nó được dành cho những cổ động viên, đã chờ đợi rất lâu; nó được dành cho Andrea Fortunato,  người  ta gọi scudetto năm ấy là scudetto Andrea Fortunato. Nó dành cho Roberto Baggio và Gianluca Vialli. Cuối cùng thì Roberto Baggio cũng có một chức vô địch xứng đáng với những gì anh đã làm suốt 5 năm ở Juventus. Và nó cũng giống như một câu chuyện đùa của số phận. Khi Roberto Baggio ghi rất nhiều bàn thắng thì đội bóng của anh không vươn nổi đến ngôi số 1 dù đã 2 lần ở rất gần. Còn khi anh chấn thương liên miên và chỉ đóng góp vào cho cả đội 14 bàn thắng ở tất cả các giải đấu, thì Juventus trở thành một đội bóng chiến thắng với những cầu thủ cơ bắp như Gianluca Vialli, người đã ghi cho đội 22 bàn. Del Piero vẫn ghi ít bàn thắng hơn anh, vẫn được coi là cầu thủ dự bị của anh, nhưng người ta bắt đầu so sánh, bắt đầu nhận ra Delle Alpi sắp có một thần tượng mới từ giây phút mà Del Piero 20 tuổi vuốt bóng tung lưới thủ môn Francesco Toldo ở Delle Alpi chiều ngày 4 tháng 12 năm 1994.

Tháng 6 năm 1995, Juventus gặp lại AC Parma lần thứ 5 và 6 trong mùa giải 1994/95 trong 2 lượt trận chung kết Coppa Italia. Roberto Baggio không ra sân còn Dino Baggio cũng không có cơ hội nào để gieo sầu nữa, Juventus thắng cả hai trận, đoạt Coppa Italia lần thứ 9, khép lại mùa giải đáng nhớ với những cảm xúc sung sướng đến phát điên và buồn đau day dứt đến khô cạn tâm hồn...
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Nguyen Hai Long January 30, 2013, 11:54 AM
Đoạn trước sao anh ko bôi đen tên Del Piero như Angelo Di Livio ạ?  :hee_hee:
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: akazzurri January 30, 2013, 02:53 PM
Đoạn trước sao anh ko bôi đen tên Del Piero như Angelo Di Livio ạ?  :hee_hee:
Ngoài trang chủ bôi đen rồi, không nhìn thấy à  :fight:
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Dkv February 02, 2013, 07:53 AM
Đọc mấy bài của anh Pavel mới lục lại mấy trận WC94 xem. Công nhận cặp tiền vệ trung tâm ngày đấy chuẩn thật, Albertini và Dino Baggio. Trong các đội tuyển Ý qua các thời kỳ từ 94 đến giờ thích nhất cặp tiền vệ năm 94 và năm 2000: Albertini và Conte. Năm 2006 mặc dù lên ngôi vô địch nhưng bộ 3 tiền vệ năm đó mình chẳng thích tí nào, nó như phân công nhiệm vụ quá rõ ràng từng người, ko được cơ động như 2 cặp kia. 2 cặp kia phải nói công thủ toàn diện.

Về Juve ngày xưa có Viali bắt vô lê một chạm hay thật. Bây giờ Juve chơi nhiều đường bóng dài nhưng toàn tiền đạo phải dừng bóng lại mới sút được. Có mỗi Quag là sút luôn nhưng toàn ra ngoài. Có tiền đạo như Viali chắc Juve giờ dễ thở hơn rất nhiều.
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex February 02, 2013, 10:52 AM
Này thì Viali, vua dội bom, bắn 2 chân như một. Viali cũng có khối quả xe đạp chổng ngược ảo diệu, điều mà Alex chưa từng một lần làm được trong cả sự nghiệp. Sau Viali, chẳng có ai "chổng ngược " được như thế nữa. Sau này có Trez thỉnh thoảng làm được 1, 2 quả nhưng không hoa mắt bằng  :gift:
http://www.youtube.com/watch?v=TBBONHmA1Ks
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Dkv February 02, 2013, 03:48 PM
Này thì Viali, vua dội bom, bắn 2 chân như một. Viali cũng có khối quả xe đạp chổng ngược ảo diệu, điều mà Alex chưa từng một lần làm được trong cả sự nghiệp. Sau Viali, chẳng có ai "chổng ngược " được như thế nữa. Sau này có Trez thỉnh thoảng làm được 1, 2 quả nhưng không hoa mắt bằng  :gift:
http://www.youtube.com/watch?v=TBBONHmA1Ks
Hình như Alex trước khi chấn thương cũng hay làm xe đạp chổng ngược. Nhớ ngày xưa quảng cáo cho Pepsi, Alex là người dạy kĩ năng xe đạp chổng ngược mà. Nói chung xem Alex thời trước chấn thương thích hơn, sau này chỉ xem vì như biểu tượng của lòng trung thành chứ ko phải về lối chơi.
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex February 02, 2013, 07:44 PM
Ý em nói là Alex ko có bàn thắng nào được ghi trong tư thế ấy, còn thỉnh thoảng cũng có chổng phộc vài phát  :)). Nhưng đến giờ nhớ nhất là pha móc bóng để Trez ghi bàn vào lưới Milan năm 2005. Nói chung nhìn cách dứt điểm của Viali vẫn là sướng nhất, hiểm, mạnh mẽ, dứt khoát và cũng đẹp mắt
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: akazzurri February 02, 2013, 10:15 PM
Tháng 6 năm 1995, Juventus gặp lại AC Parma lần thứ 5 và 6 trong mùa giải 1994/95 trong 2 lượt trận chung kết Coppa Italia. Roberto Baggio không ra sân còn Dino Baggio cũng không có cơ hội nào để gieo sầu nữa, Juventus thắng cả hai trận, đoạt Coppa Italia lần thứ 9, khép lại mùa giải đáng nhớ với những cảm xúc sung sướng đến phát điên và buồn đau day dứt đến khô cạn tâm hồn...
Vậy là đã 18 năm rồi Juventus không đoạt Coppa Italia. Với Scudetto thì 1 năm đã là lâu rồi  ;))
: Re: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex March 11, 2013, 10:27 PM
Lão Ven già dạo này mải mê chinh chiến yêu đương chốn nào mà không thèm ngó ngàng gì đến đứa con tinh thần này của lão thế nhỉ  :2h33p13:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Nguyen Hai Long June 16, 2013, 10:59 PM
???? Đc 3 tháng roài
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr July 03, 2013, 10:46 PM
Giờ thì Tintoretto không còn được vẽ nữa

Marcello Lippi đã xây dựng nên một đội bóng chiến thắng, ngay cả khi nó không cần phụ thuộc vào một mình Roberto Baggio. Marcelo Lippi không muốn Juventus phụ thuộc vào một ngôi sao 28 tuổi với cái đầu gối đã từng vỡ vụn. Juventus đã trở thành một công ty độc lập với Fiat về tài chính dưới sự kiểm soát của IFIL, nó phải có những phương thức chuyển nhượng khôn ngoan để tự cân đối tài chính, tự nuôi sống lấy mình. Và Delle Alpi cũng đã nhìn thấy một thần tượng mới của mình là Del Piero. Tất cả những điều đó gây ảnh hưởng đến quá trình đàm phán gia hạn hợp đồng giữa Juventus và Roberto Baggio vào mùa hè năm 1995.

Báo chí và các cổ động viên nói rằng Roberto Baggio đã từ chối một hợp đồng 3 năm với mức lương 2 triệu dollar Mỹ mỗi năm. Nhưng Roberto Baggio khẳng định đó chỉ là tin đồn. Anh bảo, thật ra trước đó mức lương anh chỉ là 1 triệu dollar Mỹ mỗi năm và Umberto Agnelli với Roberto Bettega muốn anh giảm xuống còn năm trăm nghìn, nếu không muốn ra đi như anh đã kể trong cuốn tự chuyện ‘Una porta nel cielo’ sau này.
 

(http://www.robertobaggio.org/pictures/acmilan/01/72.jpg)

Okey, Roberto Baggio quay lưng ra đi

Không biết đâu là sự thật, Roberto Baggio từ chối mức lương 2 triệu dollar Mỹ hay Juventus yêu cầu Robeto Baggio giảm còn năm trăm nghìn? Chỉ có sự thật là Roberto Baggio chọn cách ra đi. Có lẽ lúc đó cả Gianni Agnelli cũng không lên tiếng giữ Robero Baggio trở lại. Gianni Agnelli đã gọi anh là họa sỹ Tintoretto, đã mong anh là một Michel Platini mới. Nhưng sẽ chẳng bao giờ có cơ hội cho Tintoretto nữa và anh cũng không bao giờ mang đến được cho Juventus những vinh quang lớn lao như Michel Platini đã làm. Giờ thì Tintoretto không còn được vẽ nữa. Roberto Baggio đã chọn cho mình một lối đi mới và câu chuyện giữa anh với Juventus trở thành dang dở với những chi tiết thật khó hiểu đối với những tifosi. Ngày anh đến người ta đập phá cả một thành phố, ngày anh đi người ta xôn xao cả tháng liền và nhiều năm sau cũng không hiểu chuyện gì thực sự đã xảy ra.
   
Roberto Baggio chọn AC Milan của Silvio Berlusconi, Adriano Galliani và Ariedo Braida. Họ đã muốn có được anh từ hồi năm 90 khi anh còn ở Firenze. Đối với những cổ động viên Juventus, sự ra đi của Roberto Baggio có một chút gì thật sự tiếc nuối. Có lẽ một con người chân thành, nhẹ nhàng lãng mạn và có phần hơi si mê như anh không có chỗ đứng thích hợp nữa. Nhiều tifosi của anh trở nêm căm tức câu lạc bộ, ghét bỏ luôn cả tài năng trẻ tuổi Del Piero. Từ đây hình ảnh về một đội bóng Juventus cơ bắp công nhân, lạnh nhạt và có cảm giác tàn nhẫn được sinh ra. Sau Roberto Baggio, Juventus chia tay các hậu vệ Jürgen Kohler (về Borussia Dortmund như hầu hết các cầu thủ Đức khác sau khi rời Juve lúc bấy giờ), Robert Jarni (sang Tây Ban Nha với Real Betis), Alessandro Orlando (sang Fiorentina), Luca Fusi (sang Thụy Sỹ trước khi giải nghệ). Hàng tiền vệ được Roberto Bettega và Luciano Moggi giữ nguyên vẹn, bổ sung thêm bộ đôi rất đáng chú ý là Vladimir Jugović, cầu thủ người Nam Tư và Attilio Lombardo từ Genova Sampdoria.

(http://25.media.tumblr.com/tumblr_mdylo2exXn1rctpiwo1_500.png)

Thêm một người từ thành phố Genova, Jugovic ngoài cùng bên trái

Thay chỗ cho Roberto Baggio không phải là một ngôi sao mới mà là một tiền đạo hạng trung tên là Michele Padovano từ Reggiana. Còn lại, sau khi mất 3 hậu vệ cùng một lúc, Juventus cũng có những người thay thế xứng đáng: trung vệ giày dặn kinh nghiệm Pietro Vierchowod cũng từ Genova như Attilio Lombardo; Gianluca Pessotto 25 tuổi từ AC Torino thế chân Robert Jarni và cầu thủ dự bị Juan Pablo Sorín từ Argentina sang lúc đó mới 19 tuổi. Tất cả những cuộc tuyển mộ trên cho thấy một xu hướng rõ ràng, Juventus sẽ không đổ tiền để chiêu mộ những ngôi sao lớn như những đội bóng lớn ở Serie A đang làm mà lựa chọn những người phù hợp với đội bóng dưới sự dẫn đắt của Marcello Lippi, con người mà uy tín ở thành phố Torino đang lên với tốc độ chóng mặt.

Dĩ nhiên một đội Juventus khắc khổ cũng có những hạn chế của nó. Đó là việc đội bóng khó có thể duy trì được sức mạnh tuyệt đối ở giải vô địch quốc gia, nơi mà mỗi trận đấu biến thành một trận chung kết khó khăn, nơi mà bản lĩnh của đội bóng bị thử thách thực sự. Sau màn khởi đầu khá suôn sẻ, ĐKVĐ Serie A Juventus chịu trận thua đầu tiên trước AC Milan của Fabio Capello trên sân San Siro ở vòng đấu thứ 5 ngày 15 tháng 10 năm 1995. Mười ngày sau, ĐKVĐ Coppa Italia tiếp tục phải buông luôn giải đấu thứ 2 này từ vòng 2, thua trận trước Atalanta. Kể từ đó, Serie A 1995/96 của Juventus trôi qua thực sự khó khăn bởi các đối thủ đã lớn mạnh thêm rất nhiều. Đội bóng thua thêm các đối thủ trực tiếp Lazio, Roma và dần dần bị AC Milan vượt qua.

AC Milan, họ có đội hình lần đầu tiên sau nhiều năm không có bóng dáng bất kỳ một cầu thủ Hà Lan nào. AC Milan phục thù theo cách riêng của Fabio Capello, mà cũng không cần đến sự đóng góp quá nhiều của ngôi sao mới về Roberto Baggio. Giờ đây đến lượt Fabio Capello cũng không trông đợi quá nhiều vào Roberto Baggio hay nói cách khác phong cách của Roberto Baggio có vấn đề gì đó không thể nào hòa hợp được với lối làm việc của Marcello Lippi và Fabio Capello.

Năm 1995 này còn chứng kiến thêm một sự kiện lớn của bóng đá châu Âu. Ngày 15 tháng 12 năm 1995, Tòa án châu Âu trụ sở ở Luxembourg ra phán quyết cuối cùng cho vụ kiện của Jean-Marc Bosman. Câu chuyện bắt đầu từ những điều tưởng như vô lý đã tồn tại rất lâu ở châu Âu: ở một vài nước châu Âu, một đội bóng chuyên nghiệp có thể ngăn cản cầu thủ của mình chuyển sang thi đấu ở một đội bóng nước ngoài ngay cả khi hợp đồng lao động của anh ta đã hết hạn. Và để có được cầu thủ mình mong muốn, một đội bóng chuyên nghiệp nước ngoài nào đó sẽ phải trả một khoản chi phí cho đội bóng cũ trong nước ngay cả khi cầu thủ đã hết hạn hợp đồng với đội bóng cũ kia. Điều này thường xuyên dẫn đến những cuộc tranh cãi quyết liệt giữa các đội bóng và người ta buộc phải thỏa hiệp hoặc đưa ra phân xử ở những hội đồng trọng tài chuyển nhượng.

Điều luật tưởng như vô lí này cũng có tác dụng không nhỏ. Nhờ thế mà những câu lạc bộ chuyên nghiệp nhỏ hay tầm trung ở châu Âu có thể giữ chân được các cầu thủ tài năng của mình mà không dễ dàng bị các đội bóng lớn lắm tiền nhiều của cướp mất. Họ có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với những đội bóng lớn hơn ở cả giải vô địch quốc gia lẫn ba cúp châu Âu. Những đội bóng từ Bỉ, Hà Lan, Bồ Đào Nha có thể chơi ngang hàng với những đối thủ từ Italia, Tây Ban Nha, CHLB Đức hay Anh. Giữa các đội bóng lớn ở những nền bóng giàu có như Italia, CHLB Đức hay Anh cũng không có nhiều những cuộc chuyển nhượng hao tiền tốn của xôn xao ầm ý. Giá trị của một cầu thủ không bị đẩy lên cao một cách vô lí sau những cuộc chạy đua chuyển nhượng điên rồ, bóng đá giữ được nhiều ý nghĩa truyền thống đơn sơ mà không mang nặng quá nhiều những giá trị mua bán.

Nhưng thế giới đã thay đổi. Rõ ràng là quyền tự do lao động của người dân bị ngăn cản hay ít nhất điều đó đã đi ngược lại với hiệp ước kinh tế của liên minh Châu Âu. Đấy là mâu thuẫn cơ bản hối thúc Jean-Marc Bosman đâm đơn kiện. Jean-Marc Bosman, là cầu thủ bóng đá Bỉ đã từng được coi là một cầu thủ khá tài năng và đã từng được gọi vào đội tuyển trẻ quốc gia khi còn thi đấu cho Standard de Liège. Sau đó anh được RFC Liège mua về năm 1988 với giá 60 nghìn bảng Anh, đó là một bước đi nghiệt ngã phá hỏng cuộc đời anh. Vào năm 1990, hợp đồng của anh với RFC Liège hết hạn và anh muốn chuyển sang thi đấu cho một đội bóng nhỏ ở Pháp là Dunkerque. Tuy nhiên RFC Liège đòi một khoản phí chuyển nhượng lên tới 500 nghìn bảng dựa vào cách tính định giá cầu thủ Bỉ. Năm trăm nghìn bảng là một số tiền quá lớn đối với Dunkerque và dĩ nhiên họ từ chối trả tiền.

(http://img.photobucket.com/albums/v517/juvevn/PAVELVNR/bosman_380_2_1276111a_zps62cfcff6.jpg)

Jean Marc Bosman ở RFC Liège...

Ngay lập tức RFC Liège cũng rút khỏi cuộc thương lượng và không thả người. Cuối cùng thì người chịu thiệt nhất chính là Jean-Marc Bosman. Anh bị FC Liège ruồng bỏ và cũng không được chuyển đến Dunkerque. FC Liège rõ ràng đã coi anh là một chú cừu đen khi hạ cắt đi mất 75% lương của anh, chỉ còn 500 bảng một tháng. Đó là một cú trả thù thật là bỉ ổi. Và khi bạn bị coi là một chú cừu đen, bị trả thù hèn hạ thì bạn sẽ bỏ đi hay chiến đấu chống lại. Jean Marc Bosman làm cả hai. Anh đâm đơn kiện lên tòa án Bỉ và đã được giải phóng khỏi Liège nhưng đã qua muộn để nối lại thỏa thuận với Dunkerque.

Không một đội bóng nào ở Bỉ muốn thâu nạp Jean Marc Bosman chỉ với một câu từ chối khéo: “xin lỗi, chúc anh may mắn, chúng tôi đã đủ người mất rồi”. Người ta không muốn thâu nạp vào đội mình một món bung xung và anh phải xin đá cho mấy đội bóng hạng nghiệp dư ở Pháp để duy trì thể lực và tiếp tục sống. Năm 1993 Jean Marc Bosman xin được trở về Bỉ chơi cho Olympic Charleroi. Đó có vẻ như anh đã được làm lại đời mình, nhưng không phải vậy. Olympic Charleroi chỉ trả cho anh 650 bảng một tháng vì anh là Jean Marc Bosman, như một mối nguy hiểm. Số tiền ấy chỉ cao hơn chút xíu so với mức trợ cấp xã hội nếu anh không có việc làm, mà cũng không được lâu trước khi Olympic Charleroi hủy bỏ hợp đồng. Anh không thể đủ trả tiền thuê căn hộ ở Charleroi và phải quay về nhà sống trong chiếc nhà xe đã sửa lại thành buồng ngủ một giường đơn nhưng không còn bóng dáng người vợ và con gái 3 tuổi đâu nữa. Bỏ đi mất rồi.
   
Tháng 10 năm 1993 Marc Jean Bosman bắt đầu chuyển hồ sơ lên Tòa án châu Âu nhằm kiện một lúc 3 bị đơn là RFC Liège, Hiệp hội bóng đá Bỉ và cả UEFA đã cản trở tự do lao động, làm hủy hoại sự nghiệp của anh. Vụ kiện này đã khiến cho Jean Marc Bosman bị phá sản và phải nhờ vào trợ cấp xã hội cũng như quyên góp của anh em trong hiệp hội cầu thủ nhà nghề thế giới để sống, trong chiếc nhà xe ấy, suốt hai năm, cho đến ngày 15 tháng 12 năm 1995, Tòa án châu Âu xử thắng cho Jean Marc Bosman. Anh được đền bù toàn bộ án phí một khoản khác cho những thiệt hại mà anh phải gánh chịu, có người bảo khoảng 1 triệu bảng cộng với tiền lời thu được từ một trận đấu giao hữu tổ chức để cám ơn anh.

(http://img.photobucket.com/albums/v517/juvevn/PAVELVNR/bosman_380_1276087a_zps1245ec5f.jpg)

...và bên ngoài tòa án châu Âu

Đó là thắng lợi muộn màng, gian nan nhưng xứng đán của Jean Marc Bosman. Và cũng là cú đấm cực mạnh vào hệ thống chuyển nhượng bóng đá Châu Âu. Từ đây các cầu thủ sẽ được tự do đến một đội bóng khác khi hết hợp đồng mà đội bóng cũ không kiếm được dù chỉ một xu. Và sáu tháng trước khi hợp đồng hết hạn, họ có quyền thỏa thuận với bất cứ ai. Thế là hết đời những ông chủ tàn nhẫn và keo kiệt và cũng hết thời những đội bóng nhỏ có thể gằm ghè với những ông lớn. Phán quyết Bosman cộng với luật tự do lao động trong liên minh châu Âu và việc kết nạp mở rộng hàng loạt vào liên minh đã đưa chợ cầu thủ đến cảnh nhộn nhịp không thể tả.
 
Ngày nay các cầu thủ được trả lương đến 200 nghìn bảng một tuần là nhờ công lớn của Jean Marc Bosman. Nhưng bây giờ chẳng còn mấy ai biết hay để ý rằng anh đã lại phải đang vật vã sống lẻ loi bằng tiền trợ cấp 625 bảng một tháng ở ngoại ô Liège, với chứng trầm cảm buồn bã sau những vụ làm ăn thua lỗ và những ngày giải sầu bằng cồn rượu.
 
Nhận được tiền đền bù, anh đã mua được một căn nhà bên cạnh nhà của cha mẹ mình ở Liège và một mảnh nhỏ khác ở ngoài thành phố để cho thuê, phẫu thuật thay một mảnh xương hông bằng titan, còn lại để đâu tư vài vụ làm ăn lẻ tẻ. Bây giờ thì anh đã phải bán đi căn nhà cho thuê để lấy tiền đóng thuế và cai rượu. Anh bảo động lực gần như duy nhất của anh là hai chú con trai với bạn gái mới. Nhưng khốn nỗi anh cũng không được ở cùng chúng. Bạn gái mới của anh còn một cô con gái với mối quan hệ trước đó, giờ đây cũng không thể đi làm và cùng nhận trợ cấp xã hội 625 bảng mỗi tháng như anh. Nếu hai người dọn về sống chung, chỉ còn tổng cộng 875 bảng cho hai người. Trận đấu cám ơn anh theo quyết định của tòa án cũng đã được tổ chức. Nhưng thay vì đấu với Barcelona trên một sân bóng lớn như ước muốn của anh thì chỉ là Lille trước vỏn vẹn 2 nghìn khán giả.

Vào năm 1995, người ta đã nói Jean Marc Bosman đã gặp may còn bây giờ anh bảo “cái may mắn của tôi không đủ để trả một ngày lương cho Wayne Rooney…” Còn đối với Juventus, dù sao thì họ cũng có chút hưởng lợi từ phán quyết Bosman, sau này bạn sẽ thấy. Nhưng đấy là chuyện của sau này, hãy quay trở lại mùa đông năm 1995.

Một trong những lí do khiến cho Juventus chịu mất những điểm số quan trọng tại Serie A 1995/96 là cúp C1 châu Âu Coppa dei Campioni. Sau 9 năm vắng mặt, khi đội bóng đen-trắng trở lại, cúp C1 châu Âu Coppa dei Campioni đã biến thành một giải đấu mới với thể thức mới Champions League. Tại vòng bảng, họ gặp lại nhà vô địch CHLB Đức Borussia Dortmund vẫn của những con người cũ cộng với Jürgen Kohler. Hơn một nửa trong số họ là những người quen đối với thành phố Torino. Rất nhanh chóng, Juventus vượt qua vòng đấu bảng bằng 4 trận thắng liên tiếp đậm đà (trong đó có trận thắng Borussia Dortmund 3-1 ngay tại vùng Ruhr) trước khi chủ động buông 2 trận cuối (trong đó có trận thua Borussia Dortmund 1-2 ở Delle Alpi). Sau sáu lần gặp nhau, nhận bao món nợ, cuối cùng Borussia Dortmund và huấn luyện viên Ottmar Hitzfeld cũng thắng được Juventus một trận khi mà đối thủ đã chắc ngôi đầu bảng. Tuy nhiên, chiến thắng này lại quan trọng đối với những người Đức, vì nó giúp họ giữ được vị trí thứ 2 để cùng với đội bóng Italia vào vòng 2.

http://www.youtube.com/watch?v=NwapSZ2NMBM

Tháng 1 năm 1996, Juventus giành chiếc cúp đầu tiên của mùa giải bằng việc đánh bại đối thủ AC Parma trong trận siêu cúp Suppercoppa Italia 1-0. Tuy nhiên đến cuối tháng 2 năm 1996, nỗ lực bám đuổi AC Milan của ngôi sao đen George Weah ở Serie A bị chặn lại trong trận lượt về hòa 1-1 với chính đội bóng này vào ngày 22 tháng 2 năm 1996. Cơ hội bảo vệ chức vô địch quốc gia của Juventus nhạt dần cũng có nghĩa là sự tập trung của đội bóng vào Champions Legue càng lớn thêm. Ở đó, họ phải thi đấu với những nhà vô địch đúng nghĩa mà sau đây bạn sẽ thấy.

Tháng 3 năm 1996, Juventus gặp nhà vô địch Tây Ban Nha Real Madrid ở vòng 2. Đội bóng này có mặt những tài năng không thể coi thường Fernando Hierro, Fernando Redondo, Luis Enrique, Ivan Zamorano, González Raúl và cả một người đã từng là niềm hi vọng của Juventus – Michael Laudrup. Chính cầu thủ tiền đạo trẻ tuổi González Raúl đã ghi bàn thắng duy nhất trong trận lượt đi ở Santiago Bernabéu. Tuy nhiên trong trận lượt về ở Delle Alpi 2 tuần sau đó, Del Piero đã trả lời bằng một cú sút phạt xuyên qua hàng rào chắn trước khi Michele Padovano ghi bàn thắng quyết định mang lại chiến thắng 2-0 cho Juventus bất chấp việc Moreno Torricelli đã bị đuổi khỏi sân vì phạm lỗi với Gonzáles Raúl.

http://www.youtube.com/watch?v=kpEDgRtY5Yw

Dấu ấn đầu tiên của Alessandro với Real

Bàn thắng ấy của Del Piero đã ghi tên anh trong lòng các cổ động viên Juventus. Họ bắt đầu phải thuộc lòng tên anh, mà cũng khó có thể ngờ rằng cho đến mãi về sau này còn có nhiều lúc họ phải nhắc đến tên anh nữa, hay mười mấy năm sau còn có lúc đồng loạt đứng lên vỗ tay khen ngợi anh ngay trên sân Santiago Bernabeu.

Tháng 4 năm 1996, Juventus chạm mặt nhà vô địch nước Pháp Nantes ở bán kết. Đội bóng này đã gây ra chút khó khăn cho Juventus trong hiệp một trận lượt đi ở Delle Alpi cho đến khi tự chặt chân mình bằng chiếc thẻ đỏ của Bruno Carotti vì phạm lỗi với Michele Padovano. Tất cả chỉ có thế, hiệp hai Gianluca Vialli và Vladimir Jugović ghi hai bàn thắng đẹp mắt giúp cho đội nhà thắng 2-0 và đi thẳng đến trận chung kết dù đã thua 2-3 trong trận lượt về tại Pháp.

Đối thủ trong trận chung kết là nhà vô địch Hà Lan, ĐKVĐ Champions Legue, Ajax Amsterdam. Đội bóng ấy là tập hợp của một thế hệ trẻ tài năng bậc nhất của bóng đá Hà Lan. Họ chơi một thứ bóng đá tấn công rực lửa dưới sự chỉ huy của Luis van Gaal – đại biểu xuất sắc của bóng đá tổng lực - người sẽ còn gặp lại Juventus rất nhiều lần nữa trong cuộc đời của mình. Họ đã đánh bại ĐKVĐ AC Milan một năm trước đó, và bây giờ họ gặp Juventus để bảo vệ danh hiệu trên sân Stadio Olimpico ở Roma tối ngày 22 tháng 5 năm 1996, 16 năm sau trận chung kết cúp C1 gần nhất của Juventus, trận chung kết cúp châu Âu thứ 11 của đội bóng áo màu đen-trắng. Juventus có 10 ngày chuẩn bị sau khi kết thúc Serie A với vị trí thứ 2 sau AC Milan.

Đêm ấy, đại diện của bóng đá tấn công hay nhất châu Âu chạm mặt với đại diện của một nền bóng đá đã đưa catenaccio trở thành một thứ nghệ thuật đáng gờm. Những người hào hoa như Danny Blind, anh em nhà De Boer, Jari Litmanen gặp những gã có phần cục mịch thô lỗ như Antonio Conte, Didier Deschamps, Vladimir Jugovíc. Nhưng Juventus không chơi catenaccio. Từ khi Marcello Lippi đến đây, đội bóng vẫn thường ra sân với 3 tiền đạo Ravanelli – Baggio – Vialli  hoặc là Ravanelli – Del Piero – Vialli và sẵn sàng chơi tấn công với bất kỳ đội bóng nào. Chỉ có điều họ có cách tiếp cận trận đấu khác, một cách cẩn trọng, áp đặt, quyết liệt và nguy hiểm. Nó khác với phong cách tấn công của Ajax Amsterdam hay bất kỳ một đội bóng nào khác. Đó là tư duy bóng đá của Marcello Lippi, là hình ảnh của Juventus – con tàu trầm trọng đang từ từ lao đi và sẵn sàng cán nát bất cứ thứ gì trên đường ray của nó.

(http://24.media.tumblr.com/tumblr_m03imozly81rny7rco1_500.jpg)

: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: souslevent July 05, 2013, 04:15 PM
Tiếp đi bác, đây đúng là thời điểm em bắt đầu biết đến Juve khi theo đuôi Baggio từ WC 1994
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr July 06, 2013, 04:38 PM
Tiếp đi bác, đây đúng là thời điểm em bắt đầu biết đến Juve khi theo đuôi Baggio từ WC 1994

Anh đang đi tìm một bức ảnh hay một đoạn phim ngắn năm 1996 mà bao lâu rồi không thể tìm nổi. Báo chí nước nhà thời không internet thảm hại thật. Không biết phải cám ơn Bill Clinton hay nguyền rủa lũ cấm vận chó đẻ vậy  :2onion64:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex July 07, 2013, 12:36 AM
Đã bao lần em đi tìm lại pha tâng bóng của Attilio Lombardo ở sân Hàng Đẫy năm 1996 nhưng cũng không thể tìm nổi. Có những khoảnh khắc chúng ta chỉ gặp 1 lần trong đời, rồi mãi mãi không bao giờ được thấy lại nữa  :((
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: akazzurri July 07, 2013, 08:29 PM
Tiếp đi bác, đây đúng là thời điểm em bắt đầu biết đến Juve khi theo đuôi Baggio từ WC 1994
Vậy ra cũng chỉ bằng mình  :devil:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr July 07, 2013, 11:41 PM
Đã bao lần em đi tìm lại pha tâng bóng của Attilio Lombardo ở sân Hàng Đẫy năm 1996 nhưng cũng không thể tìm nổi. Có những khoảnh khắc chúng ta chỉ gặp 1 lần trong đời, rồi mãi mãi không bao giờ được thấy lại nữa  :((

Tìm cái khó vậy thì thánh cũng thua :catch:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: akazzurri July 08, 2013, 09:31 AM
Đã bao lần em đi tìm lại pha tâng bóng của Attilio Lombardo ở sân Hàng Đẫy năm 1996 nhưng cũng không thể tìm nổi. Có những khoảnh khắc chúng ta chỉ gặp 1 lần trong đời, rồi mãi mãi không bao giờ được thấy lại nữa  :((
Bác có cái clip Juventus đấu với tuyển Việt Nam đấy không  :devil: Tìm hộ cái  :devil:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr July 11, 2013, 03:43 PM
Chia tay Hà Nội sau cơn giông miền nhiệt đới

Buổi tối hôm ấy 22 tháng 5 năm 1996, khán đài Stadio Olimpico chia làm hai nửa đỏ-trắng và đen-trắng, hài hòa xen giữa những làn khói pháo và cờ quạt để chờ đợi cuộc đấu thứ 6 giữa Ajax Amsterdam kể từ lần đầu là chung kết cúp C1 Coppa dei Campioni năm 1973. Ở dưới sân bóng cũng có sự ganh đua quyết liệt. Vì sao trước trận đấu người ta lại đánh giá Ajax cao hơn rất nhiều so với Juventus khi mà chính Juventus đã chế ngự được sức tấn công mạnh mẽ bốc nổi của Ajax Amsterdam. Có điều gì đó giống với năm 1993 khi AC Milan được tâng bốc nhiều hơn Olympique Marsiglia, giống năm 1995 khi Ajax không được coi  ra gì so với Milan.

(http://imortaisdofutebol.files.wordpress.com/2012/05/vierchowod.jpg)

Juventus đã ngăn cản Ajax như thế nào

Fabrizio Ravanelli đã tận dụng tối đa cơ hội do sai lầm của hàng thủ Ajax mang biếu để cướp được bóng và ghi bàn từ một góc rất hẹp. Sau khi Jari Litmanen gỡ hòa trong một tình huống may mắn, trận đấu biến thành màn trình diễn của hai thủ môn. Trong hai hiệp chính và hiệp phụ, thủ môn Ajax Edwin van der Sar xuất sắc cản phá rất nhiều cú sút bầm dập của người hùng cơ bắp Gianluca Vialli, Didier Deschamps, Del Piero và Michele Padovano. Cuối cùng cũng phải dùng đến những quả 11m. Đây là lần thứ 2 Juventus và Ajax Amsterdam phải giải quyết với nhau bằng những quả 11m. Lần đầu là tại tứ kết cúp C1 Coppa dei Campioni ngày 15 tháng 3 năm 1978 cũng tại Torino. Lúc đó Dino Zoff đã buộc những người Hà Lan phải chịu phục. Bây giờ đến lượt Angelo Peruzzi.

Trong dáng vẻ to béo cục mịch và khuôn mặt không cười của Angelo Peruzzi ẩn chứa sự bình tĩnh hiếm có và lòng tin sắt đá. Ajax đá 11m trước và Angelo Peuzzi đã đẩy được 2 trong 4 quả 11m đầu tiên của Ajax (một của Edgar Davids ngay loạt đầu tiên, một của Sonny Silooy ở loạt thứ 4). Chỉ có Jari Litmanen và Arnold Scholten đánh lừa được Angelo Peruzzi. Trong khi đó Juventus không đá hỏng quả nào với những cú sút theo kiểu còn khó hơn Andreas Brehme tại Italia 1990.

http://www.youtube.com/watch?v=PZBAG-IA04Y

(http://www.tuttosport.com/images/19/C_3_Media_1708919_immagine_ts673_400.jpg)

(http://losportnelcuore.altervista.org/imm%20Juventus%20Story/1996+champions+per+storia.jpg)

Trên chấm 11m nâng cúp và bên trong phòng thay đồ

http://www.youtube.com/watch?v=fUXzgAZS58k

Hai cầu thủ của Juventus đầu tiên nhận lệnh đá 11m lại không phải là tiền đạo mà là hai hậu vệ là Ciro Ferrara và Gianluca Pessotto. Và vào loạt thứ 4 quyết định khi Sonny Silooy vừa bị Angelo Peruzzi đẩy mất, người ta đã nhìn thấy Vladimir Jugovíc mỉm cười trên chấm 11m. Và anh, một tiền vệ giản dị như chính đội bóng của mình, đã đánh bại được Edwin van der Sar, biến Ajax Amsterdam thành cựu vô địch. Đó là nụ cười của những người đã nhìn thấy trước chiến thắng. Đêm 22 tháng 5 năm 1996 là một đêm không ngủ ở Roma, Torino và nhiều nơi khác trên thế giới. Juventus lần thứ 2 vô địch cúp C1 Coppa dei Campioni, chiếc cúp châu Âu thứ 6 sau khi chơi 11 trận chung kết. Và một thế hệ những cổ động viên mới ra đời ngay trong và sau đêm ấy. Juventus của Marcello Lippi chinh phục họ bởi một sức hút đặc biệt, không phải từ vẻ đẹp của những đường bóng, mà từ bản lĩnh bên trong khiến cho các cổ động viên cảm thấy yên tâm, cảm thấy được che chở, và khiến đối phương kiềng nể lo sợ.

(http://www.corrieredellosport.it/images/45/C_3_Media_1486045_immagine_obig.jpg)

Vậy mà đội tuyển Italia không mang bản lĩnh ấy vào Giải vô địch châu Âu mùa hè năm 1996 tại nước Anh. Huấn luyện viên Arrigo Sacchi đã gọi nhiều cầu thủ Juventus trong danh sách sơ bộ nhưng cuối cùng chỉ chọn 5 cái tên trong đội hình của nhà vô địch Juventus cho chuyến đi của đội tuyển áo thiên thanh: thủ môn Angelo Peruzzi, Moreno Torricelli, Angelo di Livio, Fabrizio Ravanelli và Alessandro Del Piero. Đó là một trong những sai lầm liên tiếp của Arrigo Sacchi ngay từ lúc ban đầu. Ông loại bỏ Gianluca Vialli bất chấp viêc đội trưởng vừa nâng cao cúp C1, loại bỏ Roberto Baggio vì cho rằng sẽ là mạo hiểm vì anh có vấn đề với cái đầu gối. Sau này Roberto kể lại rằng anh chẳng có bị làm sao hết. Rõ ràng là lúc đó Arrigo Sacchi cũng đã quay lưng với Roberto Baggio, không khác gì Marcello Lippi và Fabio Capello. Arrigo Sacchi gọi 4 người AC Milan, 4 người Lazio và 5 người Parma. Không có một người Inter Milan nào hết. Chưa xong, ông ta không gọi cả Giuseppe Signori vừa giành giải vua phá khung thành Serie A cùng với Igor Protti. Người ta bảo lúc đó Arrigo Sacchi chỉ muốn Giuseppe Signori đá tiền vệ, không thì thôi. Không biết là vì lúc đó Italia đang quá dư thừa tiền đạo tài giỏi hay là Arrigo Sacchi bị điên. Có lẽ là cả hai. Thay vì Roberto Baggio, Giuseppe Signori và Gianluca Vialli, ông ta đặt niềm tin vào Pierluigi Casiraghi, Enrico Chiesa, Fabrizio Ravanelli và Gianfranco Zola.

Những người Juve còn lại theo chân nhau trong một cuộc hành trình khác. Nói một cách lãng mạn như những người đi mở đất, hơn bốn mươi năm trước Juventus là đội bóng đầu tiên của Italia vượt đại dương để đến châu Nam Mỹ vào mùa hè, còn bây giờ, họ đi sang châu Á, nơi bóng đá vẫn còn đang ở một vùng chiêm trũng như là Việt Nam. Tháng 6 năm 1996, đội hình đầy đủ của Juventus (tất nhiên là trừ bốn anh chàng được Arrigo Sacchi chọn lựa và những anh chàng tập trung cùng đội tuyển quốc gia khác như Didier Deschamps và Paulo Sousa) cộng với một vài cầu thủ trẻ đã đến Hà Nội trong một tua thi đấu giao hữu châu Á được sắp xếp bởi các công ty tập đoàn Nhật Bản và Italia. Đội hình đó có mặt hậu vệ Massimo Carrera, Sergio Porrini, Pietro Vierchowod; tiền vệ Giancarlo Marocchi, Attilio Lombardo, Michele Padovano, Alessio Tacchinardi, Gianluca Pessotto; tiền đạo Gianluca Vialli, Enrico Fantini; thủ môn Michelangelo Rampulla, cùng đôi ba cầu thủ lấy từ đội trẻ lên như Davide Falcioni, Dario Baccin hay mượn tạm từ các đội bóng anh em như Marco Giandebiaggi, Massimiliano Rosa hay Pietro Parente.

Đây là một thực sự là một tin sốc thực sự đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Họ đang trải qua những ngày tháng sôi sục vì bóng đá vì đội tuyển của mình đang có những bước tiến vượt bậc ở Đông Nam Á với sự xuất hiện trở lại của những huấn luyện viên nước ngoài như Edson Tavares, Karl-Heinz Weigang và thành công vang dội Việt Nam tại Seagames Chiangmai Thái Lan 1995. Tấm huy chương bạc Seagames 1995 của ông Karl-Heinz Weigang cùng các học trò đã thổi bùng lên ngọn lửa đam mê trong lòng người dân Việt Nam. Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Phụng, Nguyễn Mạnh Cường, Lê Đức Anh Tuấn, Chu Văn Mùi, Nguyễn Hữu Thắng, Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Hồng Sơn, Huỳnh Quốc Cường, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Đang, Trần Công Minh, Ngô Quang Trường, Trần Minh Chiến,… Những cái tên bỗng chốc trở nên thân quen, yêu mến. Và bây giờ các anh đấu với Juventus, đấu với đương kim vô địch cúp C1 Coppa dei Campioni vừa mới lên ngôi cách đúng 10 ngày. Không thể tin nổi.

(http://giaoduc.net.vn/Uploaded/xuanthanh/2012_05_09/bongda-vietnam-thap-ky-truoc-giaoduc.net.vn-giaoduc.net%20(80).jpg)

Đội tuyển Việt Nam lúc sắp đi Seagames 18

Lúc bấy giờ cái nhìn của những người lãnh đạo nước nhà đối với thể thao đã khác, tình hình kinh tế xã hội thời được hội nhập trở lại đã khác nên bóng đá nói chung như chưa bao giờ được đầu tư nhiều như thế. Piaggio, Sincrateia cũng giống như hàng trăm công ty tập đoàn lớn nhỏ phương tây hay Nhật Bản khác như Sony, Ariston đã tràn vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vào tháng 2 năm 1994. Họ cần làm một điều gì đó để giới thiệu hình ảnh của mình đến với người dân Việt Nam, ít nhất dân chúng sẽ biết đến tên của họ và sản phẩm đắt tiền như những chiếc xe máy Vespa của Piaggio, những chiếc TV màn hình màu với điều khiển từ xa của Sony, bình nước nóng của Ariston hay những máy khâu, dây chuyền sản xuất công nghiệp nhẹ hiện đại của Sincreteia. Và bóng đá là cách  quảng cáo hiệu quả nhất.

Các vị lãnh đạo Cộng sản và Chính phủ cũng muốn làm một điều gì đó để chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ VIII tại Hà Nội cuối tháng 6 năm ấy. Không cần biết các nhà tài trợ và Chính phủ đã phải chi trả bao nhiêu, họ đã hợp tác cùng nhau mang Juventus đã đến Việt Nam và Nam Triều Tiên trong chuyến du đấu giao hữu châu Á ngay sau khi kết thúc mùa giải 1995/1996.

Ngày 27 tháng 5 năm 1996, sau một hành trình quá dài và mệt mỏi các cầu thủ Juventus ra sân ở Seoul và gặp đội Nam Triều Tiên. Đội này đang rất mạnh vì vừa được dự Cúp thế giới tại Mỹ, vừa sắp cùng Nhật Bản đấu Mexico trong cuộc thi xin đăng cai Cúp thế giới 2002 hôm tổ chức 31 tháng 5 sắp tới. Lúc đầu Nam Triều Tiên và Nhật cạnh tranh quyết liệt qua các vòng bỏ phiếu nhưng phút cuối cùng lại bắt tay nhau xin đồng tổ chức để loại Mexico qua một cuộc bỏ phiếu bằng cách vỗ tay kỳ lạ của FIFA. Tuy nhiên hai nước này vốn ganh ghét nhau nên việc tổ chức Cúp thế giới 2002 rất khó khăn. Sau này FIFA rút kinh nghiệm không bao giờ cho đăng cai chung nữa. Đội Nam Triều Tiên này đang quyết tâm lấy tiếng với thế giới trước thềm bỏ phiếu nên dễ dàng đánh bại Juventus 4-0 bằng cách cố tình chơi bóng dài thi chạy cật lực  để phá sức Juventus. Mệt quá trận này Gianluca Vialli chỉ đá một hiệp đầu như tường thuật của AP.

(http://www.ksport.co.kr/news_file/f_20110327231411.jpg)

(http://farm9.staticflickr.com/8168/7004830156_dcc6102bce_z.jpg)

Juventus với Nam Triều Tiên ngày 27 tháng 5 năm 1996

Đối với những Juventini Việt Nam ít ỏi ngày ấy, cảm giác vui sướng khi Gianluca Vialli và các cầu thủ con cưng nâng cao cúp C1 còn lâng lâng chưa lắng xuống thì lại bùng lên khi hàng loạt các báo thể thao đều đưa tin Đương kim vô địch sẽ sang thi đấu giao hữu với đội tuyển Việt Nam.

“Chiều ngày 2 tháng 6 năm 1996 trên sân Hàng Đẫy, trời nóng như đổ lửa, nhưng từ 3 giờ trên sân đã lác đác có bóng dáng người hâm mộ. Họ đến để xem Juve luyện tập khởi động trước trận đấu. Gần 4h, Juve xuất hiện, đi đầu tiên là Marcello Lippi, sau đó chia thành 2 đội mặc 2 màu áo tập khác nhau (chuyên nghiệp thật, tập còn có 2 màu khác nhau, khác với màu áo đá chính). Mãi đến gần 5 giờ đội tuyển Việt Nam mới xuất hiện trong tiếng reo hò cổ vũ của gần hai mươi nghìn cổ động viên trên sân. Và lúc này không còn ai cổ vũ cho Juve nữa, tôi cảm thấy thế.”

(http://img.photobucket.com/albums/v517/juvevn/VietnamJuventus1996_zps71b6d0c2.jpg)

Việt Nam trước trận đấu với Juventus ngày 2 tháng 6 năm 1996

Ai không đến được sân sân thì thỏa mãn ngồi trước màn hình TV. Hình như đây là trận đấu đầu tiên được Đài truyền hình Việt Nam truyền trực tiếp từ sân Hàng Đẫy. Sau màn chào hỏi, đội trưởng Võ Hoàng Bửu bắt tay Gianluca Vialli một cách thân thiện là trận đấu bắt đầu. Cổ động viên sung sướng reo hò theo những pha biểu diễn tung móc của gã đầu trọc Gianluca Vialli, điệu nghệ của gã tóc dài Michele Padovano, gã hói lụi Attilio Lombardo và những pha bứt tốc độ ngoạn mục của Lê Huỳnh Đức. Juve dẫn trước 2 bàn trong đó có một của Gianluca Vialli mở tỉ số và Hoàng Bửu gỡ lại một bàn từ chấm 11m ở phút thứ 70 sau khi một cầu thủ Juventus phạm lỗi trong vòng 16m50. Trên chấm 11m, không theo kiểu đá 11m quen thuộc như cầu thủ CHLB Đức Andreas Brehme đá ở chung kết Italia 90, lần này Võ Hoàng Bửu biểu diễn một ph đá 11m ngoại mục như các cầu thủ Brasile tại USA 1994 khiến cho sân vận động Hàng Đẫy như nổ tung trong cái không khí Hà Nội tháng 6 oi bức và cơn mưa ào ạt bắt đầu dội xuống. Những người không được đến sân xem mà ngồi trước màn hình TV cách đó hàng trăm km cũng sung sướng không kém.

Người hâm mộ Việt Nam bắt đầu reo hò nghĩ đến bàn gỡ 2-2 thì… cơn giông miền nhiệt đới ầm ầm kéo đến. Hóa ra cái nóng oi bức kinh khủng hồi chiều là cái oi bức trước cơn giông này. Mây đen kéo đến và trời tối thui. Đến lúc nay mọi người mới biết hóa ra sân vận động Hàng Đẫy của ta vừa mới tu sửa xong và chưa có giàn đèn chiếu sáng! Những cầu thủ trên sân vẫn chơi bóng dưới cơn giông và trong bóng tối mò mò cho đến những phút cuối. Các cổ động viên trên khán đài vẫn cuồng nhiệt hò reo. Còn ai ngồi trước màn hình TV đen trắng thì ôi thôi…. Màn hình tối thui chỉ thấy bóng các cầu thủ chạy lờ mờ trên sân và tiếng bình luận viên đang phân bua đâu đó với lời khuyên SVĐ Hàng Đẫy nên lắp ngay giàn đèn sau trận đấu này.

“Chỉ còn các cổ động viên trên sân được xem trọn vẹn đến hết trận đấu trong khi trời mưa như trút và nóng ẩm kinh khủng. Các cầu thủ Juve đã chạy vội ngay vào phòng thay đồ sau tiếng còi kết thúc, chỉ có đôi anh ở lại chào khán giả, Pietro Vierchowod tung lên khán đài một cái áo lót làm kỉ niệm. Và lúc đó tôi nghĩ họ sẽ chẳng bao giờ quay lại Việt Nam nữa.”

Đấy là bóng đá Việt Nam năm 1996. Gianluca Vialli bảo với phóng viên La Repubblica rằng anh cảm thấy thực sự hạnh phúc được chia tay Juventus như thế. Anh ghi một bàn thắng ở Hà Nội trước 20 nghìn khán giả cuồng nhiệt và cơn giông nhiệt đới và khép lại một hành trình dài với Juventus bằng một trận bóng đá đúng nghĩa (calcio vero). Bốn năm đã qua kể từ ngày đầu tiên anh đến Juventus, chỉ giữa tháng sau anh sẽ mắt ở London cùng với Chelsea của Ruud Gullit. Sau trận đấu Marcello Lippi dẫn Gianluca Vialli cùng các đồng đội tham dự một bữa tiệc cùng với những lãnh tụ cao cấp của Đảng Cộng Sản tại Hà Nội, mà tờ Repubblica bảo rằng có mặt cả tướng Giáp, trước khi ra vội vã sân bay đến Hồng Kông để tìm mua vé trở về Italia. Cuối tháng ấy, Đảng Cộng sản sẽ họp đại hội và bầu ra những người đứng đầu mới. Còn nhiều cầu thủ Juventus cũng chia tay nhau sau trận đấu cuối cùng. Chia tay, bởi vì Juventus bắt đầu bước vào một thời kỳ lạnh giá dưới bàn tay của Roberto Bettega và Luciano Moggi, nơi mà không có ai là không thể chuyển nhượng.

Cúp châu Âu năm 1996 là một giải đấu nhiều tiếc nuối của người Italia, nhiều tiếc cuối cho cả Arrigo Sacchi và các cầu thủ Juventus nữa. Bốn người được gọi thì chỉ có thủ môn Angelo Peruzzi được chơi trọng vẹn 3 trận đấu. Còn lại Del Piero và Angelo Di Livio được chơi trận đầu tiên (thắng Liên bang Nga 2-1), sau đó ngồi dự bị. Fabrizio Ravanelli chỉ được ra sân duy nhất một trận thứ 2 thua Cộng hòa Séc 1-2. Trận thua Cộng hòa Séc 1-2 này còn được nhớ tới bằng một sai lầm lớn khác của Arrigo Sacchi. Ông đã quá xem nhẹ đối thủ khi thay đến 5 vị trí trong đội hình xuất phát so với trận mở màn thắng Liên bang Nga 2-1, đã biết Pavel Nedvěd nguy hiểm như thế nào nhưng không có cách gì đối phó. Hình ảnh của Juventus thực sự mờ nhạt trong màu áo thiên thanh, không còn những người như Salvatore Schillaci hay Roberto và Dino Baggio nữa. Và Arrigo Sacchi cũng thất bại với bộ khung AC Milan. Đương kim á quân thế giới Italia của ông chỉ thắng được duy nhất một trận trước đội bét bảng Liên bang Nga, chỉ làm những cổ động viên sung sướng reo hò trên khán đài đúng 5 phút trong trận cuối cùng vòng bảng gặp đội tuyển Cộng hòa liên bang Đức.

(http://www.ilpost.it/files/2012/06/AP96061901560.jpg)

Zola đã đá hỏng 11m và Italia về nước

Lúc đó Italia vẫn hòa 0-0 với Cộng hòa liên bang Đức, nhưng ở trận đấu cùng giờ, Liên bang Nga đang dẫn Cộng hòa Séc 3-2 trong 3 phút (điều kiện vừa đủ để Italia đi tiếp). Cho đến khi Liên bang Nga bị gỡ hòa 3-3 từ phút thứ 85 đến 88. Các cổ động viên Italia trên khán đài chợt lại buồn thiu vì bàn gỡ 3-3 của Cộng hòa Séc, họ chỉ còn tiếc nuối và một câu hỏi không sao trả lời được về cái duyên của Gianfranco Zola với đội tuyển Italia: Năm 1994 trên đất châu Mỹ, anh bị một chiếc thẻ đỏ oan chỉ sau vài phút vào sân vì lỗi nhận định khó hiểu của trọng tài, làm cho đội tuyển Italia suýt chết dưới chân những cầu thủ châu Phi Nigeria. Bây giờ, anh bỏ lỡ một quả 11m khi Italia và Đức đang hòa 0-0, và Italia phải về nước sớm. Và người ta cũng không hiểu nổi Arrigo Sacchi đã nghĩ cái quái gì. Sau này Arrigo Sacchi cũng phải nhận lấy phần nào lỗi lầm của mình như ông kể: Trước trận thua Cộng hòa Séc ông đã nhận ra ngay sai lầm khi thay đổi một lúc 5 người và thấy một nhà báo vốn suốt ngày chê bai ông bỗng nhiên quay ra khen rằng ông đã làm rất tốt!

Đội Cộng hòa liên bang Đức sau đó chơi trận chung kết với chính Cộng hòa Séc, còn Pavel Nedvěd – người mở tỉ số trong chiến thắng 2-1 của Cộng hòa Séc trước Italia – cũng sớm sửa sang hành lí cho một cuộc hành trình dài trên đất Italia sau giải vô địch châu Âu này.

Ghi chú: Hai đoạn trích ở trên về không khí trên sân vận động Hàng Đẫy theo lời kể của AC/DC và asfrom9

: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Dkv July 11, 2013, 03:59 PM
Anh Pavel xác nhận hộ em năm đó Juve đến VN có Iuliano trong đội hình ko? Em nhớ là có nhưng ko dám chắc, vì lâu quá rồi.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr July 11, 2013, 04:10 PM
Anh Pavel xác nhận hộ em năm đó Juve đến VN có Iuliano trong đội hình ko? Em nhớ là có nhưng ko dám chắc, vì lâu quá rồi.

Theo các tài liệu của anh đang có trong tay và trí nhớ thì là không có. Còn một tài liệu tiếng Triều Tiên mà không đọc được  :))

P/s: cập nhật thêm đoạn đá với Triều tiên nha :3
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Nguyen Hai Long July 11, 2013, 06:12 PM
Vậy ra cũng chỉ bằng mình  :devil:
Hơn mình tầm 10 tuổi mà xem trước mình cũng chỉ 4 năm  :devil: :devil:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Dkv July 11, 2013, 06:59 PM
Đá với Hàn Quốc anh ơi. Vẫn nhớ lời hlv bình luận năm đấy: "Trận này Juve đá rất quyết tâm sau khi để thua HQ 4-0 và bị chỉ trích rất nhiều". Các bác nhà mình hay bình luận rất AQ.:))
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: akazzurri July 11, 2013, 08:33 PM
Hơn mình tầm 10 tuổi mà xem trước mình cũng chỉ 4 năm  :devil: :devil:
năm 94 mày bao nhiêu tuổi hả em  :devil:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: akazzurri July 11, 2013, 08:35 PM
Anh Pavel xác nhận hộ em năm đó Juve đến VN có Iuliano trong đội hình ko? Em nhớ là có nhưng ko dám chắc, vì lâu quá rồi.
Có Iuliano nhé, em chắc chắn thế !
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr July 11, 2013, 10:14 PM
Đá với Hàn Quốc anh ơi. Vẫn nhớ lời hlv bình luận năm đấy: "Trận này Juve đá rất quyết tâm sau khi để thua HQ 4-0 và bị chỉ trích rất nhiều". Các bác nhà mình hay bình luận rất AQ.:))

Anh không thích gọi là HQ, gọi là Triều tiên hoặc Nam triều tiên :v

Xin mời chú Aka đưa ra bằng chứng về Iuliano. Anh còn nghĩ là không có cả Tacchinardi nữa. Iuliano chỉ đến Juve vào cuối tháng 6 đầu tháng 7/ 1996, có lẽ vậy. Trận đấu này diễn ra ngay sau khi mùa giải khép lại, đá xong mới đi nghỉ hè. Còn Tacchinardi có thể được nghỉ không đi du đấu như Sorin, Ferrara, Conte, Torricelli hoặc không đá trận VN.




: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Dkv July 11, 2013, 10:28 PM
Năm đó Iuliano cũng thuộc diện cầu thủ đi mượn. Hifnh như hợp đồng còn được ký trước khi qua mùa giải kết thúc. Tarchinardi và Iuliano là 2 cầu thủ ít ai để ý lúc bấy giờ  do còn trẻ nhưng nếu chơi FM thì đây là những cầu thủ triển vọng nhất của Italia. Tarchinardi có thể ko ra sân trận gặp VN vì em hoàn toàn ko có ấn tượng gì trong đầu, nhưng trong đầu em thì luôn có ấn tượng cặp trung vệ của Juve trong trận VN có Iuliano.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Dkv July 11, 2013, 10:36 PM
Torricelli có tên trong danh sách đội tuyển Ý dự Euro 1996 anh ơi, vao thay Carboni trận gặp Đức. Em nhớ năm đó Juve được gọi đến 7 cầu thủ cho Euro cơ, nhiều nhất trong các đội ở Serie A, chứ ko phải 4 như anh nói.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr July 11, 2013, 10:39 PM
Torricelli có tên trong danh sách đội tuyển Ý dự Euro 1996 anh ơi, vao thay Carboni trận gặp Đức. Em nhớ năm đó Juve được gọi đến 7 cầu thủ cho Euro cơ, nhiều nhất trong các đội ở Serie A, chứ ko phải 4 như anh nói.
Hi. okie vừa kiểm tra lại, xác nhận chú Torricelli, Juve có 5 người tại Euro 1996 còn Iuliano thì chưa thể tin được.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Dkv July 11, 2013, 10:43 PM
Em vừa xem lại, chính xác Juve được gọi 6 cầu thủ, hình như có cả Conte trong danh sách sơ bộ nên em luôn có cảm giác là 7. 6 cầu thủ là: Peruzzi, Ferrrara, Di Livio, Torricelli, Del Piero và Ravanelli. Năm đó ngoài các cầu thủ dự Euro và cầu thủ nước ngoài là ko sang VN, còn lại đi hêt.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr July 11, 2013, 10:53 PM
Hi, Ciro Ferrara bị đau mắt cá chân trước Euro 1996, không đi được; gẫy chân trước world cup 1998, ở nhà. Euro 1996 Conte không thấy có tên  trong danh sách, không thấy đá trận nào.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Dkv July 11, 2013, 11:01 PM
Em xem ở đây: Trong danh sách này có Ferrara, mang áo số 6. Còn Conte tất nhiên là ko đi Euro rồi nhưng trong danh sách lúc chuẩn bị có thì phải.
http://www.weltfussball.de/teams/italien-team/em-1996-in-england/2/
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Nguyen Hai Long July 12, 2013, 12:41 AM
Ờ, thấy thiếu Ferrara thấy lạ ghê. Nghĩ hay Sachi hắn vác nguyên cái bộ hậu vệ Milan vào. Tại năm 96 mới 3 tuổi nên ko biết  :">
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: rafael-nadal July 12, 2013, 09:03 AM
Em vừa xem lại, chính xác Juve được gọi 6 cầu thủ, hình như có cả Conte trong danh sách sơ bộ nên em luôn có cảm giác là 7. 6 cầu thủ là: Peruzzi, Ferrrara, Di Livio, Torricelli, Del Piero và Ravanelli. Năm đó ngoài các cầu thủ dự Euro và cầu thủ nước ngoài là ko sang VN, còn lại đi hêt.

Đúng đấy. Danh sách sơ bộ là 7, còn chính thức đi là 6. Mà mình nhớ là Angelo Peruzzi đẩy được 2 quả đá 11 m ở lượt đầu tiên (Davids) và lượt thứ tư (Silooy)  của Ajax chứ ko phải đẩy được 2 trong 3 quả 11m đầu tiên.

Tiếp tục hóng bài của Pavel. Hay tuyệt! Mà ở những bài đầu tiên, Pavel thêm 1 ít ảnh nữa thì còn tuyệt hơn nữa  :juve4:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr July 12, 2013, 09:59 AM
Danh sách của Dkv có khi là sanh sách đăng ký lúc đầu rồi :idea:. Theo thông tin mình biết từ lâu nay thì Ciro Ferrara bị chấn thương ngay trước giờ đi nên được thay bằng Nesta (Nesta không được đá một phút nào). Vì thế mà có trận Maldini được kéo về đá trung vệ với Costacurta. Số 6 được đem cho Nesta mặc.

@Bác rafael-nadal: đã sửa phần đá 11m, còn hình ảnh mấy bài đầu tiên thì sẽ cho vào sau, có ảnh và clip đấy, nhiều ảnh rất độc đáo.  :gold_cup:

http://www.youtube.com/watch?v=fUXzgAZS58k
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr July 16, 2013, 11:18 PM
May quá vừa được xem lại trận Vietnam - Juve. Không phải truyền hình cắt đoạn cuối (hình như cái TV đen trắng 14"nhà mình không chịu nổi nên không xem được đoạn cuối mới đúng. Hoàng Bửu đá 11m kiểu brasil. Trí nhớ sau 17 năm đã phai nhòa.  :I_dont_want_to_see:

Tài trợ chính & tổ chức là Sincratela, Piaggio, Ariston, Sony. Hình như Strata chỉ môi giới?

Cần phải sửa lại và liên lạc với VTC để xin băng hình. Cám ơn VTC, Tiến Trần đã thông báo. :gift:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Dkv July 16, 2013, 11:29 PM
Đúng là ko có Iuliano thật.:D Em nhớ hồi đấy Piaggio là chính. Còn chạy biểu diễn xe vòng quanh sân vận động.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr July 30, 2013, 01:31 PM
Để nhờ cái này vào đây chút nhé.

Như đã kể ở trên thì Juventus mới chính là đội bóng chịu chơi nhất ở khoản đổ tiền ra mua ngôi sao, còn hơn cả Real Madrid. Bằng chứng là Juventus đã 5 lần lập kỷ lục thế giới về mua cầu thủ kể từ năm 1893 đến nay, trong khi Real Madrid là 4 lần.

Những người khiến Juventus phải đổ tiền không tiếc tay là Omar Sivori (93 nghìn bảng, 1957), Pietro Anastasi (500 nghìn bảng, 1968), Paolo Rossi (1,570 triệu bảng,1976), Roberto Baggio (8 triệu bảng, 1990), Gianluca Vialli (12 triệu bảng, 1992).

Các đội bóng Italia cũng đứng đầu với 18 lần lập kỷ lục mua, 13 lần lập kỷ lục bán. Serie A ngày xưa ghê gớm vậy mà thời thế nay đã khác rồi.

Dưới đây là thống kê của Daily Mail:

http://www.dailymail.co.uk/sport/football/article-2380721/World-football-transfer-record-history-Will-Gareth-Bale-join-Ronaldo-Maradona-Alan-Shearer.html

(http://i.dailymail.co.uk/i/pix/2013/07/29/article-2380721-1B0C0BFB000005DC-900_634x635.jpg)


(http://i.dailymail.co.uk/i/pix/2013/07/29/article-2380721-1B0C0EE7000005DC-126_634x328.jpg)
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 03, 2014, 04:48 PM
Cho mọi người xem cái này, làm nóng cho phần tiếp theo. :angel:

http://www.youtube.com/watch?v=2B3DB2POLhs
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex January 03, 2014, 09:23 PM
Có thế chứ. Chưa hoàn thành bộ này đã tính nghỉ hưu làm sao được  :applause:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex January 03, 2014, 09:44 PM
Hình như sau mùa này Zizou về Juve phải không anh Pavel. Mà Bordeaux hồi ấy mạnh dữ nhỉ, quật ngã cả Milan vừa 3 lần liên tiếp vào CK C1, đội hình có George Weah vừa đoạt QBV  :hypnotized:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 04, 2014, 06:59 AM
Hình như sau mùa này Zizou về Juve phải không anh Pavel. Mà Bordeaux hồi ấy mạnh dữ nhỉ, quật ngã cả Milan vừa 3 lần liên tiếp vào CK C1, đội hình có George Weah vừa đoạt QBV  :hypnotized:

Bordeaux hồi này có 4 chú rất giỏi là Bixente Rizarazu, Dugarry, Zidane và chú Witschge của Hà Lan chân xoắn như quẩy. Ông Anh Bixente hồi đó bắt đầu nổi cơ, chạy khoẻ như bò vậy, sang năm sau nữa được Munich thâu nạp thì đã thành sao lớn. Milan thì nhìn chỉ thấy tội cho Baggio. Lởn vởn trên sân như ma, không ai chuyền bóng cho mà nhỡ có ai chuyềncho thì cũng không tranh được. Cứ bảo Lippi và Capello hại đời Baggio nhưng mà chính Baggio hồi này cũng dẹo rồi. :cheer:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Dkv January 04, 2014, 05:43 PM
Lizarazu chứ nhỉ.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 04, 2014, 07:38 PM
Lizarazu chứ nhỉ.
Lấy vợ xong mắt tinh nhỉ.  :hypnotized:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 05, 2014, 12:28 AM
Ngựa giống lông bông đã đến Delle Alpi

Một nửa anh em trở về từ châu Á, một nửa trở về từ nước Anh, các cầu thủ gặp lại nhau sau những ngày nghỉ ngắn. Và lại chia tay nhau, có những anh em còn không quay lại trại tập luyện nữa. Chỉ sau một năm ở Torino, trung vệ kỳ cựu Pietro Vierchowod đã giành được chiến thắng và ra đi, anh đến AC Milan. Massimo Carrera cũng tìm cho mình một đội bóng vừa hơn với sức khỏe đã đi xuống của mình. Anh đến Atalanta để Juventus đổi lấy trung vệ trẻ hơn là Paolo Montero. Đấy là một tay Uruguay có khuân mặt trông rất xấu xí, bặm trợn như dăm ba gã ma cô giang hồ. Ngoài Paolo Montero còn xuất hiện Mark Iuliano, một gã trung vệ mới nổi từ Salernitana, trông đầy bản chất miền nam Italia, kiểu cách chơi bóng cũng có cái vẻ quái đản không kém gì Paolo Montero. Mark Iuliano vốn sinh ra và lớn lên tại thành phố miền nam Cosenza mà. Còn Juan Pablo Sorín, tài năng được Omar Sivori lúc đó đang là trưởng nhóm săn tìm tài năng tại Nam Mỹ giới thiệu, đã sớm tan vỡ giấc mơ ở châu Âu và trở về Argentina với River Plate.

Trên hàng tiền vệ, Paulo Sousa theo chân những cầu thủ người Đức đã từng sống ở Torino để sang Borussia Dortmund còn Giancarlo Marocchi quay trở về Bologna. Thay thế cho Paulo Sousa là một tài năng lớn của bóng đá Pháp với giá 7.5 tỷ lire: Zinédine Zidane. Ở đây không có chuyện gì tình cờ và bất ngờ. Dường như mọi việc đã được đội ngũ lãnh đạo Juventus tính toán từ lâu. Năm ngoái Juventus bán đi Roberto Baggio, năm nay đến lượt Paulo Sousa. Mọi việc đã rõ, Juventus sẽ đưa về những chàng trai đầy hứa hẹn và sẵn sàng bán đi ngôi sao sáng giá nhất của mình một khi họ cảm thấy anh ấy không còn phù hợp với đội bóng. Paulo Sousa hài lòng vì anh đã đến với nhà vô địch CHLB Đức Borussia Dortmund để được tụ hội với dăm người bạn cũ. Juventus hài lòng vì họ đã tìm được Zinédin Zidane, trẻ hơn Paulo Sousa 2 tuổi. Lúc ấy Zinédin 24 tuổi nhưng danh tiếng đã đang nổi như cồn lửa. Anh vốn là con trai trong một gia đình Algeria da trắng bắc Phi di cư đến Pháp từ năm 1953, trước khi nổ ra chiến tranh giành độc lập của Algeria dưới ánh sáng khích lệ của phong trào giải phóng dân tộc và chiến thắng Điện Biên Phủ lan tỏa khắp châu Phi.

(http://www.girondins4ever.com/wp-content/uploads/2013/11/bordeaux_slavia_19963.jpg)

Zinédin Zidane và Christophe Dugarry

Có thể coi Zinédin Zidane là người Pháp vì gia đình anh là người Kabyle bắc Phi da trắng có nguồn gốc gần gũi với người châu Âu hay đơn giản là anh con út trong gia đình 5 anh em Zinédin Zidane sinh ra và hấp thụ văn hóa Pháp mà lớn lên. Bóng đá Pháp mà cụ thể là Cannes và Girondins Bordeaux đã đưa anh đến Italia rồi vươn ra thế giới. Vậy Zinédin Zidane có gì để cho những đội bóng hàng đầu nước Pháp như Cannes và Girondins Bordeaux ngay lập tức bị thuyết phục bởi con trai của một gia đình Kabyle di cư như anh? Đơn giản là “cậu ta có đôi chân biết nói với quả bóng” như là cựu cầu thủ Jean Varraud kể lại khi phát hiện ta tài năng của Zinédin Zidane lúc 14 tuổi đã có thể dê bóng siêu phàm một lèo qua một, hai, ba, bốn, năm rồi sáu đối thủ. Hai năm sau nước Pháp đã phải chú ý đến cậu khi vào sân trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên khi mới có hơn 16 tuổi ngày 18 tháng 5 năm 1989.

Bảy năm sau, trong màu áo Girondins Bordeaux, Zinédin Zidane đã trở thành ngôi sao mới của nước Pháp bên cạnh các đồng đội như Bixente Lizarazu và Christophe Dugarry. Anh khiến Italia phải chú ý đến mình, bằng cách dẫn dắt Girondins Bordeaux đánh bại một đội bóng Italia có những ngôi sao lớn nhất trên bầu trời châu Âu, rất shock. Đội bóng Italia ấy là AC Milan của Franco Baresi, Alessandro Costacurta, Roberto Donadoni, Paolo Maldini, George Weah, Demetrio Albertini, Dejan Savicevic, Roberto Baggio và cả ông thầy Fabio Capello. Đấy là ở tứ kết Coppa Uefa tháng 3 năm 1996, AC Milan – Girondins Bordeaux. Lượt đi AC Milan đã thắng 2-0, có đóng góp của Roberto Baggio bằng một quả đá phạt đẹp mắt.

http://www.youtube.com/watch?v=2B3DB2POLhs

Họ đã đánh bại Fabio Capello

Nhưng khi ấy Roberto Baggio không còn là Roberto Baggio người ta đã từng biết đến từ mùa hè nước Mỹ trở về trước. Lối huấn luyện và cách chơi thô lỗ của Marcello Lippi và Fabio Capello đã làm hại Roberto Baggio. Hóa ra, có lẽ cố gắng chạy trốn của Robero Baggio khỏi Juventus, khỏi Marcello Lippi của Roberto Baggio trở thành công cốc khi anh gặp phải Fabio Capello. Cú đá phạt đẹp mắt nâng tỷ sổ lên 2-0 trong trận lượt đi là điều cuối cùng Roberto Baggio có thể làm tốt ở Coppa Uefa năm ấy. Bởi vì đến trận lượt về trên đất Pháp, không còn ai nhớ đến Roberto Baggio nữa. Fabio Capello cho anh ra sân từ đầu nhưng dường như không điền tên anh vào trong cách phương án tấn công. Các đồng đội không ai chuyền bóng cho mà nhỡ có ai chuyền cho thì anh cũng không tranh được. Lởn vởn đằng sau George Weah như một bóng ma trên sân suốt hiệp một, Fabio Capello (có lẽ) chỉ chờ có thế để thay anh ra ngay đầu hiệp hai.

Chắc lúc đó Fabio Capello nghĩ rằng chẳng cần tài đá phạt của Roberto Baggio nữa thì AC Milan vẫn thắng được chung cuộc. Nhưng Fabio Capello đã nhầm, cái lối đá thô lỗ của ông đã hoàn toàn vô hại lại còn không thể nào hóa giải được đội hình uyển chuyển mà thừa sức mạnh của bộ tứ Girondins, nhất là những pha che người, đi bóng kỹ thuật và phân phát hay cả đá phạt đầy tự tin của Zinédin Zidane. Roberto Baggio không được làm Roberto Baggio nữa, Milan không còn là Milan ba lần liên tiếp vào chung kết Coppa dei Campioni nữa và tối hôm ấy thuộc về bộ tứ Girondins là Bixente Lizarazu, Christope Dugarry, Zinédin Zidane và người Hà Lan Richard Witschge. Kết thúc trận đấu là 3-0 cho Girondins và AC Milan đã là một trong những đội hiếm hoi ở cúp châu Âu vẫn thua cuộc dù đã dẫn 2-0 ở lượt đi.

Từ hôm ấy, những người Italia mới biết rằng ở cúp châu Âu thì đừng vội mừng khi AC Milan thắng trước có đến 2-0, 3-0 hay thậm chí 4-0 trên sân nhà. Vì lượt về có thể sẽ rất khác (sau này bạn sẽ thấy lại nhiều lần). Từ hôm ấy những người Italia cũng biết đến Zinédin Zidane và Christophe Dugarry. Ngày số 10 Roberto Baggio ra dấu hiệu lụi tàn cũng là ngày Zinédin Zidane cho biết mình sẽ là số 10 giỏi nhất trong tương lai. Bốn tháng sau đó, Luciano Moggi và Roberto Bettega thuyết phục Girondins nhận lấy 7.5 tỷ lire cho ngôi sao của mình và Juventus đã có được số 10 giỏi nhất trong tương lai ấy, cho dù anh phải chọn số 21 sau lưng vì lúc ấy số 10 ở Juventus đã có ông chủ rồi.
 
Vẫn còn chưa hết những cuộc gặp mặt và chia tay dồn dập vào mùa hè năm 1996. Ở tuyến trên, tiền đạo 32 tuổi Gianluca Vialli và Fabrizio Ravanelli cùng nhau mở ra một làn sóng những cầu thủ Italia sang nước Anh trong những năm này. Gianluca Vialli đầu trọc đến Chelsea còn tay đầu bạc Fabrizio Ravanelli chọn Middlesbrough. Đó là những ngày tháng mà các câu lạc bộ Anh đang chuyển mình từ sau khi giải Premier League ra đời được vài năm, doanh thu của họ tăng lên cao đã khiến cho nhu cầu về cầu thủ ngoại tăng lên. Trong khi đó các cầu thủ Italia hay đã từng thi đấu ở Serie A lại rất được mê. Nước Anh sau mấy năm bị cấm thi đấu ở cúp châu Âu đã tụt lại quá xa về trình độ so với Serie A. Họ đã nhìn thấy Serie A thống trị ở ba cúp châu Âu và có lẽ một phần vì thế mà… sung sướng cả khi kiếm được mấy món hàng thải từ đó. Kết quả là những cầu thủ không được trọng dụng như Dennis Bergkam, Patrick Viera; hết thời như Gianfranco Zola, Ruud Gullit, Gianluca Vialli, Pierluigi Casiraghi, Di Canio; hay làng nhàng như Benito Carbone, Paolo Tramezzani đều kiếm được những chỗ làm với mức lương hàng chục nghìn bảng một tuần mà có nằm mơ họ cũng không có ở Serie A.

Sự ra đi của bộ đôi tiền đạo đóng góp phần lớn thành công của Juventus 2 năm qua giúp Juventus trẻ hóa triệt để. Sau khi mua được Alen Bokšić 26 tuổi (người từng có mặt trong đội hình Olympique de Marseille vô địch Champions League 1992/93 cùng với Didier Deschamps) từ Lazio, Luciano Moggi giới thiệu hai tiền đạo trẻ mới toanh là Nicola Amoruso bằng tuổi 23 với Del Piero và cũng từ Padova – đồng đội cũ và là anh bạn thân thiết của Alex Del Piero; cộng với tay tiền đạo to lớn Christian Vieri mới 24 tuổi và lại từ Atalanta với cái giá ngang ngửa Zinédin Zidane. Lúc ấy Juventus phải trả cho Atalanta 7.3 tỷ lire để có được anh chàng lông bông mà sau này được gọi là Bobo đa tình này. Cá tính du mục đa tình của Christian Vieri có lẽ đã là tài năng nổi bật của anh chàng mới 24 tuổi đã trải qua 8 đội bóng khác nhau, sinh ra ở Bologna, lớn lên ở Australia rồi trở về để thành ngựa giống Italia cứ như là tay đấm Rocky Balboa của diễn viên Sylvester Stallone không bằng. Vậy mà sau này ngựa giống Bobo đã chinh phục con tim không chỉ hàng chục thiếu nữ mà cả hàng triệu bianconeri, không chỉ mang về cho Juventus hàng chục tỷ lire mà còn trở thành niềm tự hào của Luciano Moggi và Robeto Bettega trong cuộc đời làm ăn buôn bán, không phải bằng tài năng đó, mà là bằng những bàn thắng.

(http://31.media.tumblr.com/cf5e86edd9fdec9ab8662f848b1ab375/tumblr_mp5h57C3h81rwkiq1o1_1280.png)

(http://25.media.tumblr.com/tumblr_lnkwv1LzSa1qfxktpo1_500.png)

Một ngày nào đó Christian sẽ trở thành Bobo

Trẻ hóa, nhưng không phải bằng những anh chàng 18 tuổi chân tay còn lóng ngóng mà bằng những người đã thực sự khẳng định được mình. Trẻ hóa, nhưng không phải là cách bất ngờ lột bỏ bộ áo khô rách để thành non tơ của con ve sầu mà giống như quá trình thay vỏ từ từ của một thân cây hộ pháp. Đó là sự khác biệt mà Juventus đã tạo nên, giúp cho đội bóng có được sự liên tục mà không phải trả giá vì mạo hiểm như rất nhiều đội bóng khác – như cả Juventus trong quá khứ. Với một đội hình trẻ trung và sung sức như thế, Marcello Lippi đưa quân lao vào mùa giải 1996/97, mùa giải kỷ niệm 100 năm ngày Juventus được sinh ra.

Cũng trong mùa hè này ở Milano, Fabio Capello đã rũ áo sang Tây Ban Nha sau khi phục thù bằng scudetto ở mùa giải trước, và để lại một đội bóng tan hoang với hàng thủ già cỗi vừa được tăng cường thêm... trung vệ kỳ cựu Pietro Vierchowod để chơi cặp với Franco Baresi. Lúc ấy Pietro Vierchowod ba mươi bảy tuổi còn Franco Baresi ba mươi sáu (!).


: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: The_Lover January 08, 2014, 05:16 PM
Đọc tê hết cả người anh Pavel ơi!  :m1205:
Ảnh đầu tiên của Vieri, chú gì bị kéo áo giống diễn viên trong film "Cám dỗ" thế nhỉ?
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: akazzurri January 08, 2014, 08:48 PM
Trong ảnh sau Amoruso là ai thế anh Pavel nhỉ, tìm mãi không ra  :m1809:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 08, 2014, 09:40 PM
Trong ảnh sau Amoruso là ai thế anh Pavel nhỉ, tìm mãi không ra  :m1809:

Anh không có tài xem ảnh lắm. Nhưng ngày đó nếu đeo vòng cổ dây màu đen thì có thể là Tacchinardi.

(http://www.cremaoggi.it/wp-content/uploads/2013/05/tacchinardi_juve.jpeg)
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Laoai_Delpiero January 09, 2014, 08:54 AM
 Cũng tàm tạm  :dancing:, bao giờ có sách thì nhớ free em 1 cuốn nhé   :drooling: :drooling: :drooling:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: akazzurri January 09, 2014, 09:51 AM
Anh không có tài xem ảnh lắm. Nhưng ngày đó nếu đeo vòng cổ dây màu đen thì có thể là Tacchinardi.

[/center]
Chắc giữa mùa xuống tóc nên em không nhận ra
(http://mundialinterclubes.tripod.com/sitebuildercontent/sitebuilderpictures/f_bianconeri2m_76895fc.jpg)
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Duong Qua January 09, 2014, 01:59 PM
Hiện tại mình có hỏi thăm giá in trong Sài Gòn như Pavel nhờ, có chỗ từng làm brochure cho cơ quan mình chất lượng đàng hoàng báo giá như sau: với khối lượng 100-500 bộ thì giá tính ra là 8.000đ/tờ A4 in offset 4 màu 2 mặt, giấy C150 gsm, đóng 2 gim thành phẩm kể cả công thiết kế dàn trang (bên mình đưa file Word cho họ làm). Mình có thử copy tất cả các bài Pavel đưa lên, vào khổ A4 với các lề đều là 2cm và chưa dàn trang thì được 130 trang, nếu hết cả bộ chắc tầm 200 trang như vậy tính ra 800.000đ/bộ, giá quá cao sợ khó làm số lượng lớn.

Còn đây là giá tìm được trên mạng, giá 6.000đ/tờ, chất lượng chưa kiểm định:
http://inmaure.com/in-mau-gia-re.html?gclid=COzkztrE8LsCFQhgpQodYWUAYg
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Laoai_Delpiero January 09, 2014, 05:01 PM
 Cao quá nhỉ,tầm 4-500 thì ko phải juventini mua được. Bác em đang làm nhà in báo Lao Động, hỏi ko biết có giúp được gì ko?
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 09, 2014, 09:36 PM
Hiện tại mình có hỏi thăm giá in trong Sài Gòn như Pavel nhờ, có chỗ từng làm brochure cho cơ quan mình chất lượng đàng hoàng báo giá như sau: với khối lượng 100-500 bộ thì giá tính ra là 8.000đ/tờ A4 in offset 4 màu 2 mặt, giấy C150 gsm, đóng 2 gim thành phẩm kể cả công thiết kế dàn trang (bên mình đưa file Word cho họ làm). Mình có thử copy tất cả các bài Pavel đưa lên, vào khổ A4 với các lề đều là 2cm và chưa dàn trang thì được 130 trang, nếu hết cả bộ chắc tầm 200 trang như vậy tính ra 800.000đ/bộ, giá quá cao sợ khó làm số lượng lớn.

Còn đây là giá tìm được trên mạng, giá 6.000đ/tờ, chất lượng chưa kiểm định:
http://inmaure.com/in-mau-gia-re.html?gclid=COzkztrE8LsCFQhgpQodYWUAYg

Hi sếp, không cần to A4 và in màu toàn bộ vậy đâu. Mình nghĩ chỉ cần in được giống như cuốn sách bình thường thế này:

- Kích thước 13x20cm hoặc 14x20.5cm
- Số trang: 300-400 trang.
- Chất liệu lõi: giấy carbon màu
- In 2 màu đen + xanh
- Bìa màu tự thiết kế.
- Gáy đóng dán hồ.
- Kèm theo 10-20 trang in màu để in ảnh kèm vào.
- Số lượng 100 cuốn.

Các sếp hỏi giúp xem giá thế nào.

Mình nghĩ chỉ khoảng dưới 1000/ trang. Cái mình cũng lo nữa là không biết ở HN và SG có dám in loại này không. Nếu không dám thì phải nhờ chỗ bí mật :d
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Duong Qua January 10, 2014, 01:44 PM
Thế thì để tìm quyển sách nào như yêu cầu rồi chạy đi hỏi mới biết được. Có mấy địa chỉ này không biết sao:
http://vozforums.com/showthread.php?t=1331384
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr January 23, 2014, 09:57 PM
Chuẩn bị lùng cái này nè:

http://www.youtube.com/watch?v=17afdLPp2yE
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr February 07, 2014, 05:38 PM
Kìa là những đối thủ của Marcello Lippi đã đến

Chính đương kim vô địch AC Milan đã tự tiêm thuốc liệt vào bắp chân mình để trao cơ hội cho Juventus và các đội khác biến Serie A mùa giải 1996/97 thành một trong những mùa giải cân bằng nhất. Juventus đã khởi đầu từ từ và chắc chắn giống như chính thời gian hòa nhập của tiền vệ tấn công Zinédine Zidane cũng như Alen Bokšić và Christian Vieri. Trong khi Del Piero dần dần lớn lên thành một ngôi sao sáng, trên hàng công của Juventus đã có cả thảy 5 người xoay tròn là Nicola Amoruso, Christian Vieri, Michele Padovano, Alen Bokšić và Del Piero.

Họ không thua nhiều như 2 mùa giải gần nhất, mà chậm rãi với những chiến thắng 1-0 hoặc 2-1 dù Juventus cũng hòa khá nhiều một phần cũng vì hai chấn thương rất nặng. Đầu tiên Juventus chịu thiệt quân ngay từ cuối tháng 9 năm 1996 khi Antonio Conte phải nghỉ luôn một mạch đến gần cuối mùa giải. May là còn có 6 tiền vệ khác và sự hòa nhập của Zinédine Zidane, Alen Bokšić ở trên cũng như Paulo Montero phía dưới đã tạo nên một đội bóng chắc chắn, hơi thô ráp nhưng cũng uyển chuyển khó ngờ. Quan trọng là nó có thể đảm bảo chiến thắng dù hơi khó khăn. Ngay hai trận đầu tiên cho Juventus ở Coppa Italia và Serie A thì Christian Vieri đã ra mắt hai bàn.

http://www.youtube.com/watch?v=ez32mFd937I

Derby d'italia đầu tiên của Zinédin Zidane

Ngay trận đầu tiên cho Juventus ở Coppa dei Campioni thì Alen Bokšić đã mở hàng hạ đối thủ Manchester United 1-0. Đến vòng 6 Serie A, trong trận derby d’italia đầu tiên góp mặt, đến lượt Zinédin Zidane sánh bước cùng anh em mới đến bằng cả tá đường chuyền nguy hiểm và một cú sút xa hạ được luôn Gianluca Pagliuca của Inter Milan, 2-0. Nicola Amoruso muộn hơn một chút khi chia sẻ vị trí xoay vòng dự bị với Michelo Padovano nhưng cũng kịp thời tỏa sáng khi mùa đông bắt đầu, nhất là sau khi anh bạn thân Del Piero bắt đầu nếm trải khổ cực của cuộc đời cầu thủ ngôi sao vì những vết thương đau đớn mà sau này bạn sẽ thấy. Còn Paulo Montero? Anh ta biến hàng thủ Juventus trở nên sắt đá và đến cuồi mùa sẽ cho bạn biết một vài con số thống kê thú vị khi gã bắt đầu gây ấn tượng ở đây theo một cái cách rất là điên rồ.
 
Trong khi đó ở Milano của Roberto Baggio với huấn luyện viên mới hiền lành người Uruquay Oscar Tabárez, còn khởi đầu rất thê thảm. Đối thủ mới của Juventus nổi lên không hề xa lạ: AC Parma. AC Parma, đội bóng của ông trùm thực phẩm giờ đây sở hữu một đội hình tài năng bậc nhất thời đó: gồm có thủ môn Giabluigi Buffon; các hậu vệ Fabio Cannavaro, Lilian Thuram, Antonio Benarrivo, Roberto Mussi; tiền vệ Dino Baggio, Néstor Sensini; tiền đạo Enrico Chiesa, Hérnan Crespo cùng với huấn luyện viên trẻ Carlo Ancelotti chính là một trong những tiền vệ của AC Milan từ cái thời mà họ còn là đội bóng mạnh nhất châu Âu vài năm trước. Anh này vừa thay cho Nevio Scala vừa bị tụt lùi xuống làm huấn luyện viên ở Perugia. Bốn trong số những cái tên khét tiếng kia của AC Parma kia sau này sẽ thuộc về Juventus và họ sẽ để lại những kỷ niệm đẹp không thể nào quên đối với những người bianconeri. Nhưng đấy là chuyện mãi sau này. Còn lúc đó thì cần phải dè chừng như mấy năm qua Parma luôn là đối thủ khó chịu nhất.

Bên cạnh AC Parma của ông trùm bơ sữa là SS Lazio của ông trùm công nghiệp thực phẩm Sergio Cragnotti. Có vẻ như đồ ăn thức uống lúc đó đang lên ngôi trong làng bóng đá Italia. Từ khi mua lại SS Lazio vào năm 1992 như đã kể ở trên thì gia đình ông chủ đã bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của mà kể. Đến lúc bấy giờ họ đã có trong tay huấn luyện viên Zdeněk Zeman, Paolo Negro, Alessandro Nesta, Diego Fuser, Roberto Di Matteo, Giuseppe Favalli, Aaron Winter, Pierluigi Casiraghi, Roberto Rambaudi, Giuseppe Signori và cả Pavel Nedvěd vừa mới đến nữa. Trong đội này đến cả Alen Bokšić cũng không cạnh tranh được mà phải cuốn gói lên miền bắc với Juventus. Hoặc là Zdeněk Zeman không thích anh ta.

(http://static.fanpage.it/calciofanpage/wp-content/uploads/gallery/buon-compleanno-zeman/zeman-ai-tempi-della-lazio-con-mondonico.jpg)

(http://4.bp.blogspot.com/-pTZ3bZBO1eA/UQOsYYRYIvI/AAAAAAAAMmw/MPPvJc2WfLk/s1600/bk1.jpg)

Ngày ấy Zdeněk Zeman trẻ trung thật đáng gờm

Chiếc đinh ba Rambaudi – Casiraghi – Signori của Zdeněk Zeman xuyên thủng mọi hàng phòng ngự chắc chắn nhất và Lazio bay cao trên bảng xếp hạng Serie A. Juventus với Marcello Lippi đã chịu những thất bại đậm nhất tại Serie A trong giai đoạn 1994-1998 này là trước một Lazio như thế. Như trong cái năm hồi sinh 1994/95, Juve đã thua trắng 3 quả ngay trên sân nhà Delle Alpi vào ngày 7 tháng 5 năm 1995 lúc Andrea Fortunato vừa mới qua đời. Năm tháng sau, chính đội Lazio này lại nã vào khung gỗ Juventus 4 quả trắng ở trận lượt đi Serie A 1995/96 ngày 29 tháng 10 năm 1995, trong một thế trận mà Juventus hoàn toàn bị lấn lướt và tất cả những gì đội bóng thành phố Torino làm được là cú sút dội xà ngang của Fabio Ravanelli. Lazio của Zdeněk Zeman phóng khoáng tấn công mê mẩn với sơ đồ 4-3-3 đã giành ngôi Á quân Serie A mùa bóng 1994/95 chỉ sau Juve, đứng thứ ba mùa bóng 1995/96 sau bộ đôi Milan/Juventus. Từ ấy giữa Zdeněk Zeman và Juventus có những mối ràng buộc ngày càng gai góc. Cả mãi những mùa giải về sau này cũng thế. Người ta khó giải thích tại sao giữa Juventus và Zdeněk Zeman lại có nhiều mối bất hòa đến thế, cho dù ông có là cháu của Čestmír Vycpálek, dù cho, có lẽ Zdeněk Zeman đã từng là một người yêu Juventus rất mực.

Zdeněk Zeman và những người đồng hương của ông thuộc về lịch sử, một lớp người đã di cư đến Italia vì tình hình chính trị Cecoslovacchia rối loạn thời chiến tranh lạnh. Cuối hè năm 1968, Zdenek khi đó mới 20 tuổi cùng một vài anh em họ hàng từ Praha đến thăm ông bác của mình, Cestmir Vycpalek đang ở Italia. Đúng lúc đó tại thủ đô Praha có biến động. Những bất đồng chính trị ở Praha khiến cho 200 nghìn quân cùng 2 nghìn xe tăng Soviet và các nước khối Varsawa khác đã tràn qua biên giới, chiếm đóng Praha, bắt giữ nhiều lãnh đạo có xu hướng đổi mới theo Nato. Họ lo sợ rằng những rối loạn chính trị ở Cecoslovacchia sẽ kéo nước này rơi vào tay khối Nato trong lúc mà Chiến tranh lạnh ở châu Âu và Chiến tranh Việt Nam đang hết sức quyết liệt. Biên giới phía đông của Cecoslovacchia là hàng rào thép (iron curtain hay là cortina di ferro) phân chia gianh giới phòng thủ giữa khối Varsawa và Nato. Nếu Cecoslovacchia lúc đó đang trung lập về quân sự mà ngả về phía Nato, cả khối Varsawa sẽ chao đảo. Điều đó không được phép xảy ra và Praha bị chiếm đóng.

(http://robsmovievault.files.wordpress.com/2013/07/2004_the_terminal.jpg)

Đây là Tom Hanks? Không, là Zdeněk Zeman !

Zdeněk Zeman lạc vào hoàn cảnh gần giống với chàng trai thông minh Viktor Navorski (do Tom Hanks đóng) trong bộ phim The Terminal của Hollywood. Anh bị kẹt ở ga hàng không New York, John Franklin Kennedy. Khi đang đến New York để mong gặp mặt một ngươi chơi nhạc Jazz theo ước muốn của cha mình thì ở quê hương anh có đảo chính quân sự. Nhưng nếu Viktor Navorski bền lòng chờ đợi và tìm mọi cách để trở về đất nước vùng Balkan thân yêu của mình thì Zdeněk Zeman có cách lựa chọn khác, ở lại Italia luôn theo ông chú như một người chạy tị nạn. Cho đến hơn 20 năm sau, Zdeněk Zeman lấy một người vợ Palermo, đã thành người Italia và đã theo bước chú để trở thành huấn luyện viên bóng đá ở Serie A mà lên đến đỉnh cao là ở As Roma và Lazio này.
Hồi mùa hè vừa rồi, Sergio Cragnotti đã vỗ vai Zdeněk Zeman và nói “anh cần cầu thủ nào thì cứ nói với tôi, tôi có tiền” và Zeman đã mang về Pavel Nedvěd từ Sparta Prague. Lazio đã bước vào mùa giải 1996/97 với đầy hi vọng thế nhưng, nó đã bắt đầu theo một cái cách mà không một cổ động viên Lazio nào có thể ngờ tới. Lazio ông bị đội bóng Tây Ban Nha Tenerife nã 5 bàn vào khung thành trong trận đấu lượt về vòng 2 Coppa Uefa, chỉ giành được 1 điểm sau 3 trận đấu đầu tiên ở Serie A và lòng kiên nhẫn của chủ tịch Sergio Cragnotti cạn dần.

Mùa xuân 1997, sau một nửa mùa bóng mà Lazio vẫn vất vưởng ở nửa sau bảng xếp hạng Serie A, Zdeněk Zeman phải ra đi. Những tháng ngày đẹp đẽ nhất trong sự nghiệp huấn luyện của Zdeněk Zeman kết thúc trong tủi hổ và có lẽ không bao giờ, Zdeněk Zeman còn có thể tiến gần đến một danh hiệu lớn như thời điểm đó. Trên đường ray của con tàu Juventus luôn có bóng dáng đe dọa của Zdeněk Zeman nhưng rồi họ sẽ nghiền nát hết, vượt qua hết và chỉ để lại cho ông ta những nỗi niềm cay và đắng. Zdeněk Zeman không còn là đối thủ của Marcello Lippi nữa mà là người khác.
 
Cùng với những bước đi chắc chắn tại Serie A, ở Coppa dei Campioni và các cúp là một Juventus đã là đàn anh. Tại vòng bảng Coppa dei Campioni 1996/97, đội quân của Marcello Lippi gặp Manchester United của Alex Ferguson và bắt đầu câu chuyện dài giữa những con người ấy. Manchester United là đội bóng mà các cầu thủ ngôi sao Peter Schmeichel, Éric Cantona, Dennis Irwin và Gary Pallister đang dẫn dắt một thế hệ đàn em tài năng hiếm có gồm Roy Keane, Ryan Giggs, anh em nhà Neville, Nicky Butts, David Beckham, Paul Scholes, Karel Poborský và cả Jordi Cruijff – ấy một thế hệ mà Alex Ferguson phải mất nhiều năm chịu khó chăm bẵm và thu mua mới có. Sau mười hai năm gặp lại Manchester United, lần đầu tiên Alex Ferguson gặp Marcello Lippi, mọi người nhanh chóng nhận ra rằng Alex Ferguson và Manchester United đã đi chậm hơn Juventus rất nhiều. Lối chơi tất công nhanh bóng dài của Alex Ferguson không làm khó được ai. Juventus thắng cả hai trận với tỉ số 1-0, kết thúc vòng đấu bảng với 5 trận thắng 1 trận hòa.

(http://i.dailymail.co.uk/i/pix/2013/05/07/article-2320280-0000184300000258-677_964x858.jpg)

Alex Ferguson đã xuất hiện từ nước Anh

(http://www.oocities.com/Colosseum/7366/utd3.jpg)
(http://www.oocities.com/Colosseum/7366/utd2.jpg)

Alen Bokšić  và Del Piero trong màn chào hỏi giữa Alex Ferguson và Marcello Lippi năm 1996

Cặp đôi tiền đạo Del Piero – Alen Bokšić hay Christian Vieri - Alen Bokšić (khi đá 4-4-2) và cặp ba Del Piero - Christian Vieri – Alen Bokšić (khi đá 4-3-3) dần trở nên ăn ý rồi bắt đầu ghi những bàn thắng quan trọng đằng sau vai trò ngày càng lớn của Vladimir Jugovic, Didider Deschamps và Zinédine Zidane. Điều quan trọng nhất là tất cả các cầu thủ đã được Marcello Lippi đặt dưới nền tảng là hệ thống chiến thuật phòng thủ khu vực hiện đại chắc chắn với nhiều cách tân của riêng cá nhân ông – điều đã làm ông nhận được những lời khen ngợi cả từ những đối thủ đã thất bại dưới tay mình, chẳng hạn như Alex Ferguson. Những tờ báo Anh bắt đầu so sánh, bắt đầu ca thán về lối chơi kick and rush thô sơ của họ, rằng hãy nhìn và xem Juventus đã chơi như thế nào đi.

---

Đoạn kể về Zdeněk Zeman theo lời của anh bạn Rafael-nadal

P/s: thế là hết ngày làm việc thứ 6...


: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: The_Lover February 11, 2014, 08:21 PM
Xuất bản là múc luôn, miễn bình luận!  :juve1:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr April 05, 2014, 11:25 AM
Người Nhật yêu Del Piero vì thế

Ngày 26 tháng 11 năm 1996, 6 ngày sau khi Del Piero ghi bàn duy nhất trên chấm 11m đánh bại Manchester United của Éric Cantona tại Old Trafford, Juventus bay sang Tokyo gặp River Plate - đội vô địch Coppa Libertadores - để tranh cúp liên lục địa Coppa Intercontinentale. Có một điều đặc biệt, đây là lần thứ 3 Juventus góp mặt trong trận tranh cúp liên lục địa Coppa Intercontinentale mà đối thủ đều là các đội bóng Argentina.
 
 Lần đầu tiên vào tháng 11 năm 1973. Lúc đó đội hình hơi khập khễnh của ông Čestmír Vycpálek không được mạnh mẽ nữa sau khi tan mộng đẹp ăn ba ở mùa giải 1972/73. Đội vô địch Coppa dei Campioni năm đó Ajax Amsterdam đã từ chối thi đấu hai trận đi về với đội vô địch Nam Mỹ là Independiente (trận lượt về ở Argentina) vì đội bóng này và Johan Cruijff đã bị một bọn ultras nào đó dọa giết khi đến Argentina năm 1972. Những năm này là những năm mà Coppa Intercontinentale được tổ chức rất hời hợt. Chẳng có ai đứng ra làm chủ, không có nhiều tiền thưởng, đến cuối những năm 70s, khán giả châu Âu còn không quan tâm lắm. Mối giao thương giữa Nam Mỹ Argentina, Uruguay, Chile, Brasile và châu Âu thời gian căng thẳng nhất của chiến tranh lạnh này không hề êm ả ảnh hưởng rất lớn đến bóng đá qua các sự kiện Cúp thế giới 1962 tại Chile, 1966 tại Anh. Đó là những cuộc đảo chính quân sự và chiến tranh du kích giải phóng dân tộc tại Bolivia, đảo chính quân sự năm 1964 tại Brasile, đảo chính quân sự năm 1973 của Augusto Pinochet ở Chile, đảo chính quân sự, bất đồng chính kiến và chiến tranh bẩn tại Argentina hay sau này là căng thẳng tranh chấp quần đảo Falklands giữa Argentina và Anh, vân vân và vân vân những cuộc chiến tranh, đảo chính, đối đầu đông tây hay những âm mưu can thiệp mà người ta nói CIA đã sắp đặt hết.

Tất cả khiến cho các sân vận động bóng đá tổ chức các trận Coppa Intercontinentale chỉ trực chờ bạo loạn. Các đội Brasile nhất loạt bỏ không chơi các giải đấu quốc tế từ 1966 đến 1970 vì cho là bị đối xử không thể chấp nhận được tại Cúp thế giới 1966. Trong khi đó tình hình bạo lực trên sân, trên khán đài và cả ngoài đường phố lại hết sức gay go, như vụ đánh nhau bầm dập giữa các cầu thủ AC Milan và Estudiantes năm 1969 trên đất Argentina. (Thật ra là các cầu thủ Milan bị cổ động viên và cầu thủ đội Estudiantes đánh cho máu me bê bết từ lúc bước ra từ đường hầm cho đến lúc kết thúc trận đấu). Đó là những ngày tháng hỗn loạn tại Nam Mỹ và bóng đá không còn là bóng đá nữa.

(http://www.magliarossonera.it/img196970/alb59a_1970.jpg)
Báo chí Italia và châu Âu đưa tin về trận Estudiantes - Milan như đưa tin bạo loạn

(http://www.storiedicalcio.altervista.org/images/Milan_estudiantes_Combin_sangue.jpg)
Đây là hình ảnh Néstor Combin bị đánh. Anh là một người Argentina nhưng khoác áo đội Pháp và chủ yếu đá ở Pháp và Italia (cho Juve và Milan) 

Tổ chức mấy trận này các đội bóng không thu được gì, có khi còn lỗ chổng vó. Ajax Amsterdam từ chối và Juventus được thay thế vì là đội về nhì Coppa dei Campioni nhưng Coppa Intercontinentale năm ấy cũng chỉ được tổ chức trận lượt đi tại Roma khi Independiente thắng 1 - 0 còn trận lượt về tại Argentina không được tổ chức vì Juventus có lẽ cũng đã không muốn bị dọa giết như Ajax hay sợ bị đánh như AC Milan không còn đường về châu Âu, dù lí do được đưa ra là không sắp xếp được thời gian phù hợp. Coi như Independiente vô địch năm 1973.

Lần thứ hai của Juventus vào năm 1985. Lúc này cúp liên lục địa đã có tên là Toyota Cup. Bởi vì từ cuối những năm 1970s, trong lúc tất cả đều đang thấy Coppa Intercontinentale đã trở nên hư hỏng xấu xí thì hãng công nghiệp motor và thiết bị công nghiệp Toyota lại thấy đây là cơ hội để quảng cáo sản phẩm của mình, ngoài ra còn có thể mang bóng đá đỉnh cao đến Nhật Bản nơi còn là một vùng chiêm trũng trên bản đồ bóng đá thế giới. Toyota đã đạt được thỏa thuận tổ chức chỉ một trận duy nhất hàng năm trên đất Nhật, bắt đầu từ năm 1980 với chiếc cúp Toyota. Như có một luồng sinh khí mới thổi vào giải đấu.

Đây là quãng thời gian các đội Nam Mỹ đang vượt hơn châu Âu. Từ năm 1977 đến 1984, nghĩa là 9 năm liên tiếp không một đội bóng châu Âu nào có thể thắng Coppa Intercontinental cho đến khi Juventus gặp Argentinos Juniors vào ngày 8 tháng 12 năm 1985 trên sân vận động Quốc gia ở Tokyo. Juventus chấm dứt 9 năm các đội châu Âu bị qua mặt. Họ còn đoạt scudetto vào cuối mùa bóng ấy. Nhưng như là có một chuyện gì đó bí ẩn, kể từ đó Juventus bắt đầu thời kỳ đen đủi kéo dài 9 năm không có scudetto cho đến tận năm 1995.

Lần thứ 3 này đối thủ là dòng sông bạc River Plate. Bên phía đội bóng Argentina, không phải sự xuất hiện của Juan Pablo Sorín – cầu thủ vừa mới trở về từ Juventus – làm người ta quan tâm trước khi bóng lăn trên sân vận động Quốc gia. Mà những ánh mắt có thể đã chiếu vào Ariel Ortega, chàng trai được ví như người thừa kế của Diego Maradona; những ánh mắt có thể đã chiếu vào Enzo Francéscoli – người được gọi là hoàng tử bóng đá Nam Mỹ 36 tuổi đang chơi mùa bóng cuối cùng của mình trước khi giã từ sân cỏ. Những ánh mắt có thể đã chiếu vào huấn luyện viên Ramón Diáz, biểu tượng một thời của River Plate để họ so sánh với Diego Maradona của Boca Juniors. Nhưng không, khi trận đấu bắt đầu, tất cả đều nhìn Zinédine Zidane nhảy múa trước mặt thần tượng Enzo Francéscoli của anh, nhìn Alen Bokšić bỏ lỡ khá nhiều cơ hội, và nhìn người trẻ tuổi Del Piero xoay người sút một cú thật khó làm ngỡ ngàng thủ môn Roberto Bonano để đem về chiến thắng và giành luôn giải thưởng người chơi hay nhất trận đấu là một chiếc xe hơi.

(http://www.sport.it/fnts/sport/immagini/resized/j/u/juventus-vs-river-plate-coppa-intercontinentale-1996_2516439_550x413.jpg)

(http://media.diariopopular.com.ar/imagenes-01430000722409106110347/river-campeon-del-mundo-caso-doping.JPG)

http://www.youtube.com/watch?v=Jaa0kUe4aes

Del Piero trên đất Tokyo 1996

Juventus giành cúp bằng bàn thắng duy nhất hôm ấy, mang chiếc cúp Coppa Intercontinentale thứ hai về Torino. Còn với Del Piero, chỉ trong một tuần, anh chiến thắng hai biểu tượng lớn là Éric Cantona và Enzo Francéscoli để biến mình thành một biểu tượng mới trong lòng cổ động viên trên khắp Nhật Bản, khắp nhiều ngóc ngách của thế giới, thành tình yêu trong trái tim hàng triệu cô gái trẻ. Hai mươi hai tuổi, anh đã mặc áo số 10, ông Gianni Agnelli đã gọi anh là họa sỹ Pinturicchio để sánh với họa sỹ Tintoretto Roberto Baggio. Hai lần đến Tokyo là hai lần Juventus chiến thắng, để thấy vì sao người Nhật yêu mến Michel Platini và Del Piero. Nhưng Juventus của Del Piero vẫn còn phải gặp những khó khăn thực sự là ở Serie A sau mùa Giáng sinh chứ không phải trong một trận đấu tranh Coppa Intercontinentale ở Tokyo như thế này.

Chiến thắng ở Tokyo giúp cho tinh thần của đội phấn chấn và đã giành 4 trận thắng liên tiếp. Thử thách thực sự đến ngay sau kỳ nghỉ Giáng sinh ngày 5 tháng 1 năm 1997, đội bóng xuống sân bóng Ennio Tardini của đối thủ trực tiếp AC Parma. Ở đó, Dino Baggio, Gianluigi Buffon và những người xứ Emilia-Romagna đã tiếp đón Juventus bằng những điều không thể nào quên: Một sân bóng đất lạnh cứng mùa đông loang lổ cỏ chết, những khán đài ultras chật ních và dưới sân là trận đấu thô bạo, những pha đánh nguội, những cú đốn giò, 4 chiếc thẻ đỏ chia cho Enrico Chiesa, Alessandro Meli, Moreno Torricelli, Zinédine Zidane và cuối cùng là bàn thắng duy nhất dành cho Parma sau một tai nạn không thể tha thứ của thủ môn Angelo Peruzzi. AC Parma đe dọa ngôi số một của Juventus. Một tuần sau, trở về sân nhà, Juventus không thắng nổi Atalanta của cặp đôi tiền đạo Gianluigi Lentini – Filippo Inzaghi.

Một lần nữa trong mùa giải 1996/97 Juventus rơi vào trạng thái lo lắng ở Serie A. Đội bóng cần một kẻ nào đó để xả cơn giận, cần một cái bao bố để đấm đá, gần như thế, nên không may Paris Saint-Germain, nhà vô địch cúp C2 Coppa delle Coppe, bị gọi tên trong trận tranh siêu cúp châu Âu. Lượt đi ngày 15 tháng 1 năm 1997 trên sân Công viên các hoàng tử Parco dei Principi. Trên chính sân nhà đối thủ trong cơn mưa phùn lạnh giá và mặt sân đóng băng, cái tên Paris Saint-Germain đã bị các cầu thủ Juventus mang ra dẫm đạp. Zinédine Zidane chuyền bóng để Michele Padovano và các đồng đội dội vào khung thành thủ môn Bernard Lama 6 bàn thua và chỉ để đối thủ gỡ lại 1 từ chấm phạt đền. 6-1, trận thắng giòn giã này là cuộc vui giải tỏa tâm lí không còn gì tốt hơn. Từ đây Juventus có một loạt trận đấu hài lòng ở Serie A sau đó với các đối thủ mạnh lần lượt là Lazio, Fiorentina, Napoli, Inter Milan, Roma, AC Milan và cả ở Champions League, vào thời điểm quyết định của mùa giải kéo dài từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 4.

http://www.youtube.com/watch?v=b5TeZjqSQZE

Chiếc bao bố Paris Saint-Germain

Đầu tháng 2 năm 1997, Del Piero lại ghi đấu ấn trong lòng cổ động viên bằng hai bàn đẹp mắt để Juventus thắng nốt 3-1 trận lượt về siêu cúp châu Âu với Paris Saint-Germain được tổ chức ở mãi tận dưới Palermo. Tổng tỉ số sau hai trận là 9-2, có lẽ là chênh lệch nhất trong lịch sử của siêu cúp châu Âu Supper Coppa Uefa. Chiếc cúp này giúp cho Juventus của Marcello Lippi sánh ngang với Juventus của thời Giovanni Trapattoni.

Tháng 3 năm 1997, ĐKVĐ Juventus tiến gần đến trận chung kết Coppa dei Campioni sau khi nhẹ nhàng vượt qua nhà vô địch Na-uy Rosenborg ở tứ kết. Tháng 4 năm 1997, đang trong lúc chơi rất ổn định với bốn trận liên tiếp không bị vỡ khung gỗ ở Serie A, Juventus hành quân sang Milano gặp AC Milan ở vòng thứ 26 Serie A. Đối thủ ĐKVĐ AC Milan đang lún sâu vào một đợt khủng hoảng tồi tệ và tụt xuống nửa dưới bảng xếp hạng. Huấn luyện viên cũ của họ Arrigo Sacchi quay trở về thay cho Oscar Tabárez cũng không thể nào xoay chuyển được tình thế. Và đây là lúc để Juventus hành hạ đối thủ thêm một lần: Hai anh trung vệ già Franco Baresi và Pietro Vierchowod không thể nào ngăn cản được với tiền đạo đang hừng hực sức trẻ Christian Vieri. Mauro Tassotti không thể nào che chắn được cho hàng thủ trống huơ trống hoác của mình để các cầu thủ Juventus mặc sức đối mặt với thủ môn Sebastiano Rossi, ghi một mạch 6 bàn cho kết quả 6-1 ngay trước mặt mấy chục nghìn cổ động viên ở San Siro. Roberto Baggio vào sân khi trận đấu còn 15 phút cũng chỉ để calcio biết rằng anh không thể giúp được Milan nữa. Trong rất nhiều lần Roberto Baggio đối đầu với Juventus, đây là lần duy nhất đội của anh để thua đến 6 lần.

(http://2.bp.blogspot.com/-LaQiiB0tCNo/Uerh44_QqDI/AAAAAAAAB-I/5jV1XRUbWTw/s1600/milan-juve_1-6.jpg)

http://www.youtube.com/watch?v=YZBNH7kj_Us

Juventus đã thắng 6 - 1 ngay ở San Siro


Trận đấu này gợi lại kỷ niệm từ năm 1950, lúc đó Gunnar Nordhal và các đồng đội AC Milan đã nã vào khung gỗ Juventus 7 quả tại vòng 23 Serie A 1949/50. Nhưng sau trận thua 1-7 năm 1950 ấy, Juventus vùng dậy thắng 8 trận liên tiếp và cuối cùng đoạt scudetto. Còn bây giờ AC Milan chỉ là cái xác dập nát không thể cất nổi người chứ chưa nói gì đến chuyện vùng lên. AC Milan cũng giống như Paris Saint Germain và chắc buồn nhất, hiểu cho nhau nhất là hai thủ môn Bernard Lama và Sebastiano Rossi. Còn Roberto Baggio nghĩ điều gì trong ngày hôm ấy?

: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: forza_alex April 05, 2014, 11:32 PM



Juventus giành cúp bằng bàn thắng duy nhất hôm ấy, kết thúc 9 năm Coppa Intercontinentale thuộc về Nam Mỹ. Còn với Del Piero, chỉ trong một tuần, anh chiến thắng hai biểu tượng lớn là Éric Cantona và Enzo Francéscoli để biến mình thành một biểu tượng mới trong lòng cổ động viên trên khắp Nhật Bản, khắp nhiều ngóc ngách của thế giới, thành tình yêu trong trái tim hàng triệu cô gái trẻ. Hai mươi hai tuổi, anh đã mặc áo số 10, ông Gianni Agnelli đã gọi anh là họa sỹ Pinturicchio để sánh với họa sỹ Tintoretto Roberto Baggio. Hai lần đến Tokyo là hai lần Juventus chiến thắng, để thấy vì sao người Nhật yêu mến Michel Platini và Del Piero. Nhưng Juventus của Del Piero vẫn còn phải gặp những khó khăn thực sự là ở Serie A sau mùa Giáng sinh chứ không phải trong một trận đấu tranh Coppa Intercontinentale ở Tokyo như thế này.

...

Một lần nữa trong mùa giải 1996/97 Juventus rơi vào trạng thái lo lắng ở Serie A. Đội bóng cần một kẻ nào đó để xả cơn giận, cần một cái bao bố để đấm đá, gần như thế, nên không may Paris Saint-Germain, nhà vô địch cúp C2 Coppa delle Coppe, bị gọi tên trong trận tranh siêu cúp châu Âu. Lượt đi ngày 15 tháng 1 năm 1997 trên sân Công viên các hoàng tử Parco dei Principi. Trên chính sân nhà đối thủ trong cơn mưa phùn lạnh giá và mặt sân đóng băng, cái tên Paris Saint-Germain đã bị các cầu thủ Juventus mang ra dẫm đạp. Zinédine Zidane chuyền bóng để Michele Padovano và các đồng đội dội vào khung thành thủ môn Bernard Lama 6 bàn thua và chỉ để đối thủ gỡ lại 1 từ chấm phạt đền. 6-1, trận thắng ròn rã này là cuộc vui giải tỏa tâm lí không còn gì tốt hơn. Từ đây Juventus có một loạt trận đấu hài lòng ở Serie A sau đó với các đối thủ mạnh lần lượt là Lazio, Fiorentina, Napoli, Inter Milan, Roma, AC Milan và cả ở Champions League, vào thời điểm quyết định của mùa giải kéo dài từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 4.
 


2 chỗ tô đỏ ấy, hình như có sự nhầm lẫn anh ới.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr April 06, 2014, 12:09 AM
2 chỗ tô đỏ ấy, hình như có sự nhầm lẫn anh ới.
Ờ thanks nhé, chiều nay viết trộm trên văn phòng nên trận nọ xọ trận kia, để mốt sửa.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr April 06, 2014, 11:54 AM
Mời anh em xơi trận này P$G - Juve 1 - 6.

http://www.youtube.com/watch?v=b5TeZjqSQZE
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr April 21, 2014, 05:00 PM
Da un secolo di calcio dominiamo questo pianeta

Sau Paris là đến Milano. Sau Milano là thành phố Amsterdam. Đó là tháng ngày dường như bất tận mà châu Âu nằm bẹp dưới những bánh sắt của con tàu Juventus. Ajax Amsterdam và Juventus gặp lại nhau trong trận bán kết lượt đi Coppa dei Campioni vào ngày 9 tháng 4 năm 1997. Ajax - Juventus có thể là một trận chung kết, một vở kịch diễn lại hơi sớm. Những người cũ gặp lại nhau. Ajax hầu như không thay đổi. Vẫn Van der Sar giữ gôn, phía trên anh vẫn là Danny Blind, anh em nhà De Boer, Jari Litmanen, Marc Overmars và bên ngoài huấn luyện viên Louis van Gaal có cơ hội để trả món nợ mà ông đã nhận của Marcello Lippi ở chung kết năm trước. Nhưng rốt cuộc, Louis van Gaal cũng giống như Ottmar Hitzfeld và Alex Ferguson trong những lần đầu tiên gặp gỡ với Marcello Lippi: vẫn chỉ nhận được những bài học. Bởi vì Marcello Lippi và các cầu thủ của mình sẽ không dành cho họ một cơ hội nào. Tối 9 tháng 4 năm 1997 ở Amsterdam hôm đó, cặp tiền đạo dự bị Christian Vieri – Nicola Amoruso đá chính và sơ đồ 4–4-2 hàng tiền vệ nửa giăng ngang nửa kim cương của Marcello Lippi lại kiềm tỏa được 3-4-3 của Luis Van Gaal. Mỗi tiền đạo ghi một bàn từ những pha phối hợp tam giác ngay trước mặt thủ môn Ajax ngay trong hiệp một. Hiệp hai Jari Litmanen gỡ lại cho Ajax một quả nhưng Juventus vẫn thắng nhẹ nhàng 2-1.

Lúc này khi xem Juventus, người ta thường cá với nhau xem ai là người lấy được bóng trong chân Zinédine Zidane nếu không phá bóng đi hết đường biên hoặc phạm lỗi với anh. Nếu không thì anh sẽ thiết kế một pha tấn công nguy hiểm ngay lập tức, rất mềm mại kỹ thuật nhưng cũng tốc độ. Người ta cũng hỏi xem tại sao cứ vào sân là mồ hôi trên mặt của Zinédine Zidane rơi lã chã như mưa không dứt. Không có ai giống anh như vậy cả. Chẳng có mấy ai lấy được bóng trong chân Zinédine Zidane. Đó là vì kỹ thuật rê dắt và che bóng điệu nghệ của anh. Và cũng chẳng ai biết tại sao anh lại đổ mồ hôi nhiều đến như thế, chắc tại vì cơ thể anh có điều gì đặc biệt.

(http://www.reocities.com/Colosseum/7366/ams1.jpg)

(http://static.sport.it/fnts/sport/immagini/resized/c/h/christian-vieri-juventus_10251803_980x735.jpg)

http://www.youtube.com/watch?v=NgtyN8DsgME

Zidane và Vieri làm chao đảo Ajax

Hai tuần sau trận lượt đi là lượt về ngày 23 tháng 4 năm 1997. Lúc này Ajax mới biết Paris Saint-Germain và AC Milan đã phải chịu đựng như thế nào: bị dồn ép mà không thể chống cự được. Dù Del Piero mới trở lại sau chấn thương ngồi dự bị cùng Nicola Amoruso, Juventus vẫn còn đó số 21 Zinédine Zidane. Anh khiến cho cả những khán đài cũng phải ngả nghiêng vì những pha ngoặt bóng, những cú xoay người của mình. Michele Lombardo và Christian Vieri cùng với Nicola Amoruso (vào sân trong hiệp 2) thỏa sức nhận những đường chuyền ngon lành từ chân Zinédine Zidane, phối hợp và ghi bàn. Cả Zinédine Zidane cũng tự ghi riêng cho mình một quả, á quân Ajax Amsterdam bị hạ 4-1 tại Delle Alpi. Tổng tỉ số sau hai trận đi về là 6-2, Louis Van Gaal lại thua.
Chiến thắng này của Juventus khiến châu Âu phải ngả mũ. Đội trưởng Ajax, Frank De Boer nói rằng anh không còn nhớ lần cuối cùng Ajax của anh bị đánh bại đến 4 bàn là khi nào. Đó là món nợ rất lớn mà Juventus để dành cho Ajax và Louis Van Gaal, là lời hăm dọa mà Juventus gửi đến đối thủ sắp tới. Ở châu Âu, Juventus như con tàu sầm sập lao đi, sẵn sàng cán vụn bất cứ thứ gì. Không ai nghi ngờ rằng Juventus sẽ bảo vệ được chiếc cúp Coppa dei Campioni này. Nhiều người nghĩ rằng ngày Zinédine Zidane đoạt quả bóng vàng sẽ đến nhanh thôi cho dù lúc đó ở Catalunya Tây Ban Nha, một ngôi sao khác cũng đang làm thế giới bóng đá râm ran có cái tên ngắn gọn là Ronaldo.

Sau khi đánh bại Ajax, Juventus có thời gian thảnh thơi để giải quyết nốt vấn đề dai dẳng ở Serie A mang tên AC Parma – đối thủ bám đuổi không mệt mỏi trong suốt cả mùa giải. Chiều 18 tháng 5 năm 1997, đội quân đen-trắng tiếp đối thủ trực tiếp này ở Delle Alpi tại vòng 32 khi khoảng cách giữa 2 đội là 6 điểm. Sau đó một tuần họ còn phải đến Bergamo để gặp Atalanta của Fillippo Inzaghi. Chưa bao giờ AC Parma gần scudetto đến thế. Trận đấu này là cơ hội cuối cùng cho những người xứ Emilia Romagna.

 Sức ép nặng nề của trận đấu khiến cho Zinédine Zidane một lần nữa làm khó đồng đội. Lượt đi anh đã bị thẻ đỏ và Juventus thua Parma 0-1. Bây giờ anh đá phản lưới nhà tạo điều kiện cho AC Parma vượt lên từ giữa hiệp 1. Từ hôm ấy có thể bạn sẽ lờ mờ nhận ra hình như Zinédine Zidane khó kiểm soát được sự bình tĩnh của mình trong những trận đấu căng thẳng, trong những lúc băn khoăn giữa ngã rẽ cuộc đời hay khi bị khiêu khích bằng những trò bẩn thỉu. Ngay trận đấu thứ 5 cho Juventus ở Perugia, anh đã bị hai thẻ vàng. Sau này anh còn có nhiều lần khiến cho những người Juventus nhộn nhạo cảm xúc vì những lần bị thẻ đỏ như thế, cả trong màu áo Juventus lẫn đội Pháp, cả ở Italia hay ra ngoài châu Âu. Đấy chắc là một phần cá tính của Zinédine Zidane. Đôi chân tài hoa đôi khi trở nên thô lỗ không đúng lúc.
 
Cũng may là sau khi Zinédine Zidane đá phản lưới nhà thì Juventus vẫn giữ được sức ép để rồi Christian Vieri bị kéo ngã trong vòng cấm địa và trọng tài đầu trọc Pierluigi Collina chỉ tay vào chấm phạt đền. Nicola Amoruso đánh bại Gianluigi Buffon, 1-1 và hi vọng sụp đổ dưới chân những anh chàng như Dino Baggio, Lilian Thuram, Fabio Cannavaro. Họ đã không chớp được cơ hội cuối cùng để bắt lấy Juventus. Khoảng cách giữa Juventus và Parma vẫn là 6 điểm, Serie A chỉ còn 2 trận đấu nữa, tức là một tuần sau đó, Juventus chỉ cần hòa trên sân Atalanta là giành scudetto lần thứ 24. Không khí sục sôi và sảng khoái lại tràn ngập thành phố Torino.

(http://forum.juventuz.org/attachment.php?attachmentid=35940&stc=1&d=1219334720)

Da un secolo di calcio dominiamo questo pianeta

Sục sôi bởi vì cũng trong thời gian này, cùng với chiến thắng tại Serie A và Coppa dei Campioni, rất nhiều các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đội bóng được tổ chức với tên gọi chung là Juvecentus (nghĩa là ‘100 năm Juventus’ – cento anni di Juventus) trong tuần từ 22 đến 25 tháng 5 năm 1997. Trên tổ hợp trường đua thử Lingotto của Fiat sắp đặt một loạt những phòng trưng bày hình ảnh, cúp và tài liệu lịch sử Juventus. Lịch thi đấu giao hữu giữa Juventus và đội bóng Anh Newcastle (chứ không phải Notts County) được sắp đặt vào tháng 8, một hội cổ động viên lên đến 10 triệu thành viên được lập ra, Trên khán đài Delle Alpi, những tifosi căng biểu ngữ ‘bóng đá từ một trăm năm nay, chúng ta thống trị hành tinh’ (Da un secolo di calcio dominiamo questo pianeta).

Không có niềm tự hào nào lớn hơn như thế. Ngày 23 tháng 5 năm 1997, đúng như dự tính, Juventus kiếm được trận hòa Atalanta tại Bergamo 1-1 ở vòng 33 Serie A. Trong ngày Christian Vieri trở về Bergamo và đối đầu với những người đồng đội cũ, những quan tâm dồn về phía anh. Nhưng khi những người Bergamo còn chưa quên hẳn anh thì họ cũng đã kịp giới thiệu cho Juventus một ngôi sao trẻ mới không kém gì anh, tên là Fillippo Inzaghi. Được rồi, cứ đá xong trận này đã, Juventus và Luciano Moggi sẽ chụp nốt anh chàng này về Torino.

Chính Filippo Inzaghi đã rất gọn gẽ hạ Angelo Peruzzi mởi tỉ số ngay phút thứ 19 lúc mà Christian Vieri còn chưa nóng người. Đầu hiệp hai, Mark Iuliano hôm ấy được đá chính, đã gỡ hòa bằng một quả đánh đầu và Juventus thở phào nhẹ nhõm. Thế là vừa đủ để giành scudetto lần thứ 24 trước một vòng đấu. Đó là scudetto thứ 2 sau 3 mùa bóng của Marcello Lippi bất chấp một điều phi lí rằng Juventus của ông giành được scudetto lần này với số điểm khiêm tốn nhất trong những nhà vô địch: 65 điểm sau 34 trận. Bởi vì đội đã hòa đến 14 trận, chưa có một nhà vô địch nào hòa nhiều đến thế. Nhưng dẫu sao, điều ấy cũng không phi lí bằng việc ĐKVĐ AC Milan của Roberto Baggio và Arrigo Sacchi cuối cùng tụt xuống tận thứ 11, AS Roma thứ 12 và đế chế suy tàn SS Napoli thứ 13. Còn nữa, vì luôn phiên sử dụng 4 tiền đạo khác nhau nên không có bất kỳ cầu thủ nào của đội vô địch Juventus ghi được quá 8 bàn thắng trong khi vua phá khung thành trẻ tuổi Filippo Inzaghi có tận 24 quả. Mà Atalanta của anh chỉ xếp thứ 10, như thế cũng tốt. Không sao, Fillippo rồi sẽ giành được nhiều chiếc cúp sau này.

http://www.youtube.com/watch?v=c-NL2fDTSGw

Ăn mừng scudetto lần thứ 24 ở thành phố Bergamo

Thở phào vì đoạt scudetto trước một vòng đấu. Những người Juventus vui cười trong những ngày Juvecentus. Chỉ có Marcello Lippi có vẻ không vui mừng lắm. Nửa cuối mùa Alessandro Del Piero bị chấn thương vừa mới trở lại, khó mà trông chờ được nhiều. Nicola Amoruso không thể là người đóng thế xuất sắc mãi được. Phong độ của Alen Bokšić trong suốt cả mùa giải không phải là cao lắm. Juventus hòa quá nhiều và trông mệt mỏi ở những vòng cuối Serie A. Những gì hay nhất của Juventus trong năm này có lẽ đã đến từ trước lúc Alessandro Del Piero bị chấn thương hoặc lần cuối cùng thăng hoa là chiến thắng Ajax Amsterdam 4-1. Juventus làm được gì nếu chỉ còn lại Zinédine Zidane và anh không sung sức? Dường như chỉ có một mình Marcello Lippi hiểu và lo những điều ấy trước trận chung kết Coppa dei Campioni năm ngày sau khi đoạt scudetto ở Bergamo.

Ngày 28 tháng 5 năm 1997, những người Juventini mang sang sang thành phố Monaco xứ Baviera của nước Đức những niềm vui ai cũng thấy và nỗi lo chỉ mình Marcello Lippi biết ấy. Nơi đó có sân vận động Olympiastadion chờ đón trận chung kết Coppa dei Campioni lần thứ 5 cho họ. Đối thủ là một cái tên không hề xa lạ, Borussia Dortmund và huấn luyện viên Ottmar Hitzfeld.
Đây là lần thứ 7 mà Ottmar Hitzfeld gặp Juventus, kể từ ngày ông trở thành huấn luyện viên đội bóng áo vàng-đen của thành phố Dortmund. Những trận đấu đi từ chung kết Coppa Uefa (1993, 1995) sang chung kết Coppa dei Campioni. Và dẫu cho Ottmar Hitzfield đã thua đến 4 trong 6 trận trước đó, chỉ hòa được 1 và thắng 1 (thắng khi Juventus đã không còn động lực thi đấu ở vòng bảng Coppa dei Campioni năm trước) thì người ta vẫn phải thầm cảm phục rằng Ottmar Hitzfield và đội bóng của ông ngày càng trở nên kinh nghiệm hơn, nguy hiểm hơn. Nếu trên đường đi đến trận cuối cùng, Juventus đã vượt qua Manchester United hai lần, đánh bại á quân Ajax Amsterdam thì Borussia Dortmund cũng loại nhà vô địch Pháp Aj Auxerre và cũng vượt qua Manchester United hai lần.

Mối quan hệ giữa Borussia Dortmund và Juventus suốt những năm qua đưa vào tay Ottmar Hitzfield những ngôi sao thực thụ đã trải qua những kinh nghiệm và từng nếm quả ngọt trái đắng ở miền bắc Italia. Jürgen Kohler, Stefan Reuter, Paulo Sousa, Andreas Möller, Júlio César đã từng là cầu thủ Juventus, nay bốn trong số họ trừ Júlio César có mặt trong đội hình xuất phát cùng màu áo vàng-đen. Đối mặt với Juventus ở thành phố Monaco hôm ấy đội bóng Đức còn đặt niềm tin vào những người không hề xa lạ như là Stefan Klos, Matthias Sammer, Paul Lambert và Karl Heinz Riedle.

Cuộc đối đầu Juventus – Borussia Dortmund lần này được nâng lên tầm Italia – Cộng hòa liên bang Đức bởi vì ở trận chung kết cúp C3 Coppa Uefa trước đó một tuần cũng là một cuộc đối đầu Italia – Cộng hòa liên bang Đức: Inter Milan của Gianluca Pagliuca, Giuseppe Bergomi, Javier Zanetti, Paul Ince, Youri Djorkaeff, Maurizio Ganz, Iván Zamorano và huấn luyện viên Roy Hodgson gặp Schalke 04 của huấn luyện viên Huub Stevens cùng với Olaf Thon, Andreas Müller và Marc Wilmots. Schalke 04 và Borussia Dortmund là hai đội bóng cùng ở vùng Ruhr với trận derby nổi tiếng. Inter Milan và Juventus là hai đội bóng miền bắc Italia mà trận đấu giữa họ được gọi là derby d’italia cũng nổi tiếng không kém. Trong những năm tháng tươi đẹp nhất của bóng đá Italia này, Inter Milan và Juventus có danh tiếng được đánh giá cao hơn hẳn Schalke 04 và Borussia Dortmund. Schalke 04 chưa từng giành được cúp châu Âu trong khi Borussia Dortmund mới có được một cúp C2 năm 1966. Nhưng khi vào trận, những người Đức cho thấy danh tiếng quá khứ chẳng có ý nghĩa gì hết. Đội tuyển Cộng hòa liên bang Đức đã đoạt chức vô địch châu Âu 1996 và Schalke 04 cùng Borussia Dortmund đã sẵn sàng nối dài những ngày tươi đẹp của người Đức.   

Schalke 04 đã làm được. Ngày 21 tháng 5 năm 1997, trước 81 nghìn khán giả trên sân nhà Giuseppe Meazza, Inter Milan chỉ thắng được Schalke 1–0 khi đã thua 0-1 trên đất Cộng hòa liên bang Đức để rồi gục ngã trên chấm 11m vì không thể chịu nổi sức ép tâm lý. Schalke 04 đoạt cúp C3 Coppa Uefa, lần đầu tiên đoạt cúp châu Âu. Hiệp một cuộc đối đầu giữa Cộng hòa liên bang Đức với Italia đã xong. Borussia Dortmund nhìn thấy và chắc hẳn đã có thêm động lực để tiếp đón Juventus. Không phải đá hai trận đi – về như cúp C3, chung kết Coppa dei Campioni chỉ có duy nhất một trận và Borussia Dortmund có lợi thế lớn vì nó được tổ chức trên sân Olympiastadion của Bayern Monaco, chẳng khác nào sân nhà của họ.

Đối thủ của Ottmar Hitzfield, Marcello Lippi chỉ còn lại những niềm tin và của riêng mình đằng sau những lo lắng. Đội bóng của ông đang đứng trên đỉnh cao của bóng đá châu Âu. Ông vẫn có những cầu thủ tuyệt vời bất chấp Roberto Bettega và Luciano Moggi luôn bán đi những anh chàng giỏi nhất. Juventus vẫn còn ở trong quỹ đạo chiến thắng dù Antonio Conte có vắng mặt cả mùa; dù Del Piero có chấn thương vài ba tháng; dù đội bóng có ra sân với chiến thuật gì, 3 hậu vệ hay 4 hậu vệ, 2 tiền đạo hay 3 tiền đạo; dù Parma có làm họ vất vả mệt mỏi ở Serie A. Ông tin như tin vào bộ đôi tiền đạo Christian Vieri – Alen Bokšić, hai người đã chơi trong trận bán kết hạ Ajax 4-1. Ông tin vào bộ tứ tiền vệ Didier Deschamps – Vladimir Jugović – Angelo Di Livio – Zinédine Zidane. Ông tin vào diễn viên đóng thế Nicola Amoruso. Còn lại, ông chỉ không dám tin vào Alessandro Del Piero. Anh vừa mới trở lại sau 3 tháng, mới được làm nóng 15 phút trước Parma và 65 phút với Atalanta. Làm sao có thể đặt niềm tin vào anh trong trận đấu quyết định cả mùa giải như thế? Marcello Lippi quyết định cất Del Piero trên ghế dự bị. Juventus cũng không còn Roberto Baggio nữa. Người đã làm Borussia Dortmund bao lần khổ sở giờ đã không còn liên quan gì đến Juventus. Đáng ra Robero Baggio phải có mặt trong trận đấu này để Ottmar Hitzfield và người của ông thanh toán món cho xong những món nợ năm nào. Nhưng anh không còn ở đó.

Khi tiếng còi mở màn của trọng tài người Hungari Sándor Puhl cất lên những mối lo mơ hồ của Marcello Lippi đã hiện hình còn niềm tin của ông dần biến mất. Juventus kiểm soát trận đấu trong 25 phút đầu tiên. Ngay phút thứ 5, người có phong độ tốt nhất của Juventus thời gian đó đã sút tung lưới Dortmund sau khi chạy lách qua hai trung vệ đối thủ. Nhưng Sándor Puhl đã không công nhận. Borussia Dortmund có nhưng tay từng trải với Juventus như đã nói hay là một nhóm khác đã từng thất bại bao nhiêu lần dưới tay Juventus. Hôm nay họ đã có kinh nghiệm và cả khát khao vượt qua để chiến thắng. Chính Jürgen Kohler, Stefan Reuter, Paulo Sousa, Andreas Möller là những tay chơi hay nhất và rắn nhất bên phía Borussia Dortmund. Không nghi ngờ gì nữa, họ rất quyết thắng bằng lối pressing không e dè nể nang lấy một chút.

Sau hơn 25 phút chịu đựng là lúc để Borussia Dortmund mang đến bất ngờ cho Juventus. Chỉ cần 5 phút và hai tình huống phạt góc bóng bổng để họ làm xáo trộn hàng phòng thủ Juventus. Karl Heinz Riedle ghi liền hai bàn, một bằng chân, một bằng đầu làm bùng nổ khán đài đầy ắp hai màu xanh đen.

(http://4.bp.blogspot.com/-jL0-iVzEcD8/TdA-10OoiUI/AAAAAAAAKec/TSRYhMQ748M/s1600/Juv+Drtmund-----+895+%25289%2529.jpg)

(http://img.welt.de/img/bildergalerien/crop106630108/0680718982-ci3x2l-w580-aoriginal-h386-l0/Champions-League-Finale-1997-Borussia-Dortmund-Juventus-Turin.jpg)

Karl Heinz Riedle đánh đổ Juve chỉ trong 5 phút


Xem lại chung kết tại đây: Hiệp 1 (http://www.dailymotion.com/video/xz8l5u_1997-borussia-dortmund-juventus-fc-1st-half_animals), Hiệp 2 (http://www.dailymotion.com/video/xz8n43_1997-borussia-dortmund-juventus-fc-2nd-half_animals)

Juventus đã bị thủng lưới sau những tình huống phạt góc. Mọi thứ thay đổi quá nhanh. Marcello Lippi và những tifosi còn đang thất thần, Alessandro vẫn ngồi trên ghế dự bị. Như một trò đùa bị sắp đặt từ trước, nửa cuối hiệp một Juventus vùng lên nhưng những pha tấn công đáp trả của Juventus, những cú sút của Zinédine Zidane và đồng đội đã dội vào cột dọc rồi bật trở lại. Christian Vieri lại sút tung lưới Stefan Klos và trọng tài Sándor Puhl lại phủi tay từ chối. Mọi cơ hội cứ thế trôi qua trước mặt những người thành phố Torino, để đến lúc Marcello Lippi phải hi vọng vào điều mà ông đã không tin: Đưa Del Piero vào sân khi hiệp 2 bắt đầu.

Trong ngày mà Zinédine Zidane bị Paul Lambert khoá chặt thì Del Piero xuát hiện đã làm hàng công Juventus thêm sống động lên. Nhưng những người thành phố Dortmund đã có quá nhiều kinh nghiệm với Juventus, có đầy trong mình cảm giác đói khát ở châu Âu. Họ không dễ dàng bị quật ngã một lần nữa. Trong những phút Juventus vùng lên chơi hay nhất ở đầu hiệp cuối hiệp một đầu hiệp hai thì may mắn lại không đứng về phía họ. Alen Bokšić lại sút trúng xà ngang, lại bị Stefan Klos đẩy mất.

Tấn công mãi mới có chút kết quả. Del Piero đã cố cứu lấy đội bóng bằng một quả đánh gót đẹp mắt gỡ lại 1-2 sau một pha chuyền vào rất cố gắng của Alen Boksic sau khi vượt qua Paul Lambert. Đó là bàn thắng đầu tiên của anh sau 3 tháng, thắp lên niềm hi vọng cho cả đội. Tuy nhiên chỉ 7 phút sau tiền đạo còn trẻ hơn Del Piero 2 tuổi là Lars Ricken vừa vào sân thay người mới 15 giây đã sút bóng qua đầu thủ môn Angelo Peruzzi ghi thêm một bàn cho Borussia Dortmund. Đó là pha chạm bóng đầu tiên của Lars Ricken. Khi mà các cầu thủ Juventus còn đang say máu hòng gỡ hòa thì Borussia Dortmund đã phản công quá gọn gàng. Lars Ricken đặt dấu chấm hết cho Juventus. Chấm hết cho một trận đấu mà họ chỉ sút về phía khung thành của Angelo Peruzzi ba lần và có ba bàn thắng. Trong khi đó Juventus đã sút trung khung gỗ hai lần, hai lần đưa bóng nằm gọn trong lưới mà trọng tài Sándor Puhl phủi tay.

(http://gwsdo.files.wordpress.com/2010/05/ricken.jpg)

Lars Ricken đặt dấu chấm hết cho Juventus

(http://www.spox.com/de/sport/diashows/1205/fussball/champions-league/borussia-dortmund-gewinner-sieger-15-jahre-1997/bvb-lars-ricken-karlheinz-riedle-finale-juventus-turin-3-1-7.jpg)

(http://www.oocities.com/Colosseum/7366/bor2.jpg)

Niềm vui Borrussia và nỗi buồn Juventus

Người đóng thế Nicola Amoruso vào sân khi kết cục đã an bài. Borussia Dortmund chiến thắng, Ottmar Hitzfield chiến thắng và cả cả những người như Jürgen Kohler, Stefan Reuter, Paulo Sousa, Andreas Möller chiến thắng. Họ là những người chơi hay nhất trận đấu. Cả Paul Lambert nữa. Anh đã làm Zinédine Zidane trong một ngay không sung sức phải im lặng. Zinédine Zidane mất coppa dei campioni vào tay những người Dortmund và sẽ mất luôn quả bóng vàng vào tay Ronaldo cuối năm ấy.

Hiệp hai cuộc đối đầu giữa công hòa liên bang đức với Italia đã xong, họ lại thắng. Cuối cùng thì Borussia Dortmund và huấn luyện viên của họ đã trả xong rất nhiều món nợ đối với Juventus chỉ bằng một trận đấu. Với đương kim vô địch Juventus, thất bại không ai ngờ tới này chẳng khác nào một cơn mưa lạnh đổ xuống thành phố đang rộn ràng hạnh phúc trong những ngày kỷ niệm. Đêm Monaco hôm ấy là trận chung kết cúp châu Âu lần thứ 12, và đã là trận thua thứ 6...

: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Nguyen Hai Long April 26, 2014, 08:09 AM
Phew....Vẫn còn 2 trận thua nữa
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Nguyen Hai Long May 02, 2014, 04:19 AM
Post tiếp đi anh ơi, đọc cho đỡ buồn, nhìn cái Juve bây h mà ngán ngẩm
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr May 02, 2014, 11:08 AM
Post tiếp đi anh ơi, đọc cho đỡ buồn, nhìn cái Juve bây h mà ngán ngẩm

Tạm dừng em ơi, đi làm việc khác thôi không đả động gì đến bóng đá nữa.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr May 22, 2014, 12:12 PM
Chưa đặt được tên


Làm người yêu mến Juventus, bạn sẽ quen với cảm giác của người thua cuộc trong trận đấu cuối cùng ở ba cúp châu Âu. Cái cảm giác ấy sẽ không đến từ trước khi trận đấu diễn ra mà chỉ bắt đầu khi trọng tài thổi tiếng coi bắt đầu. Bởi vì không ai nghĩ đến điều ấy. Nếu bạn có mặt trên khán đài hay trước màn hình tivi, bạn sẽ không tin vào mắt mình. Nếu bạn nghe tường thuật qua radio, bạn sẽ không tin vào tai mình hoặc là giọng nói của bình luận viên. Nhưng điều đó là sự thật mà bạn không thể nào cố tình quên đi được. Năm năm sau lần đầu tiên góp mặt tại cúp châu Âu (1958/59), Juventus đã có mặt trong một trận chung kết. Nhưng phải mất đến bốn trận chung kết, họ mới có được chiếc cúp đầu tiên (1976/77). Và cho đến bây giờ, cho dù đã là đội bóng đầu tiên giành đủ ba cúp châu Âu thì qua 12 trận chung kết Juventus mới chỉ chiến thắng có 6 lần. Để rồi bạn sẽ không còn cảm thấy bất ngờ nữa. Bạn sẽ tin vào những gì tai mình nghe thấy, tin vào những gì mắt mình nhìn thấy.

Những ngôi sao được giá lại bị bán đi vào mùa hè năm 1997. Chiến lược của Juventus rõ ràng như từng cọng cỏ dưới ánh đèn cao áp trên sân vận động Delle Alpi: Đội bóng sẽ mua về những tài năng thực sự trưởng thành, biến họ thành ngôi sao và có thể bán đi chứ không chọn cách tăng lương và giữ ở lại. Điều này có lợi cho cả Juventus và những cầu thủ. Nên bộ đôi tiền đạo Christian Vieri - Alen Bokšić và Vladimir Jugović ra đi theo cách này. Chỉ ở Torino đúng một năm, Christian Vieri được Atletico Madrid mua với giá phá vỡ kỷ lục của mình. Alen Bokšić quay trở về SS Lazio cùng với ngôi sao Vladimir Jugović để hội ngộ với huấn luyện viên Sven-Göran Eriksson. Lúc đó SS Lazio đang vươn lên mạnh mẽ bằng tiền của đổ ra như rác của ông chủ Sergio Cragnotti như chúng tôi đã kể từ thời huấn luyện viên Zdeněk Zeman.
 
Bán đi những ngôi sao đã trưởng thành cũng là cách để Juventus trẻ hóa một cách tự nhiên. Sau khi ngựa giống Christian Vieri ra đi, Juventus đã thu về một khoản gấp hơn 5 lần số tiền đã bỏ ra để mua được anh hồi mùa hè năm tước. Số tiền ấy đủ thừa để họ mua về một anh chàng tài năng có cái tính đa tình khác, nghe chừng còn tài hơn cả ngựa giống. Anh ta đến từ Atalanta cũng giống Sergio Porrini, Alessio Tacchinardi, Paolo Montero, Christian Vieri. Như để diễn tả một câu chuyện rằng cứ mỗi năm Atalanta lại giới thiệu cho Serie A một vài ngôi sao sáng và Juventus cùng mối quan hệ tốt đẹp của mình với đội bóng thành Bergamo này lại cuỗm đi mất (sau khi để lại một túi những đồng lira chật ních). Anh có tên là Filippo  Inzaghi cũng vừa 24 tuổi như Christian Vieri, vừa trở thành vua phá lưới Serie A và đã đi qua 7 đội bóng chỉ sau 7 năm đi đá bóng kiếm sống.

(http://31.media.tumblr.com/tumblr_lvu7q4hT011qfxktpo1_1280.jpg)
Filippo Inzaghi khi còn ở Atalanta

Juventus phải bỏ ra đến 23 tỉ lire (khoảng 12 triệu euro ngày nay) để có được Fillippo. Thay thế cho Vladimir Jugović là chàng lùn 24 tuổi Fabio Pecchia đổi lại từ SS Napoli. Trên hàng tiền đạo, ngoài Filippo Inzaghi, đội nhà chiêu nạp bộ đôi Uruguay một lớn một trẻ Daniel Fonseca (28 tuổi từ As Roma) và Marcelo Zalayeta (mới 19 tuổi từ Peñarol). Daniel Ponseca sẽ làm dự bị số cùng với Nicola Amoruso còn anh chàng hiền lành Marcelo Zalayeta là dự bị của dự bị, vài năm sau mới gây ra những chuyện động trời. Vòng quay trẻ hóa của Juventus còn chia tay một cựu cầu thủ Atalanta khác là Sergio Porrini. Sau 5 năm ở Torino, anh đi theo trào lưu rời lục địa già, vượt qua eo biển La Manica đến Scozia với Glasgow Rangers. Vị trí của anh được thay bằng chàng cục mịch đa năng chẳng kém gì Gianluca Pessotto. Đúng phong cách mà Marcello Lippi mong muốn, đấy là hậu vệ có thể đá cả hai cánh Alessandro Birindelli 23 tuổi từ Empoli.

Cái cách tiêu tiền khôn khéo của Juventus gần như đi ngược với Serie A khi mà Inter Milan đang tiêu pha ngày một điên cuồng hơn dưới bàn tay của ông chủ tịch con Massimo Moratti. Để quyết tìm kiếm scudetto vốn đã đói khát gần 10 năm rồi, Massimo Moratti bỏ ra 48 tỉ lire cao nhất thế giới từ xưa đến nay và bốc về người được gọi là ngoài hành tinh Il Fenomeno Ronaldo từ Barcelona xứ Catalunya. AC Milan chiêu nạp Patrick Kluivert, Ibrahim Ba, Leonardo Araújo; kéo Fabio Capello trở về từ Madrid còn SS Lazio chi một núi tiền khác cho những cầu thủ mới và đặt vào tay huấn luyện viên Sven-Göran Eriksson. Zdeněk Zeman lúc này đã bị SS Lazio cho thôi việc và tìm đường sang ngay AS Roma với Cafu, Vincent Candela, Damiano Tommasi, Luigi Di Biaggio và Abel Balbo. Tất cả hứa hẹn sẽ không để cho Juventus yên ổn lấy một phút.
 
Marcello Lippi tạm hài lòng với những gì mình có. Ngoài Filippo Inzaghi rõ ràng là một tài năng hiếm có và Alessandro Birindelli nhiều tiềm năng thì những người mới chỉ đóng vai trò dự bị. Đặc biệt sự xuất hiện của Alessandro Birindelli, hậu vệ có thể chơi ở cả hai cánh, làm cho Juventus càng trở nên linh động ở hàng thủ và tiền vệ. Đó là cách mà Marcello Lippi đã tạo dựng cho hàng thủ Juventus: Tập hợp của những cầu thủ đa năng, có thể chơi nhiều vị trí như Alessandro Birindelli, Gianluca Pessotto, Moreno Torricelli, Manuel Dimas, Angelo Di Livio bên cạnh những tay trung vệ thép Mark Iuliano, Paolo Montero và Ciro Ferrara. Nó cho phép ông áp dụng những chiến thuật linh hoạt từ 4-4-2 sang 3-4-1-2, 4-3-3 hoặc 4-3-1-2 tùy thuộc vào tình hình đội bóng và đối thủ là ai. Dẫu vậy, dù hàng tiền vệ đã có sự trở lại của Antonio Conte và trưởng thành lên của Alessio Tacchinardi thì mất Vladimir Jugović là một thiệt hại không nhỏ, suýt khiến Juventus trả giá. Mà thật ra, họ sẽ phải trả giá…

Serie A mùa giải 1997/98 mang lại nhiều cảm xúc trái chiều. Những người yêu mến đội bóng không có nhiều thời gian để mà nuối tiếc những người hùng của mình như Christian Vieri, Vladimir Jugović hay Alen Bokšić. Một mùa bóng mới lại đến. Một mùa bóng ngột ngạt bắt đầu. Zinédine Zidane đã thấy đối thủ ghê gớm của mình là Ronaldo. Tay đầu trọc này có thể chạy liền 70m vừa chạy vừa lừa bóng qua 5 đối thủ trước mặt, bỏ lại vài gã chạy theo sau, vượt qua nốt cả thủ môn để ghi bàn. Gã vừa giúp đội Brasile chiến thắng chủ nhà Bolivia ở chung kết Coppa América ngay cả khi phải đá trên cái sân bóng ở La Paz cao đến hơn 3 nghìn 6 trăm mét so với mực nước biển, lạnh lẽo và uể oải vì không khí loãng. Báo Italia và đám tifosi Inter Milan gọi gã kiểu như là người ngoài hành tinh Il Fenomeno. Massimo Moratti đã tỏ khát khao scudetto đến tột cùng trong cuộc đời mình nên mới bỏ ra kỷ lục thế giới 48 tỉ lire. Ông ta quyết mua Ronaldo như mua scudetto bằng tiền, dù một ngày kia có thể khuynh gia bại sản, tiền tài đội nón ra đi, dù một ngày kia có phá nát cơ đồ cha mình để lại.
 
Ở Juventus, Zinédine Zidane đứng sau cặp tiền đạo Filippo Inzaghi – Del Piero để tạo thành một trong những tam giác tấn công đẹp mắt và nguy hiểm nhất trong lịch sử Calcio Serie A. Anh chàng cởi mở Filippo Inzaghi nhanh chóng hòa nhịp vào hệ thống thi đấu của Juventus và những đồng đội xung quanh anh, bằng rất nhiều bàn thắng phía trên một hàng phòng thủ cơ động và rất cứng rắn, rất nhiều mánh khóe xảo quyệt.
 
Sự xuất hiện của đối tác ăn ý bằng tuổi Filippo Inzaghi cũng làm cho Del Piero có mùa giải bùng nổ nhất trong sự nghiệp của mình. Để đáp lại đám cổ động viên Inter Milan và Massimo Moratti, bọn Juventini gọi Alessandro Del Piero là Il Fenomero vero, nghĩa là Del Piero mới là người ngoài hành tinh đích thực. Ngay từ trận mở màn Serie A 1997/98 ngày 31 tháng 8 năm 1997, Filippo Inzaghi đã ghi bàn ra mắt. Liên tiếp sau đó là những chiến thắng rất đậm với tỉ số từ 4-0 đến 5-0 mà những người góp công chính là bộ ba Zinédine Zidane – Del Piero – Filippo Inzaghi cả ở Serie A lẫn Champions League. Nạn nhân đầu tiên bị hạ sấp mặt bởi một tỉ số đậm đà này là Feyenoord Rotterdam ngay tại trận đầu tiên của vòng bảng Champions League 1997/98. Cả mùa này Juventus còn thắng 7 trận nữa từ 4 bàn trở lên, với nhiều đối thủ khác nhau.

Tất nhiên, đường ray mà con tàu Juventus lao đi không phải lúc nào cũng ngon trớn. Nó có cũng có những khúc cua nguy hiểm, những đoạn gập ghềnh và cả những khối đá cản đường, những cỗ máy khác bám đuổi khó chịu. Hàng tiền vệ Juventus được coi là trẻ trung trung và tài năng bậc nhất châu Âu nhưng dường như có một lúc nào đó nó thiếu ngọn lửa bùng cháy mãnh liệt. Dù đã thay đổi rất nhiều nhưng có một trục trặc mà Marcello Lippi không thể giải quyết được, đó là những trận hòa trên sân khách. Trong số 17 trận đá trên sân khách ở Serie A thì họ đã chịu hòa đến 9 trận (4 ở lượt đi và 5 ở lượt về). Cả sân nhà lẫn sân khách tổng cộng hòa 11 trận. Họ cũng có đôi trận thua rất nguy hiểm.
 
Ví dụ như trong câu chuyện tiếp theo với Manchester United và Alex Ferguson. Lần thứ 2 liên tiếp Juventus nằm chung bảng đấu với đội bóng thành phố Manchester United ở Coppa dei Campioni. Ngày 1 tháng 10 năm 1997, trận lượt đi trên sân vận động Old Trafford, đội quân của Marcello Lippi khởi đầu như một cơn lốc khi mà trọng tài Nieto López vừa thổi còi thì Del Piero đã ghi bàn thắng nhanh nhất trong lịch sử Champions League ở thời điểm đó, ngay ở giây thứ 21. Nhưng những cầu thủ Manchester United cũng đã trưởng thành lên nhiều so với lần gặp gỡ trước đây và chiếc thẻ đỏ của Didier Deschamps ở gần giữa hiệp 2 đã làm xáo trộn đội hình Juventus. Ryan Giggs với những bước chạy khó đoán của mình bên cánh trái đã giúp đội bóng thành phố Manchester thắng lại 3-1 trước khi Zinediné Zidane rút ngắn xuống còn 3-2 bằng một cú sút phạt rất xoáy ở phút bù giờ. Đó là trận thắng đầu tiên của Alex Ferguson trong câu chuyện dài với Marcello Lippi. Nó suýt nữa đã sớm phá hủy giấc mơ của đội về nhì năm trước. Lượt về Juventus thắng lại 1-0 và hoàn thành vòng đấu bảng với vị trí thứ 2 với 12 điểm. Vì đứng nhì bảng nên Juventus phải vào nhóm xét vớt để vào vòng knockout.

Số là năm đó Coppa dei Campioni chỉ được tăng lên 24 đội đá vòng đấu bảng chứ không phải 16 như trước vì Uefa ra luật mới cho đội về nhì ở giải vô địch quốc gia cũng được dự. Italia có Juventus vad AC Parma. Hai mươi bốn đội, chia làm 6 bảng đấu gần giống như cúp Thế giới năm 1994. Nhưng thay vì chọn 16 đội để vào vòng 2 như cúp Thế giới thì Uefa vẫn chỉ chọn 8 đội vào luôn vòng tứ kết. Khó khăn hơn cúp Thế giới rất nhiều. Chỉ có 6 đội đầu bảng và 2 đội nhì xuất sắc nhất được đi tiếp. Với 12 điểm, Juventus là đội nhì xuất sắc thứ 2 sau Bayer Leverkusen 13 điểm nên được đi tiếp. Sáu đội nhì bảng khác bị loại. Đen đủi nhất là Paris Saint-Germain. Đội này có 12 điểm ở bảng E bằng với Bayern Monaco nhưng kém hiệu số bàn thắng-bàn thua nên bị xếp nhì bảng. Đến khi xét vớt thì bằng điểm với Juventus nhưng cũng kém hệ số nên cũng không đấu lại được Juventus. Parma ở vòng bảng bị xếp cùng với đội đang giữ cúp Borussia Dortmund, được 9 điểm nhưng xếp bét trong số các đội nhì bảng. Đó là những năm vòng bảng Coppa dei Campioni rất căng thẳng và nhiều khi người xem cũng bối rối không hiểu tính điểm thế nào cho phải.

Cái chất lửa bị thiếu hụt trong lòng đội bóng áo hai màu đen trắng được thổi vào trong mùa đông năm 1997. Hay đúng hơn đấy là một món quà gửi đến từ AC Milan. Trên con đường mờ mịt đi tìm hình bóng của một bộ ba Hà Lan bay mới, AC Milan liên tiếp mang về Michael Reiziger, Winston Bogarde, Edgar Davids và Patrick Kluivert. Tất cả đều là người Hà Lan da màu, có lẽ cùng là người gốc Suriname Nam Mỹ giống như Ruud Gullit và Frank Rijkaard. Nhưng họ không thể đưa AC Milan trở lại thời gian vàng son như Ruud Gullit và Frank Rijkaard đã làm. Đối với họ Milano chỉ có mùa đông buồn bã còn đối với Milano họ chỉ là những vụ đầu tư chết dẫm. Nhưng Roberto Bettega và Marcello Lippi không nghĩ như thế. Họ đã biết Edgar Davids như thế nào từ trận chung kết Coppa dei Campioni 1996 và đã giải thoát cho anh. Hay AC Milan đã trao cho Juventus một món quà với giá 5.3 triệu đồng bảng Anh. Xưa Louis van Gaal gọi anh là Chó săn Pitbull còn giờ đây Marcello Lippi ví anh như cái máy nổ. Bởi vì một khi đã chấm dứt những ngày buồn rầu ở Milano, Edgar Davids bùng nổ trở lại. Anh hừng hực như một cỗ máy và truyền vào hàng tiền vệ Juventus sức chiến đấu như tiếng nổ rộn rã, đấu cho đối thủ phải e dè, ngay từ trận đấu đầu tiên cho Juventus ngày 14 tháng 12 năm 1997. Kể từ đó các tifosi có thể thôi không còn nói về Christian Vieri và Vladimir Jugović nhiều nữa và bắt đầu tự hỏi tại sao AC Milan lại để Edgar Davids rơi vào tay Juventus. Chẳng lẽ họ đã mất hi vọng vào anh hay đang muốn làm cách gì đó để tăng lực cho Juventus khiến cho Inter Milan không thể nào với được scudetto dù có một Il Fenomeno Ronaldo hay mười Ronaldo cũng thế thôi!
 
(http://img0.cfstatic.com/milan-ac/il-est-aussi-passe-par-le-milan-ac-avant-cela_49726_w460.jpg)
Món quà của Milan là chó săn

Lúc bấy giờ, Alex Ferguson và những chú áo đỏ của ông vẫn chưa phải là đối thủ lớn nhất của Juventus. Mà phải là Luigi Simoni, Inter Milan và Ronaldo. Ronaldo đã mang sức khỏe, kỹ thuật và tốc độ điên đảo của mình khuấy động Serie A. Dưới tay của huấn luyện viên Luigi Simoni, Ronaldo đã ghi rất nhiều bàn thắng, đã kéo các đồng đội như Gianluca Pagliuca, Giuseppe Bergomi, Javier Zanetti, Diego Simeone, Youri Djorkaeff, Ivan Zamorano và Alvaro Recoba tiến lên. Không biết lần cuối cùng từ khi nào rồi Inter Milan mới bắt đầu mùa bóng gớm như vậy. Mười ba vòng đầu tiên của Serie A 1997/98, Inter Milan thắng 9 trận, hòa 3 trận, thua 1 trận. Trong khi đó Juventus chỉ thắng 8 và hòa 5 trận. Inter Milan - Juventus đuổi nhau quyết liệt kéo theo những cuộc tranh cãi kịch liệt nhắm vào Juvenus cho đến mãi về sau này và chắc sẽ chẳng bao giờ chấm dứt.

Ngay sau kỳ nghỉ Giáng sinh, vòng 14 Serie A ngày 4 tháng 1 năm 1998, Juventus lần đầu tiên đụng độ Inter Milan có Ronaldo trên sân Giuseppe Meazza. Lúc ấy Inter Milan dù vừa thua trận đầu tiên dưới tay Udinese của Oliver Bierhoff nhưng đã có 30 điểm và vẫn hơn Juventus 1 điểm. (Juve vừa thắng Empoli 5-2 bằng một hattrick của Del Piero).
 
Trên sân bóng Giuseppe Meazza, gần 90 nghìn tifosi phủ kín các khán đài được khuấy đảo bằng buổi lễ trao Quả bóng vàng châu Âu cho Ronaldo trước mắt Zinédine Zidane và hội Juventini, không gì khiêu khích hơn. Il Fenomeno đối mặt Il Fenomeno vero, Zinédine Zidane đối mặt Youri Djorkaeff, Diego Simeone đối mặt Edgar Davids và nhiều cặp khác. Trận đấu nhanh chóng được biến thành màn trình diễn của kỹ thuật cộng với sức mạnh thể lực, những pha bóng không ghê chân và thẻ vàng thẻ đỏ. Nhiều cơ hội đã trôi qua trước mắt các cầu thủ Juventus. Mỗi khi bóng được sút vào phía khung thành Inter Milan, nó bật trở ra khô khốc. Cho đến ngay phút thứ 2 của hiệp 2, Ronaldo như một võ sĩ tràn trề sức lực loại hai hai cầu thủ Juventus trước khi chuyền cho Youri Djorkaeff ghi bàn vào khung thành Angelo Peruzzi trong tiếng gào thét như điên của đám Nerazzurri trên khán đài.
 
http://www.youtube.com/watch?v=QwSRCDwrE9U

Inter Milan - Juventus lượt đi

Rồi Juventus bắt đầu tấn công như đỉnh điểm tức giận. Del Piero – người được kỳ vọng cũng sẽ sớm giành quả bóng vàng như Ronaldo – sút phạt không được, sút xa cũng không được; Edgar Davids chạy như một cái máy trước khi bị đốn hạ bởi những hậu vệ Inter Milan; ngay cả khi Filippo Inzaghi đưa được bóng và khung thành thủ môn Gianluca Pagliuca thì trọng tài Stefano Braschi vẫn lắc đầu từ chối và cho anh một cái thẻ vàng. Trận đấu gần như tan vỡ bởi những pha bóng triệt hạ lẫn nhau và kết thúc bằng cái thẻ đỏ của hậu vệ Inter Milan, Benoît Cauet. Inter Milan giành chiến thắng 1-0. Khoảng cách lại tăng lên 4 điểm. Chưa bao giờ Inter Milan ở gần scudetto đến thế. Bốn mươi tám tỉ lire có cái lý của nó, Massimo Moratti có giấc mơ của Massimo Moratti.

Có thể nói trận đấu này đã được đánh dấu mốc là thời điểm Inter Milan chặn đứng được cỗ máy sắt thép Juventus đang thống trị Serie A. Nhưng không, thua trận trên sân Giuseppe Meazza chỉ làm sôi sục thêm sức mạnh trong lòng đội bóng thành phố Torino ấy. Juventus thắng liên tiếp 5 trận đấu sau đó trong liền một tháng, trở lại ngôi đầu bảng Serie A và thảnh thơi chờ đợi Champions League trở lại cũng như những trận quyết đấu khác vào mùa xuân năm 1998. Ngược lại, Inter Milan hình như đã đến ngưỡng cao nhất hay là không khí trên ngôi đầu bảng nóng bỏng quá mà tinh thần yếu đuối của họ không thể trụ lại được. Có gì đó như là một cuộc nổi loạn trong lòng Inter Milan. Có gì đó như là một sự sụp đổ giấc mơ. Inter Milan không quen cái cảm giác của người dẫn đầu mà sẽ thấy hợp hơn khi là kẻ bám đuổi.

Trong 5 trận tiếp theo trong vòng một tháng, khi không phải gặp một đội lớn nào thì Inter Milan thua 2 hòa 1 trước AS Bari, AC Empoli và Bologna của Roberto Baggio, chỉ thắng được hai trận cùng 1-0 trước Piacenza và Brescia 1-0. Hai trận thua của Inter Milan trong loạt này đều trên sân Giuseppe Meazza. Người ngoài hành tinh cũng thành ra ngớ ngẩn giữa đám đồng đội xung quanh. Không thể tin nổi, từ chỗ kém 4 điểm, Juventus đã vượt lên hơn Inter Milan 3 điểm. Khoảng cách tưởng nhỏ nhoi mà sẽ không bao giờ san lấp được.

http://www.youtube.com/watch?v=YuCa1KhehV4

Inter Milan đã thua Bologna ngay ở Giuseppe Meazza

Trong loạt 5 trận thắng liên tiếp này Juventus cũng phải mất mát không nhỏ. Đó là buổi chiều cuối đông ngày 1 tháng 2 năm 1998, trên mặt sân Via del Mare phương nam của Lecce (lúc đó vừa được dẫn dắt bởi cựu cầu thủ Juventus, Cesare Prandelli). Trung vệ Ciro Ferrara ao cả thân mình và hai chân để ngăn cản một pha thoát lên của Alessandro Conticchio. Quả bóng được chặn lại còn chân Ciro Ferrara gẫy tan lúc chạm vào đầu gối Alessandro Conticchio. Anh theo cáng cứu thương nhuộm đầy nắng chiều đi ra ngoài sân, lên thẳng xe cứu thương về bệnh viện, tan vỡ những giấc mơ với Juventus và cả đội tuyển Italia khi cúp Thế giới ở nước Pháp sắp đến gần, khi sự nghiệp đang lúc thăng hoa nhất. Nhưng dù sao thì cũng như trận thua Manchester United ở vòng bảng Coppa dei Campioni, Ciro Ferrara vắng mặt hầu như không làm xáo trộn lắm hàng phòng ngự của Juventus, vì vẫn còn Mark Iuliano để chơi bên cạnh Paolo Montero, chỉ mất đi một chút ổn định. Đó như là nỗi buồn của riêng mình Ciro Ferrara.

Ngày 4 tháng 3 năm 1998, Coppa dei Campioni trở lại, vòng tứ kết, Juventus (nhì bảng B) đụng độ Dynamo Kyiv (nhất bảng C). Ấy là một đối thủ đáng để phải sợ, với những tài năng đang làm cả châu Âu phát sốt như Andrey Gusin, Aleksandr Khatskevich, Sergei Rebrov và đặt biệt Andriy Shevchenko. Mười hai năm sau thế hệ của Oleh Blochin và Oleksandr Zavarov, Dinamo Kyiv với huấn luyện viên huyền thoại Valery Lobanovsky mới lại có một đội bóng Ucraina trẻ trung và tài năng như thế. Tại vòng bảng chính những con người này đã gây nên một cơn bão khi đả bại FC Barcelona xứ Catalunya 3-0 trên sân nhà, 4-0 trên sân khách, ngoài ra cũng khiến nhà vô địch PSV Eindhoven phơi áo 1-3 ngay trên đất Hà Lan.

Tưởng như Dynamo Kyiv sẽ một lần nữa khiến cả châu Âu phát sốt khi cầm hòa Juventus 1-1 ngay trên sân Delle Alpi, thậm chí họ còn ghi bàn dẫn trước để mãi sau Filippo Inzaghi mới gỡ hòa. Họ lâng lâng hi vọng và trở về thành phố Kyiv, đón tiếp Juventus vào ngày 18 tháng 3 năm 1998, trận lượt về. Nhưng Juventus lúc này đang đứng ở một mặt bằng khác so với FC Barcelona hay PSV Eindhoven nên Dynamo Kiev chỉ chuốc lấy nỗi sầu. Chuốc lấy nỗi sầu vì dám đùa giỡn với Marcello Lippi và những cầu thủ của ông. Ngay tại thành phố Kyiv vẫn còn lạnh giá khi mùa xuân đến muộn, tiền vệ số 10 xuất sắc nhất thế giới Zinédine Zidane bùng cháy với những đường chuyền khó tin vào mắt thường. Công việc của Filippo Inzaghi là hoàn thành một hat-trick và Del Piero góp vào một bàn nữa. 4-1, Juventus đạp đổ thành trì của Dynamo Kyiv và châu Âu hiểu rằng con tàu Juventus đang lao đi sầm sập nhưng cũng đầy uyển chuyển.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Dkv May 22, 2014, 04:51 PM
Đối với Lippi, tỉ số huề hay thua trên sân nhà ko đồng nghĩa là sẽ bất lợi ở trận lượt về. Trận với Dynamo chưa bằng trận với Barca năm 2003, cũng bị cầm huề 1-1 sân nhà, lượt về bị ép mà vẫn thắng theo cách ko thể tuyệt vời hơn.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr May 23, 2014, 10:25 AM
Đấy là một trong những tháng ngày đáng nhớ nhất trong lịch sử đội bóng áo màu đen-trắng. Mười ngày sau khi đánh bại Dymano Kyiv 4-1, vẫn những chàng trai ấy lặp lại tỉ số này trước đối thủ AC Milan ngày 28 tháng 3 năm 1998. Tại vòng 27 Serie A, huấn luyện viên Fabio Capello dẫn quân đến thành phố Torino trong tâm trạng tàn tạ. Dưới bàn tay của Fabio Capello bây giờ, AC Milan như một cái xác đã đánh rơi mất hồn vía ở ngày xưa và không thể nào thoát ra khỏi cơn mê nặng nề từ năm trước. Năm ngoái AC Milan đã bị Juventus giỡn mặt 6-1 ngay tại San Siro. Sau một năm, vẫn chẳng có gì thay đổi, AC Milan vẫn là một tập hợp hỗn độn những cầu thủ tài năng nhưng không biết làm thế nào để đứng thành hàng thành lối. Fabio Capello đã đẩy Roberto Baggio sang Bologna và Edgar Davids sang Juventus. Ông ta không cần người yếu đuối nhất và cũng không cần người mạnh mẽ nhất. Và hôm đó Juventus lại nhồi vào lòng những rossoneri thêm một nỗi đau khó nguôi ngoai nữa dù không có Zinédine Zidane. Đó là lần đầu tiên Edgar Davids gặp lại AC Milan sau khi chuyển đến thành phố Torino.

Người ta lại hỏi, tại sao Fabio Capello để anh đến Torino? Lệch bên cánh trái, Edgar Davids đá như dữ dội như ngày mai anh phải lên giá treo cổ. Anh làm khổ những đồng đội cũ, hay trả thù Fabio Capello. Ngay phút thứ 10 Edgar Davids đã thoát xuống như lao vút vào khu 16m50 để Sebastiano Rossi phải phạm lỗi. Trọng tài chỉ tay vào chấm 11m và công việc mở tỉ số còn lại của Alessandro quá dễ dàng. Dù 20 phút sau Zvonimir Boban gỡ hòa cũng từ chấm 11m thì đó cũng chỉ là điều cuối cùng AC Milan có thể làm được ngày hôm đó. Alessandro Del Piero lại chứng minh mình mới là Fenomeno vero bằng một quả đá phạt bay qua hàng rào vào góc khung thành. Juventus dẫn 2-1 sau 45 phút đầu tiên. Hiệp hai là việc của Filippo Inzaghi, kẻ luôn đứng giữa lằn gianh giữa trên và dưới bẫy chạy chỗ của hậu vệ. Hắn thường thoát được bẫy và ghi bàn.

Hôm đó, hắn làm được những hai lần và Juventus thắng 4-1. Không cần Zinédine Zidane Juventus vẫn có thể thắng đẹp. Họ giỏi và được yêu mến chẳng kém những ngày có Roberto Baggio hay Michel Platini. Del Piero và Filippo Inzaghi mỗi người ghi hai bàn để trói chặt những người Milano ở giữa bảng xếp hạng. Serie A chỉ còn hai trận đấu lớn nữa, một với SS Lazio và một với Inter Milan. Với Inter Milan sẽ là trận quyết đấu scudetto tại vòng 31 Serie A ngày 26 tháng 4 năm 1998.

Nhưng những tay hâm mộ cũng chẳng cần phải đợi lâu đến thế để nhìn thấy một nạn nhân mới trong trò chơi của Juventus. Chỉ 3 ngày sau AC Milan, tại vòng bán kết Champions League, nhà vô địch nước Pháp AS Monaco cũng được nếm trải cái cảm giác ngỡ ngàng mà Dynamo Kyiv và AC Milan vừa nhận. Ngày 1 tháng 4 năm 1998, huấn luyện viên Jean Tigana mang đến Delle alpi một thế hệ tài năng còn hơn cả Dynamo Kyiv. AS Monaco của ông có Fabien Barthez – thủ môn trẻ nhất đoạt cúp C1, với Olympique Marsiglia năm 1993. AS Monaco của ông có Willy Sagnol, Viktor Ikpeba, Thierry Henry và cả David Trezeguet – những tài năng bậc nhất mà bóng đá Pháp vừa nảy nở ra. Thierry Henry và David Trezeguet cùng vừa 20 tuổi, khuôn mặt trông vẫn còn vẻ đang dậy thì lún phún ria mép. Jean Tigana vốn là một trong bộ tứ tiền vệ nổi tiếng của nước Pháp những năm 1980s đã nuôi dưỡng nên một thế hệ trẻ với lối chơi tấn công xem rất thích thú. Họ đã đứng đầu bảng F, đã loại được Manchester United của Alex Ferguson, một đội đầu bảng khác. Nhưng họ có đủ trưởng thành để so sánh với đối thủ? Có lẽ là không. Bởi vì Juventus còn có hai trong số những ngôi sao xuất sắc nhất của chính nước Pháp, là Didier Deschamps và Zinédine Zidane mà nếu đem ra để đo đếm, những anh chàng mới lớn của Monaco kia chỉ là những chú gà gô mới lớn. Trước Juventus, AS Monaco có phần non nớt. Zinédine Zidane khẳng định mình là ngôi sao số một. Phía trên Zinédine Zidane, Del Piero giới thiệu cho cả thế giới thấy tài đá phạt hàng rào và đá 11m không bao giờ nhìn thủ môn trước khi sút của mình không chỉ quẩn quanh ở Serie A.

(http://www.footballbettingodds.co.uk/wp-content/uploads/2013/07/henry-trezeguet-monaco.jpg)

(http://signora1897.com/wp-content/uploads/2012/09/514422_trezeguet-thierry-henry-as-monaco-diapohenry.jpg)

Hai chú gà trống choai của AS Monaco: Henry & Trezeguet

Buổi tối hôm ấy, trọng tài người Nga Nikolai Levnikov dường như chỉ có mỗi việc là chạy theo những đường chuyền, bước chạy của Zinédine Zidane và các đồng đội. Rồi ông thổi còi, chỉ vào điểm đá phạt để Il Fenomeno vero Del Piero ghi một hat-trick bằng một quả phạt ngoài vòng cấm và hai quả 11m trước khi chính chính anh chuyền cho Zinédine Zidane ghi thêm một bàn nữa. Lại một trận thắng 4-1 nữa cho Juventus. 

Lượt về hai tuần sau là một trận đấu cởi mở trên sân Philipe II. David Trezeguet đá cặp với Thierry Henry phía trước Victor Ikpeba. Dù biết rằng khó mà lật ngược được tình thế vì đã thua đậm lượt đi nhưng AS Monaco và những anh chàng trẻ tuổi không phải đùa được. Họ đã chơi rất phóng khoáng và cùng Juventus trình diễn một trận hay ra trò phục vụ khán giả. Có lúc còn làm Juventus bối rối. Filippo Inzaghi bị Djibrill Diawara đánh vỡ mũi và phải rời sân ngay phút thứ 3, Juventus vẫn còn có Del Piero biết cách tránh đòn và biết cách chuyền một quả thuận lợi cho dự bị Nicola Amoruso ghi bàn mở tỉ số. Monaco cũng gỡ hòa và Thierry Henry còn đưa họ vượt lên 2-1 ngay đầu hiệp 2 khiến Juventus bối rối một lúc. Hai đội chơi ăn miếng trả miếng như không để phí một giây nào. Phút bối rối của Juventus trôi qua khi Del Piero trình diễn thêm một pha đá volée cháy lưới Fabien Barthez từ quả lật của hậu vệ Moreno Torricelli trước khi Monaco lại vươn lên 3-2. AS Monaco thắng 3-2, đẹp nhưng chỉ đủ làm Juventus liêu xiêu mà không thể đánh đổ được họ. Những người bianconeri vào chung kết sau một trong những trận đấu đẹp nhất của Coppa dei Campioni 1997/98. Hai trận bán kết ghi 4 quả, Alessandro Del Piero đã có 10 bàn thắng trong một mùa ở Coppa dei Campioni, bỏ xa người thứ hai là Thierry Henry tận 3 quả.  Có bình luận viên bảo trông anh đẹp như một bức tượng đồng La Mã. Có người bảo anh sắp đoạt quả bóng vàng đến nơi rồi. Đó là những ngày có lẽ là đẹp nhất trong cuộc đời cầu thủ của Alessandro Del Piero, đẹp cả ở dáng vẻ lẫn tài năng đang thời bùng nổ của một chàng trai 24 tuổi.

Vượt qua Monaco, Juventus cho mọi người thấy mình có thể chơi một thứ bóng đá đẹp mắt. AS Monaco cũng thế, họ còn giới thiệu những viên ngọc quý của mình trước những cặp mắt xoi mói. Dĩ nhiên là Juventus không thể bỏ qua cặp tiền đạo măng mon Thierry Henry và David Trezeguet. Nhưng đó là chuyện sau kỳ nghỉ hè. Trước mắt đoàn quân bianconeri là hai trận đấu của cả mùa giải. Phía trước là hai vật cản đáng gườm nhất trên con đường Juventus lao đi: Inter Milan và Real Madrid.

Cho đến trước vòng 31 Serie A 1997/98, Inter Milan chỉ kém Juventus đúng 1 điểm. Ronaldo đã ghi bàn thắng nhiều hơn cả đương kim vua phá khung thành Filippo Inzaghi lẫn Del Piero đang chơi mùa giải bùng nổ nhất trong đời. Mười năm chờ đợi và ném tiền của ông Chủ tịch con Massimo Moratti có cơ hội biến thành quả ngọt nếu như Inter Milan của ông thắng được Juventus một lần nữa, như ở lượt đi đầy tranh cãi. Chiều chủ nhật 26 tháng 4 năm 1998, đích thân ông Chủ tịch Massimo Moratti dẫn quân đến Delle Alpi. Ông ngồi hồi hộp trên khán đài, hẳn ông đã nhìn thấy tấm băng rôn dọa nạt mà các ultrà bianconeri căng lên phía khán đài đối diện. Đó là một dòng chữ nổi tiếng trích trong Thần Khúc - Divina Commedia - của Dante Alighieri: ‘lasciate ogni speranza voi che entrate’ (từ bỏ hi vọng đi hơi những kẻ đến đây). Còn ở dưới sân, huấn luyện viên Liugi Simoni căng thẳng lắm. Bởi vì đối với những người nerazzurri, đó là trận đấu của mười năm chứ không phải chỉ của một mùa giải. Đó là trận đấu của 48 tỉ lire.

(http://curvafiladelfia.files.wordpress.com/2008/03/juventus-1998-04-26-juventus-inter-1.jpg)

Lasciate ogni speranza voi che entrate

Những gì diễn ra sau đó diễn tả những gì mà tấm băng rôn của cổ động viên Juventus đã căng lên. Marcello Lippi đưa quân ra với đội hình 3-4-1-2 rất lắt léo mà ông đã giới thiệu từ lâu. Del Piero nhanh chóng đi bóng và sút vào gôn Gianluca Pagliuca giữa một rừng hậu vệ Inter Milan. 1-0 ngay từ giữa hiệp 1. Kể từ phút ấy, trận đấu diễn lại tất cả những tình huống căng thẳng hệt như trong trận lượt đi. Trong trận derby d’italia lượt về này, Inter Milan và Ronaldo là những kẻ thiệt thòi. Hàng loạt những pha phạm lỗi quyết liệt diễn ra của cả hai đội và Ronaldo là người gành chịu đau đớn nhất. Sau khi phạt thẻ đỏ đuổi Zé Elias (Inter Milan) phút 21 hiệp 2, trọng tài Piero Ceccarini tiếp tục tạo nên đợt phản ứng dữ dội khác: Phút 28 hiệp 2 Mark Iuliano cản ngã Ronaldo trong vòng cấm trong một pha bóng diễn ra quá nhanh. Piero Ceccarini cho rằng Mark Iuliano không có lỗi và để trận đấu tiếp tục. Liền ngay sau đó ông lại thổi phạt 11m cho Juventus lúc hậu vệ Inter Milan cản ngã Del Piero trong tình huống phản công lại. Trận đấu bùng lên dữ dội tưởng chừng như tan vỡ. Cả đám cầu thủ lao về phía trọng tài nhưng ông ta không thể rút lời được. Dù sao thì Del Piero đá hỏng 11m và Juventus vẫn chỉ dẫn trước có 1-0.

(http://www.agenziaimpress.it/wp-content/uploads/2014/05/inter_juventus_ronaldo_iuliano_1998.jpg)

Iuliano đã cản ngã Ronaldo?

(http://galihaprians.files.wordpress.com/2013/02/twb22-blogspot-com-866-1.jpg)

(http://www.ilpost.it/wp-content/uploads/2012/11/ceccherini.jpg)

Hội nerazzurri vây lấy trọng tài

Mười một năm sau, vào năm 2009 Piero Ceccarini nói rằng ông đã sai lầm trong tình huống đó. Pha lao xuống quá nhanh của Ronaldo khiến ông tưởng là anh ta tự lao vào Mark Iuliano đang đứng yên. Có vẻ như Mark Iuliano đã có chút chủ ý chắn đường tay trọc đầu của Inter Milan này. Nhưng dù có nói lại thế nào, thì dù có một trăm năm nữa trôi qua, những người nerazzurri vẫn còn hằn học và cho đó là một trận đấu thiên vị dành cho Juventus. Đó là nỗi hằn học của những kẻ thua cuộc cùng với báo chí khắp Italia tạo nên một làn sóng chống lại Juventus. Niềm hi vọng của ông Chủ tịch con Massimo Moratti tắt ngấm. Khoảng cách tăng lên 4 điểm và Juventus ung dung đoạt scudetto 2 tuần sau đó. Juventus thắng Bologna 3-2 trên sân nhà Delle Alpi ngày 10 tháng 5 năm 1998. Filippo Inzaghi ghi dấu vào scudetto lần thứ 25 bằng một hat-trick. Trong chiều lên ngôi hôm ấy, Roberto Baggio cũng ghi một bàn vào khung thành Juventus. Anh đã trở lại là mình trong mùa giải này với 22 bàn thắng và đứng thứ 3 trong danh sách vua phá khung thành. Người ngoài hành tinh của Inter Milan, il fenomeno Ronaldo về nhì với 25 bàn thắng. Vua phá khung thành là Oliver Bierhoff của Udinese có những 27 bàn. Còn il fenomeno vero Del Piero (21 bàn) – Filippo Inzaghi (18 bàn) mới là cặp tiền đạo hay nhất.

http://www.youtube.com/watch?v=nYVg-M8DjCc


http://www.youtube.com/watch?v=l-uvkFwDSIo

Xem lại cả trận với Inter Milan ngày 26 thán 4 năm 1998


Giải quyết xong Serie A vào ngày 10 tháng 5 năm 1998, đoạt scudetto lần thứ 3 trong 4 mùa giải), những người anh em bianconeri có 10 ngày chuẩn bị để bay đến sân Amsterdam Arena và chơi trận chung kết cúp châu Âu lần thứ 13 trong lịch sử 101 năm của mình, trận chung kết Coppa dei Campioni thứ 3 liên tiếp. Real Madrid là đối thủ danh tiếng nhất ở châu Âu mà Juventus đã gặp gỡ 7 lần trước đó. Lần gần nhất là tứ kết mùa 1995/96. Khi ấy Juventus đã đánh bại Real Madrid của huấn luyện viên Arsenio Iglesias 2-1 sau 2 lượt trận. Đã có nhiều thay đổi sau hai năm. Nhưng cũng có khi là chuyện gặp lại những người quen cũ. Như Jupp Heynckes, nếu chúng ta còn nhớ, ông đã chịu thua Marcello Lippi một lần ở tứ kết Coppa Uefa, tháng 3 năm 1995. Khi ấy Jupp Heynckes mới ở Eintracht Francoforte, còn nay đã tiến một bước dài trong sự nghiệp với vị trí huấn luyện viên trưởng Real Madrid. Trên con đường ông đưa đội bóng Hoàng gia này đến trận đấu cuối cùng, chẳng còn gì thuyết phục hơn là chỉ huy các học trò đánh bại đương kim vô địch Borussia Dortmund ở bán kết. Real Madrid của ông trùm Lorenzo Sanz đang trở lại những ngày vàng son như hồi những năm 1960s.

Amsterdam Arena chào đón một cuộc đối đầu đỉnh cao của bóng đá châu Âu khi mà những đối thủ ngang tài ngang sức được so sánh với nhau. Những tay bắt gôn cự phách Angelo Peruzzi và Bodo Illgner, những tay ghi bàn đẹp trai Del Piero và Raúl Gonzales, Fernando Morientes và Filippo Inzaghi, Didier Deschamps và Fernando Hiero, Zinédine Zidane và Fernando Redondo, Edgar Davids và Clarence Seedorf, Angelo Di Livio và Roberto Carlos, Gianluca Pessotto và Christian Panucci cùng nhiều cái tên khác nữa. Người ta chờ đợi xem ai sẽ là người thắng cuộc. Người ta chờ đợi xem Fernando Hiero, Zinédine Zidane, Roberto Carlos hay Del Piero, ai sẽ là người đá phạt tung lưới đội kia. Rốt cuộc thì chẳng có cú sút phạt nào thành bàn cả. Các anh tài sút phạt không có mấy lúc mà thể hiện mình. Hai đội chơi pressing khắp mặt sân từ phút đầu cho đến phút cuối. Mỗi mét vuông sân cỏ là một cuộc tranh giành nảy lửa. Có lẽ chưa lần nào trong mùa giải này Juventus phải chịu lối chơi pressing thật sự như thế. Real Madrid không phải là gà gô như AS Monaco. Real Madrid không phải là Dynamo Kyiv.

(http://u.goal.com/187300/187320hp2.jpg)

Real Madrid luôn xử Del Piero như thế này

 
Predrag Mijatović, Fernando Hiero và Christian Karembeu xử đôi tiền đạo mảnh khảnh của Juventus rất tệ, Edgar Davids đã bị đồng hương Clarence Seedorf sẵn sàng khóa chặt bằng những pha bóng rát chân. Zinédine Zidane luôn bị chặn trước mặt còn Didier Deschamps phải đề phòng Fernando Redondo. Thế trận ấy không cho Zinédine Zidane hay Del Piero có nhiều cơ hội làm bóng cho đồng đội. Khi Juventus có vài cơ hội thì Filippo Inzaghi và Edgar Davids cũng không may mắn để thắng được bắt gôn Bodo Illgner. Khi Juventus đã đưa bóng vào rất gần khung thành Real Madrid trong hơn 10 phút đầu hiệp 2 thì Real Madrid lại bật lại và Predrag Mijatović ghi bàn.
Những tiền đạo trẻ sức còn yếu như Filippo Inzaghi, Raul Gonzales, Fernando Morientes không có nhiều bóng. Nó nằm trong chân những gã vừa khỏe vừa không biết ghê chân như là Predrag Mijatović, Clarence Seedorf, Roberto Carlos và Christian Karembeu. Khi đã dẫn bàn, Real Madrid chỉ cần phá Juventus và kiểm soát thế trận bằng lối pressing chẳng kém gì Juventus. Thế là hết, giá như Juventus còn có hai anh bạn to con Alen Boksíc và Christian Vieri. Giá như Angelo Di Livio có cái vòng đùi to hơn 58cm của Roberto Carlos.

(http://www.ajax.nl/upload/88bc5799-43f0-40bd-8cdd-0296964076f8_finale%20CL%201998%20Davids%20Seedorf%20Pro%20Shots%20560.jpg)

(http://makingplansfornigel.files.wordpress.com/2012/05/davidsseedorf98.jpg)

Có lẽ họ chưa bao giờ là bạn

 Chuyện kể rằng phút cuối cùng 90+4, Clarence Seedorf lao cả hai chân để vừa cản phá vừa trả đũa Edgar Davids. Trọng tài người Đức Hellmut Krug đã rút thẻ vàng rồi thẻ đỏ đuổi Clarence Seedorf ra khỏi sân vì tưởng nhầm anh ta với Edgar Davids. Hellmut Krug đã phạt Edgar Davids một thẻ vàng trong hiệp một. Nhưng đó chẳng phải là một kỷ niệm đáng nhớ, chẳng phải là một chuyện vui cho những người bianconeri trong buổi tối hôm ấy ở Hà Lan. Bởi vì Juventus đã thua Real Madrid bởi một bàn duy nhất của Predrag Mijatović. Khi ông Hellmut Krug thổi còi kết thúc trận đấu, khi các cầu thủ Real Madrid chạy ùa ra sân ăn mừng thì hình như những người bianconeri vẫn không nghĩ rằng mình đã thua. Họ vẫn đủ sức đá thêm cả tiếng nữa để gỡ hòa, nhưng trọng tài đã thổi còi rồi. Nhiều năm sau chắc họ vẫn nhớ về trận đấu với những suy nghĩ xáo trộn. Nó không bất ngờ như khi thua Borussia Dortmund năm trước mà cảm giác từ từ, thẫn thờ. Như họ đã nhìn thấy chiếc cúp tưởng ở rất gần nhưng mỗi phút mỗi giây lại vuột mất ra xa. Tưởng như chỉ tiến lên một chút là họ giữ được nó mà chẳng bao giờ chạm vào được. Real Madrid đoạt cúp sau 32 năm chờ đợi còn Juventus thua trận chung kết thứ 2 liên tiếp. Sau Ottmar Hitzfeld là upp Heynkes, chúng ta có vấn đề khó chịu với những người Đức thật rồi.

(http://img818.imageshack.us/img818/7197/cccw.jpg)

Xem lại cả trận với Real Madrid ngày 20 tháng 5 năm 1998: Hiệp 1 (http://www.dailymotion.com/video/xz8pt6_1998-juventus-fc-real-madrid-cf-1st-half_animals), Hiệp 2  (http://www.dailymotion.com/video/xz8sxh_1998-juventus-fc-real-madrid-cf-2nd-half_animals)

Đó đã là trận chung kết cúp châu Âu lần thứ 13 và là trận thua thứ 7 (trong số này có 6 lần vào chung kết Coppa dei Campioni mà chỉ chiến thắng có 2 lần). Có thể coi đó là một cuộc trả nợ ngọt ngào của Jupp Heynkes. Ông đã đánh bại cả đội vô địch lẫn đội á quân. Nhưng các bianconeri có thể tự hỏi rằng tại sao Jupp Heynkes lại lấy đi của họ nhiều đến thế? Tại sao Juventus thua nhiều trong các trận chung kết đến thế và liệu có phải đội bóng của họ luôn phô diễn những gì hay nhất của mình ở bán kết và rồi chịu thua đầy tiếc nuối trong trận đấu cuối cùng hay không? Chẳng một ai có thể tưởng tượng ra cái điều dớ dẩn ấy, nhưng ít ra nó có vẻ đã đúng với Juventus.

Mùa bóng 1997/98 đối với Juventus kết thúc trong buổi tối buồn ở Amterdam Arena. Còn với gần một nửa số cầu thủ thì chưa. Mùa bóng của họ tiếp tục ở cúp Thế giới, mùa hè nước Pháp năm 1998. Tám cầu thủ Juventus có mặt ở đó, gồm có Gianluca Pessotto, Moreno Torricelli, Alessandro Del Piero, Angelo Di Livio, Filippo Inzaghi (Italia), Edgar Davids (Hà Lan), Didier Deschamps và Zinédine Zidane (Pháp). Đáng lẽ số cầu thủ Juventus xuất hiện trong màu áo thiên thanh phải là 7 người chứ không phải 5. Nếu như Ciro Ferrara không bị gẫy chân vào tháng 3. Nếu như (còn đáng tiếc hơn nữa) là thủ môn số 1 Angelo Peruzzi không chấn thương ngay trước thềm khai mạc và được huấn luyện viên đội tuyển lúc đó là Cesare Maldini thay bằng Gianluca Pagliuca. Nhưng dù Angelo Peruzzi có mặt thì anh cũng không thể nào thay đổi được những kế hoạch của Cesare Maldini. Giống như tại Euro 1996 (trong số 4 cầu thủ Juventus được gọi thì chỉ có Angelo Peruzzi được chơi chính), lần này, cả 5 anh chàng bianconeri đều là dự bị (dù Juventus là đội có nhiều cầu thủ góp mặt nhiều nhất). Cái gọi là blocco-juve trong lòng squadra Azzurri vẫn còn đó, nhưng Cesare Maldini giống như Arigo Sacchi trước kia, dường như không tin tưởng, ông đóng gói blocco-juve và vứt vào một góc. Có lẽ ông không dám tin vào một đội bóng còn chán nản vì vừa thua trận. Có phải đây là lỗi lầm của Cesare Maldini để cuối cùng đội tuyển Italia chẳng hưởng được bao nhiêu lợi ích từ thời gian có thể coi là vàng son này của Juventus?
 
Dẫu sao thì Cesare Maldini cũng dành cho những người bianconeri một chút cơ hội, cho một người duy nhất, là Del Piero. Sau hai trận đầu tiên ở vòng bảng ngồi dự bị cho Roberto Baggio, Del Piero được đẩy lên đá chính và Roberto Baggio quay về dự bị. Đó có thể coi là một cuộc chuyển giao thế hệ, mà hình ảnh vẫn là cái ôm giữa Roberto Baggio và Del Piero giống như ở Juventus năm 1995. Đó có thể coi một lần tin tưởng của Cesare Maldini dành cho Del Piero. Chỉ có điều Del Piero không tận dụng được cơ hội ấy. Trận đầu tiên anh được đá chính là trận cuối cùng của vòng bảng với đội Áo. Hơn 70 phút có mặt trên sân, Del Piero để lại ấn tượng với pha đá phạt giúp Christian Vieri đánh đầu mở tỉ số. Rồi Filippo Inzaghi vào sân và chuyền thật thảo để Roberto Baggio ghi bàn thứ 2. Thêm gần 80 phút trong trận đấu với Na-uy tại vòng 2, số 10 Del Piero vẫn không có bàn thắng nào mà còn bỏ lỡ một cơ hội đối mặt với thủ môn. Alessandro Del Piero đã không thể hiện được mình, giống như trong trận trung kết Coppa dei Campioni. Người ta bắt đầu nói đến cái duyên nghèo giữa số 10 Del Piero và đội tuyển áo thiên thanh.

: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr May 23, 2014, 10:38 AM
---
P/s: Mình đang có vấn đề là rất khó xác định ảnh trên internet thuộc bản quyền của hãng nào để ghi chú. Vì hầu hết ảnh trên internet đã mất caption hoặc bị sao chép nhiều lần. Bạn nào có nguồn nào lấy ảnh ghi rõ bản quyền thì chỉ mình với nhé.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr June 09, 2014, 05:46 PM
(http://static.fanpage.it/calciofanpage/wp-content/uploads/gallery/15-05-1910-italia-francia-l-esordio-della-nazionale-italiana-l-inizio-di-una-sfida-infinita/italia-francia-1998.jpg)

(http://www.storiedicalcio.altervista.org/images/italia-francia-1998-79038390.jpg)

Italia chỉ có nỗi buồn sau chấm 11m

Cuộc dạo chơi của squadra Azzurri kết thúc ở vòng đấu tứ kết trước đội tuyển chủ nhà Pháp. Thêm gần 70 phút hợp tác nữa giữa cặp đôi Del Piero và Christian Vieri vẫn không mang lại quả ngọt nào. Del Piero chia tay cúp Thế giới đầu tiên trong đời mà không có được một bàn thắng làm vốn. Italia và Pháp kéo nhau lên chấm phạt đền. Cũng như trong trận mở màn vòng bảng với Chile, Roberto Baggio đã vượt qua những điều day dứt từ cú sút trượt năm 1994 và thành công quả 11m đầu tiên. Nhưng những người tin cậy nhất như Demetrio Albertini và Luigi Di Biagio lại đá hỏng. Ở bên kia, những cầu thủ mới 20 tuổi của đội Pháp như Thierry Henry và David Trezeguet lại nhẹ nhàng và bình thản hoàn thành cú đá của mình. Đó cũng là lúc đội tuyển Italia phải lặng lẽ ra về. Lần này là lần thứ 3 liên tiếp họ chịu thua trên con đường tranh giành cúp vàng thế giới sau những loạt 11m: 1990, 1994, 1998. Có lẽ đó là cái số, như mỗi duyên nghèo giữa Del Piero và đội tuyển Italia. Cúp thế giới năm ấy il fenomeno Ronaldo bỗng nhiên suy sụp trong trận chung kết thật khó hiểu còn il fenomeno vero của chúng ta không khác gì người thường. Ở cúp châu Âu 3 tháng trước, Thierry Henry và David Trezeguet đã thua Juventus. Còn hôm nay, họ thắng cả đội tuyển Italia. Những anh chàng gà gô đã biến thành gà chọi.

Hưởng lợi nhất từ thành công của Juventus thời gian này là đội tuyển Pháp chứ không phải Italia. Đội bóng ấy có hai thủ lĩnh mà Juventus đang sở hữu Didier Deschamps - Zinédine Zidane tỏa sáng và đưa cả đội đến chiến thắng cuối cùng. Họ vượt qua cả Brasil của Ronaldo. Zinédine Zidane cuối cùng mới là người thắng cuộc và giang cả cúp vàng lẫn quả bóng vàng. Il fenomeno vero Del Piero chỉ có niềm nuối tiếc còn il fenomeno Ronaldo chỉ có những giọt nước mắt. Với đội tuyển Azzurri, dẫu sao thì lần này Cesare Maldini cũng mang đến nước Pháp rất nhiều tài năng trẻ tuổi, những cậu bé đã lớn lên bằng niềm cảm hứng vô tận của Spagna 1982 như Gianluigi Buffon, Fabio Cannavaro, Alessando Nesta, Christian Vieri, Alessandro Del Piero và Filippo Inzaghi. Cho dù đó là một cuộc chuyển giao thế hệ không trọn vẹn, thì tương lai ở đâu đó, lúc nào đó, họ sẽ làm nên những điều kỳ diệu.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr June 11, 2014, 05:27 PM
Đang đến đoạn này thì mấy ngày nay lại đi ngâm cứu phong trào công nhân Italia, cánh tả, cộng sản với các kiểu lữ đoàn đỏ khủng bố ám sát, dần dần hiểu hơn về Fiat và Juve. Sắp điên mẹ nó rồi. :billy:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Nguyen Hai Long June 12, 2014, 12:19 PM
Tức là Juve là 1 tổ chức khủng bố ?  :devil:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr June 12, 2014, 03:50 PM
Tức là Juve là 1 tổ chức khủng bố ?  :devil:
Không biết có là một tổ chức khủng bố hay không nhưng bị bọn nó bắn chết vài ông chief.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr June 18, 2014, 11:53 AM
Enrico Toti, cây nạng gỗ và lưỡi dao găm


Mùa hè ngột ngạt 1998 chậm chạp trôi đi, những bánh xe Juventus nặng nề chuyển bánh. Đây không phải là một mùa hè yên ả của Serie A mà có thể nói là một trong những mùa hè sôi động nhất trừ Juventus. Từ năm 1992 đến thời điểm này, đây mới là lúc mà 7 chị em ở Serie A cân bằng nhất. Đứng cạnh Inter Milan, AC Milan và Juventus thì 4 đội còn lại đã vươn lên sánh ngang về tầm vóc, mức độ tài năng của các thành viên và cả tiền bạc nữa, có khi còn hơn rất nhiều. Lại thêm một mùa hè đầu tư ào ạt của những ông chú giàu có. Tiền tung ra và ngôi sao chạy lại. SS Lazio, AS Roma, AC Parma và AC Fiorentina đã đạt đến đẳng cấp cao, phá vỡ sự thống trị của Juventus trong khi AC Milan, Inter Milan từ lâu vẫn là những kẻ kèn cựa khó chịu. Inter Milan đã có Roberto Baggio về đá cặp với Ronaldo sau bao ngày mơ ước, cả Andrea Pirlo và Nicola Ventola nữa. Parma đã có thêm Sebastián Verón, Diego Fuser và Alain Boghossian. Lazio đã có thêm Fernando Couto, Siniša Mihajlović, Sérgio Conceição, Dejan Stanković, Marcelo Salas và kéo được cả Christian Vieri trở về từ Madrid. Kinh khủng. AC Milan đã câu được những gì tốt nhất của Udinese gồm ông thầy Alberto Zaccheroni, Thomas Helveg và cả Oliver Bierhoff. Ở Firenze, Fiorentina có Giovanni Trapattoni để dẫn dắn một dàn anh tài. Đến Sampdoria cũng kiếm được Ariel Ortega về chơi với Giuseppe Signori. Có điều Juventus lại đứng yên.

(http://24.media.tumblr.com/tumblr_lpo0eqs8BU1qfxktpo1_1280.jpg)

Lazio và những cuộc mua sắp không tiếc tay

Chính sách tằn tiện ăn kham uống khổ của Juventus lại được thể hiện. Đối với Luciano Moggi và Roberto Bettega, không bán được ngôi sao nghĩa là cũng không có ngôi sao về theo chiều ngược lại. Mùa hè năm 1998, không có bất kỳ ai trong số những tài năng của Juventus bị bán đi. Trong số 8 người tham dự cúp Thế giới thì chỉ có duy nhất Moreno Torricelli được bán cho Fiorentina, 7 người ở lại. Một trong những điểm nổi bật trong chính sách chuyển nhượng của Juventus trong một hai năm qua có thể nhận ra rõ nét: Thâu tóm cầu thủ tài năng trẻ. Luciano Moggi mang về nhiều cầu thủ mới 20 tuổi và đưa lên đội 1 như là thủ môn Morgan De Sanctis (từ Pescara), hậu vệ Croazia Igor Tudor (từ Hajduk Spalato) sau khi xem anh này ra mắt cùng đội Croazia và gây ra bao điều không ngờ ở cúp thế giới vừa rồi. Thêm tiền vệ Simone Perrotta (từ Reggina) và tiền đạo Marco Rigoni mới có 17 tuổi nữa. Đây đều là những tài năng mới lớn đã có mặt trong đội hình U-21 hay U-18 quốc gia. Cũng có một hai cầu thủ đã có kha khá kinh nghiệm được mua thêm vào như hậu vệ Nam Tư Zoran Mirković (từ Atalanta), tiền vệ Pháp Jocelyn Blanchard (từ Metz). Tất cả trong số này đều là những cầu thủ dự bị hoặc không thể chắc chắn một vị trí trong đội hình xuất phát. Để Moreno Torricelli sang Firenze đoàn tụ với Giovanni Trapattoni (người đã rất thích anh) có thể là một sai lầm. Không mua thêm một ngôi sao tấn công nào mà chỉ chờ cậy vào cặp đôi Filippo Inzaghi - Del Piero có thể là một sai lầm lớn, bất chấp suy nghĩ rằng cả hai anh đang ở thời gian chín đỏ của sự nghiệp. Từ năm trước chúng ta đã thấy Inzaghi và Del Piero là không đủ, là quá ít. Tất cả những điều lo lắng ấy sẽ có câu trả lời vào ngay đầu mùa giải mới, mùa bóng thứ 5 của Marcello Lippi ở Delle Alpi. Rất nhanh.

(http://it.uefa.org/MultimediaFiles/Photo/competitions/NationalAss/93/72/80/937280_w2.jpg)

Igor Tudor cùng Croazia có huy chương đồng cúp thế giới ©Getty Images

(http://1.bp.blogspot.com/-yRVJcq1hAY8/UlVRnw_KFXI/AAAAAAAAGMI/R9_i4bkrK-E/s1600/C_3_Media_1693565_immagine_ts673_400.jpg)

Và đã là người Juve. © LaPresse

Có gì đó ngột ngạt ở Torino. Khi trong lòng Juventus đã không có được sự tươi mới thì họ lại nhận thêm một cú đâm chết người từ sau lưng. Hơn một tháng trước khi mùa giải mới bắt đầu, ông huấn luyện viên AS Roma có tên Zdeněk Zeman có lẽ vì quá cay đắng khi đội bóng của mình chỉ cán đích thứ 4 trong mùa 1997/98 nên đã gây ra một cuộc chiến chấn động bóng đá Italia, bắt đầu từ một cuộc phỏng vấn bâng quơ kiểu người nói vừa rảo chân vừa nói, người hỏi vừa cầm sổ vừa chạy theo. Ngày 25 tháng 8 năm 1998 tờ báo Người đưa tin Il Messaggero tung ra đoạn phỏng vấn của cây bút Mimmo Ferretti với Zdeněk Zeman. Tờ Người đưa tin này có trụ sở ở Roma và họ giới thiệu là phỏng vấn ngay ở trại tập luyện của AS Roma ở Predazzo. Nó vô cùng đơn giản. Zdeněk Zeman nói mập mờ về việc dùng thuốc trong phòng thay đồ của các đội bóng Italia, một điều quá bình thường trong bóng đá. Sau đây là cuộc trao đổi giữa cây bút Mimmo Ferretti và ông huấn luyện viên Đông Âu được tờ Il Messaggero cho in ngày 25 tháng 7 năm 1998:

Zdeněk Zeman: - Bóng đá đang thay đổi. Đáng tiếc là..., tôi có thể thêm vào… Tôi mong rằng bóng đá thoát ra khỏi (nạn) thuốc thang và các vấn đề tiền bạc, chỉ còn lại (ý nghĩa) thể thao và giải trí.
Mimmo Ferretti: - Xin ông nói tiếp
Zdeněk Zeman: - Theo tôi thì bóng đá rất được yêu thích trên thế giới không phải vì các vấn đề thuế má hay (nạn) thuốc thang mà bởi vì sự thật là ở mỗi góc phố bất cứ nơi đâu cũng có những đứa trẻ đang chơi và vui vẻ với trái bóng trong chân. Nhưng bóng đá bây giờ ngày càng công nghiệp và ít đi tính vui chơi.
Mimmo Ferretti: - Sao ông lại nhắc đến vấn dề tiền bạc tài chính và thuốc thang?
Zdeněk Zeman: - Không nói nữa, hãy để mọi người dùng cái đầu của mình, anh nghĩ đi…
Mimmo Ferretti: - Ông có nghĩ là công tác chống doping bây giờ là không đủ?
Zdeněk Zeman: - Tôi không nghĩ gì cả. Tôi không phải là một bác sỹ.
Mimmo Ferretti: - Có phải nó cũng dính đến bóng đá không, như vụ Festina ấy
Zdeněk Zeman: - Câu trả lời của tôi là, tôi không biết!
(Sang chủ đề khác)


Vụ Festina mà Mimmo Fererretti nhắc đến chính là một vụ doping chấn động trong làng thể thao thế giới vừa nổ ra hồi đầu tháng, báo Italia gọi là một vụ Pedalopoli. Ngay trước hôm bắt đầu giải đua xe đạp Tour de France vòng quanh nước Pháp năm 1998 (lúc Cúp thế giới 1998 cũng sắp hạ màn), một lô một lốc thuốc doping được tìm thấy trong xe con của đội đua Festina. Sau đó hàng loạt đội đua khác cũng bị lục soát xe, khách sạn, bị gọi lấy cung. Nhiều người bị bắt giữ. Nhiều tay đua cự cãi phản ứng. Festina bị loại khỏi cuộc đua. Vài đội khác cũng rút. Các cuộc điều tra sau đó tiết lộ cả một hệ thống sử dụng doping ở Festina và dấy lên ngờ vực rằng tất cả các đội đua xe đạp đều như vậy. Trong thời gian nhộn nhạo này tay đua Italia của đội Mercatone Uno là ‘cướp biển’ Marco Pantani đã vượt qua tay đua người Đức Jan Ullrich để doạt áo vàng cuối cùng. Jan Ullrich của đội Telekom chính là người chiến thắng năm 1997. Năm đó là năm đáng nhớ của Marco Pantani, một tuần trước Tour de France 1998, anh cũng giành áo hồng chiến thắng cuối cùng ở giải đua xe lớn thứ 2 châu Âu là Giro d’italia vòng quanh nước Ý.
 
Thế mà lúc ấy không ai biết rằng một năm sau, đến lượt chính Marco Pantani dính vào cáo buộc doping epo và bị đuổi khỏi Giro d’italia 1999 dù sau đó được trắng án vào năm 2003 vì không đủ căn cứ buộc tội. EPO cũng chưa bị cấm ngặt thời kỳ đó. Đến một hôm chập tối tháng 2 năm 2004, người ta tìm thấy tay ‘cướp biển’ Marco Pantini nằm chết trong một khách sạn ở Rimini. Cảnh sát bảo anh bị sốc tim vì dùng cocaine quá liều. Bạn gái của anh nói anh đã bắt đầu chơi cocaine vì buồn bã kể từ khi bị đuổi khỏi Giro d’italia 1999. Cũng không ai ngờ rằng tay đua theo sau Marco Pantini thắng giải Tour de France 1999, mà còn thắng 7 lần liên tiếp, là Lance Armstrong sau này bị tước tất cả 7 chiến thắng này, cũng lại vì cáo buộc doping. Tour de France và làng đua xe đạp có những chuyện ngán ngẩm không thể tin được.

Mimmo Ferretti hoặc là Zdeněk Zeman hoặc là ai đó có vẻ như đã cố cài vào vụ Festina và tờ Il Messaggero đã tung lên mặt báo. Đó là một đống lửa đốt cháy báo chí Italia, đốt nóng luôn nghị viện Italia. Năm nghị sỹ đã thúc giục phó Thủ tướng Walter Veltroni có hành động. Sau đó ủy ban Olimpic Italia CONI vào cuộc và chỉ đạo cho luật sư Ugo Longo trưởng ban chống doping đi kiểm tra. Họ sẽ cho gọi Zdeněk Zeman để làm cho rõ ràng. Nhưng trong lúc mà cuộc rà soát của CONI và luật sư Ugo Longo chưa thu được kết quả gì thì những người Roma tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa. Hàng loạt tờ báo Italia đã đăng tải và dẫn lại buổi phỏng vấn ngày 6 tháng 8 năm 1998 của Zdeněk Zeman với một số tờ báo ngày và báo tuần Italia. Nhiều hãng tin lớn trên thế giới như AP, Independent, Sportsillustrated đã dẫn lại.
 
Trong số các báo này, tờ báo tuần L'espresso (cũng là một tờ báo có văn phòng chính tại Roma) đã tung lên những bài đủ nhất và cũng nặng nề nhất có thể của cây bút Gianni Perrelli. Nó dẫn lời Zdeněk Zeman và chủ đề không gì khác ngoài vấn đề doping trong bóng đá cho dù đó chỉ là vài bật mí kiểu dấm dứ và những suy diễn của riêng tay huấn luyện viên người Séc nhập cư này để nói rõ hơn những lời của ông ta hôm 25 tháng 7. Và cuối cùng, người ta sẽ nhận ra đâu mới là mục tiêu thật sự của Zdeněk Zeman và những người Roma.

Trong bài báo của Gianni Perrelli, Zdeněk Zeman nói lên rất nhiều suy nghĩ của mình với một lời mào đầu rằng ông không phải là một kẻ giả dối mị dân hay đang xúi giục khiêu khích mà chỉ nói ra những điều đang bị bưng bít. Bắt đầu bằng bật mí rằng ông đã thấy (vấn đề doping) không chỉ có trong môn đua xe đạp mà cả trong bóng đá. Zdeněk Zeman cho rằng môn xe đạp đã nổ ra scandale còn bóng đá mới chỉ có những lời đồn thổi xì xào. Ông nói đã thấy nhiều bác sỹ thể thao từ môn xe đạp chuyển sang môn bóng đá. Ông nói ông biết nhiều đội ở Serie A đã giành lợi thế nhờ vào dùng thuốc, rằng chúng ta phải tránh để Serie A trở thành giải đua vòng quanh nước Pháp Tour de France, rằng ông ta đã nhận được nhiều lời mời chào từ các công ty thuốc với quảng cáo rằng nó có thể tăng lượng máu đỏ chảy đến cơ bắp lên đến đến hơn 50% bằng các loại tiền chất (dẫn đúng chữ: sostanze, substances) pha trộn trong đó. Nhưng Zdeněk Zeman hoặc là cả Gianni Perrelli đã rất ranh mãnh nói rằng không nhớ tên bất cứ loại thuộc hay hãng thuốc nào cả (!) Ông ta cũng không gọi đó là ma túy ‘droga’ mà chỉ mập mờ gọi là thuốc ‘medicina’. Đó là một cách quá khôn ngoan để tránh khỏi dây dưa với các hãng thuốc. Dù thừa nhận rằng ông không phải là thầy thuốc và không biết những tác dụng không tốt của chúng nhưng theo ông thuốc chỉ để chữa lành những vết thường trị chấn thương. Zdeněk Zeman đặt ra câu hỏi rằng có thể các loại thuốc này ban đầu không có hại gì, kiểm tra doping cũng không sao nhưng ai biết chuyện gì sẽ đến vài năm sau đó, rằng bây giờ các cầu thủ không quan tâm đến sức khỏe của mình. (!) Rồi Zdeněk Zeman và Gianni Perrelli nhắc lại vụ scandale Lipopill dính dáng đến Angelo Peruzzi và Andrea Carnevale hay mấy vụ của Diego Armando Maradona và Claudio Caniggia. Nhưng ai cũng biết là những vụ trên là scandale dính dáng đến cocaine chứ không phải steroids, epo hay bất cứ loại doping nào khác.

(http://i1.ytimg.com/vi/YXnux9CMROo/maxresdefault.jpg)

Gã nghĩ mình là Enrico Toti? Không.

Một số càu thủ Juventus đã có ý châm chọc Zdeněk Zeman sau khi nghe ông này nói trên tờ Người đưa tin hôm 25 tháng 7, rằng chắc ông này muốn nổi tiếng, mốn lên trang nhất nên mới nói như vậy, vì từ hồi cầm quân đến giờ ông vẫn chưa có cái danh hiệu nào. Zdeněk Zeman đáp lại rằng ông có cách nghĩ riêng của mình, rằng “sự thật là tôi cưa hề thắng giải gì nhưng tôi không cảm thấy có vấn đề gì, tôi có cách nghĩ khác về sự thành công, tôi cảm thấy hài lòng khi tôi có thể chơi theo cách của mình.”  Vòng vo tam quốc mãi cũng đến lúc Zdeněk Zeman nói toạc ra thứ mình dấm dứ bấy lâu, rằng “tôi không phủ nhận rằng nhiều lúc cảm thấy bất ngờ về sự phát triển cơ bắp của mấy cầu thủ Juventus. Nghi ngờ bắt đầu từ Gianluca Vialli. Sau đó là Del Piero. Tôi cứ nghĩ là họ đang tập luyện một môn thể thao khác mà rõ ràng kết quả có được chỉ có thể từ môn thể hình sau hàng năm trời tập luyện khác biệt. Tôi chắc chắn rằng bóng đá hoàn hoàn khác, ít nhất là với kiểu của tôi, rõ ràng như vậy.”

Zdeněk Zeman sau đó còn hé mở về ngày ông làm huấn luyện viên ở Lazio, vài cầu thủ thường được cho dùng creatine theo hướng dẫn ở đội tuyển quốc gia, những thứ mà dân trong nghề gọi là những viên thuốc thần ‘pillolina magica’… Phần sau của bài báo, Zdeněk Zeman còn nói nhiều về việc lệ thuộc vào thuốc của các cầu thủ, nói rằng có khi các cầu thủ Roma cũng dùng, ai mà biết được. Ông nói về Ciro Ferrara và Diego Maradona, về ảnh hưởng của tiền bạc với bóng đá hiện đại, về cái hại của truyền hình, về cúp thế giới, về Blatter-Platini, về nhiều người khác nữa. Và về chính Zdeněk Zeman, ông ta bảo, ông ta đã hết thấy hứng thú với bóng đá ngày ngay rồi, rằng đôi khi ông cảm thấy như là người cổ… Nhưng phần sau chẳng đáng nói nữa. Nhắc đến Del Piero và Gianluca Vialli như cái kiểu ở trên và tung lên báo cho cả thế giới biết là Zdeněk Zeman và Gianni Perrelli đã đâm lưỡi dao vào lưng Juventus.
 
Không còn chỉ là một đống lửa nữa. Đấy là một quả bom làm nổ tung làng bóng đá Italia. Có lẽ Zdeněk Zeman đang nghĩ mình như người anh hùng đạp xe một chân Enrico Toti đang quăng nốt cả chiếc nạng gỗ của mình về phía kẻ thù trong lúc đã bị thương cận kề cái chết nơi chiến trường. Chắc ông nghĩ mình đang chống lại sự không công bằng và những áp bức? Nhưng Zdeněk Zeman không có nạng gỗ, ông dùng dao găm. Marcello Lippi bảo đó là việc làm của một tên hèn, đáng bị cấm năm năm, là lý do giải thích tại sao người khác thì chiến thắng còn ông ta thì không. Người thay mặt của Del Piero nói rằng những lời nói của Zdeněk Zeman là rất nặng nề và làm hại đến cả thế giới bóng đá. Gianluca Vialli tức giận gọi ông ta là một tên khủng bố đang cố làm chao đảo thế giới bóng đá. Carlo Tranquilli, trưởng phòng chống doping nói rằng hơn 2,500 mẫu thử mùa giải trước không có vấn đề gì và công tác chống doping Italia thuộc vào loại tốt nhất thế giới. Chủ tịch Juventus khi đó là Vittorio Chiusano tuyên bố có thể kiện Zdeněk Zeman để bảo vệ thanh danh của đội. Nhưng dù những người bianconeri có nói gì đi chăng nữa thì lưỡi dao đã găm sau lưng rồi.

Ngày 7 tháng 8 năm 1998, ban chống doping của Coni gọi Zdeněk Zeman lên để làm rõ chuyện này. Theo sau đó là một loạt cuộc gọi khác với Del Piero, Gianluca Vialli, Didier Deschamps, Dino Baggio, Fabrizio Ravanelli và nhiều người nữa.

Ngày 9 tháng 8 năm 1998, viên công tố Raffaele Guariniello ở thành phố Torino mở một cuộc điều tra riêng rẽ của mình.

Ngày 10 tháng 8 năm 1998, viên công tố Giovanni Spinosa ở Bologna mở cuộc điều tra riêng rẽ thứ 3 vì một công ty thuốc thừa nhận là đã cung cấp chất kích thích cho vài đội bóng.

Ngày 25 tháng 8 năm 1998, ban chống doping của Coni khép lại điều tra, kết luận rằng không có vấn đề gì về doping.

Ngày 1 tháng 9 năm 1998 đến lượt chính phòng xét nghiệm doping của Coni bị điều tra vì có tình tiết cho thấy có sự làm việc ẩu tả và giấu giếm chứng cớ. Như ong vỡ tổ. Chủ tịch ủy ban Olympic Italia là Mario Pescante bỏ ghế. Sau đó trưởng ban phòng chống doping Ugo Longo cũng mất ghế nốt. Mùa bóng mới bắt đầu không thể nào nhiều điều tiếng hơn. Đối với nhưng người Juventus, cuộc chiến này mới chỉ bắt đầu và nó sẽ kéo dài 7 năm trời với bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu vết nhơ cần phải được gột sạch.
   
Có người kể rằng Raffaele Guariniello khi đó 56 tuổi chính là một Juventino. Có người bảo ông ta là kẻ thù đáng nguyền rủa của gia đình Agnelli. Ở Italia, ông đang là một ngôi sao trong giới công tố. Văn phòng của ông nằm ngay trên con phố Vittorio Emmanuele II nổi tiếng nhất Torino, lúc nào cũng có 2 cảnh sát đứng canh cửa và 3 trợ lý giúp đỡ xung quanh. Raffaele Guariniello đã làm nhiều vụ nổi tiếng liên quan đến Fiat và Sanità. Như vụ hồi năm 1970, khi đó Raffaele Guariniello còn trẻ đã tham gia thụ lý một vụ có lẽ là khó nhất trong đời mình. Tháng 9 năm 1970 bà công tố viên Bianca Guidetti Serra bảo vệ cho một anh người làm có tên là Caterino Ceresa đâm đơn kiện hãng Fiat vì anh này cho rằng Fiat đã sa thải mình mà không có lấy một lý do thỏa đáng. Fiat trả lời tòa án rằng Caterino Ceresa chỉ là một nhân viên văn phòng quèn nhưng người ta phát hiện ra Caterino Ceresa đã làm việc cho Fiat 17 năm rồi và công việc của anh ta thật không ngờ. Fiat đã biết mình đang đối đầu với thứ dữ. Bà Bianca Guidetti Serra khi ấy 51 tuổi là một nhà hoạt động và luật sư có ảnh hưởng rất lớn ở Italia. Trước và trong chiến tranh thế giới, bà là người hoạt động giúp đỡ cho các phong trào du kích, các nhóm đấu tranh vì tự do hay là giúp đỡ những người Do Thái vốn lúc ấy đạng bị coi là kẻ thù không đội trời chung dưới mái nhà đất nước Cộng hòa xã hội Italia bù nhìn Repubblica Sociale Italiana do quân Đức lập ra ở miền Bắc Italia. Sau chiến tranh, bà là một trong sáu công tố viên nữ ít ỏi của Tòa án thành phố Torino. Lúc này bà chính là người bảo vệ cho những người cùng đinh và dễ dễ bị làm hại nhất trong xã hội, như là trẻ em, tù nhân, nông dân hay những công nhân đang làm việc trong các nhà máy ở Torino. Và Caterino Ceresa đã được Bianca Guidetti Serra đứng ra che chở.


: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr July 01, 2014, 08:59 AM
Raffaele Guariniello hai mươi năm sau mùa thu đỏ lửa

Bianca Guidetti Serra và thẩm phán Angelo Converso đã tìm hiểu ra rằng Caterino Ceresa thật ra không phải là một nhân viên quèn. Anh ta từng là một viên cảnh sát và năm 1953 được tuyển vào Fiat với chức vụ là chân chạy việc văn phòng. Nhưng không phải vậy. Từ năm 1953 này, dưới trướng của trưởng phòng nhân sự Mario Cellerino từng là một đại tá an ninh, Caterino Ceresa đã cùng những người trong phòng của mình làm việc như một hội mật thám chuyên đi dò la tìm hiểu những người làm công trong các nhà máy của Fiat, xem họ là người như thế nào, giao du với ai, có hoạt động và tư tưởng chính trị như thế nào. Cả cuộc sống riêng tư của họ nữa. Trọng vụ kiện này, Caterino Ceresa đã thua nhưng thẩm phán Angelo Converso đã yêu cầu mở một vụ khác chống lại Fiat. Nó bắt đầu từ những thông tin mà Caterino Ceresa đã nói ra về hoạt động của Fiat qua nhóm người dưới tay cựu đại tá Mario Cellerino mà theo thẩm phán Angelo Converso nói là không thể được ngoài quyền hạn và nhiệm vụ của cảnh sát hay Carabinieri (organi e uffici del servizio di polizia di sicurezza e dall’ arma dei Carabinieri). Rõ ràng là vụ việc đã rẽ sang một hướng khác rất không có lợi cho Fiat và được chuyển sang cho công tố viên Raffaele Guariniello tiếp tục. Khi ấy Raffaele Guariniello mới 30 tuổi.

Cuộc điều tra tiếp theo của Raffaele Guariniello lôi ra ánh sáng một số chuyện làm chấn động Torino. Gần một tháng sau khi bắt đầu vào cuộc, tháng 8 năm 1971, ông cùng với một vài cảnh cảnh sát tin cậy đi kèm giúp đỡ và chính Caterino Ceresa đã khám xét văn phòng của Fiat. Tại đây họ thu được hơn 354,000 hồ sơ cá nhân thu thập trong 20 năm với những bằng chứng cho thấy việc họ dò la tin tức về các hoạt động liên quan đến chính trị hay tư tưởng của nhân viên của mình, có khi cả thông tin cá nhân, chuyện tình cảm giới tính, trước khi quyết định thuê hoặc cất nhắc. Trong số này có hơn 151,000 hồ sơ là ở trong khoảng từ năm 1967 đến 1971. Đây là một tin động trời ở Italia. Fiat đã có một mùa thu đỏ lửa của riêng mình nếu như ta biết những gì đang diễn ra trên các đường phố Italia và trên khắp thế giới trong thời gian này.

Nửa cuối những năm 1960s và đầu những năm 1970 là những tháng ngày đỏ lửa trên các đường phố khắp châu Âu và Mỹ, những tháng ngày của thanh niên thế hệ 4x, 5x nổi loạn. Họ xuống đường thể hiện ý thức giai cấp chính trị cánh trái và cấp tiến của mình trong một thời kỳ có quá nhiều biến động. Ở Nam Mỹ là khúc anh hùng ca của người du kích Cộng sản Che Guevara đã chiến đấu chống lại quân đội nhà nước Bolivia cùng các lực lượng bí mật của CIA cho tự do của loài người để rồi bị giết chết vào tháng 10 năm 1967.

(http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/a/ab/CheMuleFull.jpg)

Người du kích Che Guevara đã bị giết

 Đó là những cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở khắp châu Phi dưới sức mạnh tinh thần thôi thúc bởi chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó là ở Trung đông nơi những nhóm du kích Palestine là mồi lửa cho cuộc chiến sáu ngày ác liệt giữa những người Israel với Ai Cập, Syria và Jordan. Đó là những ngày cách mạng văn hóa đẫm máu ở Trung Quốc mà người ta nói nó là một cuộc đấu tranh giữa các tư tưởng cộng sản với nhau, cuộc tranh giành quyền lực giữa một phe là Mao Zedong với một phe là Deng Xiaoping cùng với Liu Shaoqi. Và có lẽ những mồi lửa mạnh nhất thổi bùng lên phong trào thanh niên thời ấy là từ chiến thanh Việt Nam, cuộc chiến đã bắt đầu lan rộng trên khắp Đông Dương. Những thanh niên Mỹ và người yêu hòa bình ở châu Âu ngày càng cảm thấy cuộc chiến của Mỹ gây ra ở Việt Nam là không có chính nghĩa. ‘Ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản’ dường như không còn là chiêu bài tuyên truyền có hiệu quả của nhà cầm quyền nước Mỹ nữa. Làn sóng thanh niên xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam từ đầu những năm 1960s đã lan rộng và bùng lên dữ dội khi các hãng tin của chính nước Mỹ chuyển về những hình ảnh tàn khốc của cuộc chiến, hay không còn tính người như cảnh tay sỹ quan Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Ngọc Loan bắn súng lục vào đầu một tù binh Cộng sản ngay trên đường phố Sài gòn. Tiếp theo là sự việc Cha Martin Luther King, một người lúc ấy đang có tầm ảnh hưởng lớn lao đến người dân nước Mỹ và phong trào chống chiến tranh, bị giết chết ngày 4 tháng 4 năm 1968.
 
Ông bị giết chết đúng một năm sau khi ông có bài diễn thuyết nổi tiếng "Beyond Vietnam: A Time to Break Silence" gây tranh cãi nhiều nhất trong cuộc đời mình, và trước khi có một cuộc xuống đường chiếm giữ Washington DC do ông kêu gọi. Mà không cần kêu gọi nữa, ngay việc cha Martin Luther King bị giết hại đã là một lý do cho một cuộc nổi loạn của hàng triệu người trên khắp các thành phố của nước Mỹ. Sau cái chết của cha Martin Luther King là những lời đồn đại và vỡ lở thông tin về vụ thảm sát Mỹ Lai do chính những người lính Mỹ gây ra trên đất Việt Nam. Tất cả như vượt quá sức chịu đựng của con người. Người dân Mỹ xuống đường mỗi lúc càng giận dữ. Thanh niên Mỹ cất lên những bài ca phản chiến của Bob Dylan và Joan Baez, hòa theo tiếng đàn ghi-ta điên dại của Jimmy Hendrix trong đại nhạc hội Woodstock, những bài hát của John Lenon và The Beatles, Jim Morrison và The Doors cùng hàng trăm nghệ sỹ khác như Jane Fonda. Tất cả đấu tranh cho một Vietnam nhỏ bé đáng thương đương đầu Goliah Hoa Kỳ như châu chấu đá xe, cho những người da đen bị bóc lột trong quá khứ hay chống lại sự tàn ác của chiến tranh, cho những ước mong giải phóng con người.

(http://what-when-how.com/wp-content/uploads/2011/05/tmp2F7_thumb.jpg)

Bob Dylan và Joan Baez hát cho Việt Nam ở London 1965, ảnh @Getty images

Phong trào của thanh niên và người nghèo ở Mỹ lan tỏa và cổ vũ thanh niên và người lao động châu Âu. Tư tưởng Maxist và phong trào cánh trái đã đâm chồi nảy nở và ngày càng lớn lên trong lòng châu Âu từ lâu giờ đây biến thành hành động, bắt đầu từ giới sinh viên trí thức xuống đường, chiếm văn phòng trụ sở để diễn thuyết ở Đại học Sorbonne sau đó lan rộng trong nước Pháp mà lên đến đỉnh điểm vào tháng 5 năm 1968. Đó là lúc mà công nhân nước Pháp tham gia cùng với hội trí thức sinh viên. Hai phần ba trong tổng số công nhân nước Pháp, 22% tổng số dân nước Pháp xuống đường đình công, biểu tình, chiếm trụ sở, đụng độ với cảnh sát, chống trả bằng bom xăng Molotov cocktail (bomba Molotov). Họ đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm tốc độ dây chuyền và cải thiện môi trường làm việc. Họ không phải đều là thành viên của công đoàn mà tham gia vào nhiều tổ chức công đoàn riêng lẻ khác, có xu hướng cực trái (far left) đấu tranh giai cấp, bằng nắm đấm. Tình hình căng đến mức tổng thống De Gaulle phải lén trốn khỏi Paris trong một ngày tìm đến các tướng quân đội để tìm kiếm sự ủng hộ, bàn kế đối đầu với đám biểu tình hoặc chuẩn bị cho việc xấu nhất là một cuộc cách mạng hay nội chiến. Dù rằng sau đó De Gaulle giải tán quốc hội, tổ chức bầu cử sớm và giành chiến thắng vào tháng 6 năm 1968 nhưng sự kiện tháng 5 đã là tiếng chuông báo hiệu sự chấm hết của thời De Gaulle. Ông ta đã quá già.

Tháng 8 năm 1968 xảy ra sự kiện Soviet dẫn đầu quân lính khối Varsavia đổ vào chiếm đóng Praga như chúng tôi đã kể trong câu chuyện trước, làm anh chàng Zdeněk Zeman có cớ ở lại luôn Italia mà không quay về quê hương. Trong khi đó ở  chính Italia, giống như ở Mỹ, Pháp, Hà Lan, Đức, phong trào xuống đường, đình công, chiếm trụ sở cũng sôi sục, nhất là ở miền bắc mà cụ thể là ở thành phố lớn như Torino, Genoa và Milano. Nơi đây là trung tâm kinh kế lớn nhất của đất nước sau chiến tranh. Vì nền công nghiệp ở miền bắc Italia lớn nhanh mà nền kinh tế Italia có bước đi lên kỳ diệu trong khoảng giữa những năm 1950s đến đầu những năm 1960s. Những nhà máy của Pirelli, Fiat hay nhiều công ty khác là bệ phóng để kinh tế Italia bay lên, nhưng nó cũng kéo theo những thay đổi xã hội chóng mặt. Hàng trăm nghìn người từ miền nam nghèo khó đổ về miền bắc xin việc làm mỗi năm. Hầu hết họ không có tay nghề gì và phải qua thời gian đi từ những xưởng nhỏ lên xưởng lớn. Điều kiện cuộc sống như nhà ở, ăn mặc, đi lại ở các thành phố lớn như Torino, Milano không đáp ứng được mà giá cả lại đắt đỏ, thiếu nhà trẻ và trường học, bệnh xá. Điều kiện làm việc trong các nhà máy rất khổ sở, dây chuyền sản xuất chạy quá nhanh và sức khỏe của anh em công nhân không trụ lại. Có rất nhiều hội công đoàn khác nhau trong các nhà máy là ổ của các đảng phái chính trị như đảng Dân chủ thiên chúa, Cộng sản, Phát xít, Dân chủ xã hội rồi có khi cả đảng Cộng hòa. Những nhóm này được coi như cánh tay nối dài trong lòng các nhà máy để kểm soát tình hình như kểu tổ chức đình công nhưng các công đoàn thường chỉ tổ chức cho anh em đình công ngắn, từng dây chuyền một mà không làm tê liệt hoàn toàn sản xuất.

(http://www.mirafiori-accordielotte.org/wp-content/uploads/2012/10/1969-assemblea.jpg)

(http://desk.unita.it/cgi-bin/showimg2.cgi?file=F_ECO_L2_0871/00000005/0000041F.bd7d2443.jpg&t=big)

Anh em công nhân Italia biểu tình

Công nhân không biết và không có sức mạnh của mình. Thật ra hầu hết họ chỉ nghĩ làm sao cải thiện được tiền lương, có đồng phục làm việc, miễn phí xe bus đi làm hay không phải trả tiền nhà, giảm giờ làm hay giảm tốc độ của dây chuyền. Mâu thuẫn giai cấp vẫn tăng lên giữa người thành phố và dân miền nam, giữa công nhân với giới chủ hay bọn đốc công mà anh em gọi là bọn cổ cồn trắng. Cùng thời gian ấy phong trào sinh viên cũng lên cao đòi thay đổi xã hội và thay đổi lề lối giáo giục lạc hậu như thời trung cổ. Và đến khi phong trào sinh viên kết hợp với công nhân thì nhiều thứ thay đổi nhanh chóng trong năm 1968. Thanh niên, sinh viên ở bên ngoài các nhà máy biểu tình. Bên trong xưởng, công nhân dừng lao động. Không còn đình công một hai giờ mà vài giờ, không phải một phân xưởng mà tất cả mọi nơi.

(http://download.kataweb.it/mediaweb/image/brand_repmilano/2009/10/07/1254913391403_hochimin.jpg)

Hồ Chí Minh trên đường phố trong mùa thu đỏ lửa

Trong các xưởng làm việc xuất hiện những hạt mầm cách mạng. Xuất hiện các nhóm cánh trái và cực trái cấp tiến như Lotta Continua và Potere Operaio còn không theo công đoàn, không theo đảng Cộng sản Italia hay tách ra khỏi phong trào sinh viên công nhân. Đình công và lãn công lên cao đến mức chính phủ và công đoàn không còn kiểm soát được nữa. Công nhân giờ đây không còn chỉ đấu tranh cho vài đồng lire, một hai giờ làm việc mà cho quyền lực của công nhân, dĩ nhiên là không tách khỏi những đòi hỏi ban đầu. Chỉ tính riêng năm 1969, hơn 300 triệu giờ làm việc bị mất do đình công. Đấy là một con số khủng lồ nếu so sánh những cuộc đình công lớn nhất nước Mỹ hồi năm 1946 làm mất 116 triệu giờ làm việc. Nếu sự kiện Tháng năm ở nước Pháp chỉ diễn ra trong khoảng chưa đến 3 tuần thì ở Italia nó kéo dài hơn hai năm. Có nơi thống kê rằng đây là cuộc đình công gây thiệt hại thứ 3 trong lịch sử thế giới về số giờ làm bị mất, chỉ sau sự kiện Tháng năm nước Pháp và cuộc tổng đình công ở Anh năm 1926.

Sinh viên công nhân bình thường, cộng sản, cấp tiến hay những nhóm có xu hướng đấu tranh bằng nắm đấm này đã làm tê liệt các khu công nghiệp miền bắc. Đó là những cuộc biểu tình, bãi công với hàng triệu người tham gia, lôi kéo vào những cuộc đối đầu với anh ninh và các nhóm cực phải hủng hộ phát xít dẫn đến một loạt vụ đánh bom ở Milano, Roma vào tháng 12 năm 1969 làm hang chục người chết cùng các vụ thanh toán lẫn nhau giữa các nhóm cực trái và cực phải, các nhóm hoạt động vô chính phủ, như vụ giết hại Giuseppe Pinelli mà sau này người ta biết được do các nhóm cực phải ra tay và cũng là một trong những lý do để nhóm khủng bố giết người khét tiếng cực trái mang tên lữ đoàn đỏ Brigate Rosse ra đời. Người ta gọi đó là mùa thu đỏ lửa ở Italia autunno caldo in Italia khi những cuộc biểu tình biến thành những cuộc đụng độ bạo loạn giữa người biểu tình và cảnh sát, lính cưỡi ngựa hay chính các nhóm với nhau. Nó ảnh hưởng ghê gớm đến tất cả mọi mặt, mọi ngóc ngách của đất nước Italia mà có lẽ nó đã đứng trên bờ vực của một cuộc nội chiến, một cuộc cánh mạng đẫm máu nếu không được tháo gỡ bằng nhiều thỏa hiệp giữa công đoàn, người lao động và chính phủ cũng như giới chủ sau đó. Những thỏa hiệp này như những cú thọi vào mặt giới chủ và là chiến thắng của công nhân Italia.

Quay trở lại với câu chuyện của viên công tố Raffaele Guariniello, việc ông anh này lôi ra một kho hơn 354 nghìn hồ sơ người làm đã giáng một cú cực mạnh vào uy tín chính trị của Fiat, Gianni Agnelli nói riêng và gia đình Agnelli nói chung. Gianni agnelli buộc phải bỏ dở kỳ nghỉ để quay về làm việc với viên Tổng công tố Torino là Giovanni Colli và Tổng thống cộng hòa lúc bấy giờ là Giuseppe Saragat. Vụ này lùng nhùng mãi đến năm 1978, khi được chuyển đến Tòa án Napoli với cáo buộc liên quan đến 77 người khác nhau cho đến khi bị dẹp bỏ có thể là vì những sức ép rất lớn từ trên cao... Kể từ đó người ta biết rằng Bianca Guidetti Serra và Raffaele Guariniello là những kẻ đáng ghét nhất của gia đình Agnelli và tập đoàn Fiat. Chuyện bảo rằng ông ta là một Juventino chắc chỉ là chuyện nhảm nhí. Và bây giờ thì Raffaele Guariniello lại chỉ cây gậy của mình đến Juventus, Torino, Roma và Parma.


 
(http://qn.quotidiano.net/cronaca/2013/08/07/931304/images/2145013-eternit.JPG)

Raffaele Guariniello lại ra tay sau 20 năm, @Ansa
 

Một loạt cầu thủ Juventus được gọi đến tòa án như Gianluca Vialli, Roberto Baggio, Paolo Montero, Antonio Conte và cả Zinédine Zidane, cả giám đốc điều hành Antonio Giraudo. Tất cả họ đều từ chối những lời buộc tội hoặc là không cung cấp cho các viên công tố bất kỳ một chứng cứ nào. Như Roberto Baggio, anh trả lời rằng ngày anh đá ở Juventus đã quá lâu rồi và thực sự anh không nhớ gì cả. Các cầu thủ khác cũng có những câu trả lời gần như thế khiến cho Raffaele Guariniello sau này bực tức nói rằng “tôi biết rằng có luật im lặng omertá trong bóng đá.” Và phải đến bốn năm sau khi bắt đầu điều tra, phiên tòa xét xử mới được mở ra. Mất thêm hơn hai năm rưỡi nữa mới có phán xét đầu tiên và hai năm sau thì ngay cả những phiên tòa cho những người bị buộc tội được chống án cũng bị hủy bỏ. Vì lúc ấy đã quá thời gian xử lý của một vụ án dân sự bình thường. Duy chỉ có một điều lạ là dù nhiều đội bóng bị Raffaele Guariniello xoi mói nhưng cuối cùng chỉ có Juventus bị mở tòa xét xử, các đội khác coi như thoát.

Liệu đó phải là sự thật và việc dùng thuốc kích thích như thế đã ảnh hưởng đến Del Piero và đội tuyển Italia tại cúp Thế giới vừa qua hay không? Không có lấy một báo cáo hay kết quả xét nghiệm cho thấy việc các cầu thủ Juventus đã dùng các chất bị cấm. Người ta đã tìm thấy 281 loại thuốc khác nhau ở khu tập luyện của Juventus. Tờ Gazzetta lập tức mỉa mai rằng nó chẳng khác gì một bệnh viện. Đúng, nó không khác gì một bệnh viện nhỏ nhưng Juventus không có lỗi vì điều đó. Sáu năm sau những lời châm chọc của Zdeněk Zeman, ngày 26 tháng 11 năm 2004, quan tòa Giuseppe Casalbore tuyên bố Giám đốc Antonio Giraudo chẳng có dính líu gì đến việc này vì tòa án đồng ý rằng ban giám đốc không có liên quan gì đến hoạt động của đội ngũ y tế. Bác sỹ Riccardo Agricola bị kết tội đã cho các cầu thủ dùng epo nên bị phạt 22 tháng tù. Tuy nhiên thì Riccardo Agricola cũng không phải ngồi tù một ngày nào hết vì theo luật Italia thì người bị án tù dưới 2 năm tất nhiên không phải thi hành, coi như là án treo và Riccardo Agricola không được phép làm việc như bác sỹ của đội bóng nữa. Luật sư của Riccardo Agricola tuyên bố rằng khách hàng của cô sẽ kiện tiếp khi các chi tiết giải thích cho phán quyết của quan tòa được làm rõ. Còn Antonio Giraudo tuyên bố rằng Riccardo Agricola vẫn sẽ là bác sỹ của Juventus. (nghĩa là thách thức cả tòa án).

(http://www.ilmessaggero.it/ArchivioNews/20070531_giraudo1.jpg)

Hai ông Juventus trong một phiên tòa, ảnh AP

Một năm sau đó, ngày 13 tháng 11 năm 2005, trong vụ chống án của Riccardo Agricola, quan tòa tiếp tục tuyên bố Antonio Giraudo vẫn không có tội lỗi gì, Riccardo Agricola cũng được gỡ trắng án vì thật ra ông cũng chẳng có cơ sở vững chắc gì để buộc tội ông cho các cầu thủ cùng thuốc có epo cả. Sau phán xử, giám đốc Antonio Giraudo nói rằng "cuối cùng thì công lý cũng được làm thật, hôm nay là một ngày tuyệt vời của chúng tôi, tôi rất hạnh phúc và sung sướng, chúng tôi chưa bao giờ mất hi vọng bởi vì chúng tôi biết chúng tôi không có tội.”

Còn viên Công tố Raffaele Guariniello thì không phục. Ông đòi tòa án xem xét lại các chứng cứ liên quan đến giám đốc Antonio Giraudo và Riccardo Agricola. Nhưng sau này phiên chống án lần 3 bị hủy vì đã quá thời gian xử lý của một vụ án dân sự bình thường. Coi như Juventus và bác sỹ Riccardo Agricola trong sạch 100%. Zdeněk Zeman và Raffaele Guariniello chắc chỉ được thêm cục tức trong lòng. Nhưng dù sao thì họ đã làm cho hình ảnh của Juventus đã bị hoen bẩn một thời gian dài, rất dài. Chuyện kể chỉ vài dòng như vậy nhưng để đi đến kết quả cuối cùng này là cả 9 năm trời dài lê thê mà Juventus và những người của họ phải chịu đựng bao nhiêu điều tiếng. Nó gây nên những rắc rối không hề nhỏ một chút nào.

---

P/s: Phần này sa đà quá mà cũng không dám đi sâu thêm nữa, chỉ nhìn bên ngoài, có một vài chỗ cần thông tin chuẩn hơn, có gì anh em giúp sức nhé.


: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Nguyen Hai Long August 02, 2014, 05:09 PM
Sắp đến thời kì lợn AC và 2003 rồi  :broken_heart:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr September 09, 2014, 04:07 PM
The fall of Torino, bầu trời sụp đổ


Mùa bóng 1998/99 mở màn bằng trận siêu cúp Italia với Ss Lazio trên sân nhà Delle Alpi. Từ đây, chúng ta có thể điểm qua đội hình của các đối thủ để xem họ đã tiến bộ đến chừng nào. Ví dụ như Ss Lazio trong trận siêu cúp Italia xuất hiện một dàn ngôi sao sáng: Giữ gôn Luca Marchegiani; hậu vệ Fernando Couto, Siniša Mihajlović; tiền vệ Sérgio Conçeicão, De La Peña, Pavel Nedvěd, Dejan Stanković; tiền đạo Marcelo Salas, Roberto Mancini. Đó là còn chưa kể đến Alessandro Nesta, Giuseppe Pancaro, Paolo Negro, Giuseppe Favalli, Matías Almeyda, Igor Protti và cả huấn luyện viên Thụy Điển Sven Goran Eriksson. Sự thật là Juventus đã trở nên lép vế so với đối thủ của mình, cả về sức mạnh cũng như lòng khát khao. Hôm ấy, Pavel Nedvěd có Roberto Mancini hỗ trợ bên cạnh đã liên tục làm khổ giữ gôn Angelo Peruzzi. Trong khi ở bên kia nhạc trưởng Zinédine Zidane chỉ có thể sút bóng bật tay giữ gôn Ss Lazio thì Pavel Nedvěd kết thúc gọn ghẽ đường giật gót của Roberto Mancini. Đây là bàn thắng thứ 3 mà anh đá vào lưới Juventus từ năm 1998 đến 2001.

Anh chàng mộc mạc người Séc ấy đã giúp Ss Lazio thắng 2-1 và anh cũng gieo vào lòng các Juventini nỗi lo âu giống như cái cách mà Diego Maradona cùng các đồng đội đã làm trong trận siêu cúp năm 1990. Trận khai mạc Serie A 1998/99 của Juventus bắt đầu vào chiều ngày 13 tháng 9 năm 1998. Trong buổi chiều mưa bay trên sân Renato Curi của Perugia hôm ấy, Juventus chiến thắng nhưng nó đã có những điềm báo không thể yên lòng đối với họ. Alessandro Del Piero được những tay máy ảnh săn đón, nhưng người được vây nhiều nhất phải là ngôi sao châu Á trẻ tuổi Hidetoshi Nakata vừa xuất hiện trong màu áo Perugia. Anh ta chính là người Nhật Bản thứ hai đá bóng chuyên nghiệp ở Italia sau Kazuyoshi Miura ở Genoa hồi năm 1995. Mới được nửa hiệp một, Zinédine Zidane đã tập tễnh rời sân, nhưng Juventus vẫn nhanh chóng dẫn trước 3-0 bằng hai pha bóng chết và một sút xa). Sang hiệp hai được vài phút trong cơn mưa nhẹ, có thêm Mark Iuliano không thể tiếp tục thi đấu. Đội hình xáo trộn đã khiến Juventus không giữ được áp lực cần thiết trước cầu thủ chủ nhà.

(http://www.oocities.org/vienna/choir/3530/mdf03604.jpg)

Hidetoshi đã đọ sức với Alessandro

Đúng là Perugia có một đội hình không lấy gì làm mạnh mẽ, không ai nổi bật trừ Milan Rapaić người Croazia, nhưng chính tinh thần chiến đấu của một tay người Nhật như Hidetoshi Nakata đã suýt khiến Juventus phải trả giá. Chính tay người Nhật ngày đã có 2 pha dứt điểm rút ngắn xuống còn 2-3 trước khi Daniel Fonseca nâng lên 4-2. Và nếu như Hidetoshi Nakata thực hiệp quả 11m ở phút 88 thì anh ta đã lập hattrick vào khung thành của Angelo Peruzzi. ĐKVĐ dù thắng trận mở màn 4-3 thì vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy một sự không ổn nào đó. Nó có thể là cảm giác mệt mỏi sau mỗi kỳ cúp Thế giới mà Juventus thường gặp phải. Nó có thể là khoảng cách về trình độ giữa các cầu thủ Juventus không đồng đều và cũng có thể là các đối thủ đã lớn lên quá nhanh. Rồi như một điều gì phải đến đã đến, Juventus nhận ra rõ hơn tại vòng 3 Serie A ngày 26 tháng 9 năm 1998. Trên sân Ennio Tardini, Juventus gặp đội chủ nhà cực mạnh AC Parma, đội bóng mà suốt từ mấy năm nay luôn gây khó khăn cho họ. Không còn Carlo Ancelotti dẫn dắt nữa, nhưng AC Parma đã được gây dựng cho một dàn cầu thủ ấn tượng nhất trong lịch sử của họ, có những gương mặt như giữ gôn Gianluigi Buffon, hậu vệ Lilian Thuram, Fabio Cannavaro, Diego Fuser, Luigi Sartor; các tiền vệ Dino Baggio, Alain Boghossian, Juan Veron, Stefano Fiore; tiền đạo Hernán Crespo, Enrico Chiesa, Abel Balbo và cả Faustino Asprilla. Đội hình tài năng này đánh bại Juventus 1-0 và người ghi bàn duy nhất bằng một quả lắc đầu không thể bắt hôm ấy (luôn luôn đáng tiếc) lại là Dino Baggio.

Tại vòng bảng Coppa dei Campioni, dù được xếp vào một bảng đấu quá nhẹ cùng Galatasaray, Rosenborg, Athletic Bilbao thì Juventus cũng khởi đầu rất tệ khi hòa liên tục 4 trận đầu tiên. Thời gian đầu mùa này tạo ra một cảm giác ngột ngạt. Cảm giác khó chịu này chỉ được xoa dịu đôi chút bởi một đôi chiến thắng ở Serie A sau trận thua AC Parma này. Nhưng nó như một cơn gió mát ngắn ngủi lướt qua trước khi giông tố ập về, ở vòng thứ 8 Serie A, ngày 8 tháng 11 năm 1998 trên sân Stadio Friuli của người hàng xóm Udinese. Hôm ấy là ngày trung vệ Ciro Ferrara quay trở lại chơi trận đấu đầu tiên ở Serie A sau 9 tháng kể từ ngày cái chân anh gãy tan ở Lecce ngày 2 tháng 1 năm 1998. Đáng lẽ đó là giây phút đáng để vui mừng. Zinédine Zidane sắp giành Quả bóng vàng 1998 của France Football, đáng lẽ đó là giây phút đáng để chờ đợi. Juventus tiếp đà hồi sức và dẫn Udinese 2-0, đãng lẽ đó là lúc để yên tâm. Nhưng mọi thứ không ngờ vỡ nát. Jonathan Bachini gỡ lại một quả cho Udinese trước khi huấn luyện viên Marcello Lippi tung hết cả ba cầu thủ dự bị vào sân. Bây giờ mới là lúc tai họa ập đến.

Phút bù giờ thứ 2, Del Piero cố sút một quả voleé ở góc 5m50 bên cạnh sự áp sát quyết liệt của hậu vệ Udinese. Cú sút bay lên trời và khi cái chân trái của số 10 đội trưởng chạm trở lại mặt đất, nó quẹo đi kèm theo cái gì đó đứt vỡ cùng nỗi đau đớn ghê rợn. Có lẽ, đây là giây phút đau đớn nhất trong cuộc đời của anh, khúc cua định mệnh trong sự nghiệp của anh. Trên đường Del Piero nằm cáng cứu thương đến bệnh viện, Udinese gỡ hòa 2-2. Và cũng từ đây, con tàu Juventus bị bẻ ghi trôi sang một một vùng đen tối. Các bác sĩ nói Del Piero bị đứt dây chằng chéo đầu gối và sẽ không chỉ phải nghỉ có 3 tháng như năm 1997 mà là cả mùa giải, nếu như anh còn có thể hồi phục được… Chấn thương của Del Piero ngày 8 tháng 11 chỉ, 1 ngày trước sinh nhật lần thứ 24 của anh, là một cú đánh nặng nề và mọi toan tính và hi vọng của đội bóng. Tại sao anh lại cố lao theo quả bóng đang bay ra ngoài, khi mà đội nhà đang dẫn bàn, khi mà trận đấu sắp kết thúc, khi mà anh đã bị khóa chặt đằng sau và có nếu có giữ được quả bóng lại thì cũng không có lấy một cơ hội nào để ghi bàn. Tại sao…?

http://www.youtube.com/watch?v=ayZvcUDMfVw

(http://signora1897.com/wp-content/uploads/2012/04/6-1.jpg)

Bầu trời sụp đổ, ảnh @Ansa, @Salvatore Giglio

Hàng tiền đạo bianconeri chỉ còn trơ trọi một mình Filippo Inzaghi. Hai tay dự bị như Daniel Fonseca, Nicola Amoruso không phải là giải pháp tin cậy được, mà thực tế là họ đã thất bại trong việc khỏa lấp khoảng trống mênh mông mà số 10 để lại. Marcello Lippi bất lực ngoài đường biên, Zinédine Zidane bất lực trong sân bóng và Juventus trải qua 5 trận liên tiếp không ghi được bàn nào tại Serie A (4 thua 1 hòa). Tháng 12 năm 1998, Zinédine Zidane được xướng tên người đoạt quả bóng vàng châu Âu. Anh là cầu thủ Juventus thứ 5 đạt được điều ấy. Tổng cộng Juventus đã có 7 quả. Nhưng lần này là trong niềm vui buồn lẫn lộn. Tại Coppa dei Campioni, Juventus may mắn vượt qua vòng bảng theo cái cách có phần khôi hài nhất có thể: họ đã hòa 5 trận đầu tiên được 5 điểm và đứng sau Rosenborg với Galatasaray cùng được 8 điểm (Athletic Bilbao đứng chót với 3 điểm). Ở trận đấu cuối cùng, Juventus thắng được Rosenborg 2-0 trên sân Delle Alpi cùng lúc đội cuối bảng Athletic Bilbao bất ngờ đánh bại Galatasaray 1-0. Kết quả này khiến cho Juventus có được cùng 8 điểm như Rosenborg và Galatasaray, thậm chí còn đứng luôn đầu bảng vì có hiệu số cao nhất (+2). Rosenborg và Athletic Bilbao bị loại. Tất cả những gì may mắn đến với Juventus trong năm 1999 chỉ có thế. Quân của Marcello Lippi lại liên tục bị đánh bại ở Serie A, số trận thắng chỉ đếm trên đầu ngón tay; trừ trận thắng Inter Milan hồi đầu mùa giải, Juventus không thắng được bất cứ trận nào trước các đội thuộc nhóm 7 chị em nữa và tụt dần xuống giữa bảng xếp hạng. Tốc độ lao dốc của ĐKVĐ Serie A và đương kim á quân Coppa dei Campioni quá nhanh mà không thể có một loại phanh nào hãm lại được.

Bất kể cái phanh đó là gì, dù có là hai tiền đạo mới toanh vừa được tuyển cấp tốc trong mùa đông. Đầu tiên là Juan Esnáider từ Espanyol, một anh chàng người Argentina 25 tuổi mà từ lâu đã được coi là rất tiềm năm. Lúc mới 18 tuổi, Juan Esnáider đã được Real Madrid mua về và đào tạo. Đến lúc này Juan đã có 8 năm chơi bóng tại Tây Ban Nha và ghi được kha khá bàn thắng. Thứ hai là một cái tên gần gũi hơn nhiều, Thierry Henry lúc đó mới 22 tuổi từ As Monaco. Giống như một truyền thống có từ rất lâu, Juventus thường hay mua về những cầu thủ ngôi sao trẻ tuổi đã tỏa sáng trước chính họ trong các cuộc đối đầu trước kia mà Thierry Henry là ví dụ mới nhất. Lúc đó Luciano Moggi và Roberto Bettega thuyết phục ban lãnh đạo chi ra đến 75 triệu phơ răng Pháp, tức là khoảng 10.5 triệu euro ngày nay. Đó là một số tiền lớn dành cho một cầu thủ 22 tuổi, cho hi vọng bù đắp nỗi nhớ về Del Piero.

Nhưng đó chỉ là những niềm hi vọng không bao giờ đến cho tất cả những ai hi vọng vào nó. Vòng 20 Serie A ngày chủ nhật, 7 tháng 2 năm 1999, Juventus tiếp AC Parma trong trận lượt về. Cả Daniel Fonseca, Juan Esnáider và Thierry Henry đều được tung vào sân trong cái cảnh mà Juventus đã mất nốt cả Filippo Inzaghi vì chấn thương. Có thể đây là một cuộc sát hạch thực sự về tài năng của họ, là cơ hội cuối cùng của huấn luyện viên Marcello Lippi để cứu vãn một cuộc chia li. Nhưng họ không đủ sức giành lấy cơ hội này. Đêm ấy, Alessio Tacchinardi đã mở tỉ số bằng một cú sút xa quá đẹp, nhưng cuối cùng mọi cố gắng của anh cùng với Zinédine Zidane và Edgar Davids cũng không thể nào ngăn nổi Dino Baggio và các đồng đội nhảy múa ngay trên sân Delle Alpi để rồi kết thúc như một cơn ác mộng đối với Juventus. Ba tiền đạo áo trắng-đen không bằng một mình Hernán Crespo. Crespo sút, Crespo đánh đầu, Crespo đánh gót, Crespo lập hattrick và Crespo đốt cháy Delle Alpi. Tan trận AC Parma thắng 4-2 sau khi đã dẫn đến 4-1 và dìm Juventus đến điểm tận cùng của cơ khủng hoảng. Các tifosi gom băng rôn và ghế nhựa để đốt lửa trên khán đài, ném tất cả những gì có thể ném được xuống sân bóng. Có lẽ, chưa bao giờ huấn luyện viên Marcello Lippi nhìn thấy cảnh đó ở Delle Alpi từ khi đặt chân đến đây. Ông lặng lẽ bước chân về phía đường hầm vào phòng thay đồ. Parma, Parma, Parma... từ khi Marcello Lippi đến đây, AC Parma luôn là cái gai khó chịu. Buổi sáng hôm sau ông từ chức.

http://www.youtube.com/watch?v=hXU_PkLbwMU

Trận đấu cuối cùng của gã bạc đầu

Nếu cần một ai đó giơ đầu chịu báng để gánh tất cả sai lầm của đội, thì hẳn người ta chỉ cần Marcello Lippi ra đi. Những vinh quang mà ông đã giành lấy cho Juventus suốt 5 năm qua bốc chốc trở nên xa xôi, bỗng chốc trở thành dĩ vãng và không hẹn ngày trở lại. Juventus đã tìm được người thay thế từ lâu rồi. Ngay sau khi Marcello Lippi ra đi, đội bóng giới thiệu một người trẻ hơn ông mà từ lâu đã để lại rất nhiều ấn tượng. Carlo Ancelotti mới 40 tuổi đã từng biết đến trong đội hình không thể đánh bại AC Milan hồi đầu những năm 1990. Ông đã từng dẫn dắt AC Parma 2 năm (1996-1998), trong 2 năm đó ông ta đã thi thố với Marcello Lippi 4 trận ở Serie A mà chưa từng thua (thắng 1 hòa 3). Thậm chí trong mùa giải 1996/97 suýt chút nữa AC Parma của Carlo Ancelotti đã cướp được scudetto từ tay Juventus như chúng tôi đã kể ngày trước. Bảng thành tích ấy làm hài lòng những người lãnh đạo bianconeri bất chấp nỗi áy náy của các tifosi rằng Carlo Ancelotti thật ra là một người như có dòng máu Milan chảy trong người. Đó là một điều rất khó chấp nhận với những nhóm ultras hoặc là bọn này đã có một cái cớ để nổi loạn nhằm lấy tiếng cho mình. Đã có một tuần ngột ngạt từ chủ nhật Juventus bị AC Parma hạ nhục cho đến chủ nhật tiếp theo là chuyến làm khách ở Piacenza ngày 14 tháng 2 năm 1999. Hội ultras đã tìm cách mang vào sân và treo lên nhiều băng rôn chửi bới ban lãnh đạo, ủng hộ Marcello Lippi và chửi luôn cả Carlo Ancelotti. ‘La dirigenza dimentica, noi no: grazie Marcello’ - ban lãnh đạo đã quên rồi, nhưng chúng tôi thì không, cám ơn Marcello. ‘Moggi pagliaccio’ – gã hề Moggi. Và đây, nặng nề nhất, ‘Un maiale non può allenare: Ancelotti vattene’ – một con lợn không thể làm huấn luyện viên, Ancelotti biến đi. Trông Carlo Ancelotti có khuôn mặt bầu bĩnh là vậy mà những lời viết trên băng rôn của bọn kia lại thế. Nó đã gây ra cảm giác khó chịu ghê gớm. Chắc chắn Carlo Ancelotti đã nhìn thấy dù vây quanh ông là hàng chục cái máy ảnh đang chớp lấy phút ra mắt của ông trong bộ áo vét huấn luyện viên Juventus. Chắc chắn bộ ba Alberto Giraudo, Roberto Bettega, Luciano Moggi như thường lệ ngồi trên khán đài đã nhìn thấy. Và cả Andrea Agnelli con trai của chủ tịch Umberto Agnelli nữa.
 
http://www.youtube.com/watch?v=MhsP8CLpN5c

Ngày ra mắt của Carlo

Trước khi trận đấu diễn ra, nhân viên an ninh đã dẹp bỏ hết mấy băng rôn này nhưng ống kính máy quay và máy ảnh đã đưa chúng lên khắp các mặt báo. Cả Italia đã nhìn thấy. Nhưng việc đã rồi. Ultras hay những tifosi bình thường phải biết chấp nhận. Họ cũng chẳng có lựa chọn nào khác ngoài một niềm hi vọng mới, rằng Juventus chưa bao giờ ngại đặt niềm tin vào các huấn luyện viên trẻ tuổi và họ cũng thường không gây thất vọng cho Juventus. Chỉ có điều, chuyện gì sẽ đến nếu hôm đó Juventus không thắng? May mắn là mọi thứ cuối cùng cũng suôn sẻ. Dù nắm trong tay thế trận, tạo nhiều tình huống ăn bàn nhưng phải đến mãi phút bù giờ của cả hai hiệp đấu Juventus mới ghi được hai bàn. Juventus thắng Piacenza 2-0. Lúc đó người ta mới nhớ, hóa ra đây mới là trận thắng sân khách thứ hai ở Serie A sau trận ra quân với AC Perrugia. Đó cũng mới là trận thắng sân khách thứ thứ ba ở tât cả các giải đấu từ đầu mùa đến nay. Trận còn lại kia, không phải ở Coppa dei Campioni mà là ở vòng một Coppa Italia. Thật tệ. Dù sao thì Carlo Ancelotti đã thắng trận đầu ra mắt. Ông thở phào nhẹ nhõm, gọi điện cho chủ tịch và Umberto Agnelli bảo ‘tôi rất vui, tốt lắm, cứ tiếp tục như thế nhé.’ Carlo Ancelotti có được sự tin tưởng của các sếp. 


Có một phần lí do giải thích cho quá trình lao dốc không phanh của Juventus, ngoài thiệt thòi về lực lượng còn có vấn đề tinh thần. Quả thật, Carlo Ancelotti xuất hiện đã thổi vào phòng thay đồ một chút không khí trong lành hơn. Gần như ngay tức thì nó mang đến những cảm giác dễ chịu hơn. Ngay trận ra mắt là một thắng lợi kèm theo một serie 8 trận bất bại dù nhọc nhằn (trong đó có 2 trận tứ kết Coppa dei Campioni với Olympiakos). Chỉ có điều đáng tiếc rằng đó chỉ là cơn gió quá nhẹ để thôi bay đi những ưu phiền. Nó chỉ kéo dài hơn một tháng và sau đó kết thúc. Hay nói đúng hơn, với Carlo Ancelotti, Juventus đã gượng dậy được một chút, lăn bánh được thêm một đoạn đường rồi bị đánh gục một lần nữa, mà những cú đòn về sau lại càng nặng nề hơn.

Serie A 1998/99 coi như đã bỏ, Juventus chỉ còn lại Coppa dei Campioni để cứu vãn một mùa giải buồn bã. Hoàn toàn có thể hi vọng được. Ở lượt đi bán kết ngày 7 tháng 4 năm 1999, Juventus đến sân Old Trafford của Manchester United. Alex Ferguson vẫn ở đó, một chục người đối thủ cũ như Peter Schmeichel, anh em nhà Neville, Ryan Giggs hay Roy Keane vẫn ở đó. Nay có thêm trung vệ Jaap Stam và tiền đạo Dwight Yorke rất đáng kể. Juventus thì đã không còn Marcello Lippi. Chính ra Manchester United đã lớn hơn lên so với 2 năm trước còn Juventus lại chẳng có mấy thay đổi tốt đẹp gì cả.  Chỉ có Carlo Ancelotti bất đắc dĩ là mới. Mà cái bất đắc dĩ của Carlo Ancelotti không làm nên cái duyên của Juventus hay chính ông không thể đi đến cuối cuộc chơi. Trước hơn 60 nghìn khán giả Manchester, bộ ba Zinédine Zidane – Edgar Dadids – Antonio Conte kết thúc một pha phối hợp đẹp mắt bằng một bàn thắng chóng vánh vào lưới Pete Schmeichel ngay giữa hiệp 1. Thời gian cứ thế trôi qua, đáng lẽ Carlo Ancelotti và các cầu thủ của ông đã có thể vui mừng khi các cú sút của đội chủ nhà cứ bay ra ngoài, cứ đập vào người giữ gôn Angelo Perruzzi rồi bật trở ra; đáng lẽ họ sẽ vui mừng trọn vẹn nếu như đến phút 90+2 họ không để cho Manchester United điên cuồng bắn phá và đã bắn thủng khung thành từ chân Ryan Giggs sau một pha bóng quá lộn xộn. Hòa 1-1, đánh rơi chiến thắng trên sân khách không phải là một điều gì đáng buồn về mặt tỉ số, nhưng nó có cái gì đó tác động tâm lí không tốt khi mà sự sợ hãi của Alex Ferguson và Manchester United không còn, sau 5 lần gặp gỡ Juventus kể từ lần đầu tiên năm 1996.

Quay trở về Serie A là một chuyện khác nữa, Juventus vẫn chắt chiu thêm được vài điểm quan trọng và lên tới vị trí được thưởng một suất tham dự Coppa Uefa. Chỉ có điều ngay cả Carlo Ancelotti cũng không thể làm sao để một cầu thủ trẻ như Thierry Henry trưởng thành và tỏa sáng được. Mãi đến vòng thứ 29 ngày 17 tháng 4 năm 1999, Thierry mới ghi 2 bàn thắng đầu tiên cho Juventus, trên sân của Ss Lazio. Juventus giành chiến thắng 3-1 trước Ss Lazio và đó cũng là 1 trong 3 trận thắng ít ỏi trong tổng số 12 cuộc đối đầu với các đội trong nhóm 7 chị em. Một con số quá ít ỏi dành cho đương kim vô địch. Tuy thế trận thắng này cũng tạo ra cái đà tâm lí tương đối thoải mái ba ngày sau đó, trong trận tiếp lại Manchester United ở Delle Alpi ngày 21 tháng 4 năm 1999. Trấn đấu đến trong một hoàn cảnh tương đối dễ chịu cho Juventus, lúc mà Filippo Inzaghi đang có sức khỏe tốt. Thiếu vắng đối tác ăn ý Del Piero nhưng anh vẫn ghi bàn đều đặn ở Coppa dei Campioni. Anh là điểm tựa của các đồng đội.

Trong làn pháo khói còn lẩn khuất đêm Delle Alpi, Filippo Inzaghi nhanh chóng tiếp đón trọng tài Thụy Sỹ Urs Meier và những người từ bên kia biển Manche bằng 2 bàn thắng chỉ sau 11 phút. Juventus dẫn trước 2-0 quá nhanh, quá chóng vánh, quá ngỡ ngàng, có lẽ cho cả chính Juventus. Trên khán đài, các tifosi phấn khích còn dưới sân những cầu thủ của họ bắt đầu lỏng chân. Trông có vẻ như Carlo Ancelotti và những cầu thủ của mình không dứt khoát giữa việc chơi đẹp với Manchester United hay là cắt dời trận đấu để giữ tỉ số. Chính điều này đã giết chết Juventus, giết chết giấc mơ của họ. Zinédine Zidane và những người xung quanh không còn sức mạnh cơ bắp và cả ý chí. Vì lỏng chân nên Juventus không hóa giải được lối bật tường nhanh và tạt cánh của đội khách. Manchester United rút ngắn tỉ số 1-2, Manchester gỡ hòa 2-2 ngay trong hiệp 1 bằng hai quả đánh đầu, và khi Juventus lại mải mê tìm kiếm bàn thắng nữa thì Manchester United bồi thêm một quả nữa nâng tỉ số lên 3-2 ở gần cuối hiệp 2. Cơn gió số phận bất ngờ xoay chiều, mỗi phút trôi qua, mỗi cơ hội trôi qua là các tifosi trên khán đài lại im lìm đi thêm. Juventus thua trận cũng đầy ngỡ ngàng và hẳn đó là trận thắng sung sướng nhất mà Alex Ferguson đã có được sau bao năm phải chịu đựng.

(http://i1.irishmirror.ie/incoming/article3478624.ece/alternates/s615/Roy-Keane.jpg)

Roy Keane đã hạ được Angelo Peruzzi, ảnh @Getty Images

Xem lại Cả trận Juventus - Manchester United tại đây: Hiệp 1 (http://www.dailymotion.com/video/x15w5vt_uclsemifinal1999-juventus-man-utd-1st-half_animals), Hiệp 2 (http://www.dailymotion.com/video/x15w5wk_uclsemifinal1999-juventus-man-utd-2nd-half_animals)


: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr September 17, 2014, 05:11 PM
Không thể có liền bốn lần vào trận cuối cùng của Coppa dei Campioni, đêm 21 tháng 4 năm 1999 là một đêm buồn bã không thể chợp mắt được đối với hàng triệu người bianconeri không chỉ ở Torino. Juventus đánh mất rất nhiều chỉ sau một mùa bóng không thể kiểm soát nổi. Sau hôm đó có lẽ hàng triệu bianconeri đã nuôi dưỡng trong lòng mình nỗi căm tức Alex Ferguson và Manchester United, không bao giờ nguôi ngoai như không thể nào quên một trong những trận thua đau nhất mà họ từng phải chịu. Alex Ferguson cũng như Jupp Heynckes và Ottmar Hitzfeld. Lần lượt họ sẽ đánh thắng Juventus theo một cách nào đó khiến cho những người bianconeri phải nhớ nhất, phải căm tức nhất.

Dẫu sao Juventus vẫn còn hơn Inter Milan. Trong cái năm mà Roberto Baggio đến đây để thỏa ước mơ của của ông chủ tịch con Massimo Moratti, đội bóng này hỗn loạn thê thảm đến mức phải thay đổi 4 huấn luyện viên khác nhau lần lượt là Luigi Simoni, Mircea Lucescu, Luciano Castellini và Roy Hodgson, cuối cùng chỉ xếp thứ 8, dưới Juventus 1 bậc. Ở Coppa dei Campioni, Manchester United cũng làm gỏi đội này ở tứ kết ngay tại sân Giuseppe Meazza rồi mới đến Juventus ở Delle Alpi. Ngày 23 tháng 5 năm 1999, mùa bóng 1998/99 của Juventus kết thúc bằng trận thắng Venezia 3-2. Thierry Henry có thêm một bàn thắng nữa. SS Lazio ngậm ngùi nhìn AC Milan đoạt scudetto. Còn Juventus chỉ leo lên được thứ 7, chỉ đủ sức giành tấm vé tham gia Coppa Uefa qua cửa phụ Coppa Intertoto để bắt đầu sửa những sai lầm, chữa những vết thương của mùa giải vừa qua.

Calcio Serie A vẫn đang trong những ngày khí thế nhất. Trong số 18 đội dự Serie A 1998/99 thì 9 đội được dự cúp châu Âu mùa 1999/00 sau khi cúp C1 Coppa dei Campioni lại mở rộng thêm. Những nền bóng đá hàng đầu như Italia được cử đến 4 đội dự Coppa dei Campioni thay vì 2 như mọi khi. Tiếc là Juventus không có tên. Bianconeri có một vài thay đổi nhắm vào các vị trí chủ chốt diễn ra vào mùa hè năm 1999. Chín tháng sau khi trải qua cuộc phẫu thuật ở Mỹ, Del Piero trở lại sân bóng với những bước đi dè dặt mà nhìn vào đó không ai dám chắc rằng anh sẽ lại trở về đúng với bóng dáng tài hoa của mình. Thierry Henry chỉ có vỏn vẹn 3 bàn thắng trong nửa mùa giải trước, không thể lớn được ở cái thành phố khó tính này, nên Luciano Moggi bán anh ta cho tay huấn luyện viên Arsenal, Arsène Wenger bên nước Anh, với giá 11.5 triệu euro. Juventus cần phải lại có được một ai đó như Alen Bokšić hay Christian Vieri mà trước kia họ đã hám tiền rồi bán đi mất. Nghĩa là phải kiếm được một gã tiền đạo kiểu vùng Balcanica con cỡ gần 1m90 và 80 cân, đầy thể lực lẫn kỹ thuật. Trong khi những tiền đạo dự bị khác không thể trông đợi được, họ quyết định tuyển mộ trung phong to cao người Nam Tư Darko Kovačević từ Real Sociedad chắc với ý nghĩ rằng đây chắc chắn sẽ là một Alen Bokšić khác. Nhưng cũng có thể tài cán và kinh nghiệm của anh cũng không hơn Juan Esnáider năm trước là mấy, nghĩa là anh sẽ phải làm dự bị thôi.

(http://www.realsociedad.pl/wp-content/uploads/2014/06/Darko-Kovacevic.jpg)

Cần phải tìm một gã người Balcanica như thế này

Ở giữa sân, những cầu thủ trẻ như Simone Perotta được Luciano Moggi mang cài vào những bàn hợp đồng mua bán ngoằn ngoèo. Tuy nhiên đây mới là tuyến thay da đổi thịt nhiều nhất. Sau 6 năm gắn bó, học trò cưng của huấn luyện viên Marcello Lippi ngày nào, Angelo Di Livio chia tay thành phố Torino để đến Firenze. Lỗ trống của anh được vá một miếng mới toanh: tuyển thủ U21 Italia trẻ hơn Di Livio 11 tuổi, là Gianluca Zambrotta đến từ As Bari. Ngoài Gianluca Zambrotta, Luciano Moggi còn khèo được một thành viên U21 nữa là Enzo Maresca trong khi bản hợp đồng đình đám nhất là một anh chàng gốc châu Phi. Đó là Sunday Oliseh từ Ajax Amsterdam. Nếu các bạn còn nhớ thì tiền vệ tấn công rất kỹ thuật và hoang dại này đã từng có mặt trong đội hình đội tuyển Nigeria suýt chút nữa đã đánh bại Italia ở vòng 2 cúp Thế giới năm 1994. Thật ra, việc Sunday Oliseh chuyển sang Juventus còn một lý do riêng của nó. Đó là vì dòng xoáy phải bán đổ bán tháo các ngôi sao ra ngoài vì khủng tài chính của Ajax. Ajax có thể cũng đã chịu quá nhiều áp lực từ luật Bosman và khó có thể trói chân các ngôi sao của mình. Không chỉ có mình Sunday Oliseh, một loạt các tên tuổi khác của đội bóng này cũng đã ra đi, như là anh em Frank & Ronald De Boer, Jari Litmanen, Clarence Seedorf hay là Patrick Kluivert. Có thể nói rằng Ajax và những đội bóng hạng nhỏ khác ở châu Âu bắt đầu thụt lùi vì luật Bosman. Đây là một trong những lý do làm cho Jean Marc Bosman có vẻ như rất bị các đội bóng hàng trung bình ghét bỏ. Bởi vì anh mà khoảng cách về giữa họ và các đội bóng hàng đầu Italia, Tây Ban Nha và nước Anh ngày càng bị nới rộng ra. Châu Âu không còn hoặc quá hiếm hoi những câu chuyện cổ tích được viết nên bởi những đội bóng khiêm tốn nhưng không bao giờ thiếu khát vọng chiến thắng. Kể từ đó hình ảnh của Ajax Amsterdam vinh quang ngày nào dần trở nên mờ nhạt tại châu Âu và cả trên chính quê hương mình. Ajax có lẽ cũng như Club Brugge, Anderlecht ở Bỉ, Porto ở Bồ Đào Nha, Celtic Glasgow ở Scotland.  Họ chỉ còn là những chú ngựa ô nho nhỏ.

(http://www.rai.tv/dl/img/2014/03/1394532408187_7Zambrotta.jpg)

Gianluca Zambrotta (áo đỏ)đã rất nổi bật ở Bari, ảnh @Ansa

Juventus còn nhanh tay bắt được của Ajax một con mồi ngon nữa là tay gôn Edwin Van der Sar. Anh là người thứ ba trong đội hình Ajax năm 1996 về với bianconeri. Sự xuất hiện của anh chàng giữ gôn cao lều nghều này cũng đồng nghĩa với việc Angelo Peruzzi phải ra đi, như một cách thay đổi triệt để. Đối với Angelo Peruzzi, 9 năm không phải là quá dài trong cuộc đời của một con người, nhưng 9 năm gắn bó với Juventus là cả một nửa sự nghiệp cầu thủ của anh. Ở đây, anh đã đứng dậy sau khi tưởng đã tan tành sự nghiệp hồi năm 1990. Lúc đó chỉ vì dùng thuốc chữa bệnh thèm ăn mà anh bị dương tính với chất bị cấm. Bây giờ, cuộc đời Angelo Peruzzi sang một lối khác. Anh sang với huấn luyện viên Marcello Lippi ở Inter Milan. Trong cơn bần cùng và say đòn vì thèm khát danh hiệu, ông chủ tịch con Massimo Moratti không có nhiều lựa chọn ngoài việc cứ đều đặn móc túi mua ngôi sao, sa thải huấn luyện viên rồi lại tìm người mới. Lần này ông ta tìm đến gã đầu bạc nọ và sau nửa mùa bóng nghỉ ngơi kể từ lúc rời khỏi Juventus, Marcello Lippi trở thành huấn luyện viên thứ ba của Juventus chuyển sang Inter Milan, sau Heriberto Herrera năm 1969 và Giovanni Trapattoni năm 1986. Bây giờ Inter Milan sẽ có bốn cầu thủ từng là ngôi sao của người bianconeri là Angelo Peruzzi, Vladimir Jugović, Christian Vieri. Cả Marcelo Lippi nữa là năm! Có thể Inter Milan mua một hai anh này theo yêu cầu của chính Marcelo Lippi. Thật thú vị và người ta chờ đợi một cuộc đối đầu mới giữa Juventus và Inter Milan. Carlo Ancellotti đã ở bên này còn gã bạc đầu đã ở bên kia. Sẽ ra sao khi gã fenomeno cùng Roberto Baggio, Angelo Peruzzi, Vladimir Jugović và Christian Vieri chọi lại với fenomeno vero và những người được ở lại?
 
Đối với Juventus, cứ cho là Edwin Van der Sar có thể thay được cho Angelo Peruzzi, Gianluca Zambrotta có thể thay được cho Di Livio thì sẽ chẳng ai đến để lấp vào khoảng trống mà Didier Deschamps để lại. Thật lạ, anh đã gắn bó với Juventus 5 năm, đã 178 trận đấu âm thầm nâng bước những tay tấn công tài hoa ở trên để rồi họ đã cùng nhau giành được tất cả những danh hiệu mà một cầu thủ có thể đoạt được. Chúng bao gồm 3 scudetto, 1 cúp Italia, 1 cúp C1, 1 cúp Liên châu lục, 1 siêu cúp châu Âu và 2 siêu cúp Italia. Nhưng Juventus đã để anh ra đi sang London bên kia eo biển Manche với Chelsea và người bạn cũ Gianluca Vialli khi ấy đang là huấn luyện viên kiêm cầu thủ. Những người chèo lái Juventus thời gian này luôn làm đám tifosi giật mình như thế. Họ bán bất kỳ ai được giá không cần biết lũ tifosi có vui hay không. Tại sao lại để Didier Deschamps ra đi? Có phải là vì Alessio Tacchinardi và Antonio Conte đã đủ lớn, Jonathan Bianchi và Enzo Maresca đầy hứa hẹn để không cần anh nữa? Không phải là Didier Deschamps là không thể thay thế mà là không có ai đến để thay cho anh. Giống như việc họ để Liam Brady ra đi hồi năm 1982 hay vừa mới năm rồi bán mất Alen Bokšić cùng Christian Vieri. Đám tifosi sẽ tiếc nuối và Juventus sẽ phải trả một cái giá nào đó rất đáng kể. Và đây cũng không phải lần cuối cùng Didier Deschamps chia tay trong luyến tiếc. Sau này sẽ có lần anh quay về và người ta lại để anh ra đi như thế.
 
Tay bắt gôn trẻ Morgan De Sanctis cũng được gả bán cho Udinese, để sau này Luciano Moggi đổi anh lấy hậu vệ U21 Marco Zanchi. Vụ chuyển nhượng này cũng khép lại mùa hè mua bán của bộ ba Luciano Moggi, Roberto Bettega và Antonio Giraudo. Có một điều dễ dàng nhận thấy là tất cả những vụ tuyển mộ của họ không phải là những bản hợp đồng sáng giá, không có mục đích tạo ra sự đột phá về chất lượng đội hình. Ở một vài chỗ, nó còn tạo ra cảm giác về một cuộc trẻ hóa hay thay thế có phần hơi khập khiễng, như là vị trí của Angelo Peruzzi. Đám tifosi sẽ không thích tay bắt gôn mới. Ấy là cái thế khó của huấn luyện viên trẻ Carlo Ancelotti. Có thể người ta đặt lên vai ông quá nhiều gánh nặng, khi mà các đối thủ chi bạo tay hơn Juventus vài lần. Lấy một ví dụ để miêu tả điều đó: Inter Milan phá kỷ lục chuyển nhượng với 90 tỉ lire  và có được Christian Vieri, AC Milan bỏ ra một lô tiền để tậu về Andriy Shevchenko thì Juventus hài lòng với Darko Kovačević và đôi chân dè dặt của Alessandro Del Piero. Juventus gia hạn hợp đồng với anh vào mùa hè năm 1999. Trong cuộc chạy đua kiếm tiền và tiêu tiền này thì dĩ nhiên là Juventus không thua như đã từng chứng minh trong suốt những năm qua. Tiền bạc hay những ngôi sao không quan trọng bằng việc tiêu chúng như thế nào và sử dụng họ ra sao. Nhưng Juventus sẽ ngày càng vất vả hơn bởi hình ảnh của họ giờ đây đã trở nên khắc khổ chứ không còn cái vẻ quyền lực bề trên nữa. Đó là cái khó của một đội bóng độc lập về tài chính, tự cân đối thu chi mà không cần dựa vào bất cứ một bầu sữa nào của công ty mẹ. Juventus không chạy đua mờ mắt. Sau cú đâm của Zdeněk Zeman, sau sự ra đi của Marcelo Lippi và bây giờ là Didier Deschamps cùng với Angelo Peruzzi, Juventus của Carlo Ancelotti bây giờ là một đội bóng hơi khổ, khiêm tốn và có đôi phần sợ sệt, dễ bị tổn thương như chính Alessando Del Piero. Sự thật là đội bóng ấy vẫn có thể gom đủ một số điểm cần thiết để lên ngôi vô địch Italia, thậm chí có thể làm được những điều lớn lao hơn nữa. Nhưng những chiến thắng vất vả hơn và khoảng cách giữa thắng và thua trở nên mỏng manh. Alessandro Del Piero như là một bức tranh thu nhỏ vẽ trong đó hình ảnh của Juventus.
 
Ngày 18 tháng 7 năm 1999, mùa bóng mới của họ bắt đầu rất sớm với trận lượt đi vòng 3 Coppa Intertoto, chính là cửa sau Coppa Uefa. Đội chủ nhà mãi tận Romania có tên lạ hoắc là Ceahlăul với cái sân bóng bé tí nằm dưới chân đồi. Đội hình nhiều dự bị của Juventus chỉ hòa được 1-1 trước khi hòa tiếp 0-0 ở lượt về khi đá ở Cesena ngày 24 tháng 7 năm 1999. Cả mấy trận tại cúp Intertono, Juventus đều dùng sân của Cesena làm sân nhà thay vì Delle Alpi. Chắc họ tính rằng nếu có đá ở Delle Alpi cũng chẳng có ma toi nào đến xem cái giải đấu chết nhục này. Simone Perotta được chơi trận cuối cùng với Juventus ở lượt đi trước khi bị gán vào vụ thâu nạp Gianluca Zambrotta của AS Bari. Còn Thierry Henry đá trận cuối cùng trong màu áo đen trắng ở trận lượt về trước khi bị bán sang Arsenal. Vào vòng bán kết Coppa Intertoto, đối thủ tiếp theo là một anh hạng ruồi khác có tên là Rostselmash từ nước Nga. Lần này Carlo Ancelotti đã tung vào sân nhiều trụ cột và nhanh chóng thắng 4-0 ở lượt đi trên đất Nga và Gianluca Zambrotta cùng Darko Kovačević có ngay bàn ra mắt, phần còn lại là của riêng Filippo Inzaghi. Trận lượt về với Rostselmash ở Cesena hôm 4 tháng 8 năm 1999 là một ngày đáng nhớ của Alessando Del Piero. Hiệp 2, anh vào sân thay cho Darko Kovačević, chấm dứt 9 tháng ròng rã từ lúc kể từ lúc lên bàn mổ, ngồi xe lăn, đi nạng gỗ cho đến khi tập tập luyện cật lục để trở lại. Hai mươi phút sau, Del Piero ghi bàn nâng tỉ số lên thành 5-1. Kể từ lúc ấy anh mới thôi dằn vặt lòng mình, thôi tự hỏi rằng tại sao 9 tháng trước ở Udine anh lại cố lao theo quả bóng đang bay ra ngoài, khi mà đội nhà đang dẫn bàn, khi mà trận đấu sắp kết thúc, khi mà anh đã bị khóa chặt đằng sau và có nếu có giữ được quả bóng lại cũng không có lấy một cơ hội nào để ghi bàn. Tại sao…? Đến lúc đó thì Del Piero mới bớt dằn vặt như sau này anh kể trong cuốn tự truyện của mình có tên Playing on, My life on and off the field. Sáu đội đi tiếp chia làm 3 cặp đá chung kết để chọn ra 3 đội được vào Coppa Uefa. Juventus cuối cùng cũng đạt được mục tiêu sau khi loại tiếp Rennes vào ngày 24 tháng 8 năm 1999 để cùng West Ham và Montpellier vào đá Coppa Uefa. Bốn ngày sau đó Serie A 1999/00 mở màn. Del Piero vào sân nhiều, rất nhiều, là người duy nhất chơi đầy đủ 34 trận đấu ở Serie A 1999/00. Nhưng anh chỉ đủ sức chơi cho một mình anh, hay nói cách khác, anh cần các đồng đội truyền thêm cho một phần sinh lực để trở lại phong độ như xưa chứ chưa thể tỏa sáng để kéo cả đoàn tiến lên. Mỗi một trận đấu đến là một thử thách, mỗi vòng đấu trôi qua lại một lần thở phào nhẹ nhõm. Đằng sau, bên cạnh luôn có Inter Milan, Roma và Ss Lazio so kè. Họ đã bỏ ra quá nhiều tiền, đã luôn theo đuổi và thua cuộc sát nút ở Serie A suốt mấy năm qua. Nên sẽ là không công bằng nếu họ lại thua một lần nữa. Cho nên hoặc là người ta phải dìm Juventus xuống hoặc là một lúc nào đó chính bianconeri phải tự sụp đổ vì áp lực quá lớn rồi dâng scudetto cho bọn họ.

Ngày 18 tháng 9 năm 1999, Del Piero ghi bàn trở lại ở Serie A bằng một quả 11m. Thật trùng hợp, đối thủ trong trận đấu đó là Udinese. Tưởng chừng như đó là một tín hiệu hoàn hảo cho một sự trở lại tuyệt vời của anh. Nhưng Del Piero vẫn có cài gì đó như cái cảm giác chùn chân và những pha bóng điệu nghệ của anh là một cái gì đó hơi xa lạ. Anh lùi lại phía sau Filippo Inzaghi, các bàn thắng của anh đến nhỏ giọt, toàn là những quả 11m. Del Piero chơi lặng lẽ hơn, thường không cố để ghi được bàn thắng mà sẽ tìm cách chuyền cho anh bạn thân Filippo Inzaghi. Người ta nói Alessando Del Piero không muốn mình bị để ý nhiều nhưng có lẽ bởi vì đôi chân của anh giờ đã e dè. Từ rất lâu rồi mới lại có cảnh Juventus thi đấu khó khăn và chỉ thường giành thắng lợi với tỉ số cách biệt ít nhất. Bởi vì Filippo Inzaghi không thể cùng một lúc làm được quá nhiều việc phức tạp, Darko Kovačević lúc hay lúc dở còn Sunday Oliseh chỉ là một nỗi thất vọng lớn lao – tên anh còn không có trong kế hoạch. Zinédine Zidane không thể tự mình ghi bàn thắng và dưới thời Carlo Ancelotti, Zinédine Zidane cũng không còn mạnh mẽ khát khao như trước nữa. Sau cúp thế giới và quả bóng vàng năm 1998, Zizou đã là một Zizou khác. Anh như không muốn gò bó trong một đội hình không sung túc và chịu chơi như Juventus. Hay là anh muốn tìm một mơi thỏa sức phô diễn tài nghệ của mình, và cũng xúng xính hơn về lương tiền. Sau hai năm đầu ở Torino bùng nổ, sau một cúp thế giới như mơ, Zinédine Zidane chỉ ghi được 2 bàn trong cả mùa thứ ba.  Sang năm thứ tư, chỉ khá hơn một tí xíu. Thật kỳ lạ. Với hàng tấn công ở mức kha khá như thế, thì chỉ có hàng thủ vững trãi mới giúp cho đội bóng của huấn luyện viên Carlo Ancelotti tạo ra được một khoảng cách tương đối với Ss Lazio trong khi mà Inter Milan của Marcello Lippi chưa xây được một bộ khung ổn định lâu dài còn AC Milan bỗng nhiên chỉ còn là cái bóng, những chị em còn lại vẫn chỉ là những kẻ bám đuổi. Hàng thủ Juventus có công rất lớn trong một serie 22 trận bất bại tại Serie A từ vòng 5 đến vòng 26. Juventus cứ thế chịu khó cố gắng qua từng vòng đấu một, cho đến lúc họ không chịu được nữa.

Đối thủ Inter Milan đã bắt đầu không gì tốt hơn. Ngay từ trận đầu tiên, Christian Vieri đã làm một hattrick. Đội này liên tiếp thắng 4 hòa 1 trong 5 trận đầu tiên và vượt lên dẫn đầu khi cùng thời gian này Juventus hòa 1 thua 1 còn Ss Lazio thì hòa mất 2. Vậy mà khi đám nerazzurri bắt đầu ca hát om sòm, khi bắt đầu nghĩ về scudetto thì liền 4 trận tiếp theo đội này lại thua mất đến 3 hòa 1, nhất là lại thua hai đội hạng ruồi Venezia và Bologna cùng với derby trước AC Milan. Đám nerazzuri từ ca hát chuyển sang phát điên với đội mình. Đến trận thứ 10 ngày 21 tháng 11 năm 1999, mọi nỗi bực dọc của Inter Milan dồn nén suốt hơn một tháng trước đó được trút lên đầu một đội hạng ruồi khác là Lecce. Trên sân nhà Giuseppe Meazza, Inter Milan tìm lại niềm vui bằng trận thắng áp đảo 6–0. Nhưng nụ cười trên môi gã béo il fenomeno thì tắt ngấm. Sau một cú rướn người lấy bóng, gã thấy có gì đó đưn đứt ở đầu gối và phải tập tễnh rời sân. Kiểm tra sau trận cho biết gã bị đứt dây chằng đầu gối và phải mổ, nghỉ luôn 5 tháng. Ronaldo cũng giống như Del Piero, il fenomeno hay là il fenomeno vero, người ngoài hành tinh hay người ngoài hành tinh đích thực thì cũng phải chịu sự khắc nghiệt của Serie A. Dù chẳng có ai lao cả hai chân vào đầu gối của họ thì người ta cũng biết rằng Serie A không phải chỗ dễ dàng cho những tay chơi điệu nghệ và trẻ tuổi hăng máu. Năm trước bầu trời sụp đổ trước mắt Del Piero thì bây giờ đất lở dưới chân Ronaldo. Năm trước Del Piero đã tự hỏi mãi rằng tại sao mình phải cố lao theo quả bóng khi chỉ còn vài giây là hết giờ. Bây giờ Ronaldo sẽ nghĩ sao gã phải rướn khi đội mình đã nã 5 quả vào khung thành Lecce tội nghiệp? Gã sẽ không có cơ hội nào để đến Delle Alpi trong trận lượt đi như chờ đợi vào ngày 12 tháng 12 năm 1999 mà phải chờ đến lượt về ở Giuseppe Meazza. Ronaldo bị loại khỏi vòng chiến đấu, Inter Milan gần như chấm hết giấc mơ về scudetto 1999/00 cho dù họ vẫn còn Christian Vieri, Iván Zamorano, Alvaro Recoba và cả Roberto Baggio có thể ghi bàn.

           
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr September 27, 2014, 11:46 AM
Cũng trong ngày 21 tháng 11 này, đội áo đen trắng lại thắng AC Milan 3-1. Hôm đó là một ngày đáng nhớ của Carlo Ancelotti. Tay béo này đã nổi danh trên ghế huấn luyện từ lâu và không ít lần đánh bại chính đội bóng từng được coi là nhà của mình. Lần này cũng thế. Sau loạt trận vòng 10 Serie A 1999/00, Inter và AC Milan dường như đã cùng bị loại khỏi cuộc đua khi mới chỉ có cùng 17 điểm điểm. Dẫn đầu còn lại AS Roma của Fabio Capello (19 điểm) Juventus và SS Lazio (cùng 21 điểm). Đây sẽ là hình ảnh quen thuộc trong một thời gian dài ở calico Serie A, chạy đua với Juventus không phải chỉ có AC Parma hay đám người ở Milano cùng ở miền bắc nữa mà giờ hội ở Roma mới đáng nói. Không còn Ronaldo, Inter Milan không còn đáng sợ với Juventus, ngày 12 tháng 12 năm 1999, Marcelo Lippi dẫn quân của mình quay trở lại Delle Alpi chờ đợi Inter Milan. Carlo Ancellotti đã ở bên này còn gã bạc đầu đã ở bên kia, đúng như dự định. Nhưng không có cuộc thi thố nào giữa il fenomeno Ronaldo và il fenomeno vero Del Piero. Roberto Baggio cũng bị Marcelo Lippi tống lên ghế dự bị và Del Piero trở thành diễn viên chính khi đi bóng qua hàng hậu vệ Inter Milan rồi chuyền cho Inzaghi chích bóng hạ được Angelo Peruzzi ngay ở giữa hiệp đầu. Ancelotti thắng Marcello Lippi 1–0. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Marcello Lippi đối đầu với Juventus ở Delle Alpi khi ngồi trên ghế huấn luyện viên. Nhưng đó không phải là lần duy nhất Marcello Lippi thua Carlo Ancelotti.

Những ngày cuối năm 1999 đầu năm 2000 là những ngày so kè chưa từng có trong suốt chiều dài những năm tháng của calcio Italia. Những đội bầu bảng rượt đuổi nhau trên đường đua nín thở như một đoàn đua xe F1. Đây là bảng xếp hạng của họ trong thời gian này:

- Vòng 11 ngày 28 tháng 11 năm 1999, Roma 22, Juventus  22, Lazio 22, Inter & Milan 20.

- Vòng 12 ngày 5 tháng 12 năm 1999, Roma 25, Lazio 25, Juventus 25, Inter Milan 23.

- Vòng 13 ngày 12 tháng 12 năm 1999, Lazio 28, Juventus 28, Roma 25, Parma 24.
 
- Vòng 14 ngày 19 tháng 12 năm 1999, Lazio 31, Juventus 29, Parma 27, Roma 25.

- Vòng 15 ngày 6 tháng 1 năm 2000, Juventus 32, Lazio 31, Parma 30, Roma 28.

- Vòng 16 ngày 9 tháng 1 năm 2000, Lazio 34, Juventus 33, Parma 31, Roma 29.

- Vòng 17 ngày 16 tháng 1 năm 2000, Juventus 36, Lazio 35, Roma & Parma 32.

- Vòng 18 ngày 23 tháng 1 năm 2000, Juventus 39, Lazio 36, Roma 35, Inter, Milan & Parma 32.

Ss Lazio cùng với nhóm kia cứ thế vượt lên rồi lại bị vượt qua không dứt. Đội bóng áo xanh kia dẫn đầu khi nghỉ lễ Giáng sinh nhưng vô địch lượt đi lại là Juventus. Trong khoảng giữa Giáng sinh cho đến hết lượt đi ấy cũng có những biến cố đen tối mà mãi về sau này người ta còn nhớ. Sau cú cản ngã Ronaldo của Mark Iuliano hồi năm 1998, ngày càng có nhiều đố kị và hoài nghi nhắm vào Juventus. Họ xì xầm to nhỏ, họ tức tối kêu ca về những quyền lực trọng tài, những thế lực ngầm đã giúp đỡ Juventus. Trong khi những lời buộc tội còn đang âm ỉ cháy thì những lúc căng thẳng như thế này lại là lúc nó dễ bùng lên thành ngọn lửa, như ở vòng 16 ngày 9 tháng 1 năm 2000. Hôm đó là trận lượt đi giữa Parma và Juventus trên sân Ennio Tardini. Trước trận AC Parma đang có 30 điểm, đang đứng thứ 3, chỉ kém SS Lazio 1 và Juventus 2 điểm. Nếu thắng thì họ sẽ có cơ hội vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng. Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra. Ngày quay lại xứ  Emilia Romagna của Carlo Ancelotti đầy tình cảm. Trước khi bắt đầu trận đấu, ông được đội bóng cũ trao cho một món quà làm kỷ niệm, đám tifosi vỗ tay chúc mừng nhưng sự thân thiện trên sân bóng không tồn tại. Carlo Ancelotti không còn là người của AC Parma như ngày nào nữa. Chỉ còn lại đám cầu thủ đáng gờm Gianluigi Buffon, Fabio Cannavaro, Lilian Thuram, Diego Fuser, Dino Baggio, Hernán Crespo, Marco Di Vaio, Antonio Bernarivo và cả Ariel Ortega nữa. Ở bên kia, đội mới của Carlo Ancelotti cũng không phải những tay vừa và trận thua 2-4 một năm trước đã qua từ lâu rồi. Tình cảm bạn bè chấm dứt khi trọng tài Stefano Farina cất còi, trận đấu trở lại như bao lần đối đầu khác giữa AC Parma và Juventus trong thời gian vừa qua, nghĩa là chỉ có sự thù địch và những pha bóng ghê chân một mất một còn. Và giằng co tranh cãi.

(http://www.ansa.it/webimages/large/2012/1/31/bb7a3e13eb2d3beef1aa5a03afd63ea1_213043.jpg)

(http://media.calcioblog.it/v/val/valderrama-peggio-di-dino-baggio-la-banconota-e-il-gesto-dei-soldi/baaImmagine4.jpg)

Stefano Torrisi làm Del Piero lăn lông lốc và lĩnh thẻ đỏ, ảnh @Ansa

Phút thứ 68, Stefano Torrisi theo kèm phá bóng khi Del Piero đã xâm nhập vòng cấm đón quả chuyền của Filippo Inzaghi. Không thấy bóng được phá đi mà lại thấy Del Piero ngã lộn tùng phèo, trọng tài Stefano Farina rút thẻ vàng thứ 2 đuổi Stefano Torrisi và chỉ tay vào chấm phạt đền làm đội chủ nhà cãi cự rất ác. Cãi cự cũng không thay đổi được gì, Del Piero hạ được Gianluigi Buffon trên chấm 11m và Juventus dẫn trước 1-0. Trong thế 10 người chọi 11, đội chủ nhà làm trận đấu càng trở nên căng thẳng và có thể đổ vỡ bất kỳ lúc nào. Chín phút sau như dầu đổ thêm vào lửa, Dino Baggio đốn hạ Gianluca Zambrotta và bị Stefano Farina rút luôn thẻ đỏ nữa đuổi khỏi sân. Đội chủ nhà chỉ còn 9 người. Bao nhiêu uất ức bấy lâu nay trong lòng Dino Baggio lại bùng lên dữ dội. Trước khi rời sân, Dino hướng về Stefano mạt sát, giơ hai tay về phía trọng tài, vê vê động tác đếm tiền và nhổ nước bọt. Tất cả những cử chỉ đó được máy quay và máy ảnh ghi lại hết. Scandalo! Ý Dino Baggio là trọng tài đã bị mua chuộc rồi và hắn khinh bỉ.

Kịch tính của trận đấu không dừng lại ở đó, đội chủ nhà không chịu cam lòng và vẫn chống trả như điên trong những phút còn lại Cho đến khi sắp hết thời gian bù giờ thì Hernán Crespo nhận bóng phản công, đi bóng làm hoa mắt đôi hậu vệ Ciro Ferrara và Mark Iuliano trước khi hạ được Edwin Van der Sar. Không thể tin được, AC Parma gỡ hòa 1-1 trong lúc chỉ còn 9 người suốt 15 phút cuối cùng. Khán đài sân Ennio Tardini nổ tung vui sướng. Những người Parma ăn mừng như họ vừa thắng kẻ thù truyền kiếp đời, như vừa đạp tung mọi nỗi uất hận bị dồn nén. Hòa trận này Juventus bị SS Lazio chiếm mất ngôi đầu, AC Parma đã lỡ một cơ hội và scudetto trở nên xa vời dù cuộc đua vẫn tiếp tục căng thẳng. Còn Dino Baggio thì phải trả giá rất đắt khi cúp châu Âu Euro 2000 đang đến gần. Anh bị cấm 4 trận ở Serie A, bị chính đội nhà trừ mất 200 triệu lire tiền lương và tương lai bị đe dọa.

Đích thân chủ tịch FIGC lúc đó là Luciano Nizzola đã bảo huấn luyện trưởng đội tuyển Dino Zoff loại Dino Baggio khỏi trận đấu tiếp theo của đội tuyển Italia. Luciano Nizzola dựa vào một điều khoản trong quy định của FIGC cho phép chủ tịch có quyền yêu cầu không cho gọi một cầu thủ nào đó vào đội tuyển quốc gia với một lý do thực sự nặng nề. Cuối cùng không phải Dino Baggio nhận quyết định bị loại 1 mà là 2 trận khỏi đội tuyển Italia, sau đó là không bao giờ nữa. Sự nghiệp của Dino Baggio xuống dốc không phanh và lụi tàn sau vụ lùm xùm này. Trở lại sau 4 trận bị treo giò ở Serie A, Dino Baggio chơi thêm vài trận và được gọi vào danh sách sơ bộ 26 người chuẩn bị cho vòng chung kết cúp châu Âu Euro 2000 trên đất Bỉ & Hà Lan. Nhưng đến lúc chốt quân thì anh bị loại và không bao giờ có mặt trở lại nữa. Đến mùa thu năm 2000 Dino Baggio bị mang đổi cho SS Lazio để lấy Nestor Sensini. Ở Lazio và sau này xuống cấp là Blackburn Rovers, Ancona rồi Triestina, sự nghiệp của anh lụi tàn hẳn. Từ một ngôi sao lớn anh trở thành người thừa và chỉ được đá có khoảng hơn 60 trận chính thức trong 5 năm từ 2000 đến 2005. Dino Baggio không thể hiểu được vì sao lại thế. Anh nghĩ rằng do mình đã nói ra những điều mình nghĩ và anh đã bị trù dập bởi một thế lực nào đó, như công ty môi giới GEA chẳng hạn, đã gây sức ép để mình không được ra sân. Có thể vậy, có thể anh đúng, có thể anh sai, nhưng kẻ nào chống lại Juventus một cách điên rồ mù quáng sẽ phải trả giá, theo một cách nào đó. Zdeněk Zeman đã mất chức ở AS Roma và bắt đầu cuộc sống phiêu bạt khó khăn. Bây giờ là Dino Baggio.

GEA là công ty như thế nào, chúng ta sẽ nói đến trong một câu chuyện khác. Sau khi AC Parma tuột mất cơ hội của mình, đến lượt AS Roma hay AC Milan. Như ở vòng 22 ngày 20 tháng 2 năm 2000: Juventus 47, AC Milan 44, Lazio 43, Roma 42. AC Milan đã đẩy được Lazio xuống thứ 3 khi thắng chính đội này 2-1 nhưng tiếc là không kéo dài được lâu vì ngay sau đó bị Inter Milan đả bại ở vòng 24 trong trận derby nên lại bị Juventus và SS Lazio bỏ lại phía sau. Khoảng thời gian sôi động nhất vừa qua đi khiến người ta cảm thấy sung sướng vì được xem calcio Serie A năm ấy, thời ấy. Nếu một giải đấu mà cùng lúc xuất hiện sáu bảy đối thủ có trong tay những cầu thủ trong mơ và cạnh tranh lẫn nhau quyết liệt để giành chức vô địch thì giải đấu ấy quả là ghê gớm. Tất cả những đội này đều có hàng tấn công rất mạnh và sự khác biệt giữa Juventus đối với họ có lẽ chính là ở tuyến dưới. Cho đến hết vòng đấu thứ 25, Juventus mới bị chọc thủng khung thành 11 lần nghĩa là chỉ khoảng 0.4 quả trên một trận. Đấy là một con số rất đáng nể trong khi những đội còn lại trong nhóm đầu đều thua tầm 1 quả mỗi trận. Công lớn đó chắc chắn thuộc về Van der Sar. Đám tifosi làm sao có thể không thích anh ta được? Ai còn nhớ Angelo Peruzzi và Didier Deschamps?
 
Chắc chắn là đám tifossi vẫn sẽ nhớ đấy. Cái hàng thủ trông như vững chắc kia có lúc bỗng dưng vỡ vụn. Đám người ranh ma và đầy xảo trá như Paolo Montero, Mark Iuliano Ciro Ferrara một ngày kia cũng trở thành những gã hề. Trước khung thành Edwin Van der Sar có lúc chỉ như một thằng người rơm đuổi quạ ngoài đồng. Đó là những lúc Juventus của Carlo Ancelotti chao đảo.
 
Như hôm tối ngày 9 tháng 3 năm 2000, họ đến thành phố cảng Vigo của đội bóng Celta de Vigo ở Tây Ban Nha để đá trận lượt về tứ kết Coppa Uefa. Chiến thắng 1-0 ở lượt đi giúp cho Juventus có thế đứng trên đôi chút. Nhưng Celta de Vigo ở sân nhà của họ là một Celta de Vigo rất khác, hoàn toàn khác so với những gì họ đã thể hiện ở Delle Alpi trước đó. Juventus đã không lường được trước được khả năng của độ hình tốt nhất mà Celta de Vigo thu gom được từ những cái tên như hậu vệ Juan Juanfran, tiền vệ Claude Makélélé, Varery Kapin, Alexander Mostovoi, tiền đạo Gustavo Lopez và cả Benedict McCarthy. Ngay từ phút đầu tiên sau khi trọng tài Hugh Dallas thổi còi bắt đầu, Claude Makélélé đã đập tan lợi thế của Juventus bằng bàn mở tỉ số sau cú sút xa đưa bóng đập chân cầu thủ Juventus bay vào lưới. Từ đây, đội bóng áo đen-trắng hoảng loạn vì những cuộc tấn công dồn dập của đối thủ để rồi mắc hàng loạt sai lầm mà tự thua cuộc. Trong suốt nhiều năm, chưa bao giờ các cầu thủ Juventus mắc nhiều lỗi như thế trong một trận đấu: vào bóng nôn nóng dẫn đến thẻ phạt liên tục, hậu vệ long ngóng đốt lưới nhà, giữ gôn đỡ bóng hụt, giữ gôn đẩy bóng đập lưng hậu vệ bay ngược vào lưới còn hậu vệ phá bóng lăn qua tay giữ gôn. Kết quả là sau hiệp 1 kết thúc, Juventus lĩnh hai thẻ đỏ dành cho Antonio Conte và Paolo Montero, thủng lưới 2 quả. Sang hiệp 2, giữ gôn Van der Sar và hàng thủ lại biểu diễn lại những pha tấu hài ngây ngô khiến đội nhà thua thêm 2 bàn nữa bởi Benedict McCarthy để rồi kết thúc một ngày loạn nhịp với tỉ số 0-4. Hai năm Juventus thua hai trận muối mặt. Celta de Vigo cũng giống như Manchester United. Không ai còn nhận ra Juventus, không ai thấy Van der Sar là một giữ gôn tài giỏi và không ai thấy Carlo Ancelotti có thể thổi vào đội bóng một chút hơi thở của lòng dũng cảm và lạnh lùng. Juventus chia tay Coppa Uefa.

Đã bị SS Lazio loại khỏi Coppa Italia từ hồi tháng giêng, Juventus chỉ còn Serie A để chạy. Trong cuộc đua scudetto này, Inter Milan của những người bianconeri cũ dù đã đánh mất vị trí dẫn đầu từ vòng thứ 6 và không bao giờ lấy lại được nhưng họ vẫn luôn đứng trong nhóm đầu và khiến không ít đội khác ôm hận. Sau khi đạp đổ giấc mơ của AC Milan ở vòng 24, Inter Milan tiếp tục cầm hòa SS Lazio 2-2 ở vòng 25 khiến cho đội này bị Juventus bỏ xa 6 điểm. Vì cùng cùng lúc Lazio bị Inter Milan cầm hòa 2-2 thì quân của Carlo Ancelotti đã gượng dậy và thắng Piacenza 2-0 bằng hai quả của Filippo Inzaghi. Chẳng khác nào Inter Milan nâng bước bianconeri. Sang vòng 26 ngày 19 tháng 3 năm 2000, Lazio thua tiếp Hellas Verona và bị Juventus bỏ xa 9 điểm sau khi đội bianconeri vất vả thắng được trận derby della Mole với tỉ số 3-2. Chỉ còn 8 vòng đấu trước mắt, cuộc đua scudetto coi như chấm dứt. Nhiều người đã nghĩ như thế dù biết rằng 8 trận còn lại kia Juventus phải gặp toàn thứ dữ lần lượt là AC Milan, SS Lazio, Bologna, Inter Milan, Fiorentina, AC Parma và Perugia. Cứ như là scudetto đã ở trong tay...


: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr October 03, 2014, 02:13 AM
Vòng 27 Serie A ngày 24 tháng 3 năm 2000 trên sân San Siro. Andriy Shevchenko, AC Milan, mấy chục nghìn tifossi và cả tay trọng tài trẻ Gianluca Paparesta cho họ thấy nghĩ vậy là quá sớm. Trước đối thủ quyết tâm không để mất suất dự Coppa dei Campioni, Juventus lại mắc sai lầm. Edwin Van der Sar chạy ra lỡ chớn để Andriy Shevchenko đánh đầu đưa bóng vào khung gỗ lúc hiệp một sắp hết. Và khi hiệp hai chỉ còn vài phút, Juventus vẫn muốn gỡ hòa thì cái gã cầm còi chết bẫm Gianluca Paparesta lại chỉ tay vào chấm 11m trong khi Alessandro Birindelli phá trúng bóng trong chân Andriy Chevchenko. Cũng chính Andriy Shevchenko đá quả 11m hạ Edwin Van der Sar. Đây là hai bàn thắng đầu tiên của anh này vào khung thành đội bóng bianconeri. Khoảng cách giữa SS Lazio và Juventus còn 6 điểm và 7 trận phía trước. Vòng 28 ngày 1 tháng 4 năm 2000, Juventus quay trở về nhà Delle Alpi nhưng đã thấy SS Lazio đứng đợi ở cửa từ lúc nào. Không thể trốn tránh được, đây là một trận quyết đấu mà xem ra kẻ thách thức đang có khí thế hơn nhiều. Trong thế trận chẳng khác mấy khi đấu với AC Milan, tất cả sẽ được định đoạt bởi phút tỏa sáng của kẻ thắng và lỗi lầm không thể tha thứ của người thua. Giữa hiệp 2, trung vệ Ciro Ferrara lãnh thẻ vàng thứ 2 phải rời sân và đúng một phút sau đó Diego Simeone đánh đầu ghi bàn trong khi hàng loạt cú sút của Juventus không qua nổi tay giữ gôn già Marco Ballotta. Ngày hôm đó ở Delle Alpi, Sven Goran Eriksson đã tung Attilio Lombardo và Fabio Ravanelli vào sân ở những phút cuối để giữ tỉ số, cất Alen Bokšić trên ghế dự bị. Cả ba người đã nhìn thấy scudetto có thể sẽ tuột khỏi tay đội cũ. Khoảng cách là 3 điểm và 6 trận phía trước.

Có lẽ Carlo Ancelotti đã cảm thấy sợ một lần sụp đổ nữa. Cần có một ai đó giúp sức. Juventus đã không thể thắng được SS Lazio khi cả ba người từng là bianconeri bị Sven Goran Eriksson giam trên ghế dự bị. Cuối cùng chỉ có Inter Milan thật ra lại đang giúp sức cho kẻ thù. Đội bóng này vẫn cố gắng chơi được mà không cần il fenomeno Ronaldo suốt 5 tháng. Bọn họ đang ganh đua rất ác với AC Milan, AC Parma và AS Roma để giành chỗ thứ 3. Khoảng cách giữa 4 đội này chỉ là 3 điểm và bây giờ thì cái đầu gối của Ronaldo đã khỏi. Gã sắp trở lại. Marcelo Lippi sẽ đưa gã đến Delle Alpi đá vòng 30 ngày 16 tháng 4 và trước tiên ông sẽ để gã làm nóng người trong trận chung kết lượt đi Coppa Italia với SS Lazio vào ngày 12 tháng 4 năm 2000 trên sân Olimpico Roma. Trong trận này Ronaldo ngồi trên ghế dự bị khi Clarence Seedorf mở hàng từ ngay phút thứ 8. Nhưng đến cuối hiệp một và đầu hiệp hai, Pavel Nedvěd cùng Diego Simeone đã hai lần đánh bại tay gôn Angelo Peruzzi để SS Lazio vượt lên dẫn trước 2-1 ở phút 52. Sáu phút sau gã il fenomeno được cho vào sân. Có thể là Marcelo Lippi đã định từ trước, có thể là do tình thế đang bị dẫn bàn, có thể là do áp lực của bọn tài trợ mà gã được đưa vào sân. Có thể là cả ba lý do. Nhưng chắc là bọn họ đã quá nôn nóng hoặc chuẩn bị không tốt. Sáu phút sau khi vào sân, ở lần nhận bóng nguy hiểm đầu tiên trước vòng cung 16m50, gã il fenomeno làm động tác đảo chân lừa bóng kiểu rang lạc quen thuộc. Đám hậu vệ Lazio còn chưa làm gì thì Không ngờ chân gã đã xoắn lại và ngã xuống. Gã ôm lấy cái đầu gối bên phải trong tiếng kêu thảm thiết. Cả sân Olimpico, cả thế giới bóng đá bị shock. Của một đống tiền của lão chủ tịch Massimo Moratti thế là lại phải nằm cáng chạy cấp tốc đến bệnh viện. Một lần nữa gã lại khóc trên đất Italia vì đau đớn và suy sụp. Sẽ không có cuộc tiếp đón Juventus ở Giuseppe Meazza ngày 16 tháng 4 cho gã hết. Mấy cái gân xương bánh chè lại đứt tung, Ronaldo phải trải qua mấy lần mổ xẻ ở Paris và sự nghiệp của gã có thể sẽ chấm dứt.

Chỉ có đúng một mình Angelo Peruzzi trong số những người bianconeri cũ ra sân trong trận tiếp đón Juventus này. Không có Christian Vieri, không có Vladimir Jugović còn Roberto Baggio như ngày thường vẫn bị Marcelo Lippi đày ải trên ghế. Hình dáng gã il fenomeno Ronaldo chỉ có trên ngực áo lót những cầu thủ Inter Milan. Bọn họ in lên đó ảnh Ronaldo và dòng dòng chữ ‘non mollare’, nghĩa là ‘đừng bỏ cuộc’ để gửi lời động viên bạn trước trận đấu và khi có ai ghi bàn. Nhưng họ cũng chỉ được trưng cái áo đó ra trong trận đấu có một lần thôi, là lúc Clarence Seedorf ghi bàn rút ngắn tỉ số xuống còn 1-2. Ngày hôm đó tám mươi nghìn tifosi trên sân được thấy một Juventus thoải mái tinh thần vì trước khi vào sân đã biết tin SS Lazio bị Fiorentina cầm hòa 3-3. Họ đá với sơ đồ 3 tiền đạo tốt nhất của mình và tay người balcanica Darko Kovačević đã chơi một trận hay nhất của mình trong mùa giải. Tất cải phẩm chất kỹ thuật và lợi thế to cao của Darko Kovačević được thể hiện trong trận đấu và qua 2 bàn thắng. Khoảng cách giữa Juventus và SS Lazio lại được nới rộng lên thành 5 điểm còn Inter Milan tụt xuống thứ 6. Còn 4 trận đấu phía trước.

Cuộc đua một lần nữa tưởng đã an bài thì lại đột ngột nóng trở lại. Kẻ gây ra việc này là Hellas Verona. Đây là đội bóng của ông chủ tịch Giambattista Pastorello vốn là bạn làm ăn của chủ tịch Parmalat là Calisto Tanzi. Gần như ông bạn chủ Parmalat, chỉ một thời gian ngắn đầu tư vào đội bóng thuộc loại nhiều tifosi và giàu truyền thống nhất Italia Hellas Verona, Giambattista Pastorello đã đưa đội bóng lên hạng Serie A và bắt đầu mơ về những năm tháng tươi đẹp hồi 1984/85. Lúc này huấn luyện viên viên trưởng của họ là một người rất gần gũi với Juventus, chính là tiền vệ Cesare Prandelli ngày nào. Dù hết lượt đi và đầu lượt về chơi bết bát, có lúc tụt xuống nhóm chót bảng, nhưng Hellas Verona đã đoàng hoàng leo lên giữa bảng và trước khi gặp Juventus ở vòng 32 ngày 30 tháng 4 năm 2000, đội này đã trải qua liền tù tì 12 trận không phải nếm mùi thất bại. Trong loạt 12 trận này họ đã hạ AC Parma, SS Lazio, cầm hòa Fiorentina và AC Milan. Juventus là nấc thang thứ 13 lên cửa sổ tình yêu của đội bóng thành phố Romeo e Giulietta. Hellas Verona đã thắng Juventus 2-0 và đến vòng cuối cùng còn cầm hòa nốt Reggina 1-1 và AS Roma 2-2 để hoàn thành 15 trận cuối cùng Serie A 1999/00 không thua và đứng thứ 9 chung cuộc. Loạt trận không thua và vị trí thứ 9 đáng khen này của Hellas Verona đã nâng tầm Cesare Prandelli lên cao. Từ đây Cesare được nhiều đội bóng để ý. Còn Juventus đã bị đẩy đến bờ vực. Vì cùng lúc này SS Lazio đã thắng AC Venezia 3-2. SS Lazio 66 điểm, Juventus 68 điểm. Chỉ còn hai vòng đấu trước mắt và 2 điểm cách biệt. Phía trước là bờ vực, đằng sau là SS Lazio đuổi đến. Juventus chỉ còn lại lo lắng trốn chạy và tranh cãi khi cái tên AC Parma lại lù lù xuất hiện. Đó là vòng đấu 33 áp chót ngày 7 tháng 5 năm 2000, Juventus phải tiếp AC Parma trên sân Delle Alpi. Trọng tài Masimo De Santis cầm còi trận này. Trong khi đó SS Lazio chỉ phải gặp Bologna đã yên tâm trụ hạng. Nếu SS Lazio thắng và Juventus không thể vượt qua AC Parma, SS Lazio sẽ có ngôi đầu bảng hoặc ít nhất là bằng điểm với Juventus. Nếu hai đội bằng điểm nhau cho đến phút cuối cùng thì cả hai sẽ phải quyết đấu một trận để tranh scudetto, bởi vì sẽ không có một chỉ số phụ nào được xem xét để xếp hạng cả. Đó là kiểu chơi riêng của calcio Serie A không giống bất cứ nơi nào khác.

http://www.youtube.com/watch?v=--hgvR5AwJ4

Hellas Verona là kẻ phá bĩnh

Giữa hiệp một, Sérgio Conceição mở hàng cho SS Lazio và SS Lazio vươn lên bằng điểm Juventus. Chỉ hơn chục phút sau, một ngôi sao cũ của họ là Giusepppe Signori gỡ hòa 1-1 cho Bologna. Juventus vẫn đang hòa AC Parma 0-0, khoảng cách vẫn là 2 điểm. Sang hiệp hai mới là lúc căng thẳng nhất và mớ bung xung âm ỉ lâu nay lại nổi lên gay gắt. Phút thứ 60, sau nhiều lần đồng đội chịu thua, Del Piero cũng đánh đầu tung hạ được Gianluigi Buffon, lần thứ hai. Đó là bàn thắng thứ 11 của Del Piero trong mùa giải và là quả duy nhất đến từ một pha bóng sống. Mười quả trước đều là penalty (quá nhiều penalty chăng ?). Juventus lại hơn 4 điểm. Scudetto sắp về tay Juventus. Nhưng liền một phút sau đó ở Bologna, Diego Simeone lại hạ được thủ môn Gianluca Pagliuca và SS Lazio dẫn Bologna 2-1. Marcelo Salas nâng lên 3-1 trước khi Giuseppe Signori rút ngắn xuống 2-3 ở phút 88. Cùng lúc Giuseppe Singori gỡ lại 2-3 thì ở Delle Alpi, AC Parma được hưởng một quả phạt góc. Tiền đạo Brasile Marcio Amoroso câu bóng vào trong cho một đám lộn chộn trong vòng cấm. Trung vệ Fabio Cannvaro nhảy lên tranh bóng đánh đầu trong khi người ta nghe tiếng còi của trọng tài Masimo De Santis. Bóng bay vào khung thành của Edwin Van der Sar, Fabio Cannavaro ăn mừng nhưng Masimo De Santis không công nhận và Juventus thắng 1-0, vẫn hơn SS Lazio 2 điểm. Fabio Cannavaro chỉ cười trừ khi biết rõ rằng bàn thắng không được tính. Scandalo ! Bóng đá Italia lại sôi sục cãi cọ và hờn dỗi.

Masimo De Santis khẳng định rằng ông đã nhìn thấy một cầu thủ Juventus như là Darko Kovačević bị phạm lỗi trong vòng cấm và đã thổi còi trước khi Fabio Cannavaro đánh đầu. Nhưng những kẻ ủng hộ AC Parma và SS Lazio đã lục lọi lại những bức ảnh, quay đi quay lại hàng chục lần tình huống trên truyền hình và cho rằng Masimo De Santis đưa còi lên miệng thổi khi bóng đã chạm vào đầu và đang bay vào khung thành. Họ còn kể tội thêm rằng Masimo De Santis đã không cho AC Parma được hưởng penalty lúc Alessio Tacchinardi đá ngã Diego Fuser ở hiệp một, khi tỉ số vẫn là 0-0. Làn sóng chống đối Juventus bùng lên ở Italia, nhất là tại Roma. Masimo De Santis và gia đình con cái, vợ và mẹ bị dọa giết. Đám ultras SS Lazio biểu tình ở quảng trường Piazzale Flaminio. Chủ tịch FIGC Luciano Nizzola nói rằng ông ta đang tính mời trọng tài nước ngoài ở mùa tới. Nhưng những người đối đầu Juventus lập tức bới ra chuyện rằng thật ra chính Luciano Nizzola lại là bạn thân của Luciano Moggi từ khi hai người còn làm việc cùng nhau ở AC Torino hồi trước. Họ cho rằng Luciano Moggi đã giúp sức để Luciano Nizzola lên trúng cử chức chủ tịch FIGC năm 1996. Những tifosi người Firenze được thể gợi lại câu chuyện mình bị mất scudetto ở ngày cuối trong mùa 1981/82 với buộc tội là trọng tài đã trù dập Fiorentina. Ông chủ tịch con Massimo Moratti được thể nói lại vụ lùm xùm Mark Iuliano – Ronaldo hai năm trước khiến ông ta nói nghe có vẻ cay nghiệt rằng ‘trọng tài không cố ý làm như vậy, đấy là thói quen của họ rồi. Họ ngại phải làm khó Juventus. Đấy là điều bắt buộc chứ không phải là cá biệt.’ Gã tiền đạo SS Lazio Roberto Mancini sắp hết đời đá bóng thì bồi thêm rằng ‘giải đấu chơi đẹp cuối cùng là vào năm 1991 khi Sampdoria chiến thắng. Kể từ đó AC Milan và Juventus chia nhau và không bao giờ chống lại lẫn nhau trong cuộc đua scudetto.’


: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr October 03, 2014, 02:14 AM
Cả Italia sôi sục ghen ghét. Những lời chỉ trích cay nghiệt như mưa đổ về phía đội bianconeri và Luciano Moggi chính là người hứng chịu nhiều nhất. Như tay chủ tịch AS Roma Franco Sensi luôn hăng máu nhất và không ngại to tiếng rằng ‘tại sao các đội ở Roma luôn khó giành scudetto? Hãy hỏi Moggi ấy. Nó cứ sẽ thế này mãi đến chừng nào Moggi thôi không chống lại chúng tôi nữa. Đầu tư hàng triệu vào đây cũng không đủ.’ Bên cạnh Franco Sensi thì ông chủ SS Lazio Sergio Cragnotti đương nhiên là không ngồi im. Ông ta cũng dọa rằng ‘giải đấu này đang mất dần lòng tin. Tôi không thể đầu tư hàng triệu vào đội bóng này để rồi thấy chúng tôi ở trong hoàn cảnh không rõ ràng thế này.’

Không ai bảo Juventus đã phạm một luật nào nhưng họ luôn kêu ca rằng Juventus có quá nhiều quyền lực bao trùm bóng đá Italia. Đám báo chí châu Âu mà nhất là từ nước Anh bắt đầu xoi mói và kể xấu Juventus, bóng đá Italia cùng Luciano Moggi. Họ so sánh Luciano với một ông trùm bóng đá ngày xưa là Italo Allodi, người mới qua đời hơn một năm trước ở tuổi 71. Những tờ báo Anh viết như thể thành công của Juventus thời gian qua cũng như Inter Milan hồi những năm 1960s, Juventus hồi 1970s, Napoli hồi 1980s cả ở Italia và cúp châu Âu, hay đội tuyển Italia tạ Spagna 1982, là do những quan hệ ngầm của Italo Allodi trước đây và Luciano Moggi bây giờ. Sự thật là chính Italo Allodi đã tuyển Luciano Moggi vào làm người săn lùng tài năng trẻ cho Juventus từ lúc Luciano Moggi mới hơn hai mươi tuổi. Sự thật là Italo Allodi cùng Luciano Moggi đã tao dựng nên những đội bóng đáng gờm nhất Italia. Nhưng những tay nhà báo Anh chỉ toàn nói những chuyện xuyên tạc lếu láo về Italo Allodi và Luciano Moggi cũng như miệt thị về con người cũng như văn hóa Ialia trước khi giải thích ở cuối bài báo rằng ‘những thông tin ở trên chưa được làm rõ.’

Cả một tuần liền người ta chỉ nói đến pha bóng của Fabio Cannavaro. Đám ultras tifosi SS Lazio dĩ nhiên là chưa nguôi giận. Bọn này dọa cuối tuần, tức là vòng cuối cùng Serie A 1999/00, sẽ tiếp tục biểu tình ở quảng trường Piazzale Flaminio và các con phố ở Roma. Lần này thì khênh theo cả một chiếc quan tài thật hẳn hoi viết lên đó chữ calcio, bảo là để làm ma cho bóng đá Italia. Cứ như là mấy vụ án quan tài diễu phố ở Việt Nam. Khênh quan tài là nghề của hội ultras ở Rome rồi. Và như lệ làng của đám ultras SS Lazio, bọn này cũng sẽ chỉ vào sân bóng 15 phút sau khi trọng tài bắt đầu trận đấu để tỏ ý phản đối. Rồi có thể biểu tình sẽ lây cả sang giải đua xe vòng quanh nước Ý Giro d'Italia và cả giải quần vợt Italia mở rộng Rome Master vốn có sân trung tâm chỉ cách sân Olimpico nơi diễn ra trận SS Lazio – Reggina có vài trăm thước. Sự căng thẳng, ghen ghét và nghi ngờ bủa vây Juventus và cả những trọng tài sẽ cầm còi trong trận đấu có mặt Juventus. Chuyện gì sẽ xảy ra khi một lần nữa trọng tài lại gây ra một tình huống tranh cãi như Massimo de Santis mà nó có lợi cho Juventus? Chắc chắn là người ta đã sợ điều đó và không muốn điều đó cho nên Pierluigi Collina được điều đi bắt trận Perugia – Juventus. Ai cũng biết Pierluigi Collina là trọng tài ám quẻ của Juventus. Thời gian này lão được lòng rất nhiều người vì đã bắt chính Juventus 21 trận mà có đến 12 trận là đội này không thắng được, trong dó có nhiều trận thua ngay ở Delle Alpi. Huống chi đây là sân Renato Curi của Perugia. Đó là một cái sân bóng ma ám. Từ cái tên Renato Curi đã làm các bianconeri rợn người.

(http://www.perugiaclub.com/goal_curi_1976.jpg)

Renato Curi đã ghi bàn đẹp nhất vào lưới Dino Zoff

Hãy quay trở lại với mùa bóng 1975/76, khi ấy sân bóng nằm bên chân đồi này vừa mới làm xong và có tên là Pian di Massiano còn Renato Curi là một ngôi sao trẻ tài hoa của AC Perugia vừa mới lên hạng và đang đá rất hăng. Ngày 15 tháng 5 năm 1976 là trận cuối cùng của mùa giải, cả AC Torino và Juventus cùng có cơ hội đoạt scudetto. AC Torino đang có 44 điểm và sẽ tiếp AC Cesena ở Torino còn Juventus có 43 điểm và phải xuống làm khách ở Perugia với trọng tài là Gianfranco Menegali người Roma. Buổi chiều hôm đó AC Torino chỉ hòa được AC Cesena 1-1 nhưng ở Perugia thì Juventus của huấn luyện viên xe đạp chổng ngược Carlo Parola còn phải chịu thua AC Perugia 0-1. Như chúng tôi đã kể trước kia rồi đấy, Juventus mất chức vô địch ở vòng cuối cùng trên sân bóng mới Pian di Massiano. Người ghi bàn thắng cho AC Perugia chính là Renato Curi. Anh voleé tung lưới Dino Zoff ở đầu hiệp thứ hai. Hơn một năm sau đó, Juventus gặp lại AC Perugia trên sân Pian di Massiano trong trận vòng 6 Serie A mùa giải 1977/78 ngày 30 tháng 10 năm 1977. Quái quỷ, trong một chiều mưa tầm tã, trọng tài vẫn là lão Gianfranco Menegali quê ở Roma. Đây sẽ mãi mãi là một trận đấu bình thường nếu như khi hiệp hai mới qua được 5 phút trong cơn mưa nặng hạt và sân bóng đã ngập nước thì Renato Curi bỗng dưng ngã gục xuống và ngừng thở. Người ta cáng anh ra sân dưới cơn mưa lạnh khi anh đã chết rồi. Người ta cáng anh ra khỏi sân trước ánh mắt sợ hãi của những người trên sân. Thời gian như đứng lặng. Các bác sỹ nói Renato Curi bị nhồi máu cơ tim.
(http://upload.wikimedia.org/wikipedia/it/9/96/Renato_Curi_-_30_Ottobre_1977.jpg)

Rồi hơn một năm sau gục xuống dưới cơn mưa

Cái tên Pian di Massiano sau đó được đổi thành Renato Curi sẽ là nỗi ám ảnh của những người bianconeri. Hơn hai mươi năm sau Juventus lại phải đối mặt với nỗi sợ hãi ở chính nơi này. Có lẽ, tất cả đã được sắp đặt trước theo ý của quỷ dữ. Juventus phải chết để không có một đám ma cho bóng đá Italia, dù với thời tiết nào, dù cả Reggina và Perugia đã trụ hạng rồi, chẳng còn gì mà thi thố trừ tí lợi ích là Perugia có thể vào Coppa Intertoto. Ở Roma thì trời nắng đẹp khi SS Lazio và Reggina bước ra sân. Cách đó chỉ hơn trăm cây số, sân bóng Renato Curi cũng tạnh ráo và trong xanh bên chân đồi. Được gần bốn mươi phút thi đấu, ở sân Olimpico, SS Lazio đã dẫn trước Reggina 2-0 vì được liền hai quả penalty. Trong khi đó ở Perugia cách Olimpico có hơn trăm dặm, điều quái quỷ bắt đầu xảy ra. Nhiều cơ hội nhưng không thể nào Juventus đưa bóng vào được khung thành AC Perugia. Nếu không bị thủ môn Andrea Mazzantini đẩy mất thì cũng chệch ra ngoài, dù người sút có là Alessio Tacchinardi, Zinédine Zidane, Edgar Davids hay là ai. Rồi mây đen ở đâu kéo đến, sấm chớp ầm ầm. Cả chín sân bóng khác ở Italia cùng lúc đó không nơi nào có mưa nhưng ở sân Renato Curi thì như trút nước. Cứ như là linh hồn của Renato Curi trở về hô mưa gọi gió. Hết hiệp đầu mưa cũng chẳng ngừng rơi, hết 15 phút giờ nghỉ, vẫn mưa lạnh. Nước, nước ở khắp mọi nơi. Sân bóng đã bị ngập. Lúc ấy ở Olimpico trời vẫn tạnh ráo như không. Không còn cách nào khác, Pierluigi Collina phải cho hoãn hiệp hai. Nhưng hoãn đến bao giờ, khi nào thì trời ngừng mưa và nước rút đi?
(https://baluardidelcalciopopolare.files.wordpress.com/2013/11/collina-perugia-juventus_580x324.jpg)

(http://calciomercato-juve.it/wp-content/uploads/2014/01/photo-239_collina-600x338.jpg)

Pieruigi Collina thử bóng, ảnh @Getty Images

Pierluigi Collina cầm ô cùng chủ sân và đội trưởng hai đội mang bóng ra sân thử đến mấy lần. Quả bóng còn không lăn đi được chứ đừng nói là nảy lên. Juventus muốn dừng trận đấu và đá lại vào hôm khác nhưng Pierluigi Collina nói không. Làm sao ông ta có thể đưa ra một quyết định có lợi cho Juventus? Quá nguy hiểm. Hoặc là Juventus dù thế nào cũng sẽ phải đá và thua hay tất cả lễ trao scudetto đã được sắp đặt rồi. Không thể dừng lại. Thế là cứ phải chờ trong khi trận đấu ở Olimpico vẫn bắt đầu hiệp hai như bình thường. Diego Simeone ghi thêm một bàn nữa cho SS Lazio thắng đội của Andrea Pirlo 3-0 và chỉ chờ cho đến hết giờ. Trận SS Lazio – AC Reggina xong rồi mà hiệp hai ở Perugia vẫn chưa bắt đầu. Không có mấy ai ở Olimpico rời khỏi sân bóng. Không có truyền hình ở Olimpico, họ giữ điện thoại trên tay và ngóng chờ tường thuật trên radio phát qua giàn loa của sân bóng. Sven Göran Eriksson kể rằng cả đội SS Lazio ngồi im không nhúc nhích trong phòng thay đồ và nghe radio, chẳng có ai đi tắm, không ai nói một lời nào. chắc họ sợ cử động một cái là bị đen. Gần bảy mươi nghìn tifosi không rời sân Olimpico.

Gần một tiếng rưỡi sau khi hết hiệp một, trời mới tạnh mưa, sáng dần ra và nước rút đi. Pierluigi Collina thử bóng một lần nữa và cho hiệp hai bắt đầu. Nước thì đã rút đi rồi nhưng cái sân Renato Curi đó là một cái ruộng ướt sũng trơn trượt. Nó không có lợi cho Juventus với những cầu thủ kỹ thuật và sức vóc hơi yếu. Nó sẽ tốt cho một trận cày bừa của những tay khỏe mạnh như Marco Materazzi, Alessandro Calori, Mauro Milanese hay là cả Nicola Amoruso anh bạn thân của Del Piero ngày nào. Và nó chẳng khác gì một trò chơi lô tô xổ số. Ai may mắn thì người đó chiến thắng. Rất nhanh chóng điều đó đã thành sự thật. Năm phút sau khi hiệp hai tiếp tục, Antonio Conte đánh đầu phá bóng đúng vào chỗ Alessandro Calori đứng phía sau. Như một tiền đạo giá hàng tỉ lire, Alessandro Calori đỡ bóng bằng ngực và tung cú demi-voleé đưa bóng chui tuột vào khung thành Edwin van der Sar đang đứng. Người trúng số là Alessandro Calori. Tin tức từ Perugia bay về truyền qua giàn loa tiếng tường thuật của bình luận viên, sân bóng Olimpico như vỡ tung lên vì sung sướng. Họ ôm chầm lấy nhau cả những người không quen biết, như là vừa từ cõi chết trở về. Rồi cả cái sân Olimpico ấy lại gần như im lìm. Bọn họ lại hồi hộp nghe tiếng radio. Phút thứ 28 hiệp hai ở Perugia, Pierluigi Collina phạt Gianluca Zambrotta thẻ vàng thứ hai khi anh này vừa mới vào thay Gianluca Pessotto được có bảy phút. Ông ta đã bắt Juventus phải cày bừa trên cái ruộng này và bây giờ ông đuổi Gianluca Zambrotta ra sân là đạp thêm một cái vào lưng khiến họ ngã sấp mặt xuống. Carlo Ancelotti tung nốt cả hai tiền đạo Darko Kovačević và Juan Esnáider vào sân. Bốn người tất cả nhưng không thể nào làm gì được khi những cú sút cứ bị phá ra, cứ đi chệch khung gỗ như đang bị hồn ma của Renato Ciri ám hại. Khi Pierluigi Collina cho thêm hẳn 5 phút bù giờ thì nó càng làm nỗi tuyệt vọng của những người bianconeri thêm dài, càng làm cho đám tifosi Lazio đang đợi ở Olimpico thêm căng cứng vì hồi hộp để rồi bọn họ lại sung sướng đến phát rồ lúc Pierluii Collina thổi còi hết giờ. Gazzetta dello Sport giật title hả hê ‘Và Juventus chết đuối ở Perugia, ‘E la Juve annegò nella fatal Perugia.’ Đã không có cỗ quan tài và đám tang cho calcio mà là đám tang cho Juventus.

(http://cache1.asset-cache.net/gc/175313060-carlo-ancelotti-of-fc-juventus-looks-at-his-gettyimages.jpg?v=1&c=IWSAsset&k=2&d=GkZZ8bf5zL1ZiijUmxa7QWxhQrt8JvGrMG5vtTiewyZ4%2B5JNcJFiaMvVkx6jqS%2FR)

Carlo Ancelotti sốt ruột nhìn đồng hồ, @Getty Images

(http://sport.sky.it/static/contentimages/original/sezioni/sport/calcio_italiano/2012/04/24/ancelotti_conte_perugia_juve_1.jpg)

E la Juve annegò nella fatal Perugia




: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr October 08, 2014, 02:44 PM
Lâu nay trên youtube có serie Storia del Campionato Italiano di Calcio này hay quá mà không biết. Mọi người xem cùng cho vui. Xem xong vứt mẹ cái mớ bài trên của mình đi cho rồi. :I_dont_want_to_see:

- 1997-1998:
 http://www.youtube.com/watch?v=qjn59Nw9XS0
- 1998-1999:
 http://www.youtube.com/watch?v=BYMvp6ENPbw
- 1999-2000:
http://www.youtube.com/watch?v=kDz0pRUwSOI

.... mò thêm trên đó nhé. Mà khung hình bị crop thì phải, xem hơi tức mắt.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: souslevent October 08, 2014, 03:48 PM
Em xem lâu nay rồi nhưng chả liên quan gì đến cái bác đang viết. Bác viết chất hơn nhiều. Em hóng đoạn tiếp. Bác cố viết đến đoạn 2030-2031, đoạn sau em hứa em sẽ viết  :gift:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr October 11, 2014, 08:48 AM
Em xem lâu nay rồi nhưng chả liên quan gì đến cái bác đang viết. Bác viết chất hơn nhiều. Em hóng đoạn tiếp. Bác cố viết đến đoạn 2030-2031, đoạn sau em hứa em sẽ viết  :gift:

Đang tính sẽ dừng lại ở 2006 :it_wasnt_me: Sửa bài trên một tí, đi tìm mãi mới ra hình ảnh theo yêu cầu của chú Long đây này.

Xem mấy cái banner nhé. Ngày ra mắt của Carlo Ancelotti.

http://www.youtube.com/watch?v=MhsP8CLpN5c


: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: rafael-nadal October 11, 2014, 02:12 PM
Đang tính sẽ dừng lại ở 2006

Viết đến hết mùa 2010-2011 đi Pavel, mùa đầu tiên dưới thời Conte, vô địch, bất bại, chính thức thoát khỏi Calciopoli và mở ra một tương lai tươi sáng, kiểu kết thúc có hậu ý. Dừng ở 2006 xem ra giống kiểu kết bi kịch của phim Hàn Xẻng quá. :juve5:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr October 11, 2014, 06:40 PM

Viết đến hết mùa 2010-2011 đi Pavel, mùa đầu tiên dưới thời Conte, vô địch, bất bại, chính thức thoát khỏi Calciopoli và mở ra một tương lai tươi sáng, kiểu kết thúc có hậu ý. Dừng ở 2006 xem ra giống kiểu kết bi kịch của phim Hàn Xẻng quá. :juve5:

2011-12 chứ nhỉ. Em cũng không thích phim ướt át lắm nhưng cũng đang lo bị đuối như Nadal bây giờ :d
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Thiết Mộc Chân October 13, 2014, 06:32 AM
e vote dừng ở 2006  :juve8:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: souslevent October 13, 2014, 03:04 PM
Giả sử bác dừng ở 2006 nhé, em chấp bút luôn quả Serie B  :m1205:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr June 08, 2015, 11:35 AM
Restart :m1205:
Giả sử bác dừng ở 2006 nhé, em chấp bút luôn quả Serie B  :m1205:

 :m1205: restart cái đây, mất hết tài liệu trong bookmarks rồi
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr July 27, 2015, 02:55 PM
Người bị hắt hủi


Tháng 5 năm 2000, sau hai mươi sáu năm SS Lazio mới lại đoạt được scudetto và đội về thứ hai cũng là Juventus như năm 1974. Tám năm sau khi mua được đội bóng và đổ vào đó hàng tỉ lire, một ông chủ kiểu mới như Sergio Cragnotti mới đánh đổ được cặp đôi AC Milan và Juventus, mới được nếm trải hương vị ngọt ngào nhất cuộc đời. Nhưng chẳng có lễ trao cúp nào cho họ ở Olimpico hôm đó cả. SS Lazio đoạt scudetto ở ngay trên sân nhà nhưng lúc đó hình như người ta đã mang cúp đến Perugia để chuẩn bị trao nó cho Juventus rồi. Mặc kệ điều vặt vãnh ấy, bốn ngày sau đó, SS Lazio thâu tóm nốt Coppa Italia bằng cách cầm hòa Inter Milan 0-0 trong trận chung kết lượt về ở Giuseppe Meaza. Thế là chẳng có cái cúp nào dành cho Massimo Moratti và Inter Milan cả. Trong từng ấy năm, ông chủ tịch con còn bỏ ra nhiều tiền hơn cả Sergio Cragnotti nhưng scudetto thì vẫn chưa thấy đâu, bây giờ đến Coppa Italia an ủi cũng mất nốt. Mùa này có thêm Christian Vieri thì lại không ngờ mất Ronaldo, đến tháng ba Christian Vieri cũng hỏng nốt, nên Marcello Lippi chỉ chỉ giúp được đội này được 58 điểm ở Serie A, bằng với AC Parma và phải đá một trận play-off để tranh vị trí thứ 4 vớt vát dự Coppa dei Campioni năm sau.

http://www.youtube.com/watch?v=r_KAck-o6zw

Chuyện cuối của Roberto Baggio viết cho Inter

Ngày 23 tháng 5 năm 2000, Christian Vieri trở lại trong trận play-off với AC Parma trên sân trung lập ở Verona sau hai tháng ngồi ngoài. Nhưng chỉ được ba mươi phút, anh lại phải ôm đùi rời sân sau cú va chạm với Gianluigi Buffon. Chẳng khác gì Ronaldo. Đen đủi đủ đường. Ngay sau khi trở về từ Verona, các bác sỹ Inter Milan đã khám và cho kết quả Christian Vieri bị tái phát chấn thương cơ đùi đã bị hồi tháng ba vừa qua, sẽ mất luôn vòng chung kết Euro 2000 đang tới và hẹn năm tháng sau mới tập được trở lại. Bầu trời của Christian Vieri cũng sụp. Đáng ra ông chủ tịch con Massimo Moratti phải bắn bỏ đám người bốc thuốc của mình vì những gì đã xảy ra với Ronaldo trước đây và Christian Vieri bây giờ. Cuối cùng thì Inter Milan cũng có một niềm an ủi cho riêng mình khi thắng được AC Parma 3-1. Roberto Baggio đã ghi hai bàn để cứu vớt một mùa giải vứt đi nữa của hội nerazzurri, cứu vớt cả chiếc ghế của ông huấn luyện viên. Đó là một lần hiếm hoi Roberto Baggio được vào sân dưới tay Marcello Lippi. Cả mùa vừa rồi ở Serie A anh chỉ có 7 lần ra sân ngay từ đâu, thêm 11 lần vào thay người nữa. Tổng cộng chỉ 18 trận và có được vỏn vẹn 4 bàn thắng, y như thời ở Juventus. Nhưng đây không phải là lần duy nhất Roberto cứu Inter Milan trong mùa giải này. Hôm 23 tháng 1 năm 2000, Inter Milan đang bị Hellas Verona dẫn 1-0, Marcello Lippi không còn tiền đạo nào nên phải đưa anh vào sân trong hiệp hai. Roberto Baggio đã chuyền một quả cho Alvaro Recoba gỡ hòa và ghi bàn quyết định giúp Inter Milan ngược dòng thắng 2-1. Họp báo sau trận đấu, rất nhiều người đã chú ý đến cái mũ của Roberto Baggio đang đội có dòng chữ tiếng Spagna ‘matame, se non te siervo’ nghĩa là hãy giết tôi đi nếu không cần tôi nữa.’ Có vẻ như đó là một lời trách móc Marcello Lippi của anh, vào cái lúc rất đáng chú ý.

Ở Inter Milan, Roberto Baggio chỉ là lựa chọn thứ năm hay thứ sáu gì đó trong số các tiền đạo, dưới cả mấy chú tre trẻ như Adrian Mutu. Marcello Lippi có vẻ lại càng không thích anh giống như những ngày nào ở Juventus. Đơn giản là ông ấy không thích anh hoặc là sức khỏe của anh và phong độ của anh không đúng với đòi hỏi của ông ấy. Vì thế, nếu Marcello Lippi còn ngồi đó, nếu anh còn muốn ra sân nhiều hơn thì anh chỉ còn mỗi nước cuốn gói khỏi Giuseppe Meazza. Bây giờ, Roberto Baggio ghi hai bàn đẹp mắt, một sút phạt từ góc ngoài khu cấm địa bằng chân phải, và một quả demi-voleé bằng chân trái để giữ lấy cái ghế của Marcello Lippi. Massimo Moratti đã hứa là nếu Inter Milan được đá Coppa dei Campioni thì Marcello Lippi sẽ không bị đuổi việc. Thế thì Roberto Baggio sẽ ra đi. Anh cũng không thể chịu đựng thêm được nữa.

Dù Roberto Baggio đã trở thành cứu cánh muộn màng cho hội nerazzurri, dù không có ngựa giống Christian Vieri thì huyấn luyện viên đội tuyển Italia Dino Zoff cũng không dám mang Roberto Baggio theo đến vòng chung kết Euro 2000. Chắc Dino Zoff cũng không thích hoặc lại sợ anh cũng tự dưng lăn quay ra. Giờ thì Dino Zoff cũng giống như Marcello Lippi, như Fabio Capello hay Arigo Sacchi. Tất cả họ đều không dám đánh cược công việc của mình vào cái đầu gối lủng lẳng đinh vít của anh. Lần thứ hai Roberto Baggio vắng mặt ở một giải đấu lớn là điều rất khó chấp nhận với những tifosi của anh, họ phản đối kêu gọi Dino Zoff suy nghĩ lại. Nhưng cánh cửa đã khép. Cả với Angelo Peruzzi nữa. Anh từng tuyên bố rằng sẽ không vào đội tuyển nếu chỉ là thủ môn số ba. Angelo Peruzzi không chấp nhận đứng sau Gianluigi Buffon và Francesco Toldo nữa, chắc đã quá chán vì lúc nào cũng phải làm dự bị cho Gianluca Pagliuca hay lúc nào cũng đen đủi bị thương trước các giải thi đấu lớn. Vậy là Inter Milan chỉ có đúng một mình Luigi Di Biaggio được chọn. Trong khi đó đội đoạt scudetto SS Lazio cũng chỉ có hai người là hai hậu vệ Paolo Negrovà  Alessandro Nesta còn đội về nhì đau đớn Juventus lại có những bảy người là Ciro Ferrara, Mark Iuliano, Gianluca Pessotto, Gianluca Zambrotta, Antonio Conte, Alessandro Del Piero và Filippo Inzaghi. Nhóm bolocco Juventus đã trở lại nhiều gần gấp đôi so với hồi 1998 thời ông Cesare Maldini.

Khi đội bianconeri mạnh thì Italia sẽ mạnh, khi họ yếu thì Italia sẽ yếu. Bởi vì Juventus chính là Italia. Nhưng lần này Juventus vừa chết đuối ở Perugia, đang bị vận rủi chặn đường, Italia sẽ ra sao? Ngày 3 tháng 6 năm 2000,  một tuần trước khi vòng chung kết bắt đầu, Italia đá trận đấu tập cuối cùng với Na Uy ở Oslo, một đội cũng sắp sang Hà Lan – Bỉ. Phút thứ 53, John Carew tương một cú đánh đầu không thể bắt từ gần chấm 11m bay thẳng vào góc cao khung thành. Gianluigi Buffon cố bay người cản phá nhưng vừa không với tới được quả bóng vừa nằm đau sau khi ngã xuống. Frances Toldo vào thay còn anh được đưa luôn đến bệnh ở Oslo để kiểm tra. Kết quả Na Uy thắng 1-0 nhờ bàn thắng của John Carew và Gianluigi Buffon mất luôn vòng chung kết Euro. Anh đã bị gãy xương tay trái. Italia đã không mang theo được Christian Vieri, Dino Baggio đã bị đuổi từ vụ lùm xùm với Juventus, Roberto Baggio không được đoái hoài, giờ thì Gianluigi Buffon cũng nghỉ nốt. Thật là khó cho Dino Zoff. Ông tin tưởng, phải tin tưởng vào ba tiền đạo của AS Roma là Marco Delvecchio, Vincenzo Montella, Francesco Totti và hai của Juventus là cặp đôi Filippo Inzaghi – Alessandro Del Piero. Dù Serie A đang nở rộ tài năng nhưng cuối cùng ông không thể mang theo tất cả những người tốt nhất như Christian Vieri, như Gianluigi Buffon. Đó là một điềm báo không may.

http://www.youtube.com/watch?v=gzQkFNen2rM
Gianluigi đã bị gẫy tay trong trận này
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr August 10, 2016, 02:12 PM
Ông Juvero back up kiểu gì mà mất bài cuối rồi, tìm trả lại đi ^0^
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: juverofan August 15, 2016, 04:07 PM
Em backup lần cuối hôm 22/3 và restore bằng bản đấy do account badamgia bị lock, không vào để lấy bản cuối cùng được.
Hoặc có thể bị mất trong quá trình restore, anh post lại đi.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr August 16, 2016, 01:52 PM
 :I_dont_want_to_see:

Text thì vẫn còn đây nhưng không nhớ hôm đó đã dùng những ảnh nào.

Với cả cửa sổ nhập văn bản mới không kéo rộng ra được, cứ bị bé tí. Có chỉnh được không vậy sếp?

: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr August 16, 2016, 01:59 PM
Và rồi ông trời đã tính sai một tiếng còi

Đây là lần đầu tiên vòng chung kết cúp châu Âu được hai nước láng giềng cùng nhau làm chủ nhà như một kiểu chia sẻ gánh nặng và lợi ích từ một giải đấu lớn, như sau này Nhật Bản và Hàn Quốc cùng được trao cho tổ chức cúp Thế giới 2002. Đó là một xu hướng mới đang được ca ngợi trước khi người ta nhận ra những rắc rối để dẹp bỏ nó sau cúp châu Âu 2012.

Cho đến trận chung kết, Italia của Dino Zoff không thua một trận nào cả. Ông luôn phiên dùng hết cả năm tiền đạo mình mang đi. Hàng tiền vệ cũng được xoay vòng. Ngay cả hàng hậu vệ cũng không cố định. Fillippo Inzaghi hay Marco Delvecchio, Del Piero hay Francesco Totti, rồi Vincenzo Montella hay Stefano Fiore? Fabio Cannavaro hay Mark Iuliano, Alessandro Nesta hay Paolo Maldini? Không ai chắc chắn được ra sân ngay từ đầu và có lẽ Dino Zoff cũng khó xử. Mỗi trận đấu, mỗi đối thủ, huấn luyện viên lại cho ra quân với đội hình khác nhau. Ông như muốn dùng và làm vừa lòng hết tất cả những người ông mang theo. Ông dung hòa đội tuyển nhưng cuối cùng lại tạo ra không nhiều nét đặc trưng trong lối chơi. Gianh giới giữa phòng thủ và tấn công là không rõ nét, giữa áp sát quyết liệt giữ bóng cũng không rõ. Đội tuyển Italia của Dino Zoff cứ lưng chừng như thế, cứ thắng dù không giòn giã lắm, cứ thắng dù không cho thấy sức mạnh vượt trội so với các đối thủ Thổ Nhĩ Kỳ, chủ nhà Bỉ, Thụy Điển (vòng bảng), Rumania (vòng 1/8) hay chủ nhà thứ 2 Hà Lan (bán kết). Mỗi một trận đấu qua đi, Italia của Dino Zoff lại tìm thấy một người hùng của mình, là Filippo Inzaghi hay Francesco Totti, Stefano Fiore hay Del Piero. Còn khi những cầu thủ ở trên không làm xong chuyện thì chốt chặn cuối cùng Francesco Toldo lại cứu vớt tất cả.

Cứ như thế Italia thắng liên tục 4 trận cho để vào bán kết, vượt qua nốt chủ nhà thứ hai sau loạt đá 11m để vào chung kết trên chính vùng đất thấp mà người Italia gọi là Paesi Bassi này. Vậy là trên con đường đi đến trận cuối cùng, Italia đã loại cả hai đội chủ nhà. Chỉ còn đúng một trận nữa, chỉ còn đội Pháp trước mặt và Italia sẽ giành được chiếc cúp đầu tiên kể từ năm 1968, cũng là năm mà Dino Zoff là một trong những thành viên của đội tuyển ngày ấy. Va bene, được thôi, dù từ năm 1978 đến lúc đó Italia cũng chưa thắng được đội Pháp dù có đá giao hữu hay chính thức thì cũng vậy. Dino Zoff cùng các chàng trai áo màu xanh da trời phải phá bỏ nỗi buồn trước người hàng xóm áo xanh nước biển khó chịu này trong trận chung kết ở Rotterdam. Nhưng ông vẫn còn chưa chắc chắn một điều gì kể cả đội hình ra sân. Trước trận cuối cùng, may mắn trong tay áo đã dùng hết.
 
Khi hai đội đi ra từ đường hầm, dàn kèn đồng tấu lên khúc nhạc quốc ca Il Canto degli Italiani và La marseillaise, người ta mới biết huấn luyện viên đã rút cặp đôi Filippo Inzaghi - Del Piero khỏi đội hình xuất phát. Thay vào đó là Marco Delvecchio đá cặp với Francesco Totti giống như ở AS Roma. Còn Juventus chỉ có hai hậu vệ Gianluca Pessotto, Mark Iuliano được ra sân ngay từ đầu. Số 10 Alessandro Del Piero, Ciro Ferrara, Antonio Conte và Filippo Inzaghi ngồi trên ghế dự bị, Gianluca Zambrotta bị treo giò. Trong khi Gianluca Zambrotta bị treo trên khán đài thì Bolocco Juve còn lại bị giam trên ghế dự bị. Đó là một điều đáng tiếc cho dù những người bianconeri có thể hãnh diện rằng đội hình của hai đội trong trận chung kết đó có 16/44 cầu thủ đã, đang và sẽ chơi trong màu áo của họ. Đó là tính toán của Dino Zoff. Có lẽ ông xoay tua để lấy những đôi chân khỏe mạnh sau cuộc chống chọi vất vả với chủ nhà ở bán kết. Có thể Dino Zoff đã làm đúng, chỉ có ông trời tính sai.
 
Đội Pháp đang giữ cúp thế giới không phải tầm thường. Huấn luyện viên Roger Lemerre vẫn đang giữ vẵng và vun đắp thêm thành quả mà người đi trước Aimé Jacquet để lại. Họ có chiều sâu đáng gờm và trở nên nguy hiểm hơn khi hơn nửa trong số họ đã từng và đang được tôi luyện trong chính môi trường khắc ghiệt của Serie A, đã có thời gian nếm trải cả vinh quang và cay đắng ở đó. Có người đã phải ra đi vì không được đề cao. Có người đang được Serie A giữ khư khư như viên ngọc quý. Patrick Vieira, Laurent Blanc, Youri Djorkaeff, Didier Deschamps, Zinédine Zidane, Thierry Henry, Lilian Thuram, ít có ai hiểu được người Italia hơn họ. Và nay họ muốn đánh bại Italia một lần nữa, như năm 1998.

Ba gương mặt mới trong đội hình ra sân đã giúp cho đội tuyển Italia bớt mệt mỏi và tạo ra một thế trận cân bằng với đội Pháp vốn cũng phải đá gần 120 phút với Bồ Đào Nha ở trận bán kết còn lại. Tuy nhiên dù có hàng dưới rất mạnh với bộ năm hậu vệ, Italia không thể che chắn hết được tất cả các chỗ yếu của mình. Ví dụ như Stefano Fiore mờ nhạt trong vai trò kiến tạo và thường bị Lilian Thuram chặn lại còn Liugi Di Biagio, Demetrio Albertini khó khóa chặt được Zinédine Zidane. Trong khi đó ở bên kia, một tiền đạo trẻ như Thierry Henry đã làm cho cặp trung vệ Alessandro Nesta & Fabio Cannavaro phải vất vả. Tình thế cân bằng đã thay đổi hoàn toàn khi mới sang hiệp hai được mấy phút, Dino Zoff rút Stefano Fiore ra và tung vào số 10 Alessando Del Piero. Francesco Totti được lùi xuống vai trò kiến tạo. Cộng với việc Paolo Maldini lên bóng dũng mãnh, cánh của Lilian Thuram bị tấn công làm cho đội Pháp phải chịu sức ép lớn từ cả hai bên sườn: Bên phải bị Paolo Maldini – Del Piero khuấy đảo, bên trái bị Gianluca Pessotto – Francesco Totti dồn ép. Kết quả của những phút tăng tốc độ ào lên ở hai biên là bàn thắng của Marco Delvecchio sau pha Francesco Totti giật gót điệu nghệ để Gianluca Pessotto lật bóng chuyền vào. Sự góp mặt của Alessandro Del Piero đã tạo ra bước ngoặt của trận đấu. Anh đã góp phần tạo ra áp lực lớn lên hàng thủ đội Pháp khiến họ phải chịu bàn thua nhưng cũng là trở thành niềm tiếc nuối vô cùng trong ngày hôm ấy và mãi mãi về sau.

Bị dẫn trước buộc đội pháp phải dâng lên cao tìm cách dồn ép lại Italia và đó là cơ hội cho hai tiền đạo Italia thoát xuống phía sau hàng thủ của họ, đối mặt với khung gỗ, sút tung lưới và giết chết hẳn hi vọng gỡ hòa của họ. Nhưng đáng tiếc là đội Italia đã không làm được. Alessandro Del Piero và Marco Delvecchio đã bỏ lỡ đến ba quả như thế sau những đường chuyền ngon ăn của Francessco Totti và Massimo Ambrosini. Riêng Del Piero đã bỏ phí mất hai lần. Rõ ràng là khi bạn đã tạo ra ba cơ hội, hay thượng đế trao cho bạn ba điều may mắn mà bạn bỏ phí hết thì bạn chỉ còn lại sự đen đủi.
 
Đội Pháp của ông Roger Lemerre lì lợm và từng trải. Từ đầu họ đã dồn quân tấn công vào khoảng trống giữa nách hậu vệ biên Gianluca Pessotto và đôi trung vệ Cannavaro - Nesta. Giống như thuật công thành trong quân sự, tướng quân có thể ra lệnh vây hãm hoặc kiên trì tấn công liên tục vào một vị trí. Cuối cùng sẽ phá thủng được thành trì của quân thù. Roger Lemerre đã chọn cách thứ hai. Vào những phút cuối cùng, đội tuyển áo màu xanh nước biển vẫn cứ dồn ép vào đúng một vùng đã định mặc cho thời gian càng lúc càng cạn. Cái lúc mà sức lực của hàng thủ Italia đã cạn kiệt, đồng hồ trên sân đã vượt quá 3 phút báo bù giờ mấy giây, tất cả những người Italia điển trai cũng chỉ còn chờ tiếng còi kết thúc của trọng tài Anders Frisk vang lên để lao vào ôm chầm lấy nhau trong vui sướng, thì đội Pháp đã khoan thủng thành trì của họ bằng cú sút của Sylvain Wiltord, một tay dự bị mới sân khỏe như trâu rừng.
Bầu trời sụp đổ. Sức đã tàn, lực đã kiệt, tinh thần chao đảo thì đội quân áo xanh da trời cũng không thể đứng lên được nữa. Sau hơn mười phút hiệp phụ, đội Pháp bồi thêm một đợt tấn công nữa vào lỗ hổng đã tạo ra, lần này người ra tay cuối cùng là Robert Pires xộc xuống và chuyền để cho David Trezeguet voleé phá khung thành. Đó là một bàn thắng vàng và chiếc cúp châu Âu đã thuộc về nước Pháp. Ba người vào thay của đội Pháp đã ghi dấu chiến thắng ngỡ ngàng khó tả nổi.

Đó là những giờ phút, những năm tháng có lẽ là cô đơn và đau khổ nhất trong cuộc đời của Alessandro Del Piero. Đầu mùa anh đã trở lại rụt rè sau chấn thương và cuối cùng để mất scudetto trong cơn mưa ám ảnh trên sân Renato Ciri. Bây giờ, đội tuyển Italia của anh lại để mất cúp châu Âu ở Rotterdam khi đồng hồ đã chạy hết bù giờ mấy giây. Bây giờ, anh đã trở thành con cừu đen vô dụng, trở thành nơi trút giận giữ của cả đất nước. Trên đường phố Italia, những chiếc áo số 10 của anh đã bị vứt bỏ. Trong khi đó ở quê nhà thị trấn San Vendemiano, cha anh Gino Del Piero vẫn đang phải chịu đựng căn bệnh đau đớn không thể chữa khỏi. Alessandro không nói điều đó cho nhiều người biết và giây phút anh đổ xuống trên sân Rotterdam thật đau lòng. Người đàn ông trong anh đã khóc, mọi lời an ủi đều không còn ý nghĩa nữa.

 Ở Turin nếu còn một người đàn ông nữa cũng đang kìm nén nỗi buồn vào bên trong để tiếp tục bước đi thì chỉ có thể là huấn luyện viên Carlo Ancelotti của anh. Tifosi không thích ông và ban lãnh đạo cũng chẳng trao vào tay ông nhiều món quà đáng giá, không tạo điều kiện tốt nhất cho ông. Ví như trong mùa chuyển nhượng hè năm 2000, kiểu cách chi tiêu của Juventus không khác so với năm trước. Trong khi mức độ tiêu tiền của Serie A ngày càng lên cao thì Juve lại chậm rãi đi sau. Lúc ấy AS Roma đã mang về Emerson, Walter Samuel và nhất là vua sư tử Gabriel Batistuta, đương kim vô địch SS Lazio tung tiền mua thêm Hernan Crespo, Claudio López, và cả Angelo Peruzzi nữa. Còn Juventus vui lòng với David Trezéguet, kẻ đã lấy nước mắt của triệu người Italia vài hôm trước đây thôi. Bốn mươi lăm tỉ đồng lire dành ra để mang anh chàng David Trezéguet có nụ cười quá thân thiện quá mức về từ Monaco. Đó giống như cách Juve sửa sai vì đã để Thierry Henry ra đi quá sớm, là cách để chia sẻ gánh nặng trên đôi vai Alessandro.

Ngoài ra, những người khác mới được đem về chỉ là hàng cấp dưới không gây được tiếng vang lớn như Michele Paramatti, Marco Zanchi, Matteo Brighi, Fabian O’neill và Oliveira Athirson. Họ đến mà tifosi không nhiều háo hức và sau một thời gian sẽ phải ra đi không được luyến tiếc cho lắm. Như Zoran Mirković và Sunday Oliseh cũng vừa phải tìm đội mới sau một năm bị bỏ quên trên ghế dự bị.

Rõ ràng là hai đội bóng Roma quay cuồng trong cơn khát scudetto hơn Juve rất nhiều. So sánh bạn sẽ thấy vua sư tử có giá đến 70 tỉ đồng lire còn Hernán Crespo tạo nên một đỉnh cao thế giới mới trong làng bóng đá với giá 78.5 tỉ lire. Lazio vừa chấm dứt cơn khát ấy sau 26 năm còn AS Roma cũng đã qua 18 năm rồi. Lúc này Juventus đang suy yếu, Inter Milan và AC Milan đang mất phương hướng, không giành được scudetto lúc này thì không biết bao giờ mới có lần nữa. Họ đã bỏ ra nhiều tiền đến nỗi nếu chỉ có được cúp Uefa hay Coppa Italia thôi thì đó là một điều không công bằng, không công bằng với người giàu có. Nếu không đoạt scudetto thì đội bóng lâu đài hoa lệ mà họ xây lên suốt chục năm qua sẽ chẳng khác nào những lâu đài ma, hay sẽ trở thành những bãi hoang tàn đổ nát. Mà mầm mống của sự sụp đổ ấy đã xuất hiện từ lâu. Bảy tám chị em xinh đẹp của Calcio Serie A đã sắp hết thời mộng mơ. SSC Napoli đang chìm trong khủng hoảng nợ nần và rơi vào quên lãng. Những khó khăn về tiền bạc cũng đã xuất hiện ở AC Parma vì khó khăn của công ty mẹ Parmalat. Bầu sữa của Parmalat nuôi AC Parma lớn lên khỏe mạnh phi thường như chàng Heracles được bú bầu sữa ngọt ngào của nữ thần Hera trong câu chuyện thần thoại. Nhưng nó đã sắp cạn rồi.

Ở Firenze, nhà làm phim, chủ tịch Mario Cecchi Gori cũng không thu xếp được đủ tiền để theo đuổi cuộc chơi mà hai cha con đam mê nữa. La vita è bella, cuộc sống tươi đẹp, là bộ phim xuất sắc của ông đã giành được giải Oscars cũng hay như Mediterraneo (Đất giữa biển), Lamerica, Il Postino (Người đưa thư) của cha mình. Đội bóng Fiorentina đẹp đẽ cũng giống như một bộ phim của họ, cũng xứng đáng một giải Oscars của Calcio Serie A. Nhưng cuộc sống thật không tươi đẹp. Vittorio Cecchi Gori và Fiorentina đã phải bán đi linh hồn của mình lấy 70 tỉ lire trang trải. Bán đi Gabriel Batistuta để nuôi sống Fiorentina với những người ở lại như Francesco Toldo, Tomáš Řepka, Enrico Chiesa, Nuno Gomes, Rui Costa trước khi chính họ cũng phải rời khỏi đội bóng trên núi đồi đồng cỏ ấy.   
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: juverofan August 16, 2016, 03:10 PM
:I_dont_want_to_see:

Text thì vẫn còn đây nhưng không nhớ hôm đó đã dùng những ảnh nào.

Với cả cửa sổ nhập văn bản mới không kéo rộng ra được, cứ bị bé tí. Có chỉnh được không vậy sếp?


Phần giao diện này em bê nguyên sang mà, có gì khác cũ đâu? Chỉnh sửa thế nào em cũng chịu. Hay set admin cho anh nhé.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr August 16, 2016, 04:42 PM
Phần giao diện này em bê nguyên sang mà, có gì khác cũ đâu? Chỉnh sửa thế nào em cũng chịu. Hay set admin cho anh nhé.

Tưởng biết nên hỏi, ý là cái cửa sổ đang type chữ vào đây này, cái thanh kéo lên kéo xuống clivk vào không tác dụng. :I_dont_know:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr August 17, 2016, 04:48 PM
http://www.youtube.com/watch?v=aw1jAs2tU1U
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: souslevent August 19, 2016, 04:06 PM
Bác Pavel còn đủ text không? Em build lại bản hịn cho
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr August 20, 2016, 12:25 AM
Bác Pavel còn đủ text không? Em build lại bản hịn cho

 :idea: Không cần đâu, chỉ bị mất 1 bài thôi (còn text mất ảnh), đã post lại rồi đó.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: juverofan August 31, 2016, 03:27 PM
Cái chỗ kéo giữ kéo ô textarea trên nút Post và Preview hả bác, em thấy kéo được này. Giờ mới biết có cái này  :applause: :applause:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr September 05, 2016, 10:32 AM
Cái chỗ kéo giữ kéo ô textarea trên nút Post và Preview hả bác, em thấy kéo được này. Giờ mới biết có cái này  :applause: :applause:

Lúa thật, chỉ ông nào hay post bài dài mới quan tâm thôi :high_five: À vừa thử lại, firefox thì được mà bên chrome thì không. lâu nay dùng chrome nên cứ tưởng nó tắc tị rồi.
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr September 12, 2016, 04:02 PM
http://www.youtube.com/watch?v=9agbiG5uSaM
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr September 13, 2016, 01:59 PM
Người con trai của ông Gino


Serie A 2000/01 mãi ngày cuối cùng của tháng 9 năm 2000 mới khai mạc. Nó chậm hơn một tháng so với những năm trước đây, thậm chí vòng loại cúp Thế giới 2002 của đội tuyển Italia còn bắt đầu sớm hơn. Điều này rất tệ cho Juventus. Họ không có thời gian chạy đà cho cúp C1 Coppa dei Campioni. Trước trận mở màn vòng 1 Serie A, Juve đã phải đá 3 trận vòng bảng Coppa dei Campioni và 2 trận ở Coppa Italia. Năm trận đó, Juve chỉ thắng đúng một trận nhọc nhằn trước Panathinaikos, Del Piero chưa ghi được bàn nào, cả trong trận đầu tiên của vòng loại cúp Thế giới 2002 cũng vậy. Phải đến trận thứ bảy là mở màn Serie A, anh mới có cú sút đầu tiên đưa được bóng đi vào trong khung thành.

Đó là một bàn thắng đẹp, từ một góc sút quen thuộc bên góc phải vòng cung 16m50 mà sau này người ta gọi là Del Piero-zone, trước một đối thủ quen thuộc, chính là trên sân San Paolo của SSC Napoli với huấn luyện viên Zdeněk Zeman đang là cái gai trong mắt những người bianconeri. Và đó cũng bàn thắng đầu tiên của Del Piero vào gôn đội bóng của Zdeněk Zeman từ khi ông ta nói những điều lấp lửng với báo chí năm 1998 khiến cuộc đời anh dậy sóng. Có thể đó là một cuộc trả thù hoặc không. Hơn tháng sau, Zdeněk Zeman bị Napoli đuổi việc và suốt hơn mười mấy năm tiếp theo chỉ còn quẩn quanh với những đội bóng cấp thấp ở Italia. Như là Italia không còn đất sống cho ông nữa. Người ta nói là vì Juventus và Luciano Moggi, nhưng chẳng ai hiểu được rốt cuộc điều gì đã khiến cuộc đời ông ta lận đận như vậy. Còn Juventus những ngày này cũng không hề vui hơn Zdeněk Zeman. Mười lăm trận đầu tiên của mùa giải, Carlo Ancelotti và những cầu thủ của mình chỉ thắng được đúng 3 lần. Chừng đó thôi cũng đủ thấy hết nỗi khổ ngày đêm như chưa bao giờ gặp phải của những người bianconeri. Trên khán đài là những tiếng la ó, là cờ quạt và vỏ ghế bị ném xuống ngay từ trận đâu tiên ở Champions League hòa 4-4 với Amburgo SV trên nước Đức. Ngoài đường biên là khuôn mặt buồn chịu đựng của Carlo Ancelotti. Còn trong sân chỉ toàn là những dằn vặt. Alessandro Del Piero, il fenomeno vero đã là một trong những cầu thủ được trả công cao nhất thế giới tính cả lương thưởng cũng như thu lợi từ quảng cáo. Nhưng điều đó cũng đè nặng thêm lên đôi vai anh trách nhiệm của một ngôi sao số 10. Trong lúc ấy, chẳng mấy ai biết cha anh ở nhà đang càng ngày càng yếu đi mà không cách nào chữa trị. Và nếu tất cả những sức ép tinh thần kia không đánh gục được anh thì những vết thương ở đầu gối, trong bắp chân sẽ ra tay khiến anh kiệt sức.

Những chấn thương lớn nhỏ đến liên tục đã ngăn cản Del Piero trở lại với những bước chạy thanh thoát ngày nào. Anh đóng góp cho đội bóng được rất ít. Nếu như mùa bóng năm trước, vừa trở lại sau chấn thương nặng, Del Piero dù không ghi nhiều bàn thắng thì anh cũng đã chuyền cho anh em xung quanh đến 14 quả thành bàn. Nhiều nhất Serie A 1999/2000. Thì nay, lặng lẽ hơn nhiều. Không có Del Piero sung sức, Juventus giờ đây sống tạm bằng không nhiều những bàn thắng của Filippo Inzaghi, David Trezeguet hay của hậu vệ Igor Tudor. Họ bây giờ vượt qua từng vòng nhờ đôi chân dữ dằn không mệt của Edgar Davids và những pha lên bóng của anh cùng với bộ đôi Zinedine Zidane – Filippo Inzaghi. Mà thật ra, khó giữ vững liên tục như thế nếu chính trong lòng đội bóng không có cái không khí vui vẻ. Sau khi đưa đội mình lên đến đỉnh cao nhất của Euro 2000, Zinédine Zidane dường như không còn nhiều ham muốn ở Italia nữa. Có lẽ Juventus và bóng đá Italia với khuôn khổ đang trói buộc không cho anh được tự do phô diễn kỹ thuật điệu nghệ hay không đủ tiền bạc để chạy đua trở thành số 1 thế giới như Real Madrid.

http://www.youtube.com/watch?v=AMvZYNCEKZw

Zidane húc đầu trong trận thua Amburgo SV 1-3 

 
Có điều gì như là sự cục cằn đang trỗi dậy trong con người anh. Hai trận liên tục ở vòng bảng Coppa dei Campioni, Zinédine Zidane đã lãnh hai thẻ đỏ khiến cho Juventus bị Deportivo cầm hòa 0-0 rồi bị Amburgo SV đánh bại 3-1 ngay trên sân Delle Alpi. Đó không phải là những thẻ đỏ đầu tiên Zidane nhận trong màu áo Juventus nhưng có điều đó đều là những pha cố ý đánh lộn không đáng có của một ngôi sao lớn. Anh đã đạp thẳng chân vào chỗ dưới bụng một cầu thủ Deportivo và ngay trận sau lại húc đầu vào mặt một cầu thủ Amburgo SV tên là Jochen Kientz (trận này Juve bị đuổi hai người, cả Edgar Davids nữa).
 
Việc làm cục cằn đó của Zinédine Zidane đã gây ra tác hại vô cùng. Người ta nói chỉ cần Zinédine Zidane đá với 60% phong độ thì đội bóng của anh vẫn thắng dễ dàng. Nhưng một khi anh chơi bậy bạ hoặc không có mặt thì lại là chuyện khác. Trận cuối cùng vòng bảng Coppa dei Campioni 2000/01, Juventus không Zinédine Zidane thua tiếp đội Hy Lạp Panathinaikos 1-3 vào ngày 8 tháng 11 năm 2000. Lúc này Trong đội hình của Panathinaikos có Paulo Sousa. Và chính anh là người ghi bàn đầu tiên cho đội bóng Atene từ một quả sút phạt xa đến gần 30m. Trong khi đó Juventus tiếp tục bị đuổi 2 người, lần này là giữ gôn Van der Sar và Darko Kovačević. Nhận thêm trận thua này nữa, Juventus tụt xuống cuối, bị loại ngay từ vòng bảng thứ nhất Coppa dei Campioni.

Có thể vấn đề không phải của riêng Zidane, không phải của riêng Del Piero hay Carlo Ancelotti nhưng họ chính là những gương mặt, những hình ảnh rõ nét nhất về Juventus những ngày này. Căng cứng, cộc cằn không lối thoát. Cuối năm 2000, Zinédine Zidane được Fifa chọn là cầu thủ hay nhất thế giới, đứng trên Rivaldo. Nhưng một giải thưởng sáng giá hơn vào thời kỳ đó, Quả bóng vàng Châu Âu do báo France Football trao giải thì đã thuộc về ngôi sao của Real Madrid là Luis Figo. Như chính Zinédine Zidane thừa nhận sau đó ít hôm, hai chiếc thẻ đỏ đã nói ở trên đã chặn đứng cơ hội giành giải Quả bóng vàng châu Âu lần thứ hai của anh. Các nhà báo đã bầu cho Luis Figo, người vừa chuyển đến Real Madrid từ Barcelona với cái giá kỷ lục thế  giới. Ấy là Luis Figo đã dám từ bỏ Barcelona để đến Real Madrid với ông chủ tịch mới Florentino Pérez và tham vọng xây dựng đội bóng thành một giải ngân hà Galácticos. Mỗi năm ông ta sẽ mua một siêu sao mới và biến Real Madrid thành một giàn sao lấp lánh như những năm 1950s. Đội bóng này cũng vừa được Fifa bầu là đội bóng hay nhất thế kỷ 20. Và những tin đồn về việc Zinédine Zidane sẽ trở thành một Galáctico mới lại nổi lên ồn ào khắp châu Âu dù anh có lên tiếng chối không có chuyện đó. Đối với những người bianconeri, việc Zinédine Zidane không giành được quả bóng vàng châu Âu của France Football không phải là điều đáng để ý vì giờ nó cũng không còn nhiều ý nghĩa. Nhưng sau này nhiều người hâm đã cho rằng anh đã cố tình đánh người, cố tình chơi bậy vì mong muốn được rời khỏi Torino. Đó mới là điều làm sứt mẻ tình cảm của họ đối với anh.
 
Vào giữa mùa giải Serie A 2000/01, quy định cũ về việc hạn chế cầu thủ nước ngoài được dỡ bỏ. Theo đó mỗi đội không còn bị hạn chế được đăng kí không quá 5 cầu thủ ngoài Eu trong cả mùa giải và dùng không quá 3 người trong mỗi trận đấu. Đây là tin vui cho những đội chuyên dựa vào nguồn cầu thủ nước ngoài. Tuy nhiên cùng với việc gỡ bỏ ràng buộc này thì FIGC đã đánh lại một đòn rất mạnh khác. Đó là những cuộc điều tra nhắm vào các cầu thủ Nam Mỹ và châu Phi bị nghi ngờ đã dùng giấy tờ giả để đội bóng của họ đăng ký làm người Eu. Tất cả đều bị nhận án phát vào tháng tháng 7 năm 2001 với thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, hầu hết những án phạt này sau đó đã được giảm xuống như một lệ làng ở calcio Italia. Ban đầu người ta sẽ rất nhanh chóng đưa ra những án phạt để tạm thời khép lại vụ việc, để không ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của các đội bóng hay lịch thi đấu của giải. Sau đó sẽ là quãng thời gian dài lê thê của những cuộc điều trần, kháng cáo rồi rút đơn, bãi nại và cuối cùng hầu như những tay liên quan sẽ được giảm án, trắng án hoặc vụ việc bị hủy bỏ vì đã hết thời gian truy xét cho một vụ dân sự thể thao thông thường.
 
Việc thay đổi quy định này của FIGC cũng không ảnh hưởng nhiều quá đến Juventus, vì thực ra họ đã có thừa thứ để lo lắng. Như việc đội bóng không thể chạy trơn tru, ít bùng nổ và chịu rất nhiều trận hòa không đáng có cả với đội nhỏ cũng như đội lớn. Phong độ của Juventus bí ẩn như vẻ ngoài cam chịu của Alessandro hay chuyện thật giả đằng sau vụ chuyển nhượng của Zinédine Zidane đến Real Madrid. Đội bóng này muốn mua ai thì họ sẽ la tướng lên cho cả thế giới biết trước. Nên người ta đồn đoán không phải là không có cớ. Sáng ngày 13 tháng 2 năm 2001, mọi người biết được rằng cha của Alsesandro là ông Gino Del Piero đã qua đời ở bệnh viện quê nhà, sau một thời gian dài chống chọi bệnh tật. Ngày hôm ấy, Carlo Ancelotti mới nói:«Vậy là bí mật đã được nói ra và tất cả mọi người đã biết bí mật của Alex, Cậu ấy đã phải kím nén đau khổ vào bên trong vì căn bệnh hiểm nghèo của cha mình. Cậu ấy đã không nói với ai ngoài tôi ra và tôi đã giữ im lặng cho cậu ấy. »

Bạn sẽ không thể nào cảm nhận được nỗi đau của Alex Del Piero nếu bạn còn trẻ và chưa có đủ trải nghiệm trong cuộc đời này. Trước khi có những bàn thắng đẹp như vẽ ở Serie A cùng những lời ngợi ca hay chiếc băng đội trưởng kiêu hãnh trên cánh tay, hay thậm chí là trước khi khoác lên mình chiếc áo bianconeri đen – trắng nổi tiếng, anh đơn giản là một cậu bé thường chơi bóng với cha mình. Trước khi anh được ông Gianni Agnelli gọi bằng cái tên trìu mến Pinturicchio thì ‘Ale của chúng ta’ đơn giản chỉ là con trai của Gino. Tình cảm ấy cũng như bao mỗi tình giữa cha và con trai, đơn giản mà lớn lao. Bây giờ những chấn thương dù có đau đớn thể xác đến đâu cũng không bằng. Thế giới của anh đã đảo lộn khi người đàn ông mà anh luôn hướng về mỗi lúc khó khăn đã ra đi. Đến đây mọi lời ca thán về phong độ của Alessando Del Piero chấm dứt. Những tifosi đã huýt sáo la ó anh từ trên khán đài có lẽ sẽ cảm thấy có lỗi với anh. Họ sẽ càng thấy thương anh hơn và bất ngờ khi chỉ 4 ngày say tang lễ, họ nhìn thấy anh đã ngồi trên băng ghế dự bị trong trận đá trên sân khách của Bari ở mãi miền nam Italia. Hôm đó là chiều ngày 18 tháng 2 năm 2001. Carlo Ancelotti đã quyết định vẫn đưa anh theo đến Bari và để anh trên băng ghế dự bị cho cặp tiền đạo là Filippo Inzaghi và Darko Kovacevic. Nếu như Juventus thắng sớm thì Alex có thể vẫn được nghỉ ngơi nhưng sau hơn 60 phút, vẫn chưa có bàn nào. Nhiều cú sút đã bị hai giữ gôn hai đội Francois Gillet và Van der Sar xuất sắc phá mất. Và Carlo Ancelotti đã phải gọi đến Alessandro thay cho Darko Kovacevic với như là hi vọng cuối cùng.

http://www.youtube.com/watch?v=mZiH3aYE328


(http://torino.repubblica.it/images/2011/05/05/153714150-0062b36f-8b5c-448f-bd7c-153224ea3095.jpg)

Alex trong phút giây đốt cháy muộn phiền @La Press

Những phút đầu tiên sau khi vào sân Alessandro vẫn như người mất hồn, cú chạm chân và chuyền bóng đầu tiên đã hỏng rồi cú sút đầu tiên cũng rất tệ. Nhưng vài phút ít ỏi còn lại của trận đấu, mọi thứ đã thay đổi. Phút thứ 80, phóng bật đến chân Alessandro từ giữa sân của Bari. Anh đã dẫn một mạch đến gôn đội bạn, dứt khoát lừa qua một hậu vệ bằng chân phải rồi tâng nhẹ quả bóng bằng chân trái qua tầm tay bắt gôn Francois Gillet và những hậu vệ khác chưa về kịp. Cứ như bạn đang nhìn thấy lại hình ảnh Alessandro Del Piel Pieo từ ba năm trước, lúc anh đang được ngợi ca là il fenomeno vero đầy sức quyết rũ. Bao nhiêu nỗi muộn phiền trong anh dường như bùng lên cháy hết, tuôn trào ra ngoài sau khoảnh khắc ấy. Anh chạy nhưng bay về phía đội mình, quật ngã Alessandro Birindelli, đá tung biển quảng cáo trong khi miệng gào thét điên loạn và cuối cùng đổ vào vòng tay Gianluca Pessotto với Alessio Tacchinardi. Từ giây phút ấy, Alessandro Del Piero đã trở lại, từ giây phút ấy il fenomeno và cũng đã lớn lên thành một người mới.

--
Bài viết có mượn nhiều ý trong một blog của Adam Digby viết năm 2011


: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr September 16, 2016, 02:06 PM
http://www.youtube.com/watch?v=JblNE3m6GqY
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr September 16, 2016, 05:06 PM
Ngọn lửa trong người gã Ceca

Vào năm 2003, khi được hỏi về chuyện buồn và bàn thắng ấy, Del Piero nói : « Đúng là chuyện cha tôi qua đời đã ảnh hưởng lớn đến tôi lúc đó và ngay cả bây giờ, nhưng nó cũng giúp tôi trở lại hoàn toàn với bóng đá. Tôi nghĩ rằng mình đã trưởng thành lên, trải qua những lúc như thế đã mở mắt cho tôi. » Đúng, Alessandro đã trút bỏ được bao nỗi buồn phiền và trở lại khỏe khoắn hơn. Điều đó giúp cho Juve có một chuỗi 8 trận thắng trong 9 trận từ giữa tháng một đến giữa tháng ba năm 2001.
 
Đã có lúc tưởng như đội quân của Carlo Ancelotti sẽ sắp bắt kịp AS Roma của Fabio Capello nhưng điều đó đã không xảy ra. Trong khi AS Roma vẫn duy trì sự ổn định cần có thì mạch trận thắng của Juve bị chặn đứng bởi đội đang giữ cúp và cũng đang tạm đứng thứ ba là SS Lazio vào ngày 18 tháng 3 năm 2001 trên sân Olimpico. Lúc này, huấn luyện viên trưởng của SS Lazio không còn là Sven-Göran Eriksson nữa mà lại chính là Dino Zoff. Sven-Göran Eriksson sau một nửa mùa không được như ý đã cùng với cô bồ trẻ chuồn khỏi thủ đô Roma để đến với một đội bóng có tiếng thơm hơn nhiều, là đội tuyển quốc gia Anh và trở thành huấn luyện viên trưởng người nước ngoài đầu tiên của đội bóng này. Vị trí của ông để lại cho Dino Zoff, 6 tháng sau khi Dino Zoff cùng với Alessandro để tuột chiếc cúp vô địch châu Âu trên đất Hà Lan. Bây giờ Dino Zoff cũng đang đưa được giàn ngôi sao của SS Lazio lấy lại được sức mạnh và niềm tin thắng lợi. Họ cũng đã có một loạt 8 trận thắng trong 9 trận y như Juve và cuộc gặp này cuối cùng đã chôn vùi hi vọng Scudetto của Carlo Ancelotti và các cầu thủ của ông ấy. SS Lazio mạnh mẽ trở về và vùi dập Juventus cũng vừa mới tỉnh lại sau quãng thời gian dài chếnh choáng.

http://www.youtube.com/watch?v=9agbiG5uSaM

Hernan Crespo, Juan Veron, Dino Baggio, Karel Poborsky, Pavel Nedved, Alessando Nesta, Giuseppe Pancaro, Paolo Negro, Diego Semeone, Francesco Colonese và Angelo Peruzzi, thêm cả Dejan Stankovic và Lucas Castromán. Bạn cần phải nhớ những cái tên đó vì họ là những cái tên Lazio ngày hôm đó đã chặt đứt hi vọng của những người bianconeri bằng chiến thắng 4-1 mà nổi bật nhất chính là gã người Ceca Pavel Nedved. Trong lúc mà Zinédine Zidane bị khóa chặt, Del Piero bị ép rất sát thì bên phía Lazio, Alessandro Nesta đã lao cả hai chân phá được bóng qua vạch vôi khung thành của Angelo Peruzzi. Còn ở phía trên, gã người Ceca kia đã cùng với Karel Porbosky, Juan Veron và Hernan Crespo liên tục đe dọa hàng hậu vệ bianconeri. Cùng với những đồng đội của mình gã khuấy đảo Juventus. Gã ghi bàn mở tỉ số, khiến Edgar Davids lãnh thẻ vàng mà sau đó sẽ thành thẻ đỏ, rồi lại tổ chức một đường bóng đâm thẳng vào hàng hậu bianconeri trước khi sút vào 3-1. Trong người gã Ceca kia có thứ gì ngọn lửa rừng rực cháy khi mà Zinédine Zidane lại đang dần dần tắt. Ở trên khán đài, cả bộ ba Antonio Giraudo – Roberto Bettega – Luciano Moggi đều nhìn thấy hết. Họ cần phải làm cái gì đó. Và thật may, họ đã có một kế hoạch khôn như loài rắn..

(http://media.gettyimages.com/photos/mar-2001-crespo-and-nedved-of-lazio-in-action-during-the-serie-a-23rd-picture-id982726)

Hernan Crespo và tay người Ceca sau khi đốt cháy Juve @gettyimages


Trận đấu chỉ kết thúc thúc sau khi Hernan Crespo khiến Van Der Sar phải vào lưới gom bóng một lần nữa và trọng tài đầu trọc Pierluigi Collina rút thêm một thẻ đỏ cho Juventus. Lần này ông đuổi David Trezeguet. Đây là lần bị đuổi ra khỏi sân đầu tiên và cũng là duy nhất trong suốt những năm tháng anh ở Torino. Đến cả anh tiền đạo hiền lành này cũng nổi cáu và đá người thì có thể hiểu rằng cả đội Juventus đã có những rắc rối không chỉ ở đôi chân mà còn ở cái đầu, ở trong con tim. Mùa bóng của Juventus dần đi qua và nó được nhớ bởi những nhiều chiếc thẻ đỏ như thế.

Quay trở về sân nhà Delle Alpi mười ngày sau đó, họ lại bị Brescia của huấn luyện viên già Carlo Mazzone cầm chân 1-1 mà điều người ta nhớ nhất trong trận đấu ấy không phải thuộc về Juventus mà thuộc về Brescia. Andrea Pirlo 21 tuổi, lúc đó mới được Inter Milan cho mượn lại, đã có một quả chuyền từ giữa sân. Bóng đi dài 40m vượt qua đầu tất cả cầu thủ hai đội đến chân Roberto Baggio lúc này cũng vừa chạy lên kịp giáp mặt với Van der Var. Một cái đỡ bóng nhẹ nhàng, thêm một nhịp nữa để bóng vượt qua tầm tay thủ môn và Roberto Baggio ghi bàn gỡ hòa 1-1 khi đã phút thứ 86. Một bàn thắng đẹp không tì vết.

http://www.youtube.com/watch?v=JblNE3m6GqY


Roberto Baggio và Andrea Pirlo đã làm nên một trong những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của Calcio Serie A và cũng bắt đầu một chuỗi trận đấu đáng nhớ nhất trong lịch sử của bóng bé nhỏ Brescia. Trước khi gặp Juventus, Brescia đã thua 3 trận liền và sắp bị xuống hạng đến nơi. Nhưng sau Juventus là 11 trận còn lại của mùa giải Brescia không thua một lần nào nữa, thắng đến 6 trong số đó và cuối cùng vươn lên thứ 8. Truyền cảm hứng vô biên để Brescia đi lên như thế hẳn là anh, Roberto Baggio, người đã có chuỗi ghi 8 bàn liên tục trong 6 trận. Hẳn là huấn luyện viên già đáng kính Carlo Mazzone. Và cũng không thể không nhắc đến Hậu vệ trẻ Daniel Bonera, anh em nhà Fillipini hay cả gã trung vệ chết bầm trong mắt những người bianconeri, là Alessandro Calori mới đến từ Perugia nữa.
                     
Còn với riêng Andrea, ông Carlo Mazzone bảo, hôm đó là ngày một Pirlo regista ra đời.

 
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr October 07, 2016, 03:47 PM
Mình có ý định viết cái của khỉ vớ vẩn này năm 2006. Năm 2009 mới làm tới. Đến năm 2010 mới tìm được kha khá tài liệu và bắt tay viết. Năm 2011 mới post bài đầu tiên.

Có nhiều dự định nhưng cũng rất nhiều ngày tháng đã trôi qua. Bây giờ sắp hết 2016 vẫn chưa xong phần chính. Bao nhiêu lần bị mất dữ liệu, phải tạm dừng vì hỏng máy tính, mất laptop hay đổ bệnh :m1809: Chả khác méo gì nhà văn viết tiểu thuyết.   :fight:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr October 11, 2016, 05:20 PM
Theo con mắt tinh đời của ông, Andrea Pirlo không có được bước chạy nhanh và sức khỏe hơn người nhưng lại có cái khoan thai, đôi chân thông minh và và những đường chuyền xa chia bóng đến những chỗ không ngờ. Những đường chuyền chết chóc. Anh không thể chơi ở chỗ của một số 10 như Roberto Baggio hay Zinédine Zidane, điều mà hai ông huấn luyện viên Luigi Simoni và Mircea Lucescu đã làm ở Inter Milan từ mùa giải 1998/99 và đều không thu được gì. Anh cần phải được che chắn khỏi những cuộc đánh đấm của bọn vai u thịt bắp. Từ đó Carlo Mazzone đã có một ý tưởng. Ông kéo anh lùi sâu xuống phía dưới hàng tiền vệ. Giống như người ta thả con cá về với hồ nước mát. Con cá cảm thấy dễ chịu còn Andrea Pirlo đã không bị hủy hoại cả một đời đá bóng.

Ý tưởng của ông Carlo Mazzone làm nên một ngã rẽ trong cuộc đời đá bóng của Andrea Pirlo. Nó góp phần đưa anh trở thành một trong những câu chuyện đẹp nhất của Calcio Serie A. Nó cũng đánh động AC Milan và đội bóng này đã nhanh chóng đánh hơi thấy một viên ngọc sáng mà vào tay Inter Milan thì chỉ là cục đá vôi. Họ, AC Milan, chính là đội bóng hưởng lợi nhất từ ngã rẽ này của Andea Pirlo khi mua được anh trong ngày cuối cùng của kỳ mua bán mùa hè năm 2001 để trong mười năm tiếp theo anh đã đưa họ lên những đỉnh cao vinh quang. Rồi cả Juventus cũng là đội bóng được hưởng lợi sau khi AC Milan tưởng rằng viên ngọc ấy đã hết phép màu mà buông bỏ. Đó là một câu chuyện rất dài.

Sau khi hòa này, Juventus đã bị AS Roma bỏ xa 9 điểm. Coi như không còn nhiều cơ hội cho họ nữa vì đối thủ đã đi trước quá xa. Phần còn lại của mùa giải, đội áo màu bã trầu có   lúc chậm lại một chút xíu nhưng để bắt kịp họ là điều khó. Từ khi thua Lazio và hòa Brescia, Juventus cũng có loạt 11 trận cuối cùng không thua (thắng 7 hòa 4). Gần như Brescia vậy, nhưng Juventus không phải là Brescia và chừng đó cũng không đủ để bắt được Roma. Như ở vòng 29, Juventus tiếp đón AS Roma ở Delle Alpi khi chỉ còn cách nhau 6 điểm. Có trận thắng này họ sẽ kéo cuộc đua trở lại không khí nóng bỏng, đuổi Roma vào chỗ bờ vực. Đã có những phút đội bianconeri của Carlo Ancelotti làm được điều ấy trước nỗi vui mừng của hơn 60 nghìn tifosi ngồi chật cứng các khán đài. Đã có lúc họ khiến cho khuôn mặt xạm đen kiêu ngạo của Fabio Capello trở nên đăm chiêu.

Ngay sau tiếng còi bắt đầu của trọng tài Stefano Braschi vang lên, các cầu thủ Juventus đã nhanh chóng lao vào trận đấu. Mới phút thứ tư, Edgar Davis, Zinédine Zidane và Del Piero đã cùng nhau tạo nên một bàn thắng đẹp. Edgar Davids đẩy một đường bóng từ vòng tròn giữa sân cho Zinédine Zidane cầm bóng chạy xộc thẳng vào khu 16m50 của Roma trước khi chuyền một quả bóng bổng cho Del Piero vẩy cái đầu đưa gọn vào khung thành của Francesco Antonioli. Đó là một bàn thắng thường thấy ở Juventus trong mùa giải ấy. Bóng bắt đầu đi từ chân của Edgar Davids, qua chân Zinédine Zidane nó trở nên nguy hiểm khó lường và người kết thúc thường là Filippo Inzaghi hoặc là Del Piero.

(http://nst.sky.it/immagini/sport/calcio_italiano/2013/12/30/original/zidane_gol_juve_roma_2001_getty.jpg)

Zinédine Zidane và đồng đội đã ăn mưng rất sớm

Chỉ hơn một phút sau đó, vẫn từ một đường đưa bóng lên từ giữa sân của Edgar Davids. Lần này anh chuyền cho Filippo Inzaghi đẩy bóng ra để Zinédine Zidane lao lên vòng cung 16m50 đá một quả trời giáng với tốc độ 116km/h như là Michel Platini sút penalty. 2-0 cho Juventus khi mà người Roma hình như còn chưa kịp nhớ được hết các vị trí trên sân. Thật lạ, quân của Fabio Capello sắt đá là thế mà bị thua hai lần liền theo cùng một cách. Hàng tiền vệ AS Roma thiếu vắng Émerson đã mở toang cánh cửa dẫn đến vòng cung 16m50 nên đã họ đã phải trả giá quá sớm. Kể từ đây Juventus giăng thế trận bủa vây làm cho Roma mất đường nét. Vua sư tử Gabriel Batistuta bị cặp trung vệ Mark Iuliano - Paolo Montero xích lại. Hoàng tử Francesco Totti cũng bị Edgar Davis – Gianluca Zambrotta, Alessio Tacchinardi và Igor Tudor thay phiên nhau trói chặt. Cho nên đến sáu mươi phút người Roma không hề tung được ra một cú sút nào làm khó Edwin van der Sar.

Cứ như thế thì trận đấu sẽ kết thúc với tỉ số 2-0 và Roma sẽ chẳng sút được một quả nào ra hồn về phía khung thành Juventus. Cứ như thế, Carlo Ancelotti sẽ thắng Fabio Capello và làm sống lại cuộc đua scudetto. Nhưng Fabio Capello còn những lá bài giấu trong tay áo mà Carlo Ancelotti không biết hoặc hơi xem thường. Ngay đầu hiệp thứ hai, ông ta đã tung tiền đạo Vincenzo Montella vào sân thay cho Marco Delvecchio. Chưa cải thiện được nhiều thế trận, ông đã quyết định rút tiếp Francesco Totti ra ngoài. Fabio Capello không biết đùa và bạn phải thấy ông ta là người sắt đá thế nào khi quyết định rút đội trưởng Francesco Totti ra ngoài ngay từ phút thứ 60 trong một trận đấu sống còn như thế này. Ban đầu Francesco Totti có thế bực tức trong lòng nhưng những gì mà anh ta nhìn thấy sau đó chỉ khiến anh ta không còn để bụng. Gã người Nhật Hidetoshi Nakata được vào thay đã làm cho phía Juventus không để ý. Bời vì gã không còn giữ bóng như Totti nữa mà luôn chuyển đi ngay. Cũng không nhiều người nhớ rằng gã đã sút tung khung gỗ của Angelo Peruzzi đến hai lần khi gặp Juventus hơn ba năm trước trong màu áo AC Perugia. Và đáng ra, Fabio Capello đã không thể đưa gã vào sân nếu như hồi giữa mùa giải, Lega Calcio không gỡ bỏ hạn chế dùng người nước ngoài như đã kể ở trên. Vì lúc ấy trên sân Roma đã có Walter Samuel, Aldair và Cafu là người ngoài châu Âu.
.
(http://www.dagospia.com/img/foto/06-2015/nakata-juve-roma-2-2-2001-680624.jpg)

Nhưng Hidetoshi Nakata cũng có thể có  những cú đá hơn 110 km/h

(http://www.laroma24.it/wp-content/uploads/2016/05/BIG-2001-05-06-Juventus-Roma-2-2-gol-2-2-Montella-al-voloSportal.jpg)

(http://www.corrieregiallorosso.com/wp-content/uploads/2014/10/as-roma-montella-juventus.jpg)

Và Montella giúp Roma ăn mừng gỡ hòa
         
Chưa đến 10 phút sau, tên người Nhật lạnh lung này đã cướp được bóng từ giữa sân, đi thêm vài nhịp nữa rồi tung ra cú sút xa hơn 25m vào góc khung thành Juventus. Van der Sar không tài nào với được bóng. Hóa ra gã cũng có thể sút một quả bóng đi hơn 110km/h như Zinédine Zidane. Kể từ phút đó, Juventus rơi vào thế bị động và bị dồn ép. Carlo Ancelotti đã phải lần lượt thay quân đuối sức và bị thương ra nhưng không có nước đi nào giải bài toán Hidetoshi Nakata. Đến phút bù giờ đầu tiên, gã lại được thoải mái sút một quả trời giáng từ ngoài vòng cấm mà không có ai ngăn cản. Lần này thì giữ gôn đẩy được bóng ra nhưng Vincenzo Montella đã ập vào ngay lập tức. Cuối cùng những người Roma đã san bằng tỉ số và vui đến phát điên vì trận hòa này với họ còn hơn cả chiến thắng. Khoảng cách 6 điểm được giữ nguyên. Scudetto họ đã ở rất gần. Còn với Van der Sar và Carlo Ancelotti thì có lẽ cay đắng lắm. Chỉ có hai lần Van der Sar an der Sar phải làm việc trong trận đấu này và đó là hai lần vào trong lưới để nhặt bóng ra. Van der Sar và Carlo Ancelotti từ lâu đã sống trong những mối nghi ngờ, những lời ta thán của tifosi đội nhà. Sau mỗi trận thua lại càng thêm bực bội. Van der Sar cuối cùng với nhiều người chỉ là một sai lầm vì Juventus đã để Angelo Peruzzi ra đi. Carlo Ancelotti với nhiều người cuối cùng vẫn là một ông béo không biết làm huấn luyện viên. Đó là một điều đáng buồn và đáng tiếc cho cả Van der Sar lẫn Juventus. Vì thực sự họ không phải là những người kém tài năng.

http://www.youtube.com/watch?v=aw1jAs2tU1U

Hơn một tuần sau trận hòa mà như thua AS Roma, những người bianconeri nhận thêm một tin không vui khác. Ngày 16 tháng 5 năm 2001, Ủy ban Olympic Italia thông báo mẫu thử nước tiểu lần thứ 2 của Edgar Davids vẫn cho kết quả dương (+) đối với nandrolone, 2.7 nanograms/ml so với chỉ số cho phép 2.0 nanograms/ml. Đây là một loại tiền chất có thể làm tăng khả năng lưu thông oxy trong máu. Mẫu nước tiểu của Edgar Davids được lấy sau trận thua Udinese hôm 4 tháng 3 năm 2001.  Mẫu thử đầu tiên đã cho kết quả (+) 2.6nanogram/ml hôm 21 tháng 4 nhưng Edgar Davids hoàn toàn phủ nhận. Anh nói mình luôn để ý xem mình đưa gì vào miệng, không động một ly rượu, không một thanh cioccolato, thậm chí tiêm phòng cúm còn ngại. Và phải nhớ rằng từ khi đến Juventus năm 1997, Edgar Davids đã trải qua 14 lần thử nước tiểu không hề hấn gì. Nhưng dù Edgar Davids có nói gì thì cũng không thay đổi được. Kết quả được chuyển sang ban phòng chống doping của FIGC và anh bị cấm ra sân ngay trong khi chờ đợi án phạt chính thức có thể kéo dài đến 2 năm.

Có một điều là những người dính với nandrolone đông như kiến. Edgar Davids không phải là người duy nhất dương tính với nandrolone trong khoảng thời gian đó. Anh là người thứ 9 tính từ tháng 3 năm 2000. Trước đó đã có Bucchi và Monaco (Perugia), Gillet (Bari), Da Rold (Pescara), Caccia và Sacchetti (Piacenza), Couto (Lazio), Torrisi (Parma) và tầm 30 người nữa chỉ dưới ngưỡng cho phép một tí: scandalo. Tất cả đều do phòng thí nghiệm l'Acquacetosa lấy mẫu và xét nghiệm. Nếu bạn không nhớ, l'AcquaAcetosa chính là phòng thí ngiệm của CONI đã bị thẩm phán Raffaele Guariniello điều tra hồi năm 1998 dẫn đến việc cả giám đốc phòng thí nghiệm Emilio Gasbarrone lẫn chủ tịch CONI Mario Pescante mất chức. l’AcquaAcetosa bị IOC thu giấy phép và chỉ được cấp lại hơn một năm sau đó, tháng 10 năm 1999. Tháng 3 năm 2000, thẩm phán Raffaele Guariniello cho phép l’AcquaAcetosa mở cửa trở lại và bắt đầu câu chuyện về nandrolone. Chính ông cũng trực tiếp điều tra nghi ngờ các đội bóng cho cầu thure dùng doping lần thứ hai trong vòng mấy năm.

Edgar Davids cũng không phải người Hà Lan duy nhất dính vào thứ này thời gian đó. Tháng 4 năm 2001, trung vệ Frank De Boer của Barcelona cũng bị Uefa thông báo chỉ số nandrolone của anh thử sau trận tứ kết Uefa Cup với Celta Vigo lên đến 8.6 nanograms/ml. Tháng 11 năm 2001, đến lượt trung vệ Jaap Stam bị đo được 5.5 nanograms/ml sau trận đá với Atalanta hôm 13 tháng 10. Đối với đội tuyển Hà Lan, cả De Boer – Davids – Stam cùng bị treo giò đúng là thảm họa khi Cúp thế giới 2002 đang đến gần. Một tuần sau đó, CONI tiếp tục thông báo ngôi sao Pep Guardiola của Brescia cũng dương tính và ngay lập tức bị cấm thi đấu. Kẻ từ đó sự nghiệp lẫy lừng của Pep Guardiola dẫn trôi đi lặng lẽ. Rối bung lên hết.

Tất cả các cầu thủ dính đến nandrolone trong thời gian này đều bị cấm thi đấu nhiều tháng, mỗi người khác nhau, có người bốn tháng và có người hơn một năm. Dù nhiều người khăng khăng rằng mình chưa bao giờ động tay vào thứ gì chứa chất cấm kia nhưng án phạt đã đưa ra không thể tránh khỏi. Chỉ có thể giảm xuống thôi, sau cùng tất cả đều bị cấm 4 tháng giống nhau và thực ra người ta cũng không biết ai đã cho các cầu thủ dùng cái gì có chứa nandrolone. Liệu có điều gì mờ ám ở Lazio, Barcelona và Juventus hay không, không ai biết. Có người lại cho rằng nandrolone mà l’AcquaAcetosa đo được kia đến từ thứ thuốc tăng sinh lực chăn gối của đàn ông mà các cầu thủ thanh niên thường khoái dùng. Cái này cũng chẳng có ma nào nói là vâng tôi có dùng, em có dùng cả...

Năm trận đấu cuối cùng, Juventus thắng cả nhưng cũng không đủ để qua bắt kịp AS Roma. Đội bóng này hòa thêm hai trận với Milan và Napoli nhưng điều đó không ngăn cản họ giành được scudetto. Có khi hai trận hòa thêm này còn là gia vị giúp cho bữa tiệc ăn mừng ở vòng cuối cùng thêm đậm đà. Trận thắng AC Parma 3-1 đầy cảm xúc trên sân Olimpico mang scudetto đến cho đội bóng màu áo bã trầu sau mười tám năm chờ đợi. Năm trận thắng liền của Juventus không còn nhiều ý nghĩa bởi vì thực ra cơ hội cuối cùng đã trôi qua khi họ để cho cái tay người nhật Hidetoshi Nakata sút hai quả búa bổ kia rồi.

Điểm sáng lớn nhất người ta nhìn thấy ở Juventus lúc này có thể chính là anh chàng có điệu cười hiền David Trezeguet. Anh đã ghi bàn trong cả năm trận cuối cùng này, tổng cộng đến 7 bàn. Trong khi mà Filippo Inzaghi ông vua chạy lố đã không còn sung mãn, lần đầu tiên ghi được dưới 20 bàn trong 4 mùa giải khoác áo bianconeri thì David Trezeguet đã nổi lên thành ngôi sao phá gôn mới mà người Juventus đặt niềm tin.


: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr October 16, 2016, 11:59 AM
Bọn tôi nói thật đấy..


Năm thứ bốn khoác áo Juventus, Filippo chỉ có được 16 bàn thắng ở tất cả các giải. Dù vẫn là người ghi bàn nhiều nhất trong đội ba năm lien tiếp nhưng những vòng cuối anh đã dần đuối sức và mất chỗ vào chân David Trezeguet. Đó là một phần lý do để ban lãnh đạo Juventus bán anh sang AC Milan vào mùa hè với giá 70 tỉ lire, hay tính là 45 tỉ lire cộng với hậu vệ Cristian Zeroni. Cristian Zeroni cũng chính là một tài năng mới nổi lên từ lò luyện quân Atalanta, đội cũ của Filippo Inzaghi. AC Milan vừa mua được Cristian Zeroni từ Atalanta (vốn cũng không dùng mà mùa vừa rồi cho Pistoiese mượn) liền gán ngay cho Juventus.
   
Vụ mua bán loanh quanh này có lợi cho tất cả các bên. Atalanta bán được cả Cristian Zeroni và Massimo Donati cho AC Milan và kiếm được 60 tỉ lire. AC Milan tìm được một ngôi sao phá gôn mới để đá cặp với Andriy Shevchenko thay cho Oliver Bierhoff đã luống tuổi. Còn Juventus bỏ túi 45 tỉ lire cộng với hậu vệ trẻ vừa được gọi vào đội tuyển quốc gia, tương lai hứa hẹn. Nhưng mà chuyện David Trezeguet nổi lên đẩy Filippo Inzaghi sang AC Milan chỉ là phần ngoài sáng mà bạn có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra sôi sục trong lòng đội bóng bianconeri.

Những người Juventus, họ có phương châm mà như ông Giampiero Boniperti nói là “Vincere non è importante. E' l'unica cosa che conta » (chiến thắng không phải là điều quan trọng. Đó là điều duy nhất ta tính đến). Có nghĩa là những người Juventus không coi chiến thắng là điều gì quá nặng nề, nhưng điều duy nhất mà họ phải nghĩ tới, phải tính toán trước mỗi trận đấu, mỗi mùa giải, là chiến thắng. Không có chỗ cho suy nghĩ về thứ hai. Đứng thứ hai cũng có nghĩa là người đầu tiên thua cuộc, theo cách nhìn của những người bianconeri.

Có thể nói rằng Carlo Ancelotti ở Juventus thật thiếu may mắn, nhưng ông ấy sẽ không có cơ hội sửa sai nếu thua cuộc. Thời gian của ông ở Juventus đã sắp hết, thế mà chính bản thân Carlo Ancelotti lại không biết điều đó vì sự kín kẽ của bộ ba Luciano Moggi – Roberto Bettega và Antonio Giraudo. Ngay cả khi mấy tay chuyên săn tin ở địa phương nói chỉ cho ông ta xem những graffiti dè bỉu ông viết đầy trên tường gần văn phòng của đội ở Piazza Crimea mấy tháng trước và nói, «nhìn này Caletto, ông sẽ ra đi vào mùa hè ». Nhưng Carlo Ancelotti vừa được bộ ba gia hạn thêm 2 năm hợp đồng mới kia mà. Carlo Ancelotti không tin, ông bảo gã chuyên đi nghe lỏm rằng « đừng có đùa thế chứ, vì Chúa ». Nhưng bọn nghe lỏm kia quả quyết rằng « Bọn tôi nói thật đấy, ông chỉ là một cái xác chết biết đi. »

Carlo Ancelotti đã hơi ngây thơ khi không tin những gì bọn săn tin ma xó kia nói.  Giữa giờ nghỉ của trận đấu cuối cùng của mùa giải với Atalanta trên sân nhà Delle Alpi ngày 17 tháng 6 năm 2001, Juventus ra tin báo đã cho Carlo Ancelotti thôi việc. Đó là lúc cả Juventus và AS Roma đang vượt lên dẫn trước Atalanta và Parma, dĩ nhiên là cơ hội đoạt scudetto của Juventus vẫn chưa tắt hẳn. Giới mộ điệu Italia lúc đó hơi bị rung động, nhưng với Carlo Ancelotti không còn bất ngờ nữa.
 
Sau trận đấu, Carletto nói với mấy tay nhà báo biết rằng thật ra Juventus đã báo với ông rằng ông ta sẽ bị sa thải từ hôm 27 tháng 5, tức là khi mùa giải còn 2 vòng nữa mới hết. Mười một trận cuối cùng không thua liên tục, năm trận cuối cùng thắng liên tục, tất cả đều không có nghĩa lý gì hết. Juventus mới gia hạn hợp đồng thêm 2 năm, cũng không thay đổi được điều gì. Họ đã có những nước đi mà Carlo Ancelotti có lẽ đã hơi ngây thơ không biết trước. Chỉ vài hôm sau Juventu cho biết Marcello Lippi đã trở lại, nhanh như chính lúc họ cho biết Carlo Ancelotti sẽ thay gã bạc đầu hơn hai năm trước.
 
Giờ thì Carlo Ancelotti đã biết hội ma xó kia nói đúng. Ông bị mất việc vào mùa hè. Nhưng có vẻ như Carlo Ancelotti đã cảm thấy thoải mái hơn khi được rời khỏi thành phố Torino. Hồi tháng 2 năm 1999, Carlo Ancelotti đã nhận lời đến Juventus thay gã bạc đầu trong khi không được nhiều tifosi chào đón. Ngay cả Carlo Ancelotti cũng thấy mình bối rối. Cái đầu ông bảo hãy nhận lời đi, tại sao không chứ? Thời bấy giờ đang là lúc ngành công nghiệp đang làm ăn tốt và Carletto thì chưa đến 40. Juventus dù bết bát vẫn đang là đội giữ hình khiên scudetto thêu trên ngực áo. Họ đã vào chung kết Coppa dei Campioni ba lần liền trong ba năm trước và lúc đó cũng đã vào đến tứ kết rồi. Bianconeri lại đang có số mười hạng nhất thế giới Zinédine Zidane.

Carletto đã nghe theo chỉ dẫn khối óc, cho dù, con tim của ông ấy chưa bao giờ dành cho Quý bà sự nồng ấm. Nó nguội lạnh. Đó là rắc rối. Trong cuốn tự truyện của mình có tên là Preferisco la Coppa (tôi thích đấu cúp hơn), Carlo Ancelotti đã thẳng thắn nói về tình cảm của mình với Quý bà. « Tôi có một điểm yếu, khi tôi dẫn dắt một đội bóng nào đó thì tôi sẽ là người hâm mộ số một của họ. Nhưng trong trường hợp này thì không như thế. Tôi chưa bao giờ yêu Juventus và có lẽ sẽ không bao giờ. »

(http://www.radiocalcio.com/wp-content/uploads/2015/01/8.jpg)

Anh trai quê giữa những nhà buôn @Ansa

« Chúng tôi khác nhau mọi đường. Tôi là một anh trai quê. Họ là những nhà buôn trong bộ đồ com lê và cà vạt. Một cái đồng hồ hạng xoàng giữa ba chiếc Rolex. Nhôm nhựa lẫn giữa vàng ròng.» Carlo Ancelotti không phải là một trong số họ. Ông biết như thế và họ cũng biết như thế. Tuy nhiên không phải vì không yêu mà trở thành ghét. Như Carletto nói « tôi luôn đề cao họ từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng. » Và rõ ràng là bạn có thể thấy Carlo Ancelotti chưa từng nói hay làm điều gì xấu đến đội bóng của mình. Ở đó ông đã được tạo điều kiện nhiều nhất có thể và nhận ra rằng vì sao Juventus lại thành công như thế. Không giống như những đội bóng sau này trong đời ông, ở Juventus ông được thoải mái yên tâm làm việc. Không có can thiệp hay chê trách nào từ cấp trên. Ông ấy có thể làm công việc huấn luyện theo những gì mình nghĩ và quyết định những gì mình muốn.
 
Mối lương duyên giữa Juventus và Carlo Ancelotti ngẫm ra không khác một cuộc kết đôi gượng ép mà không có tình yêu ban đầu. Sau mấy mùa trăng thử thách, nó vẫn không nảy mầm thì càng kéo dài mối lương duyên ấy càng gây muộn phiền cho những người trong cuộc. Chia tay có khi là một sự giải thoát cần thiết. Carlo Ancelotti vẫn có thể đưa Juventus tới những đỉnh cao chói sáng như tình yêu nở hoa. Nhưng không biết đến bao giờ trong khi năm tháng trôi qua không chờ đợi. Sự kiên nhẫn của những người bianconeri cũng có một giới hạn nào đó và những trận đấu như thua Manchester United, thua AC Perugia hay hòa AS Roma rất khó để nuốt trôi.
   
Đến với Juventus theo lời chỉ dẫn của khối óc và ra đi cũng không tiếc. Nhưng có điều mà Carlo Ancelotti luôn băn khoăn không lý giải nổi là vì cớ gì mà Juventus lại gia hạn hợp đồng thêm 2 năm với mình ? Có phải họ muốn làm thế để dẹp bỏ mọi rào cản có thể làm vướng bận ông trong cuộc đua scudetto lúc đó. Hay là do đội bóng cũ của ông là AC Milan đang nhòm ngó mà Juventus đã có một bước đi chiến thuật như thể ‘chúng ta không còn cần anh ta nữa nhưng các người cũng không thể có được hắn’. Hoặc họ đánh trận giả cứ như thể Carlo Ancelotti sẽ ở lại lâu dài để dụ hai học trò cũ thân thiết của ông ở Parma là Gianluigi Buffon và Lilian Thuram. Có khi Carletto sẽ không bao giờ biết câu chuyện thật đằng sau nước cờ ấy của Juventus.

Ngài chủ tịch Umberto Agnelli nói rằng “lý do mà Ancelotti nghỉ là vì thật khó để làm việc ở một thành phố mà một phần lớn tifosi và báo chí chống lại bạn.» Hơn hai năm trước ông nói «tốt lắm, cứ tiếp tục như thế nhé» khi Carletto gọi điện cho ông để báo kết quả trận đấu đầu tiên của mình. Có thể, bộ ba đã quyết định gia hạn hợp đồng với Carletto nhưng đã tạo ra những tranh cãi rắc rối trong lòng đội bóng và sau cùng ông Umberto Agnelli phải chấm dứt việc đó. Chúng tôi cũng không biết được.


: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr October 25, 2016, 03:31 PM
Người xuống đường với chùm chìa khóa trong tay


Lucky Luciano với hai ông bạn già của mình luôn làm việc kín kẽ và ranh mãnh mà khi những chúng ta biết được thì mọi chuyện đã xong xuôi. Đó là điều làm người ta cảm thấy họ có một thứ quyền lực lôi cuốn đáng sợ. Chuyện Zinédine Zidane một lần nữa nói lên điều đó. Ai cũng biết Real Madrid và ông Florentino Pérez thèm muốn Zinédine Zidane như thế nào, cả châu Âu hiểu rằng Florentino Pérez sẽ đưa một ngôi sao hàng đầu thế giới về sau mùa trước đã có được Luis Figo. Có vẻ như Zinédine Zidane cũng muốn đi ngay từ đầu mùa trước như chúng tôi đã kể ở trên. Nhưng không ai biết khi nào thì Juventus đồng ý và vụ mua bán xong xuôi. Đó là phong cách làm việc của bộ ba. Ít ai biết được rằng Florentino Pérez đã mấy lần lặn lội đến tận nhà Luciano Moggi ở Napoli để hỏi mua Zinédine Zidane. Cứ nỗi lần đến, ông ta lại nâng giá thêm vài tỉ lire cho đến khi lên đến 140 tỉ lire và cả hai xoa tay đồng ý.
 
Zinédine Zidane với người vợ Tây Ban Nha của mình tìm đến với Real Madrid là điều dễ hiểu. 140 tỉ lire là con số mà Florentino Pérez chấp nhận được. Còn Luciano Moggi cũng khoan khoái bằng cả hai người kia cộng lại. Vì ông đã mang về cho Juve một núi tiền mà lại biết chắc rằng mình đã có được người thay thế. Người đó bộ ba đã nhắm từ rất lâu là cái gã Ceca và họ đã quyết định dứt khoát khi một ngày ngồi trên khán đài Olimpico và nhìn Pavel Nedvěd đốt cháy đội bóng của mình. Luciano Moggi nói với Roberto Bettega và Antonio Giraudo :«Nedvěd lúc nào cũng ghi bàn vào lưới đội mình. Mình sẽ mua luôn nó thế là giải quyết được vấn đề ». Sì, đó là một thói quen của Juventus. Nhưng có được sự phục vụ của Pavel Nedvěd không phải dễ như lấy đồ trong túi.

Pavel Nedvěd chân thành như anh chàng thị trấn vùng biên Skalná sát với nước Đức nơi anh sinh ra. Pavel Nedvěd đơn giản như một cầu thủ người lính ở đội bóng quân đội Dukla Praga quê nhà và mọi chuyện đến và đi trong cuộc đời anh một cách tự nhẹ nhàng không bão tố. Có thể anh sẽ không bao giờ có mặt ở Italia nếu như bức tường Berlin không sụp đổ năm 1989 đưa chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Đông Đức và các nước vùng Balkan lên giá treo cổ. Là vì trong thời chiến tranh lạnh, những cầu thủ Cecoslovacchia Xã hội Chủ nghĩa không được phép ra nước ngoài đá bóng khi chưa đến 32 tuổi. Đó là lý do mà bạn thấy những người hùng Euro 1976 như Antonín Panenka và Zdeněk Nehoda mãi sau này mới được ra khỏi đất nước. Nhưng cuộc đời có những ngã rẽ không biết trước. Nó có thể đến đúng lúc hay không đúng lúc người ta muốn hay không. Với Zdeněk Zeman, khi xe tăng của khối quân sự Varsawa và lính dù Liên Xô nhảy xuống thủ đô Praga năm 1968, gã đã có cớ để không quay về. Còn với Pavel Nedvěd, khi bức tường Berlin sụp đổ nó tạo điều kiện cho anh rời quê nhà đến những chân trời mới.


(https://studenta-106574.c.cdn77.org/images/cms/article/00/20/77/introimage.jpg)


(http://www.radiokromeriz.cz/mg_manifestacni_stavka_na_velkem_namesti_27-11-_1989_a_fotopromosouteze_mf562.jpg)


Thanh niên 17 tuổi Pavel đã từng đứng trong dòng người này, Sametová Revoluce


Vài ngày sau khi bức tường Berlin chia cắt nước Đức sụp đổ vào tháng 11 năm 1989, thanh niên 17 tuổi Pavel Nedvěd cũng đã xuống đường cùng hàng chục nghìn người anh em thanh niên Cecoslovacchia trong cuộc đấu tranh không bạo động mà sau này người Cecoslovacchia gọi là Cách Mạng Nhung, Sametová Revoluce, để phản đối chế độ nhà cầm quyền một đảng. « Chúng tôi xuống đường với chùm chìa khóa trong tay, rung lên thành tiếng và thế là nhà cầm quyền có thể hiểu rằng đã đến lúc họ phải ra đi. » Cuộc cánh mạng nhung ấy diễn ra êm đềm và cuối cùng toàn bộ banh lãnh đạo Đảng Cộng Sản Cecoslovacchia phải từ chức, dẫn đến một cuộc bầu cử dân chủ ở Cecoslovacchia, chấm dứt 41 năm chế độ một đảng cầm quyền. « Nó đến thời điểm trong đời tôi, hoàn hảo với sự nghiệp của tôi » Pavel Nedvěd kể như thế. Vào tháng 6 năm 1990, cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên kể từ năm 1946 ở Cecoslovacchia. Lúc đó Pavel đang đang thực hiện nghĩa vụ quân sự và đá cho đội bóng quân đội Dukla Praga. Năm sau anh cũng hết nghĩa vụ quân sự và chuyển đến đội bóng lớn nhất nước mình là Sparta Praga. Cái luật gò bó không được ra nước ngoài đá bóng trước 32 tuổi cũng được gỡ bỏ nên sau Euro 1996 anh mới có mặt ở Italia để làm bộ ba phải bao lần nhăn trán suy nghĩ.

Cuộc đời của Pavel Nedvěd từ thị trấn vùng biên Skalná cho đến thủ đô Italia vẫn chỉ có sự chân thành. Không dễ để Luciano Moggi nói được anh phải rời khỏi SS Lazio để làm xáo trộn cuộc sống của hai đứa con, để đánh mất tình cảm của các tifosi, để mang tiếng là một kẻ bỏ đi. Anh đã rất khó khăn khi chuyển từ Sparta Praga sang Lazio lúc mà vợ anh đang có mang đứa con đầu lòng, khi Cecoslovacchia còn chưa vào EU và anh mới 23 tuổi còn chưa biết một chữ tiếng Italia, chưa từng đá cho một đội nước ngoài nào hết. Sau gần 5 năm, gia đình anh đã dần êm ấm ở khu sân gôn và căn hộ Olgiata ngoại ô Roma. Hay đứa con mang tên hai vợ chồng Ivana và Pavel đã ra đời. Anh đã trở thành ngôi sao và người yêu mến của các tifosi Lazio. Anh không muốn ra đi. Trong khi đó người thay mặt cho anh là một tay cò khét tiếng. Đó là cái gã béo ục ịch Mino Raiola. Vốn là người trải đời trong giới cò cầu thủ, Luciano Moggi không lạ gì Mino Raiola. Giữa hai người còn có mối thù không đội trời chung mà có lần Mino Raiola nói với Luciano Moggi rằng ông ta sẽ phải « hối hận với những gì mình đã làm » nếu một ngày kia muốn mua một trong số những khách hàng của gã.
 
Thế là phải qua rất nhiều cuộc cãi cọ lẫn la lối om sòm với nhau, hai con cáo già mới cùng đồng ý giá 75 tỉ lire trả cho Lazio, còn Mino Raiola phải khuyên nhủ Pavel Nedvěd vài điều để anh xiêu lòng. Trong khi ấy, bộ ba cũng đồng ý bán Zinédine Zidane cho Real Madrid mà chủ tịch SS Lazio Sergio Cragnotti không hề hay biết. Nếu biết ông ta sẽ đòi một khoản cao hơn rất nhiều vì ông ta đang cần tiền để bù đắp cho những khoản thua lỗ to tướng của đội mình. Luciano Moggi kể lại tất cả những việc này pha chút tự ca trong cuộc phỏng vấn mấy năm sau hay trong cuốn sách Il Pallone Lo Porto Io của mình, tạm dịch một cách văn chương là Quả bóng trong tay tôi. Có điều, với Florentino Pérez ông có thể chơi trò mèo vờn chuột dền dứ, với Mino Raiola ông có thể sừng sộ ăn miếng trả miếng, với Sergio Cragnotti ông có thể giấu nhẹm đi, nhưng còn với Pavel Nedvěd, Luciano Moggi chỉ có cách phải làm một cú lừa phỉnh láu cá không ra gì.

Biết rằng Pavel Nedvěd không muốn ra đi, Luciano Moggi đã nói Mino Raiola mớm lời trước rồi tự tay gọi điện mà bảo: « Này đừng phụ lòng tốt của tôi chứ, hãy đến Torino đi, chỉ đi dạo một vòng thôi và cậu không phải ký với Juve đâu. » Luciano Moggi gạ gẫm Pavel Nedvěd đến Torino đi một vòng thành phố và đội bóng xem ở đó thế nào, ông nói sẽ đưa một chiếc máy bay riêng đến khi anh đang ở Praga và sẽ chẳng ai nhìn thấy hết. Anh Pavel Nedvěd thật thà đồng ý và rơi vào bẫy của bố già. Đó là chiêu sói để nhờ chân.

Sau khi nói chuyện với Pavel, Luciano Moggi gọi cho cả đám nhà báo và quay phim và bảo « Nedvěd đang đến đấy ». Khi anh thật thà xuống cửa máy bay, cả tá những tay săn tin đã đứng chờ sẵn, chĩa máy ảnh và máy quay vào người anh như nhắm bắn tội phạm. Anh hỏi Luciano « làm sao họ lại biết tôi đến đây thế ? » Sẽ không có câu trả lời đâu, chỉ có tin anh đến Torino hôm sau đã loan khắp Italia. Pavel Nedvěd không còn đường quay đầu về Roma nữa. Vài ngày sau đó ở Roma, anh đã trải qua những ngày thật sự căng thẳng. Khi những ultras Biancocelesti nghe thấy tin có thể cả Sebastian Verón lẫn Pavel Nedvěd sẽ ra đi. Nedvěd đến Torino còn Verón sang Manchester. Họ đã phản đối rất dữ dội như tình cảm quá lớn dành cho đội bóng. Lúc ấy Mino Raiola mới nói với anh « đã đến lúc kết thúc với Lazio rồi ». Dù tình cảm yêu mến thành Roma sâu nặng trong tim nhưng nhìn từ khía cạnh thể thao mà nói, đã đến lúc anh cần những thử thách mới. Đó là lúc hợp lý để chia tay. Đến ngày 4 tháng 7 năm 2001 anh đã đầu hàng Luciano Moggi và nói « được rồi, tôi sẽ ký với Juventus.» 

(https://s-media-cache-ak0.pinimg.com/564x/a8/99/8e/a8998e0ee89891ca65ebd9907d46204a.jpg)

Ông Sergio Cragnotti đã phải bán cả Sebastian Verón @Gettyimages

: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr October 25, 2016, 03:49 PM
Hình như đã có lần nhìn thấy bức ảnh Nedved xuống máy bay ở Turin mà giờ tìm 2 ngày không ra :at_wits_end:.

Ai có thấy có ở đâu cho mình xin, cám ơn  :angel:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr November 17, 2016, 04:01 PM
Thấy mấy ông vào đọc nhưng không thấy ông méo nào nói câu gì động viên tinh thần tí chút. Mỗi mình tự nói tự nghe như thằng dở.  :I_dont_know:

Bắt đầu từ đoạn này đến hết xin phép cho mình để ẩn nội dung bài mới.

Bao giờ hoàn thành 100% sẽ mở lại.

Cám ơn mọi người. :catch:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: juverofan November 18, 2016, 11:10 AM
Căn bản là không dám viết gì, sợ phá ngang câu chuyện của bác, còn cái ảnh Nedved em tìm mãi chưa ra, search google quay về thời điểm 2001 cũng không có (thời đấy chửa chắc đã có trên internet)
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Pavelvnr December 02, 2016, 04:39 PM
Căn bản là không dám viết gì, sợ phá ngang câu chuyện của bác, còn cái ảnh Nedved em tìm mãi chưa ra, search google quay về thời điểm 2001 cũng không có (thời đấy chửa chắc đã có trên internet)

Khoai phết. Đến đoạn này đi nghiên cứu vụ doping của Davids nên có sửa bài phía trên, thêm mấy đoạn. Nếu chuyện doping là có thậ ở Barcelona thì mình đã dần hiểu tại sao năm 2001 Guardiola ngôi sao như thế mà lại khăn gói đến Brescia :idea:
: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus
: Laoai_Delpiero June 21, 2018, 12:37 AM
 :drooling: :drooling: :drooling: