[div align=\\\"CENTER\\\"]
Hãy nhìn họ với anh mắt công bằng hơn[/div]
Bạo lực, doping, gian lận hay những thủ đoạn bẩn thỉu..... đó luôn là những ngôn từ nhắm chỉ vào SerieA, đại diện tiêu biểu của lối chơi thực dụng. SerieA là nơi sản sinh ra cũng như nuôi dưỡng chiến thuật phòng ngự kinh điển Cantenacio và cũng từ đó cho ra đời hàng loạt các siêu hậu vệ như: Scirea, Baresi, Ferrara, Maldini và gần đây nhất là cặp trung vệ thép Nesta - Cannavaro. Từ xưa đến nay phần lớn các đội bóng Italia thành công đều dựa trên một lối chơi chắc chắn đôi khi đến mức khắc khổ. Họ sẵn sàng chơi phòng ngự cả trận nếu như điều đó là có lợi cho họ. Cũng dễ hiểu thôi, kết quả dù không thực sự là điều quá quan trọng nhưng nếu như không có nó thì bóng đá cũng chẳng còn gì nữa.
Mọi sự ganh đua đều hướng tới mục tiêu đạt được vị trí cao nhất vậy không có lý do gì để họ không chơi như vậy. Đừng nghĩ việc họ chỉ ghi được một đến hai bàn vào lưới đối phương là vì họ kém mà thực chất họ luôn biết tận dụng một cách tối đa những cơ hội họ có. Việc ghi nhiều bàn thắng sẽ trở nên nhạt toẹt nếu như đội bóng thua cuộc. Một trận thua sát nút với tỉ số 3-4 hay một trận thắng sít sao 1-0, liệu rằng có mấy cầu thủ dám khẳng định mình thích con số thứ nhất. Con người luôn hướng tới sự chân - thiện - mỹ, luôn hướng tới cái đẹp. Những người hâm mộ như chúng ta luôn mong muốn được “thưởng thức” một trận cầu hay và chất lượng. Vậy theo bạn như thế nào là một trận đấu hay? Nhiều người cho rằng bóng đá đẹp là lối đá tấn công và tấn công, cống hiến hết mình, khán giả sẽ được “no” trong cơn say bàn thắng cùng những pha biểu diễn. Nhưng sau cơn say con người lại trở về với thực tại và thực tại đôi khi nó tàn nhẫn đến khắc nghiệt với chúng ta. Thực tế đã chứng minh không phải bất cứ đội bóng nào chơi hay hơn, đẹp mắt hơn lại là đội đi đến đích cuối cùng.
Những đội bóng chơi thực dụng luôn bị họ coi là kẻ thù của bóng đá. Liệu rằng họ có đáng bị nhìn bởi những ánh mắt thiếu thiện cảm như vậy hay không? Lửa thử vàng, gian nan thử sức, có càng gặp trở ngại khó khăn thì chiến thắng mới càng ý nghĩa. Một đội bóng chỉ được coi là số một nếu như họ vượt qua được tất cả những khó khăn cản đường họ chứ không phải chỉ biết vượt qua những đội bóng hang “lông” như Maribor, Autria Viena. Sống trong một môi trường khắc nghiệt và đầy tính cạnh tranh như SerieA, nơi mà chỉ một sơ sảy rất nhỏ, những toan tính sai lầm có thể phải trả giá rất đắt là chức vô địch không thể trông chờ họ thi đấu hoàn toàn cởi mở được. Không ai tin có chuyện một CLB có thể trong vài trận đấu có thể rút ngắn khoảng cách 6-7 điểm thậm chí còn hơn thế như ở Premiership. Không có một cổ động viên nào chỉ muốn đội bóng thi đấu đẹp mắt mà trắng tay cả, chính những danh hiệu đó mới là cột mốc đánh giá đẳng cấp của một câu lạc bộ nào đó. Chẳng ai bầu cho Real là câu lạc bộ của thế kỷ 20 nếu như họ không có được 9 chiếc cúp C1 cùng 29 chức vô địch quốc gia và vô số các danh hiệu khắc, cũng chẳng mấy ai biết đến Zidane (sinh ra ở Algeria) nếu như anh không chơi cho đội Pháp để giờ đây anh trở thành như huyền thoại sống của bóng đá thế giới cũng như của The Blues.
Một đội bóng chơi thực dụng luôn có những trung vệ và tiền vệ phòng ngự đẳng cấp trong đội hình. Từ những đội bóng như Đức, Pháp, rồi Hy Lạp đến ngay cả Brazil, một đội được coi là siêu tấn công và cống hiến cũng luôn có những hảo thủ ở tuyến sau, nếu không họ cũng chẳng thể có được đến bốn chức vô địch thế giới. Nếu coi những pha dứt điểm ngoạn mục, những đường chuyển thông minh hay một pha biểu diễn kỹ thuật cá nhân là nghệ thuật thì những pha cản bóng, tổ chức kèm người một cách chặt chẽ khi đội bóng của mình bị ép sân cũng đáng được coi là một nghệ thuật trong bóng đá. Đúng là không đội bóng nào dành chiến thắng nếu không ghi được bàn thắng nhưng cũng chẳng phải đội bóng nào cứ ghi nhiều bàn thắng sẽ không thua. Hãy nhìn lại Inter ở mùa giải năm ngoái mà xem, họ ghi được rất nhiều bàn nhưng lại để thủng lưới quá nhiều và thực chất là kẻ ngoài cuộc chỉ sau một nửa chặng đường. Bài học nhãn tiền đó vẫn còn đắt giá cho nhiều đội bóng và ngay chính bản thân Inter khi mùa giải này họ đã biết chăm sóc tốt hơn cho tuyến sau của mình.
Có thể nói Juventus là đại diện tiêu biểu nhất cho bóng đá Italia nói riêng cũng như lối đá thực dụng nói chung. Ở Bianconeri người ta thấy tập hợp đầy đủ những tố chất của một đội bóng thực dụng: tổ chức chặt chẽ, thi đấu đầy kỷ luật cùng với sự tinh ranh trong từng thời điểm và biết chớp thời cơ rất nhanh. Có thể nhường thế trận cho đối phương cả trận nhưng nếu như chỉ một thoáng lơ đễnh hay thiếu tập trung của đối thủ thì đội bóng đó sẽ lập tức phải trả giá.Những thành công gần đây có đóng góp không nhỏ của những Ferrara, Montero, Deschamps, Davids, Cannavaro, Thuram, Zambrotta và không thể không kể đến những thủ môn đã và đang là người chấn giữ khung thành cho đoàn quân Azzurri: Peruzzi, Buffon. Ừ thì cứ coi như họ là một đội bóng thi đấu quá tính toán hay quá thực dụng đi chăng nữa nhưng với những danh hiệu mà họ đặt được, liệu rằng những lời chỉ trích như thế có còn giá trị? Chân lý luôn thuộc về kẻ thắng cuộc và một khi họ vẫn giành được Scudetto thì chẳng ai có quyền chỉ trích và nói họ kém cả.
Nói thế không có nghĩa là SerieA thiếu đi sự lãng mạn, thiếu đi những nghệ sĩ sân cỏ. Có lẽ chưa ai quên được đội hình của AC Milan những năm cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 với bộ ba người Hà Lan bay với một lối chơi tấn cống đến chóng mặt rồi đến mùa giải C1 năm 1994 khi họ đánh bại Barcelona của những hảo thủ như: Romario, Stoichkovs, Guardiolar, Bakero với tỉ số kinh hoàng 4-0. Hay như Roma của HLV Capello cũng đã trình diện mối lối đá đẹp mắt và quyến rũ lòng người ở mùa giải họ đoạt Scudetto cùng các ngôi sao: Totti, Montella, Batistuta…. Rõ ràng khi có điều kiện họ sẵn sàng chơi đẹp mắt và cống hiến hết mình. Dù phong độ của họ không phải là tốt nhưng không ai có thể phủ nhận tài hoa của Platini, Riva, Baggio,Totti, Del Piero, Veron, Kaka…. trên sân. Ngay cả danh tiếng của Z.Zidane cũng được thiết lập từ SerieA hay bản thân Ronaldo cũng đã hoàn thiện khả năng cá nhân từ đây trước khi đến với Real. Không có những thủ môn, hậu vệ và tiền vệ phòng ngự xuất sắc thì những siêu sao, biểu trưng của bóng đá đẹp mắt cũng chẳng có cơ hội để phô bày khả năng. Hậu phương vững vàng thì tiền tuyến mới yên tâm mà xông pha được. Chính những người luôn bị coi là tiêu cực, tàn phá vẻ đẹp bóng đá lại là những chiến binh thầm lặng tạo nên những trận cầu đẹp mắt.
Nhưng rồi nếu chỉ cứ đá hồn nhiên và ngây thơ như vậy ở SerieA thì chức vô địch không phải là điểm đến quen thuộc của bất kỳ đội bóng nào. Trải qua bảy mùa giải gần đây, tổng số Scudetto của cả AS Roma, Lazio, AC Milan (mỗi đội dành được một Scudetto) cũng chưa bằng một mình Juventus. Giờ đây họ không chỉ còn là Bà đầm già (tên gọi quen thuộc của Juventus) mà Bianconeri xứng đáng ở vị thế của một bà hoàng ở SerieA. “Tức thời mới là tuấn kiệt” - điều này thật đúng cho các đội bóng ở SerieA. Dù sao lối đá này một phần đã ăn vào máu của những người Italia và chúng ta không thể một sớm một chiều bắt họ phải thay đổi đi cả một nền văn hoá của họ được. Không thể ép họ luôn đá tấn công và cống hiến cũng như chúng ta cũng chẳng thể bắt Real, Brazil chỉ biết lo phòng thủ. Bất kỳ lối chơi nào cũng đều được xây dựng nên từ những con người sẵn có của đội bóng chứ không phải cầu thủ bắt buộc phải chơi theo lối chơi mà họ không quen thuộc cũng như không ưa thích. Luôn luôn sản sinh ra những thủ môn, hậu vệ tài năng thì tại sao họ không tận dụng những cầu thủ này mà lại mơ mộng đến những tiền đạo tài hoa như Ronaldo hay Ronaldinho. Đúng là đội bóng nào cũng muốn có những cầu thủ này trong đôi hình nhưng thử hỏi họ có mơ ước được có trong tay những Buffon, Cannavaro, Nesta, Maldini hay Zambrotta…. hay không? Trên đời này không có gì là hoàn hảo cả và con người ta phải biết tận dụng tối đa những gì mình có, đó là một chân lý không bao giờ thay đổi.
Vậy thực dụng khác tiêu cực ở điểm gì? Cùng là phòng ngự chặt chẽ, cùng là những tính toán chi ly về chiến thuật nhưng vấn đề là có đạt được cái đích cuối cùng là chiến thắng hay không? Có những lúc cũng vì thi đấu quá cẩn trọng, quá coi trọng đến chiến thuật mà các đội bóng ở Italia hay bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi họ bắt buộc phải dồn ép đối phương. Mặt khác, cũng bộ khung đội hình của họ là một sự vận chuyển linh hoàn nên nếu chỉ có một vị trí không hoàn thành nhiệm vụ là lập tức hệ thống đó có vấn đề nếu như tốc độ của trận đấu được đẩy lên ở mức cao nhất. Điều này càng thể hiện rõ khi họ phải đối diện với các cậu lạc bộ ở Premiership với phong cách kick&rush cổ điển. Tốc độ cùng sự liều lĩnh là ưu điểm của các đội bóng Premiership. Khi cơ hội đến, có thể dồn ép đối phương để ghi bàn hoặc nâng cao cách biệt mà không thể tận dụng thì đó chính là lối đá quá tiêu cực. Một đội bóng thi đấu thực dụng một cách thông minh sẽ không làm như vậy. Nếu họ buộc phải thắng thì họ sẽ phải biết chắc chiu từng cơ hội nhỏ nhoi đó chứ không thể lập tức đẩy tốc độ trận đấu lên cao ngay được khi đó là sở đoản của họ chưa kể có thể sẽ lại phải nhận một hay nhiều cú “hồi mã thương” của đối phương. Roma, AC Milan hay kể cả Juventus đều đã từng bị rơi vào bẫy và phải khuất phục trước Real và Manchester United chỉ vì như vậy. Khi bạn thấy một đội bóng Italia thi đấu cầm chừng, vật vờ thì hãy coi chừng những đòn phản công của họ. Nếu như tấn công nhiều mà không ghi được bàn thắng rất có thể đội bóng đó sẽ lại phải nhận bàn thua từ đối phương và các câu lạc bộ ở SerieA chỉ trông chờ có vậy. Nhưng không phải lúc nào đối phương cũng dễ dàng sập bẫy của họ, đôi khi họ cũng chơi cù nhầy và tiêu cực còn hơn cả các đội bóng của SerieA. Hãy nhìn lại trận đấu Juventus-Liverpool ở mùa giải năm ngoái bạn sẽ thấy Liverpool còn thực dụng đến cỡ nào.
Trong khuôn khổ của bài viết không thể chỉ ra chi tiết cho người đọc rõ phong cách lối đá thực dụng. Chỉ mong rằng các bạn có được một cách đánh giá rộng lượng và công bằng hơn với những đội bóng chơi thực dụng nói riêng và những câu lạc bộ ở Serie A nói chung. Không phải vẻ đẹp nào cũng hiện rõ ràng trước ánh nắng mặt trời chói chang, đôi khi nó lẩn khuất như những cục đá sù sì thô kệch, đâu có ai thấy được vẻ đẹp của những viên kim cương nếu như nó không được khai quật và chế tác. Nếu như tác giả của bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” Graham Greene muốn cho ra một tiểu thuyết tương tự thì có lẽ ông có thể đến nước Ý tìm cảm hứng. Đã từ lâu những fan hâm mộ bóng đá Ý đã âm thầm trở thành nhân vật trong bộ phim “Người Ý trầm lặng” mất rồi. Forza Azzuri! Forza SerieA! Forza Juventus….
Bài viết này minh1103 viết để kỷ niệm cho bài viết thứ 100 trong diễn đàn. Hơn 8 tháng kể từ ngày đăng ký nick ở forum, biết bao kỷ niệm vui buồn cùng JFC, từng bước chứng kiến sự thăng tiến của cả Juventus cũng như JFC. Hy vọng mái nhà JFC càng ngày càng trở nên gần gũi hơn với tất cả mọi người. Xin được gửi tặng bài viết này cho những người bạn của tôi, những fan của Juventus tại Việt Nam. Chào thân ái và quyết thắng