Author Topic: Câu chuyện kể Juventus - La storia della Juventus  (Read 38736 times)

Description:

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« on: February 18, 2011, 02:15 AM »
Logged
Thư ngỏ:

Dù bạn đang đứng ở nơi đâu, rất gần bên dòng sông Po chảy qua thành phố cổ Torino hay lặng lẽ ở một nơi nào đó cách xa hàng vạn ngàn cọc mốc chỉ giới của con đường, chỉ cần bạn tìm hiểu về Juventus, nghĩa là bạn đã chạm vào cả nền văn hóa, bóng đá Italia. Câu chuyện dài từ hơn 100 năm trước đi qua những chiều chủ nhật, những đêm thứ tư của bao nhiêu trận đấu đang được kể, mang trong nó bóng hình Juventus và Italia. Là một bóng hình giản dị nhưng không hề giản đơn, bình dị nhưng không hề bình thường. Là cuội nguồn của vẻ đẹp thanh xuân chỉ với hai màu đen-trắng, mẹ của vạn ngàn màu sắc.

Bằng những suy nghĩ ấy của nhóm biên tập, những bài viết và hình ảnh này không phải là một tập từ điển của những sự kiện và con số khô khan, không có những từ ngữ hào nhoáng bôi màu lên giá trị giản dị mà chân thực của Juventus. Đó đơn giản chỉ là một tập sách nhỏ của những câu chuyện kể, những dòng cảm giác của những người kể chuyện đã từ bao giờ coi Juventus và bóng đá Italia là niềm say mê của mình. Ai đó, như bạn, như chúng tôi, cũng sẽ cảm thấy gần gũi hơn, chân thực hơn khi đến với Juventus, để chạm vào bóng đá và một nét văn hóa Italia theo dòng chảy của thể thao, của cuộc sống diệu kỳ và cả cái chết…


Góp ý của các bạn xin được gửi vào topic này hoặc email [email protected]
-----
Bình minh trên dãy Alpi

Hơn một trăm năm lịch sử đã qua, Juventus ghi dấu trong lòng hàng nghìn hàng triệu tifosi trên khắp đất nước Italia, vượt qua cả đường biên giới nữa. Họ là đại diện cho nền văn hóa Italia và hơn bao giờ hết, đó là đội bóng của những học sinh, người lao động lớn lên trong nhà máy, xí nghiệp; của những nhà thơ, nghị sĩ và có thể cả cha xứ cùng những gã lưu manh. Có nghĩa rằng, Juventus đã là cái tên được lưu giữ trong lòng tất thảy mọi tầng lớp xã hội ở Italia, trở thành một hình ảnh của đất nước Italia. Tất cả bắt đầu từ một chiều đầu đông Torino năm 1897.

Thời ấy bóng đá hiện đại gần như lan tràn khắp châu Âu theo dấu chân của những người Anh hoặc đã từng có những năm tháng đi qua nước Anh. Trong khi ấy ở Torino, cũng là lúc những câu lạc bộ thể thao sinh ra như nấm muốt sau cơn mưa xuân. Edoardo Bosio là một tay lái buôn gốc gác Thụy Sĩ, sinh ra ở Torino và là con nuôi của một lái buôn kính kiêm thợ chụp ảnh người Torino. Khi lớn lên gã có dịp bôn ba Thụy Sĩ và London để làm việc cho những nhà máy dệt của người Anh. Chính những nơi ấy, gã đã được chơi những trận bóng đá đầu tiên và hiểu được luật bóng đá cũng như có quan hệ với những đội bóng bản xứ. Ai đặt mình vào cuộc đời Edoardo Bosio hẳn đều nghĩ ngay rằng mình sẽ rủ mọi người cùng chơi khi trở về thành phố quê hương. Thế là Bosio cũng mang theo về những quả bóng da năm 1887 và thành lập nên đội Torino Foot-ball and Cricket Club. Theo nhiều người kể lại, cùng năm đó, một đội mang tên Nobili Torino (những Quý tộc Torino) cũng ra đời dưới sự bảo trợ của Hoàng tử trẻ tuổi Luigi Amedeo và Alfonso Ferrero di Ventimiglia (người sau này có lúc trở thành chủ tịch liên đoàn bóng đá Italia). Không ai biết đội của Hoàng tử người Tây Ban Nha Luigi Amedeo, Duca degli Abruzzi, người sau này được phong đất ở mãi tận Abruzzi-Somali đã chơi những môn thể thao nào. Không ai biết chàng, người đam mê khám phá và chinh phục những miền đất mới, có chơi trận đấu bóng nào hay không bởi thời gian tuổi trẻ của chàng hoàn toàn là những cuộc leo lúi và đi biển quên tháng ngày đến dãy Alpi, Saint Elias (Canada), Cực Bắc, sau đó là châu Phi (Uganda), K2 của Himalaya (Pakistan). Cuối cùng, không ai biết tại sao một đội của tay lái buôn như Edoardo Bosio lại hợp với câu lạc bộ quý tộc Nobili Torino của Duca degli Abruzzi.

Chỉ có thể hiểu rằng bóng đá bản thân nó lúc vừa mới ra đời đã phá bỏ mọi rào cản của giai cấp và định kiến để rồi Internazionale Foot-ball Club Torino ra đời năm 1891 bởi sự hợp nhất ấy. Đây mới chính là một câu lạc bộ chỉ chuyên bóng đá đầu tiên ở Torino và Italia chứ không bao gồm cả cricket, đá cầu, bắn cung bắn nỏ như hàng chục câu lạc bộ khác. Hoàng tử Luigi Amedeo mang đến danh tiếng, tiền bạc cho đội bóng, có lẽ thế, còn Edoardo Bosio với quan hệ và lòng say mê của mình mang đến những cầu thủ giỏi cho đội bóng cũ. Bằng cách nào đó, Edoardo Bosio lôi kéo được cả từ đội bóng Anh Saint Andrews anh chàng rất tài Herbert Kilpin sang Torino. Sau này Hertbert Kilpin còn là thành viên lập ra Milan Cricke & Foot-ball Club danh tiếng năm 1899, là cầu thủ ngôi sao đầu tiên, đội trưởng đầu tiên và huấn luyện viên đầu tiên của đội bóng này. Nhưng đấy là chuyện của những người Milano, chúng ta chỉ cần thích thú nhớ rằng, có lẽ, Herbert Kilpin từ Saint Andrews đến Internazionale Torino năm 1891 là cuộc chuyển nhượng tự do đầu tiên đến Torino.

Bốn năm sau, 1894, có một cái tên nữa ra đời, Foot-ball Club Torinese. Torinese, như ý nghĩa cái tên của nó, chỉ những gì thuộc về Torino, một cách giản dị, không đặc biệt. Nhưng chính Torinese lại song hành, đan xen rất phức tạp với những ngày sơ khai của bóng đá Torino, hay nói rộng ra là bóng đá Italia, bởi vì thuở ban đầu ấy, Torino cùng với vùng cảng tây bắc của Genova là cái nôi của bóng đá Italia. Sau này, 1900, Torinese hợp với Internazionale Torino để thành một đội Torinese mới vẫn dưới sự bảo trợ của ông hoàng xứ Abruzzi, Luigi Amedeo. Đến năm 1906, Torinese mới lại mở tay chào đón những cầu thủ li khai của Juventus và lập nên Foot-ball Club Torino danh tiếng và tồn tại cho đến tận bây giờ. Đối với những cổ động viên của AC Torino ngày nay, đội bóng của họ được sinh ra từ 1894 chứ không phải 1906, tự hào chưa (!). Thôi gượm đã, hãy để Foot-ball Club Torino và những câu chuyện tự hào của nó sang một bên để quay lại cái những ngày 1897 sôi nổi ấy.

Năm đó ở thành Torino còn một đội bóng nữa ra đời, Ginnastica Torino. Dù chậm hơn Internazionale đến cả 10 năm nhưng thực ra, Ginnastica là đội sớm và nổi tiếng hơn bất cứ đội nào ở Torino. Ginnastica Torino đơn giản là đội chuyên về bóng đá của Reale Società Ginnastica Torino (Đội Thể thao Hoàng gia Torino) vốn được lập từ ngày 17 tháng 3 năm 1844. Reale Società Ginnastica Torino được bảo trợ bởi dòng họ cai trị Vương quốc Piemonte-Sardegna và đặc biệt sau này là dòng họ vua Carlo Alberto xứ Savoia. Đó như một ngôi trường thể thao để cho những sinh viên của học viên quân sự tập luyện với nhiều môn thể thao khác nhau, trong đó có cả bóng đá, dĩ nhiên. Cho đến 1897, đội bóng Ginnastica Torino mới được cho một cái tên riêng. Thế là ở Torino đã có 3 đội bóng là Internazionale, Torinese cũ và Ginnastisca. Đủ để thành lập một liên đoàn bóng đá.

Câu chuyện của bóng đá Torino và Italia bắt đầu trong buổi bình minh như thế, cũng bắt đầu trong cái buổi bình minh tự do của đất nước. Italia thống nhất phần phía bắc năm 1861 sau những cuộc chiến tranh liên miên của những người ủng hộ Hoàng gia xứ Savoia với các vương quốc nhỏ, đánh tan cát cứ quân Áo. Torino trở thành thủ đô đầu tiên của đất nước tự do từ năm 1861. Nhưng lúc đó Italia không còn gì ngoài những ngôi nhà đền thờ, những công trình kiến trúc, ngoài nghèo đói và xác xơ. Hàng trăm nghìn người Italia đã phải di cư đi đến khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất ở châu Âu và châu Mỹ để bây giờ con cháu của họ được gọi là những oriundi. Người Torino cũng ra đi dù ít hơn những nơi khác bởi Torino là kinh đô đầu tiên của đất nước Italia thống nhất ấy. Nó trở thành nơi hiếm hoi hội tụ những gì tinh túy của Italia và châu Âu lân cận. Như lúc đó, người ta có thể nói vui pha chút tự hào, ‘Torino capiatale di tutto anche nel calcio’, Torino, thủ đô của mọi thứ, kể cả bóng đá.

Tháng 3, 1898 những con người gắn bó với nhau để chơi bóng ấy gặp mặt tại chính Torino để ra đời một liên đoàn bóng đá Italia, Federazione Italiana del Foot-ball (FIF). Ba đội bóng Torino xứ Piemonte là Internazionale Torino, Torinese, Ginnastica cùng với Genoa Cricket & Football Club xứ Liguria, Unione Pro Sport Alessandria đến từ thành phố Alessandria cùng trong xứ Piemonte tụ hội lại. Và bắt đầu một giải đấu mà cho đến bây giờ chúng ta gọi là Calcio Serie A chỉ mấy chục ngày sau, tháng 5 năm 1898. Ông vua đầu tiên của bóng đá Italia gọi tên Genoa Cricket & Foot-ball Club sau 4 trận đấu của toàn giải.

Federazione Italiana del Football (FIF), sau đổi thành Federazione Italiana Giuoco Calcio (FIGC) năm 1909, không phải là liên đoàn duy nhất ở Italia trong buổi bình minh của nền bóng đá Italia. Một vài đội bóng ở các thành phố hay xứ khác có lựa chọn khác đi, họ không tham gia vào các giải đấu của FIF mà đăng ký với một liên đoàn mạnh hơn là Federazione Ginnastica Nazionale Italiana (FGNI). Đây là một liên đoàn của các đội thể thao Ginnastica tổng hợp, rất phổ biến trước khi bóng đá chiếm thế cao hơn. Nó được thành lập từ tháng 12 năm 1887 bởi sự hợp nhất của Federazione Ginnastica Italiana (FGI) phía nam của miền bắc Italia (nơi có thành phố Bologna) và Federazione delle Società Ginnastiche Italiane (FSGI) phía đông bắc (nơi có các thành phố Udine, Venezia và Venora).

Như thế miền bắc Italia cũng đã chia làm 3 vùng với 3 liên đoàn và những đội bóng tên tuổi của nó còn thi đấu đến tận bây giờ. Một vài đội bóng còn đăng kí chơi cả hai giải đấu mà FIF và FGNI tổ chức, vì họ không xếp đá cùng mùa trong năm. Đó quả là những ngày tháng sôi nổi. Khắp ngõ ngách, đường phố, quảng trường, nhà thờ, công viên và cả vườn rau, luống nho, người ta nói về những trận đấu bóng đá.
« Last Edit: December 29, 2016, 04:16 PM by Pavelvnr »
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #1 on: February 18, 2011, 01:16 PM »
Logged
Những anh chàng sinh viên ở công viên Valentino

Enrico Canfani viết trong cuốn sách Storia del Foot-ball Club Juventus di Torino (câu chuyện về câu lạc bộ bóng đá Juventus ở Torino, xuất bản năm 1915, một năm sau khi Enrico Canfani chết trong cuộc chiến tranh giữa quân đội Italia và liên quân Áo-Hungaria):
 
“Trong năm 1896, một nhóm sinh viên của trường trung học Liceo d'Azeglio sau khi kết thúc tiết học buổi chiều thường đến đại lộ Duca di Genova, rồi đặt những cuốn sách xuống ghế băng và chơi ‘barra’. Sau đó họ bắt đầu với trái bóng: một vài cư dân nước ngoài sống ở Torino chơi bóng đá đầu tiên trong sân Valentino (ở công viên Parco del Valentino bên bờ sông Po - www.badamgia.com) có mái che dùng cho môn hockey trên băng và trượt băng, sau đó là quảng trường Piazza d’Armi. Họ đã lập nên FC Internazionale mà sau này mang tên Torinese.  Với nhiều đội bóng đầu tiên đã được lập ra, chúng tôi cũng cần phải có một đội bóng và những sinh viên đã quyết định lập ra nó vào mùa thu năm 1897. Đó là những chuyện thật về sự bắt đầu của Juventus.”

Liceo d’Azeglio là một trường trung học Torino mang tên nhà quý tộc uyên bác của thành phố Torino, Massimo d’Azeglio, nơi giảng dạy cho sinh viên ngôn ngữ, triết học cùng văn học cổ Latin và Hy Lạp. Những sinh viên như Enrico Canfani sẽ học ở đây trong 5 năm cuối cùng của các cấp học ở Italia hồi ấy. Nghĩa là họ chỉ từ 14 đến 18 tuổi, những thanh niên rất trẻ mà với lòng nhiệt tình của mình có thể làm mọi thứ. Không ai biết trước bóng đá, họ đã chơi ‘barra’ là cái gì trên đời này, có thể là một từ tiếng lóng ở Torino cuối thế kỉ 19, để chỉ một môn thể thao nào đó, cũng có thể là ‘bóng đá ma’ chẳng hạn. Và ngày 1 tháng 11 năm 1897, sẽ là một ngày bình thường nếu như Enrico Canfani và những anh bạn thanh niên không tụ tập như mọi khi và quyết định lập ra một đội bóng. Họ gồm có Eugenio Canfari, Enrico Canfari, Gioacchino Armano I, Alfredo Armano,  Luigi Gibezzi, Umberto Malvano, Vittorio Varetti,  Umberto Savoia, Domenico Donna, Carlo Ferrero,  Francesco Daprà, Luigi Forlano, Enrico Piero Molinatti. Tất cả đều là những sinh viên người Italia và đều say mê bóng đá.

Nhưng đội bóng cũng cần có một nơi để gặp mặt tụ hội mà không phải trong công viên hay ngoài đường. Rất may, gia đình anh em Enrico và Eugenio Canfani có một cái xưởng xe đạp ở số 42 Corso Re Umberto và sẵn sàng dành nó cho những người anh em. Không còn gì tuyệt vời hơn cho dù căn phòng thật ra không được tiện nghi nhiều lắm. Nó tối lờ mờ vì thiếu ánh sáng và chỉ có mỗi chiếc ghế băng dài là chỉnh tề. Và trên chiếc băng ghế dài ngày ấy, bây giờ được giữ làm một vật kỷ niệm đáng được trân trọng tại khuôn viên trụ sở Juventus, diễn ra một cuộc tranh cãi sôi nổi khác: đặt tên. Dĩ nhiên là một đội bóng thì cần có một cái tên và mỗi người lại có một ý tưởng khác nhau. Sau một cuộc tranh cãi quyết liệt rồi mất vài vòng bỏ phiếu, ba cái tên sau được đưa vào vòng bỏ phiếu cuối cùng: Società Via Fort, Società Sportiva Massimo d’Azeglio và Sport Club Juventus.

Trong ba cái tên này, có lẽ Sport Club Juventus là cái tên kém hấp dẫn hơn cả. Nó được ghép từ một nửa tiếng Anh (Sport Club) và một nửa có nguồn gốc Latin (Juventus). Vẫn theo lời kể của Enrico Canfari thì “Cái tên cuối cùng này thì ít người thích, vì nó nghe như được gán ghép một cách áp đặt. Tôi cũng thuộc nhóm phản đối cái tên này, vì đối với tôi, có vẻ cái tên Juventus không phù hợp với những người lớn. Nhưng tôi đã nhầm, Juventus (theo tiếng Latin là ‘thanh xuân’, ‘tuổi trẻ’ – www.badamgia.com) không phải có ý nghĩa là chưa lớn mà đã trưởng thành rồi. Vì thế quyết định cuối cùng mọi người lấy cái tên Sport Club Juventus”.

Ai là người đã thuyết phục tất cả những sinh viên ngôn ngữ và lịch sử Latin chọn cái tên Juventus bằng giải thích về ý nghĩa của từ đó, nếu không phải là Enrico, trong khi những tư liệu bây giờ đều cho thấy Sport Club Juventus là cái tên ít người thích thú nhất? Cũng không ai biết được, mà cuối cùng tất cả phải đồng ý một điều như Enrico đã viết sau này, Juventus trở thành một tài sản đáng giá. Như một sự bắt đầu khá lờ mờ đúng nghĩa đen, chắc họ cũng khó nghĩ rằng việc đó sau này trở thành một sự kiện đáng đáng nhớ. Đối với những thanh niên ấy, thành lập một đội bóng chỉ để chơi và được thi đấu.
--------------------
Vì một nguyên nhân nào đó, Sport Club Juventus đã không có mặt trong cuộc họp thành lập liên đoàn bóng đá Italia FIF vào tháng 3 năm 1898 mà chỉ có 5 đội bóng khác ở Torino, Alessandria và Genova. Đương nhiên, 2 tháng sau đó đội bóng non trẻ này cũng không có mặt trong giải vô địch đầu tiên tổ chức bởi FIF. Nhưng không vì thế mà Sport Club Juventus không phát triển mạnh. Từ ngày được lập ra, Juventus liên tục tăng nhanh quân số và được nhắc đến ở Torino một cách coi trọng và thu hút sự chú ý từ các đội bóng khác. Cũng bởi vì số lượng thành viên tăng nhanh, cái xưởng xe đạp tối om của anh em nhà Canfani không còn đủ rộng rãi nữa. Tìm được một cái nhà mới ra dáng một trụ sở rõ ràng là một việc đau đầu đối với những sinh viên ở bất cứ thời đại nào mà không trừ Torino những năm cuối thế kỷ 19. Enrico Canfari gọi đó là “ác mộng ban đêm trong đầu những chàng trai trẻ”.

May mắn cuối cùng anh em Canfari cũng tìm được một nơi khác, với 4 phòng, một sân nhỏ, một mái hiên, một gác xép và được uống nước miễn phí từ vòi rửa. Căn nhà ấy ở số 4 Via Piazzi, quận Crocetta. Trong khoảng một năm kể từ khi ra đời, sân bóng chủ yếu của đội là ở công viên Parco Valentino mà con đường Duca di Genova chạy dọc bên cạnh, ngay gần trường Liceo d’Azeglio. Năm 1899, AC Milan ra đời với người đội trưởng sinh ra tại thành phố Nottingham, Herbert Kilpin, nhưng với các Juventini, năm đó được ghi nhớ là lần đâu tiên Sport Club Juventus đổi tên. Không phải đổi cái tên Juventus mà đổi Sport Club thành Foot-ball Club. Như Canfari kể lại vẫn trong cuốn Storia del Foot-ball Club Juventus di Torino, “kể từ lúc này chỉ có bóng đá chiếm hết thời gian hoạt động của chúng tôi. Một đều dễ hiểu để đổi cái tên ban đầu bằng cái tên như hôm nay (tức là năm 1914 - www.badamgia.com) Foot-ball Club Juventus hoặc đơn giản là Juventus. Tên này bây giờ, thực sự là một tài sản đáng giá bởi lẽ như các bạn thấy trong các đội thể thao, việc trùng tên thì rất nhiều, nhưng Juventus chính thức thì chỉ có một mà thôi: là của chúng tôi”.

Đổi tên không chỉ đơn giản là cái tên, nó khẳng định thương hiệu của một đội bóng, thời gian này cũng chính là lúc Juventus được nhận được nhiều lời mời gọi từ Alessandria, Milano và Genoa. Các cầu thủ trường trung học không chơi ở công viên Parco Valentino nữa mà chuyển đến sân bóng ở quảng trường Piazza d’Armi, nơi mà FC Internazionale Torino, Ginnastica vẫn thường thi đấu. Có thể tạm hiểu rằng Juventus đã đạt đến cùng trình độ như Genoa, Ginnastica hay Internazionale Torino. Thậm chí Juventus còn là đội đầu tiên tiếp một đội nước ngoài ở Torino, đó là Montriond di Losanna đến từ Thụy Sỹ.

Thuở bình minh của Juventus đã mở ra trước mắt chúng ta cái tên đầu tiên, sân bóng đầu tiên, nơi hội họp đâu tiên và những đối thủ đầu tiên. Vậy còn màu áo? Nhiều tài liệu ngày nay cho rằng màu áo đầu tiên của Juventus là màu áo hồng nhưng không hẳn là như thế. Để đến lúc cả đội khoác lên mình một bộ đồng phục là cả một quãng thời gian kha khá. Ban đầu dĩ nhiên là họ chỉ chơi bóng với những chiếc áo trắng sinh viên. Cho đến lúc Juventus nhận được lời mời của Foot-ball Club Torinese. Các cầu thủ Juventus gần như không tin rằng mình có thể chơi được với những cầu thủ bóng đá thực thụ này, thậm chí nghĩ đội Torinese dường như to và khỏe hơn. Lo lắng, bởi vì qua những trận đấu đầu tiên của Juventus, họ thua liên tục. Nhưng với mỗi cầu thủ lại tập luyện hăng say hơn và tạo dấu ấn tinh thần rất tốt. Juventus chấp nhận thử thách chơi với Torinese với đội hình 11 người. Họ cần một bộ áo đồng phục cho trận đấu này, là gì được đây? Cottone, vải bóng flanella, hay là áo len? Cuối cùng, Juventus chọn vải lanh cottone mỏng màu hồng, quần thụng màu đen. Đó là những chiếc áo mà họ mặc mãi đến năm 1902. Thế nên biệt danh đầu tiên của những anh chàng sinh viên Juventus là rosaneri như đội U.S Città di Palermo ngày nay.

Rosaneri, màu hồng đen, không rõ có hợp với chữ thanh xuân Juventus hay không (có lẽ là không) nhưng hình như người Torino không thích cái màu này. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay được sắp đặt, cả hai đội ra đời sớm nhất Torino là FC Nazionale Torino và Torinese đều mang áo sọc đen trắng, bianconeri. Chuyện nhiều người kể rằng những chiếc áo dài tay màu hồng này là do cha của một cầu thủ trong đội may và cấp cho đội. Những chiếc áo này có một vấn đề nho nhỏ, mà nghĩ lại là cả vấn đề lớn với những chàng sinh viên: phai màu. Cứ chơi một thời gian thì chúng lại phai màu sau mỗi lần giặt rồi chuyển sang màu trắng. Những chàng sinh viên không thể có tiền để may áo liên tục như thế, họ nghĩ đến cách đặt những chiếc áo chất lượng hơn, rắn rỏi hơn và cậy nhờ đến anh bạn John Savage, có người nói là một lái buôn vải dệt, làm việc cho một nhà máy sợi ở Torino.

John lúc này là một thành viên trong đội nhưng anh ta là người Anh và có quen biết với một số bạn bè ở Nottingham. Mọi người đồng ý đổi một loại áo mới và anh chuyển lời đề nghị đến một người bạn ở Nottingham cùng với yêu cầu về những chiếc áo trắng viền đỏ như của đội Nottingham Forest. Nhưng bạn anh là một cổ động viên của Notts County, đội bóng lâu đời nhất ở giải vô địch Anh, vô tình hay cố ý đã gửi nhầm gói hàng có mang những chiếc áo của kình địch Nottingham Forest là Notts County đến Torino.

Ở Torino, khi mở gói hàng ra, các cầu thủ Juventus mới thấy mười lăm bộ có cổ với hai màu đen-trắng Notts County, tất cả cùng một size như nhau và không như dự định. Vậy mà giải vô địch đã đến cận kề rồi, không có những chiếc áo dự trữ, họ chấp nhận mặc những bộ áo mới, cùng với quần, tất, đều cùng một cỡ ấy. Đó là những ngày mùa xuân trước giải vô địch năm 1903. Kể từ lúc đó màu áo sọc đen-trắng trở thành màu áo chính thức của Juventus với tên gọi bianconeri. Những trận thắng cũng đến liên tiếp, nên họ nói rằng màu áo đó mang đến may mắn, và coi đó là màu áo của khí thế hung hãn và sức mạnh tràn đầy. Như một sự sắp đặt của tạo hóa, màu áo của Juventus quay trở về đen-trắng giống như những đội bóng ở Torino khác là Internazionale và Torinese.

Có một câu chuyện vui giữ mối liên hệ giữa Juventus và Notts County hôm nay, cứ mỗi lần các cầu thủ Notts County chơi hay, trên khán đài, những cổ động viên của họ lại cùng nhau hát vang điệp khúc tiếng Anh ‘it's just like watching Juve, it's just like watching Juve’ (cứ như là đang xem Juve, cứ như là đang xem Juve) theo điệu... blue moon. Just like watching Juve, đấy cũng là cái tiêu đề ưa thích của các nhà báo Anh viết bài tường thuật mỗi khi Notts County chiến thắng. Cảm ơn Notts County, giống như cách họ tự hào kể về nguồn gốc màu áo Juventus trên website chính thức của họ, và chúc họ may mắn để trở lại những năm 1900 rất oai ấy.

-------------

 
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #2 on: February 19, 2011, 03:52 PM »
Logged
Những người Anh và ba lần thách đấu

Sport Club Juventus đã không có mặt trong giải vô địch đâu tiên do FIF tổ chức tháng 5 năm 1898. Ông anh Eugenio Canfari giờ đây cũng không còn hứng thú với bóng đá nữa. Nhường lại vai trò dẫn dắt Juventus cho em trai Enrico, Eugenio đem lòng mình đi yêu những chiếc xe thể thao và trở thành một tay đua thực thụ cùng với việc lập ra nhà máy ô-tô Taurinia trong cái năm 1902 đầy sôi động của làng xe hơi Italia. Lần thứ 2 của giải vô địch của FIF, tháng 4 năm 1899 vẫn vắng bóng Juventus. Nhưng đến lần thứ 3 thì không thể nào vắng mặt. Foot-ball Club Juventus, như cái tên lúc này, đã lớn lên rất nhanh và đạt đến trình độ cũng như tổ chức rất tốt so với các đàn anh Torinese, Ginnastica.  Enrico Canfari dần dần thay thế người anh trong vai trò người dìu dắt Juventus, đưa đội gia nhập FIF năm 1890 và tham dự giải vô địch ngay trong tháng 4 năm đó. Lúc này thành phố Torino chỉ còn 3 đội bóng bởi vì Internazionale Torino đã nhập với Torinese dưới cái tên Torinese. Dĩ nhiên Torinese là đội mạnh nhất, yếu nhất lại là Ginnastica chứ không phải Juventus. Bằng chứng là tại vòng bảng khu vực Piemonte, thi đấu vòng tròn hai lượt, Juventus chỉ thua sát nút Torinese 2 trận với tỉ số 0-1 và 1-2, còn lại thắng Ginnastica cả hai trận với tỉ số 2-0. Giải vô địch đầu tiên của Juventus với FIF dừng lại ở vòng bảng của thành phố Torino, chí có Torinese được chơi tiếp. Nhưng như thế cũng là đủ để ghi một dấu ấn quan trọng rồi.

Năm sau xứ Piemonte có thêm Audace Torino, mới thành lập được mấy ngày những đã được một suất đá vòng bảng. Vậy là thành phố Torino có 4 đội trong xứ Piemonte là Torinese, Juventus, Ginnastica và Audace thi đấu bảng vòng tròn một lượt. Vẫn là Torinese chiến thắng, nhưng vất vả hơn nhiều vì phải chơi thêm một trận play-off với Juventus do hai đội cùng được 5 điểm sau 3 vòng đấu. Bấy giờ, Juventus quy tụ được rất nhiều những sinh viên đại học đăng ký tham gia đội bóng. Ở vòng bảng hai đội đã hòa 1-1, còn play-off Torinese thắng 4-1. Hòa 1-1 với Torinese dĩ nhiên là một tiến bộ vượt bậc, mà dẫu sao, Juventus vẫn chưa khẳng định thành đối thủ số 1 tại thành phố Torino, cho đến khi họ mang màu áo mới, bianconeri.

--------

Thực ra thì Foot-ball Club Juventus và Enrico Canfari không phải đợi lâu đến thế để chiến thắng ở một giải đấu nào đó. Giải vô địch của FIF là giải quan trọng nhất trong năm nhưng nó chỉ diễn ra trong vỏn vẹn vài ngày. Gần một năm trời còn lại tất nhiên là họ không ngồi chơi hoặc loanh quanh chơi bóng trong công viên mà tham gia vào nhiều giải đấu phong trào khác. Điển hình nhất là giải đấu giành cho các trường trung học giữa hai xứ Piemonte và Liguria mà chủ yếu là của hai thành phố Torino và Genoa. Ở giải đấu này, ngay từ đầu Juventus đã ba lần liên tiếp lên ngôi đầu từ 1899 đến 1902.

Nhưng khoảng cách giữa giải đấu của các trường trung học và giải vô địch của FIF là một đỉnh cao vời vợi. Juventus, mà nền tảng ban đầu chỉ là những sinh viên trẻ, phải trải qua một quá trình vài ba năm tập luyện và xây dựng nên một đội bóng được coi như một câu lạc bộ có tổ chức đúng nghĩa. Lúc ấy chúng ta mới nói đến những chiến thắng. Cũng có một sự trùng hợp hay một điềm lành nào đó của đất trời, khi Juventus một cách tự nhiên rời xa chiếc áo màu hồng để khoác lên mình hai màu đen-trắng từ 1903. Khi các sinh viên trẻ đã trưởng thành, đội bóng cũng tuyển chọn rất nhiều thành viên là những công dân nước ngoài hoặc làm việc ở Torino. Đó cũng là lúc Giacomo Parvopassu, vốn đã nổi tiếng ở Torino là một luật sư giỏi, trở thành chủ tịch Juventus. Chính Giacomo Parvopassu là người đã giúp những cầu thủ Juventus trong nhiều trường hợp rắc rối với bộ máy quan liêu của xã hội. Nó có thể là bất cứ thứ gì đối với những anh chàng bắt đầu bước vào đội tuổi lao động như những cầu thủ trẻ của chúng ta. Còn chính màu áo đen-trắng là trở thành sức mạnh thực sự. Ngày 1 tháng 3 năm 1903 là một dấu mốc đáng nhớ, Juventus trong màu áo mới đã thắng đội bóng đầu tiên và mạnh nhất Torino, Torinese 5-0!

Giải vô địch của FIF lần thứ 6 có 6 đội được quyền tham gia, gồm Genoa, đương kim vô địch (xứ Liguria), Milan (xứ Lombardia), Andrea Doria (tức Samdoria hôm nay, xứ Liguria). Còn lại là 3 đội bóng của Piemonte: Torinese, Juventus và đội bóng non trẻ Audace. Các trận đấu được sắp đặt theo luật đấu cờ vua hay đấm bốc kiểu cổ. Có nghĩa là đội ĐKVĐ chỉ cần đá đúng một trận chung kết duy nhất để bảo vệ danh hiệu. Các đội khác, phải đá loại trực tiếp để giành lấy vị trí thách đấu với ĐKVĐ Genoa. Milan là đội bóng giải nhì năm trước cũng chỉ phải đấu trận tranh quyền thách đấu.
Kết quả bốc thăm như sau:
 
- Vòng 1: Xứ Piemonte có 3 đội, Torinese, Juventus, Audace. Torinese và Juventus bốc thăm phải phiếu loại nhau vòng đầu tiên. Audace được vào thẳng.
- Vòng 2: Đội thắng trận Torinese – Juventus sẽ gặp Audace ở vòng 2 để chọn đại diện duy nhất của Piemonte.
- Vòng 3: Đại diện duy nhất của Piemonte gặp đại diện Liguria (tức là Andrea Dorina).
- Bán kết: Đội thắng trận vòng 3 gặp đại diện Lombardia, Milan (giải nhì năm 1902).
- Chung kết: Đội thắng bán kết thách đấu với ĐKVĐ Genoa.

Chúng tôi phải kể ra cả chặng đường mà Juventus đã đi qua của năm 1903, chỉ để hiểu, cái từ mà Enrico Canfari, những cổ động viên Notts County và tất cả sau này vẫn nhắc đến mỗi khi nói về Juventus, hung hãn và mạnh mẽ (aggressivi e forti). Một năm sau 2 trận hòa 1-1 và thua 1-4, Juventus đả bại Torinese 5-0. Ai có thể nghĩ rằng đội bóng mạnh nhất Torino lại phơi áo nặng nề đến như thế trước những cầu thủ như Canfari, Durante, Goccione, Armano... ngay tại sân quảng trường Piazza d’Armi, vốn coi như lãnh địa của họ, ngay trong trận đấu khai mạc. Nhưng đó là sự thật. Khó tin nổi, nhưng đó là sự thật, Juventus đã lớn lên không ngờ thành đội bóng mạnh nhất ở Torino. Cuộc càn quét ở giải FIF chưa dừng lại, vòng 2 Juventus vượt qua nốt đội bóng được vào thẳng Audace với tỉ số 2-1 dù đã bị dẫn bàn trước. Vòng 3, vẫn những chàng trai ấy buộc đội đàn anh Andrea Doria nhận thất bại 1-7 bằng một hattrick của Umberto Malvano trên sân nhà thứ hai Velodromo Umberto I.

Cái cách mà Juventus trở thành đối thủ thách đấu của ĐKVĐ Genoa không dễ thuyết phục hơn, vì ở bán kết, họ tiếp tục hạ á quân AC Milan 2-0 ngay tại Campo dell'Acquabella, sân nhà của AC Milan. Milan với thành phần chủ yếu là những người Anh của huấn luyện viên kiêm cầu thủ ngôi sao từ Nottingham, Herbert Kilpin đấy, đội bóng đã chấm dứt 3 năm liên tiếp vô địch của Genoa năm 1901. Nhưng Juve đã chơi liền 4 trận thắng, ghi 16 bàn và chỉ thủng lưới 2 để giành quyền thách đấu. Dĩ nhiên, đối với bóng đá cổ điển, số lượng bàn thắng nhiều không phản ánh rõ lối chơi hủy diệt, nhưng với những gì các cầu thủ Juventus đã làm, hình bóng hung hãn aggressivi của họ đã bắt đầu.

Nhưng lúc ấy, Genoa, đội bóng thành phố cảng tây bắc Italia mạnh hơn so với phần còn lại của Italia, kể cả AC Milan của Herbert Kilpin. Bởi vì thực ra, Genoa Cricket & Foot-ball Club có thể coi là một đội bóng Anh ở nước ngoài. Họ được sinh ra bởi những người Anh giỏi bóng đá ở thành phố Genova cùng thời điểm với Juventus. Nhưng trình độ của những người Anh thời bóng đá hiện đại sơ khai đã giúp họ càn quét chức vô địch FIF liên tiếp 6 lần trong 7 mùa giải đầu tiên, trừ 1 lần duy nhất phải nhường cho một đội bóng của người Anh khác là AC Milan và chỉ chịu dừng lại ở mãi năm 1905.

Sau khi đả bại Milan 2-0, các cầu thủ Juventus tiếp tục hành trình đến Genova. Trên sân Campo di Ponte Carrega, những người Anh ở Genova đã không chịu cúi đầu như những người Anh ở Milano. Thủ môn kiêm huấn luyện viên người quận Stoke Newington-London, James Spensley, đã không cho những cầu thủ tấn công ngôi sao của Juventus như Umberto Malvano một cơ hội nào. Và Juventus kết thúc hành trình thách đấu người Anh ở Genova bằng trận thua 0-3, kết thúc trận thách đấu đầu tiên giữa họ trong ba lần liên tiếp.

Trở về từ thành phố cảng Genova, các cầu thủ Juventus dường như hiểu rằng, trận thua ở đó lại đem lại bao nhiêu kinh nghiệm quý báu về kỹ thuật và chiến thuật của bóng đá hiện đại. Sức mạnh, forti, của Juventus lớn thêm khiến họ không có đối thủ cùng tầm vóc ở Torino nữa. Tháng 11 năm đó, dịp sinh nhật lần thứ 6, Juventus được mời tham gia giải đấu cup ở Vercelli. Dù tung ra sân đội hình toàn những cầu thủ mới tuyển mộ, nhưng Juventus vẫn dễ dàng đoạt cúp tam hùng Torneo di Trino Vercellese sau khi ghi đến 15 bàn thắng và không thủng lưới lần nào. Một tháng sau cúp tam hùng, Juventus trở về với cúp thành phố Torino (Coppa Città di Torino) cùng với Audace, Andrea Doria và Milan. Kết quả đá loại trực tiếp Juventus tiếp tục thắng Audace 2-0 và Milan 1-0 trong trận chung kết để đoạt cúp này.

Đấy là ba giải đấu ấn tượng đầu tiên của những người đen-trắng bianconeri từ tháng 3 đến tháng 12. Tất cả đều nhận ra một sự khác biệt rõ ràng như khi ta nhìn sự tương phản màu sắc khi những tia nắng bắt đầu đổ tràn lên dãy Alpi vào tháng ba. Nó có màu trắng của băng tuyết, màu đen xanh thẫm của núi và sự đổi thay của Juventus. Khi họ mặc áo hồng-đen, rosaneri, đội còn non trẻ và thường thua tan tác. Nhưng khi khoác lên mình chiếc áo trắng-đen bianconeri, trở về với nguyên gốc của vạn ngàn màu sắc, Juventus có trưởng thành, sức mạnh và những trận thắng mà thường không bị thủng lưới. Điều này có vẻ như một sự lạ lẫm trong những ngày sơ khai của bóng đá hiện đại, lúc mà những trận đấu lần nào cũng ngập tràn bàn thắng. Nhưng ở Italia và Juventus, điều đó dường như không đúng. Nơi đây họ cố gắng ngăn chặn số bàn thua thấp nhất có thể, họ tạo ra một sự khác biệt ngay trong những năm tháng đầu tiên chơi bóng chứ không phải đợi đến khi chiến thuật catenaccio ra đời.

Juventus, một đội bóng được sinh ra trong lòng Torino bởi những người Italia đã dần hình thành nên bản sắc của chính mình và chính bóng đá Italia. Dĩ nhiên họ phải là những người đầu tiên nhận lấy một việc như là được số phận sắp đặt để giương lên cao lá cờ của bán đảo Italia, đạp đổ cái bóng của người Anh ở Milano và Genova. Vì giữa họ và những người Anh còn có lời hẹn thách đấu nữa.
------------
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #3 on: February 21, 2011, 12:05 AM »
Logged
Sang mùa xuân năm 1904, khí thế của Juventus đã lên rất cao và có sức hút lan tỏa ra khắp khu vực dãy Alpi. Đội bóng của thành phố Torino thu hút thêm rất nhiều cầu thủ từ nước ngoài là công nhân, nhân viên, nhưng người đang sống và làm việc ở các nhà máy dệt, nhà máy xe ô-tô ở ngoại ô Torino. Đặc biệt là những người đến từ Thụy Sỹ. Những thành viên mới mang thêm nhiều sức mạnh và cả tiền bạc nữa cho hoạt động của đội. Nhưng tất nhiên, những người lập ra đội bóng hầu hết vẫn theo chân và là dẫn dắt tinh thần cả đội. Danh tiếng của Juventus bay xa cùng với việc chuyển sân nhà từ Piazza d'Armi sang Velodrome Umberto I.

Sau khi trở thành đội đầu tiên tiếp một đội nước ngoài, Juventus lại mở đường cho các đội bóng Italia đi theo chiều ngược lại. Họ được mời đến Losanna (Thụy Sỹ) đại diện cho bóng đá Italia tham gia một giải đấu giao hữu. Cuối năm này, tiếng tăm của đội áo đen-trắng tiến về nước Pháp. Ở sân nhà mới Velodrome Umberto I, khi tổ chức giải đấu giữa các trường đại học với Coppa Universitaria, các cầu thủ Juventus đã nã vào khung thành Olympique Lyonnais của Pháp 9 bàn thắng. Olympique Lyonnais là ai, hẳn nhiều người bây giờ đang yêu mến, đội bóng ấy ra đời sau Juventus 2 năm ở thành phố dệt Lione.

Nhưng năm 1904 tiếp tục chỉ là bản lề cho một cú đạp làm đổ sập bóng dáng của người Anh, những người mà với họ Milian và Genoa đang nghạo nghễ lắm. Vẫn mùa xuân của một năm sau khi thua Genoa 0-3 trong trận trung kết giải vô địch quốc gia, Genoa lại ngồi thảnh thơi đợi Juventus lần lượt vượt qua Torinese (1-0), Milan (1-1, đá lại 3-0) để giành quyền thách đấu theo luật đấu cờ vua. Và lần này, Juventus vẫn chỉ vượt được qua Milan của huấn luyện viên Herbert Kilpin ở bán kết còn Genoa của James Spensley lên ngôi lần thứ 6 trong 7 lần. Tỉ số của trận chung kết không còn chênh lệch là 3-0 nữa, mà chỉ là 1-0. Hai tỉ số cũng giống như một bức tranh vẽ cảnh thủ môn gần 40 tuổi Spensley và đội bóng người Anh của anh khó khăn nhường nào để giữ được chức vô địch trước những chàng trai đầy khát vọng Italia của Juventus. Hay chí ít, đấy không phải là khát vọng của người Anh. Người ghi bàn thắng chọc thủng khung thành thủ môn Luigi Durante, để nứu giữ ngôi vị cho Genoa là một anh chàng hậu vệ Thụy Sĩ có tên là Etienne Bugnion mãi ở giữa hiệp 2. Còn sau này những người góp phần chọc thủng khung thành James Spensley trong cuộc thách đấu lần thứ 3 lại ghi đậm dấu ấn của sinh viên trường trung học Liceo d'Azeglio.

Alfredo Dick là một thương gia Thụy Sĩ có một nhà máy ở khu công nghiệp sợi dệt Torino. Có thể do mỗi quan hệ với những cầu thủ đang là công nhân ở các nhà máy dệt ở đó, Alfredo Dick đã tiếp cận và trở thành nhà bảo trợ đúng nghĩa đầu tiên của Juventus, thay thế cho luật sư Giacomo Parvopassu. Tiền bạc đã nhiều hơn, hợp đồng thuê sân Velodromo di Corso Re Umberto được kí dài hạn, trụ sở được chuyển về nơi khang trang hơn ở số 1 đường Via Donati, lực lượng cũng mạnh hơn. Một vài cầu thủ tài và đã có kinh nghiệm chơi bóng nhiều năm, là người Scozia, Anh, Thụy Sĩ và cả... con trai Alfredo Dick cùng những người làm trong nhà máy dệt của Dick, được tuyển về đội. Đó là Frédéric Dick (con trai Alfredo), Paul Arnold Walty, Ludwig Weber, Jack Diment, Helscot, James Squire và Goodley. Sự thật là nhờ có Alfredo Dick, đội bóng đã được đầu tư đáng kể. Cũng vì thế, dưới sự can thiệp của Alfredo, ít nhất 3 vị trí trong đội hình chính thức đã được thay thế bằng những người của ông mang về (Paul Walty, Diment, Squire). Umberto Malvano đã đào tẩu sang Milan. Dẫu sao họ đã kết hợp với những người giờ đã là cựu sinh viên trường Liceo d'Azeglio để trở thành một đối thủ gây ra cảm giác sợ hãi hơn cho Genoa.

Giải vô địch của FIF mùa xuân năm 1905, Genoa không còn được thảnh thơi ngồi đợi trận chung kết nữa. Luật đấu thay đổi, ba xứ Piemonte, Lombardia và Liguria phải đá vòng loại trước, chọn ra 3 đội đá vòng tròn 2 lượt để tính điểm. Kết quả, ở xứ Lombardia, AC Milan của huấn luyện viên Herbert Kilpin thua bất ngờ đàn em mới nổi Unione Sportiva Milanese tổng tỉ số 9-10 sau 2 trận đi-về. Xứ Liguria, Genoa nhọc nhằn vượt qua đội người Italia cùng thành phố Andrea Doria 1-0 ở lượt về sau khi bị cầm hòa 0-0 ở lượt đi. Còn ở xứ Piemonte, Juventus nhẹ nhàng hơn nhiều, trước giải đấu vài ngày, đối thủ Torinese tuyên bố bỏ cuộc và Juventus được xử thắng cả 2 trận đi-về cùng với tỉ số 3-0.
Vậy là ba đội Juventus, Genoa và Milanese bước vào đấu vòng tròn hai lượt đi-về để giành cúp. Juventus và Genoa đã bất phân thắng bại (lần đầu tiên Juventus làm được trước Genoa) trong cả 2 lượt đi về với tỉ số 1-1 với màn trình diễn xuất sắc của thủ môn Luigi Durante và tiền đạo Luigi Forlano. Theo như những tài liệu sách báo ngày ấy, đội hình chính của Juventus gồm có Thủ môn thợ sơn Luigi Durante, Gioacchino Armano, Oreste Mazzia (sinh viên cao đẳng Politecnico), Paul Arnold Walty (công nhân Thụy Sĩ), Giovanni Goccione (đội trưởng), Jack Diment (công nhân Scozie), Alberto Barberis (sinh viên luật), Carlo Vittorio Varetti (sinh viên xây dựng), Luigi Forlano (sinh viên toán hình); James Squair (công nhân Anh), Domenico Donna (sinh viên luật, người được coi là kiêm hlv từ 1900).

Hầu hết những chàng sinh viên trên là cựu sinh viên trường Liceo d'Azeglio. Trong lúc cây làm bàn Umberto Malvano đã ra đi, anh sinh viên toán hình Luigi Forlano nã vào lưới Genoa mỗi trận một bàn, còn lại thành quả do thợ sơn tài năng Luigi Durante bảo vệ. Giải đấu tưởng như là một cuộc ganh đua quyết liệt giữa một bên là những người Italia của Juventus và một bên là những người Anh của Genoa. Nhưng dường như Genoa lại lo Juventus mà quên mất những anh chàng Milanese, đội đã giành mất quyền chơi của AC Milan. Trong khi Juventus hạ Milanese cả 2 trận (3-0 sân nhà, 4-1 sân khách) thì ở trận cuối cùng Genoa bị Milanese cầm hòa 2-2 ngay trên sân nhà ở Genova và đưa Juventus lên ngôi vô địch. Hôm đó là chiều chủ nhật ngày 9 tháng 4 năm 1905 như tường thuật của tờ La Stampa Sportiva, chưa ai trao một cái cúp và cũng chưa ai nhận cái khiên ba màu scudetto, thực ra ngày đó, người ta trao một chiếc đĩa bạc. Chức vô địch lần đầu tiên sau 8 năm ra đời của đội bóng những sinh viên trường Liceo d'Azeglio. Chiến tích lần đầu tiên sau ba lần hẹn thách đấu có sự đóng góp không nhỏ của ông bầu Alfredo Dick, những người công nhân, và cả US Milanese nữa!

Theo sau đàn anh, đội dự bị của Juventus cũng thắng nốt tại giải đấu lần đầu tiên được tổ chức của họ. Đội dự bị Juventus toàn thắng cả 4 trận trước dự bị Milan và Genoa mà không thủng lưới bàn nào. Quả là một năm toại nguyện. Rồi men say chiến thắng sinh ra những giấc mơ và cũng lại sinh ra những cơn mộng mị của nó. Trong mối quan hệ với những cầu thủ, người mới đến Alfredo Dick mang đến tiền bạc nhưng cũng mang đến những áp đặt quá đáng. Mâu thuẫn trong lòng Juventus bắt đầu nảy sinh từ lúc ấy.

---------
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #4 on: February 22, 2011, 11:02 PM »
Logged
Biến cố và cuộc chia li hằn thù

Bóng đá thành phố Torino chỉ còn lại Juventus phủ cái bóng của mình lên Torinese, Ginnastica và Audace. Ba đội xưa lần lượt tan rã và mờ nhạt có thể do không còn được bảo trợ của các nhà quý tộc khiến giải vô địch năm 1906 chỉ còn duy nhất một đội Torino. Luật thi đấu vẫn như năm 1905, và lần này Milan đã loại được Milanese ở xứ Lombardia để tụ hội với Genoa và Juventus. Thất bại của anh bạn (mới quen) Milanese ở vòng loại hay sự vắng mặt của Luigi Forlano (thay thế bằng một cầu thủ Thụy Sỹ tên Walter J. Streule) như là một điềm báo một năm đầy biến cố của Juventus. Trận đấu mở màn Juventus lại hòa Genoa 1-1 ở Genova, nhưng ở lượt về tại Torino, trận đấu đã phải hủy bỏ giữa chừng khi Juventus đang dẫn 1-0 vì cổ động viên của Genoa tràn vào sân. Ban tổ chức quyết định rời trận lượt về sang sân trung lập ở Milano và Juventus thắng 2-0.

Cuối cùng thì Milan mới là đội khát khao trả nợ Juventus hơn là Genoa. Trong hai trận gặp Milan, Juventus chỉ thắng được một (2-1) và thua một (0-1). Tổng kết quả sau hai lượt đi-về Juve và Milan cùng được 5 điểm (thắng 2, hòa 1, thua 1). Ngày ấy chưa có một luật phức tạp là tính chỉ số phụ, btc quyết định sắp xếp thêm một trận chung kết trên sân Velodromo Umberto I. Oái oăm thay, đến cả trận chung kết này, hai đội lại hòa nhau 0-0. Ban tổ chức lại phải sắp xếp một trận đấu nữa, trên sân trung lập. Nhưng vấn đề là sân nào?

Khi FIF quyết định rằng, đó là Campo di Via Comasia, sân nhà của Milanese ở thành phố Milano, thì Juventus đã phản đối quyết liệt bằng một tuyên bố gửi đến FIF với nội dung:
- Ban lãnh đạo Juventus rất phản đối việc lựa chọn sân của Milanese là sân trung lập. Bởi vì một sân được coi là trung lập không chỉ là thuộc đội bóng khác mà nó phải có các điểm trung lập khác nữa, như là cùng thuận lợi hay không thuận lợi với cả hai đội một cách thỏa đáng. Sân của Milanese đặc biệt không đạt được điều này bởi vì:
- Thứ nhất, Juventus phải chịu mệt mỏi vì di chuyển (không tiện lợi như ngày nay - www.badamgia.com) từ Torino đến Milan. Thứ hai, đội AC Milan quá hiểu rõ sân bóng của Milanese. Thứ ba, AC Milan được lợi bởi sự cổ vũ rất đông đảo của những người Milano.
- Vì những lý do đó, chủ tịch Juventus cho biết nếu liên đoàn không rút lại quyết định, Juventus sẽ rời khỏi giải đấu.


Nhưng FIF không thay đổi quyết định, Juventus không chơi lại trận chung kết, và Milan được xử thắng 2-0. AC Milan, đội bóng đã thua Juventus quá nhiều kể từ ngày hai đội gặp nhau, nhận được chiếc đĩa bạc chiến thắng, và người ta có thể cho rằng mối tình hận giữa Juventus và Milan bắt đầu từ ngày đó. Nhưng cũng có thể sớm hơn, từ những trận thua liên tiếp của Milan trước đây, và cũng có thể từ năm 1902, tại giải Coppa Città di Torino cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 1902. Lần đó đội khách mời Milan vào tới chung kết gặp Juventus ngày 2 tháng 11 trên sân Velodromo Umberto I. Sau thời gian 90’ chính thức, hai đội hòa 2-2. Đá thêm hiệp phụ, lại hòa 3-3. Trọng tài quyết định gọi hai đội chơi tiếp theo một luật tựa như bàn thắng vàng. Nhưng các cầu thủ Milan đã phản đối không hiểu vì lí do nào đó, rời khỏi sân bóng và chiến thắng được dành cho Juventus. Kịch bản trớ trêu dường như lặp lại, nhưng dĩ nhiên là quyết định không thi đấu và mất đĩa bạc ở giải vô địch của FIF còn tiếc nuối hơn nhiều so với Coppa città di Torino.

Ngay từ giải đấu đầu xuân, Juventus đã gặp khá nhiều vấn đề như thế. Rạn nứt trong lòng đội bóng bắt đầu lớn dần lên khi những thành viên là sinh viên lập ra đội bóng đặt dấu hỏi về vai trò của Alfredo Dick, nhất là sau lần phá ngang giải vô địch của FIF. Alfredo Dick bị kết tội là độc đoán chuyên quyền. Sau giải đấu ấy, đối với đội bóng, việc Alfredo cho mình quyền được sắp xếp đội hình thi đấu (vốn thuộc về Domenico Donna), đưa vào đội chính nhiều người làm của ông ta, thậm chí cả con trai Frédéric Dick, là điều khó chấp nhận. Alfredo Dick bị đẩy vào nhóm thiếu số, điều này đã làm Alfredo cảm thấy tức giận. Mùa thu năm ấy, tháng 11, đội Juventus vô địch năm 1905 chơi những trận đấu cuối cùng với nhau tại Coppa Luigi Bozino với Torinese và AC Milan. Có thể chính trong giải đấu này (Juventus thắng Torinese 8-0 và AC 1-0), quan hệ giữa những sinh viên cũ và Alfredo Dick từ dạn nứt chuyển sang đổ vỡ tan tàn.

Sau nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa, cha con Dick đã rời bỏ Juventus. Sau này, nhiều người nói rằng, nguyên nhân chính của đổ vỡ trên là việc một nhóm người muốn chuyển Juventus ra khỏi thành phố Torino. Đối với những người ủng hộ Dick, nhóm đó là những sinh viên. Với những người còn lại, chính Dick mới là người muốn mang đội bóng ra khỏi Torino và thậm chí đổi cả tên khác. Hoặc giả đó chỉ là câu chuyện bịa đặt sau này để họ bôi nhọ lẫn nhau và lừa phỉnh cổ động viên ở Torino. Chỉ có một điều là sự thật, để trả thù, Alfredo Dick đã thành lập nên Foot-ball Club Torino ngay sau đó, ngày 3 tháng 12 năm 1906.

Alfredo Dick rời đi kéo theo tất cả những gì ông mang đến. Tiền bạc, các cầu thủ công nhân, trụ sở câu lạc bộ và không lâu sau, cả hợp đồng thuê sân Velodromo Umberto I dài hạn cũng chấm dứt. Với tất cả những thứ đó (trừ Jack Diment và James Squair vẫn ở lại Torino), chiêu nạp thêm một số cầu thủ của Torinese vừa tan rã cùng vài người khác, thế là Foot-ball Club Torino ra đời. Lật lại câu chuyện của dăm cổ động viên AC Torino hôm nay, họ tự hào rằng Torino ra đời cả chục năm trước Juventus (vì có đóng góp của Torinese). Thật là một điều tự hào có thuyết phục nhỏ nhoi. Nhưng thôi, hãy kệ Alfredo Dick và những người AC Torino, hãy coi đó như một cuộc chia li. Sau này, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, những con người ấy lại hợp sức với nhau là năm 1909, dưới cái tên Torino XI và thi đấu ở giải Trofeo sir Thomas Lipton cùng các đội bóng Đức, Anh, Thụy Sỹ. Giải đấu đó Torino XI không vào đến chung kết, dĩ nhiên rồi, những người đã chia tay nhau, khi cùng diễn lại một vở kịch, có bao giờ là kịch hay... Chỉ có những cuộc đối đầu giữa họ, giờ gọi là Derby della Mole (theo tên ngọn tháp gạch Mole trong thành phố) của tình thù là ấn tượng.

 
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #5 on: February 24, 2011, 10:12 PM »
Logged
Sân bóng cũ, nhà hàng Della Pace và anh kỹ sư Carlo

Đội bóng Juventus trở về với sân Piazaa d’Armi vào năm 1907. Cái điều phá ngang của những người ra đi thực tế đã giáng một đòn rất mạnh vào đội bóng. Tất cả những gì xây dựng trong 2 năm 1905, 1906 không còn nữa, có thể hiểu là đội bóng đã đứng im hoặc thụt lùi so với cả năm 1904. Từ đống đổ vỡ ấy, Carlo Vittorio Varetti, sinh viên xây dựng, người đã theo đội bóng từ lúc còn học ở Liceo d'Azeglio, có lẽ lúc đó đã trở thành kỹ sư, được bầu làm chủ tịch mới để gây dựng một hình ảnh Juventus mạnh mẽ trở lại. Nhưng không phải dễ dàng cho Carlo Varetti.

Phải mất đúng một năm, đội bóng mới có lại được hình ảnh chiến thắng (dù khó khăn) của mình. Carlo Vittorio Varetti làm không ngần ngại làm bất cứ điều gì kể cả điên rồ để tìm kiếm nguồn tài chính giúp duy trì hoạt động của đội, như là việc bán vé vào sân, một điều chưa từng có tiền lệ. Cũng có thể cho rằng, giai đoạn khó khăn của Juventus mới chỉ bắt đầu, gắn liền với giai đoạn khủng hoảng của bóng đá Italia mà chúng ta sẽ nói đến sau đây. Ở giải vô địch của FIF năm 1907 (AC Milan vô địch) chứng kiến hai trận tình thù derby della Mole đầu tiên ở vòng loại xứ Piemonte. Torino thắng cả hai trận với tỉ số 2-1 và 4-1 và á quân Juventus dừng bước ở ngay vòng đấu loại xứ Piemonte.

Những những sự kiện nóng bỏng chưa dừng lại, cuối năm 1907, liên đoàn bóng đá FIF có một cuộc họp. Trước thực tế 9/10 chức vô địch đầu tiên thuộc về Milan (3) và Genoa (6), người ta cho rằng sự xuất hiện ngày càng nhiều của các cầu thủ người nước ngoài trong giải vô địch Italia là không có lợi và đưa ra quyết định, giải vô địch năm 1908 sẽ chỉ có toàn cầu thủ Italia. Bức xúc vì ý tưởng đó, một loạt đại diện từ Torino, Genova, Milano và Napoli, Libertas phản đối bằng cách bỏ ra về. Để giảng hòa và xoa dịu các bên, FIF lại đề xuất nhân đôi giải vô địch này, một giải mở rộng cho cầu thủ nước ngoài tham gia (gọi là Campionato Federale FIF, không có tiền thưởng), và một giải chỉ các đội bóng có toàn cầu thủ Italia (gọi là Campionato Italiano, hay Coppa Romolo Buni). Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất của đối đầu giữa người Italia và người nước ngoài này không có nhiều tích cực. Các đội bóng lớn do người nước ngoài lãnh đạo vẫn từ bỏ giải vô địch quốc gia (AC Milan, Genoa, Torino), không tham gia các giải đấu chính thức và hạn chế cả việc tham gia các giải giao hữu có tiền thưởng. Cả hai giải Campionato Federale FIF (chỉ có Juventus và Andrea Doria) và Campionato Italiano (chỉ có Juventus, Pro Vercelli, Andrea Doria và US Milanese) trở nên hoang vắng. Không những thế, giải Campionato Federale FIF còn bị hiểu lầm và coi rẻ từ báo chí và FIF.

Quyết định của FIF lần này có thể gọi đã gây ra cuộc chiến trên giấy đầu tiên giữa liên đoàn bóng đá với những cầu thủ nước ngoài ở Italia, điều mà mãi cho đến hôm nay, nó vẫn tồn tại, cả ở Italia và tất cả mọi nơi khác trên thế giới. Nó cũng có thể coi là nguyên nhân gián tiếp khiến AC Milan bị chia rẽ làm 2 (tháng 3 năm 1908), và biến Pro Vercelli ở thành phố Vercelli xứ Piemtonte trở thành một đội vô địch tuyệt đối ở Italia.

Cuối tháng 1 năm 1908, giải Campionato Federale FIF chỉ có Juventus và Andrea Doria bắt đầu. Lượt đi ở Genova, Juventus thắng 3-0. Không suôn sẻ thế, lượt về tháng 2, Andrea thắng lại 1-0 ngay tại Torino. Hai đội phải bước vào trận play-off, khi Juventus đang dẫn 2-1 thì một cầu thủ Andrea gỡ hòa 2-2 nhưng trận đấu bị hủy bỏ vì trọng tài đã mắc sai lầm (!?). Trong khi chờ đợi tiếp một trận đấu lại, hoặc một quyết định, thì Juventus bị đội mới nổi Pro Vercelli loại ngay từ vòng loại xứ Piemonte của giải Campionato Italiano. Trong nỗi thất vọng vì bị Pro Vercelli đánh bại, các cầu thủ Juventus đã tham gia vào một cuộc biểu tình trước văn phòng liên đoàn. Đứng trước tình huống ấy, FIF cũng đánh chìm luôn giải Campionato Federale FIF.

Theo những thông tin ít ỏi còn lại hôm nay, trận đấu lại với Andrea Doria vẫn được tiến hành hai tháng sau đó (ngày 15 tháng 5) trên sân Sebastopoli, sân nhà suốt những năm sau này, và Juventus thắng 5-1 bằng các bàn thắng của Ernesto Borel (cũng là cha của những cầu thủ nổi tiếng Juventus sau này). Thật ra những thông tin này cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi, cũng có thể không còn ai quan tâm nữa, nhất là Liên đoàn bóng đá Italia. Năm 2003, có trong tay các tài liệu và chứng cứ, tờ Tuttosport đã đề nghị FIGC công nhận giải đấu này (đồng nghĩa với công nhận chức vô địch cho Juventus). Nhưng lời đề nghị của Tuttosport không bao giờ được đoái hoài.

Dầu sao việc đó đến giờ cũng không còn quan trọng nữa. Dẹp qua những chuyện bung xung, tháng 11 năm ấy Juventus thắng 2 trận tại giải đấu quanh năm mang tên người cha huyền thoại của bóng đá thế giới Henry Dapples, Palle d'Argento Henry Dapples. Juventus đánh bại Pro Vercelli cả hai lần đấy, thế là quá đủ vui để tổ chức một bữa tiệc mừng giản dị mà vui vẻ 10 tuổi cùng những cổ động viên tại nhà hàng Ristorante della Pace. Liên đoàn bóng đá Italia rồi cũng phải nhượng bộ những đội bóng nước ngoài ngay năm sau đó khi nới lỏng luật ngăn chặn cầu thủ nước ngoài, những người vốn là xương sống của đội tuyển Italia. Genoa, Milan, Inter, Torino quay trở lại giải vô địch quốc gia Campionato Italiano năm 1909. Nhưng thời của họ đã qua mất rồi, Pro Vercelli vô địch lần nữa khi đánh bại cả Torino lẫn Genoa. Màu sắc Italia ngự trị, Juventus mới chuyển về sân bóng mới Corso Sebastopoli cũng giành được trận thắng đầu tiên ở derby della Mole với ngôi sao Ernesto Borel dù vẫn bị Torino loại sau trận play-off. Còn tại giải Campionato Federale FIF (lần này có Juventus, Vercelli, Piemonte lính mới và Milanese), Juventus chiến thắng một lần nữa, và sau này vẫn không được FIGC công nhận chính thức. Thế hệ của những người như Luigi Durante, Domenico Donna, Luigi Forlano, Umberto Malvano, Carlo Vittorio Varetti qua đi...
« Last Edit: February 24, 2011, 10:27 PM by PAVELVNR »
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #6 on: February 25, 2011, 10:52 PM »
Logged
Trong đêm tối trước chiến tranh

FIF (Federazione Italiana del Foot-ball) đổi tên thành FIGC (Federazione Italiana Gioco Calcio) cuối năm 1909 sau một cuộc bầu chọn qua... thư vì cuộc họp hồi tháng 8 có quá ít đội bóng tham gia. Rồi bắt đầu những ngày mới gọi là một cuộc cách mạng của FIGC. Trong khi nới lỏng vòng cương tỏa đối với những cầu thủ nước ngoài, mà chủ yếu là từ Anh và Thụy Sĩ, FIGC tiếp tục học tập theo người Anh để tổ chức một giải vô địch theo kiểu chạy đua marathon gối từ mùa thu năm 1909 sang hè 1910 như Serie A ngày nay. Tất cả các đội sẽ thi đấu vòng tròn hai lượt tính điểm.

Với Juventus, những cầu thủ một thời quần thảo cùng nhau, đã cùng xây dựng nên đội bóng chiến thắng Juventus giờ cũng đã lần lượt không chơi bóng nữa còn giải Campionato Federale FIF không còn lí do gì để tồn tại mãi. Tám đội bóng cùng với Juventus chơi vòng tròn 2 lượt, và chủ tịch Carlo Vittorio Varetti đưa họ lên vị trí thứ 3 dưới Pro Vercelli và Inter Milan (đội vô địch) sau 16 trận đấu. Ngôi sao gần như duy nhất là Ernesto Borel. Rồi kỹ sư Carlo Vittorio Varetti, sau 4 năm chèo lái, như là một người truyền trưởng, người cuối cùng rời con tàu Juventus để lại những năm tháng tiếp theo chìm đắm trong nuỗi buồn, những năm tháng có cả mất mát, có cả thất bại và có cả những cái chết vì chiến tranh. Carlo Varetti, Giovanni Goccione và Ernesto Borel đã rời đi một nơi nào đó, để lại Juventus cho Attilio Ubertalli, một người bạn của các cầu thủ. Đến năm 1913, Attilio Ubertalli lại nhường vị trí chủ tịch cho Giuseppe Hess, lúc đó đã là cựu cầu thủ một thời gắn bó rất lâu với đội.

Attilio Ubertalli và Giuseppe Hess hẳn là đã có những trải nghiệm không thể nào nguôi ngoai trong đời mình. Mùa giải 1910/11, lần đầu tiên người ta mở rộng giải vô địch với các đội bóng đông bắc xứ Veneto (có Verona, Venezia, Vicenza) và xuôi xuống phía nam xứ Emilia (có Bologna). Những đội bóng này trước đây đã thi đấu ở những giải của liên đoàn FGNI như chúng tôi đã từng nhắc đến. Với giải vô địch lần này, có rất ít cầu thủ đăng ký, lực lượng quá mỏng khiến sau 16 trận Juventus chỉ thắng được 3, hòa 4 và đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng 9 đội, dưới cả ba đội khác của xứ Piemonte là Pro Vercelli, Piemonte, Torino. Quả là đáng buồn, nhưng chưa có luật xuống hạng nên Juventus vẫn có mặt ở giải vô địch năm 1911/12. Vẫn với những cầu thủ ít ỏi trong tay như thế bước vào mùa giải mới, sau 18 vòng của mùa 1911/12, đội vô địch lại gọi tên Pro Vercelli còn Juventus còn được ít điểm hơn, chỉ thắng được 3, hòa 3 và đứng thứ 8/10 đội. Juventus của Attilio Ubertalli đứng trên bờ vực của sự tan rã, phai nhạt màu áo và bị lãng quên.

Giải bóng đá của FIGC tổ chức cũng bị xáo lên trộn xuống, sau 3 mùa giải áp dụng theo kiểu marathon nước Anh, hệ thống thi đấu của FIGC sụp đổ vì có quá nhiều đội đăng ký, mở rộng xuống cả miền trung xứ Toscana, Lazio và miền nam xứ Campania. Các bảng đấu của từng xứ được lập lại. Luật xuống hạng được áp dụng. Và tại xứ Piemonte, 6 đội tham gia đấu loại gồm có Pro Vercelli, Casale, Torino, Piemonte, Novara và Juventus (Novara đã thắng  sơ loại trước Vigor Torino để được quyền vào vòng này). Sau 10 trận đá vòng tròn 2 lượt Juventus chịu những thất bại lao đao khi giáp mặt Torino của huấn luyện viên huyền thoại Vittorio Pozzo (0-8 và 8-6), nhà vô địch Pro Vercelli (0-4 và 0-3), đội mởi nổi Piemonte (1-2 và 1-3). Cuối cùng Juve chỉ hòa 1 và thắng 1 trước đội lần đầu tiên chơi giải vô địch và phải đá sơ loại Novara (hòa 3-3, thắng 3-0). Nhưng dù thắng Novara được một trận, Juventus (3 điểm) vẫn xếp bét bảng và dưới cả Novara (4 điểm). Sự thật là Juventus phải đối mặt với lần đầu tiên xuống hạng ngay từ năm đầu tiên áp dụng luật! Mùa giải năm sau 1913/14 vẫn chưa có một giải B hay là Serie B của FIGC. Điều đó có nghĩa là, nếu đội bóng nào đứng bét bảng vào năm trước như Juventus, hầu như chắc chắn đội bóng ấy sẽ không được tham gia bất cứ một trận đấu nào trong giải năm sau.  

‘Bino’ Giuseppe Hess đã có mặt trong đội hình Juventus vô địch vào cái năm không thể nào quên 1905, nhưng là vô địch với đội... dự bị. Đến nay Giuseppe Hess đã có gần mười năm chơi với đội một, đã trở thành luật sư và đã đến lúc thay Attilio Ubertalli để trở thành chủ tịch trong hoàn cảnh ấy. Rõ ràng là Bino phải làm một điều gì đó để Juventus, đã bị coi là hạng hai ở Piemonte so với Pro Vercelli và Casale, không thể chết chìm. Mọi quyết định của FIGC sau này đều có tác động không nhỏ của Giuseppe Hess, cùng với cựu ngôi sao Juventus khác là kỹ sư Umberto Malvano (đã trở thành người quản lí) vốn có quan hệ rất thân với những người Milan và cả chủ tịch FIGC ở xứ Lombardia, luật sư nổi tiếng và quyền lực Giovanni Mauro, (bạn hãy nhớ Umberto Malvano đã rời Juventus năm 1904 để sang AC Milan). Nhưng cũng phải nói rằng, khi Serie B chưa ra đời, FIGC đã lâm vào áp lực ghê gớm bởi sự xuất hiện của ngày càng nhiều các đội bóng ở Italia, tất cả đều muốn tham dự giải vô địch.

Mùa hè năm 1913, một cuộc biểu tình lớn diễn ra tại trụ sở liên đoàn, tham gia hầu hết là các đội bóng nhỏ, những đội mới thành lập và cả những đội bị xuống hạng năm trước. Lực lượng cảnh sát địa phương (Regi Carabinieri) đã phải ra tay để giải tán đám đông. FIGC đã đưa ra quyết định điên rồ khiến cho giải vô địch 1913/14 bùng nổ về số lượng. Các đội đã bị xuống hạng (Modena, Racing Libertas, Alba Roma, Pisa, Juventus) vẫn được tham gia, một loạt các đội mới cũng được góp phần. Xứ Liguria (chỉ có Genoa và Andrea Doria) vốn đấu chung với Lombardia trong cùng một bảng vòng loại khu vực, nay chuyển sang đấu chung với Piemonte. Juventus ở xứ Piemonte được đi sang xứ khác, cụ thể là Lombardia. Brescia của xứ Lombardia phải sang xứ Veneto để nhường chỗ cho Juventus. Tổng cộng 45 đội đã tham gia giải vô địch 1913/14. Đó quả là những quyết định rối ren và mang đậm dấu ấn cá nhân, dẫu sao nó đã diễn ra.
Juventus đã được giải thoát, một loạt cầu thủ mới ra mắt và một thời kì mới lại bắt đầu. Tại vòng loại xứ Lombardia, Juventus trở lại một cách điên cuồng với hàng loạt trận thắng từ tỉ sổ 9-0 đến 5-0. Sau 18 trận đấu, các cầu thủ Juventus đã nã vào khung thành các đội 67 lần, 7 trận thắng cách biệt 5 bàn trở lên. Inter Milan đứng đầu bảng còn Juventus thứ nhì, Juventus quá mạnh trên sân nhà khi thắng Inter Milan 7-2, còn Inter Milan cũng quá mạnh trên sân nhà khi thắng lại Juventus 6-1, trận đấu được gọi là derby d’Italia sau này cũng có những ngày mở đầu kỳ lạ của nó như thế. Juventus và Inter Milan bỏ lại AC Milan đằng sau để dắt tay nhau vào vòng chung kết các xứ, ở đó cả hai kết thúc mùa giải với vị trí thứ 3 và 4. Lên ngôi vô địch là một đội Piemonte, Casale. Nhưng như thế cũng là quá đủ cho sự hồi sinh của Juventus rồi.

Tuy nhiên đá hồi sinh của bianconeri nhánh chóng bị vùi lấp bởi cảm giác run rẩy. Mùa giải 1914/15 chuẩn bị diễn ra trong sự hỗn loạn và sợ hãi khủng khiếp. Chiến tranh có thể đến bất cứ lúc nào, ở đâu, và với ai. Giải vô địch cũng có vô vàn các sự kiện loạn lạc của nó, các bảng đấu được sắp xếp chồng chéo, các xứ bị chia ra và di chuyển lung tung bởi quá nhiều đội bóng tham dự. Juventus trở về với bảng đấu chính của xứ Piemonte rồi dừng lại ở vòng bảng bán kết giữa các xứ tiếp theo. Những tháng ngày của luật sư Giuseppe Hess chấm dứt trong chia li và loạn lạc binh đao. Khi giải vô địch đang diễn ra và còn hai trận Genoa – Torino, Inter Milan – AC Milan vào ngày chủ nhật 23 tháng 5 năm 1915 thì đã phải dừng lại vì chuyện xảy ra trước đó chỉ ba ngày: Thứ 5, ngày 20 tháng 5, nghị viện Italia đã thông qua bỏ phiếu đưa quân đội tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Thứ bày, 22 tháng 5, tổng động viên quân đội. Chủ nhật, ngày 23 tháng 5, thay vì tổ chức vòng đấu cuối cùng quyết định chức vô địch, Italia tuyên chiến với liên minh Áo - Hung.

Những người Juventus lao vào cuộc chiến tranh như tất cả những người Italia khác. Trong đội hình 1915 ấy, 6 vào lính chiến còn 18 trở thành cứu thương hoặc một việc gì đó liên quan đến chiến tranh. Đến năm 1916, có khoảng 160 người từng là cầu thủ cũng như quản lí liên quan đến Juventus có mặt trong tấn bi kịch của lịch sử hiện đại này. Nhiều người đã không trở về. Nhiều người không còn trên đời để biết 5 năm sau, chức vô địch năm ấy được trao cho Genoa.
Không thể để li tán cắt đứt mọi sợi dây liên kết giữa những người anh em với nhau, Juventus thành lập nên một ban liên lạc chiến tranh, đứng đầu là Gioacchino Armano, Fernando Nizza, Sandro Zimbelli. Ba người sau này được coi là chủ tịch Juventus thời chiến tranh đã tìm nhiều cách để giữ thông tin của những thành viên của đội. Với sáng kiến của nhà thơ, nhà văn Corrado Corradini, tạp chí Hurrà Juventus ra đời và xuất bản số đầu tiên ngày 10 tháng 6 năm 1915. Hurrà Juventus như một tạp chí của những người yêu Juventus, kể chuyện cho nhau nghe, giữ liên lạc với nhau để đi qua cuộc chiến tranh này. Đến hôm nay, Hurrà Juventus vẫn tồn tại, cùng với kênh tv Juventus Channel và website www.Juventus.com trở thành ba ấn phẩm báo chí quan trọng nhất giữ liên lạc giữa Juventus và những người hâm mộ. Ngay từ tháng cuối năm 1915, Hurrà Juventus đã in loạt bài chép tay của Enrico Canfari rồi Giuseppe Hess về những năm tháng đầu tiên của Juventus. Và Cựu chủ tịch Enrico Canfari cũng là một trong những người đầu tiên ngã xuống trong cuộc chiến giữa Italia và liên minh Áo-Hung năm 1915 ấy.

Thực ra bóng đá không chết hẳn, trong mùa giải 1915/16, FIGC vãn tổ chức một giải vô địch ở miền bắc từ xứ Piemonte đến Emilia (không có các đội miền trung và miền nam) là Coppa Federale hay còn gọi Giải vô địch thời chiến. Dù bị mất nhiều cầu thủ tham gia vào cuộc chiến, nhưng hầu hết các đội ở miền bắc vẫn gom được lực lượng và hoàn thành giải đấu này vào cuối tháng 4 năm 1916. AC Milan lên ngôi và Juventus xếp thứ 2 trong bảng đấu chung kết gồm AC Milan, Juventus, Modena, Genoa, Casale. Nhưng về sau này, mặc cho sự phản đối từ phía AC Milan và các nhà báo, FIGC cũng không công nhận đây là một giải vô địch quốc gia, giống như cái cách họ chưa bao giờ công nhận 2 chức vô địch của Juventus ở giải Campionato Federale như chúng tôi đã kể ở trên. Đó là những trận đấu cuối cùng trước khi tất cả đều phải dừng lại vì chiến tranh leo thang.
« Last Edit: February 27, 2011, 11:31 PM by PAVELVNR »
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #7 on: February 28, 2011, 12:22 AM »
Logged
Từ những hạt mưa xuân diệu kỳ

Tháng 10 năm 1918, đề chế Áo-Hung chịu thất bại quyết định ở phòng tuyến Vittorio Veneto, ba trăm nghìn lính đầu hàng. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc với người dân Italia kèm theo 650,000 người mất mạng và gấp đôi con số ấy bị thương. Bảng tổng kết chiến tranh không chỉ đơn giản như thế, nó còn nhiều cảnh hoang tàn khác, như là những thành phố đổ nát bởi một trong những chiến trường ác liệt nhất chính là đất nước Italia. Phải một năm sau bóng đá mới hồi sinh tựa như một trong những cành cây khô cháy đầu tiên đâm chồi trở lại. Những con người lành lặn của Juventus cũng trở về, trụ sở chuyển đến số 43 đường Carlo Alberto, còn anh nhà thơ Corrado Corradini được bầu làm chủ tịch mới.

Trong số những Juventini trở lại, Giovanni Giacone là thủ môn, là cầu thủ Juventus đầu tiên thi đấu cho đội tuyển Italia, mở ra một truyền thống đáng được ngợi ca đối với các thủ môn Juventus. Giovanni Giacone và các đồng đội đã đưa Juventus bước vào giải vô địch năm 1919/20 đông đảo và rối ren chưa từng có của FIGC. Một lí do đơn giản, dẫu có rất nhiều đội không thể tập hợp trở lại được đội hình vì mất mát, giải vô địch lần này vẫn thu hút đến gần 70 đội bóng tham gia. Thời gian chuẩn bị một năm sinh ra một lịch thi đấu đồ sộ với hàng loạt bảng đấu loại, đấu bán kết, chung kết các vùng các xứ. Riêng xứ Piemonte đã có 2 bảng đấu loại, còn Lombardia có hẳn những 3 bảng! Juventus của Giovanni Giacone lần lượt đứng thứ 2 bảng đấu ở Piemonte (sau Pro Vercelli) và đứng đầu bảng vòng bán kết để cùng với Genoa và Inter (ở 2 bảng bán kết khác) là ba đội vào chơi chung kết miền bắc, chọn ra đội duy nhất đá với đội vô địch bảng miền trung-nam tranh chức vô địch. Tuy nhiên, Juventus đã không vượt qua được Inter Milan và dừng lại ở đó. Nhưng thành tích này cũng đủ để Giovanni Giacone chiếm vị trí trong khung thành của đội tuyển Italia. Anh trở thành cầu thủ Juventus đầu tiên làm được điều ấy trong lúc mà những cầu thủ Pro Vercelli hay vô số người nước ngoài hiện diện trong đội quân màu áo thiên thanh.

Không có một sự cải cách nào đáng kể trong hệ thống giải vô địch của FIGC, giải đấu tiếp tục bùng nổ về số lượng với hơn 100 đội tham gia của tất cả các xứ từ miền bắc đến nam. Mùa giải 1920/21 đi đến độ không thể kiểm soát nổi về thể thức thi đấu. Mỗi xứ có một thể thức đá vòng loại khác nhau để tranh suất đến vòng bảng quốc gia, đội bóng nhỏ hay lớn đều có cơ hội như nhau. Trong hoàn cảnh ấy, với chủ tịch mới là luật sư đầy tham vọng, Gino Olivetti, Juventus bị loại ngay từ vòng bảng xứ Piemonte bởi các đội bóng nhỏ hơn là Novara và US Torinese. Juventus chịu thiệt thòi. Điều đó cũng có thể coi là mâu thuẫn điển hình giữa các đội bóng mạnh và FIGC. Liên đoàn đã rơi vào trạng thái lúng túng không biết làm thế nào. Và sự lúng túng của FIGC đã đến giới hạn tan vỡ của nó.

Mùa giải 1921/22 huấn luyện viên Vittorio Pozzo của Torino đứng đầu nhóm các đội bóng lớn li khai khỏi FIGC. Một liên đoàn mới được thành lập, mang tên La Confederazione Calcistica Italiana (CCI). Họ nhận tổ chức một giải đấu riêng gồm toàn các đội bóng lớn khiến FIGC phải nhượng bộ đồng ý, nhận về mình giải đấu với toàn các đội tép riu. Juventus cũng theo CCI từ 1921/22 đến 1925/26, cho đến khi FIGC và CCI lại hợp với nhau năm 1926. Mùa giải 1921/22 Juventus chỉ đứng thứ 6 trong bảng đấu loại của CCI và mùa 1922/23 chỉ thêm được một bậc lên thứ 5. Tuy thành quả chỉ tàm tạm là thế mà trong suốt những ngày lịch sử của Juventus, hai năm này lại gợi nên những dấu mốc quan trọng còn đậm nét hơn cả cái năm 1904 sôi động ngày trước bằng việc xuất hiện của ba cái tên đặc biệt.

Mỗi một vị luật sư, bạn của hầu hết các cầu thủ thời còn đi học, đến với Juventus và đều để lại những dấu ấn không thể nào quên. Giacomo Parvopassu, Giuseppe Hess, rồi Gino Olivetti, tất cả đều có những ảnh hưởng tích cực đến thành công của đội. Như Gino, Olivetti, bạn có thể đánh giá chỉ bằng một từ, ‘tham vọng’. Ví dụ như hôm nay Juventus đang xây riêng cho mình Delle Alpi mới, để thành đội đầu tiên ở Italia sở hữu một sân bóng mà không phải thuê lại của hội đồng thành phố hay chung đụng với bất cứ câu lạc bộ nào khác nhưng trước đó 90 năm, ngày 19 tháng 10 năm 1922, Olivetti cùng ban lãnh đạo Juventus đã khánh thành sân Stadio di Corso Marsiglia (sử dụng từ 1922 đến 1933), 15,000 chỗ ngồi. Đây mới chính là sân bóng đầu tiên được gia cố bằng bê tông - cốt thép và thuộc sở hữu của một đội bóng mà cho đến giờ đây vẫn được coi là một trong những biểu tượng của kỹ thuật xây dựng Italia! Trụ sở của đội cũng được rời từ số 16 đường Via Botero về gần sân, trên đại lộ Corso Marsiglia.

Trước ngày khánh thành sân vận động khoảng vài tháng còn có một việc còn được coi là sánh ngang tầm vóc. Lúc đó Guido Marchi II, người vẫn còn tung hoành trong đội năm cuối cùng trước khi phải từ giã và trở thành quản lí vì lí do liên quan đến sức khỏe lúc mới 26 tuổi (có lẽ là do chấn thương), đi xem một trận đấu của các cầu thủ trẻ. Anh dường như không tin vào mắt mình khi nhìn thấy thủ thành trẻ tuổi có cái tên Giampiero Combi, mới chưa đến 18. Và mọi chuyện sau đó như một điều đã được tạo hóa sắp đặt, Giampiero Combi được mang về Juventus và lập tức chiếm vị trí trong đội một, phá bay mọi cú sút giúp Juventus vô địch 5 lần, giữ vị trí số 1 trong đội tuyển Italia liên tục hơn 10 năm và vô địch thế giới. Sau Luigi Durante và Giovanni Giacone, khung thành Juventus gọi tên Giampiero Combi.

Cuối cùng, dấu mốc thứ ba, mang tên Edoardo Agnelli, con trai thượng nghị sĩ Giovanni Agnelli, vào mùa hè năm 1923. Đây có vẻ như cũng là một câu chuyện xoay tròn, Eugenio Canfari được coi là chủ tịch đầu tiên của Juventus, đã rời bỏ niềm yêu thích trái bóng tròn để đến với đường đua của những chiếc xe hơi, xây nên nhà máy Taurinia của riêng mình. Để rồi hơn hai mươi năm sau, Edoardo Agnelli, một người đã có những nhà máy, những chiếc xe hơi, khu trượt tuyết nghỉ mát, lại yêu thích trái bóng và đến với Juventus. Lúc ấy Edoardo Agnelli 31 tuổi, là phó chủ tịch FIAT, phó chủ tịch Hội đồng kinh tế vùng Piemonte, chủ tịch hội đồng quản trị tờ báo La Stampa và thú vị là chính ông cũng đã tốt nghiệp ngành luật và từng là sỹ quan kỵ binh trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Có thể lấy nhiều lời hào hoa để nói về Edoardo Agnelli, như Hurrà Juventus viết trong tháng 7 năm 1923: “Với lòng hăng hái và hòa nhã tuyệt vời, ông có vốn kinh nghiệm phong phú, của thế giới, cuộc sống, của công việc, điều khiến ông đã thành công trong việc giúp sức một cách thực tế để điều hành những công ty lớn cho cha mình, thượng nghị sĩ Giovanni Agnelli; ông là người đam mê tất cả các môn thể thao, một tay lái cừ khôi, chủ tịch liên đoàn đua ngựa Torino, chủ tịch danh dự của Gruppo Sportivo Fiat; ông đã mang đến cho đội của chúng ta, cùng với đạo đức quý giá của mình, một cái tên thắp sáng một trong những môn thể thao danh tiếng nhất Italia, một trong những sáng tạo tuyệt vời nhất trong lao động của con người, danh tiếng của thể thao, vinh quang của lao động".

Nhưng thực tế không cần phải có những lời lẽ bóng bẩy ấy. Người cha đáng kính Giovanni Agnelli của ông là một người cha nghiêm khắc, luôn cư xử với các con của mình qua công việc chứ không phải tình cảm. Ở FIAT, Edoardo còn được cha trao ít quyền hạn hơn một người tài năng nhưng ngoài dòng họ Vittorio Valletta. Bản thân Edoardo Agnelli, lúc được bầu làm chủ tịch Juventus, chỉ đơn giản bày tỏ: “Các bạn thân mến, tôi biết ơn các bạn vì đã chấp nhận tôi như là một vinh dự, nhưng tôi hi vọng các bạn sẽ không giận, nếu tôi thú thật rằng, tôi không có quan tâm làm chủ tịch chỉ vì vinh dự.... Chúng ta phải cố gắng làm tốt công việc, nhưng cũng phải nhớ rằng, một điều đã làm được tốt, có thể làm được tốt hơn nữa”.

Ngày Edoardo Agnelli nhận chức chủ tịch Juventus và nói những điều giản dị ấy là ngày 24 tháng 7 năm 1923 và những gì Edoardo Agneli nói được tờ Gazzetta Dello Sport kể lại sau này. Thực tế Edoardo Agnelli mang đến cho Juventus ngoài tiềm lực tài chính để lập tức tăng cường đội ngũ, còn là tổ chức đội bóng quy củ, đầy đủ theo tư duy của một nhà công nghiệp quý tộc và có bàn đạp vững chắc. Bắt đầu từ đây, bằng sự kết hợp với dòng họ Agnelli và đế chế Fiat, hình ảnh của Juventus được người ta nhớ đến với những bản sắc không pha lẫn với đội nào: Sự sang trọng, tinh thần chuyên nghiệp và phong thái chiến thắng (eleganza, professionalità e mentalità vincente), một phong thái đặc sắc giống như lúc Juventus khoác lên mình chiếc áo đen-trắng năm 1903, aggressivi e forti. Gino Olivetti, thủ môn Giampiero Combi và chủ tịch Edoardo Agnelli chẳng khác nào ba giọt mưa xuân diệu kỳ đã khơi dậy nên sức sống mãnh liệt của bianconeri.
« Last Edit: February 28, 2011, 12:25 AM by PAVELVNR »
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #8 on: March 02, 2011, 12:04 AM »
Logged
Đến món tiền to của Virginio

Sự xuất hiện của Edoardo Agnelli cũng giống như sự xuất hiện của Alfredo Dick trước đây, nhưng ở một cấp độ cao hơn. Edoardo có một cách tiếp cận nền tảng hơn là Alfredo, bóng đá Italia năm 1923 cũng khác năm 1904 nên mọi thành công của Juventus dưới thời Edoardo đến một cách chậm dãi và vững vàng. Chậm dãi, nhưng không phải là không có một cuộc bùng nổ về chất lượng đội hình. Có thể nói thời gian đó Juventus đã gây nên cơn giông bão mạnh mẽ thổi thêm vào nền bóng đá vốn đang phát triển theo chiều hướng không thể kiểm soát nổi ở Italia.

Một chiến dịch chiêu mộ nhân tài rầm rộ. Lần đầu tiên Juventus có một huấn luyện viên đúng nghĩa, là người nổi tiếng Jenő Károly vốn có mặt trong đội hình Hungaria tham dự Olimpiadi di Stoccolma năm 1912. Tài chính không còn là vấn đề nữa, Jenő Károly nhận mức lương đáng mơ ước 2,500 lira một tháng và 10,000 lira tiền thưởng nếu vô địch.

Juventus bước vào mùa giải mới 1923/24 với tinh thần dào dạt. Sức hấp dẫn của họ còn thu hút ngôi sao hậu vệ Virginio Rosetta từ Pro Vercelli. Anh trở thành cầu thủ Italia đầu tiên được trả lương với mức 6,000 lira một tháng (chỉ) để chơi bóng. Virginio Rossetta được gọi là cầu thủ chuyên nghiệp đầu tiên trong lịch sử bóng đá Italia đồng thời gây ra tranh cãi lớn. Điều đặc biệt là cuộc tranh cãi này trở nên ồn ào chỉ ngay khi Virginio Rosetta chơi 2 trận đầu tiên cho Juventus, vòng đấu thứ 8 và 9 bảng A trong vòng loại trước Modena và Genoa. Đội châm ngòi đầu tiên lại không phải là đội đã bị giành mất ngôi sao Pro Vercelli mà là từ Genoa. Genoa chính đội bóng đang bị Juventus đe dọa vị trí đương kim vô địch lại vừa đứt mạch kỷ lục 30 trận liên tiếp không thua bằng… 3 trận thua liên tiếp (một trước Juventus). Và đó là nguyên nhân. Lí lẽ mà những người Genova đưa ra là Juventus đã phạm luật khi… trả lương cho Virginio Rosetta vì thời điểm này các đội bóng đều là nghiệp dư tinh khôi và thường không trả lương cho cầu thủ.

Thực ra trước đó, biết được ngôi sao Virginio Rossetta đang bị loại khỏi đội hình Pro Vercelli vì kỷ luật, Juventus đã kéo anh về Torino và hỏi chủ tịch Pro Vercelli, Luigi Bozino, đồng ý cho phép Rossetta thi đấu. Nhưng thời điểm năm 1923, quy chế của liên đoàn vẫn cấm cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp mặc dù việc trả lương chui lủi ngày càng trở nên phổ biến. Luigi Bozino, lúc đó cũng là chủ tịch FIGC, người vẫn ủng hộ quan điểm này, đã ra làm chứng không có lợi cho Virginio Rossetta. Kết quả là FIGC đã ra phán quyết xử Juventus thua 0-2 ba trận liên tiếp đầu tiên có Virginio Rossetta góp mặt (một với Genoa). Đây là lí do chính khiến Juventus bị đánh bật khỏi cuộc chiến với Genoa. Juventus cũng gây ra áp lực ngược lại để cuối cùng Pro Vercelli chịu nhận 50,000 lira tiền đền bù còn Virginio Rossetta được chơi tiếp sau đó, thậm chí được nhận lương, tuy rằng khoản tiền ấy không được gọi là lương mà ngụy trang là một chi phí nào đó. Nhưng dù sao thì 3 trận bị xử thua liên tiếp của Juventus thì vẫn giữ nguyên. Cuối mùa bóng này, Genoa lên ngôi một lần nữa, còn Juventus chỉ đứng thứ 5.

 ‘Vụ Rossetta’ như báo chí Italia ngày ấy gọi trở thành một dấu ấn nổi bật trong thời gian mới hình thành và gặp đủ rắc rối vì định kiến của bóng đá chuyên nghiệp Italia.
« Last Edit: March 02, 2011, 11:38 AM by PAVELVNR »
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #9 on: March 03, 2011, 10:11 PM »
Logged
21 năm chờ đợi và những cơn đau quỷ dữ

Sau mùa giải 1923/24, đội hình vẫn tiếp tục được cải thiện, đội bóng mạnh dần lên, thần chiến thắng đã đến rất gần, còn những con quỷ rắc rối, bi kịch cũng lởn vởn quanh sân Stadio di Corso Marsiglia. Số phận Juventus gắn với hình ảnh dòng họ Agnelli bắt đầu pha trộn trong lòng nó những vẻ đẹp lịch thiệp và cả những cơn đau quỷ dữ.

Dưới sự dẫn dắt của Edoardo Agnelli, Juventus được sắp xếp lại một cách có tổ chức, từng người quản lí được chia các nhiệm vụ riêng rẽ. József Viola từ Hungaria và tiền đạo tài năng Pietro Pastore (sau trở thành một diễn viên), cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử Juventus tiếp tục được chiêu mộ. Juventus bước vào mùa 1924/25 với 10 trận đầu tiên không thua, nhưng mọi chuyện trở nên tồi tệ bởi cái chết của tiền vệ Giuseppe Monticone vì chứng phình động mạch. Kể từ trận đấu cuối cùng của Giuseppe Monticone, ngày 21 tháng 12 năm 1924, Juventus thua 4 trận khi đối đầu với các đội cạnh tranh trực tiếp và kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 2 với 2 điểm ít hơn đội đầu bảng Bologna. Mất mát mang tên Giuseppe Monticone phủ nỗi đau lên cả đội và ước mong lên ngôi gác lại một lần nữa.

Rồi nỗi đau cũng dần qua đi, huấn luyện viên Jenő Károly lại tiếp tục xây nên một đội hình mạnh hơn cho mùa 1925/26. FIGC lại mở cửa rộng hơn đối với những người nước ngoài, đưa tiền đạo Ferenc Hirzer, một người Hungaria khác đến với Juventus. Không còn gì ngăn cản được nữa, Juventus tiến thẳng đến vị trí đầu bảng vòng loại miền bắc với 17 trận thắng, 3 hòa và chỉ thua duy nhất 2 trong tổng số 22 trận. Trong 17 trận thắng ấy, có 9 trận liên tiếp từ vòng 10 đến 17. Thủ môn Giampiero Combi phá tung mọi cú sút của đối phương và chỉ chịu nhặt bóng 14 lần, lập kỷ lục 934 phút liên tiếp giữ trắng gôn mà không một thủ môn nào sau này lập lại được. Ở trên kia, Ferenc Hirzer và các bạn của anh nã vào khung thành đối thủ 68 lần (riêng Ferenc Hirzer một nửa). Vượt qua bảng đấu loại, Juventus gặp lại đối thủ đương kim vô địch Bologna trong trận chung kết miền bắc.

Trận chung kết miền bắc lượt đi, Ferenc Hirzer ghi 2 bàn khiến Bologna chịu hòa 2-2 trên sân nhà. Lượt về, hai đội tiếp tục hòa 0-0 đầy kích động trên sân Stadio di Corso Marsiglia ngày 25 tháng 7. Chưa có luật bàn thắng trên sân khách, hai đội phải chờ một trận play-off tiếp theo ở sân trung gian của thành phố Milano. Trong lúc chờ đợi với căng thẳng ghê gớm ấy, huấn luyện viên Jenő Károly gục ngã ở tuổi 40 bởi một cơn đau tim vào ngày 28 tháng 7. Hai năm liên tiếp, Juventus đột ngột mất đi hai thành viên giỏi nhất của mình. Quỷ dữ lại khóc than ở Stadio di Corso Marsiglia, tưới lên sân cỏ những giọt nước mắt tang tóc mà không ai có thể hiểu được.

Bốn ngày sau, những cầu thù Juventus mất thầy, ngổn ngang trong lòng đã vượt qua nỗi đau để thắng Bologna 2-1. Tuần sau nữa là trận chung kết quốc gia, mọi tình cảm dành cho Jenő Károly biến thành những bàn thắng. Juventus nã vào khung thành Alba Roma (vô địch miền nam) 12 bàn sau 2 trận đi về và lên ngôi trong những nỗi niềm cảm xúc lẫn lộn vào ngày 22 tháng 8 năm 1926. Ferenc Hirzer giành ngôi vua phá lưới, kỷ lục 35 quả của anh đứng mãi cho đến hôm nay như 934 phút của Giampiero Combi. Pietro Pastore xếp thứ ba trong danh sách những người ghi bàn nhiều nhất. Sau 21 năm, Juventus lại lên ngôi vô địch Italia một lần nữa. Lần đầu tiên họ được in lên áo hình chiếc khiên ba màu tượng trưng cho chức vô địch gọi là scudetto. Nó có giá của nhiều thế hệ, của biết bao ngày vất vả chờ đợi, của chiến tranh, những cơn đau tim và của những cái chết để mãi về sau này, người ta có thể nói đó là định mệnh của Juventus.
« Last Edit: March 03, 2011, 10:23 PM by PAVELVNR »
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #10 on: March 05, 2011, 03:06 PM »
Logged
Liều thuốc mê của chính quyền phát-xít

Từ những năm 1927, bóng đá Italia chịu sức ép không nhỏ của chính quyền phát xít. Cuộc sống trở nên ngột ngạt hơn, nhất là đối với những cầu thủ nước ngoài. Liên đoàn bóng đá lại một lần nữa thay đổi luật, xây nên một rào cản giữa những cầu thủ nước ngoài và sân bóng chiều chủ nhật. Mỗi đội chỉ được phép đưa ra sân 1 cầu thủ nước ngoài. Đó là lí do hai ngôi sao Hungaria của Juventus là hậu vệ József Viola và tiền đạo Ferenc Hirzer không bao giờ được ra sân cùng nhau trong mùa giải 1926/27. Mất đi huấn luyện viên Jenő Károly đã tổn hại không nhỏ. József Viola được đưa lên làm huấn luyện viên kiêm cầu thủ. Nhưng việc József Viola và Ferenc Hirzer chia nhau thay phiên ra sân cũng khiến cho Juventus trở nên bối rối.

Giải vô địch năm 1926/1927 có một sự thay đổi nữa về thể thức, không còn đấu bảng khu vực. Tất cả 20 đội mạnh trong liên đoàn chia làm 2 bảng để chọn ra 6 đội vào chơi tiếp bảng chung kết chọn đội vô địch. Không quá khó để Juventus dẫn đầu bảng A để lọt vào vòng 6 đội cuối cùng. Thủ môn Giampiero Combi chỉ phải nhặt bóng 10 lần trong 18 trận vòng bảng đầu tiên. Nhưng đến đây, sức mạnh của Juventus đã không có cơ hội thể hiện. Ferenc Hirzer vắng mặt thường xuyên (chỉ được chơi 17/28 trận, ghi 15 bàn) khiến cho đội bóng của anh chỉ xếp thứ 3 ở cuối cùng. Thất bại này còn buồn hơn bởi chính một người của đội, hậu vệ Luigi Allemandi. Trước trận derby với Torino ngày 5 tháng 6 năm 1927, một người quản lí của Torino tên là Dr. Nani thông qua tay sinh viên Francesco Gaudioso sống cùng nhà khách trên đường Via Lagrange để mua chuộc anh chơi gian cho Torino thắng với giá 50,000 lira. Luigi Allemandi đồng ý và nhận trước 25,000 lira. Khi trận đấu diễn ra, thực tế Luigi Allemandi lại chơi rất tốt trong trận đấu đó như không hề để ý gì đến vụ mua bán này. Mặc dù vậy Juventus vẫn thua 1-2 và Torino lên ngôi vô địch.

Có vẻ Luigi Allemandi đã không phản bội Juventus và Dr. Nani từ chối trả nốt 25,000 lira. Những cuộc tranh cãi giữa Francesco Gaudioso và Luigi Allemandi cũng như Dr. Nani đã bị phóng viên Renato Farminelli của tờ báo bóng đá Tifone phát giác và tung lên mặt báo sau đó. Từ bài báo của Renato Farminelli, FIGC nhảy vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, có một điều đáng bàn là đại diện điều tra của FIGC là Leandro Arpinati, một lãnh đạo phát-xít của thành phố Bologna nên người ta luôn luôn nghi ngờ sự vô tư của kết quả điều tra của FIGC, Leandro Arponati và người phó của ông, Giuseppe Zanetti. Cuối cùng, phán quyết được đưa ra, Torino bị tước danh hiệu vô địch, Luigi Allemandi bị cấm thi đấu vĩnh viễn. Do lo ngại ảnh hưởng đến hình ảnh của chính quyền phát-xít ở Bologna, á quân Bologna cũng không được nhận danh hiệu này, Juventus cũng không. Scudetto 1926/27 vì thế bị treo vĩnh viễn cho đến ngày hôm nay.

Sự việc năm 1927 mãi đi vào bóng tối trong nỗi hồ nghi của tất cả các bên liên quan. Người ta không bao giờ quay trở lại điều tra nữa, dù phán quyết không trao quyền vô địch cho Bologna hay Juventus đi ngược với luật của ủy ban Olimpiadi quốc tế IOC, dù FIGC đã đôi lần hứa hẹn xem xét lại. Sau khi đoạt huy chương đồng bóng đá tại Olimpiadi năm 1928, Luigi Allemandi lúc đó đã phải khăn gói sang Inter Milan, cũng được xóa án.

Áp lực của chính quyền phát-xít ngày càng tăng trong liên đoàn bóng đá, logo của scudetto phải đặt thêm biểu tượng phát-xít ở hai bên, mùa giải 1927/28 cấm cửa hoàn toàn đối với các cầu thủ nước ngoài. Juventus mất nốt ngôi sao Ferenc Hirzer, anh buộc phải trở về Hungaria. Giờ đây tất cả đội hình chỉ còn lại huấn luyện viên kiêm cầu thủ (nhưng không được vào sân) József Viola là người nước ngoài và Juventus rơi vào trạng thái không thể bứt phá nổi, hay hôn mê trên cao. Ngày cả khi huấn luyện viên mới người Scozie, George Aitken về thay József Viola (sang Inter Milan 1 năm), mọi chuyện cũng không hề thay đổi. Tiếp hai năm nữa 1927/28, 1928/29, Juventus phải chịu đứng sau hoặc Bologna hoặc Torino. Một mình thủ môn Giampiero Combi và Virginio Rosetta chỉ có thể giúp đội bóng ít bị thủng lưới nhất chứ không đủ sức để vượt lên trên đối thủ.

Chủ tịch Edoardo Agnelli và những người quản lí phải làm một điều gì đó trước lệnh cấm của phát-xít để lôi đội bóng thoát khỏi mê cung á quân này và chính Olimpiadi năm 1928 ở Amsterdam là nơi mà Edoardo Agnelli để ý. Năm ấy đội tuyển Italia chỉ giành được huy chương đồng môn bóng đá, hai huy chương đẹp đẽ hơn về tay những người Nam Mỹ, Uruguay và Argentina. Trong đội tuyển Argentina không thiếu những oriundi, như tiền vệ chạy cánh Raimundo Orsi đã làm điên đảo ánh mắt của người xem. Chính ở Olimpiadi này, Edoardo Agnelli đã nhìn thấy con đường sáng trong, chính quyền phát-xít không thể nào cấm những người con Italia trở về quê nhà.

Mặc dù tất cả mọi người đều biết Raimundo Bibian Orsi giỏi như thế nào, nhưng chỉ vài người tin vào tai mình khi nghe tin rằng Juventus đề nghị một mức lương 8,000 lira cộng một chiếc xe Fiat cùng một lái xe cho ông sử dụng, một sự xa xỉ hiếm có để đổi lấy việc chơi trong màu áo đen-trắng. Đi cùng với Raimundo từ Argentina sang là một đồng đội oriundo khác, Renato Cesarini. Tất nhiên, Raimundo Orsi không cần suy nghĩ lâu về lời đề nghị của Edoardo Agnelli, anh lập tức kí hợp đồng vào mùa hè năm 1928. Nhưng phải đến mùa giải 1929/30, tất cả giấy tờ chứng minh Orsi và Cesarini là những oriundi mới hoàn tất, và họ bắt đầu mở ra làn sóng oriundi đầu tiên ở Serie A, trong cái năm mà giải vô địch Italia chính thức gọi là Serie A với thể thức vòng tròn hai lượt.

Thể thức với của giải vô địch được quyết định bởi chủ tịch liên đoàn phát-xít Leandro Arpinati, 18 đội Serie A bên cạnh 18 đội Serie B. Khi luật mới của chủ tịch Leandro Arpinati thổi vào bóng đá Italia một không khí nóng bỏng thì Raimundo Orsi và Renato Cesarini mang đến cho Juventus làn gió tươi mát. Sau Ferenc Hirzer, Juventus đã tìm được một người biết sinh ra những bàn thắng. Ba mươi tư trận đấu đầu của mùa giải đầu tiên ấy, Raimundo Orsi ghi 15 bàn, một thành tích đáng kể đối với một cầu thủ nước ngoài (sau này chỉ có Michel Platini và Zlatan Ibrahimovic có nhiều hơn, 16 bàn). Thế nhưng Juventus vẫn chưa thoát khỏi cảnh chết giấc ở vị trí thứ 3, đứng sau đội phát-xít vô địch Ambrosiana-Inter (do Internazionale Milano với US Milanese nhập làm một) và Genoa. Điều đó làm cho Edoardo Agnelli không hài lòng, huấn luyện viên George Aitken mất chức.
« Last Edit: March 05, 2011, 08:55 PM by PAVELVNR »
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #11 on: March 06, 2011, 08:57 PM »
Logged
Người tình của nước Ý, món quà cho Benito

Từ Alessandria, cựu huấn luyện viên đội tuyển Italia giàu kinh nghiệm Carlo Carcano cùng sơ đồ chiến thuật WW 2-3-2-3 được mời đến Torino. Theo đuôi thầy là tiền đạo Giovanni Ferrari, mảnh ghép cuối cùng của một đội Juventus vô địch hoàn thành. Trong tay Carlo Carcano đã có đội hình chính WW: Thủ môn Giampiero Combi; hậu vệ Virginio Rosetta - Umberto Caligaris; tiền vệ Oreste Barale - Mario Varglien - Federico Munerati - Renato Cesarini - Francesco Rier; tiền đạo Giovanni Vecchina -  Raimundo Orsi - Giovanni Ferrari. Không ai có thể cản được Juventus ở mùa giải 1930/31 nữa, kể cả những đội bóng được chính quyền phát-xít ủng hộ như là Bologna và Roma. Sau 5 năm lòng nhiệt tình của Edoardo Agnelli lại được đền đáp, bằng chức vô địch lần thứ 3 ngọt lịm.

Những trận đấu và chiến thắng của Juventus thu hút một lượng cổ động viên lớn, ở tất cả mọi tầng lớp xã hội Italia. Đặc biệt, những người công nhân miền trung và miền nam đang làm việc trong những nhà máy của Fiat đã trở thành những cổ động viên nhiệt thành nhất. Fiat cho họ một công việc, và Juventus mang đến những niềm vui. Đó là lí do đầu tiên, giải thích cho việc hiện tại Juventus đang có số cổ động viên nhiều nhất ở Italia, mà phần lớn lại đến từ miền nam. Đó là những tháng ngày đầu tiên, Juvenetus được gọi là La Fidazanta d’Italia (Người tình của nước Ý), một người tình quyến rũ không chỉ vì sắc đẹp, mà còn vì những gì mối quan hệ giữa Fiat và Juventus mang đến cho họ, ổ bánh mì của cuộc sống thường ngày và những tiếng cười vui sau giờ lao động mệt nhọc.

Khi người tình Juventus trở nên đẹp hoàn hảo với những món trang sức oriundi, không gì có thể đánh bại. Mùa bóng 1931/32, một oriundo Argentina nữa xuất hiện, là hậu vệ Luis Felipe Monti, người cũng sẽ chơi cho cả đội tuyển Argentina và Italia như Raimundo Orsi. Juventus lần thứ 4 lên ngôi trong lúc mà Bologna, Ambrosiana-Inter và Roma dù có những chân sút siêu hạng như Angelo Schiavio, Giuseppe Meazza, những người mỗi mùa có thể sút thủng khung thành của đối phương 30 lần cũng không giúp gì được cho đội bóng của họ ngoài việc tranh nhau vị trí thứ 2.

Ổn định là điều làm nên một serie thành công. Mùa bóng 1932/1933, huấn luyện viên Carlo Carcano bổ sung vào hàng tiền đạo của mình anh chàng mới 18 tuổi Felice Placido Borel mà người ta vẫn gọi là Borel II để phân biệt với cha anh, Ernesto Borel và anh trai anh, Giuseppe Aldo Borel. Ba người đàn ông của dòng họ Borel để lại những kỷ niệm không thể nào quên và trở thành những người hùng thực sự. Trong cái năm mà Juventus vô địch lần thứ 3 liên tiếp, lính mới Pelice Borel ghi 29 bàn thắng trong 28 trận, một kỷ lục về hiệu suất mà gần 70 năm sau, Christian Vieri mới phá nổi. Không giống cha anh đơn độc những năm 1910, Pelice Borel có những đồng đội tuyệt vời đẩy bánh xe bianconeri lăn bẹp tất cả. Trên sân vận động mới của hội đồng thành phố mang tên Stadio Comunale (thực ra lúc đó phải đặt tên là Benito Mussolini), trong mùa bóng 1933/34, Felice Borel 31 lần làm thủng khung thành đối thủ, vượt qua cả đàn anh Giuseppe Meazza và như thế Juventus có cầu thủ đầu tiên nhận danh hiệu vua phá lưới.

Benito Mussolini, một người phát-xít độc tài, hoặc là rất đam mê thể thao, hoặc là muốn dùng thể thao để đẩy hình ảnh và danh dự của người Italia lên cao. Dù cách này hay cách khác, dù hiểu như thế nào thì thể thao và bóng đá Italia vẫn có lợi. Ở Olimpiadi Amsterdam 1928, hẳn Benito Mussolini đã thất vọng khi đội thể thao Italia chỉ xếp thứ 7 trên bảng tổng sắp huy chương. Hai năm sau, đội tuyển bóng đá Italia vắng mặt ở mundial lần đầu tiên trên đất Uruguay vì lí do đường xa (để đến được Uruguay, các cầu thủ phải mất cả tháng đi tàu thủy). Tháng 10 năm 1932, tại Stokomla, Benito Mussolini đã thuyết phục được liên đoàn bóng đá thế giới trao quyền đăng cai World Cup 1934 cho Italia chứ không phải Thụy Điển, nước đồng đăng cai duy nhất.

World Cup 1934 đến Italia khi Juventus đang lao đi sầm sập, trầm mạnh như một con chiếc xe lửa chạy đầu máy hơi nước, nên không có lí do gì để huấn luyện viên đội tuyển Vittorio Pozzo từ chối một lô các cầu thủ của họ. Từ thành viên đầu tiên, thủ môn Giovanni Giacone năm 1920, số cầu thủ bianconeri có mặt trong đội tuyển quốc gia tăng dần lên thành 9 người năm 1934. Chín cầu thủ Juventus trên tổng số 22 người vào năm 1934 gồm có Luigi Bertolini, Felice Borel, Umberto Caligaris, Gianpiero Combi, Giovanni Ferrari, Luis Monti, Raimundo Orsi, Virginio Rosetta, Mario Varglien. Huấn luyện viên Carlo Carcano cũng bị (hay được) Vittorio Pozzo gọi nốt lên làm trợ lí. Báo chí và những người xem gọi đó là Đội tuyển quốc gia Juventus (La Nazionale Juventus).  

Vòng chung kết năm đó, Italia lên ngôi vô địch bởi áp lực của Benito Mussolini không thể phủ nhận. Khát khao của Benoti Mussolini đã đẩy các đội đối thủ vào một nỗi sợ hãi vô hình (như trước trận bán kết với Áo, huấn luyện viên Áo Hugo Meisl nói “chúng tôi rất sợ Italia, nhưng còn sợ trọng tài hơn”. Giờ đây áp lực của Benoti Mussolini góp phần vào chiến thắng của đội tuyển Italia như thế nào thì vẫn là điều gây tranh cãi, còn lại, công sức thuộc về Vittorio Pozzo và 9 cầu thủ Juventus. Trận mở màn với Mỹ, 6 cầu thủ Juventus góp mặt trong đội hình 11 người: Thủ môn Giampiero Combi, đội trưởng Virginio Rosetta, Luis Monti, Luigi Bertolini, Giovanni Ferrari và Raimundo Orsi. Trận cuối cùng, với Czechoslovakia, 5 Juventus góp mặt: Thủ môn đội trưởng Giampiero Combi, Luis Monti, Luigi Bertolini, Giovanni Ferrari, Raimundo Orsi. Đấy là cách mà đội tuyển Italia của Vittorio Pozzo chiến thắng, đấy là cách mà Juventus sơn hình bóng của mình vào màu áo thiên thanh, một màu sắc không bao giờ phai mờ mà ngày càng sâu đậm trong lịch sử của đội bóng.

Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #12 on: March 07, 2011, 09:42 PM »
Logged
Bóng ma cùng chiến tranh lại trở về

Con tàu cứ thế lao đi, vùn vụt rọi đèn pha vào mọi ngóc ngách tối tăm nhất của đời sống những con người ở Torino, nhưng bóng hình của quỷ dữ lại dần bộc lộ sức mạnh đen tối của nó. Ngay cuối mùa bóng 1933/34, Giampiero Combi đã không còn đứng trong khung gỗ nữa sau 13 năm. Anh chơi cho đội tuyển thêm một năm nữa rồi đến với công việc nhẹ nhàng đằng sau đội bóng. Giampiero Combi đã dừng lại sau 5 lần giành scudetti và lời chia tay của anh như rung lên một bản nhạc chia li sầu thảm của Juventus.

Ngày 16 tháng 12 năm 1934, ngay trước trận vòng đấu thứ 9 Serie A, huấn luyện viên Carlo Carcano bị sa thải. Không phải vì đội bóng chơi kém. Không ai biết tại sao, chỉ có những lời đồn đoán. Đội bóng tuyên bố đó là vì lí do cá nhân, còn người ta kháo nhau rằng Carlo Carano bị phát hiện là dân đồng tính, một điều tồi tệ nếu bạn sống trong thế giới phát-xít. Có thể đó chỉ là những lời đùa cợt độc địa dành cho Carlo Carcano, nhưng dẫu sao ông cũng đã phải vùi mình trong bóng đêm 10 năm liền cho đến khi kết thúc chiến tranh, và không bao giờ quay trở về Torino nữa.

Mất đi hai trong số những cá nhân ưu tú nhất, nền tảng của Juventus vẫn đủ sức giành scudetto lần thứ 5 liên tiếp với hai đồng huấn luyện viên thay thế Carlo Bigatto - Benè Gola, 2 cựu cầu thủ của đội. Ngày 2 tháng 6 năm 1935, Juventus thắng trận cuối cùng 1-0 trên đất của Fiorentina, hơn Ambrosiana Inter chỉ 2 điểm. Năm lần liên tiếp vô địch Italia, kỷ lục này, là khúc vĩ thanh cuối cùng gắn với tên người xây nên tất cả những chiến thắng ấy, là chủ tịch Edoardo Agnelli. Ngày hè chủ nhật 14 tháng 7 năm 1935, Edoardo Agnelli ngồi trên chiếc thủy phi cơ Savoia-Marchetti S.80 của cha mình, chạy từ Forte dei Marmi (Toscana) về cảng Genova. Nó đã đâm vào một khúc gỗ trôi nổi trên biển, và liền sau đó, những điều tra cho thấy đầu của ông đã va vào cách quạt vẫn đang quay còn phi công của thời thế chiến I, Arturo Ferrarin thì bình an vô sự. Edoardo Agnelli vĩnh viên ra đi một cách bi thảm nhất khi mới 43 tuổi, mở ra bi kịch đầu tiên trong một chuỗi những bi kịch đau đớn của dòng họ Agnelli đến tận ngày hôm nay. Còn đối với Juventus, từ khi gắn với hình ảnh gia đình Agnelli, là định mệnh cũng sắp đặt như thế rồi, cái chết.  

Bảy người con của Edoardo Agnelli (trong đó có Giovanni AgnelliUmberto Agnelli) còn quá nhỏ để tiếp nối những gì cha mình đang làm hay đưa Juventus vượt qua được mất mát của nó. Cha của Edoardo Agnelli, người sáng lập Fiat, Giovanni Agnelli, đã già và không có quá nhiều quan tâm và thời gian dành cho đội bóng. Thực tế có lẽ ông cũng không thích bóng đá. Vị trí chủ tịch Juventus được đặt vào tay hai cựu cầu thủ Enrico CraveriGiovanni Mazzonis, những người đã từng thân cận và là cánh tay mặt của chủ tịch Edoardo Agnelli.

Hai oriundi Renato Cesarini và Raimundo Orsi trở về quê hương thứ 2 Argentina còn tiền đạo Giovanni Ferrari rũ bỏ chiếc áo trắng đen để đến với Inter Milan vì yêu cầu đòi tăng lương không được đáp ứng. Juventus chỉ có những bổ sung lực lượng mỏng manh, như là ông anh nhà Borel, Giuseppe Aldo Borel. Một thế hệ những người anh em lần lượt chia tay. Enrico Craveri và Giovanni Mazzonis có thể thay Edoardo Agnelli giữ cho đội bóng không chết theo ông nhưng để nó sống khỏe thì họ không thể với một tiềm lực tài chính không được ủng hộ nữa.
 
Trong mùa giải 1935/36, Virginio Rossetta trở thành huấn luyện viên kiêm cầu thủ và ĐKVĐ Juventus của anh cuối cùng chỉ đạt đến vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng, dẫu cho tiền đạo trẻ Guglielmo Gabetto ghi được hai mươi bàn thắng, dẫu cho anh em nhà Borel thường xuyên chơi cặp cùng nhau. Khó khăn mới chỉ bắt đầu, một lần nữa Juventus lại phải trải qua những ngày khốn khổ như trước đại chiến lần thứ nhất, như thể số phận của Juventus cứ gắn với số phận của bóng đá Italia và cả lịch sử của đất nước ấy.

Với huấn luyện viên Virginio Rossetta, đưa Juventus trở lại con đường chiến thắng là một nhiệm vụ quá khó khăn khi trong tay anh không có tất cả là những cầu thủ tài ba nữa. Đội bóng tiếp tục đứng thứ 5 một lần nữa vào mùa 1936/37. Khi Palacido Felice Borel liên tục bị chấn thương, Guglielmo Gabetto không còn ghi bàn đều đặn thì Juventus trở nên khó khăn hơn nữa. Hàng thủ vững chắc được dẫn dắt bởi ngôi sao mới Pietro Rava chỉ có thể cố gắng đưa Juventus lên vị trí thứ 2 vào mùa bóng 1937/38. Dù sao thì cũng có một niềm an ủi nhỏ, Juventus của Virginio Rossetta thắng Torino và giành được Coppa Italia trong năm đấy.

Lực lượng của Juventus suy giảm kéo theo ảnh hưởng của bianconeri ở đội quân áo thiên thanh giảm đi trông thấy. Trong năm 1938 World Cup đã bị bao phủ bởi mùi thuốc súng cùng cảm giác chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Và khi Benito Mussolini hạ lệnh ‘thắng hay là chết’ cho các cầu thủ thì Juventus chỉ còn 2 thành viên trong đội tuyển (là Alfredo Foni, Pietro Rava). Số còn lại phần lớn thuộc về những đội bóng thân phát-xít như Bologna, AS Roma và trên hết là Ambrosiana-Inter. Đó cũng là lần duy nhất Italia đoạt cúp mà sự hiện diện của Juventus lại nhạt nhòa. Coppa Italia năm 1937/38 và vị trí thứ 2 là lần chống đỡ cuối cùng của Juventus trước những ngày suy thoái hoàn toàn. Virginio Rossetta phải đầu hàng, đội bóng của ông tụt một mạch xuống thứ 8 ở mùa 1938/39. Chỉ vài ngày sau, đại chiến thế giới lần thứ 2 bắt đầu ở Ba Lan.
« Last Edit: March 08, 2011, 03:46 PM by PAVELVNR »
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #13 on: March 09, 2011, 09:55 PM »
Logged
Những bánh xe lăn qua thời bom đạn

Umberto Caligaris, đồng đội ngày nào của Virginio Rossetta thay thế cho anh, đưa Juventus đi qua những ngày bắt đầu chiến tranh gian khó. Việc của Umberto Caligaris không phải là dựng nên một đội bóng mới từ những ngôi sao mới, mà cũng giống như Virginio Rossetta, ông tiếp tục mới một đội hình khiêm tốn. Dù thế Umberto Caligaris cũng đã thành công, Juventus trở lại vị trí thứ 3 mùa bóng 1939/40. Ở đó một hậu vệ trẻ măng được phát hiện có tên là Carlo Parola, gần 18 tuổi. Nhưng sự nghiệp của Umberto Caligaris và cơ hội phục sinh của Juventus chấm dứt bằng một sự kiện bi thương cho ông, quỷ dữ lại trở về và lấy đi sinh mạng của ông ngay trên sân cỏ.

Ngày 20 tháng 10 năm 1940, một tuần trước khi Benito Mussolini xua quân đến Hy Lạp, chính thức tham chiến trên bộ, ở vòng đấu thứ 3 của mùa giải 1940/41 với Genoa, Umberto Caligaris ngục ngã bởi chứng phình động mạch như Giuseppe Monticone phải chịu đựng năm 1925. Ông ra đi như Jenő Károly đã mất năm 1926. Juventus lại chìm trong những ngày đau thương và kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 5. Mọi nỗ lực đưa Juventus trở lại với scudetto với chủ tịch quý tộc thân phát-xít Emilio De la Forest de Divonne trong nhiều năm đều thất bại. Cuối mùa bóng 1940/41, vị trí chủ tịch được nhường lại cho Piero Dusio, một tay chơi, một tay đua, một người thành đạt trong nghề kinh doanh xe hơi và cũng là cầu thủ Juventus trong những năm 1920. Và Piero Dusio đã cầm lái con tàu Juventus đi qua chiến tranh, với tất cả những gì ông có thể giúp cho con tàu ấy.

Giovanni Ferrari, sau một thời gian rũ áo ra đi và đã giành được scudetto thứ 8 (kỉ lục Italia cùng với 2 cầu thủ Juve khác là Giuseppe Furino và Ciro Ferrara), trở về làm huấn luyện viên kiêm cầu thủ lúc mà khắp châu Âu ám mùi khói bom. Nhưng Juventus cũng mất ngôi sao gần như duy nhất Guglielmo Gabetto và cả Felice Borel vào tay AC Torino. Dưới sức ép của chính quyền phát-xít, dần dần tất cả các đội bóng phải đổi tên, bỏ đi những từ có nguồn gốc ngoại bang, Foot-ball Club Juventus nay đã trở thành Juventus Cisitalia (Cisitalia là tên một nhà máy xe hơi của chủ tịch Piero Dusio). Foot-ball Club Torino sau khi phải đổi thành Associazione Calcio Torino (1936) lại đổi tiếp thành Torino Fiat - điều chúng tôi chưa biết lí do tại sao (www.badamgia.com). Ở Italia, chết chóc vì đạn pháo và súng máy chưa lan tỏa, Serie A vẫn khởi tranh rồi Juventus cũng chỉ đứng thứ 6. Nhưng trong những lúc nhạt nhòa như thế, vẫn có một niềm vui. Lần thứ 2 sau lần đầu tiên năm 1937/38, Juventus lại đoạt Coppa Italia, đá bại AC Milan 4-1 trong trận chung kết. Tuy thế đó chỉ là một niềm an ủi nho nhỏ. Chuyện đáng kể là chiếc cúp ấy không mang tên Giovanni Ferrari, vì ông đã lần thứ 2 ra đi từ giữa mùa móng, chỉ sau 17 trận (thua đến 6). Huấn luyện viên mang về Coppa Italia thứ 2 cho Juventus là Luis Monti, người trở lại Juventus chỉ trong thời gian ngắn ngủi cuối mùa bóng 1941/42 trước khi đến lượt Felice Borel quay về.

Serie A có mùa giải cuối cùng 1942/43 trước khi yên lặng. Juventus chào đón ngôi sao lớn của Serie A, Giuseppe Meazza đến chơi mùa bóng đầu tiên và cũng là duy nhất ở Torino. Mười bàn thắng của Giusseppe đã đưa Juventus lên vị trí thứ 3, trên đội 2 bóng cũ của anh là Ambrosiana Inter và AC Milan.

Đến tháng 7 năm 1943, quân đồng minh sau khi đánh Italia tơi tả trên khắp các chiến trường Địa trung hải, bắc Phi, Balkan và giành lại hầu hết thuộc địa, đã liên tiếp tổ chức các đợt tấn công đổ bộ vào Sicilia, Salerno, Taranto. Benito Mussolini bị hội đồng phát-xít phế truất và cầm tù. Serie A chấm dứt vì khắp từ Sicilia đến Roma trên đất Italia tràn ngập xe tăng và đạn pháo của quân Đức, Mỹ, Mỹ gốc Nhật, Mỹ gốc Phi, Ba Lan, Tiệp Khắc, Ấn Độ, New Zealand, Nam Phi, Pháp, Hy Lạp.

Nhưng giống như năm 1916, thật ra thì bóng đá cũng không lịm hẳn. Năm 1944, dù quân Italia đã thất bại thê thảm trên mọi mặt trận, quân đồng minh đổ vào miền nam nhưng miền bắc Italia vẫn được quân Đức bảo vệ từ phòng tuyến Gotica (Linea Gotica) cắt đôi đất nước. FIGC do đó cũng phải chia làm hai nửa để tồn tại. Phần phía bắc tổ chức giải đấu gọi tên Campionato Alta Italia 1944. Luật đấu như thời trước khi Serie A ra đời, nghĩa là chia từng bảng đấu. Ở phía nam chia thành các bảng nhỏ hơn về các xứ khác nhau bởi việc di chuyển từ xứ này sang xứ kia là không thể, bất cứ lúc nào cũng có thể dính đạn bom trên đường phố. Tuy thế giải đấu vẫn diễn ra trọn vẹn. Juventus chỉ vào được đến bán kết (vòng bảng thứ 2), chịu kém Torino giờ sắp trở thành grande Torino 1 điểm và dừng lại. Sau grande Torino cũng chịu thua đội lính cứu hỏa AC Spezia trong loạt chung kết toàn quốc (các đội dưới phòng tuyến Gotica không thể tham gia). AC Spezia, đội bóng có vẻ đã lợi dụng quyền hành của cảnh sát và quân đội thời chiến để gọi một loạt cầu thủ giỏi ở Serie A nhập ngũ rồi sung vào đội nên đã giành scudetto đầu tiên và duy nhất cho đến ngày hôm nay. Nhưng vì những tranh cãi quyết liệt được tung hứng bởi báo chí ngày ấy, phải 58 năm sau, FIGC mới công nhận đó là một scudetto nhằm vinh danh những con người đã không sợ đạn bom để đến với bóng đá.

Ngày 28 tháng 4 năm 1945, Benito Mussolini và người tình Clara Petacci bị lính cộng sản Italia bắt lại và giết chết bên hồ Como sau một thời gian vượt ngục. Ngày 29 tháng 4, xác hai người bị đưa về Milano vào treo cổ trên quảng trường Piazza Loreto. Ngày 2 tháng 5, quân Đức ở Italia đầu hàng đồng minh. Trục phát-xít sụp đổ, tiếng pháo thưa dần, khói súng đã tan, bóng đá lại trở về với niềm vui của nó. Một loạt các đội bóng lấy lại tên khai sinh của của mình. Juventus Cisitalia về với Juventus Foot-ball Club (‘Foot-ball Club’ chuyển đứng sau). Mùa bóng đầu tiên của họ sau chiến tranh, với chủ tịch Piero Dusio và huấn luyện viên kiêm cầu thủ Felice Borel, 1945/46 có một sức sống mới khi những bánh xe Juventus đã vượt qua bao khó khăn gian khổ.

Những người cũ vẫn còn đó, Giovanni Varglien, Carlo Parola, Pietro Rava, Felice Borel. Juventus cũng tìm kiếm thêm cho mình nhiều người mới từ nơi khác, chẳng hạn như ngôi sao tiền đạo lừng danh Silvio Piola hay tiền vệ Aristide Coscia. Những con người ấy đã đưa Juventus vượt qua vòng đấu bảng miền bắc (đứng thứ 3 sau AC Torino và Internazionale Milan). Vào đến vòng bảng chung kết quốc gia, Juventus vượt lên trên Internazionale Milan nhưng vẫn chịu đứng thứ 2 vì kém Grande Torino 1 điểm. Dù không giành được scudetto, đó vẫn là một mùa giải bắt đầu hồi sinh đáng nhớ, mở đầu bằng chiến thắng Torino 2-1 trong trận derby della Mole.
« Last Edit: March 10, 2011, 02:00 AM by PAVELVNR »
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #14 on: March 14, 2011, 12:26 AM »
Logged
Gianni Agnelli và biến cố dưới chân giáo đường

Chấn thương dai dẳng đeo bám Felice Borel. Y học thể thao chưa đủ khả năng để điều trị khiến anh ra sân được rất ít trận đấu trong suốt nhiều năm. Cơ hội của anh với đội tuyển Italia vì thế mà cũng thật ít ỏi. Và lúc này đây, kết thúc mùa giải 1945/46 cũng là lúc mà Felice Borel nói lời tạm biệt màu áo đen-trắng mà anh đã mặc suốt 13 năm qua. Vị trí huấn luyện viên của Felice Borel trao cho oriundo Renato Cesarini. Giống như Luis Monti, Renato Cesarini cũng có ngày tái hợp Juventus trên băng ghế huấn luyện, bắt đầu cho mùa bóng 1946/47, năm mà giải vô địch chính thức trở lại với thể thức Serie A.

Chủ tịch Piero Dusio có lẽ đã làm hết sức mình để đưa đội bóng trở lại với con đường chinh phục scudetto, biến những trận derby delle Mole trở nên kịch tính và cân bằng nhất trong lịch sử. Ông tiếp tục đưa về những cầu thủ mới, những người Balkan và nam Âu: Oscar Vicich (Croatia), Čestmír Vycpálek (Czechoslovakia), Július Korostelev (Czechoslovakia), Alceo Lipizer (Croatia). Cùng với họ là các cầu thủ trẻ Italia mà chúng ta không thể nào và không bao giờ có thể bỏ qua anh em nhà Sentimenti, Pietro Rava, Carlo Parola và Giampiero Boniperti. Nhưng Grande Torino đã tạo ra một khoảng cách quá lớn đối với phần còn lại của Serie A khiến cho một mình Juventus không thể làm gì được. Họ đang trên đường lập lại kỷ lục 5 lần liên tiếp vô địch của chính Juventus. Renato Cesarini và các cầu thủ của ông vẫn ngậm ngùi đứng thứ 2 Serie A 1946/47. Nhưng một hình bóng mới của nhà vô địch lại xuất hiện trong cái tên Giampiero Boniperti. Cũng mới 18 tuổi như Felice Borel khi trước, Giampiero đến từ thành phố Barengo chỉ được chơi 7 trận trong cả mùa giải, mà trong 6 trận sau cùng anh đã ghi 6 bàn. Felice Borel ra đi và người thay thế bấy lâu Juventus tìm kiếm đã xuất hiện, một cách bất ngờ như cái cách mà Felice Borel đã từng xuất hiện.

Với Giampiero Boniperti, mầm non của một scudetto mới đã nhú lên, nhưng dường như Piero Dusio hiểu rằng mình không thể thành công như cố chủ tịch Edoardo Agnelli và ông sẽ không bao giờ làm các cổ động viên quên đi được hình ảnh của con người đáng yêu ấy. Vì thế Piero Dusio, người dìu dắt Juventus đi qua những ngày chiến tranh, gõ cửa và thuyết phục Giovanni Agnelli, con trai của Edoardo Agnelli, người có cái tên đặt theo tên ông nội Giovanni Agnelli.  

Giovanni Agnelli mà mọi người thường gọi là Gianni Agnelli để không nhầm lẫn với ông nội của mình, thừa hưởng lối sống phong trần của cha mình, Edoardo, và phong cách làm việc của một nhà tư bản cổ điển của ông nội. Bởi chính vì điều đó, Gianni Agnelli có tình yêu đặc biệt dành cho Juventus. Không hẳn là vì anh cũng là cựu sinh viên trường trung học Liceo d’Azeglio. Không hẳn vì anh cũng theo học ngành luật sau đó như cha mình. Không hẳn vì từ nhỏ Gianni và em trai Umberto đã ham mê những bàn thắng của Raimundo Orsi và Felice Borel. Ngày Edoardo ra đi, anh em anh còn quá nhỏ để nhận lấy một vai trò lớn quá sức, nhưng mười hai năm sau, Gianni Agnelli bắt đầu bước tiếp con đường mà cha anh đã đi, là đưa Juventus đến với vinh quang. Đó mới là điều anh mong muốn. Sau mười hai năm, gia đình Agnelli lại trở về chỉ huy đoàn xe lửa Juventus, như một câu chuyện đã được sắp đặt nữa. Đó là ngày 22 tháng 7 năm 1947, Gianni Agnelli 26 tuổi.

 Công việc đầu tiên của chủ tịch trẻ tuổi Gianni Agnelli không phải là tìm kiếm những cầu thủ mới. Có lẽ Gianni cần một thời gian để làm quen và đội hình gần như được giữ nguyên vẹn cùng với cả huấn luyện viên Renato Cesarini cho mùa giải 1947/48. Tuy nhiên đội hình ấy không còn một loạt các cầu thủ nước ngoài nam Âu và Balkan, trở nên mất cân bằng và khó kiểm soát ghê gớm. Gianni Agnelli trải qua mùa bóng đầu tiên của mình bối rối như chính đội bóng của mình, có thể thắng rất đậm, có thể thua tan tác, ghi rất nhiều bàn thắng, có hôm chỉ 0-0. Giampiero Boniperti đoạt giải vua phá lưới bằng 27 quả. Nhưng một mình anh không thể so sánh với cả giàn tiền đạo của Torino ghi gấp đôi con số ấy (riêng cựu cầu thủ của chính Juventus, Guglielmo Gabetto, có 23 quả còn Valentino Mazzola 25). Juventus của Boniperti ghi được 78 bàn thắng sau 40 trận, rất nhiều, nhưng Torino còn khủng khiếp hơn, 125 bàn, lên ngôi vô địch và 6 điểm nhiều hơn Juventus (thứ 2).

 Những con số không chỉ chứng minh rằng Grande Torino là không thể cản nổi, mà còn diễn tả nỗi cô đơn của Giampiero Boniperti. Hoàn cảnh của anh lúc này không khác Ernesto Borel hồi năm 1909. Trong đoàn kịch Juventus, xung quanh anh không có những bạn diễn mà chỉ toàn những người làm nghề trang điểm. Gianni Agnelli và những người lãnh đạo nhận ra điều đó. Kết thúc mùa bóng Renato Cesarini phải nhường vị trí cho người Scozie thứ hai ở Torino sau George Aitken là William Chalmers. Để có bạn diễn cho Giampiero Boniperti, ba tiền đạo John Hansen, Johannes Pløger từ Đan Mạch và người Genova Emilio Caprile đáp tàu đến nơi, thêm tiền vệ người Anh William John Jordan vượt biển từ Tottenham Hotspur. Kết quả, mùa giải 1948/49, Juventus thua 12 trận, chỉ ghi được 64 bàn thắng và tụt luôn xuống thứ 4, nhìn Grande Torino đạp đổ kỷ lục 5 lần liên tiếp vô địch của mình ở trên cao vời vợi.

 Juventus thủng khung thành nhiều hơn, số bàn thắng của Giampiero Boniperti giảm một nửa. Con số mất đi ấy chia cho những người bạn diễn mới của anh. Hóa ra, phép cộng của những tiền đạo chưa đồng nghĩa với phép cộng của số bàn thắng, mà là một phép chia. Có nhiều nguyên nhân để kể rằng vì sao Juventus không giành được chiếc khiên ba màu trong cuộc đua dài đằng đẵng ấy. Vì Torino là bất khả bại trận. Vì huấn luyện viên William Chalmers không thể biến các cầu thủ giỏi thành một khối thăng hoa đồng điệu. Vì Gianni Agnelli quên mất rằng những công thần ở hàng thủ, những người đã cùng Juventus đi qua chiến tranh như anh em Lucidio Sentimenti và Vittorio Sentimenti, Pietro Rava, Teobaldo Depetrini giờ đây đã qua thời sung mãn nhất, còn đâu sức lực để chạy mệt nhoài theo quả bóng.

Dù là gì đi chăng nữa, tất cả những lí do ấy đều biến mất, bởi bàn tay của chủ tịch Gianni Agnelli và Chúa trời hay Quỷ dữ, chỉ trong hai chữ ‘định mệnh’. Ngày 4 tháng 5 năm 1949, Serie A 1948/49 còn 4 vòng đấu nữa mới kết thúc, nhưng Grande Torino bay sang tận Bồ Đào Nha để chơi một trận giao hữu vì tình hữu hảo với SL Benfica. Khi trở về, trong sấm chớp và giông bão, mây mù và tầm nhìn hạn chế, chiếc máy bay của hãng hàng không Italia (Avio Linee Italiane) đâm nhào vào chân một giáo đường trên đồi Superga, vì cố gắng hạ cánh xuống Torino. Cú đâm nhào trong giông bão mang theo sinh mạng của toàn bộ cầu thủ đội một Torino, huấn luyện viên, quản lí, đội bay và cả những nhà báo. Tổng cộng 31 người. Chiếc máy bay mang tên Fiat G212CP, sản phẩm làm từ một nhà máy của hãng Fiat bị Chúa trời hoặc Quỷ dữ mang đi, xóa sạch cả đội bóng đối thủ của Juventus. Từ đó thế giới không bao giờ còn thấy những ngôi sao như Guglielmo Gabetto và Valentino Mazzola đổ bóng trên sân cỏ vào những chiều chủ nhật nữa.

Bốn trận đấu cuối cùng, Torino vẫn tiếp tục chiến đấu bằng đội hình trẻ. Các đối thủ Fiorentina, Genoa, Sampdoria và Palermo cũng mang đội trẻ ra tiếp như một cách tỏ lòng tôn trọng những người đã ra đi. Vì thế mà đội trẻ Grande Torino thắng nốt 4 trận ấy và lên ngôi vô địch, nhưng đó cũng là chức vô địch buồn thảm nhất của calcio Serie A. Vĩnh viễn cho đến hôm nay, không bao giờ đội AC Torino lấy lại được bóng dáng xưa của mình. Nếu Juventus kết thúc chuỗi 5 lần vô địch bằng bị kịch trong một ngày nắng đẹp trên biển Genova thì Grande Torino cạn khô nước mắt bởi cơn giông trên đồi Superga. Phải chăng đó là một lời nguyền cho những ai đứng trên đỉnh cao chói lọi của chiến thắng? Không nhiều ai tin vào điều đó, mà tất cả đều hiểu với nhau rằng, cứ khi nào Juventus đứng trở mình trỗi dậy thì Torino lại chìm trong đêm tối và ngược lại. Hầu như chưa bao giờ họ cùng bước sóng đôi.
« Last Edit: March 15, 2011, 03:31 PM by PAVELVNR »
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #15 on: March 17, 2011, 04:25 PM »
Logged
Gianni ngủ quên trong vườn địa đàng

Bước vào mùa giải 1949/50, đối thủ lớn nhất trên con đường tìm lại scudetto của Juventus đã bị chọn để hiến tế, việc còn lại phụ thuộc vào Gianni Agnelli. Và anh đã làm. Sự nghiệp của huấn luyện viên William Chalmers với Juventus kết thúc chóng vánh hơn cả người Scozie trước là George Aitken. Một cựu cảnh sát người Liverpool có tên Jesse Carver vốn cũng là một cựu cầu thủ Newcastle United thành người tiếp theo vượt biển để nhận chiếc ghế của Chalmers. Đây là một người cách tân, với nhiều phương pháp huấn luyện lạ mắt: dùng nhiều bóng để tập chuyền ban chứ không chỉ bắt các cầu thủ chăm chăm chạy bộ. Hàng thủ già nua được Gianni Agnelli thay máu triệt để. Những người trên ba mươi tuổi như thủ môn Lucidio Sentimenti, hậu vệ Pietro Rava, tiền vệ Vittorio Sentimenti, Teobaldo Depetrini được thay bằng những chàng trai trẻ hơn rất nhiều: thủ môn Giovanni Viola, hậu vệ Alberto Bertuccelli, bốn tiền vệ mới toanh Giacomo Mari, Alberto Piccinini, Rinaldo Martino (Argentina) và đặc biệt là người Đan Mạch Karl Aage Præst. Dưới bàn tay can thiệp quyết liệt của chủ tịch Gianni Agnelli, chính những cầu thủ mới này và huấn luyện viên Jesse Carver đã xây nên một nền tảng vững chắc (chỉ thua 4/38 trận), một bệ phóng giúp cho hàng công bùng nổ (100 bàn thắng).

Trong mùa giải 1949/50 có một trận đấu đặc biệt. Chủ nhật ngày 5/2/1950, Juventus tiếp AC Milan trên sân nhà Comunale. Lúc đó trong đội hình AC Milan có những con người đang và sẽ trở thành huyền thoại như là bộ ba Thụy Điển Gunnar Nordahl, Nils Liedholm, Gunnar Gren, thủ môn Italia Lorenzo Buffon (anh em của ông nội Gianluigi Buffon) và huấn luyện viên Hungaria Lajos Czeizler. Có thể coi đó là cuộc đối đầu đầy xung khắc giữa những người Italia, giữa người Anh và Hungaria trên băng ghế huấn luyện, giữa bộ đôi Đan Mạch của Juventus và Thụy Điển của AC Milan. Kết quả, cuộc đối đầu giữa họ dựng lên mộc dấu mốc hận thù mới, AC Milan đả bại Juventus 7-1 ngay tại Comunale. Nhưng mặc kệ trận đấu tan nát ấy, cuối cùng Juventus vẫn là đội giành scudetto chứ không phải AC Milan. Mặc kệ cho Gunnar Nordahl ghi kỷ lục 35 quả để lên ngôi vua phá lưới, những cầu thủ Đan Mạch chứ không phải Thụy Điển mới là người chiến thắng cuối cùng. Lần thứ 8, đó là một trong những scudetto ngọt ngào nhất của Juventus. Lần đầu tiên cho Gianni Agnelli; lần đầu tiên, cuối cùng và cũng là duy nhất cho Pietro Rava. Mười lăm năm sau Edoardo Agnelli ra đi, ba năm sau khi tiếp quản đội bóng, Gianni Agnelli mới đưa được Juventus trở lại với dáng hình của La Fidanzata d’Italia của nó.

Mười lăm năm, khoảng thời gian chờ đợi đằng đẵng dài gấp 3 lần chiến tranh thế giới lần thứ 2, là khoảng đợi chờ đợi dài nhất cho một scudetto của Juventus cho đến ngày hôm nay. Chắc hẳn chiến thắng của mùa giải 1949/50 có những hương vị say mê đặc biệt. Cũng chính những hương vị ấy khiến những người Juventus thiếp quên đi trong cảm giác hạnh phúc.

Một trong bốn ngôi sao mới của hàng tiền vệ, Rinaldo Martino, quá nhớ quê hương, hoặc vì không thể thích nghi với cuộc sống ở Torino, đã trở về Nam Mỹ chỉ sau một năm, chỉ sau 33 trận và 18 bàn thắng. Pietro Rava chính thức chia tay đồng đội. Hạnh phúc với những người Đan Mạch, Juventus cuỗm mất của Atalanta tài năng Karl Aage Hansen để lấp khoảng trống mà Rinaldo Martino để lại. Không còn bất kỳ một tăng viện đáng kể nào nữa trong đội hình, dù là một hậu vệ kha khá. Đó có thể là phút vô thức thiếp quên đi của người đang trên đỉnh vinh quang, cũng có thể là sự chủ quan quá lớn vì những gì đang có trong tay. Juventus không biết rằng Gunnar Nordahl, Nils Liedholm, Gunnar Gren, Lorenzo Buffon và những người Milano vẫn bám đuổi sau lưng.

Mùa giải 1950/51, hai mươi ba bàn thắng của Karl Hansen lấp đầy kỉ niệm về người Argentina Rinaldo Martino. Dàn đồng ca tấn công gồm bộ ba Đan Mạch Karl Hansen, John Hansen, Carl Præst với Giampiero Boniperti và chàng lùn được nhớ mãi trong lịch sử chỉ bằng 11 năm làm tiền đạo dự bị Ermes Muccinelli. Tất cả đã nã vào khung thành đối phương vô khối bàn thắng (103 bàn). Nhưng vô khối bàn thắng của họ cũng không thể đổ đầy nên chiếc cup vô địch vì hàng thủ ở đáy đã thủng lỗ chỗ, không thể bịt lại mỗi khi thủ môn Giovanni Viola không thể thi đấu, hoặc có thi đấu cũng bất lực. Vô khối bàn thắng của họ cũng không vượt qua được khẩu súng máy Gunnar Nordahl và những người Milan trong cuộc đua này. Thất bại trong những cuộc đối đầu trực tiếp với AC Milan và Inter Milan đã đẩy Juventus xuống vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng cuối cùng, kém cả Inter Milan.

Ai là người ngủ quên, ai là người có lỗi? Với Juventus lúc này, không có chỗ cho những sai lầm, và nếu có ai đó sai lầm, thì người ấy không phải là Gianni Agnelli. Huấn luyện viên Jesse Carver mất việc ngay sau trận đấu cuối cùng của mùa giải. Và để trốn tránh nỗi buồn xâm chiếm, Juventus lên đường vượt Đại Tây Dương đến Rio de Janeiro và São Paulo tham gia vào giải đấu Taca de Rio với nhiều đội bóng châu Âu, Nam Mỹ tụ hội. Cũng giống như lần vượt dãy Alpi sang Thụy Sĩ khi xưa, Juventus lại mở đường cho các đội bóng Italia vượt đại dương mênh mông. Đối với các đội bóng như Juventus, Red Star Belgrade, Nice, Palmeiras, Austria Vienna, Nacional, Sporting Clube de Portugal, Vasco Da Gama, đây mới là giải vô địch các câu lạc bộ thế giới đầu tiên.

Dù đã hạ Palmeiras 4-0 ở vòng bảng nhưng vào chung kết Juventus lại thua chính đội này sau 2 trận (một ở São Paulo và một ở Rio de Janeiro trên sân khổng lồ mới Maracanã). Không sao, gần một tháng sôi động ở Brazil đã làm cho cả đội bóng trút bỏ mọi muộn phiền mà hít đầy vào lồng ngực cái thứ không khí sảng khoái. Trở về Italia, băng ghế huấn luyện được tạm thời dành cho Luigi Bertolini, người đã cùng Juventus đi qua thời gian hào quang nhất những năm thời Edoardo Agnelli lúc còn là cầu thủ. Và để chứng minh rằng chỉ có Jesse Carver mắc sai lầm, Juventus hầu như không có thêm một tăng viện nào nữa cho mùa giải mới ngoài hậu vệ trẻ Giuseppe Corradi từ Modena. Kết quả đúng là... Jesse Carver sai!

Mười trận đấu đầu tiên của mùa 1951/52 dưới tay Luigi Bertolini, Juventus thắng đến 8, hòa 1 và thua 1. Luigi Bertolini không ở lại lâu, sau trận thứ 10 đã nhường ghế cho người Hungaria danh tiếng György Sarosi. Huấn luyện viên có thay đổi, nhưng những trận đấu của Juventus thì không. Chỉ bằng việc xoay vòng hàng thủ và một vài vị trí khác, Juventus đã hạn chế tối đa bàn thua (chỉ bị 34 quả) trong lúc mà lượng bàn thắng vẫn giữ nguyên như cũ. Lần đầu tiên John Hansen đánh bại Gunnar Nordahl trong cuộc đua lên ngôi vua phá khung thành. Ngôi sao Istvan Nyers của Inter Milan cũng chịu đứng sau nốt. Ngay cả chàng lùn Ermes Muccinelli cũng kiếm được 17 quả cho riêng mình, còn Giampiero Boniperti lúc nào cũng ổn định ở mức trên thấp 20 quả.

Chiếm thế cao hơn trong các cuộc đối đầu với 2 đối thủ trực tiếp từ Milano khiến cho scudetto lần thứ 9 của Juventus trở nên thuyết phục. Juventus liền sau đó bay đến Paris và tham gia vào Latin Cup, tiền thân của các cup châu Âu ngày nay, và đoạt luôn ngôi thứ 3. Một mùa giải đáng để ngợi ca. Nhưng không phải lúc nào Gianni Agnelli cũng đúng. Khi bạn chủ quan và sao lãng chỉ trong phút giây, bạn đã phải trả giá đắt. Thế mà đây lại là cả một mùa giải Serie A khi đối thủ Inter Milan đã âm thầm chịu đựng bấy lâu dưới gót AC Milan và Juventus, giờ đang trỗi dậy thực sự. Một đội bóng chuyên nghiệp không thể thành công mãi với một đội hình giống nhau liền trong 3, 4 năm. Nó phải được thay đổi, được vun vén, được bồi đắp thêm những điều mới mẻ hơn, khỏe khoắn hơn.
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #16 on: March 23, 2011, 11:59 PM »
Logged
Gianni Agnelli và Juventus tiếp tục đặt niềm tin vào những gì mình có trong tay. Nhưng điều đó không còn đúng nữa. Serie A đã giảm từ 20 xuống còn 18 đội trong mùa giải 1952/53. Những đội bóng yếu nhất bị đẩy xuống Serie B khiến cho Serie A trở nên khắc nghiệt. Bàn thắng trở thành một của quý, còn đội nào phòng thủ tốt nhất sẽ giành chiến thắng. Trong hoàn cảnh ấy, chấn thương liên miên và sự sa sút ngạc nhiên của những trụ cột như Karl Hansen, Giampiero Boniperti cùng với cả chàng lùn Ermes Muccinelli khiến cho số bàn thắng của Juventus chỉ còn 73 (giảm 25 quả!). Hàng tiền vệ và hàng thủ không được tăng cường lại khiến số bàn thua tăng lên (thêm 6 quả).

Điều tất yếu là Juventus mất vị trí số một vào tay Inter Milan, một đội bóng khiêm tốn được dẫn dắt bởi chính một cựu ngôi sao của Juventus là Alfredo Foni. Khiêm tốn ở chỗ Inter chỉ ghi được 55 bàn thắng, nhưng thủ môn Giorgio Ghezzi đã bắt một giải điên rồ của anh, chỉ để lọt tay 24 quả sau 34 trận. Kể cả ở Serie A thế kỷ 21 thì con số đó vẫn đáng nể chứ không riêng gì thời đại của Giorgio Ghezzi. Sự thật là Inter Milan không quá mạnh, nhưng họ đã biết âm thầm chịu đựng trong nhiều năm để đạp đổ Juventus và AC Milan, hai đội bóng đã tự làm suy yếu chính mình. Hai điểm ít hơn Inter Milan khi khép lại mùa bóng, Juventus thấy mình trở nên yếu hơn.

Thời của những người Đan Mạch tung hoành rồi cũng phải qua đi, không ai thanh xuân mãi với đôi chân lành lặn để mà cùng nhau bắn phá sân cỏ Serie A. Người lãnh đạo trẻ tuổi Gianni Agnelli cũng đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, rằng những cầu thủ yêu mến của ông từ Giampiero Boniperti cho đến chàng lùn Ermes Muccinelli, từ Karl Hansen cho đến John Hansen không thể chạy nhiều hơn nữa. Nhưng sân cỏ cũng có những quy tắc riêng của nó. Khi bạn nhận ra sai lầm, thì hoặc là bạn đã đánh rơi mất tất cả những gì quý giá hoặc là quá khó giành lại nó một lần nữa.

Từ đầu mùa giải 1953/54, người Hungaria György Sarosi nhường lại vị trí cho một người Verona xa lạ, cựu huấn luyện viên Inter Milan, Aldo Olivieri.  Karl Hansen là cầu thủ đầu tiên trong bộ ba Đan Mạch rời Juventus, cùng với 4 tiền vệ Italia khác. Juventus ồ ạt thay máu hàng tiền vệ, còn lại hàng thủ và tấn công thì không. Dù đúng dù sai, điều đó cũng không mang đến nhiều hiệu quả, bởi đã muộn rồi. Khi một chiếc xe lửa khổng lồ ngừng chạy sau một thời gian dài xình xịch với nắng mưa và bão gió, nó không chỉ bị rỉ một cái đinh vít. Juventus cũng thế. Những người mới đến cũng không đủ phẩm chất để thay thế những người cũ, và Aldo Olivieri cũng chỉ có thể giúp Juventus vá lại được một chút ở hàng thủ, khiến cho đội không bị thủng khung thành nhiều. Còn hàng công của bộ ba Giampiero Boniperti - John Hansen - Ermes Muccinelli đã kiệt sức, số bàn thắng tiếp tục giảm gần 20 quả xuống còn 58. Không ghi được nhiều bàn thắng, Juventus hòa quá nhiều (11 trận). Inter Milan chỉ hơn một chút, nhưng một chút khá hơn Juventus ấy, chỉ bằng đúng một trận hòa, cũng đủ để lần thứ 2 liên tiếp lấy mất scudetto của Juventus.
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #17 on: March 28, 2011, 12:03 AM »
Logged
Những chai nước suối của Umberto Agnelli

Giống như tất cả các thành viên trong gia đình Agnelli khác, Gianni Agnelli không thể dành hết thời gian của mình cho Juventus. Fiat, cỗ máy khổng lồ lúc đó đang chiếm gần 5% tổng thu nhập của cả đất nước Italia, mới là thứ tiêu tốn thời gian và năng lượng của ông hơn cả. Vì trọng trách mà ông nội để lại đối với Fiat, tháng 9 năm 1954 Gianni Agnelli phải rời vị trí chủ tịch Juventus. Khi mà Juventus đang được tổ chức như một đội bóng đơn thuần thuộc sở hữu của gia đình Agnelli, chưa phải là một công ty, thì việc Gianni Agnelli rời vị trí đồng nghĩa với rời ra tất cả các công việc thường ngày đã giáng một đòn cực mạnh vào đội bóng. Trong lúc mà nhiều chiếc toa trong đoàn xe lửa Juventus vẫn chưa được đóng mới.

Lần thứ hai trong lịch sử Juventus có một nhóm 3 người đóng vai trò như chủ tịch mới. Enrico Craveri, Nino CravettoMarcello Giustiniani được chỉ định hoàn thành những công việc mà Gianni Agnelli để lại. Nhưng dù ba người họ có được tăng lên thành mười thì họ cũng không thay thế được Gianni, thì Juventus cũng không thể trở lại con đường chiến thắng. Đội bóng ấy không được đầu tư mạnh mẽ bằng những ngôi sao mới. John Hansen nối gót Karl Hansen thành người thứ hai trong bộ ba Đan Mạch ra đi. Juventus chỉ còn lại vài công thần đã qua thời đỉnh cao như Giampiero Boniperti, Ermes Muccinelli, Carl Præst cộng với hàng thủ tiêu điều đều đã trên dưới 30 tuổi và vài cầu thủ trẻ kém tiềm năng.

Điều gì sẽ đến cũng phải đến, Juventus tụt một mạch xuống vị trí thứ 7 Serie A trong mùa giải 1954/55. Trớ trêu thay, họ vẫn còn đứng trên đương kim vô địch Inter Milan đúng 1 bậc và 1 điểm nhiều hơn! Cuối mùa giải này một cuộc cách mạng nhân sự đã diễn ra. Em trai Gianni Agenelli là Umberto Agnelli mới có 21 tuổi lên thay bộ ba chủ tịch. Đi cùng với Umberto Agnelli là huấn luyện viên mới người Italia vừa trở về từ Barcelona, Sandro Puppo. Một loạt cận vệ già (có Ermes Muccinelli, Rino Ferrario, Sergio Manente) phải nhường vị trí cho những cầu thủ trẻ tuổi hoặc mới được chiêu nạp hoặc được đẩy lên từ tuyến dưới. Sai lầm nối tiếp sai lầm, với riêng Juventus lúc này đây, không thể lấy lại hình ảnh của một nhà vô địch bằng những cầu thủ vô danh, không thể đẩy con tàu đi bằng việc chỉ tiếp nhiên liệu là vài chai nước suối.

Những trải nghiệm đầu tiên của chủ tịch Umberto Agnelli trẻ măng cùng với huấn luyện viên Sandro Puppo đối với Juventus thật khủng khiếp. Sau này người ta cũng kể rằng Sandro Puppo là người ương ngạnh khi nhất quyết trẻ hóa triệt để đội hình bằng những cầu thủ còn vô danh của ông. Điều đó mang lại cho Sandro Puppo thành tích mà ông chỉ muốn xóa đi trong ký ức: huấn luyện viên tệ hại nhất trong lịch sử Juventus. Hai năm dưới tay Sandro Puppo, hai lần Juventus chết đuối dưới vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng, sau nhiều năm đã thua Torino trong trận derby và lập nên vô vàn kỷ lục buồn. Cuộc cách mạng trẻ của huấn luyện viên và chủ tịch mới khiến cho Juventus chết lịm.

Khi mà Umberto Agnelli tỉnh ngộ ra sai lầm của mình, khi mà lòng kiên nhẫn đối với huấn luyện viên thảm họa Sandro Puppo đã hết, thì người phải ra đi là Sandro Puppo chứ không phải Umberto Agnelli. Đển lúc một vài cầu thủ trẻ đã tích lũy được chút kinh nghiệm thì huấn luyện viên của họ, người đã ném họ vào sân chơi khắc nghiệt Serie A cũng không còn ở đó mà để được tận hưởng thành quả nữa. Cùng với việc sa thải Sandro Puppo đó, tiền lại đổ ra, Juventus cũng mang về những ngôi sao thực sự cho mùa giải 1957/58. Không tiếp nước suối nữa, Juventus nạp năng lượng tuyệt hảo. Sau hai năm ra đi, Rino Ferrario trở về chỉ huy hàng hậu vệ. Theo gợi ý của oriundo một thời Renato Cesarini, Juventus mang về người mà sau này được gọi là thằng lùn Argentina, Maradona của những năm 60, đứa con ngỗ ngược, xấc láo và xấu xí của bóng đá, Omar Enrique Sivori từ River Plate. Chưa hết, huấn luyện viên mới Ljubiša Broćić có lưng vốn 10 năm kinh nghiệm dắt hông còn mang theo về Torino thủ môn trẻ Carlo Mattrel. Juventus tiếp tục tấn công vào phiên chợ cầu thủ bằng việc tuyển mộ trung phong khổng lồ xứ Wales, William John Charles. Vụ chuyển nhượng anh chàng vạm vỡ 1m88 John Charles từ Leed United tốn kém 65,000 bảng, lập kỷ lục mới phí chuyển nhượng ở nước Anh.

Không có lí do gì để lún sâu trong cơn mê ngủ nữa. Khi Carl Præst, người cuối cùng của bộ ba Đan Mạch nói lời chia tay, một nhóm khác xuất hiện. Dù không hoàn toàn bịt được những lỗ thủng nơi đáy hàng thủ, thì hàng công với bộ ba ma thuật (trio magico) Boniperti-Sivori-Charles cũng khuynh đảo Serie A, đủ sức kéo Juventus một mạch từ thứ 9 mùa trước lên đỉnh Serie A. Trio magico còn được gọi là 'những thiên thần có khuôn mặt xấu xí', Angeli dalla faccia sporca, theo tên một bộ phim găng-tơ Mỹ sản xuất năm 1938 vốn rất nổi tiếng ở một đất nước yêu điện ảnh như Italia.

Đôi chân Omar Sivori lướt đi bên cánh như gió cuốn, để lại đằng sau đối phương xoay tít như lá rơi. Điều đó tạo cảm hứng cho cả đội bùng nổ. Riêng Omar Sivori ghi cho mình 22 bàn thắng, người khổng lồ John Charles còn nhiều hơn, 28 và cũng lên luôn ngôi vua phá khung thành. 1957/58 là scudetto thứ 10 trọn vẹn, Juventus trở thành đội bóng Italia đầu tiên giành được 10 scudetto. Sau 3 năm khổ ải, đúng bằng thời gian chờ đợi của cha và anh mình, Umberto Agnelli cũng giành được một scudetto. Quá vui mừng vì điều đó, Gianni Agnelli nghĩ đến ý tưởng mỗi đội bóng sẽ được gắn một ngôi sao trên áo, cho mỗi 10 scudetto.

Tuy thế, khi mà bóng hình Grande Torino chỉ còn trong ký ức thì Serie A vẫn không chỉ một mình Juventus, mà còn có cả AC Milan. Juventus có Maradona của những năm 60 Sivori, thì AC Milan có Mazzola của Brazil José Altafini. Cung cách so sánh cộc lệch ấy dù sao cũng đủ để nói rằng Juventus không cô đơn, không nên lơ là. Nhưng mà họ vẫn sao lãng, đó mới là điều đáng tiếc. Có điều gì đó trong con tàu Juventus đã không hoạt động ở mùa giải tiếp theo 1958/59. Vẫn những con người ấy, nhưng Omar Sivori lại đánh mất đi ở đây đó bước chạy quyến rũ của mình, bóng hình lực lưỡng của John Charles khó dọa nạt được ai. Juventus khởi đầu mùa giải không được tốt. Chuỗi trận thất thường của đội bóng được đánh dấu bằng trận thua 4-5 trước AC Milan ngay trên sân nhà ở vòng đấu thứ 8. Có thể nói AC Milan quá mạnh với Lorenzo Buffon, Cesare Maldini, Nils Liedholm, José Altafini và Juan Schiaffino nhưng đó không phải là lí do duy nhất để lí giải cho trận thua mất mặt của đội đương kim vô địch. Vì thế huấn luyện viên Ljubiša Broćić mất chức, một người Juventus cũ Teobaldo Depetrini được đưa lên thay thế.

Nhưng dù có đổi người lái, thì chiếc xe lửa Juventus cũng chỉ cứu vãn được phần nào đó một mùa giải thất bại. Số trận thắng của Juventus vẫn giảm đi, hòa nhiều hơn, cuối cùng mất scudetto vào tay José Altafini và các đồng đội. Lần đầu tiên góp mặt ở cúp C1 châu Âu ở mùa giải này, Juventus bị đội vô địch Áo Wiener SC hạ nhục 7-0(!) trên đất Áo và bị loại ngay từ vòng 1 mặc dù đã dẫn trước 3-1 ở lượt đi trên đất Italia. Cũng may là Teobaldo Depetrini đã đưa đội giành danh hiệu an ủi Coppa Italia lần thứ ba sau trận chung kết đánh bại Inter Milan 4-1 tại San Siro. Kết quả ấy đối với một người đóng thế như Teobaldo Depetrini cũng là tạm hài lòng. Sau trận tranh cúp, ông nhường lại vị trí cho một người quen, oriundo Renato Cesarini, lần thứ 2 trở lại băng ghế huấn luyện.
« Last Edit: March 28, 2011, 12:07 AM by PAVELVNR »
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #18 on: March 31, 2011, 11:40 PM »
Logged
Bài học thuộc lòng khó nhớ

Torino cuối cùng cũng phải xuống hạng dù đã phải kiên trì chống đỡ từng mùa một. Đến lúc này thì Serie A là cuộc chiến giữa AC Milan, Inter Milan và Juventus. Những trận đấu duyên nợ giữa AC Milan và Juventus đã có từ những ngày đầu tiên của bóng đá Italia và đến bây giờ thì cuộc đối đầu giữa Inter Milan và Juventus còn được đẩy lên một tầm cao hơn: Trận đấu của nợ nần và thù hận chồng chất. Đó cũng là lí do để trong mười năm tiếp theo cái cụm từ nghe rung động derby d’Italia mà các nhà báo gán cho trận đấu Juventus - Inter Milan ra đời. Mà thôi, ta cứ kệ những ngày bắt đầu để derby d’italia ra đời ở đó để nói về Umberto Agnelli. Khi anh đã mở ra một chu kỳ thành công mới của Juventus, không có lí do gì để dừng lại.

Renato Cesarini cũng không cần lần trở về này để đánh bóng thêm tên tuổi của mình nữa. Bởi từ lâu rồi ông đã xây nên hình ảnh không thể nào quên của mình trong suốt chiều dài lịch sử Juventus. Nhưng Juventus cần ông, cho một scudetto. Và ông mang đến không phải một chiếc cúp, mà là hai, thậm chí không phải hai, mà nhiều hơn nữa.

Trong mùa bóng 1959/60, Juventus không có bất kỳ một sự thay đổi lớn nào trong đội hình ngoại trừ vị trí huấn luyện viên. Thế nhưng trên sân nhà Comunale đội hình vô địch hai năm trước lấy lại được bóng dáng quyến rũ của mình trong đôi chân Omar Sivori và John Charles. Juventus vùi dập tất cả. Mười bảy trận đấu trên sân nhà, Juventus thắng 15, ghi vô vàn bàn thắng. Khi Omar Sivori và John Charles tìm lại phong độ của mình, không tiền đạo nào ở Serie A có thể theo kịp nữa, kể cả người đó là José Altafini hay là ngôi sao của Fiorentina Kurt Hamrin. Sau John Charles năm 1958, Omar Sivori lên ngôi vua phá lưới Serie A với 28 bàn thắng, John Charles cũng đứng thứ 3 trong danh sách với 23 bàn và đưa Juventus giành lấy scudetto lần thứ 11.

Đối với scudetto này, Juventus được ngợi ca không phải với hình ảnh aggressivi e forti như ngày xưa, mà mang đến cảm giác của một Juventus với những bước chạy lôi cuốn kỳ diệu của trio magico. Không dừng lại ở đó, Juventus còn tiến một mạch đến trận chung kết Coppa Italia, đánh bại chính á quân Fiorentina trên sân San Siro để giành cú đúp đầu tiên ở Italia. Chiến thắng này thuộc về Umberto Agnelli, Renato Cesarini và các cầu thủ. Nhưng trong men say chiến thắng ấy, cũng có những điều đáng lo ngại mà người ta không nhìn thấy hoặc những bài học từ quá khứ đã bị cố tình không ghi nhớ trong lòng.

Chiến thắng bao giờ cũng tạo ra ảo tưởng về sức mạnh của mình. Juventus cũng có lúc như thế. Bài học mà Gianni Agnelli đã trải qua vài năm trước không được Umberto Agnelli và chính Gianni Agnelli ghi nhớ. Nếu một ngày bộ ba ma thuật Giampiero Boniperti - Omar Sivori - John Charles ngừng chạy như những người Đan Mạch trước đây, điều gì sẽ đến? Không có gì cả ngoài nỗi buồn của nhiều mùa giải thua cuộc. Dù biết hay không biết điều đó, dù nhớ hay không nhớ điều đó, thì Umberto Agnelli và người anh mình, Gianni Agnelli (dù đã không còn về mặt lý thuyết đứng đầu Juventus nữa, nhưng vẫn có những ảnh hưởng quan trọng) cũng không có bất cứ một sự tăng cường lực lượng nào cho đội bóng vào mùa giải 1960/61, năm mà họ sẽ bảo vệ hai chiếc cúp trong nước và một lần nữa dấn thân vào đấu trường cúp C1 châu Âu.

Mối lo ngại ngày đã lập tức phát tác và suýt chút nữa khiến cho Juventus trắng tay ở mùa giải 1960/61. Ngay từ những vòng đầu tiên, Juventus đã mất phương hướng, thua hai trận liên tiếp trước Fiorentina (0-3) và AC Milan (3-4). Bại trận 3-4 ngay trên sân nhà trước AC Milan chẳng khác nào trận thua 4-5 ở mùa 1958/59 làm cho Ljubiša Broćić mất chức. Mỗi khi đội bóng thất bại thì người đầu tiên phải bước lên giá treo cổ là huấn luyện viên. Và ở Juventus lúc này, nếu có sai lầm, thì sai lầm không bao giờ thuộc về Gianni Agnelli và Umberto Agnelli. Còn lại, dù bạn là ai, bạn cũng chỉ có một lần cơ hội. Sai lầm, có nghĩa là sẽ không có lần thứ hai cho bạn sửa chữa. Đấy là nguyên tắc khắc nghiệt đi theo Juventus đến mãi về sau này.
« Last Edit: April 01, 2011, 01:07 PM by PAVELVNR »
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

Offline Pavelvnr

  • *
  • Juventini
  • Posts: 1,844
  • Joined: Oct 2004
  • Thanked: 416
  • Thanks: 408
  • Gender: Female
  • Người gác rừng bị lãng quên
« Reply #19 on: April 04, 2011, 11:08 PM »
Logged
Derby, đôi giày và chiếc đi văng

Dưới áp lực kinh khủng của Juventus và cả những người hâm mộ khắp Italia của nó, Renato Cesarini phải từ chức chỉ sau 6 trận đấu, nhường ghế cho cựu hậu vệ tài năng ngày nào. Đó chính là cầu thủ hệ sau của Renato, Carlo Parola. May mắn là Juventus đã không chìm đi tiếp như mùa 1958/59 mà vực dậy được, hoặc là các đối thủ không đủ sức để trừng phạt họ. Carlo Parola đưa đội bóng đi dần về cuối mùa giải, cuối cùng cũng giành được scudetto lần thứ 2 liên tiếp. Nhưng đó chính là một trong những scudetto vất vả nhất trong lịch sử Juventus (thua 7 hòa 5 trong 34 trận). Ở Coppa Italia, họ thua chính Fiorentina ở bán kết và chỉ giành giải ba. Còn Cúp C1, một lần nữa Juventus thua thảm ngay từ vòng 1, lần này là 1-4 trên đất Bulgaria của CDNA Sofia dù đã thắng 2-0 lượt đi.

Chức vô địch Serie A của Juventus lần này còn được nhớ nhiều hơn bởi một trong những câu chuyện ghi dấu đậm nhất về mối căm thù giữa những người Juventus và Inter Milan. Ngày 16 tháng 4 năm 1961, Juventus tiếp nhà vô địch mùa đông Inter Milan ở vòng đấu thứ 28 của Serie A diễn ra trong cảnh Inter Milan đang trải qua 5 trận liên tiếp không thắng (4 thua), trong khi Juventus lại vừa thắng 4 trận liên tiếp (sau trận thua AC Milan 1-3 ở vòng 23) để vượt lên bỏ cách Inter Milan 4 điểm. Trên sân Comunale, Juventus thông báo bán được 61,000 vé vào cửa cho trận đấu mà các nhà báo gọi là ‘trận đấu của năm’. Nhưng thực ra con số có vẻ hơn rất nhiều, đến nỗi khoảng 5,000 cổ động viên đã tràn vào sát mép sân. Một cặp vợ chồng thậm chí còn nhảy cả vào băng ghế của đội Inter Milan để ngồi. Các cổ động viên chỉ ngồi cách đường biên một mét và gây ra áp lực đối với trọng tài Carlo Gambarotta. Phút thứ 31, Egidio Morbello sút bóng đập cột dọc Juventus, cả sân bóng như sấm dậy đã khiến Carlo Gambarotta hoảng hồn thổi còi chấm dứt trận đấu, dù sau này cầu thủ Inter Milan Aristide Guarneri nói rằng ‘có vẻ như không có gì thực sự nguy hiểm’. (Mùa 1958/59 trận Inter - Juventus cũng bị dừng giữa chừng, nhưng vì sương mù, trong lúc Inter đang dẫn 2-0, đá lại Juventus thắng 3-1!).

Theo như tiền lệ và cũng có thể đoán trước được, sau cuộc họp, ban tổ chức giải Serie A quyết định xử cho Inter Milan thắng 2-0, rút ngắn cách biệt với Juventus xuống còn 2 điểm (2 điểm cho 1 trận thắng). Nhưng Juventus, một đội bóng mà quyền lực đang bao trùm bóng đá Italia (Umberto Agnelli còn đang đứng đầu FIGC) không dễ dàng chấp nhận như thế, trận đấu được lôi ra tòa án thể thao. Tại đây, một ngày trước ngày cuối cùng trước mùa giải, tức là vòng 34, khi Inter Milan chuẩn bị tiếp Catania trên sân nhà San Siro, tòa án thể thao quyết định đá lại trận Juventus - Inter Milan.

Quyết định trên đã giáng một đòn tinh thần như búa nện xuống đầu các cầu thủ Inter Milan khiến cho đội này đá như mất hồn và chịu thua luôn Catania 0-2. Chưa hết, chủ tịch Inter Milan Angelo Moratti tức tối kêu lên FIGC, nhưng những gì ông ta nhận được chỉ là sự im lặng. Quá cay đắng bởi quyết định của tòa án, Angelo Moratti và huấn luyện viên Helenio Herrera cùng bảo nhau tung đội trẻ vào sân trong trận đá lại với Juventus.

Bước vào trận đá lại là lúc Juventus có thừa điểm để giành scudetto vì Inter đã mất 2 điểm lại thua Catania. Trong đội trẻ Inter Milan ấy có Sandro Mazzola, con trai của huyền thoại Valentino Mazzola, chơi trận ra mắt và đã gỡ lại một bàn danh dự cho Inter Milan. Nhưng những cậu nhóc ấy không thể chống đỡ được những người Juventus. Họ đã nã vào khung thành Inter Milan 9 lần, riêng Omar Sivori đã tự điền thêm 6 quả cho mình trong cuộc đua giành Quả bóng vàng châu Âu. 9-1 cho Juventus, mẹ của tất cả các trận derby d’Italia, và scudetto lần thứ 12. Đó là một scudetto có nhiều dư vị, những sai lầm (của nhiều người) được sửa chữa bằng sự ra đi (của một người - Renato Cesarini) hồi đầu mùa, có ám ảnh bởi quyền lực bao trùm của Juventus ở calcio Serie A (với Umberto Agnelli), có trận đấu của lòng thù hận (derby d’italia), có Quả bóng vàng châu Âu (Pallone d'oro) đầu tiên cho Juventus (của Omar Sivori), có sự xuất hiện của một tài năng mới (Sandro Mazzola) và có cả một lời từ giã.

Sau trận đấu, vào đến phòng thay đồ, Giampiero Boniperti ngồi xuống chiếc đi văng và gọi tay mát-xa của đội lại. Anh đưa cho gã ta đôi giày và bảo: ‘đây, cầm lấy, hãy mang nó đi đi, tôi không cần đến nó nữa’, như một lời chia tay. Giampiero Boniperti, 33 tuổi, khép lại cánh cửa của sự nghiệp cầu thủ 15 năm và kỷ lục 178 bàn thắng với Juventus.
« Last Edit: April 04, 2011, 11:09 PM by PAVELVNR »
Phan Lâm An - Y!M: Pavluchkaaa

0 Members and 2 Guests are viewing this topic.